THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
_________
Số: 36/2008/QĐ-TTg |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
______________________________________
Hà Nội, ngày 14 tháng 3 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành
công nghiệp Dệt May Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính
phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng
Bộ Công Thương,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam đến năm 2015,
định hướng đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau đây:
I. QUAN ĐIỂM PHÁT
TRIỂN
1. Phát triển ngành Dệt
May theo hướng chuyên môn hoá, hiện đại hóa, nhằm tạo ra bước nhảy vọt về chất
và lượng sản phẩm. Tạo điều kiện cho ngành Dệt May Việt Nam tăng trưởng nhanh,
ổn định, bền vững và hiệu quả. Khắc phục những điểm yếu của ngành dệt may là
thương hiệu của các doanh nghiệp còn yếu, mẫu mã thời trang chưa được quan tâm,
công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, cung cấp nguyên phụ liệu vừa thiếu, vừa
không kịp thời.
2. Lấy xuất khẩu làm mục
tiêu cho phát triển của ngành, mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời phát
triển tối đa thị trường nội địa. Tập trung phát triển mạnh các sản phẩm công
nghiệp hỗ trợ, sản xuất nguyên phụ liệu, giảm nhập siêu, nâng cao giá trị gia
tăng của các sản phẩm trong ngành.
3. Phát triển ngành Dệt
May phải gắn với bảo vệ môi trường và xu thế dịch chuyển lao động nông nghiệp
nông thôn. Di chuyển các cơ sở gây ô nhiễm môi trường vào các Khu, Cụm Công
nghiệp tập trung để tạo điều kiện xử lý môi trường. Chuyển các doanh nghiệp Dệt
May sử dụng nhiều lao động về các vùng nông thôn, đồng thời phát triển thị
trường thời trang Dệt May Việt Nam tại các đô thị và thành phố lớn.
4. Đa dạng hóa sở hữu và
loại hình doanh nghiệp trong ngành Dệt May, huy động mọi nguồn lực trong và
ngoài nước để đầu tư phát triển Dệt May Việt Nam. Trong đó chú trọng kêu gọi
những nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào những lĩnh vực mà các nhà đầu tư
trong nước còn yếu và thiếu kinh nghiệm.
5. Phát triển nguồn nhân
lực cả về số lượng và chất lượng cho sự phát triển bền vững của ngành Dệt May
Việt Nam; Trong đó, chú trọng đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, công nhân
lành nghề nhằm tạo ra đội ngũ doanh nhân giỏi, cán bộ, công nhân lành nghề,
chuyên sâu.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Phát triển ngành Dệt May
trở thành một trong những ngành công nghiệp trọng điểm, mũi nhọn về xuất khẩu;
đáp ứng ngày càng cao nhu cầu tiêu dùng trong nước; tạo nhiều việc làm cho xã
hội; nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập vững chắc kinh tế khu vực và thế
giới.
2. Mục tiêu cụ thể
Tốc độ tăng trưởng |
Giai đoạn 2008-2010 |
Giai đoạn 2011-2020 |
- Tăng trưởng sản xuất hàng năm |
16 - 18 % |
12 - 14 % |
- Tăng trưởng xuất khẩu hàng năm |
20 % |
15 % |
Các chỉ tiêu chủ yếu
trong Chiến lược phát triển ngành Dệt May Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến
năm 2020 như sau:
Chỉ tiêu |
Đơn vị tính |
Thực hiện
2006 |
Mục tiêu
toàn ngành đến |
2010 |
2015 |
2020 |
1. Doanh thu |
triệu USD |
7.800 |
14.800 |
22.500 |
31.000 |
2. Xuất khẩu |
triệu USD |
5.834 |
12.000 |
18.000 |
25.000 |
3. Sử dụng lao
động |
nghìn người |
2.150 |
2.500 |
2.750 |
3.000 |
4. Tỷ lệ nội
địa hoá |
% |
32 |
50 |
60 |
70 |
5. Sản phẩm
chính: |
|
|
|
|
|
- Bông xơ |
1000 tấn |
8 |
20 |
40 |
60 |
- Xơ, Sợi tổng
hợp |
1000 tấn |
- |
120 |
210 |
300 |
- Sợi các loại |
1000 tấn |
265 |
350 |
500 |
650 |
- Vải |
triệu m2 |
575 |
1.000 |
1.500 |
2.000 |
- Sản phẩm may |
triệu SP |
1.212 |
1.800 |
2.850 |
4.000 |
III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT
TRIỂN
1. Sản phẩm
a)
Tập trung phát triển và nâng cao khả năng cạnh tranh cho ngành may xuất khẩu để
tận dụng cơ hội thị trường. Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa để nâng cao hiệu quả
trong sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc. Chú trọng công tác thiết kế thời
trang, tạo ra các sản phẩm dệt may có đặc tính khác biệt cao, từng bước xây dựng
thương hiệu sản phẩm cho các doanh nghiệp. Đẩy nhanh việc áp dụng các tiêu chuẩn
quản lý chất lượng phù hợp với yêu cầu hội nhập trong ngành Dệt May. Tăng nhanh
sản lượng các sản phẩm dệt may, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng trong
nước.
