Các Chương trình KH&CN phục vụ phát triển KT-XH: Các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2001-2005
(I). Các Chương trình thuộc lĩnh vực KHXHNV
Trong giai đoạn 2001-2005, đã triển khai 8 chương trình trọng điểm cấp Nhà nước trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, đó là các chương trình mang mã số từ KX.01 đến KX.08. Từ năm 2004, đã triển khai mới thêm hai Chương trình KX.09 “Nghiên cứu phát huy điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và giá trị lịch sử - văn hóa 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, phục vụ phát triển toàn diện Thủ đô” và Chương trình KX.10 “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị nước ta trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế”. Các Chương trình đã đạt được một số thành tựu nổi bật sau:
1. Chương trình “Kinh tế thị trường định hướng XHCN” KX.01
Chương trình bao gồm 11 đề tài và 1 chuyên đề.
Chương trình đã hoàn thành một báo cáo tổng kết ba năm thực hiện Nghị quyết TW 5 khoá IX với nội dung: “Về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới: Kinh tế thị trường định hướng XHCN" và một báo cáo chuyên đề "Vấn đề đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân”.
Chương trình đã đưa ra được 108 kiến nghị khoa học để chuyển giao lên HĐLLTW phục vụ cho việc xây dựng các chủ trương, chính sách, cơ chế, giải pháp của Đảng và Nhà nước; 24 kiến nghị đã được sử dụng tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính để hoàn chỉnh các luật, xây dựng phương hướng công tác và chấn chỉnh các lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, phân phối thu nhập quốc dân và ngân sách nhà nước; Những kiến nghị liên quan đến đảng viên làm kinh tế tư nhân, kể cả kinh tế kiểu tư bản tư nhân đã được HĐLLTW chấp nhận, chuyển giao tới Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đến nay đã chính thức được thừa nhận và ghi trong văn kiện Đại hội Đảng X.
Chương trình đã công bố 04 công trình tại hội thảo nước ngoài, 75 bài báo trên các tạp chí trong nước, 450 bài viết cho các Hội thảo của các đề tài và chương trình, xuất bản được 18 đầu sách, biên soạn mới 01 giáo trình.
Các nội dung chính đã thực hiện:
Nội dung 1: Trên cơ sở tiếp tục làm rõ tính tất yếu của mô hình KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam, Chương trình đã đi đến khẳng định bản chất và đặc điểm riêng của nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam là nền kinh tế chuyển đổi thuộc dạng đặc biệt “tiến hoá cải cách" khác biệt với các mô hình chuyển đổi thông thường dạng “… tiến hoá tự nhiên, tuần tự". Đây là nền KTTT được định hướng cao về mặt xã hội và phát triển ngay từ đầu theo xu hướng xã hội hoá. Nền KTTT này mang "thuộc tính kép", tức là kết hợp đồng thời giữa bước chuyển đổi từ xã hội phi thị trường sang xã hội thị trường, từ xã hội có trình độ phát triển còn thấp sang xã hội hậu công nghiệp và nền kinh tế tri thức. Đây vừa là thời cơ vừa là thách thức. Do đó phát triển KTTT ở Việt Nam, trước hết, phải tuân thủ triệt để những quy luật chung của KTTT, trong quá trình đó thực hiện những mục tiêu đặc thù do bối cảnh kinh tế, chính trị, lịch sử, xã hội, đặt ra theo nguyên tắc không triệt tiêu quy luật và động lực phát triển KTTT.
Nội dung 2 và 3: Về kết cấu sở hữu trong nền KTTT định hướng XHCN, qua nghiên cứu Chương trình đã đi đến khẳng định: Kết cấu sở hữu của nền KTTT định hướng XHCN là kết cấu sở hữu nhị nguyên- kết hợp giữa công hữu và tư hữu chứ không phải là một loại, một chế độ sở hữu đơn nhất. Như vậy trong mô hình kinh tế thị trường đó tồn tại hai chế độ sở hữu: công và tư. Trên cơ sở đó sẽ xuất hiện nhiều mô hình tổ chức kinh doanh khác nhau, trong đó có cả mô hình là kết quả của sự pha trộn đan xen giữa hai chế độ sở hữu.
Trong giai đoạn đầu của quá trình hình thành phát triển KTTT ở Việt Nam, sở hữu tư nhân phát triển nhanh chóng cả về số lượng, quy mô và tốc độ. Đây là động lực chủ yếu để phát triển KTTT. Trong quá trình đó chế độ công hữu, với tư cách là tiềm lực kinh tế của Nhà nước cũng tăng lên không ngừng, nhưng hệ thống DNNN sẽ ngày càng thu nhỏ đến một tỷ lệ hợp lý. Khi lực lượng sản xuất đã phát triển đạt đến trình độ xã hội hoá cao, thì sở hữu cũng đồng thời phát triển theo xu hướng xã hội hoá và đây là một tiến trình lâu dài.
Nội dung 4: Qua nghiên cứu nhiều mô hình KTTT phát triển trên thế giới, đánh giá ý nghĩa và hiệu quả của cách phân loại cơ cấu thành phần kinh tế trong suốt quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế của Việt Nam, đặc biệt cách phân loại và quy định vai trò của các thành phần kinh tế trong quá trình 20 năm đổi mới của đất nước, Chương trình đã đưa ra kiến nghị không nên phân định nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay thành 6 thành phần kinh tế mà nên phân chia thành 2 khu vực kinh tế. Để phân định như vậy trước hết cũng cần nhận thức đúng đắn giữa khái niệm kinh tế nhà nước với khái niệm khu vực hay thành phần kinh tế nhà nước. Việc phân định nền kinh tế nước ta hiện nay thành 6 thành phần vừa không hợp lý và cũng không cần thiết
Nội dung 5: Chương trình đã đưa ra nhận thức mới và quan niệm mới về giá trị thặng dư và bóc lột giá trị thặng dư. Qua nghiên cứu về mối quan hệ giữa hai phạm trù này, Chương trình đã chỉ ra rằng, trong điều kiện của nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý nhà nước và nhân dân lao động làm chủ, với hệ thống pháp luật kinh doanh hoàn chỉnh, tình trạng bóc lột chỉ là những hiện tượng cá biệt do Nhà nước buông lỏng hay sơ hở trong quản lý, nó không phải là sản phẩm tất yếu gắn liền với một mô hình tổ chức kinh doanh cụ thể nào đó. Từ kết quả nghiên cứu này Chương trình đã kiến nghị ở Việt Nam hiện nay nên cho phép đảng viên được làm kinh tế tư nhân, kể cả việc xây dựng, tổ chức kinh doanh (doanh nghiệp) theo mô hình kiểu tư bản tư nhân. Điều đó hoàn toàn không có nghĩa là cho phép đảng viên bóc lột, đi ngược lại điều lệ của Đảng.
Nội dung 6: Từ những dẫn liệu nghiên cứu Chương trình đã đi đến khẳng định: Việc xây dựng nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam đạt được kết quả, hiệu quả và mục tiêu như thế nào tuỳ thuộc rất lớn vào việc xây dựng và hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN. Lần đầu tiên Chương trình đã làm rõ khái niệm thể chế KTTT và các bộ phận cấu thành thể chế kinh tế thị trường bao gồm: Sở hữu tư nhân và các chủ thể kinh doanh tự chủ, độc lập (Người chơi); Hệ thống các thị trường riêng đầy đủ, đồng bộ và công khai (Sân chơi- Thị trường hàng hoá dịch vụ; thị trường đất đai và bất động sản; thị trường vốn, tài chính; thị trường khoa học và công nghệ; thị trường lao động); Hệ thống luật pháp và quy tắc vận hành của kinh tế thị trường và các thị trường (Luật chơi- trong đó quan trọng nhất là luật khuyến khích cạnh tranh) và Vai trò điều hành của Chính phủ (cách chơi đặt dưới sự điều khiển và giám sát của trọng tài). Trên cơ sở nghiên cứu đó Chương trình đã kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến việc phát triển các loại hình kinh tế, như kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể và kinh tế hợp tác xã, kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và đưa ra các giải pháp phát triển nền KTTT định hướng XHCN.
Nội dung 7: Chương trình cũng đã đề xuất được nguyên tắc phân phối mới trong nền KTTT định hướng XHCN, cụ thể là: trong nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam, việc phân phối thu nhập quốc dân được thực hiện theo sự đóng góp của lao động và các yếu tố sản xuất khác trên nguyên tắc của quy luật thị trường (phân phối lần đầu) có sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước (qua phân phối lại) nhằm tạo động lực phát triển kinh tế và thực hiện công bằng xã hội. Trên cơ sở đó Chương trình đã kiến nghị hàng loạt giải pháp thiết thực để hoàn thiện thực trạng phân phối trong nền KTTT định hướng XHCN.
Nội dung 8: Khi nghiên cứu tác động của toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế tới sự phát triển nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam. Chương trình KX.01 cho rằng: Trong thời đại ngày nay toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế là xu thế tất yếu đối với tất cả các quốc gia. Do đó Việt Nam chủ động nhận thức và tham gia vào quá trình này, tạo môi trường hấp dẫn thu hút dòng vốn quốc tế (FDI) là một trong những động lực tối quan trọng đảm bảo không những cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế rút ngắn mà cả tính định hướng XHCN.
2. Chương trình “Công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo định hướng XHCN con đường và bước đi” (KX.02)
Chương trình gồm 10 đề tài
Toàn bộ các nhiệm vụ trong Chương trình đều tập trung theo hướng nghiên cứu đón đầu, đề xuất quan điểm, cơ chế, chính sách.
Các nội dung chính đã thực hiện
Nội dung 1: Nhận diện các vấn đề toàn cầu hoá kinh tế và đánh giá tác động của nó đến triển vọng phát triển của nền kinh tế nước ta trong giai đoạn mới.
Nội dung 2: Đã tiến hành nghiên cứu xác định rõ nội hàm của nền kinh tế tri thức, đề xuất các quan điểm, giải pháp và lộ trình phát triển kinh tế tri thức ở nước ta với tư cách là một bộ phận hữu cơ quan trọng của nền kinh tế công nghiệp hiện đại, đồng thời coi việc phát triển kinh tế tri thức là một trong những giải pháp chiến lược để thực hiện thành công chiến lược CNH, HĐH rút ngắn theo định hướng XHCN.
Nội dung 3: Xác định cụ thể hệ mục tiêu “Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020”, bao gồm tư duy mới về hệ mục tiêu phát triển và các chỉ tiêu phát triển kinh tế chủ yếu đến năm 2020.
Nội dung 4 và 5: Xác định nội hàm của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và đề xuất phương hướng và giả pháp chủ yếu để chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành và phát triển kinh tế vùng theo hướng CNH, HĐH rút ngắn theo định hướng XHCN.
Nội dung 6: Đề xuất con đường, phương hướng, lộ trình và giải pháp tiền hành CNH, HĐH rút ngắn đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Nội dung 7: Đề xuất một số giải pháp đột phá quan trọng để đẩy mạnh quá trình CNH, HĐH rút ngắn theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó nhấn mạnh các giải pháp: đẩy nhanh quá trình gia nhập WTO và một số quá trình hội nhập kinh tế khu vực và song phương chủ yếu, tạo động lực mạnh để cải cách và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ; triển khai Chương trình quốc gia biến Việt Nam thành địa chỉ thu hút đầu tư nước ngoài hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam á.
3.Chương trình “Xây dựng Đảng trong điều kiện mới” (KX.03)
Tổng số các đề tài thuộc Chương trình: 10 đề tài.
Chương trình được tổ chức triển khai theo hướng nghiên cứu một cách toàn diện về xây dựng Đảng, coi trọng khảo sát thực tế, chú ý tới những vùng trọng điểm, những đối tượng đặc thù, những vấn đề nổi cộm, bức xúc. Kết hợp nghiên cứu giữa các cơ quan khoa học ở trung ương với các bộ, ngành và các địa phương; gắn nghiên cứu lý luận với thực tiễn của các cơ sở Đảng ở các cấp để làm rõ từng vấn đề nghiên cứu đã được đề ra.
Kết quả nghiên cứu của Chương trình đã tạo ra một bộ tài liệu tổng kết lý luận về xây dựng Đảng, bao gồm hệ thống các quan điểm, lý thuyết về xây dựng và phát triển Đảng Cộng sản Việt Nam trong điều kiện mới. Đã đề xuất được 67 kiến nghị khoa học gửi lên Hội đồng Lý luận Trung ương và các cơ quan chức năng của Đảng và nhà nước để đưa vào ứng dụng trong thực tiễn. Một hệ thống các luận điểm và giải pháp mới được đề xuất để phục vụ Trung ương Đảng và Bộ Chính trị trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong điều kiện mới, đặc biệt là các luận điểm phục vụ bổ sung, chỉnh sửa Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chương trình đã công bố 109 bài báo, báo cáo tại các tạp chí, hội nghị, hội thảo trong nước, xuất bản được 10 đầu sách.
Các nội dung chính đã thực hiện
Nội dung 1: Đã nghiên cứu toàn diện và đưa ra hệ thống các giải pháp trong thời kỳ mới theo các nội dung: nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; nâng cao tầm tư tưởng và trí tuệ của Đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt, phát triển Đảng trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; đổi mới hệ thống tổ chức, bộ máy, công tác kiểm tra, kỷ luật Đảng; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN; một số vấn đề lý luận về xây dựng Đảng cầm quyền.
Nội dung 2: Xác định rõ ràng Đảng cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp vô sản, là đội tiền phong của giai cấp vô sản, là hình thức tổ chức cao nhất của giai cấp vô sản, là bộ phận giác ngộ nhất, kiên quyết nhất và có tính chiến đấu cao nhất của giai cấp vô sản.
Chương trình đã phân tích, lý giải, kiến nghị rõ ràng về cách diễn đạt vấn đề “Đảng cộng sản Việt Nam của ai?” theo tư tưởng Hồ Chí Minh và đã được Đại hội X của Đảng chấp nhận. Trong Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam được thông qua tại Đại hội X đã ghi rõ “Đảng cộng sản Việt Nam là đội tiền phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiền phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam…”.
Lần đầu tiên đưa ra định nghĩa về “bản chất của Đảng” là tổng hợp tất cả các mặt, các mối liên hệ tất yếu bên trong quy định sự vận động và phát triển của Đảng. Từ định nghĩa chung đó, đã đi đến một định nghĩa cụ thể hơn “Bản chất của Đảng cộng sản Việt Nam” là sự tổng hòa của 5 tính chất: tính cách mạng triệt để, tính tiền phong, tính trí tuệ, tính đạo đức, tính quần chúng.
Nội dung 3: Chương trình đã khẳng định rõ ba mặt cơ bản trong Xây dựng Đảng là: chính trị, tư tưởng và tổ chức, trong đó công tác tư tưởng có ý nghĩa quyết định đối với tất cả các mặt khác về xây dựng Đảng. Ngoài ra chương trình còn bổ sung thêm 2 mặt nữa về công tác xây dựng Đảng là: đạo đức, phương thức lãnh đạo và phong cách công tác. Tóm lại, xây dựng Đảng một cách toàn diện trong điều kiện hiện nay, bao gồm 5 mặt: tư tưởng, chính trị, tổ chức, đạo đức, phương thức lãnh đạo và phong cách công tác.
Lần đầu tiên đã phân tích một cách hệ thống các nguyên tắc và quy luật về xây dựng Đảng đã được thực tiễn kiểm nghiệm, trong đó có 2 nguyên tắc được coi là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng: tự phê bình và phê bình; thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn.
4.Chương trình “Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân” (KX.04)
Tổng số đề tài thuộc Chương trình: 09 đề tài.
Chương trình đã đề xuất các kiến nghị được sử dụng và tham khảo trong các quá trình: tổng kết lý luận và thực tiễn 20 năm đổi mới: phần Nhà nước pháp quyền; Báo cáo Chính trị Đại hội X; Báo cáo xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ tại Đại hội X; xây dựng các đề án đổi mới hoạt động của Quốc hội, Chính phủ; xây dựng hệ thống các đạo luật phục vụ các kỳ họp của Quốc hội khoá X; xây dựng các đề án về đổi mới tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 08 và 09 của Bộ Chính trị; xây dựng phương án đổi mới hệ thống chính quyền tại địa phương; đổi mới công tác xây dựng, đào tạo và sử dụng đội ngũ công chức trong quá trình cải cách nền hành chính quốc gia. Đã công bố được 06 công trình trên các tạp chí nước ngoài, 152 bài báo trên các tạp chí trong nước và xuất bản 04 đầu sách.
Các nội dung chính đã thực hiện
Nội dung 1: Bước đầu xây dựng một hệ thống lý thuyết về Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân phù hợp với các điều kiện chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và truyền thống của Việt Nam. Cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc hình thành các quan điểm chỉ đạo về quá trình xây dựng và củng cố chế độ pháp quyền ở Việt Nam, góp phần thống nhất nhận thức xã hội về pháp quyền, về dân chủ trong quá trình phát triển đất nước.
Từ những giá trị phổ biến và những giá trị đặc thù Chương trình đã khái quát những đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam như sau:
- Là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân;
- Quyền lực nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc thống nhất trên cơ sở có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp;
- Vị trí tối thượng của Hiến pháp và luật trong đời sống xã hội. Mọi tổ chức và hoạt động của nhà nước thực hiện trên cơ sở Hiến pháp và luật;
- Trách nhiệm qua lại giữa nhà nước - công dân, bảo đảm quyền con người, quyền công dân;
- Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa gắn liền với xã hội công dân;
- Thực hiện nghiêm chỉnh và tận tâm các cam kết quốc tế;
- Nhà nước pháp quyền do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Nội dung 2: Cung cấp các cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng các định hướng, giải pháp cải cách tổ chức và hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, chính quyền địa phương; cải cách hệ thống pháp luật, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi của nhà nước pháp quyền.
Đã làm sáng tỏ mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản lãnh đạo và cầm quyền với Nhà nước thực hiện chức năng quán lý xã hội theo sự ủy quyền của nhân dân. Làm rõ vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền trên cả ba phương diện: chính trị, tư tưởng, tổ chức đối với từng bộ phận của Nhà nước cũng như của địa phương. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đi đôi với việc tăng cường vị trí, vai trò của Quốc hội; khẳng định việc phát huy đầy đủ vị trí, vai trò của Quốc hội chính là nhân tố tiền đề, có tính quyết định bảo đảm xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.
Các nhiệm vụ nghiên cứu đã nêu khái quát được bức tranh toàn cảnh của ngành tư pháp Việt Nam thông qua việc phân tích, đánh giá những ưu điểm và hạn chế trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, đồng thời tìm ra được nguyên nhân của hạn chế. Xác định yêu cầu tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp có căn cứ khoa học, có tính khả thi, phù hợp với định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân.
Làm rõ phạm trù định chế xã hội, bao gồm: các định chế xã hội chính trị và các định chế xã hội dân sự, đồng thời khảo sát thực tiễn và rút ra những vấn đề lý luận từ thực trạng quan hệ giữa Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân với các định chế xã hội ở nước ta hiện nay. Quan niệm về định chế xã hội là một vấn đề mới, trừu tượng, hiện có nhiều ý kiến khác nhau. Với sự phân tích khoa học, Chương trình đã khái quát định chế xã hội là “tổng hoà quan hệ giữa hệ thống tổ chức thiết chế xã hội và hệ thống quy phạm về phương thức tổ chức, hoạt động của cá nhân, cộng đồng”.
Chương trình đã tiến hành phân tích và nghiên cứu sâu về mối quan hệ quyền lực giữa chính quyền nhà nước trung ương và các cấp chính quyền địa phương, với việc làm rõ "bản chất kép" của chính quyền địa phương ở nước ta "vừa là cơ quan thực hiện quyền lực nhà nước ở địa phương, vừa là cơ quan đại diện cho quyền làm ch?? của nhân dân của địa phương"; vừa là cơ quan trực thuộc trung ương về phương diện hành chính - nhà nước, vừa là cơ quan độc lập của địa phương về phương diện tự quản.
Đã xác định được những đòi hỏi của nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức và thể chế quản lý cán bộ, công chức. Phân tích toàn diện mô hình nhân cách của người cán bộ, công chức, đó là quan hệ đức - tài, hồng - chuyên, chính trị - chuyên môn. Xây dựng luận cứ khoa học và thực tiễn để xác định các tiêu chí phân định công chức, viên chức và cán bộ, công chức cơ sở; trên cơ sở đó tạo lập thể chế quản lý thích hợp (từ tạo nguồn, tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, cơ chế tiền lương...) đối với từng loại đối tượng cán bộ, công chức.
5. Chương trình “Phát triển văn hoá, con người và nguồn nhân lực trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá” (KX.05)
Chương trình gồm 12 đề tài.
Các đề tài tập trung theo hướng nghiên cứu đón đầu, đề xuất quan điểm, cơ chế, chính sách.
Chương trình đã công bố được 261 báo cáo khoa học tại các hội nghị, hội thảo quốc gia và trong nước, 115 bài báo đăng trên các tạp chí, xuất bản được 25 đầu sách.
Các nội dung chính đã thực hiện
Nội dung 1: Bằng phương pháp điều tra, khảo sát diễn giải, đã nghiên cứu thực trạng đời sống văn hoá của 3 vùng: vùng nông thôn Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long; vùng đô thị và khu công nghiệp; vùng dân tộc thiểu số Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Từ kết quả điều tra khảo sát và với quan điểm đời sống văn hoá là một cấu trúc mang tính tổng thể, trong đó yếu tố tư tưởng, đạo đức, lối sống là cốt lõi, chương trình đã đề xuất các phương hướng nâng cao đời sống văn hoá các vùng nông thôn, thành thị và vùng dân tộc thiểu số.
Nội dung 2: Chương trình đã vận dụng phương pháp NEOPIR là phương pháp mới được sử dụng trong nghiên cứu tâm lý học trên thế giới (có sự điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam) để nghiên cứu giá trị nhân cách và giá trị xã hội của thanh thiếu niên Việt Nam, nhò đó đã phát hiện ra điểm mạnh, điểm yếu ở con người Việt Nam, giúp cho việc định hướng giáo dục thế hệ trẻ.
