CHÍNH PHỦ
_____
Số: 64/2008/NĐ-CP
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
___________________________
Hà Nội, ngày 14 tháng 5 năm 2008 |
NGHỊ
ĐỊNH
Về vận
động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp
tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn
do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm
nghèo
______
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam ngày 12 tháng 6 năm 1999;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước
ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài
chính,
NGHỊ ĐỊNH :
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị
định này quy định về tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử
dụng các nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và
ngoài nước hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra trong và ngoài
nước; khắc phục hậu quả do hoả hoạn; sự cố nghiêm trọng; hỗ trợ bệnh nhân
mắc bệnh hiểm nghèo.
2. Các khoản hỗ trợ từ ngân sách cấp trên cho
ngân sách cấp dưới để khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm
trọng; các khoản hỗ trợ từ ngân sách của các địa phương khác ủng hộ các địa
phương bị thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng không thuộc phạm vi điều
chỉnh của Nghị định này. Việc tiếp nhận, phân phối và sử dụng các khoản kinh
phí hỗ trợ từ ngân sách thực hiện theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh.
Điều 2. Nguyên tắc tổ chức
vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện
1. Nhà nước khuyến khích, tôn
vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài
nước với tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách trong
việc đóng góp và tổ chức vận động đóng góp để nhanh chóng khắc phục hậu quả
thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và
phát triển sản xuất; giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
2. Việc tổ chức vận động đóng
góp ủng hộ khắc phục khó khăn chỉ thực hiện khi thiên tai, hoả hoạn, sự cố
nghiêm trọng xảy ra làm thiệt hại lớn về người, tài sản của nhân
dân.
Việc vận động đóng góp giúp đỡ
các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo được thực hiện theo từng trường hợp cụ thể
thông qua việc tuyên truyền, kêu gọi ủng hộ của các cơ quan thông tin đại
chúng.
3. Việc đóng góp tiền, hàng khắc
phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng; giúp đỡ bệnh nhân mắc
bệnh hiểm nghèo được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện với lòng hảo tâm;
các cơ quan, tổ chức không tự đặt ra mức huy động đóng góp tối thiểu để ép
buộc người dân thực hiện.
4. Công tác tổ chức vận động,
tiếp nhận, phân bổ và sử dụng tiền, hàng đóng góp trong mỗi cuộc vận động
khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng phải được thực
hiện tập trung, kịp thời, đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai và chỉ
đạo thống nhất, đảm bảo tất cả nguồn tiền, hàng đều được chuyển đến cho các
cá nhân, hộ gia đình và các địa phương bị thiệt hại và các quốc gia khác bị
thiên tai.
5. Việc sử dụng tiền,
hàng ủng hộ theo đúng mục đích huy động để khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa
hoạn, sự cố nghiêm trọng; giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo; nghiêm
cấm sử dụng sai mục đích dưới bất kỳ hình thức nào.
6. Đối với khoản đóng góp, giúp
đỡ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo phải được chuyển đến đúng đối tượng cần
được giúp đỡ.
7. Nguồn kinh phí phục vụ cho
việc vận động, tiếp nhận, vận chuyển tiền, hàng cứu trợ; chi phí cho việc
vận động, đóng góp, giúp đỡ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo thực hiện theo quy
định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Ngân
sách nhà nước và quy định tại Nghị định này.
Điều 3. Các hành vi bị nghiêm
cấm
1. Cản trở hoặc ép buộc tổ chức,
cá nhân tham gia hoạt động cứu trợ nhân đạo.
2. Báo cáo sai sự thật, gian
lận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng do các tổ chức, cá nhân trong
nước, ngoài nước ủng hộ, đóng góp.
3. Lợi dụng hoạt động cứu trợ để
vụ lợi.