b)
Kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư sản xuất xơ sợi tổng hợp,
nguyên phụ liệu, phụ tùng thay thế và các sản phẩm hỗ trợ để cung cấp cho các
doanh nghiệp trong ngành.
c)
Xây dựng Chương trình sản xuất vải phục vụ xuất khẩu. Tập đoàn Dệt May Việt Nam
giữ vai trò nòng cốt thực hiện Chương trình này.
d)
Xây dựng Chương trình phát triển cây bông, trong đó chú trọng xây dựng các vùng
trồng bông có tưới nhằm tăng năng suất và chất lượng bông xơ của Việt Nam để
cung cấp cho ngành dệt.
2.
Đầu tư và phát triển sản xuất
a) Đối
với các doanh nghiệp may:
Từng bước
di dời các cơ sở sản xuất về các địa phương có nguồn lao động nông nghiệp và
thuận lợi giao thông. Xây dựng các trung tâm thời trang, các đơn vị nghiên cứu
thiết kế mẫu, các Trung tâm cung ứng nguyên phụ liệu và thương mại tại Thành phố
Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn.
b) Đối
với các doanh nghiệp sợi, dệt, nhuộm và hoàn tất vải:
Xây dựng
các Khu, Cụm Công nghiệp chuyên ngành dệt may có cơ sở hạ tầng đủ điều kiện cung
cấp điện, nước, xử lý nước thải đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường theo quy định
của Nhà nước. Thực hiện di dời và xây dựng mới các cơ sở dệt nhuộm tại các Khu,
Cụm Công nghiệp tập trung để có điều kiện xử lý nước thải và giải quyết tốt việc
ô nhiễm môi trường.
c) Xây
dựng các vùng chuyên canh bông có tưới tại các địa bàn có đủ điều kiện về đất
đai, thổ nhưỡng và khí hậu nhằm nâng cao sản lượng, năng suất và chất lượng bông
xơ.
3. Bảo vệ môi trường
a) Xây dựng Báo cáo đánh
giá tác động môi trường phù hợp với Chiến lược phát triển ngành Dệt May và các
quy định pháp luật về môi trường.
b) Tập trung xử lý triệt
để các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Triển khai xây dựng các Khu, Cụm
Công nghiệp Dệt May có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt tiêu chuẩn môi
trường để di dời các cơ sở dệt may có nguy cơ gây ô nhiễm vào khu công nghiệp.
c) Triển khai Chương
trình sản xuất sạch hơn trong ngành Dệt May, khuyến khích các doanh nghiệp áp
dụng tiêu chuẩn quản lý môi trường theo ISO 14000, tạo môi trường lao động tốt
cho người lao động theo tiêu chuẩn SA 8000.
d) Xây dựng và thực hiện
lộ trình đổi mới công nghệ trong ngành Dệt May theo hướng thân thiện với môi
trường.
e) Tăng cường năng lực
nghiên cứu khoa học công nghệ về môi trường.
g) Đáp ứng các yêu cầu
về môi trường và rào cản kỹ thuật để hội nhập kinh tế quốc tế.
IV. CÁC GIẢI PHÁP
THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC
1. Giải pháp về đầu
tư
a) Khuyến khích mọi
thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư phát triển ngành dệt may để phục
vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
b) Xây dựng các dự án
đầu tư trong lĩnh vực dệt, nhuộm, sản xuất nguyên liệu bông xơ và sợi nhân tạo,
sản xuất nguyên phụ liệu, để kêu gọi các nhà đầu
tư trong nước và nước ngoài. Trong đó ưu tiên các dự án sản xuất vải dệt thoi
phục vụ cho sản xuất hàng may mặc xuất khẩu.
c) Xây dựng các khu công
nghiệp chuyên ngành Dệt May có đủ điều kiện hạ tầng cung cấp điện, cấp nước, xử
lý nước thải, đảm bảo các yêu cầu về môi trường và lao động có khả năng đào tạo.
d) Phối hợp với các địa
phương đầu tư phát triển cây bông, trong đó chú trọng xây dựng vùng bông có
tưới, từng bước đáp ứng nhu cầu bông cho ngành dệt, sợi.