Nội dung 3: Lần đầu tiên tiến hành đo đạc một cách hệ thống theo phương pháp quốc tế các chỉ số trí tuệ thanh thiếu niên Việt Nam (chỉ số IQ, EQ, CQ), trên cơ sở đó, đánh giá tiềm năng đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường, toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế của con người Việt Nam, đồng thời đưa ra cơ sở để so sánh với nước ngoài.
Nội dung 4 và 5: Chương trình đã đưa ra phương pháp tính chỉ số phát triển con người (HDI), gồm cách đo đạc, tính toán, phân tích, kết luận và đã phổ biến cho 25 tỉnh thành phố thực thuộc trung ương tính chỉ số phát triển người của địa phương, làm cơ sở khoa học cho việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Phương pháp đánh giá con người Việt Nam công nghiệp cũng đã được hoàn thành với các chỉ số về trình độ công nghệ, tác phong, tư duy công nghiệp điển hình của đội ngũ lao động công nghiệp.
Nội dung 6: Chương trình đã đi sâu nghiên cứu về thực trạng giáo dục hướng nghiệp, đào tạo, quản lý nguồn nhân lực, năng lực và thể chất người lao động để từ đó đề xuất các giải pháp phát triển và quản lý nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
6.Chương trình “Dự báo chiến tranh kiểu mới của địch; đề xuất các chủ trương, biện pháp đối phó” (KX.06)
Chương trình triển khai thực hiện 7 đề tài.
Sản phẩm khoa học của Chương trình bao gồm 7 tập tổng quan tình hình nghiên cứu của chương trình, 7 tập số liệu điều tra gốc, 3 tập tài liệu dịch từ nước ngoài, 385 báo cáo khoa học, 10 đầu sách, 10 tài liệu huấn luyện, 8 tập kiến nghị về các lĩnh vực nghiên cứu.
Các nội dung chính đã thực hiện
Nội dung 1: Phân tích tình hình thế giới, khu vực và trong nước, dự báo chiến tranh kiểu mới của địch đối với Việt Nam.
Các đề tài nghiên cứu đã tiến hành phân tích tình hình thế giới, khu vực và trong nước, khảo cứu 4 cuộc chiến tranh trên thế giới vừa qua do Mỹ gây ra. Dự báo chiến tranh kiểu mới của địch đối với Việt Nam và kiến nghị những định hướng lớn về chủ trương, giải pháp đối phó.
Nội dung 2: Chuẩn bị và động viên chính trị-tinh thần của nhân dân và quân đội nhằm đánh thắng chiến tranh kiểu mới của địch.
Phân tích những tác động của chiến tranh kiểu mới đến chính trị tinh thần của nhân dân và quân đội, nội dung chuẩn bị, động viên và những kinh nghiệm về chuẩn bị và động viên chính trị-tinh thần của dân tộc. Lập luận rút ra những vấn đề có tính quy luật trong chuẩn bị và động viên chính trị-tinh thần của nhân dân và quân đội. Đánh giá thực trạng, dự báo khả năng động viên chính trị-tinh thần của nhân dân và của quân đội nếu chiến tranh kiểu mới xảy ra. Đề xuất các giải pháp chuẩn bị và động viên chính trị-tinh thần của nhân dân và quân đội nhằm đánh thắng chiến tranh xâm lược kiểu mới của địch.
Nội dung 3: Phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam đánh thắng chiến tranh kiểu mới của địch.
Dự báo phương thức và thủ đoạn tiến hành hoạt động tác chiến của địch trong chiến tranh kiểu mới đối với Việt Nam. Phân tích đánh giá thực trạng khả năng mọi mặt của đất nước và các điều kiện tác động đến chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Khảo cứu những nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ để rút ra quy luật giành thắng lợi của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Đề xuất nội dung phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam và các giải pháp nhằm phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam đánh thắng chiến tranh kiểu mới của địch.
Nội dung 4: Phát triển khoa học kỹ thuật-công nghệ quân sự và công nghiệp quốc phòng góp phần đánh thắng chiến tranh kiểu mới của địch.
Phân tích, dự báo những yếu tố tác động đến sự phát triển và những yêu cầu mới đối với khoa học kỹ thuật-công nghệ quân sự và công nghiệp quốc phòng nước ta từ nay đến năm 2020. Đánh giá thực trạng khoa học kỹ thuật-công nghệ quân sự và công nghiệp quốc phòng của nước ta hiện nay, đề xuất các quan điểm, mục tiêu, phương hướng và hệ thống giải pháp phát triển khoa học kỹ thuật-công nghệ quân sự và công nghiệp quốc phòng phù hợp, góp phần đánh thắng chiến tranh kiểu mới của địch.
Nội dung 5: Những giải pháp bảo vệ tiềm lực quân sự và các mục tiêu trọng điểm quốc gia, chống chiến tranh kiểu mới của địch.
Phân tích, làm rõ khái niệm, vị trí, vai trò, mối quan hệ, tính chất, phạm vi bảo vệ trong chiến tranh kiểu mới. Đánh giá đúng đặc điểm tình hình, dự báo những tác động trực tiếp của chiến tranh kiểu mới đối với yêu cầu và khả năng bảo vệ. Xác định chủ trương, quan điểm tư tưởng bảo vệ. Đề xuất những giải pháp chủ yếu nhằm chuẩn bị, thực hành bảo vệ có hiệu quả tiềm lực quân sự và mục tiêu trọng điểm quốc gia trong các tình huống chiến tranh kiểu mới.
Nội dung 6: Bảo đảm hậu cần, bảo đảm kỹ thuật cho lực lượng vũ trang góp phần đánh thắng chiến tranh kiểu mới của địch.
Phân tích những tác động của chiến tranh kiểu mới của địch đến bảo đảm hậu cần, bảo đảm kỹ thuật cho lực lượng vũ trang. Đánh giá thực trạng công tác bảo đảm hậu cần, bảo đảm kỹ thuật lực lượng vũ trang hiện nay; xác định nội dung cơ bản, xác định chủ trương và đề xuất các giải pháp bảo đảm hậu cần, bảo đảm kỹ thuật cho lực lượng vũ trang góp phần đánh thắng chiến tranh kiểu mới của địch.
7. Chương trình “Âm mưu, ý đồ chiến lược và hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia của các thế lực thù địch trong giai đoạn mới” (KX.07)
Chương trình triển khai thực hiện 10 đề tài.
Các đề tài đã đề xuất được 65 kiến nghị khoa học về cơ chế, chính sách, công bố 163 bài báo khoa học, xuất bản 05 đầu sách và 20 giáo trình, đào tạo được 5 tiến sĩ, 2 thạc sĩ.
Các nhiệm vụ trong Chương trình đã thực hiện các nội dung nghiên cứu chủ yếu sau:
. Tình hình thế giới, khu vực, chiến lược các nước lớn và những vấn đề đặt ra đối với an ninh quốc gia Việt Nam trong tình hình mới.
. Hoạt động của các thế lực thù địch phá hoại nội bộ và các giải pháp cơ bản đảm bảo an ninh nội bộ trong tình hình mới.
. Giải pháp đảm bảo an ninh, trật tự ở các vùng chiến lược Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây Bắc góp phần phát triển kinh tế -xã hội.
. Âm mưu, ý đồ chiến lược của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo ở Việt Nam – giải pháp phòng, chống.
. Những giải pháp nâng cao hiệu quả đảm bảo an ninh, trật tự ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế mở.
. Vi phạm pháp luật về môi trường – giải pháp về phòng, chống.
. Những giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm có tổ chức ở Việt Nam trong tình hình mới.
. Bổ sung và hoàn thiện một bước cơ sở pháp lý cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới.
. Xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong tình hình mới.
. Khoa học kỹ thuật, công nghệ và tình báo khoa học kỹ thuật công an nhân dân phục vụ yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia và phát triển kinh tế đất nước.
8. Chương trình “Những đặc điểm chủ yếu, những xu thế lớn của thế giới và khu vực trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI” (KX.08)
Tổng số đề tài thực hiện trong Chương trình: 10 đề tài.
Chương trình KX.08 được tổ chức triển khai nghiên cứu một cách toàn diện trên các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội và văn hoá, quan hệ quốc tế, ... để dự báo bức tranh tổng quát về tình hình thế giới 20 năm đầu thế kỷ XXI, đồng thời nhận diện những xu hướng và dự báo triển vọng phát triển của thế giới; đánh giá tác động của các yếu tố đó đến sự phát triển của Việt Nam. Chương trình KX08 đã phác thảo được những nét cơ bản về bức tranh toàn cảnh của thế giới trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, đồng thời đề xuất các vấn đề cụ thể với Đảng và Nhà nước. Chương trình đã đề xuất 60 kiến nghị khoa học lên các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước ở Trung ương và địa phương, nhiều kiến nghị cụ thể đã được sử dụng làm cơ sở để cung cấp luận cứ khoa học cho các nội dung nghiên cứu về: "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới" của Ban nghiên cứu thuộc Bộ Chính trị về An ninh quốc gia và "Chính sách đối ngoại" trong Văn kiện đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam khoá X.
Chương trình đã công bố được hơn 125 công trình khoa học trên các tạp chí và tại các hội nghị, hội thảo trong nước , đã xuất bản được 14 đầu sách.
Các nội dung chính đã thực hiện
Nội dung 1: Các đề tài triển khai theo hướng nghiên cứu về toàn cầu hoá thuộc Chương trình đã đi sâu nghiên cứu làm sáng tỏ thêm nguồn gốc, bản chất, đặc điểm và xu thế phát triển của toàn cầu hoá, chỉ ra hàng loạt nhân tố tác động đến sự gia tăng xu thế toàn cầu hoá. Kết quả nghiên cứu đã làm rõ các tác động, hậu quả tích cực và tiêu cực của toàn cầu hoá, đặc biệt làm rõ tác động đối với độc lập, chủ quyền quốc gia dân tộc, đề xuất những phương hướng cơ bản và nêu lên 6 điều kiện cho quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam.
Nội dung 2: Về đặc điểm, nội dung và xu hướng phát triển của KH&CN; quá trình hình thành và phát triển nền kinh tế tri thức - vai trò, ý nghĩa của nó đến sự phát triển của Việt Nam, các kết quả nghiên cứu đã làm rõ những xu thế phát triển mạnh mẽ của cách mạng KHCN đầu thế kỷ XXI, về sự phát triển của KH&CN dẫn tới một hệ thống công nghệ sản xuất hoàn toàn mới về chất vào cuối giai đoạn 2020. Chương trình đã xác định, khoa học - tri thức - vốn con người là yếu tố quan trọng và có tính quyết định của lực lượng sản xuất, là đặc trưng của nền sản xuất mới (nền kinh tế tri thức), đồng thời đưa ra dự báo về vai trò của nền kinh tế tri thức không những làm thay đổi về căn bản tính chất xã hội của lực lượng sản xuất mà còn làm thay đổi sâu sắc các quan hệ chính trị – xã hội, v.v.., đồng thời tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đối với Việt Nam.
Nội dung 3: Chương trình đã tiến hành nghiên cứu và phân tích sự thay đổi bản chất của trật tự quốc tế; cuộc đấu tranh giữa các lực lượng xoay quanh vấn đề tạo dựng trật tự quốc tế “mới”; chiến lược đối ngoại của các nước lớn; các phong trào đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp, vấn đề chiến tranh và hoà bình. Kết quả nghiên cứu đã đưa ra dự báo về các xu thế diễn biến trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, như: xu thế cạnh tranh toàn cầu; xu thế tăng cường hợp tác kinh tế Bắc - Nam; xu thế khu vực hoá kinh tế tiến triển sâu rộng; xu thế phát triển mạnh thương mại và đầu tư trực tiếp quốc tế. Đồng thời Chương trình còn đưa ra những dự báo về mục tiêu và chiến lược đối ngoại của các nước lớn (Mỹ, Trung, EU, Nhật, Nga, ấn Độ), về tình hình chính trị, an ninh khu vực châu á Thái Bình Dương và vai trò của các nước lớn như Trung Quốc và Mỹ trong khu vực này.
Chương trình đã thân tích toàn diện các nhân tố thuận lợi và thách thức về chính trị đối với Việt Nam; kiến nghị các phương hướng, giải pháp ứng phó để tranh thủ thời cơ và vượt qua thách thức; đề xuất nội dung đường lối đối ngoại của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; xác định các hướng ưu tiên trong hoạt động đối ngoạicủa Đảng, Nhà nước và các đoàn thể, tổ chức nhân dân.
Nội dung 4: Chương trình đã tiến hành nghiên cứu sâu về chủ nghĩa tư bản hiện đại, chủ nghĩa xã hội hiện thực và các vấn đề đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp và các hình thức biểu hiện mới.
Về chủ nghĩa tư bản, Chương trình đã đưa ra nhận định về xu hướng phát triển của Chủ nghĩa tư bản trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI. Đó là sự chuyển biến theo mô hình chủ nghĩa tự do mới, hay chủ nghĩa tư bản độc quyền xuyên quốc gia và mang tính toàn cầu.
Về chủ nghĩa xã hội, Chương trình đã phân tích sâu thêm về những nguyên nhân dẫn đến thoái trào của chủ nghĩa xã hội nói chung và đưa ra dự báo về sự phát triển của chủ nghĩa xã hội hiện thực, đồng thời chỉ rõ nhưng nhân tố quyết định tương lai của chủ nghĩa xã hội, đó là: những nhân tố cách mạng trong lòng chủ nghĩa tư bản; các phong trào hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; công cuộc đổi mới, cải cách ở các nước xã hội chủ nghĩa còn lại có ý nghĩa to lớn đối với tương lai của chủ nghĩa xã hội và phong trào xã hội chủ nghĩa trong 20 năm tới.
9. Chương trình “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị nước ta trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế” (KX.10)
Chương trình đã triển khai thực hiện 10 đề tài
Các đề tài đã đưa ra được 30 kiến nghị phục vụ cho việc xây dựng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đã công bố được 50 công trình khoa học.
Các nội dung chính đã thực hiện
Nội dung 1: Đánh giá thực trạng tổ chức và hoạt động của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể trong hệ thống chính trị.
Trên cơ sở tổng kết các kết quả nghiên cứu về hệ thống chính trị đã được công bố từ 1991 đến nay, Chương trình làm rõ được nhiều vấn đề lý luận về hệ thống chính trị ở Việt Nam trong điều kiện xây dựng, vận hành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân và hội nhập kinh tế quốc tế. Các phân tích có tính tổng kết lý luận và thực tiễn về hệ thống chính trị trên các phương diện: khái niệm hệ thống chính trị, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống chính trị, cấu trúc của hệ thống chính trị, các cơ sở kinh tế, chính trị, tư tưởng và xã hội của hệ thống chính trị, các đặc điểm của hệ thống chính trị nước ta. Đã cơ bản tạo lập được khuôn khổ lý thuyết về hệ thống chính trị trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh “mọi quyền hành đều ở nơi dân”.
Đã phân tích, đánh giá thực trạng tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở nước ta, làm rõ được mức độ tương thích giữa cải cách kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị trong 20 năm qua và bước đầu nêu lên được các tồn tại, bất cập trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, mà việc chậm khắc phục chúng sẽ cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai. Phân tích, làm rõ sự cần thiết khách quan phải đẩy mạnh đổi mới hệ thống chính trị theo các yêu cầu của kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hoá. Các nghiên cứu của chương trình đã đi đến nhận định: đổi mới, kiện toàn hệ thống chính trị phải trở thành nội dung cơ bản của đường lối đổi mới đất nước giai đoạn 2005 - 2020.
Nội dung 2: Những đề xuất, khuyến nghị về giải pháp, cơ chế, chính sách để đổi mới và làm tăng hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị.
Chương trình đã xây dựng và đề xuất được 6 quan điểm và 4 nguyên tắc đổi mới hệ thống chính trị nhằm đảm bảo định hướng chính trị cho việc đổi mới theo phương châm: đổi mới có nguyên tắc, có lộ trình và bước đi thích hợp, vừa giữ vững con đường phát triển định hướng xã hội chủ nghĩa, vừa xây dựng được hệ thống chính trị dân tộc, tiên tiến và hiện đại có khả năng thích ứng cao với nền kinh tế, chính trị thế giới.
Các nhiệm vụ đã nghiên cứu sâu hơn các quan điểm lý luận và thực tiễn về Đảng cầm quyền, sự lãnh đạo và phương thức lãnh đạo của Đảng cầm quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các mối quan hệ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị. Trên cơ sở đó bước đầu đề xuất được một cách khái quát mô hình lý luận về các tổ chức trong hệ thống chính trị.
Nội dung 3: Những đóng góp của chương trình cho việc xây dựng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Các nghiên cứu thuộc Chương trình vừa tổng kết vừa làm sâu sắc thêm các quan điểm về nền dân chủ XHCN, về khả năng và tính hiện thực của việc xây dựng và phát huy dân chủ trong điều kiện nhất nguyên chính trị, một Đảng duy nhất cầm quyền. Trên cơ sở đó tiếp tục làm sâu sắc thêm vai trò của nhân dân trong tư cách là chủ thể của quyền lực chính trị ở Việt Nam.
Các kết quả nghiên cứu ở giai đoạn I của Chương trình đã góp phần cung cấp các luận cứ khoa học có giá trị tham khảo trong quá trình xây dựng các dự thảo văn kiện của Đại hội X, đặc biệt Báo cáo chính trị, Báo cáo Xây dựng Đảng và sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng trình Đại hội X của Đảng vừa qua.
(II). Chương trình nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên
Chương trình nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên giai đoạn 2001-2005 được triển khai trên 7 lĩnh vực: Toán học, Tin học, Cơ học, Vật lý học, Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học về Trái đất, Khoa học và công nghệ nano và Nghiên cứu cơ bản định hướng cho Công nghệ sinh học. Chương trình được thực hiện nhằm giải quyết các nhiệm vụ: tiếp thu các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại của thế giới; góp phần phát triển khoa học và công nghệ, tạo cơ sở khoa học cho các nghiên cứu ứng dụng; sử dụng tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam một cách hợp lý; góp phần nâng cao trình độ của cán bộ khoa học và công nghệ trong các tổ chức KHCN, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp CNH và HĐH đất nước.
Chương trình đã tiến hành thực hiện 1622 đề tài nghiên cứu cơ bản, với sự tham gia của nhiều cơ quan nghiên cứu - triển khai và đào tạo. Nhiều đề tài nghiên cứu cơ bản của Chương trình đã công bố các công trình khoa học, có 1359 bài báo được đăng trên các tạp chí nước ngoài và 1515 các báo cáo trong các hội nghị khoa học quốc tế. Nhiều công trình đã được công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín hay trong các hội nghị khoa học quốc tế lớn, mang hàm lượng tri thức khoa học lớn, đạt trình độ quốc tế. Có 256 sách chuyên khảo, tuyển tập hội nghị khoa học quốc gia đã được xuất bản.
Trong lĩnh vực toán học, các đề tài nghiên cứu cơ bản được phân bố theo bốn hướng nghiên cứu lớn: Tối ưu và tính toán khoa học; Giải tích toán học; Xác suất và thống kê; Đại số, tôpô và hình học. Nhìn chung, các đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực này đã hoàn thành được mục tiêu và nội dung đặt ra. Nhiều kết quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí chuyên môn có uy tín trong nước và ngoài nước, 607 bài báo được đăng trên các tạp chí phát hành quốc tế, 220 bài báo đăng trên các tạp chí trong nước, ngoài ra còn có hàng trăm báo cáo trình bày tại các hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành. Một số đề tài đã tiếp cận được tới những hướng nghiên cứu mang tính thời sự, thu được những kết quả có ý nghĩa khoa học cao, giải quyết được một số vấn đề khó, được các đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao. Bên cạnh các nghiên cứu mang tính lý thuyết, một số vấn đề thực tế bức xúc đã được quan tâm giải quyết.
Về lĩnh vực Tin học, đã triển khai hầu hết những vấn đề nghiên cứu cơ bản chủ chốt nhất trong lĩnh vực tin học như: các phương pháp phát hiện tri thức từ dữ liệu; thiết kế và xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu; những vấn đề về thiết kế và xây dựng các kho dữ liệu (data warehouse); nghiên cứu và triển khai các phương pháp khai thác dữ liệu (data mining); công nghệ phần mềm; công nghệ mạng; trí tuệ nhân tạo; các phương pháp nhận dạng, xử lý ảnh; các phương pháp tính toán mềm; cơ sở toán của tin học ... Một số kết quả nghiên cứu cơ bản đã được ứng dụng có hiệu quả trong thực tiễn, như các kết quả nghiên cứu cơ bản liên quan đến xử lý và nhận dạng chữ Việt in, tổng hợp và nhận dạng tiếng Việt được áp dụng để xây dựng các sản phẩm phần mềm tương ứng; một số kết quả liên quan đến khai phá dữ liệu, cơ sở dữ liệu quan hệ được ứng dụng trong việc xây dựng các hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý Nhà nước.
Các đề tài nghiên cứu cơ bản ngành Cơ học được triển khai theo ba hướng chuyên môn lớn: Cơ học vật rắn biến dạng, Cơ học chất lỏng và Cơ học hệ nhiều vật, đã tập trung vào các chủ đề cụ thể gồm: Các vấn đề cơ học với môi trường có tính chất phức tạp hoặc phi tuyến; Cơ học vật liệu composit; Tính toán kết cấu công trình và các vấn đề có liên quan; Cơ học chất lỏng trong nghiên cứu biển và môi trường; Cơ học chất lỏng trong nghiên cứu nước và phòng chống lũ lụt; Cơ học thủy khí công nghiệp; Cơ học thủy khí khí cụ bay; Động lực học các hệ phi tuyến; Chẩn đoán kỹ thuật; Điều khiển các hệ kỹ thuật; Động lực học các hệ cơ điện tử. Các đề tài nghiên cứu được định hướng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn ở nước ta, như vấn đề nghiên cứu sử dụng và khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường, phòng chống thiên tai, xây dựng và bảo vệ các công trình lớn, phát triển và khai thác các kỹ thuật và công nghệ hiện đại. Đã xuất bản được 54 cuốn sách, công bố 52 bài báo trên các tạp chí quốc tế, 289 bài báo trong các tạp chí có uy tín trong nước, 128 báo cáo tại các hội nghị khoa học quốc tế, 677 báo cáo tại các hội nghị khoa học trong nước.