Chương II
QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC VẬN ĐỘNG
ĐÓNG GÓP, TIẾP NHẬN TIỀN, HÀNG CỨU TRỢ KHẮC PHỤC HẬU QUẢ THIÊN TAI, HOẢ
HOẠN,
SỰ CỐ NGHIÊM TRỌNG TRONG NƯỚC
Điều 4. Tổ chức kêu gọi, vận
động đóng góp tiền, hàng cứu trợ
1. Khi thiên tai, hỏa hoạn, sự
cố nghiêm trọng xảy ra gây thiệt hại lớn về
người, tài sản và phương tiện sản xuất của nhân dân thì tuỳ theo mức độ,
phạm vi thiệt hại, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
hoặc Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện tổ chức kêu gọi, vận động các tổ
chức, cá nhân đóng góp tiền, hàng
cứu trợ nhân dân và các địa phương bị thiệt hại.
2. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ra
lời kêu gọi ủng hộ theo hệ thống Chữ thập đỏ trong nước và ngoài nước.
3. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện
quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm
2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện (sau
đây gọi chung là quỹ xã hội, quỹ từ thiện) được phép vận động đóng góp hỗ
trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng theo quy định
của pháp luật.
4. Các cơ quan thông tin đại
chúng (Báo, Đài); các tổ chức đơn vị quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định
này, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp được
phép vận động đóng góp hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố
nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Các tổ chức, đơn vị
được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ
1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của
Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ
các cấp ở địa phương.
2.
Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại Nghị định số 148/2007/NĐ-CP
ngày 25 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội,
quỹ từ thiện.
3. Các tổ chức, đơn vị ở Trung
ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức,
đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp
huyện cho phép.
Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu
trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận
tiền, hàng cứu trợ.
4. Đối với các cơ quan, tổ chức
tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ của tập thể, cá nhân thuộc đơn vị mình đóng góp
để cứu trợ đồng bào, các địa phương bị
thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng thì thực hiện theo quy định tại
khoản 1 Điều 9 Nghị định này.
Điều 6. Thành lập Ban Vận
động và tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ
1. Quyết định thành lập Ban Vận
động và tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ (sau đây gọi tắt là Ban Cứu trợ)
Ban Thường trực Ủy ban Trung
ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định thành lập Ban Cứu trợ ở Trung
ương; Ban Cứu trợ ở cấp tỉnh, cấp huyện,
cấp xã do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từng cấp ở địa phương quyết định.
2. Ban Cứu trợ của từng cấp do
lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp là Trưởng ban.
a) Thành phần Ban Cứu trợ do
Trưởng ban quyết định nhưng phải có đại diện các cơ quan: Hội Chữ thập đỏ;
cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội; Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão;
cơ quan Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; cơ quan Y tế; cơ quan Tài chính
cùng cấp. Đối với Ban Cứu trợ các cấp ở địa phương có thêm đại diện Văn
phòng Ủy ban nhân dân;
b) Trường hợp cần thiết, Trưởng
ban Cứu trợ có thể thành lập tổ chuyên
viên giúp việc. Chức năng, nhiệm vụ của tổ chuyên viên do Trưởng ban quy
định.
3. Việc vận động tiếp nhận, phân
phối và sử dụng tiền, hàng cứu trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự
cố nghiêm trọng của Hội Chữ thập đỏ từ Trung ương đến địa phương thực hiện
theo quy định của Điều lệ Hội.
4. Việc vận động tiếp nhận, phân
phối và sử dụng tiền, hàng cứu trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự
cố nghiêm trọng của quỹ xã hội, quỹ từ thiện thực hiện theo quy định của
pháp luật.
Điều 7. Thời gian vận động
đóng góp, tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ
1. Thời gian phát động cuộc vận
động chậm nhất sau 3 ngày, kể từ ngày thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm
trọng xảy ra.
2. Thời gian vận động đóng góp:
a) Thời gian vận động, tiếp nhận
tiền, hàng cứu trợ ở cấp trung ương, cấp tỉnh kéo dài không quá 60 ngày, kể
từ ngày bắt đầu phát động cuộc vận động đóng góp;
b) Thời gian vận động, tiếp nhận
tiền, hàng cứu trợ ở cấp huyện và các tổ chức, đơn vị khác được cơ quan có
thẩm quyền cho phép, kéo dài không quá 30 ngày, kể từ ngày bắt đầu cuộc vận
động đóng góp.