2. Giải pháp phát
triển nguồn nhân lực
Triển khai Chương trình
đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Dệt May Việt Nam theo các nội dung sau:
a) Mở các lớp đào tạo
cán bộ quản lý kinh tế - kỹ thuật, cán bộ pháp chế, cán bộ bán hàng chuyên ngành
Dệt May, cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề của các dự án dệt, nhuộm trọng
điểm.
b) Mở các khoá đào tạo
về thiết kế và phân tích vải, kỹ năng quản lý sản xuất, kỹ năng bán hàng (gồm
các kỹ năng thiết kế, làm mẫu, bán hàng, kiến thức về tiêu chuẩn nguyên liệu,
sản phẩm, tiêu chuẩn môi trường và lao động).
c) Liên kết với các tổ
chức quốc tế để cử cán bộ, học sinh tham gia các khoá đào tạo cán bộ quản lý,
cán bộ pháp chế, cán bộ kỹ thuật, cán bộ bán hàng, đào tạo công nhân kỹ thuật có
tay nghề cao tại các cơ sở đào tạo ở nước ngoài.
d) Kết hợp việc đào tạo
dài hạn với đào tạo ngắn hạn, kết hợp giữa đào tạo chính quy với đào tạo tại
chỗ, kết hợp giữa đào tạo trong nước với việc cử cán bộ ra nước ngoài để đào
tạo.
e) Củng cố và mở rộng hệ
thống đào tạo chuyên ngành Dệt May, xây dựng Trường Đại học Dệt May và Thời
trang để tạo cơ sở vất chất cho việc triển khai các lớp đào tạo.
g) Duy trì thường xuyên
các lớp đào tạo hệ cao đẳng, trung cấp, công nhân thông qua hệ thống các trường
chuyên nghiệp của ngành dệt may nhằm cung cấp đủ nguồn nhân lực cho ngành. Hiệp
hội Dệt May Việt Nam và Tập đoàn Dệt May Việt Nam là đầu mối để phối hợp và liên
kết với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước triển khai Chương trình đạo tạo
nguồn nhân lực cho ngành.
3. Giải pháp về khoa
học công nghệ
a) Tổ chức lại các Viện
nghiên cứu chuyên ngành dệt may theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
- Nâng cao năng lực tư
vấn, nghiên cứu triển khai, chuyển giao công nghệ, khả năng thiết kế và sáng tác
mẫu của các Viện nghiên cứu.
- Hỗ trợ cho các doanh
nghiệp trong ngành đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu triển khai các tiến bộ kỹ
thuật, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp
Dệt May Việt Nam.
b) Nghiên cứu áp dụng
các công nghệ mới, các nguyên liệu mới để tạo ra các sản phẩm dệt có tính năng
khác biệt, triển khai các chương trình sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng,
áp dụng các phần mềm trong thiết kế, quản lý sản xuất và chất lượng sản phẩm Dệt
May.
c) Xây dựng hệ thống
tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sản phẩm dệt may phù hợp và hài hoà với pháp luật
về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và thông lệ quốc tế. Hỗ trợ nâng cấp các trung
tâm giám định, kiểm tra chất lượng sản phẩm Dệt May, hỗ trợ cho các doanh nghiệp
Dệt May trong quản lý chất lượng và khắc phục các rào cản kỹ thuật.
d) Xây dựng phòng thí
nghiệm sinh thái Dệt May và Trung tâm phát triển các mặt hàng vải trong giai
đoạn 2008-2010.
e) Xây dựng cơ sở dữ
liệu về ngành Dệt May, nâng cao chất lượng của trang thông tin điện tử.
4. Giải pháp thị
trường
a) Tập trung mọi khả
năng và cơ hội đàm phán mở rộng thị trường Dệt May trên thị trường quốc tế.
b) Cải cách các thủ tục
hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, xuất nhập khẩu theo hướng thực hiện cơ
chế một dấu, một cửa, đơn giản hoá các thủ tục.
c) Tăng cường công tác
kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại.
d) Tăng cường công tác
tư vấn pháp luật thương mại quốc tế. Chuẩn bị kỹ việc chống các rào cản kỹ thuật
mới của các nước nhập khẩu cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
e) Tổ chức mạng lưới bán
lẻ
trong nước,
đổi mới phương thức tiếp thị xuất khẩu, đồng thời quan tâm đến việc xây dựng,
quảng bá thương hiệu sản phẩm, xây dựng hình ảnh của ngành Dệt May Việt Nam trên
thị trường trong nước và quốc tế.
g) Bố trí đủ cán bộ pháp
chế cho các doanh nghiệp trong ngành để tham gia soạn thảo, đàm phán và giải
quyết các tranh chấp hợp đồng, nhất là hợp đồng thương mại quốc tế.