Các đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực Vật lý được triển khai theo bốn hướng nghiên cứu: Vật lý lý thuyết, Vật lý chất rắn, Vật lý hạt nhân, Vật lý quang học và Quang phổ học, Vật lý vô tuyến và giai đoạn 2004-2005 hình thành hướng nghiên cứu trọng điểm mới là Khoa học và công nghệ nano. Một số nhánh nghiên cứu cơ bản của vật lý lý thuyết và thực nghiệm đã đạt được những kết quả nghiên cứu nổi bật, đặc biệt là lĩnh vực nghiên cứu thực nghiệm về các vật liệu từ tính. Đã hoàn thành nhiều công trình nghiên cứu các quá trình và hiệu ứng vật lý trong các vật liệu từ tính mới đạt trình độ quốc tế, tiếp cận với công nghệ vật liệu từ tính cấu trúc nano. Đã thu được những kết quả có triển vọng trong một lĩnh vực vật lý bán dẫn mới, đó là các vật liệu bán dẫn cấu trúc nanomet. Một số kết quả nghiên cứu đạt trình độ quốc tế và mở ra hướng nghiên cứu mới về khoa học và công nghệ nano. Đạt được nhiều kết quả có giá trị cao về laser bán dẫn, laser sợi quang và laser xung cực ngắn. Các nghiên cứu vật lý lý thuyết, lý thuyết chất rắn về quang học lượng tử và về vật lý hạt nhân đã có bước phát triển mới, nhiều kết quả quan trọng đã được công bố trên các tạp chí có uy tín trên thế giới.
Đã xây dựng được một chương trình nghiên cứu cơ bản có định hướng bao trùm toàn bộ các khoa học sự sống, bao gồm các lĩnh vực Sinh học, Khoa học nông nghiệp và Y học. Các đề tài nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực Khoa học sự sống được tập trung vào các chủ đề: Tính đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn gen đa dạng của sinh vật Việt Nam; Sinh học cơ thể động vật, thực vật liên quan đến chăn nuôi và trồng trọt; Sinh thái học, sinh học quần thể, các quần xã và hệ sinh thái và tính bền vững của các hệ sinh thái ở nước ta; Sinh học phân tử, tế bào và các ứng dụng trong nghiên cứu bảo vệ tính đa dạng sinh học, nông nghiệp và y học. Hai mũi nhọn được tập trung mang tính khoa học hiện đại và thực tiễn Việt Nam là Tính đa dạng sinh học Việt Nam và sinh học phân tử. Hai định hướng ứng dụng là phát triển nông nghiệp bền vững và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nhiều kết quả nghiên cứu đạt được có giá trị cao về mặt khoa học. Đã có 134 công trình được công bố trên các tạp chí quốc tế, 648 công trình công bố trên các tạp chí trong nước, 116 báo cáo khoa học đã được trình bày tại các hội nghị quốc tế. Nhiều loài mới đã được phát hiện cho hệ động vật và thực vật Việt Nam , nhiều tên khoa học đã được hiệu chỉnh. Không chỉ trong sinh học mà cả trong khoa học nông nghiệp và y học, nhiều vấn đề cơ bản mang tính ứng dụng cũng gần như lần đầu tiên được đề cập tới. Về ý nghĩa thực tiễn, dữ liệu do các đề tài thu thập được đã góp phần bổ sung dẫn liệu quý cho các vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên, cho Danh lục đỏ và Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Thực vật chí và động vật chí sẽ sử dụng những dẫn liệu về nghiên cứu cơ bản trong các lĩnh vực ứng dụng. Trong lĩnh vực nông nghiệp, các kết quả nghiên cứu đã đưa ra được các giải pháp cho các vấn đề về giống gia súc, gia cầm, vấn đề năng suất, phòng chống sâu bệnh, tính chống chịu với các điều kiện môi trường... Trong y học, các kết quả cũng có ý nghĩa trong việc chẩn đoán và đề phòng các bệnh hiểm nghèo, tìm kiếm các dược liệu trong nguồn tài nguyên đất nước.
Nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực các Khoa học về Trái đất đã được định hướng rõ rệt vào mục tiêu đáp ứng các yêu cầu đa dạng trong việc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Các đề tài tập trung đi sâu vào các hướng: Đánh giá tiềm năng, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; Các tai biến thiên nhiên và giải pháp phòng tránh; Nghiên cứu cơ sở khoa học cho quy hoạch lãnh thổ theo tiêu chí phát triển bền vững; Giải quyết những vấn đề môi trường cấp bách; Đới đứt gãy sông Hồng - đặc điểm địa động lực học, sinh khoáng và ảnh hưởng tới môi trường. Đã có hơn 300 công trình khoa học được đăng trên các tạp chí chuyên ngành (trong đó có 20 bài đăng trên các tạp chí quốc tế), gần 200 báo cáo tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế. Các đề tài theo hướng nghiên cứu này đã đạt được một số kết quả nổi bật như: Xây dựng được cơ sở dữ liệu có độ tin cậy cao về thành phần vật chất của các thành tạo magma và biến chất trong một số cấu trúc địa chất quan trọng; áp dụng các công cụ phần mềm tiên tiến để đánh giá độ nguy hiểm động đất và ước lượng thiệt hại do động đất gây ra, để trên cơ sở đó đề xuất giải pháp và ra các quyết định phòng tránh, ngăn ngừa và giảm thiểu thiệt hại do động đất gây ra; triển khai hướng phát triển mới của địa vật lý hiện đại là địa vật lý nông (near surface geophysics), thử nghiệm công nghệ địa điện đa cực, địa chấn công trình, phóng xạ xuyên Gamma-Gamma và Nơtron-Nơtron, dùng georada để xác định ẩn họa tổ mối, lỗ hổng trong thân đê và đới xung yếu trong nền đê nhằm đưa ra các giải pháp xử lý; nghiên cứu mối liên quan của hoạt động nội sinh khống chế các quá trình trầm tích của khu vực Đồng bằng Nam bộ; xây dựng các mô hình từ trường bình thường lãnh thổ Việt Nam niên đại 2003.5 và nghiên cứu biến thiên thế kỷ của từ trường Trái đất phục vụ thăm dò khoáng sản có ích, hệ đứt gãy phục vụ dự báo thiên tai địa chất, thiết kế nhà máy thủy điện, nhà máy hạt nhân; xác lập quy trình nghiên cứu và đánh giá tổng hợp điều kiện sinh thái cảnh quan các vườn quốc gia và vùng điểm tiếp cận địa lý; xây dựng phương pháp luận quản lý tổng hợp tài nguyên thiên nhiên và môi trường theo lưu vực sông nhằm giúp cho các địa phương trên lưu vực có cơ sở khoa học để quản lý tổng hợp lưu vực, phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên.
Trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển Khoa học và Công nghệ nano, một số kết quả khoa học công nghệ có giá trị đã được nghiên cứu thành công, như: chế tạo một số hệ nano tinh thể bán dẫn họ AIIBVI, các laser vi cầu, vật liệu dẫn sóng phẳng có khả năng ứng dụng trong công nghệ quang tử hiện đại và kỹ thuật đánh dấu; chế tạo thành công cấu trúc nano hình dây, thanh, băng, ống, đĩa của các oxit và bán dẫn II-VI bằng phương pháp bay bốc nhiệt; chế tạo màng kim cương nano bằng phương pháp HFCVD và bằng phương pháp CVD; chế tạo các polyme dẫn điện có cấu trúc nano và các nanocomposit tổ hợp nanoclay với polyme dẫn điện để ứng dụng làm vật liệu bảo vệ chống ăn mòn, vật liệu hấp thụ sóng viba, có thể ứng dụng trong an ninh quốc phòng; tổng hợp thành công vật liệu ưa hữu cơ nano mao quản Si-MCM-41, thử nghiệm làm chất hấp thụ chọn lọc, làm nền tảng cho việc chế tạo các máy tách nitơ-oxy từ không khí.
(III). Chương trình trọng điểm cấp nhà nước thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ
Giai đoạn 2001-2005, đã triển khai 10 chương trình KHCN trọng điểm cấp Nhà nước mang mã số từ KC.01 đến KC.10. Dưới đây là một số thành tựu KH&CN nổi bật mà các Chương trình đã đạt được:
1. Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước về Công nghệ Thông tin và Truyền thông (KC.01)
Tổng số đề tài, dự án thuộc Chương trình: 25 đề tài và 3 dự án.
Đánh giá về khoa học, phát triển công nghệ, hiệu quả kinh tế của Chương trình và tác động của các kết quả nghiên cứu của Chương trình đối với sự phát triển kinh tế-xã hội cho thấy, nhiều kết quả nghiên cứu của các đề tài có giá trị khoa học và thực tiễn cao, đã có nhiều công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí và kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế.
Hầu hết các sản phẩm nghiên cứu đều sẵn sàng để chuyển giao công nghệ, trong đó có 10 công trình được chuyển giao cho sản xuất; 6 công nghệ đã hoàn thiện để đưa vào thị trường; 3 hợp đồng đã được ký kết với tổng trị giá 1.500 triệu đồng; số tiền ước tính làm lợi cho sản xuất là 100 tỷ đồng. Nhìn chung các kết quả của các đề tài, dự án đã có những tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Thông qua việc triển khai các đề tài, dự án, hàng trăm chuyên gia bậc cao (Tiến sĩ, Thạc sĩ) và nhiều cán bộ khoa học kỹ thuật trình độ đại học, cao đẳng đã được đào tạo, huấn luyện, được tiếp cận với các công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực Điện tử, Viễn thông và Công nghệ Thông tin, góp phần không nhỏ vào chiến lược phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao cho đất nước.
Các nội dung chính đã thực hiện:
Nội dung 1: Tiến hành các nghiên cứu cơ bản làm cơ sở cho công nghệ chế tạo các linh kiện điện tử mới như: nano- microelectronics (Vi điện tử nano); nano optoelectronics (quang điện tử nano); công nghệ ASIC; công nghệ thu phát quang và chuyển mạch quang.
Trên cơ sở nghiên cứu các thiết bị điện tử thế hệ mới, có yếu tố thông minh, tính tương tác, tính nối mạng, đã thiết kế, chế tạo được các thiết bị điện tử tiên tiến (cả phần cứng và phần mềm): kính hiển vi quét lực nguyên tử AFM, kính hiển vi quét xuyên hầm STM độ phân giải dưới 10-10 m, giá thành thấp hơn nhiều so với nhập ngoại, tạo điều kiện cho nhiều cơ sở nghiên cứu và đào tạo trong nước có thể trang bị tiếp cận nghiên cứu công nghệ nano.
Trên cơ sở một số linh kiện điện tử thế hệ mới (với kích thước của yếu tố cơ bản khoảng một phần tỷ mét – nanomet) tác động đơn điện tử, hoạt động theo bit lượng tử, thiết kế chế tạo thành các ASIC-linh kiện chuyên dụng đạt độ tích hợp cao khoảng 100.000 cổng logic để chế tạo bộ đàm số hoá phục vụ ngành Công an trong thời gian tới.
Nội dung 2: Nghiên cứu mở rộng việc sử dụng hệ điều hành LINUX; xây dựng và sử dụng thử nghiệm rộng rãi các hệ xử lý song song; công nghệ mô phỏng; bảo đảm an toàn thông tin và mạng máy tính; nhận dạng tiếng nói và hình ảnh; giao diện người - máy đa phương tiện; hiện thực ảo và công nghệ 3D; công nghệ trí thức (AI), CAD, GIS và DVD.
Đã tạo ra một số phần mềm hoàn chỉnh phục vụ bảo mật và an toàn thông tin trên mạng dùng giao thức IP được ứng dụng vào thực tế.
Đã tạo ra một số thiết bị, phòng thí nghiệm ảo trên cơ sở kỹ thuật mô phỏng, kỹ thuật thời gian thực để hỗ trợ hoặc thay thế các thiết bị thí nghiệm đắt tiền trong các phòng thí nghiệm cơ sở và chuyên ngành khác nhau. Đã phát triển và ứng dụng công nghệ mô phỏng phục vụ xử lý tín hiệu rađa và ứng dụng trong ngành dầu khí; bổ sung tính năng 3D cho các phần mềm CAD/GIS thông dụng phục vụ quy hoạch, thiết kế mô phỏng trong xây dựng, thuỷ lợi, quốc phòng.
Nội dung 3: Phát triển mạng viễn thông trên cơ sở công nghệ IP; Internet thế hệ 2; công nghệ thông tin vệ tinh, các trạm đầu cuối cho vệ tinh VINASAT; công nghệ phát thanh và truyền hình số; thông tin di động thế hệ 3 theo tiêu chuẩn IMT 2000; tăng tốc độ truy nhập trên cơ sở tích hợp quang điện tử; phát triển công nghệ phần mềm.
Các công nghệ mới phục vụ trên các mạng sử dụng giao thức IP, công nghệ Internet phiên bản 6 thế hệ 2 đã giúp cho định hướng phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ mới trên mạng Internet cùng với việc tổ chức dịch vụ và chính sách phát triển - quản lý - kinh doanh Internet được ứng dụng vào thực tế đã góp phần làm tăng số người sử dụng Internet lên 3-4 lần trong năm 2003-2004. Việc đưa vào ứng dụng mạng di động dung lượng cao và Internet không dây đã góp phần làm tăng đáng kể số thuê bao sử dụng điện thoại di động.
Đã tiếp cận và giải quyết một số vấn đề kỹ thuật, công nghệ chủ yếu, trong đó, tạo được phần mềm cung cấp chữ ký điện tử phục vụ trực tiếp, thúc đẩy việc hình thành thương mại điện tử Việt Nam.
Việc phát triển các công cụ phần cứng và phần mềm cho các ứng dụng công nghệ đa phương tiện (multimedia) đã có khả năng ứng dụng trong đào tạo (các thí nghiệm ảo trong các bài giảng vật lý và hoá học), y tế (xây dựng CSDL đa phương tiện phục vụ giảng dạy, huấn luyện và hỗ trợ chẩn đoán chuyên khoa) và văn hoá (ứng dụng vào lĩnh vực gìn giữ và nâng cao hiểu biết văn hoá truyền thống Việt nam).
Đã khuyến nghị lộ trình kế hoạch khai thác hệ thống thông tin di động 3G trên cơ sở hệ thống GSM đang khai thác tại Việt Nam, mở rộng ứng dụng điện thoại di động từ hệ 2G lên 3G. Phát triển công nghệ nhận dạng, tổng hợp và xử lý ngôn ngữ tiếng Việt (nhận dạng chữ Việt, tổng hợp tiếng Việt, nhận dạng ngữ âm tiếng Việt, nhận dạng đối tượng theo tiếng nói), ... bước đầu được áp dụng trong lưu trữ xử lý văn bản.
Đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ số cho các thiết bị truyền thông đại chúng: thiết kế và chế tạo mẫu STB (SeTop.Box) - bộ chuyển đổi tương tự - số thu truyền hình số, cáp vệ tinh và tivi số có tính năng kỹ thuật tương đương nhập ngoại và được ứng dụng rộng rãi trong thực tế.
2. Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước về Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vật liệu mới (KC.02)
Tổng số đề tài, dự án thuộc Chương trình: 30 đề tài và 11 dự án.
Chương trình được đánh giá là đã hoàn thành mục tiêu và nội dung nghiên cứu chủ yếu đề ra. Các nhiệm vụ thuộc Chương trình đã nghiên cứu chế tạo được nhiều nhóm vật liệu mới thuộc các lĩnh vực vật liệu kim loại, vô cơ-silicat, polyme composit, vật liệu điện tử và quang tử, vật liệu bảo vệ chống tác động của khí hậu và polyme thân thiện môi trường, phục vụ kịp thời cho nhu cầu trong nước và thay thế một khối lượng đáng kể vật liệu và sản phẩm nhập khẩu.
Đã xây dựng được tiềm lực khoa học-công nghệ có khả năng giải quyết được các vấn đề do sản xuất trong nước đặt ra và tư vấn cho các nhà sản xuất khi nhập công nghệ của nước ngoài. Trên cơ sở các kết quả và kiến thức tích luỹ được khi giải quyết các vấn đề mang tính truyền thống, đã bắt đầu tiếp cận với vật liệu nano và bước đầu đã đạt được một số thành công, đặc biệt là trong lĩnh vực vật liệu nanopolyme composit.
Chương trình đã tạo ra được 89 công nghệ, trong đó có 5 công nghệ được chuyển giao cho sản xuất (chiếm 5,6%). Số công nghệ còn lại được các đề tài triển khai tại cơ sở bán sản xuất thuộc quyền quản lý của đề tài.
Hiệu quả kinh tế-xã hội chung của toàn bộ Chương trình KC-02 trong giai đoạn 2001-2005 ước tính đạt khoảng 90 tỷ đồng. Ngoài ra Chương trình còn đem lại hiệu quả lâu dài nhờ ứng dụng công nghệ được chuyển giao và sử dụng có hiệu quả các sản phẩm của đề tài. Chương trình đã tham gia đào tạo 29 tiến sỹ, 62 thạc sỹ và đăng 139 bài báo khoa học trong các tạp chí trong nước và quốc tế.
Các nội dung chính đã thực hiện:
Nội dung 1: Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ hiện đại trong luyện gang, thép và nhôm và một số kim loại màu khác phù hợp với tài nguyên và điều kiện thực tế Việt Nam.
Nghiên cứu công nghệ tiên tiến sản xuất Alumin từ quặng tinh Bô-xit Tân Rai - Lâm Đồng và điện phân nhôm đạt chất lượng theo yêu cầu làm cơ sở để xét duyệt đánh giá dự án khả thi “ Xây dựng tổ hợp bôxit-nhôm Lâm Đồng”. Đã xây dựng được công nghệ sản xuất bột mầu vàng thư trên cơ sở hợp chất của Crom có chất lượng và độ ổn định màu tương đương sản phẩm cùng loại của Trung Quốc.
Hoàn thiện công nghệ qui mô pilot 8000 tấn SP/năm và xây dựng dây chuyền tuyển và xử lý cao lanh bằng phương pháp thuỷ lực, công suất 20.000 t/năm
Nội dung 2: Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tinh luyện, biến tính, hợp kim hoá, đúc và gia công gang, thép, nhôm và các sản phẩm kim loại chất lượng cao phục vụ cho ngành chế tạo máy, xây dựng, sản xuất xi măng, hoá chất và quốc phòng.
Xây dựng được quy trình công nghệ chế tạo 7 loại sản phẩm hợp kim trung gian khác nhau, đó là: Hợp kim FeREMg, Hợp kim Fero FeREMgTi ( 4 - 5%Mg, 10% RE và khoảng 4%Ti); Hợp kim Fero FeREMgCa (6 - 7%Mg, 10% RE và khoảng 5%Ca); Hợp kim Fero FeRECa - Hợp kim Fero Titan FeTi (khoảng 30% Ti); Xỉ Titan (85 - 90% TiO2 ).
Nghiên cứu công nghệ chế tạo hợp kim nặng có tính năng đặc biệt trên cơ sở wolfram để chế tạo lõi đạn xuyên, các loại bột kim loại có tính năng đăc biệt, vật liệu composit kim loại.
Nội dung 3: Hoàn thiện công nghệ sản xuất các sản phẩm gốm, thuỷ tinh cao cấp, vật liệu xốp có độ bền cao.
Xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất tấm kê và trụ đỡ từ vật liệu cordierite- mullite và cacbua silic.
Nghiên cứu thành công công nghệ sản xuất bột màu cho công nghiệp gốm sứ. Sản xuất thử nghiệm bột màu xanh nước biển, xanh lá cây, nâu và đen cho công nghiệp gạch ốp lát.
Nội dung 4: Nghiên cứu và phát triển vật liệu polyme, polyme-nano-composit trên nền nhựa nhiệt rắn, vật liệu polyme composit gia cường bằng các loại sợi đồng nhất hoặc lai tạo với sợi thực vật (tre, nứa, đay. dừa,...) để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hạ giá thành sản phẩm, ứng dụng công nghệ đúc kéo, ép đùn, ép phun, ép nóng trong khuôn, cuộn trên máy để gia công các vật liệu nhận được.
Đã nghiên cứu và chế tạo thành công 7 hệ vật liệu polyme composit lai tạo trên cơ sở nhựa PP, PEKN và epoxy với các loại sợi dừa, đay, tre, thuỷ tinh, cacbon và Kevlar: Vật liệu PC lai tạo trên cơ sở nhựa PEKN gia cường bằng hệ sợi đay/thuỷ tinh theo cấu trúc vỏ-cốt và các lớp xen kẽ; vật liệu PC lai tạo trên cơ sở nhựa epoxy gia cường bằng hệ sợi cacbon/Kevlar, Kevlar/thuỷ tinh và cacbon/thuỷ tinh
Đã xây dựng công nghệ chế tạo vật liệu epoxy clay nanocomposit theo phương pháp dung dịch; triển khai công nghệ chế tạo vật liệu PC trên cơ sở vinylesteepoxy phục vụ cho các nhà máy hoá chất. Đã nghiên cứu công nghệ sản xuất polyme tự phân huỷ, công nghệ sản xuất polyme siêu hấp thụ nước, từ kết quả nghiên cứu triển khai có thể thiết kế xây dựng dây chuyền sản xuất vật liệu polyme siêu hấp thụ nước 200 tấn/năm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp vùng khô hạn. Tổng hợp polyimid nhiệt dẻo và nhiệt rắn, sản xuất được sơn bột tĩnh điện.
Nội dung 5: Mở rộng ứng dụng các loại polyme tổ hợp trên cơ sở các loại nhựa nhiệt dẻo và cao su thiên nhiên, cũng như các loại vật liệu tổ hợp khác để nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.