3. Thời gian phân phối tiền,
hàng cứu trợ được thực hiện ngay trong quá
trình vận động đóng góp và kết thúc chậm
nhất không quá 20 ngày, kể từ ngày kết thúc thời gian vận động đóng
góp được quy định tại khoản 2 Điều này.
Riêng cứu trợ phục hồi và tái
thiết được hỗ trợ từ nguồn vận động đóng góp của Hội Chữ thập đỏ thì thời
gian thực hiện có thể kéo dài đến một năm.
Điều 8. Nhiệm vụ của Ban Vận
động và tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ
1.
Ban Cứu trợ của từng cấp phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng
cùng cấp phổ biến, thông tin rộng rãi ý nghĩa của cuộc vận động, thời gian,
địa chỉ, số hiệu tài khoản tiếp nhận
tiền cứu trợ trong phạm vi địa bàn, vận động các tổ chức, cá nhân
trong và ngoài nước tự nguyện đóng góp ủng hộ nhân dân, địa phương khắc phục
hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng.
2. Phối hợp với chính quyền các
cấp chịu trách nhiệm quản lý, phân phối tiền, hàng cứu trợ đến địa phương,
đến nhân dân vùng bị thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng đảm bảo kịp
thời, đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai và minh bạch; báo cáo tình
hình tiếp nhận, phân phối tiền, hàng cứu trợ theo chế độ quy định.
Chương III
QUY ĐỊNH VỀ TIẾP NHẬN, PHÂN
PHỐI VÀ SỬ DỤNG TIỀN,
HÀNG CỨU TRỢ KHẮC PHỤC HẬU
QUẢ THIÊN TAI, HOẢ HOẠN, SỰ CỐ NGHIÊM TRỌNG TRONG NƯỚC
Điều 9. Tiếp nhận tiền, hàng
cứu trợ, cung cấp các dịch vụ cứu trợ
1. Quy định về mở tài khoản:
- Ban Cứu trợ các cấp (trung
ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã) phải mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước
để thống nhất quản lý tiền cứu trợ, mở đầy đủ sổ, chứng từ thu, chi để theo
dõi và báo cáo quyết toán kinh phí cứu trợ theo quy định;
- Đối với các cơ quan thông tin
đại chúng, Hội Chữ thập đỏ, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện và các cơ quan khác
được phép tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ được mở tài khoản tại Ngân hàng
Thương mại hoặc Kho bạc Nhà nước;
- Các cơ quan, đơn vị là đầu mối
tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ của các tập thể, cá nhân thuộc cơ quan, đơn vị
mình đóng góp để ủng hộ các địa phương bị thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm
trọng thì không phải mở tài khoản. Toàn bộ số tiền huy động được, cơ quan,
đơn vị có trách nhiệm nộp trực tiếp vào tài khoản của Ban Cứu trợ cùng cấp
theo quy định tại khoản 3 Điều này.
2. Quy định về kho tàng, bến bãi
tiếp nhận hàng cứu trợ
Căn cứ tình hình thực tế, các
đơn vị tiếp nhận hàng cứu trợ có thể sử dụng tạm thời kho chứa hàng hoá, trụ
sở của cơ quan mình hoặc thuê kho tàng bến bãi làm nơi tập kết hàng cứu
trợ.
3. Tiếp nhận và quản lý nguồn
cứu trợ bằng tiền hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố
nghiêm trọng trong nước
a) Toàn bộ số tiền cứu trợ do
các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp cho địa phương bị thiên
tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng đều phải tập trung vào tài khoản tiếp nhận
nguồn đóng góp tự nguyện, do Ban Cứu trợ cùng cấp là chủ tài khoản mở tại
Kho bạc Nhà nước; theo nguyên tắc:
- Số tiền do các tổ chức, cá
nhân ủng hộ chung cho nhân dân và các địa phương bị thiệt hại do thiên tai,
hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng không có địa chỉ cụ thể thì chuyển về tài khoản
của Ban Cứu trợ cùng cấp (ở trung ương chuyển về tài khoản của Ban Cứu trợ
do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm chủ tài khoản; ở địa
phương chuyển về tài khoản của Ban Cứu trợ do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã làm chủ tài khoản);
- Số tiền cứu trợ do các tổ
chức, cá nhân ủng hộ nhân dân và các địa phương bị thiệt hại do thiên tai,
hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng có địa chỉ cụ thể theo yêu cầu của các tổ chức,
cá nhân thì các Ban Cứu trợ có trách nhiệm chuyển đến đúng địa chỉ theo yêu
cầu.