5. Giải pháp về cung
ứng nguyên phụ liệu
a) Xây dựng các Trung
tâm cung ứng nguyên phụ liệu tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các
thành phố lớn để cung ứng kịp thời nguyên phụ liệu cho các doanh nghiệp trong
ngành.
b) Xây dựng các doanh
nghiệp kinh doanh nguyên phụ liệu tập trung nhằm đáp ứng được nhu cầu nguyên phụ
liệu cho các doanh nghiệp với chất lượng cao và giá nhập khẩu hợp lý.
6. Giải pháp về tài
chính
a) Vốn cho đầu tư phát
triển
Để giải quyết vốn cho
đầu tư phát triển, ngành Dệt May Việt Nam huy động vốn từ các thành phần kinh tế
trong và ngoài nước thông qua các hình thức hợp tác kinh doanh, công ty liên
doanh, công ty liên kết, cổ phần hoá các doanh nghiệp, doanh nghiệp có 100% vốn
đầu tư nước ngoài. Khuyến khích các doanh nghiệp huy động vốn thông qua thị
trường chứng khoán (phát hành trái phiếu, cổ phiếu, trái phiếu quốc tế), vay
thương mại với điều kiện có hoặc không có sự bảo lãnh của Chính phủ.
b) Vốn cho hoạt động
nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực và xử lý môi trường
Nhà nước hỗ trợ một phần
kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các Viện nghiên cứu, các Trường đào tạo trong
ngành Dệt May Việt Nam để tăng cường cơ sở vật chất và thực hiện các hoạt động
nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Dệt May theo nguyên tắc phù hợp
với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Nhà nước cho doanh
nghiệp Dệt May được vay vốn tín dụng nhà nước, vốn ODA và vốn của quỹ môi trường
để thực hiện các dự án xử lý môi trường.
Điều 2.
Tổ chức thực hiện
1. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các
tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Chiến lược, như sau:
a) Lập, thẩm tra
và phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Dệt May đến năm 2015, định
hướng đến năm 2020.
b) Phối hợp với
các bộ, ngành, địa phương xây dựng và phê duyệt Chương trình sản xuất vải phục
vụ xuất khẩu, Chương trình phát triển cây bông, Chương trình đào tạo nguồn nhân
lực cho ngành dệt may.
c) Phối hợp với
các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tổ chức triển khai thực hiện Chiến
lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam đến năm 2015,
định hướng đến năm 2020.
2. Bộ Kế hoạch và
Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương hỗ trợ kêu gọi đầu tư nước ngoài và
hướng dẫn các thủ tục đầu tư thực hiện triển khai Chiến lược và Quy hoạch.
3. Bộ Tài chính
chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng các cơ chế chính sách tài chính để
hỗ trợ triển khai thực hiện các Chương trình sản xuất vải phục vụ xuất khẩu,
Chương trình phát triển cây bông, Chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho ngành
Dệt May.
4. Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương trong việc xây dựng
và thực hiện quy hoạch phát triển các vùng trồng bông có tưới, đảm bảo mục tiêu
cung cấp nguyên liệu bông cho ngành dệt.
5. Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng các cơ chế
chính sách hỗ trợ cho công tác đào tạo phát triển và ổn định nguồn nhân lực cho
ngành Dệt May.
6. Bộ Tư pháp phối
hợp với Bộ Công Thương và Hiệp hội Dệt May Việt Nam hướng dẫn, tư vấn cho các
doanh nghiệp trong ngành Dệt May giải quyết các tranh chấp hợp đồng thương mại
quốc tế.
7. Uỷ ban nhân dân các
tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương tạo điều kiện hỗ trợ quỹ đất, giải quyết
các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng để triển khai nhanh các dự án của
ngành Dệt May.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực
thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 4.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ,
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức,
cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi
nhận:
- Ban Bí
thư Trung ương Đảng;
- Thủ
tướng, các Phó Thủ tướng Chính Phủ;
- Các
Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan Chính phủ;
-
VPBCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
-
HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn
phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn
phòng Chủ tịch nước;
- Hội
đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội;
- Văn
phòng Quốc hội;
- Toà
án nhân dân tối cao;
-
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
-
Kiểm toán Nhà nước;
-
Ngân hàng chính sách xã hội;
- Ngân
hàng Phát triển Việt Nam;
- UB
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan
Trung ương của các đoàn thể;
- Tập
đoàn Dệt May Việt Nam;
- Hiệp
hội Dệt May Việt Nam;
- VPCP:
BTCN, các PCN, Website Chính phủ,
Người
phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
các
Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu:
Văn thư, CN (5 b).
|
THỦ TƯỚNG
(đã ký)
Nguyễn Tấn Dũng |