Đã nghiên cứu thay đổi đơn chế tạo túi đập trên cơ sở blend cao su tự nhiên (CSTN) và cao su clopren. Xây dựng các đơn chế tạo lớp lót, lớp trung gian và lớp phủ ngoài chịu bức xạ, môi trường và thời tiết tốt. Hoàn thiện công nghệ chế tạo ống mềm cao su chịu áp lực cho tàu nạo vét sông, biển. Công nghệ sản xuất can nhựa, cóc ray cho ngành đường sắt. Nghiên cứu chế tạo vật liệu cao su blend chống cháy và các kết cấu cứu hộ hỏa hoạn khẩn cấp nhà cao tầng, Nghiên cứu công nghệ chế tạo vật liệu polyme hấp thụ sóng rada và ứng dụng vào các kết cấu nguỵ trang phục vụ cho công nghiệp quốc phòng.
Nội dung 6 : Nghiên cứu và phát triển các loại vật liệu polyme y - sinh học trên cơ sở cacbon, compozit cacbon, polyuretan,... Nâng cao chất lượng sản phẩm và ứng dụng các sản phẩm trên cơ sở chitin/chitosan.
Xây dựng công nghệ chế tạo vật liệu, ổn định và nâng cao chất lượng của sản phẩm gốm thuỷ tinh y sinh (về tính chất sinh học, khả năng gia công tạo hình và tính chất cơ học) .
Nghiên cứu chế tạo vật liệu cacbon y sinh và thử nghiệm cấy ghép một số sản phẩm trong cơ thể.
Nội dung 7: Nghiên cứu vật liệu và công nghệ bảo vệ các công trình giao thông, xây dựng quốc phòng, công trình biển và hải đảo.
Đã tiến hành nghiên cứu công nghệ chế tạo 9 loại vật liệu phục vụ cho việc thử nghiệm công nghệ chống ăn mòn kim loại như: Dầu bảo quản, mỡ bảo quản, túi bảo quản, màng LDPE có chất ức chế, dầu phanh, sơn bán cứng, nhũ tương nước trên cơ sở sáp và polime dùng các phụ gia và ức chế ăn mòn, sơn có chất ức chế ăn mòn. Đã tiến hành thử nghiệm vật liệu tại hai địa điểm (QK1, QK4) với mục đích thu thập số liệu cho việc xây dựng bản đồ thống kê ăn mòn đồng thời kết hợp với thử nghiệm vật liệu.
Tổng hợp các azometin có độ tinh khiết cao để tiến hành các thử nghiệm về khả năng ức chế ăn mòn của từng chất đối với thép, đồng và nhôm. Đã nghiên cứu và chế tạo thành công một số hệ ức chế ăn mòn để bảo vệ bề mặt bên trong ống thép vận chuyển axít, nước vỉa trong khai thác dầu khí. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất hoá phẩm Packer Fluid nhằm chống ăn mòn thép ở vùng không gian vành xuyến tại các giếng khai thác dầu khí và bơm ép nước biển.
Nội dung 8: Nghiên cứu vật liệu quang điện tử và quang tử, vật liệu biến đổi năng lượng, vật liệu từ tính cao cấp, vật liệu cấu trúc nano. Nghiên cứu vật liệu xúc tác xử lý khí thải bằng đất hiếm, công nghệ sản xuất nam châm đất hiếm.
Xây dựng được công nghệ chế tạo vật liệu xúc tác chứa đất hiếm. Triển khai thí nghiệm chế tạo vật liệu xúc tác bằng hỗn hợp các ôxit kim loại quý, kim loại chuyển tiếp trên chất mang. Chế tạo lò đốt rác y tế có bộ lọc khí thải bằng vật liệu xúc tác đất hiếm.
Nghiên cứu công nghệ chế tạo vật liệu cảm biến và tạo ra nhiều loại sensor và thiết bị đo phục vụ cho các mục đích khác nhau. Xây dựng được công nghệ chế tạo vật liệu gốm áp điện trên cơ sở đó đã chế tạo một số xuyến để làm đầu phát siêu âm cho máy rửa siêu âm.
Hoàn thiện công nghệ chế tạo vật liệu từ tính mới dạng khối, dạng màng mỏng, nano tinh thể để sản xuất biến áp tần số, biến áp nguồn, biến áp sung, máy đo từ trường và máy dò kim loại.
3. Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước về Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tự động hóa (KC.03)
Tổng số đề tài, dự án thuộc Chương trình là 22 đề tài và 5 dự án.
Chương trình KC.03 được đánh giá là đã hoàn thành xuất sắc 5 mục tiêu nghiên cứu chính được đề ra. Chương trình đã tạo ra 50 sản phẩm đạt trình độ của khu vực và quốc tế. Nhiều kết quả của đề tài và dự án có ý nghĩa khoa học, tính thực tiễn và hiệu quả kinh tế cao, do áp dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất nên đã làm lợi 100 tỷ đồng, góp phần phát triển lĩnh vực công nghiệp công nghệ tự động hoá ở Việt Nam. Chương trình đã tiếp cận được những công nghệ mới trong lĩnh vực Tự động hoá, tạo cơ sở để làm chủ nhanh chóng công nghệ mới, đã góp phần quan trọng cho việc xây dựng tiềm lực về công nghệ Tự động hoá, góp phần nâng cao trình độ Tự động hoá ở các cơ sở sản xuất, dịch vụ, quốc phòng – an ninh.
Về mặt lý thuyết chương trình Tự động hoá cũng đã xây dựng được nhiều công trình ngang tầm với quốc tế và phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện các đề tài. Ví dụ lý thuyết điều khiển trượt tối ưu, lý thuyết nhận dạng hình hành động, lý thuyết lọc nhiễu dùng các triển khai Wavelet, lý thuyết phát hiện và định vị sai trong các hệ thống SCADA v.v.. Nhiều công trình lý thuyết đã được công bố trên các tạp chí quốc tế.
Chương trình đã tham gia đào tạo 41 Tiến sĩ về Tự động hoá, 112 thạc sĩ và đào tạo lại, cập nhật kiến thức cho hàng ngàn kỹ sư đang làm việc tại các doanh nghiệp.
Các nội dung chính đã thực hiện:
Nội dung 1: Nghiên cứu thiết kế chế tạo các thiết bị, hệ thống lớn trên cơ sở công nghệ SCADA chuyên sâu và diện rộng.
Đã nắm vững và làm chủ được cả về lý thuyết và thực hành công nghệ SCADA với việc tự thiết kế, chế tạo cả phần cứng và phần mềm hệ thống tự động thu thập, xử lý thông tin - giám sát - điều khiển cho các dây chuyền sản xuất, nhờ đó nâng cao được chất lượng sản phẩm và hạ giá thành, làm tăng năng lực cạnh tranh cho cơ sở sản xuất, thí dụ : nhà máy sản xuất super phốt phát Lâm Thao, Phú Thọ, nhà máy chế biến thức ăn gia súc tại An Khánh, hệ thống SCADA hầm lò v.v...
Đã tạo ra công nghệ thiết kế và chế tạo các hệ thống SCADA đặc thù diện rộng, hoạt động trong điều kiện và môi trường khắc nghiệt, trên cơ sở đó tạo ra được các hệ thống giám sát - phát hiện - bám sát mục tiêu - chỉ huy điều khiển hoả lực pháo phòng không để tiêu diệt mục tiêu trong điều kiện ban ngày và cả ban đêm, đáp ứng yêu cầu bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.
Đối với các hệ SCADA lớn cho các ngành như sản xuất và cung cấp điện, giao thông đô thị v.v... Chương trình đã tạo điều kiện để các Viện nghiên cứu, các trường Đại học tiếp cận và nghiên cứu để dần từng bước có thể tự thiết kế xây dựng các phần mềm phức tạp cho các hệ thống lớn.
Chương trình đã triển khai công nghệ tự động hoá tích hợp, là công nghệ gắn kết trên cơ sở hệ thống tự động hoá công nghệ sản xuất với hệ thống tự dộng hoá quản lý, nhằm nâng cao hiệu quả của toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh, bước đầu phát huy hiệu quả tốt tại một số doanh nghiệp vừa và nhỏ, thí dụ như nhà máy sản xuất cáp viễn thông SACOM, may SAIGON v.v...
Nội dung 2: Nghiên cứu thiết kế, chế tạo các bộ điều khiển CNC dưới dạng các modul tiêu chuẩn, phục vụ cho việc nâng cấp các thiết bị của ngành cơ khí.
Từng bước làm chủ từ khâu thiết kế, chế tạo và lắp ráp các hệ điều khiển số trực tiếp bằng máy tính chuyên dụng (CNC) nhằm nâng cấp các công cụ, đáp ứng nhu cầu CNC hoá đối với số lượng hàng chục ngàn máy công cụ tại các cơ sở sản xuất trong nước. Trong giai đoạn 2001-2005, chương trình đã tiến hành một đề tài về CNC thông minh, với các sản phẩm đặc trưng như máy phay CNC 3 trục có bộ điều khiển thông minh và xây dựng mô hình Hexapol mở ra nhiều khả năng ứng dụng. Đã chế tạo thành công thiết bị tự động điều khiển cắt bằng tia Laser công suất 1 Kw, có thể cắt vật liệu có tính chất cơ lý khác nhau theo các đường cong phức tạp, đảm bảo vết cắt nhỏ gọn, đáp ứng yêu cầu gia công trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Nội dung 3: Thiết kế chế tạo các thiết bị và hệ thống đo lường và xử lý thông tin tự động phục vụ các quá trình công nghệ sản xuất, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng và an ninh quốc phòng.
Đã nghiên cứu thiết kế chế tạo thành công một số thiết bị và hệ thống tự động đo lường - chỉ báo phục vụ các ngành công nghiệp, nông nghiệp, phòng chống thiên tai bảo vệ môi trường: thiết bị tự động đo và cảnh báo nồng độ khí Mêtan để phòng tránh cháy nổ trong khai thác than hầm lò; hệ thống tự động đo báo mức nước phục vụ thủy lợi, thủy điện và phòng chống lũ lụt; các thiết bị đo lường cảnh báo các thông số của môi trường nước và khí tại các khu công nghiệp; các thiết bị và hệ thống chế biến thức ăn gia súc; các thiết bị điều khiển cho trạm trộn bê tông nhựa Asphal; các máy thử vỉa dùng cho ngành dầu khí; các thiết bị và hệ thống phục vụ cho nuôi trồng thuỷ sản; các thiết bị đo thông minh, nhận dạng hình ảnh, … Các sản phẩm này đã được chuyển thành thương phẩm, đem lại nhiều hợp đồng ứng dụng có giá trị hàng trăm tỷ đồng.
Nội dung 4: Thiết kế, chế tạo các robot làm việc trong điều kiện độc hại và khắc nghiệt của môi trường, chế tạo thử các robot thông minh trong các dây chuyền sản xuất tự động hoá.
Đã tạo ra được một số sản phẩm gồm các loại Robot có công dụng khác nhau ở những mức độ thông minh khác nhau. Các sản phẩm robot được thiết kế cả phần cứng và phần mềm. Do công nghệ chế tạo cơ khí chính xác chưa đáp ứng kịp, cho nên nếu được tiếp tục đầu tư để chủ động chế tạo được một số chi tiết chuyền động cơ bản của Robot thì việc chế tạo các sản phẩm robot sẽ đạt đuợc ở mức cao hơn.
Các robot đã được chế tạo và ứng dụng tại một số cơ sở sản xuất công nghiệp thông qua một số công trình khoa học thuộc Chương trình như: Robot hàn ứng dụng tại nhà máy đóng tàu Hà Nội, robot sơn ứng dụng tại cơ sở công nghiệp Quốc phòng, nhà máy sửa chữa Tăng, thiết giáp-Bộ Quốc phòng. Dự kiến việc chế tạo robot thông minh sẽ được hoàn thiện và đưa vào ứng dụng từng bước trong việc phục vụ công tác phòng, chống các bệnh lây lan tại các bệnh viện ngành y tế và phục vụ các dây chuyền sản xuất thuốc nổ phục vụ Quốc phòng.
Nội dung 5 và 6 : Nghiên cứu chế tạo một số thiết bị, linh kiện và cấu kiện tự động hoá chuyên dụng có nhu cầu sử dụng đa dạng của các ngành thay thế cho nhập ngoại và hệ thống thiết bị mô hình tự động hoá phục vụ công tác đào tạo.
Đã làm chủ công nghệ thiết kế chế tạo các cấu kiện, cụm cấu kiện chức năng, các thiết bị và hệ thống tự động hoá với các độ phức tạp và mức độ thông minh khác nhau, thay thế nhập ngoại, phục vụ cho nghiên cứu và đào tạo trong các trường đại học, các trường cao đẳng, dạy nghề. Việc áp dụng các kết quả đó vào các cơ sở đào tạo ngày càng trở nên phổ biến và mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực tự động hoá và các lĩnh vực có liên quan.
Nội dung 7: Nghiên cứu tiếp cận một số công nghệ tự động hoá điều khiển hiện đại.
Song song với các nội dung nghiên cứu nhằm tạo ra các sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thực tế, các đề tài nghiên cứu đã tiếp cận với các công nghệ mới, hiện đại có triển vọng trong lĩnh vực tự động hoá như: phỏng sinh học, điều khiển thông minh trên cơ sở trí tuệ nhân tạo v.v... Các kết quả nghiên cứu theo hướng này sẽ mở ra các nghiên cứu ứng dụng hiện đại và hiệu quả trong thời gian tới.
Ngoài 22 đề tài nghiên cứu phát triển, chương trình còn tiến hành 05 dự án SXTN. Nội dung của các dự án là dựa trên cơ sở kết quả nghiên cứu của các đề tài của chương trình giai đoạn 1996 - 2000 tiếp tục hoàn thiện công nghệ để đưa vào sản xuất thử nghiệm ở quy mô nhỏ nhằm khẳng định tính ổn định về công nghệ của sản phẩm trước khi đưa vào sản xuất đại trà. Đã có 01 dự án được Hội đồng khoa học cấp Nhà nước nghiệm thu, đánh giá đạt loại xuất sắc. Sản phẩm của dự án đã được nhân rộng và được sử dụng rộng rãi trên thị trường trong nước. Đó là dự án "Hoàn thiện và nâng cao mức độ tự động hoá cho các loại trạm trộn bê tông và các loại trạm trộn thức ăn gia súc, phân bón."
4. Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước về Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sinh học (KC.04)
Tổng số các đề tài, dự án thuộc Chương trình: 30 đề tài và 9 dự án.
Chương trình đã tạo ra hơn 100 sản phẩm đạt trình độ khoa học của khu vực và quốc tế. Nhiều kết quả của đề tài và dự án có ý nghĩa khoa học, tính thực tiễn và hiệu quả kinh tế cao, đặt nền tảng và góp phần phát triển lĩnh vực công nghiệp công nghệ sinh học ở Việt Nam. 10 đề tài và 13 dự án có các kết quả đã được áp dụng vào sản xuất và đời sống, 39 đề tài, dự án tham gia đào tạo trên đại học với tổng số 39 tiến sĩ và 73 thạc sĩ.
Những nội dung chính đã thực hiện:
Nội dung 1: Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử phục vụ chọn tạo giống cây trồng ( nghiên cứu ứng dụng công nghệ gen tạo giống cây trồng năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất thuận).
Đã giải mã và công bố trên 100 gen tại Việt Nam trong ngân hàng gen quốc tế. Tất cả các gen này đều có nguồn gốc từ các đối tượng của Việt Nam, trong đó đặc biệt đã xác định được các gen có các đặc tính quí như tính chống chịu cao, các gen liên quan đến chất lượng cây trồng vật nuôi của Việt Nam. Các kết quả này là tiền đề quan trọng để xây dựng các KIT chỉ thị phân tử phục vụ cho công tác chọn giống. Những gen này hiện đang được bảo quản dưới dạng ADN vừa có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo tồn nguồn gen của quốc gia vừa đóng vai trò làm nguyên liệu cho công nghệ ADN tái tổ hợp tạo ra các giống cây trồng vật nuôi, chủng vi sinh vật có năng suất cao và có các đặc tính quí theo mong muốn.
Đã triển khai các công nghệ vi nhân giống để nhân nhanh các giống cây trồng, đặc biệt chú ý đến cây thân gỗ có giá trị kinh tế như: Paulownia (hiện đã triển khai trồng thử nghiệm 20 ha tại nông trường Hữu Lũng - Lạng Sơn và 3 ha tại Bình Dương); Cây xoan chịu hạn (Neem) là loại cây dùng làm nguyên liệu để sản xuất thuốc trừ sâu sinh học. Hiện tại cây Neem cấy mô đang phát triển tốt trên 20 ha đất khô hạn Ninh Thuận. Đang tập trung nghiên cứu nhân giống bằng công nghệ tế bào các loại cây: tre lấy măng, cây gió bầu tạo trầm, cây điều… góp phần vào chương trình 5 triệu hecta rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc.
Hoàn thiện quy trình chọn tạo được giống lúa có khả năng chống hạn và chống chịu sâu bệnh, phục hồi những giống lúa có chất lượng cao như: DR3, Tám thơm, Nàng thơm chợ Đào…; đã sản xuất được hàng trăm nghìn cây giống hoa Lan bằng phương pháp nuôi cấy mô và đã ký hợp đồng triển khai với các tỉnh thành, doanh nghiệp và đặc biệt đã chuyển giao công nghệ sang nước bạn Liên bang Nga.
Trong thuỷ sản, Chương trình đã góp phần đáng kể giúp ngành thuỷ sản đạt sản lượng xuất khẩu hơn 2 tỷ USD/năm. Công nghệ sinh học đã đóng góp ở khâu quyết định cho ngành thuỷ sản phát triển đó là phát triển giống, kỹ thuật nuôi trồng và chế biến. Hiện nay, toàn bộ công nghệ sản xuất giống và công nghệ nuôi một số thuỷ hải sản có giá trị đang được áp dụng tại Việt Nam được các quốc gia có tiềm lực về thuỷ sản đánh giá cao. Điển hình như công nghệ sản xuất tôm giống và nuôi tôm sú năng suất cao, công nghệ sản xuất cá rô phi đơn tính, cá ba sa, cua biển, ốc hương, cá song…
Nội dung 2: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao phát triển công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học chăm sóc và bảo vệ cây trồng nông nghiệp (phân bón sinh học tổng hợp, thuốc sâu sinh học đa chức năng, KIT chẩn đoán bệnh cây trồng, công nghệ miễn dịch cho cây trồng).
Với 7 chế phẩm đã được đăng ký vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam như: Firibiotox-P 16.000 IU/mg bột; Firibiotox-C 3 tỷ bào tử/ml dịch cô đặc; ViS1 - 1,5x109 PIB/g bột; NPV-Ha - 1,5x109 PIB/g bột; Boverit 5,5 x 108 bào tử/g; Mat 5,5x108 bào tử/g; Ometar - 1,2x109 bào tử/g; Biovip 1,5x109 bào tử/g; TRIB1 3,2x109 bào tử/g, 6 sản phẩm phân bón vi sinh vật đa chức năng vào danh mục phân bón Việt Nam; đã tạo ra được các bộ KIT chẩn đoán bệnh cho cây đu đủ, cà phê, cà chua ...
Kết quả này không những góp phần tạo ra các sản phẩm an toàn mà còn tiết kiệm chi phí cho nông dân hàng triệu đồng/ha/năm. Hiện tại, hướng nghiên cứu và sản xuất chế phẩm sinh hoá vừa có tác dụng dinh dưỡng, vừa có tác dụng phòng bệnh cho cây trồng, số lần chăm bón giảm tối đa còn 1 lần/vụ đang được quan tâm thử nghiệm và đánh giá. Hy vọng giai đoạn 2006-2010, với việc ban hành Chỉ thị 50-CT/TW ngày 04 tháng 3 năm 2005 của Ban Bí thư về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ CNH, HĐH đất nước, nhiệm vụ này thuộc Chương trình Công nghệ sinh học sẽ có những sản phẩm đặc sắc hơn, tác động mạnh đến gia tăng về chất lượng, sản lượng các ngành sản xuất có liên quan.
Nội dung 3: Nghiên cứu phát triển công nghệ chọn tạo giống vật nuôi, bảo tồn vốn gen và đa dạng sinh học bằng công nghệ sinh học (nghiên cứu kỹ thuật di truyền phân tử trong chọn tạo giống vật nuôi năng suất cao, công nghệ cloning, giống thuỷ sản sạch bệnh).
Trong chăn nuôi, đã ứng dụng thành công công nghệ tế bào gốc trong việc tạo giống gà khảm bằng cách tiêm tế bào gốc phôi gà ác vào trứng gà Lương phượng không giờ ấp, đây là công nghệ hiện nay mới chỉ có một số nước tiên tiến trên thế giới làm được. Nghiên cứu thành công công nghệ sản xuất phôi bò sữa cao sản, giá thành hạ 25-35% so với giống bò phải nhập ngoại. Hiện tại, đã cấy phôi bò sữa thụ tinh ống nghiệm vào bò nền và bò lai, chọn lọc và cấy phôi bò có giới tính xác định trước (bằng các phương pháp sinh học phân tử) tại các địa phương: Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Tp. Hồ Chí Minh cho trên 60 bò nền lai Sind. Công nghệ này đã góp phần giảm chi phí ngoại tệ cho trong việc nhập phôi các giống bò cao sản của nước ngoài.
Nội dung 4: Nghiên cứu sản xuất chế phẩm bảo vệ vật nuôi bằng kỹ thuật công nghệ sinh học ( vacxin thế hệ mới, KIT chẩn đoán bệnh và kháng sinh thế hệ mới cho vật nuôi).
Đã sản xuất ra các bộ KIT chẩn đoán bệnh cho vật nuôi, KIT chẩn đoán bệnh đốm trắng ở tôm và bằng việc ứng dụng công nghệ gen bước đầu đã làm chủ được công nghệ nền để tiến tới sản xuất vacxin thế hệ mới để điều trị một số bệnh nguy hiểm ở gia cầm như: Gumboro.