b) Số tiền ủng hộ cho các địa
phương do cơ quan thông tin đại chúng và các tổ chức, đơn vị được phép tiếp
nhận theo quyết định của cấp có thẩm quyền thì các cơ quan đó có trách nhiệm
chuyển toàn bộ số tiền đó vào tài khoản của Ban Cứu trợ do Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam cùng cấp làm chủ tài khoản theo quy định tại điểm a khoản 3
Điều này;
c) Đối với số tiền ủng hộ các
địa phương thông qua hệ thống Chữ thập đỏ các cấp: các cấp Hội có trách
nhiệm quản lý, phân phối và báo cáo với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
cùng cấp và nhà tài trợ theo hướng dẫn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam;
d) Đối với số tiền ủng hộ các
địa phương do các quỹ xã hội, quỹ từ thiện vận động đóng góp, vận động tài
trợ; các quỹ xã hội, quỹ từ thiện có trách nhiệm quản lý, phân phối và báo
cáo với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và nhà tài trợ theo hướng
dẫn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
đ) Trường
hợp các tổ chức, cá nhân ủng hộ bằng ngoại tệ, Ban Cứu trợ bán số ngoại tệ
cho Ngân hàng Thương mại và nộp số tiền thu được vào tài khoản của Ban;
e) Về
phương thức chuyển tiền: đối với số tiền thu được qua đợt vận động ủng hộ
cho các nạn nhân, các địa phương bị thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng
được xử lý như sau:
- Toàn bộ
số tiền thu được của các tập thể, cá nhân, thuộc các cơ quan trung ương, các
tổ chức quốc tế và các đơn vị, cá nhân khác (không thuộc quản lý của địa
phương) đóng góp đều phải nộp vào tài khoản của Ban Cứu trợ do
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm chủ tài
khoản và mở tại Kho bạc Nhà nước (trừ những khoản tiền ủng hộ có địa chỉ thì
Ban Cứu trợ chuyển trực tiếp cho các địa phương theo quy định tại điểm a
khoản 3 Điều này);
- Đối với các địa phương:
Ban Cứu trợ cấp xã chuyển tiền vào tài khoản của
Ban Cứu trợ cấp huyện hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Ban Cứu trợ cấp
tỉnh; Ban Cứu trợ cấp huyện chuyển tiền vào tài khoản của Ban Cứu trợ cấp
tỉnh để tổng hợp, cân đối nguồn hỗ trợ (trừ những khoản tiền ủng hộ
có địa chỉ thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều này).
Trường hợp thiên tai, hoả hoạn,
sự cố nghiêm trọng xảy ra cục bộ trong phạm vi đơn vị cấp huyện; Chủ tịch Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện tổ chức kêu gọi, vận động cứu trợ thì số
tiền, hàng cứu trợ thu được, chuyển trực tiếp đến Ban Cứu trợ cấp huyện để
phân phối cho các đối tượng (không chuyển qua Ban Cứu trợ cấp tỉnh).
4.
Tiếp nhận và quản lý nguồn cứu trợ bằng hiện vật
a) Căn cứ tình hình và điều kiện
cụ thể, Ban Cứu trợ các cấp quy định và có văn bản hướng dẫn các ngành, các
cấp của địa phương thành lập các điểm tiếp nhận hàng cứu trợ; toàn bộ hàng
cứu trợ phải được giao, nhận đầy đủ về số lượng, chất lượng tại các điểm
tiếp nhận hoặc kho tiếp nhận theo quy định của cấp có thẩm quyền. Trường hợp
cần phải cứu trợ khẩn cấp và để giải phóng nhanh hàng hoá tại điểm tiếp
nhận, Ban Cứu trợ quyết định phân phối ngay hàng hoá thiết yếu (quần áo,
gạo, mì ăn liền, thực phẩm khác...) cho các đối tượng được hỗ trợ theo quy
định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định này;
b) Trường hợp hàng hoá cứu trợ
qua Ban Cứu trợ thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ban Cứu
trợ có trách nhiệm làm các thủ tục giao
nhận hàng hoá đầy đủ theo quy định và chuyển vào địa điểm tập kết theo
quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định này để phân phối cho các địa
phương;
c) Trường hợp cứu trợ bằng vàng,
bạc, kim khí quý, đá quý thì Ban Cứu
trợ bán số
vàng, bạc, kim khí, đá quý đó cho Ngân
hàng Thương mại hoặc tổ chức bán đấu giá và nộp tiền thu được vào tài khoản
của Ban Cứu trợ cùng cấp.
5. Các tổ chức, cá nhân khi hỗ
trợ trực tiếp cho các hộ gia đình, cá nhân bị nạn cần phối hợp với chính
quyền địa phương hoặc thông báo cho chính quyền địa phương biết các khoản đã
hỗ trợ cho từng hộ gia đình, cá nhân để địa phương có chính sách, phương án
cân đối mức hỗ trợ hợp lý cho các hộ gia đình, cá nhân bị nạn trên địa bàn
từ nguồn tiền, hàng cứu trợ của địa phương cho phù hợp.
6. Ngoài các hình thức huy động
đóng góp bằng tiền, hàng; các tổ chức, cá nhân được thực hiện cứu trợ nhân
đạo bằng hình thức cung cấp dịch vụ (miễn phí hoặc giảm giá một số dịch vụ)
để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, bệnh
nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Điều 10. Tổ chức phân phối
tiền, hàng cứu trợ cho các địa phương
1. Căn cứ số tiền, hàng cứu trợ
nhận được và mức độ thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng gây
ra, Trưởng Ban Cứu trợ ở cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã chủ
động phối hợp với chính quyền tổ chức cuộc họp phân phối tiền, hàng cứu trợ
đầu tiên chuyển về cho các địa phương, gia đình bị nạn để cứu trợ kịp thời
cho nhân dân và địa phương bị thiệt hại. Trong quá trình vận động tiếp nhận
tiền, hàng cứu trợ, căn cứ vào số tiền, hàng cứu trợ nhận được mà Trưởng ban
quyết định các cuộc họp tiếp theo để phân phối tiền, hàng cứu trợ cho phù
hợp.
2. Thành phần tham gia cuộc họp
do Trưởng ban quyết định triệu tập, nhưng phải gồm đại diện các cơ quan sau:
a) Ở cấp trung ương: lãnh đạo Ủy
ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (chủ trì); các thành viên là đại
diện: Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Bộ Tài chính; Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ban Chỉ đạo phòng, chống
lụt, bão Trung ương; Bộ Y tế; cơ quan thông tin đại chúng; các đơn vị, tổ
chức ở Trung ương được phép vận động,
tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định này;
b) Ở địa phương:
- Cấp tỉnh: lãnh đạo Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh (chủ trì); các thành viên là đại diện: Văn
phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Hội Chữ thập đỏ cấp tỉnh; Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ban Chỉ đạo
phòng, chống lụt, bão tỉnh; Sở Y tế; Sở Tài chính; cơ quan thông tin đại
chúng; các đơn vị, tổ chức ở tỉnh được phép vận
động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định
này;
- Cấp huyện: lãnh đạo Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện (chủ trì); các thành viên là đại diện: Văn
phòng Ủy ban nhân dân cấp huyện; Hội Chữ thập đỏ cấp huyện; Phòng Lao động -
Thương binh và Xã hội; Phòng Nông nghiệp; Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão
huyện; Phòng Y tế; Phòng Tài chính; cơ quan thông tin đại chúng; các đơn vị,
tổ chức ở huyện được phép vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ quy định
tại khoản 2 Điều 4 Nghị định này;
- Cấp xã, phường: lãnh đạo Mặt
trận Tổ quốc (chủ trì); các thành viên là đại diện: Ủy ban nhân dân cấp xã;
Hội Chữ thập đỏ cấp xã; cán bộ lao động - thương binh và xã hội; cán bộ kế
hoạch - giao thông - thuỷ lợi - nông, lâm, ngư, diêm nghiệp.