Việc tạo được Protein Tribakin tái tổ hợp có nguồn gốc từ loại cây thuốc thuộc họ bầu bí của Việt Nam đã được biểu hiện thành công trong E. coli. Protein này có tác dụng ức chế quá trình tổng hợp riboxom của tế bào và có triển vọng phát triển ứng dụng trong điều trị một số bệnh do virut gây ra ở vật nuôi.
Nội dung 5: Nghiên cứu phát triển công nghệ bảo quản và chế biến nông sản thực phẩm bằng công nghệ sinh học (công nghệ mới trong bảo quản nông sản, chế biến thứ phẩm nông sản làm thức ăn chăn nuôi, chế biến nông sản, thực phẩm thành hàng hoá có giá trị cao cho người).
Việc ứng dụng các công nghệ vi sinh, công nghệ enzym phục vụ bảo quản chế biến sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu; đã sản xuất được 30.000 viên nang hải sâm, rắn biển phục vụ kịp thời Seagames-22 tại Hà Nội, đã tạo ra các công nghệ chế biến nông sản bằng công nghệ lên men, công nghệ enzim ... Nhiều công nghệ tạo ra đã được các doanh nghiệp sản xuất chấp nhận ứng dụng và chi trả bản quyền, điều này không chỉ thúc đẩy sản xuất mà còn kích thích các nhà khoa học có những công trình nghiên cứu hữu ích, tránh hiện tượng khi nghiệm thu xong kết quả nghiên cứu được bỏ “ngăn kéo.”
Nội dung 6: Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất vacxin và chế phẩm sinh học mới phục vụ cho người (vacxin thế hệ mới, KIT chẩn đoán bệnh cho người), kỹ thuật ADN trong chẩn đoán hình sự.
Sản xuất thành công Interferon tái tổ hợp một loại protein biệt dược có tác dụng chữa bệnh gan nhiễm virus và một số bệnh ung thư mở ra cơ hội cho y học Việt Nam phòng chống các bệnh nan y mà từ trước đến nay chúng ta hoặc là bó tay, hoặc là phụ thuộc vào nước ngoài. Hiện nay công nghệ sản xuất loại protein này từ chủng E. coli tái tổ hợp đạt năng xuất 150 mg Interferon/ lít và thu hồi sản phẩm đạt gần 60%. Qui mô sản xuất trên thiết bị lên men từ 5 đến 10 lít/mẻ có thể cung cấp lượng sản phẩm phục vụ nhu cầu chữa bệnh 3 - 4 tỷ đơn vị/ năm.
Công nghệ gen sản xuất kháng nguyên tái tổ hợp của virus Dengue và sốt xuất huyết Dengue đã được nghiên cứu và đưa vào ứng dụng. Đã tách dòng và xác định được trình tự gen mã hoá kháng nguyên vỏ của cả 4 chủng loại virut Dengue đồng thời thiết kế vector biểu hiện các gen đã tách dòng. Đã thiết lập một quy trình tách chiết, tinh chế thích hợp, có hiệu suất cao để thu nhận protein tái tổ hợp đủ độ sạch ứng dụng trong việc chế tạo bộ sinh phẩm chẩn đoán sốt Dengue/sốt xuất huyết Dengue. Quy trình công nghệ sản xuất kháng nguyên tái tổ hợp của virut Dengue cũng đã được xây dựng.
Đã sản xuất ra các các bộ KIT chẩn đoán bệnh cho cây trồng, KIT chẩn đoán nhanh phục vụ xác định thực phẩm an toàn trên thị trường, KIT nhận dạng cá thể người và đã ứng dụng trong việc xác định các loại tội phạm hình sự góp phần giải quyết được nhu cầu cấp bách của ngành Công an trong công tác điều tra hình sự, bước đầu chủ động và dần dần thay thế được các bộ KIT nhập ngoại trong việc nhận dạng cá thể người. Lần đầu tiên tại Việt Nam các nhà khoa học đã nghiên cứu tách chiết thành công ADN ti thể từ các mẫu hài cốt (xương, răng) lâu năm, mẫu lâu nhất trên 50 năm - mẫu PYIX. Đặc biệt, đã thành công trong việc tách ADN ti thể từ các mẫu hài cốt lâu năm đã bị mủn mục nhiều (mẫu PYVII), giúp cho việc giám định nhận dạng thành công nhiều trường hợp hài cốt liệt sỹ vô danh, trong đó có 6 trường hợp có mối liên quan phả hệ đã trao trả cho thân nhân gia đình.
Nội dung 7: Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật công nghệ sinh học xử lý ô nhiểm môi trường (xử lý ô nhiểm chất thải rắn, lỏng đô thị và công nghiệp, xử lý dư lượng thuốc sâu trong đất và nước ngầm bằng công nghệ sinh học).
Để tìm ra các giải pháp công nghệ sinh học mới xử lý chất thải gây ô nhiễm môi trường, đã tiến hành nghiên cứu các công nghệ xử lý các hợp chất nitơ-phốt pho trong nước thải và nước ngầm; xử lý tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong nước bằng vi sinh vật; công nghệ xử lý phế thải rắn từ chế biến rau quả; và hoàn thiện công nghệ và thiết kế thiết bị UASB cải tiến xử lý nước thải. Đã xây dựng được 03 mô hình pilot thử nghiệm.
Đã sản xuất được các bộ KIT chẩn đoán nhanh dư lượng thuốc trừ sâu trong đất, nghiên cứu làm chủ được công nghệ vi sinh trong xử lý ô nhiễm, chế tạo thành công 2 modul sinh học để lắp đặt chạy thử 2 pilot xử lý nước thải công nghiệp tại Nhà máy Sữa và Nhà máy Rượu vang cho kết quả tốt và sẽ tiếp tục hoàn thiện để triển khai áp dụng vào thực tiễn.
5. Chương trình KHCN trọng điểm cấp Nhà nước về Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chế tạo máy (KC.05)
Tổng số các đề tài, dự án thuộc Chương trình: 29 đề tài và 14 dự án SXTN
Kế tiếp những kết quả nghiên cứu của các giai đoạn trước, trong giai đoạn 2001-2005 các nhiệm vụ nghiên cứu thuộc Chương trình tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nâng cao khả năng ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong công nghệ cơ khí chế tạo máy, cụ thể là: công nghệ tự động hoá, công nghệ hàn, công nghệ gia công áp lực (đặc biệt là công nghệ hàn, gia công áp lực tạo phôi chi tiết lớn), công nghệ đúc (công nghệ đúc gang cầu, đúc hợp kim...), công nghệ gia công biến dạng dẻo, công nghệ xử lý bề mặt, công nghệ chẩn đoán tình trạng kỹ thuật máy móc, thiết bị, công nghệ mạ xoa, công nghệ phun phủ... Đặc biệt lần đầu tiên việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ tạo mẫu nhanh được triển khai ở Việt Nam, đây là một trong những công nghệ mới được triển khai ứng dụng trong lĩnh vực cơ khí chế tạo máy của thế giới. Việc ứng dụng khai thác các phần mềm chuyên dụng trong quá trình thiết kế, gia công, mô phỏng, điều khiển quá trình đúc, nhiệt luyện ... đã được phổ biến và nâng cao một cách rõ rệt.
Sau 5 năm triển khai thực hiện, kết quả toàn Chương trình đã tạo ra được 1258 sản phẩm mới, trong đó có đến 801 sản phẩm là thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ, chi tiết phụ tùng có tính kinh tế cao, thay thế nhập khẩu, hầu hết các sản phẩm đều có giá thành chỉ bằng 40-60% so với giá nhập khẩu, một số các thiết bị đạt chỉ tiêu kỹ thuật còn cao hơn sản phẩm cùng loại của nước ngoài, nhiều sản phẩm đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Chương trình đã tham gia đào tạo được 27 tiến sỹ và 64 thạc sỹ, ngoài ra thông qua các nội dung nghiên cứu đã nâng cao được trình độ của đội ngũ các kỹ sư, công nhân kỹ thuật cao, tạo ra cơ hội tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, góp phần đắc lực cho việc ứng dụng các công nghệ này tại các cơ sở sản xuất trong toàn ngành cơ khí.
Là chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ duy nhất phục vụ ngành cơ khí chế tạo máy, kết quả triển khai Chương trình đã góp phần quan trọng trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao của ngành cơ khí chế tạo máy (giai đoạn 2001-2003 tăng trưởng đạt bình quân 26,31% với tổng giá trị sản lượng đạt 21,9% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước năm 2003).
Các nội dung chính đã thực hiện:
Nội dung 1: Nghiên cứu nắm vững và làm chủ các công nghệ cơ bản tiên tiến như: công nghệ tạo phôi, công nghệ gia công không phoi, công nghệ xử lý bề mặt, công nghệ lắp ráp... bằng những công nghệ tiên tiến để áp dụng vào chế tạo máy, thiết bị, phụ tùng thay thế ở Việt Nam.
Thông qua nhiệm vụ nghiên cứu, các cơ sở đã tiếp cận và triển khai ứng dụng được các công nghệ tiên tiến của thế giới trong lĩnh vực cơ khí chế tạo máy như: Công nghệ hàn, Gia công áp lực, Xử lý bề mặt, Tạo mẫu nhanh, Cơ khí chính xác, Công nghệ phun phủ, Công nghệ giám sát chẩn đoán, Công nghệ đúc... Đã triển khai ứng dụng thành công một số công nghệ điển hình như sau:
Nhờ việc nắm vững công nghệ hàn và gia công áp lực, lần đầu tiên Việt Nam đã chế tạo thành công hộp giảm tốc cỡ lớn GT3B-2080 với tổng trọng lượng là 11 tấn, hộp giảm tốc GT2-1320 với công suất là 1000kW, bánh răng cỡ lớn 2020 mm và bộ truyền bánh răng lớn gồm trục, trục răng, bánh răng... thay thế nhập khẩu, cung cấp cho các nhà máy xi măng, hoá chất…
Nghiên cứu chế tạo thiết bị, đồ gá hàn tự động cho các cơ sở đóng tàu phục vụ chương trình đóng tàu cỡ lớn.
Nghiên cứu công nghệ chế tạo các khuôn dập vỏ ôtô: công nghệ dập các chi tiết vỏ mỏng, lớn là công nghệ khó, lần đầu tiên Việt Nam tiến hành nghiên cứu công nghệ này. Nhờ ứng dụng kết quả nghiên cứu, hiện nay Công ty Cơ khí Hà Nội đã làm chủ được công nghệ sản xuất cung cấp cho các cơ sở sản xuất và lắp ráp ôtô thay thế nhập ngoại.
Đã làm chủ công nghệ đúc các chi tiết đặc biệt bằng gang cầu từ nguồn nguyên liệu trong nước. Chế tạo được một số các sản phẩm thay thế nhập ngoại như: ống xả tàu hoả, mũ sứ cao thế, bơm, van chịu áp, trục khuỷu diesel... thay thế nhập ngoại.
Công nghệ gia công biến dạng dẻo là công nghệ cơ bản quan trọng trong ngành chế tạo máy, cho phép tạo phôi với dự lượng gia công ít nhất. Kết quả nghiên cứu của các đề tài: KC.05.18, KC.05.23…đã phục vụ trực tiếp cho công nghiệp quốc phòng đặc biệt trong việc tham gia chế tạo các chi tiết của vũ khí (tên lửa, súng phóng...).
Công nghệ xử lý bề mặt:Gồm công nghệ mạ xoa, công nghệ phun phủ với mục tiêu để phục hồi các chi tiết máy có yêu cầu kỹ thuật đặc biệt. Ngoài việc nắm vững công nghệ, các đề tài đã trực tiếp nghiên cứu chế tạo ra các trang thiết bị, đồ gá để phục vụ cho việc thực hiện công nghệ trên.
Công nghệ gia công chính xác: Hàng loạt các thiết bị máy móc có yêu cầu kỹ thuật cao đã được thực hiện thành công trong điều kiện cụ thể của Việt Nam như: các chi tiết quang học của kính nhìn đêm, các chi tiết của máy CNC, PLC, các chi tiết xi lanh cao áp…
Công nghệ tạo mẫu nhanh: là công nghệ hiện đại của thế giới mới được hình thành từ năm 1985, phát triển ứng dụng vào những năm 1990. Đã thực hiện thành công việc tạo mẫu phức tạp trong y sinh học như: các mảnh sọ não... đã được bệnh viện Chợ rẫy TP. Hồ Chí Minh ứng dụng và mở ra hướng đi mới cho các cơ sở sản xuất cơ khí.
Có thể khẳng định việc nghiên cứu và làm chủ các công nghệ cơ bản tiên tiến như: công nghệ tạo phôi, công nghệ gia công không phoi, công nghệ xử lý bề mặt, công nghệ lắp ráp... đã đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành cơ khí Việt Nam. Đặc biệt một số công nghệ như tạo mẫu nhanh, mạ xoa, phun phủ là những công nghệ còn rất mới cũng đang được các nước như Thái Lan, Singapo, Malaixia… tiến hành nghiên cứu.
Nội dung 2: Nghiên cứu áp dụng các thành quả của tin học, vật liệu mới, tự động hoá vào lĩnh vực chế tạo máy.
Hầu hết các đề tài, dự án đều ứng dụng các thành quả của tin học, vật liệu mới, tự động hoá... trong nội dung nghiên cứu. ứng dụng hệ điều khiển tự động PLC, CNC... để chế tạo các máy công cụ tiên tiến như: Máy cắt Plasma, máy phay-tiện CNC, máy ép thuỷ lực 400 tấn, máy CNC 5 trục, máy tiện băng nghiêng NC... Đặc biệt việc nghiên cứu ứng dụng tính toán song song hiệu năng cao cho hệ thống máy công cụ CNC đã cho phép gia công chế tạo trên các máy công cụ phục vụ nhu cầu hiện tại của các nhà máy cơ khí. Công nghệ tạo mẫu nhanh lần đầu được nghiên cứu và ứng dụng tại Việt Nam đã mở ra triển vọng đáp ứng nhanh nhu cầu của các cơ sở chế tạo máy trong nước. Có thể khẳng định sau việc CNC hoá các máy công cụ, hiện nay đội ngũ cán bộ KHCN ngành chế tạo máy đã ứng dụng khai thác tốt các phần mềm chuyên dụng về thiết kế, chế tạo các sản phẩm cơ khí có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển.
Như vậy, giai đoạn 2001-2005 việc nghiên cứu, tiếp nhận ứng dụng các công nghệ tin học, vật liệu, tự động hoá đã được thực hiện và ứng dụng thành công trong lĩnh vực cơ khí chế tạo. Sản phẩm cơ khí hiện là sự kết hợp giữa cơ-điện tử-tin học, mặc dù đã có những tiến bộ rõ rệt xong hiện nay lĩnh vực này của Việt Nam vẫn còn có khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực.
Nội dung 3: Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế thuộc các lĩnh vực: công nghiệp chế biến và sản xuất nông lâm hải sản, sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, y tế, giao thông vận tải, xây dựng, quốc phòng, môi trường, đo kiểm, máy công cụ CNC.
Mục tiêu của hầu hết các đề tài, dự án thuộc Chương trình ngoài phần nghiên cứu lý thuyết đều tiến hành chế tạo các sản phẩm cơ khí đáp ứng nhu cầu của các ngành kinh tế khác nhau. Cụ thể như: dây chuyền chế biến thức ăn gia súc công suất từ 2-5 tấn/giờ; dây chuyền chế biến tinh bột sắn công suất 50 tấn/giờ. Đây là những dây chuyền hoàn thiện có chất lượng tương đương với nhập ngoại, thay thế được nhu cầu nhập khẩu, chỉ trong vòng 3 năm (2001-2004) đã chế tạo được tới 14 dây chuyền, cung cấp chuyển giao cho các doanh nghiệp và được đánh giá tốt. Động cơ diesel dải công suất từ 35-360 HP đã được nghiên cứu chế tạo, kết quả kiểm chứng bước đầu cho thấy chủng loại động cơ hơn hẳn về chất lượng đối với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc. Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp đang có dự án nhằm phát triển sản xuất đáp ứng nhu cầu rất lớn của đất nước. Các chủng loại máy công cụ mặc dù chỉ là sản xuất thử nghiệm như máy cắt Plasma, máy ép thuỷ lực… đã được sử dụng ngay cho các cơ sở sản xuất, hiện tại nhu cầu các chủng loại này là rất lớn. Với giá thành chế tạo trong nước, việc thay thế nhập khẩu đã tiết kiệm hàng tỷ đồng cho đất nước. Các loại máy tiện, phay CNC đã được Công ty Cơ khí Hà nội đưa ngay vào khai thác, điều đáng lưu ý là nhờ việc nghiên cứu làm chủ được công nghệ, đội ngũ cán bộ KHCN trong lĩnh vực này đã được các đối tác nước ngoài đánh giá cao. Các sản phẩm khác như: thiết bị đóng cọc đa phương nhiều chiều, mài cao tốc, bánh răng và hộp giảm tốc cỡ lớn, thiết bị mạ xoa, bơm nước loại 36.000m3/h, bơm chìm loại 35kW và 75kW, xi lanh thuỷ lực cỡ lớn có sức nâng 200 tấn, máy miết - ép PLC phục vụ việc chế tạo vũ khí quốc phòng... đã làm tiền đề cho các cơ sở thực hiện chiến lược phát triển các sản phẩm trong ngành.
Có thể khẳng định các máy móc, thiết bị được chế tạo trong Chương trình là thế hệ tiên tiến, lần đầu được chế tạo tại Việt Nam. Về cơ bản các sản phẩm tạo ra có tính năng tương đuơng với các sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực. Tuy nhiên, về mức độ tinh xảo, tuổi thọ của sản phẩm công nghệ cao cần phải tiếp tục nghiên cứu cải tiến, hoàn thiện để đưa vào sản xuất công nghiệp. Một số sản phẩm tạo ra có chất lượng hơn của Trung Quốc như tời neo, động cơ diesel, khuôn dập vỏ ôtô… (Hệ thống tời neo đã được cơ quan đăng kiểm Nhật Bản chứng thực và được Tổng Công ty Công nghiệp tàu thuỷ sử dụng).
Nội dung 4: Nghiên cứu các vấn đề về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực chế tạo, phục hồi, sửa chữa các máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế và chẩn đoán tình trạng kỹ thuật của máy mà không tháo máy.
Nhóm các nhiệm vụ thuộc nội dung này bao gồm nghiên cứu công nghệ chẩn đoán tình trạng máy móc thiết bị, công nghệ phun phủ, công nghệ mạ xoa … Đối với công nghệ chẩn đoán tình trạng thiết bị máy móc, đã cơ bản làm chủ công nghệ chẩn đoán tiên tiến bằng phương pháp phân tích dao động, nhiệt độ và dầu bôi trơn, đã giúp cho các cơ sở sản xuất chấm dứt tình trạng quản lý theo kiểu cũ, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng do chủ động sản xuất và giảm thời gian ngừng máy sửa chữa định kỳ theo phương pháp cổ điển, mở ra triển vọng tốt cho các nhà máy hoá chất, nhiệt điện, xi măng... hiện nay đang áp dụng cho gần 10 cơ sở trong cả nước, đáng lưu ý là một số các nhà máy liên doanh với nước ngoài đã mời nhóm đề tài tư vấn và nhận chuyển giao công nghệ. Đã ứng dụng thành công công nghệ mạ xoa để phục hồi và nâng cao các chi tiết chịu mài mòn, là công nghệ mới hiện nay được các Viện nghiên cứu cơ khí, Viện máy mỏ công nghiệp, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội triển khai ứng dụng.
Công nghệ chẩn đoán tình trạng máy móc thiết bị trên cơ sở phân tích dao động là công nghệ tiên tiến. Hiện đã được các nhà khoa học nghiên cứu nắm vững và triển khai ứng dụng ở các nhà máy lớn trong các lĩnh vực công nghiệp, trong đó có cả công ty liên doanh. Việc có công ty liên doanh thừa nhận ứng dụng là bằng chứng cho thấy về lĩnh vực này chúng ta đã đạt được ở mức độ khá tiên tiến.
6. Chương trình KHCN trọng điểm cấp Nhà nước về ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm xuất khẩu và sản phẩm chủ lực (KC.06).
Tổng số đề tài, dự án thuộc Chương trình: 49 đề tài và 37 dự án SXTN.
Chương trình được triển khai nhằm đạt được các mục tiêu: gia tăng kim ngạch xuất khẩu; chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm chế biến, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ; nắm vững, nâng cao và áp dụng các công nghệ cơ bản tiên tiến để sản xuất các sản phẩm chủ lực của các ngành kinh tế đạt mức chất lượng tiên tiến trong khu vực, lấy tiết kiệm năng lượng, giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm làm trọng tâm ...
Nhìn chung, các nhiệm vụ KHCN của Chương trình đã góp phần tích cực vào việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu; chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng chế biến, tăng giá trị gia tăng và góp phần làm chủ công nghệ để sản xuất một số mặt hàng chủ lực (lúa, gạo, thủy sản, tàu biển, ô tô bus, vật liệu xây dựng v.v...) theo hướng tận dụng nhân lực, vật lực tại chỗ, tiết kiệm năng lượng, nguyên nhiên vật liệu. Chương trình đã đóng góp có tính quyết định vào việc hình thành một số ngành sản xuất hàng chủ lực và hàng xuất khẩu quan trọng: đóng tàu, chế tạo cần trục, sản xuất giống thủy sản... kéo theo sự phát triển của các ngành khác như cơ khí, luyện kim, chế biến ...
Ngoài mục tiêu kinh tế, KHCN, các nhiệm vụ của chương trình còn có tác động rõ rệt về mặt xã hội, góp phần đáng kể vào việc giữ gìn môi trường, tạo công ăn việc làm mới cho hàng vạn người lao động. Góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư của khoa học công nghệ, khẳng định rõ vai trò của KH&CN trong đời sống kinh tế và xã hội.