Điều 11.
Sử dụng nguồn đóng góp tiền, hàng cứu trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa
hoạn, sự cố nghiêm trọng
1. Nguyên tắc phân phối, sử
dụng:
a) Căn cứ mức độ thiệt hại do
thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng gây ra;
b) Căn cứ các nguồn đóng góp tự
nguyện và kết hợp với nguồn của các tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ trực tiếp cho
các cá nhân và hộ gia đình bị thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng (không
qua tiếp nhận của Ban Cứu trợ);
c) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam các cấp (chủ trì), phối hợp với các cơ quan liên quan quy định tại khoản
2 Điều 9 tiến hành cuộc họp, phân phối sử dụng tiền, hàng cứu trợ theo
nguyên tắc thống nhất; đảm bảo mức hỗ trợ hợp lý giữa các tỉnh, giữa các
huyện trong tỉnh; giữa các xã trong huyện; giữa các ngành bị thiệt hại trong
từng đợt bị thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng; giữa các đợt bị thiên
tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng; giữa cá nhân, hộ gia đình bị nạn do thiên
tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng với các đối tượng chính sách xã hội.
2. Đối tượng được hỗ trợ
Nạn nhân, thân nhân của nạn nhân
(ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con) bị ảnh hưởng của thiên tai, hỏa hoạn, sự
cố nghiêm trọng trong các trường hợp như: ngư dân trên biển gặp bão, áp thấp
nhiệt đới; nạn nhân bị bão, động đất, lở đất, lở núi, lũ cuốn, lũ quét, lốc
cuốn, mưa đá, hoả hoạn, tai nạn lao động do khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa
hoạn, sự cố nghiêm trọng...
3. Nội dung chi cho công tác cứu trợ
a) Hỗ trợ khẩn cấp: cứu đói, cứu rét (lương
thực, thực phẩm, chăn màn, quần áo, thuốc chữa bệnh...), cấp cứu người bị
thương, hỗ trợ tiền mai táng đối với gia đình có người chết; thăm hỏi gia
đình có người bị nạn; hỗ trợ xây dựng nhà bị đổ, bị trôi, bị hư hỏng nặng do
ảnh hưởng của thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng nhằm ổn định cuộc sống
trước mắt đối với nạn nhân, thân nhân của nạn nhân;
b) Hỗ trợ có tính chất lâu dài: sau khi đã sử
dụng nguồn cứu trợ để chi hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định tại điểm a
khoản 3 Điều này mà kinh phí còn dư, Ban Cứu trợ các cấp quyết định sử dụng
kinh phí để thực hiện các chính sách, chế độ hỗ trợ có tính lâu dài phù hợp
với khả năng nguồn cứu trợ của địa phương, cụ thể:
- Hỗ trợ kinh
phí cho các nạn nhân, gia đình nạn nhân có lao động chính bị chết để mua
hoặc sửa chữa công cụ, phương tiện sản xuất chủ yếu bị mất, hư hỏng
nặng do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng gây ra để
tiếp tục sản xuất;
- Hỗ trợ giống, phân bón phục vụ cho sản xuất;
- Hỗ trợ kinh phí để xoá nhà tạm (nếu còn) cho
những gia đình bị nạn; có chính sách ưu tiên trợ cấp xã hội hàng th�ng cũng
như lâu dài đối với những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhất là
các nạn nhân, thân nhân của người bị nạn không còn nơi nương tựa, không còn
khả năng lao động.
4. Nguồn cứu trợ tiếp nhận
được qua từng đợt huy động chưa sử dụng hết được sử dụng cho các nhiệm vụ
khắc phục hậu thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng của đợt sau. Trường
hợp cuối năm kinh phí cứu trợ còn số dư trên tài khoản đóng góp được chuyển
sang năm sau để tiếp tục thực hiện.
Điều 12. Nguồn kinh phí
thực hiện nhiệm vụ vận động, tiếp nhận, vận chuyển, phân phối tiền, hàng cứu
trợ
1. Ngân sách nhà nước đảm
bảo kinh phí cho các hoạt động của đơn vị khi được cơ quan có thẩm quyền
giao nhiệm vụ thực hiện việc thuê kho, bến bãi tiếp nhận, vận chuyển hàng
cứu trợ.
2. Các khoản công tác phí
phát sinh (tiền ăn, tiền thuê phòng nghỉ, tiền mua vé phương tiện đi lại)
đối với cán bộ, công chức được cử đi làm nhiệm vụ vận động, tiếp nhận, vận
chuyển, phân phối tiền, hàng cứu trợ; các khoản kinh phí khác liên quan được
sử dụng từ nguồn kinh phí của đơn vị. Trường hợp chi phí cho công tác phí
phát sinh lớn ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, đề nghị báo
cáo cơ quan tài chính cùng cấp để giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình cấp
có thẩm quyền quyết định.
3. Các đơn vị thực hiện
nhiệm vụ vận động, tiếp nhận, vận chuyển, phân phối tiền, hàng cứu trợ không
sử dụng nguồn tiền, hàng cứu trợ tiếp nhận được để chi trả các khoản chi
phát sinh trong quá trình vận động, tiếp nhận, vận chuyển, phân phối tiền,
hàng cứu trợ.
Điều 13. Quản lý tài chính, chế độ báo cáo
1. Chậm nhất 90 ngày sau khi thiên tai, hoả
hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra, Ban Cứu trợ cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương về số
tiền, hàng đã huy động được và số tiền, hàng đã sử dụng, chi cho từng mục
tiêu (cứu trợ dân sinh, xử lý môi trường...); số tiền, hàng còn dư (nếu có).
Ban Cứu trợ cấp tỉnh quy định thời gian báo cáo đối với cấp huyện và cấp xã.
2. Kết thúc năm ngân sách, các đơn vị được hỗ
trợ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng có
trách nhiệm báo cáo quyết toán kinh phí đã sử dụng theo chế độ tài chính
hiện hành cho cơ quan tài chính cùng cấp. Các khoản thu, chi khắc phục hậu
quả thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng từ nguồn đóng góp được thực hiện
ghi thu, ghi chi quản lý qua ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân
sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
Điều 14.
Công khai tiền, hàng
cứu trợ
1. Đối với các tổ chức, đơn
vị trực tiếp vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ phải công khai số tiền,
hàng nhận được; số tiền, hàng đã phân phối, chuyển cho các địa phương.
2. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam các cấp ở địa phương thực hiện công khai đối tượng hỗ trợ, chính
sách hỗ trợ, mức hỗ trợ cho các đối tượng.
3. Kết thúc cuộc vận động, Ủy ban Trung ương Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam lập báo cáo kết quả cuộc vận động (tổng hợp số tiền,
hàng đóng góp tự nguyện, số tiền đã phân phối cho các địa phương bị thiên
tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng) gửi Thủ tướng Chính phủ đồng gửi Bộ Lao
động - Thương binh và Xã hội, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương,
Bộ Tài chính và thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại
chúng.
Chương IV
QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC VẬN ĐỘNG,
TIẾP NHẬN CÁC KHOẢN
ĐÓNG GÓP GIÚP ĐỠ CÁC QUỐC GIA
KHÁC BỊ THIÊN TAI
Điều 15. Tổ chức kêu gọi, vận
động đóng góp
1. Thủ tướng Chính phủ ra lời
kêu gọi ủng hộ đồng bào các quốc gia khác khi bị thiên tai nghiêm trọng cần
sự giúp đỡ của nhân dân Việt Nam.
2. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ra
lời kêu gọi ủng hộ khi được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ.
Thời gian vận động đóng góp do
Thủ tướng Chính phủ quy định hoặc uỷ quyền cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam quy
định.
Điều 16. Tiếp nhận, phân phối
tiền, hàng cứu trợ
1. Ban Cứu trợ của Hội Chữ thập
đỏ các cấp mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để tiếp nhận các khoản đóng góp
từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ đồng bào các quốc gia khác khi bị thiên tai
theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ.