Chương trình đã tạo ra trên 250 công nghệ hoặc qui trình công nghệ, quy trình kỹ thuật đã và đang được áp dụng vào các ngành kinh tế của nước ta. Đã sản xuất ra trên 50 sản phẩm hàng hoá phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Đã cung cấp nhiều thông tin, tư liệu cho công tác quản lý Nhà nước của ngành thương mại, đặc biệt là các thông tin về hàng rào thương mại, về hệ thống kênh phân phối hàng nhập khẩu, về thị hiếu tiêu dùng và xu hướng chuyển dịch cơ cấu sản phẩm tiêu dùng. Đã cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chiến lược phát triển xuất khẩu của Việt Nam; định hướng thị trường xuất khẩu mục tiêu và xác định chiến lược cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đã giúp một số tỉnh, thành phố đề xuất những cơ chế, các gi?i pháp thực hiện quy hoạch hệ thống thương mại trong điều kiện chuẩn bị tham gia hội nhập kinh tế Quốc tế.
Số các bài báo công bố các công trình nghiên cứu thuộc Chương trình đăng trên các tạp chí trong nước là 81 và trên các tạp chí nước ngoài là 4 bài. Chương trình đã xuất bản được 02 đầu sách và 11 giáo trình. Chương trình đã cho ra được 11 sáng chế và 39 giải pháp hữu ích.
Các nội dung chính đã thực hiện:
Nhóm nhiệm vụ KHCN phục vụ sản xuất các sản phẩm xuất khẩu
Về nông nghiệp, Chương trình đã tập trung nghiên cứu 12 đối tượng nông sản xuất khẩu chính: lúa gạo, rau hoa, quả, chè, điều, hồ tiêu, cao su, cà phê, thuốc lá, cây có dầu ngắn ngày, gỗ nguyên liệu, thịt lợn. Tiếp theo kết quả nghiên cứu thuộc giai đoạn trước, chương trình đã hoàn thiện và tạo mới 65 qui trình công nghệ ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp. Xác định được các giống cây trồng cho năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và hoàn thiện các qui trình kỹ thuật sản xuất giống áp dụng vào sản xuất cho Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, miền núi phía Bắc, Tây nguyên và miền Trung như: các giống lúa (BM9855, DT122, OM2509, AS996, KDML105), các giống điều (PN1, LG1, MH4/5, DH66-14, DH67-15), các giống chè (LDP1, LDP2), các giống cao su, các giống lạc (L02, L05, L14, MD7, MD9), vừng V6, cà chua (lai số 1, C95), dưa chuột (lai sao xanh, PC1). Xây dựng được 30 mô hình trình diễn, gắn với sản xuất của các địa phương. Qui mô mô hình phụ thuộc vào từng đối tượng và nhiệm vụ cụ thể từ 5 ha trở lên (thâm canh cây ăn quả, rau hoa), có những mô hình đạt tới hàng nghìn ha (mô hình sản xuất giống lúa 787 ha, mô hình thâm canh giống điều cao sản 3.400 ha...). Hầu hết các đề tài, dự án đều sản xuất ra các sản phẩm cụ thể để khẳng định độ tin cậy về công nghệ cũng như tính tiên tiến và bền vững của nó.
Kết quả sản phẩm cụ thể đã tạo ra từ các mô hình sản xuất nông nghiệp: Mô hình thâm canh lúa giống BM 9855 chất lượng cao ở Đồng bằng sông Hồng đã thu được 4.485 tấn thóc thịt, 91 giống xác nhận, 56 tấn giống nguyên chủng, siêu nguyên chủng, 5,85 tấn giống tác giả. Đối với giống lúa DT122 thu được 1,5 tấn giống tác giả, 30 tấn giống siêu nguyên chủng và 860 tấn giống nguyên chủng. Các mô hình thâm canh lúa giống OM 2509 AS 996, KDML105 ở Đồng bằng sông Cửu Long thu được 32,3 tấn giống siêu nguyên chủng, 1.316 tấn giống nguyên chủng và 1.473 tấn giống xác nhận. Mô hình thâm canh giống điều lùn đã cung cấp cho dân được 450.000 cây giống điều ghép phục vụ trồng mới 2.250 ha điều tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ. Các mô hình cây ăn quả đã tạo ra 20 triệu cây dứa Cayen, 1,05 triệu cây vải chín sớm, bảo quản 1.300 tấn quả thanh long cấp A có hình oval đặc trưng cho xuất khẩu. Các mô hình về cây chè, cây có dầu, cây nguyên liệu cũng đã được triển khai: nhân được 8 triệu bầu chè giống LDP1, LDP2; sản xuất lạc giống thu được 50 tấn giống siêu nguyên chủng, 500 tấn giống nguyên chủng và 1.080 tấn giống xác nhận; áp dụng công nghệ mới sản xuất 265 tấn thuốc lá nguyên liệu; sản xuất được 504 kg hạt giống dưa chuột lai và 4.200 tấn dưa chuột nguyên liệu; 408 kg hạt giống cà chua lai và 4.300 tấn cà chua nguyên liệu cho chế biến.
Về thuỷ sản, Chương trình đã tập trung nghiên cứu về 4 mảng công nghệ: công nghệ sản xuất giống nhân tạo; công nghệ nuôi thương phẩm; công nghệ chế biến thức ăn; công nghệ bảo quản chế biến sau thu hoạch. Các nhiệm vụ nghiên cứu tập trung vào các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế và tính cạnh tranh cao phục vụ xuất khẩu như tôm sú, cá song, cá giò, cá rô phi, cá tra, cá basa, cua biển, bào ngư, ốc hương, tôm hùm, hàu, rong sụn, mực, cá ngừ đại dương... Chương trình đã tạo mới và hoàn thiện 43 qui trình, giải pháp công nghệ. Xây dựng được18 mô hình ứng dụng vào các cơ sở sản xuất thủy sản xuất khẩu, có mô hình doanh thu dự kiến 1 tỉ đồng /0,5 ha mặt nước, có mô hình sản xuất trên 30 ha tạo ra 750 tấn cá rô phi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, mô hình trại sản xuất cua giống qui mô 1 triệu con/năm. Thành tựu nổi bật nhất là các công nghệ sản xuất giống nhân tạo một số đối tượng thuỷ sản có khả năng xuất khẩu cao như cá song chấm nâu E. coioides, cua biển loài scylla sp., cá rô phi đơn tính dòng GIF, ốc hương,... đã được chương trình tạo ra và hoàn thiện công nghệ.
Kết quả các sản phẩm cụ thể đã tạo ra từ các đề tài, dự án lĩnh vực thủy sản như sau:
Về giống: sản xuất được trên 6 triệu cá rô phi giống; 5,5 triệu hàu giống; 1 triệu cua giống; 39,5 vạn cá song giống; 80 vạn bào ngư giống; 325 cá song bố mẹ.
Về nuôi thương phẩm: 1000 tấn cá rô phi; 119 tấn tôm sú; 50 tấn cá basa và cá tra; 33 tấn ốc hương; 30 tấn hàu; 11 tấn cá song; 3 tấn cua thịt; 2 tấn vẹm xanh; 1,6 tấn bào ngư; 0,5 tấn tôm hùm.
Về thức ăn công nghiệp chất lượng cao: sản xuất thử để đánh giá chất lượng 7,7 tấn thức ăn viên cho tôm sú, tôm càng xanh, 15 tấn thức ăn viên nổi cho cá basa, 27 tấn thức ăn cho cá rô phi đỏ, cá song và cá giò. Lượng thức ăn công nghiệp cho cá rô phi đơn tính tự chế được gần 100 tấn.
Nhóm nhiệm vụ KHCN phục vụ sản xuất các sản phẩm chủ lực:
Về công nghiệp tàu thủy: đã triển khai 13 nhiệm vụ (8 đề tài, 5 dự án) để giải quyết các vấn đề bức xúc mà ngành công nghiệp tàu thủy đang đòi hỏi trong thiết kế đóng mới các loại tàu hàng, tàu khách, tàu dầu, tàu hút bụng, tàu xén thổi, tàu chở hàng rời, cần trục, gầu ngoạm, hệ thống điều khiển tự động, thiết bị...
Chương trình đã nghiên cứu thiết kế chế tạo các thiết bị phục vụ cho đóng tàu thuỷ cỡ lớn: tàu dầu 100.000T, tàu hàng 30.000T, tàu hút bụng 4.500m3, tàu xén thổi 3.000m3, cần cẩu tàu thuỷ 40T, thiết bị điện và tự động hoá, máy lốc tôn cỡ lớn, dây chuyền hệ thống xử lý thép, máy phay chân vịt điều khiển bằng chương trình kỹ thuật số. Xây dựng các phương pháp công nghệ: hàn tự động, xử lý tôn tấm, phóng dạng, hạ liệu kết cấu vỏ tàu, chế tạo lắp ráp cân chỉnh hệ trục chân vịt, lắp đặt kiểm tra các thiết bị điện, điều khiển và tự động hoá. Hoàn thành các qui trình công nghệ: lắp ráp và hàn các phân đoạn, tổng đoạn, hàn kết cấu thân tàu bằng robot, bằng bộ đồ gá trong không gian nhiều chiều; qui trình kiểm tra chất lượng đóng tàu và 13 qui trình mẫu dùng trong đóng tàu. Hiện tại các công nghệ về đóng mới tàu từ 5.000 T đến 13.500 T đã được áp dụng tại các nhà máy đóng tàu của Tổng Công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam.
Đã nghiên cứu thiết kế công nghệ chế tạo tàu khách chạy biển cỡ lớn 315 giường, tốc độ 22 hải lý/giờ đảm bảo tính khả thi cho chế tạo đóng tàu trong nước.
Nổi bật nhất là các thành tựu phục vụ công nghiệp sản xuất ô tô-xe máy: đã tạo ra 01 dây chuyền đồng bộ sản xuất lốp ôtô mành thép (radial), công suất 100.000 lốp/năm. Xây dựng được dây chuyền công nghệ và chế thử xe chở khách chất lượng cao. Cụ thể, đã sản xuất được 20.000 lốp theo các quy cách lốp xe du lịch mành thép cỡ vành R13 và R14 và các quy cách thông dụng khác, đạt tiêu chuẩn Quốc tế (JIS 4230). Sản phẩm sản xuất ra từ dây chuyền này đã được thương mại hóa, giá bán chỉ bằng 80% sản phẩm nhập cùng loại, chấm dứt tình trạng lốp xe thương hiệu ngoại độc chiếm thị trường trong nước, tiến tới xuất khẩu ra các nước trong khu vực và thế giới.
Chế tạo được 927 xe khách 32, 50, 60 và 80 chỗ đạt tiêu chuẩn đưa vào vận hành khai thác đạt kết quả tốt, tỷ lệ nội địa hoá đạt 50-60%. Giá thành sản xuất trong nước rẻ hơn từ 100 đến 400 triệu đồng/chiếc so với giá nhập ngoại. Đáp ứng một phần nhu cầu vận tải hành khách trong nước, giảm ngoại tệ nhập xe nguyên chiếc. Tạo thêm công ăn việc làm, mở ra triển vọng cho việc phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam.
Về sản xuất vật liệu mới, đã thiết kế và chế tạo thành công dây chuyền đồng bộ sản xuất tấm lợp không sử dụng amiăng công suất 0,5 triệu m2/năm và sản xuất thử 2.000 tấm không có amiăng, tạo khả năng chuyển đổi các dây chuyền sản xuất tấm lợp amiăng hiện có; mở ra hướng đầu tư dây chuyền công nghệ mới sản xuất tấm lợp không sử dụng animăng với giá thành thấp: 23.000 đồng/tấm. Chương trình đã nghiên cứu và chế tạo thành công (lần đầu tiên ở Việt nam) thuốc tuyển quặng Apatít loại III để đưa về loại I (có hàm lượng P2O5 khoảng 32-34%) để sản xuất phân lân - sản phẩm chiến lược của Nông nghiệp Việt Nam. Tạo được dây chuyền sản xuất thuốc tuyển quặng công suất 500 tấn /năm, 700 tấn/năm với công nghệ và chất lượng ổn định; sản xuất thử trên dây chuyền mới được 70 tấn thuốc. Công suất của dây chuyền còn có thể mở rộng thêm trong giai đoạn tới....
7. Chương trình KHCN trọng điểm cấp Nhà nước về KH&CN phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn (KC.07)
Tổng số đề tài, dự án thuộc Chương trình: 28 đề tài và 8 dự án SXTN.
Chương trình KC.07 được triển khai nhằm vào các mục tiêu: Nâng cao năng suất sinh học và năng suất lao động, bảo đảm hiệu quả của sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp nhằm xây dựng một nền nông nghiệp hàng hoá mạnh, đa dạng, phát triển bền vững, có khả năng cạnh tranh quốc tế; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn theo hướng gia tăng tỷ trọng công nghiệp trong thu nhập, tạo việc làm cho người lao động; góp phần xây dựng nông thôn mới.
Về cơ bản, Chương trình KC.07 đã hoàn thành đầy đủ mục tiêu và các nội dung chủ yếu đặt ra ban đầu. Cụ thể là các đề tài nghiên cứu về chính sách kinh tế-xã hội đã có những kiến nghị cụ thể với các cơ quan tham mưu của Đảng và Nhà nước (Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Khoa giáo Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...) và đưa ra được các giải pháp như: xây dựng mô hình làng xã Việt Nam theo mô hình “làng mở” phù hợp với quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn và xây dựng qui hoạch phát triển nông nghiệp theo 8 vùng sinh thái. Đã đề xuất những mô hình kinh tế công- nông - thương cụ thể cho từng vùng nhằm thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp, nông thôn. Đưa ra những đóng góp mang tính lý luận về tiêu chí, bước đi cho quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn nước ta đến năm 2020.
Chương trình đã xây dựng được cơ sở lý luận và thực tiễn, cũng như kinh nghiệm chính sách của quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn, đề ra được hệ thống tiêu chí đánh giá quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn ở cấp quốc gia và cấp vùng, xây dựng cơ sở khoa học về quy hoạch và tổ chức không gian các loại hình cụm công nghiệp vừa và nhỏ nông thôn. ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản trị cơ sở dữ liệu, dự tính - dự báo trợ giúp ra quyết định và phổ cập thông tin về quản lý sử dụng đất nông-lâm nghiệp, lao động nông thôn, kiểm soát dịch hại một số cây trồng ở qui mô huyện, tỉnh, thành phố.
Sau 5 năm triển khai thực hiện, Chương tình đã tạo ra được 08 sáng chế và giải pháp hữu ích, 74 bài báo công bố các công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí trong và ngoài nước, 150 công nghệ và 10 dây chuyền thiết bị đã được ứng dụng vào sản xuất. Chương trình đã tham gia đào tạo được 15 tiến sĩ và 32 thạc sĩ. Đã có 02 công trình đoạt giải thưởng VIFOTEC và 03 công trình đoạt giải Sáng tạo khoa học.
Các nội dung chính đã thực hiện:
Nội dung 1: Những vấn đề về đổi mới công nghệ và thiết bị để tăng hiệu quả của sản xuất nông, lâm ngư nghiệp, nhằm thúc đẩy công nghiệp nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng gia tăng tỷ trọng công nghiệp trong thu nhập và giải quyết việc làm.
Đã lựa chọn thiết kế và chế tạo các hệ thống thiết bị máy móc đưa vào ứng dụng trong sản xuất, mang lại hiệu quả cao, như: hệ thống chế biến hạt giống đã được Chương trình giống quốc gia đặt hàng chế tạo 20 hệ thống thiết bị, làm lợi được 40 tỷ đồng và với khả năng nhu cầu về hệ thống thiết bị này ở Việt Nam khoảng 200 dây chuyền trong cả nước, số tiền làm lợi sẽ lên đến 400 tỷ đồng; các thiết bị dùng trong tổ máy thuỷ điện nhỏ gồm các gam công suất: 200-1000W; 5-10KW; 20-200KW có chất lượng và giá thành hoàn toàn có thể cạnh tranh với sản phẩm từ Trung Quốc, phục vụ cho dự án lớn về các thiết bị thuỷ điện theo chủ trương của Bộ NN&PTNT; dây chuyền thiết bị phục vụ chăn nuôi gà qui mô vừa được thiết kế chế tạo có khả năng đáp ứng được với nhu cầu sản xuất khi chăn nuôi gà phát triển ổn định.
Một số công nghệ đã được chuyển giao thành công cho sản xuất mang lại lợi nhuận cao và có ý nghĩa về mặt xã hội, như công nghệ sản xuất ốc hương giống đã mang lại ý nghĩa lớn về kinh tế, xã hội. Ngoài ý nghĩa xã hội là hình thành nghề nuôi ốc hương hàng hóa, công nghệ này đã mang lại lợi ích đáng kể về mặt kinh tế thông qua việc giảm giá thành con giống. Chỉ tính với sản lượng 30 triệu con giống, công nghệ đã làm lợi 3 tỷ đồng và với việc tạo ra 50 tấn sản phẩm/năm tại các vùng nuôi tập trung thì số tiền làm lợi cho người nuôi là 4,5 tỷ đồng. Ngoài ra, sản xuất giống nhân tạo sẽ góp phần quan trọng trong việc chặn đứng việc khai thác cạn kiệt tài nguyên sinh học.
Dự án sản xuất nấm qui mô làng nghề đã tạo được không dưới 1000-1200 việc làm, đạt hiệu quả chi phí đầu tư cho 1 việc làm chỉ mất khoảng 200.000 đồng (trong khi để tạo 1 việc làm đối với nghề thủ công là không dưới 10 triệu, cho sản xuất công nghiệp không dưới 1.500 USD chưa tính đến kinh phí đào tạo). Đây là hiệu quả đáng được xem xét và chú ý trong giải quyết vấn đề việc làm ở nông thôn nước ta hiện nay đặc biệt đối với các vùng đô thị hóa. Đó là chưa kể đến các hiệu quả kinh tế cụ thể khác được tính bằng tiền cùng các vấn đề an ninh xã hội khác ở nông thôn nước ta hiện nay.
Đã nghiên cứu khả năng chế tạo một số mẫu máy, thiết bị phù hợp với sản xuất có thể đưa vào sản xuất hàng loạt như: các loại máy làm đất, trồng, băm lá, bạt gốc, chăm sóc cho mía, dứa; hệ thống thiết bị nuôi tôm công nghiệp qui mô trang trại; hệ thống giết mổ gia súc gia cầm; hệ thống chế biến thức ăn thô cho bò. Các thiết bị này nhìn chung là phù hợp với điều kiên sản xuất. Hầu hết các thiết bị đều đã và đang trong quá trình hoàn thiện thử nghiệm.
Một số công nghệ và thiết bị đã được đề ra nghiên cứu và đã có kết quả ban đầu như: công nghệ và thiết bị xử lý chất thải rắn, lỏng trong các làng nghề, công nghệ và thiết bị sơ chế nông lâm thuỷ sản, máy thu hoạch lúa, thu hoạch mía tự hành.
Nội dung 2: Những nội dung về xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Đã tạo ra một số kết quả hiện đang được áp dụng trong sản xuất như : quy trình công nghệ và thiết bị trong khai thác và sử dụng các loại năng lượng tái tạo, năng lượng rẻ tiền trong nông thôn, những giải pháp qui hoạch thủy lợi trong nuôi trồng thuỷ sản, công nghệ cơ bản bê tông ứng suất trước trong xây dựng các công trình thuỷ lợi và giao thông nông thôn. Lựa chọn quy trình công nghệ, thiết bị sản xuất vật liệu xây dựng bằng nguyên liệu địa phương và thi công xây dựng nhà ở, đường giao thông nông thôn tại những vùng đặc thù.
Nội dung 3: Những vấn đề về cơ chế, chính sách trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn.
Đã kiến nghị những nội dung đổi mới quản lý nhà nước về nông nghiệp và nông thôn như là một điều kiện tiên quyết của sự ra đời mô hình kinh tế xã hội nông thôn mới. Đã kiến nghị được hệ thống tiêu chí, bước đi của quá trình CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn nước ta. Nhìn nhận một cách tổng quát và kiến nghị về vấn đề chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Các kết luận và kiến nghị trên đã và đang được các đề tài hoàn chỉnh thông tin, trao đổi và kiến nghị với các cơ quan tham mưu của Đảng và Nhà nước: Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Khoa giáo Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vv... và đặc biệt là với các tiểu ban chuẩn bị Văn kiện Đại hội Đảng X.
8. Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước về Bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai (KC.08)
Tổng số các đề tài, dự án thuộc Chương trình: 30 đề tài, 1 dự án SXTN.
Sau 5 năm triển khai thực hiện, các đề tài thuộc Chương trình đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, không chỉ về mặt lý luận khoa học mà còn có tính ứng dụng thực tiễn cao, đáp ứng yêu cầu bức xúc của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Điều nổi bật nhất ở tất cả các đề tài thuộc Chương trình, đó là những đóng góp về phương pháp luận trong nghiên cứu phát triển bền vững, sử dụng hợp lý tài nguyên, quy hoạch môi trường, dự báo và kiểm soát các loại tai biến tự nhiên. Bên cạnh đó các kết quả nghiên cứu đã tạo ra được một khối lượng lớn các cơ sở dữ liệu ở dạng số hóa và hệ thống bản đồ, đây là nguồn tư liệu quí có thể khai thác hiệu quả phục vụ cho nhiều lĩnh vực và các mục đích khác nhau.
Các nội dung chính đã thực hiện:
Nội dung 1: Đánh giá diễn biến tài nguyên môi trường trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Nghiên cứu xây dựng thử nghiệm qui hoạch bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững cho một số vùng kinh tế trọng điểm theo quan điểm tiếp cận kinh tế môi trường; đề xuất chính sách và các giải pháp công nghệ để cải thiện môi trường đô thị, nông thôn, các làng nghề truyền thống.
Đã nghiên cứu xây dựng quy hoạch môi trường phục vụ phát triển KT-XH vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung phục vụ phát triển KTXH vùng lãnh thổ. Đã ứng dụng kinh tế môi trường để nghiên cứu và đánh giá diễn biễn tài nguyên môi trường vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà rịa - Vũng Tầu). Làm rõ các vấn đề môi trường bức xúc ở nông thôn, môi trường làng nghề, dự báo xu hướng suy thoái và các chính sách, giải pháp cụ thể để giảm thiểu ô nhiễm và phát triển bền vững. Từ các kết quả nghiên cứu đã biên soạn hai cuốn sách về “Môi trường nông thôn Việt Nam” và “Kỹ thuật xử lý môi trường nông thôn Việt Nam”.