2. Toàn bộ số tiền thu được qua
cuộc vận động được nộp vào tài khoản của Ban Cứu trợ của Hội Chữ thập đỏ các
cấp và chuyển về tài khoản của Ban Cứu trợ của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
3. Chậm nhất sau
30 ngày, kể từ ngày kết thúc cuộc vận động, căn cứ số
tiền, hàng cứu trợ thu được, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thực hiện chuyển
tiền, hàng cho quốc gia khác bị thiên tai; trường hợp cuộc vận động để hỗ
trợ nhiều quốc gia bị thiên tai, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (chủ trì), phối
hợp với các cơ quan liên quan tiến hành cuộc họp phân bổ tiền, hàng cứu trợ;
đồng thời tổng hợp kết quả phân bổ báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định
mức hỗ trợ cụ thể cho từng quốc gia bị thiên tai.
Chương V
QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC VẬN
ĐỘNG, TIẾP NHẬN CÁC KHOẢN
ĐÓNG GÓP GIÚP ĐỠ BỆNH NHÂN
MẮC BỆNH HIỂM NGHÈO
Điều 17. Tổ chức kêu gọi, vận
động đóng góp
1. Các cơ quan thông tin đại
chúng ở trung ương và địa phương được phép vận động, kêu gọi bạn đọc báo,
bạn nghe đài, bạn xem truyền hình đóng góp để thực hiện các hoạt động từ
thiện, trợ giúp những người mắc bệnh hiểm nghèo theo từng trường hợp cụ thể.
2. Nghiêm cấm các cơ quan thông
tin đại chúng lợi dụng các hoạt động từ thiện để huy động tiền đóng góp và
sử dụng sai mục đích.
Điều 18. Tiếp nhận, quản lý
và sử dụng tiền đóng góp
Toàn bộ khoản tiền do các cơ quan thông tin đại chúng tiếp nhận được thông
qua việc tuyên truyền, kêu gọi ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và
ngoài nước để thực hiện các hoạt động từ thiện, giúp đỡ bệnh nhân mắc bệnh
hiểm nghèo được chuyển vào tài khoản riêng của đơn vị để hỗ trợ trực tiếp
cho các đối tượng theo địa chỉ; thực hiện thông báo công khai số tiền huy
động được, số tiền đã hỗ trợ các bệnh nhân, số tiền còn chưa sử dụng (nếu
có) trên các phương tiện thông tin đại chúng (Báo, Đài); đồng thời có văn
bản thông báo cho chính quyền địa phương nơi có bệnh
nhân mắc bệnh hiểm nghèo biết.
Điều 19. Chi phí cho các hoạt
động, vận động đóng góp
Chi phí phát sinh trong việc vận
động đóng góp, tiếp nhận, vận chuyển hàng cứu trợ, chuyển tiền giúp đỡ các
bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo sử dụng bằng nguồn kinh phí của đơn vị, ngân
sách nhà nước không chi trả.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 20. Trách nhiệm của các
Bộ, ngành và địa phương
1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo
vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ hỗ trợ nhân dân và các địa phương bị
thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, giám sát việc tổ chức
thực hiện theo hệ thống từ trung ương đến địa phương.
2. Các cơ quan thông tin đại
chúng phối hợp với các cơ quan liên quan: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội,
cơ quan Tài chính cùng cấp để đưa tin trong quá trình vận động đóng góp,
tiếp nhận, phân phối, sử dụng tiền, hàng cứu trợ khắc phục hậu quả thiên
tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng và giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm
nghèo.
3. Bộ Tài chính có trách nhiệm
chủ trì phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ
quan liên quan tổ chức kiểm tra việc thu, chi tiền, hàng cứu trợ cho nhân
dân và các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm
trọng theo quy định của pháp luật.
4. Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan theo dõi,
kiểm tra việc thực hiện cứu trợ đồng bào và các địa phương bị thiệt hại do
thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng đảm bảo đúng chế độ, chính sách.
5. Các Bộ, ngành liên quan theo
chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn các địa
phương trong việc xử lý các vấn đề liên quan về ô nhiễm môi trường, nguồn
nước sinh hoạt, dịch bệnh do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng gây ra.