Nội dung 2: Nghiên cứu xây dựng mô hình quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường theo lưu vực sông.
Đã áp dụng phần mềm tiên tiến, nghiên cứu xây dựng mô hình quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường lưu vực sông Đà, sông Ba, sông Côn. Các giải pháp bảo vệ tài nguyên nước ở Tây nguyên, các giải pháp quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường theo lưu vực đã được nghiên cứu và đề xuất.
Nội dung 3: Phân tích đặc trưng cơ bản của hệ sinh thái, dự báo xu hướng suy thoái và các vùng, các khu vực có tiềm năng xảy ra khủng khoảng sinh thái của Việt Nam.
Đã đưa ra một số mô hình sinh thái hợp lý phát triển kinh tế, phòng chống hoang mạc hoá, các hiện tượng cát bay, cát chảy ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị cho đến Ninh Thuận - Bình Thuận. Nghiên cứu giải pháp trồng rừng ở vùng núi đá vôi bằng các loài cây bản địa tạo ra một hệ sinh thái và môi trường ổn định tại vùng núi đá vôi, góp phần xoá đói giảm nghèo.
Nghiên cứu các giải pháp tổng thể sử dụng hợp lý các giải cát ven biển miền Trung, sử dụng hợp lý và bảo vệ tài nguyên đất phong hoá Ba zan Tây nguyên.
Nội dung 4: Nhận dạng qui luật và xu thế diễn biến động đất ở Tây Bắc và các dạng tai biến tự nhiên khác; đề xuất các giải pháp phòng tránh, đặc biệt đối với động đất ở vùng Tây Bắc nói chung và khu vực Thuỷ điện Sơn La nói riêng.
Đã hoàn thành và chuẩn bị công bố tập bản đồ atlas 10 dạng thiên tai tỷ lệ 1:3.000.000 kèm bản đồ phân vùng tổng hợp tai biến môi trờng tự nhiên phục vụ công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Thành lập bản đồ về độ nguy hiểm động đất Việt Nam, trong đó có phân vùng chi tiết động đất phục vụ thiết kế và xây dựng các công trình thủy điện, đặc biệt là công trình thủy điện Sơn La.
Đã cung cấp và được Cục Kiểm lâm ứng dụng quy trình công nghệ dự báo mức độ nguy hiểm của thiên tai cháy rừng và từ năm 2004 trở lại đây đã được sử dụng phục vụ dự báo cháy rừng trên Đài truyền hình Việt Nam. Riêng rừng U minh Thượng áp dụng giải pháp giữ nước nhiều bậc đang phát huy hiệu quả.
Nội dung 5: Nghiên cứu, đánh giá tổng hợp các tác nhân gây lũ lụt tại các khu vực nhạy cảm. Nghiên cứu, phân tích các yếu tố gây sạt lở và dự báo phòng tránh sạt lở một số khu vực sông.
Kết quả của các đề tài nghiên cứu đã cung cấp được các luận cứ khoa học về quy luật, diễn biến và các khả năng ảnh hưởng của lũ, lụt ở vùng đồng bằng sông Hồng và công nghệ dự báo lũ. Kết quả này đã được Uỷ ban phòng chống lụt bão trung ương sử dụng điều hành trong mùa mưa bão.
Đã ứng dụng kết quả nghiên cứu dự báo xói lở, bồi lắng lòng dẫn hệ thống sông cho các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời tiến hành nghiên cứu sạt lở và phương án phòng chống sạt lở bảo vệ các sông biên giới phía Bắc, đã đưa ra phương án thích hợp và các giải pháp cụ thể để chống sạt lở bảo vệ biên giới.
Nội dung 6 : Nghiên cứu toàn diện về lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long, ứng dụng các công nghệ hiện đại nhằm nâng cao độ chính xác dự báo lũ và các giải pháp kiểm soát lũ.
Nội dung 7: Nghiên cứu các giải pháp về giao thông và cơ sở hạ tầng, về sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản cho vùng ngập lũ, các giải pháp tổ chức đời sống dân cư trong mùa lũ nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của dân.
Nội dung 8: Nghiên cứu chính sách kinh tế–xã hội–văn hoá- môi trường để phát triển bền vững đối với Đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện chung sống với lũ. Nghiên cứu phương án thực hiện chủ động chung sống với lũ ở từng khu vực trong Đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở giải pháp tổng thể cho toàn vùng.
Cả 3 nội dung này đều hướng vào mục tiêu phục vụ phát triển KT-XH vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện chung sống với lũ, được giải quyết bằng các nhiệm vụ và đã đạt được các kết quả sau:
Đã thu được kết quả tốt về nhận dạng lũ, kể từ căn nguyên phát sinh đến khi chúng hình thành và di chuyển về hạ lưu nhờ đó đã kiến nghị khai thác những mặt lợi, né tránh và hạn chế những mặt hại từ dòng lũ. Xây dựng mô hình và công nghệ dự báo lũ cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và qua thử nghiệm dự báo đã cho kết quả khả quan vào năm 2003 - 2004, đã tiến hành lập quy trình vận hành cho hệ thống kiểm soát lũ. Các kết quả nghiên cứu đã cung cấp các thông số thuỷ lực cho các công trình xây dựng, giao thông của các Bộ và các tỉnh tại Đồng bằng sông Cửu Long liên quan đến một số tuyến đường chính. Cung cấp các luận cứ khoa học về quy luật, diễn biến và các khả năng ảnh hưởng của lũ, lụt ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Giải bài toán tổng thể về kinh tế, xã hội, môi trường liên quan đến lũ phục vụ cho quy hoạch thoát lũ Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2010.
Chương trình đã nghiên cứu các giải pháp tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện chung sống với lũ. Nghiên cứu giải pháp tổng thể về tổ chức dân cư và cơ sở hạ tầng khác trong điều kiện chung sống với lũ. Đặc biệt đã nghiên cứu các vấn đề thoát lũ và kinh tế-xã hội-môi trường phục vụ phát triển bền vững vùng Đồng tháp Mười; đã đề xuất hệ thống cống thoát lũ qua sông Vàm cỏ và đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thực hiện dự án tiền khả thi.
Từ kết quả đề tài nghiên cứu dự báo xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã đưa ra được các thông báo chỉ số mặn hàng ngày và đề xuất phương án chuyển đổi cơ cấu sản xuất cho từng tỉnh.
9. Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước về Điều tra cơ bản và nghiên cứu ứng dụng công nghệ biển (KC.09)
Tổng số đề tài thuộc Chương trình KC.09: 22 đề tài.
Chương trình đã công bố 47 bài báo trên các tạp chí nước ngoài, 184 bài báo trên các tạp chí trong nước, xuất bản được 07 đầu sách, tham gia đào tạo 33 tiến sĩ và 33 thạc sĩ.
Chương trình đã đạt được nhiều sản phẩm khoa học có giá trị trong việc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền, cung cấp tư liệu, luận cứ khoa học, mô hình tính toán, các khuyến nghị phục vụ cho công tác dự báo nguồn lợi, dự báo xói lở cửa sông ven biển, hoạch định chính sách và xây dựng mô hình phát triển kinh tế-sinh thái dải ven biển và các đảo.
Các nội dung chính đã thực hiện
Nội dung 1: Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu biển quốc gia, công bố các tư liệu biển chuẩn quốc gia về khí tượng thuỷ văn biển, sinh học biển và địa chất biển
Lần đầu tiên đã xây dựng được cơ sở dữ liệu tương đối tổng hợp về biển Việt Nam và phần mềm VODC để truy cập và xử lý số liệu, có thể khai thác và sử dụng cho nhiều ngành nghề kinh tế biển. Đã xây dựng được một bộ gồm 64 bản đồ theo đúng tiêu chí Bản đồ học về 4 nhóm các yếu tố địa chất-địa vật lý, khí tượng-khí hậu, thuỷ nhiệt động lực học và sinh thái-môi trường phục vụ cho nghiên cứu, sản xuất của nhiều cơ quan, ngành nghề.
Nội dung 2: ứng dụng các công nghệ biển tiên tiến để nghiên cứu các quy trình công nghệ dự báo các trường khí tượng, thuỷ văn biển, biến động nguồn lợi hải sản khai thác và chẩn đoán các quá trình thuỷ thạch động lực ven bờ.
Đã xây dựng được tập bản đồ điều kiện hải dương học nghề cá biển khơi Việt Nam với tương đối đầy đủ các dữ liệu về điều kiện hải dương học và Sổ tay hướng dẫn khai thác, đánh bắt cá ngừ đại dương, phục vụ cho chương trình đánh bắt xa bờ. Đã phát triển, ứng dụng các mô hình dự báo như: ASPIC, VPA-2BOX, MDEC, SPARCLE trong dự báo, phân tích, đánh giá ngư trường.
ứng dụng thành công mô hình RAMS và ETA trong điều kiện của Việt Nam, phục vụ công tác dự báo thời tiết trên Biển Đông trước 3 ngày và trước 7 ngày. Các kết quả dự báo được các ngành quan tâm sử dụng như ngành hàng không, dầu khí, Bộ NN&PTNT, SEAGAM 22 ...
Nội dung 3: Nghiên cứu tính toán các chỉ tiêu kỹ thuật công trình biển trên nền móng san hô, trên nền đất yếu và bảo dưỡng các công trình trên biển.
Đã làm rõ về cơ bản đặc điểm phân bố san hô tại khu vực quần đảo Trường Sa cũng như các đặc tính cơ lý và đặc điểm điạ chất các đảo san hô theo chiều sâu (lần đầu tiên có số liệu ở độ sâu 51,2 m đảo Song Tử Tây). Kết quả nghiên cứu là tài liệu rất quan trọng phục vụ cho công tác an ninh quốc phòng, đặc biệt trong xây dựng các công trình biển trên quần đảo Trường Sa và công trình dầu khí ngoài khơi.
Bước đầu xây dựng được cơ sở khoa học phục vụ việc xây dựng và khai thác công trình biển di động trên vùng biển Việt Nam. Đã tiến hành thử nghiệm mô hình trong bể thí nghiệm 2 dạng dàn khoan di động và tự nâng, xây dựng cơ sở khoa học cho việc thiết kế, chế tạo và sử dụng giàn neo đứng, tiến tới tự thiết kế trong nước các công trình di động, tiết kiệm ngoại tệ. Đã đề xuất được một số kiểu công trình thích hợp với vùng biển Việt Nam.
Đã làm sáng tỏ cấu trúc địa chất, điều kiện địa động lực của 3 khu: Nam Hoàng Sa – Bể Phú Khánh, khu vực Tư Chính - Vũng Mây và khu vực thềm lục địa Tây Nam. Đã xây dựng được 15 bản đồ cho 5 tầng cấu trúc địa chất, phục vụ cho công tác thăm dò, dự báo và khai thác dầu khí vùng Biển Đông. Hiện nay tiềm năng dầu khí ở vùng biển Phú Khánh đang được các đối tác nước ngoài quan tâm và tiến tới hợp tác thăm dò khai thác.
Nội dung 4: Nghiên cứu xây dựng cơ sở khoa học kỹ thuật cho việc hoạch định biên giới, ranh giới trên vùng biển Tây Nam, những giải pháp thực thi chủ quyền và lợi ích quốc gia trên các vùng Biển Đông
Lần đầu tiên xây dựng được cơ sở dữ liệu đầy đủ, đồng bộ về thực trạng thực hiện Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 tại Việt Nam, kiến nghị các giải pháp thực hiện tốt Công ước bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển Việt Nam.
Đã xác định rõ cơ sở pháp lý xác định biên giới và ranh giới biển của Việt Nam ở vùng biển Tây Nam, làm rõ thực trạng các vùng biển chồng lấn và kiến nghị các giải pháp phân định vùng biển Tây Nam. Đã thành lập được hồ sơ pháp lý để trình cơ quan tài phán quốc tế về biên giới Việt Nam-Campuchia, làm cơ sở để đàm phán về phân định vùng biển Tây nam Việt Nam - một vùng biển đang và sẽ có khả năng xảy ra tranh chấp.
Nội dung 5 : Nghiên cứu xây dựng luận cứ khoa học phục vụ việc xây dựng các mô hình phát triển kinh tế - quốc phòng trên hệ thống đảo ven bờ và các quần đảo, các mô hình phát triển bền vững dải ven biển, chú trọng các huyện đảo.
Đã tiến hành phân tích đánh giá hiện trạng điều kiện tự nhiên, tài nguyên, kinh tế - xã hội giải ven biển. Xây dựng phương án phát triển kinh tế cho 3 khu vực: Móng Cái - Đồ Sơn; Chân Mây - Dung Quất và Vũng Tầu - Cần Giờ. Triển khai 2 mô hình phát triển kinh tế: Cụm cảng Hải Phòng và xã Phú Đa, Thừa Thiên Huế.
Đã xây dựng được luận chứng KH&CN về mô hình phát triển kinh tế-sinh thái đảo biển Việt Nam và kết hợp với chính quyền địa phương triển khai thí điểm thành công mô hình phát triển kinh tế-sinh thái đảo Cù Lao Chàm.
Các quy trình công nghệ chiết xuất, phân lập hoạt chất từ một số dược liệu biển có giá trị kinh tế và dược dụng đã được thiết kế và đưa vào ứng dụng như: hải miên cành, bọt biển xốp đen, cầu gai, hải sâm. Đã tách chiết được trên 20 chất sạch, trong đó có 3 chất lần đầu tiên phân lập được từ thiên nhiên: chế phẩm thuốc hỗ trợ điều trị ung thư gan SALAMIN, chế phẩm thuốc TMC hạ Cholesterol trong máu, chế phẩm thuốc OMEGA 3L chống ôxy hoá, bồi dưỡng tăng cường trí nhớ.
Đã xây dựng và triển khai thí điểm mô hình nuôi trồng thuỷ sản biển vùng đầm phá, mô hình sản xuất và chưng cất cây tinh dầu trên vùng cát ngập mặn, bước đầu đã thu được kết quả khả quan (năm 2004 là năm đầu tiên triển khai đã đạt doanh thu 150 triệu đồng).
Nội dung 6 : Nghiên cứu các giải pháp bảo vệ hệ sinh thái và khắc phục ô nhiễm môi trường biển.
Đã xây dựng 3 loại thang bậc đánh giá mức độ ô nhiễm biển ở một số vùng trọng điểm phát triển nuôi trồng hải sản và du lịch, xác định được giới hạn sinh thái của kẽm đối với một số hải sản như sò huyết, tôm sú, cỏ, chẽm. Đã thành công trong việc nghiên cứu khả năng khắc phục ô nhiễm tự sinh và xác lập được quy trình công nghệ phục hồi các hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển, được Sở Thuỷ sản Bình Định tiếp nhận và ứng dụng.
Nội dung 7: Tiếp tục các chuyến khảo sát nghiên cứu trên các vùng biển Việt Nam.
Hoàn thành 4 chuyến khảo sát tổng hợp Vịnh Bắc bộ; số liệu, mẫu khảo sát được thu thập và xử lý đảm bảo độ chính xác và độ tin cậy cao, góp phần hoàn thiện bộ tư liệu về điều kiện tự nhiên của Biển Việt Nam. Đã thu thập được nhiều số liệu bổ sung phục vụ cho nghiên cứu của đề tài, như số liệu về điều kiện tự nhiên (khí tượng thuỷ văn biển, địa chất địa mạo, địa động lực, môi trường, nguồn lợi hải sản..) và điều kiện kinh tế - xã hội, chủ quyền. Số liệu thu được từ các chuyến khảo sát đã bổ sung vào cơ sở dữ liệu biển và là cơ sở để đánh giá biến động của điều kiện tự nhiên, môi trường vịnh Bắc Bộ. Kết qủa điều tra tổng hợp vịnh Bắc Bộ đã tạo ra một CSDL phong phú về 4 chuyên ngành, thành lập được các bản đồ hiện trạng môi trường và có kết luận quan trọng về tính tương đối ổn định của các điều kiện tự nhiên và tài nguyên môi trường.
10. Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước về Khoa học và công nghệ phục vụ chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng (KC.10)
Tổng số các đề tài, dự án thuộc Chương trình: có 28 đề tài và 16 dự án.
Chương trình KHCN đã có 15 sản phẩm đạt trình độ sản xuất trong khu vực và quốc tế. Nhiều kết quả của đề tài và dự án có ý nghĩa khoa học, tính thực tiễn và hiệu quả kinh tế cao, góp phần tích cực trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Kết quả của 13 đề tài và 13 dự án trong Chương trình đã được áp dụng vào sản xuất và đời sống. Chương trình đã tạo ra 09 kiến nghị làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng các chủ trương, chính sách, cơ chế, giải pháp của Đảng và Nhà nước ở trung ương và địa phương, có 44 công trình khoa học được công bố tại các hội nghị và đăng trên các tạp chí ngoài nước, 297 công trình khoa học được báo cáo tại các hội nghị và công bố trên các tạp chí trong nước. Chương trình đã xuất bản được 21 đầu sách và biên soạn mới 17 giáo trình. Số sáng chế, giải pháp hữu ích đã đăng ký và đã được bảo hộ trong Chương trình là 18. Số giải thưởng KH&CN được nhận trong nước: 09. Chương trình đã tham gia đào tạo trên đại học với tổng số 41 tiến sĩ và 69 thạc sĩ, ước tính hiệu quả kinh tế của chương trình mang lại do áp dụng các kết quả của đề tài, dự án là vài trăm tỷ đồng.
Các nội dung chính đã thực hiện :
Nội dung 1: Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại và công nghệ mới thích hợp với từng tuyến phục vụ đa số cộng đồng (nông dân, đồng bào dân tộc) trong cấp cứu, chẩn đoán, điều trị và dự phòng.
Đã ứng dụng công nghệ thông tin và các kỹ thuật mới của Tổ chức Y tế Thế giới trong việc giám sát và khống chế các bệnh tả, lỵ và thương hàn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: Xác định được nguồn truyền nhiễm qua người lành mang trùng tại cộng đồng, đưa ra các biện pháp chủ động trong giám sát và phòng bệnh, can thiệp đường truyền nhiễm, thí điểm trên 3 xã: thực hiện mô hình vay vốn mở rộng cung cấp nước, mô hình sử dụng bình lọc nước gia đình (chloramin); sử dụng cầu tiêu sạch (thử nghiệm cầu tiêu compsit); xử lý phân chuồng và rác sinh hoạt hợp vệ sinh.
Một số kỹ thuật tiên tiến (siêu âm, nội soi) đã được áp dụng tại các tuyến cơ sở trong cả nước để chẩn đoán và điều trị có hiệu quả một số bệnh trước kia chưa thực hiện được như tim mạch, sỏi mật, ung thư...
Nội dung 2 : Nghiên cứu xây dựng mô hình xã hội hoá, kết hợp quân dân y, kết hợp các kỹ thuật tổng hợp trong chống dịch, đặc biệt là đối tượng nghèo, vùng sâu, vùng xa (giám sát, chẩn đoán sớm, kháng thuốc, điều trị đặc hiệu) để từng bước khống chế, tiến tới thanh toán một số bệnh xã hội và bệnh dịch nguy hiểm.
Đã xây dựng mô hình khám, cấp cứu, điều trị, tổ chức hoạt động của bệnh xá quân dân tại vùng trọng điểm (vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa). Đã tăng cường được mối quan hệ chắt chẽ giữa quân và dân tại các vùng trọng điểm an ninh quốc phòng, góp phần giảm thiểu các thiệt hại khi có dịch bệnh, thiên tai, thảm họa, giảm các chi phí trong khám và chữa bệnh.
Trong phòng chống các bệnh dịch mới: Đã giám sát bệnh sốt xuất huyết do virút Hanta tại 28 tỉnh thành phố phía Bắc, kết quả cho thấy có virút lưu hành trên chuột tại 5 tỉnh (Hà Nội, Lào Cai, Hoà Bình, Thanh Hoá, Hà Nam) trong đó 4/5 tỉnh có hiện tượng bệnh đã lây lan ở người. Bệnh viêm não do vi rút Nipah: đã phát hiện được trên 300 mẫu huyết thanh lợn, nhưng chưa thấy trên người. Bệnh cúm lây từ gia cầm sang người: đã kết hợp với phòng thí nghiệm Cúm của CDC xây dựng và thực hiện kỹ thuật phân lập virut cúm gia cầm H5N1 và xây dựng quy trình chẩn đoán viêm phổi cấp do nhiễm virút cúm gia cầm và bệnh SARS bằng kỹ thuật di truyền phân tử (RT- PCR) phục vụ cho công tác phòng chống dịch.
Đã đánh giá được tình hình ô nhiễm môi trường có liên quan đến sức khoẻ, bệnh tật của cộng đồng dân cư vùng khai khoáng mỏ. Xác định được nguyên nhân của những bệnh mới xuất hiện do ô nhiễm đất, nước, không khí ở nhiều vùng mỏ như rối loạn thần kinh do nhiễm độc thuỷ ngân ở mỏ vàng (mà trước kia chưa xác định được) và xây dựng được phác đồ điều trị các bệnh nhiễm độc trên và kiến nghị một số giải pháp dự phòng (cải tạo môi trường, quản lý khai thác mỏ, giáo dục tuyên truyền nâng cao dân trí...)
Nội dung 3: Tập trung nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật mới và những biện pháp để ngăn chặn những bệnh xuất hiện trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá: Ung thư, tim mạch, tâm thần, bệnh nghề nghiệp...
Đối với một số bệnh lý tim mạch: đã ứng dụng thành công và làm chủ được một số công nghệ tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị tim mạch tại Việt Nam, theo tiêu chuẩn Hội Tim mạch ASEAN và Hoa kỳ, như: tiến hành phác đồ điều trị suy tim bằng tạo nhịp; quy trình chẩn đoán và điểu trị động mạch vành (Nong và đặt Stent); siêu âm gắng sức Dobutamin; phẫu thuật cầu nối chủ vành; nong van 2 lá bằng bóng.
Trong chẩn đoán điều trị bệnh sỏi mật: Đã ứng dụng thành công kỹ thuật lấy sỏi mật bằng phương pháp nội soi, qua da và qua Kehr (trước kia phải phẫu thuật với chi phí 5-6 triệu đồng/1 ca, bằng phương pháp nội soi chi phí 2-4 triệu đồng/1 ca).
Bệnh ung thư là căn bệnh nan y khó chữa, ở Việt Nam hàng năm có tới 150.000 ca mới mắc bệnh, 75.000 người chết. Các loại ung thư phổ biến là: Phổi, dạ dày, gan, đại trực tràng, vòm họng; đối với nữ: chủ yếu là ung thư vú và cổ tử cung. Đã ứng dụng phương pháp mới như gen học, hoá mô miễn dịch, a- FP, máu lắng, chụp cộng hưởng từ... để chẩn đoán sớm và điều trị có hiệu quả một số bệnh ung thư.
Bệnh tiểu đường typ 2: Đã xác định được tỷ lệ tiều đường typ 2 ở Việt Nam là 2,7%, trong đó : thành phố tỷ lệ cao nhất: 4,4%,; miền núi: 2,1%; đồng bằng: 2,7%; Trung du: 2,2%; rối loạn dung nạp Glucosa 7,3% (tiền tiểu đường). Đã nghiên cứu các biến chứng và các giải pháp can thiệp dự phòng đối với tiểu đường typ 2.
Bệnh do dinh dưỡng: Đánh giá được một số yếu tố dinh dưỡng có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ (suy dinh dưỡng, béo phì và các bệnh khác như tiểu đường, tim mạch, huyết áp ...) và đề xuất các giải pháp can thiệp, như tăng cường đa vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.
Nội dung 4: Nghiên cứu phát hiện nguy cơ nhanh và xử lý sớm đối với nhiễm độc và nhiễm trùng hàng loạt trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và lương thực thực phẩm ( kit, chất sinh học và phương pháp kiểm tra chẩn đoán nhanh chất lượng vệ sinh thực phẩm. Nghiên cứu tổ chức mô hình triển khai cấp cứu hàng loạt- đánh giá mức độ tổn hại từng vùng và tồn lưu độc hại trong thực phẩm...)
Đã tiến hành nghiên cứu sản xuất một số chất phụ gia thay thế từ nguồn gốc thiên nhiên đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, như thay thế chất phụ gia hàn the trong sản xuất thực phẩm bằng chất phụ gia có nguồn gốc tự nhiên không gây độc hại - Chitosan từ vỏ tôm cua.
Về xác định nguyên nhân, xây dựng biện pháp dự phòng và xử trí nhiễm độc hàng loạt: đã có quy trình phát hiện nhanh các chất độc như HG, asen, lân hữu cơ, Sarin, CO, photgen qua Test và giấy thử, có quy trình phân tích chất độc và các sản phẩm chuyển hoá của chất độc trên máy quang phổ, sắc ký khí, sắc ký lỏng cao áp, HPLC phục vụ cho chẩn đoán chính xác. Xây dựng được tiêu chuẩn chẩn đoán, phác đồ điều trị và các thuốc thiết yếu trong xử lý nhiễm độc hàng loạt phù hợp với các tuyến y tế. Đã xây dựng mô hình kiểm soát, đề phòng, tiêu độc và phương án triển khai giải quyết hậu quả của nhiễm độc hàng loạt trong nông nghiệp, công nghiệp và đời sống.
Nội dung 5: Nghiên cứu tiêu chuẩn hoá vắcxin, sinh vật phẩm, trang thiết bị y tế
Đã nghiên cứu sản xuất một số mẫu chuẩn Quốc gia vắcxin và sinh phẩm của Việt nam (Vắcxin Viêm gan B, Viêm não Nhật Bản, lao và huyết thanh kháng độc tố uốn ván) đạt tiêu chuẩn tương đương mẫu chuẩn quốc tế với giá thành rẻ hơn, làm giảm được chi phí nhập ngoại khoảng 17 tỷ đồng.
chất lượng các vắcxin sản xuất trong nước đã được nâng cao, giá thành sản phẩm hạ, góp phần phục vụ đông đảo cộng đồng nghèo: như vắcxin Viêm não Nhật Bản được thay chủng Beijing-1; hoàn thiện công nghệ và sản xuất một số vắcxin trong nước đạt tiêu chuẩn quốc tế, giá thành rẻ hơn nhập ngoại cung cấp cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng như: vắcxin Viêm gan B tái tổ hợp, vắcxin thương hàn Vi.
Đã hoàn thành nghiên cứu chế tạo 5 khuôn mẫu máy làm giàu oxy 5 lít/phút theo công nghệ Mỹ và Đức. Chế tạo hoàn chỉnh một mẫu hệ laser phục vụ cắt cơn nghiện ma tuý 4 đầu: có tác dụng nội tiết và tạo mocphin nội sinh, hệ Laser He-Ne 500mW và 1 hệ laser diot công suất cao bước sóng 662nm, theo công nghệ của Nga, phục vụ cho điều trị ung thư bằng cơ chế quang động học.
Nội dung 6: Nghiên cứu xây dựng quy trình ghép tạng trên người.
Đã xây dựng được qui trình ghép gan trên thực nghiệm (80 ca ghép gan trên lợn). Đề ra các chỉ định, tiêu chuẩn và xây dựng các qui trình ghép gan trên người, bao gồm qui trình tuyển chọn người cho gan nhận gan; quy trình ghép gan trên người (chuyển giao công nghệ của Nhật). Đã thực hiện thành công ca ghép gan trên người đầu tiên tại Học viện quân y theo công nghệ Nhật Bản, đánh dấu bước ngoặt khoa học kỹ thuật của ngành Y tế Việt nam. Giá 1 ca ghép tại Việt Nam: 1.600 triệu đồng, nước ngoài từ 100-150 nghìn USD/ca.
Nội dung 7: Nghiên cứu hiện đại hoá công nghệ bào chế và nâng cao chất lượng đối với thuốc tân dược và thuốc cổ truyền (dạng gel, fun, tác dụng chậm...)
Đã nghiên cứu tổng hợp thành công dẫn chất chứa Flo của artemisinin làm thuốc chữa sốt rét quy mô phòng thí nghiệm. Sản phẩm Trifluoro metylhydroartemisinin có hiệu lực cao và chống tái phát trong điều trị sốt rét (sau 60 ngày chưa thấy tái phát, các dẫn chất khác tái phát sau 28 ngày). Nếu được đưa vào sản xuất đại trà, kết quả sẽ đóng góp cho chương trình phòng chống sốt rét, đặc biệt là giải quyết được vấn đề kháng thuốc và chống tái phát.
Đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao để sản xuất các dạng bào chế mới ở Việt Nam, như: dạng gel, tác dụng chậm, phun ... Công nghệ sản xuất thuốc điều trị ung thư và miễn dịch, như Cisplatin, Cyclphosphamide, ASLEM cũng đã được ứng dụng thành công.
Nội dung 8: Nghiên cứu các giải pháp đồng bộ, khai thác và nâng cao hiệu quả nguồn tài nguyên dược liệu, vật nuôi phục vụ chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Qua đánh giá thực trạng nguồn tài nguyên dược liệu, quy hoạch và phát triển vùng trồng, đã xác định được Việt Nam có khoảng 4000 cây làm thuốc, nhưng nguồn nguyên liệu làm thuốc vẫn phải nhập khoảng 70% (do nhiều yếu tố: phá rừng, khai thác bừa bãi, khai thác nhưng không trồng, dược liệu Trung Quốc vào nhiều và có giá rẻ hơn, đầu ra khó khăn, cơ chế chính sách còn bất cập…). Đã quy hoạch và phát triển một số vùng trồng (khoảng 100 cây được nghiên cứu và phát triển vùng trồng) như lão quan thảo, cúc gai, actiso, chè dây (Sapa), ích mẫu, ngưu tất (Thanh Hoá), Tràm (Đồng bằng sông Cửu Long), Sâm K5 ( Kon Tum), dừa cạn (Nha Trang)...
Đã xây dựng được quy trình trồng và chế biến dược liệu sạch, một số đã được sử dụng nhiều và có nhu cầu nhân rộng.
Sản xuất được một số thuốc có dạng bào chế tân dược từ dược liệu: thuốc viên Ampelop từ chè dây để chữa bệnh dạ dày khá phổ biến ở người Việt Nam, thuốc tiêm Artesunat từ thanh hao vàng để chữa sốt rét, thuốc viên Rotudin từ củ bình vôi, Uphamorin từ cây nhàu hỗ trợ điều trị ung thư, Dermafix từ rau má, Gallicin từ tỏi tăng cường khả năng miễn dịch, Maduxin từ cây sến chữa bỏng, thuốc nhỏ mũi từ ngũ sắc.
Năm 2001 là năm bắt đầu của các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2001-2005. Ngày 24 tháng 5 năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 82/2001/QĐ-TTg phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN chủ yếu và Danh mục các chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2001-2005. Trong đó, nội dung nghiên cứu và nhiệm vụ cụ thể của mỗi chương trình như sau:
Các chương trình khoa học x ã hội và nhân văn(KHXHNV)
Nội dung nghiên cứu:
- Nghiên cứu vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn phát triển mới của Việt Nam nhằm xác định rõ con đường, bước đi và các giải pháp chính trị, kinh tế, pháp lý để thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân, vì dân, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Tổng kết thực tiễn quá trình đổi mới của đất nước, rút ra bài học kinh nghiệm cho quá trình xây dựng một Nhà nước pháp quyền do Đảng lãnh đạo.
- Dự báo xu hướng phát triển của thế giới trong những năm đầu của thế kỷ 21, những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội của toàn cầu hoá, những vấn đề lý luận và thực tiễn của việc xác định đường lối chiến lược của Việt Nam về các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.
- Nghiên cứu xác định bản chất và mô hình của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, các biện pháp đồng bộ trong tổ chức quản lý, các giải pháp tạo động lực và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
- Nghiên cứu toàn diện các vấn đề về văn hoá, dân tộc, tôn giáo. Tập trung tổng kết và phát triển các giá trị văn hoá dân tộc; nghiên cứu chính sách và các biện pháp bảo vệ và phát huy hệ thống các giá trị văn hoá.
- Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục, xác định các mục tiêu chiến lược và biện pháp phát triển toàn diện con người Việt Nam trong 20 năm đầu của thế kỷ 21.
- Nghiên cứu, biên soạn một số công trình khoa học lớn của quốc gia như bộ Thông sử Việt Nam; bộ Lịch sử văn hoá Việt Nam; tổng tập Văn học Việt Nam 10 thế kỷ; từ điển bách khoa.
Các nhiệm vụ:
·Kinh tế thị trường định hướng XHCN.
·Công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo định hướng XHCN - con đường và bước đi;
·Xây dựng Đảng trong điều kiện mới.
·Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân.
·Phát triển văn hoá, con người và nguồn nhân lực trong thời kỳ CNH, HĐH.
·Nghiên cứu về các loại hình chiến tranh kiểu mới.
·Nghiên cứu đảm bảo an ninh quốc gia.
·Những đặc điểm chủ yếu, những xu thế lớn của thế giới và khu vực trong hai thập niên đầu thế kỷ 21 - Tiền đồ cách mạng thế giới.
Các nhiệm vụ nghiên cứu trong lĩnh vực KHXHNV được cụ thể hóa bằng 8 Chương trình với 79 đề tài.
Các chương trình khoa học tự nhiên (KHTN)
Nội dung nghiên cứu:
- Nghiên cứu, đánh giá các nguồn tài nguyên phục vụ quy hoạch, khai thác, bảo vệ và sử dụng hợp lý từng loại tài nguyên ở từng khu vực;
- Nghiên cứu nâng cao khả năng dự báo khí tượng, thuỷ văn, dự báo thiên tai một cách có hệ thống;
- Điều tra cơ bản, tổng hợp cơ sở dữ liệu có hệ thống về các vùng biển của nước ta phục vụ cho việc đánh giá các tiềm năng biển; lập quy hoạch, xây dựng các phương án khai thác và phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia;
- Nghiên cứu, tiếp thu và ứng dụng có hiệu quả những thành tựu khoa học mới trên thế giới tạo cơ sở cho việc định hướng, làm chủ và sáng tạo công nghệ mới, phát triển các lĩnh vực công nghệ và góp phần tạo ra những tri thức khoa học mới.
Các nhiệm vụ:
Trong năm 2001, 7 Hội đồng chuyên ngành thuộc Hội đồng KHTN đã xét chọn 537 đề tài nghiên cứu cơ bản. Cụ thể như sau:
- Toán học: 43 đề tài.
- Cơ học: 43 đề tài.
- Tin học: 24 đề tài.
- Vật lý: 66 đề tài.
- Hóa học : 97 đề tài.
- Sinh học: 131 đề tài.
- Khoa học về Trái đất: 133 đề tài.
Các chương trình KH&CN
Nội dung nghiên cứu:
Công nghệ thông tin và truyền thông:
- Nghiên cứu tiếp thu các công nghệ tiên tiến để phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông, tin học đáp ứng nhu cầu phát triển của các ngành KT-XH, an ninh và quốc phòng, nâng cao năng lực KH&CN quốc gia trong lĩnh vực này.
- Nghiên cứu công nghệ và thiết kế, chế tạo các sản phẩm điện tử có chất lượng cao dùng trong viễn thông, điều khiển công nghiệp, y tế, nghiên cứu khoa học, các khí tài đặc biệt, các thiết bị xử lý thông tin và các thiết bị ngoại vi.
- Nghiên cứu triển khai thử nghiệm các công nghệ tiên tiến và áp dụng trong điều kiện Việt Nam đối với thu phát thanh và thu phát hình kỹ thuật số, Internet thế hệ 2, thông tin di động thế hệ 3, thương mại điện tử, phóng vệ tinh viễn thông VINASAT.
Công nghệ sinh học:
- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ gen, công nghệ tế bào, công nghệ phôi trong chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi (kể cả thuỷ sản); tiếp thu các kỹ thuật sinh học tiên tiến của thế giới.
- Nghiên cứu ứng dụng CNSH trong sản xuất các loại phân bón sinh học, các chế phẩm bảo vệ cây trồng, vật nuôi và xử lý ô nhiễm môi trường.
- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ vi sinh, công nghệ enzym phục vụ phát triển kỹ thuật bảo quản chế biến sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
- Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ gen trong chẩn đoán và điều trị bệnh, đổi mới công nghệ sản xuất vắc-xin, kháng sinh, bộ dụng cụ chẩn đoán (KIT) và chế phẩm y sinh học cho người, công nghệ gen trong giám định pháp y.
Công nghệ vật liệu mới:
- Nghiên cứu chế tạo các vật liệu cao cấp từ nguồn tài nguyên sẵn có ở Việt Nam.
- Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ chế tạo và gia công gang, thép đặc biệt và hợp kim nhôm.
- Hoàn thiện công nghệ sản xuất một số sản phẩm gốm, sứ, thuỷ tinh cao cấp.
- Nghiên cứu ứng dụng và gia công các vật liệu pôlyme cômpôzit thông thường, pôlyme nanô-compozit, các loại pôlyme tổ hợp.
- Nghiên cứu vật liệu và công nghệ bảo vệ chống ăn mòn.
- Nghiên cứu vật liệu quang điện và quang tử, vật liệu biến đổi năng lượng, vật liệu từ tính cao cấp, vật liệu cấu trúc nanô, vật liệu có tính năng đặc biệt phục vụ an ninh quốc phòng.
Công nghệ tự động hoá:
- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ hệ thống trợ giúp điều khiển và thiết kế (SCADA) chuyên sâu và diện rộng.
- Nghiên cứu thiết kế chế tạo các bộ phận và hệ thống điều khiển số bằng máy tính (CNC).
- Thiết kế chế tạo các thiết bị, hệ thống đo lường và xử lý thông tin tự động.
- Thiết kế chế tạo các rôbốt.
- Nghiên cứu thiết kế chế tạo một số linh kiện và cấu kiện tự động hoá thay cho nhập ngoại: các máy tính công nghiệp chuyên dụng (IPC), các bộ điều khiển lập trình (PLC) công nghiệp, các hệ phối ghép, các thẻ chuyên dụng, các cụm điều khiển theo thời gian thực (RTU), các phần tử thuỷ khí.
Công nghệ chế tạo máy:
- Nghiên cứu nắm vững và làm chủ các công nghệ cơ bản tiên tiến trong chế tạo máy.
- Nghiên cứu ứng dụng các thành quả của các công nghệ cao trong chế tạo máy.
- Nghiên cứu thiết kế chế tạo các máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế.
- Nghiên cứu các vấn đề về KH&CN về chẩn đoán tình trạng kỹ thuật của máy móc, thiết bị và hệ thống.
Lĩnh vực năng lượng:
- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, thích nghi và làm chủ công nghệ nhập trong thăm dò, đánh giá trữ năng, tiềm năng, trong khai thác, sàng tuyển, tận thu than vỉa mỏng và khí mỏ, chế biến than. Nghiên cứu áp dụng các giải pháp công nghệ khắc phục ô nhiễm môi trường trong khai thác, vận chuyển than.
- Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp KH&CN bảo đảm vận hành tối ưu, hợp lý hệ thống điện, tiết kiệm điện năng.
- Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ và vật liệu mới để sử dụng các dạng năng lượng mới. Chuẩn bị luận cứ khoa học, các điều kiện kỹ thuật và pháp lý để phát triển điện hạt nhân.
- Nghiên cứu hạn chế ảnh hưởng xấu của các công trình thuỷ điện đến môi trường.
- Nghiên cứu ảnh hưởng của bức xạ điện từ trường mạnh đến môi sinh.
- Nghiên cứu tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí ở các vùng nước sâu; nghiên cứu nâng cao hệ số thu hồi các mỏ dầu khí đang khai thác, nghiên cứu phát triển các mỏ dầu khí tới hạn (mỏ nhỏ); nghiên cứu khả năng sử dụng các nguồn khí có hàm lượng CO2 cao; nghiên cứu chuyển đổi nguồn năng lượng từ dầu sang khí.
Lĩnh vực xây dựng và giao thông:
- Nghiên cứu ứng dụng, tiếp thu và làm chủ các công nghệ nhập, kết hợp với cải tiến và hiện đại hoá công nghệ xây dựng cơ sở hạ tầng truyền thống.
- Làm chủ công nghệ xây dựng các công trình biển, công trình thuỷ điện, công trình ngầm dạng phức tạp, kể cả dạng tuyến để giải quyết giao thông đô thị: tàu điện ngầm, hệ côlêctơ, hầm vượt sông.
- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ vận tải tiên tiến, đặc biệt là vận tải đa phương thức, áp dụng CNTT, tự động hoá trong quản lý, điều hành, khai thác vận tải và trong một số công đoạn sản xuất vật liệu xây dựng.
- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất vật liệu có tính năng đặc biệt phục vụ xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng.
- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới trong thiết kế, thi công các công trình cơ sở hạ tầng như cầu, đường, sân bay, bến cảng và công nghệ sản xuất các phương tiện, công trình giao thông.
- Hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn để chủ động quản lý cơ sở hạ tầng, quản lý quy hoạch và phát triển kiến trúc tại các đô thị, kiểm soát chất lượng, giá thành hàng hoá và dịch vụ xây dựng, đảm bảo cạnh tranh quốc tế.
Lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp:
- Phấn đấu đưa đóng góp của KH&CN vào giá trị gia tăng của sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp đạt 30 - 40%.
- Tập trung nghiên cứu chọn, tạo giống cây trồng, vật nuôi (chú trọng giống đặc thù bản địa và ưu thế lai) có năng suất, chất lượng cao phù hợp với các vùng sinh thái phục vụ cho mục tiêu an ninh lương thực, thực phẩm và xuất khẩu.
- Nghiên cứu ứng dụng và phát triển các công nghệ tiên tiến trong canh tác nông lâm nghiệp, thuỷ lợi, nuôi trồng thuỷ hải sản, nhằm phát huy tối đa tiềm năng giống, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên nước.
- Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các loại máy móc, thiết bị và công nghệ trong cơ giới hoá, bảo quản và chế biến trong sản xuất nông lâm ngư nghiệp.
- Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ nhằm góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn.
Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng:
- Nghiên cứu nâng cao chất lượng sản xuất vắc-xin, chế phẩm sinh học, các trang thiết bị y tế và khai thác có hiệu quả nguồn dược liệu trong nước để sản xuất thuốc, đủ sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường.
- Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại và công nghệ thích hợp với từng tuyến phục vụ đa số cộng đồng trong cấp cứu, chẩn đoán, điều trị và y học dự phòng nhằm giảm tỷ lệ chết trong 24 giờ đầu, khống chế và ngăn chặn các bệnh dịch nguy hiểm.
- Tiếp thu chọn lọc các thành tựu KH&CN của thế giới nhằm kế thừa, phát huy, nâng cao và hiện đại hoá nền y học dân tộc, phấn đấu đưa trình độ y học dân tộc ngang tầm với một số nước phát triển trong khu vực.
- Nghiên cứu khắc phục ảnh hưởng của các hoá chất độc hại dùng trong công nghiệp và nông nghiệp, các chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
- Nghiên cứu các biện pháp bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Nghiên cứu, đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và y tế để thực hiện xã hội hoá y tế nhằm bảo đảm công bằng xã hội trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Các nhiệm vụ:
- Nghiên cứu khoa học và phát triển CNTT và truyền thông.
- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vật liệu mới.
- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tự động hoá.
- Nghiên cứu khoa học và phát triển CNSH.
- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chế tạo máy.
- Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm xuất khẩu và sản phẩm chủ lực.
- KH&CN phục vụ CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn.
- Bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai.
- Điều tra cơ bản và nghiên cứu ứng dụng công nghệ biển.
- KH&CN phục vụ chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.
Các nhiệm vụ nghiên cứu trên được cụ thể hóa thành 10 Chương trình mang mã số từ KC.01 đến KC.10.
Tuyển chọn tổ chức/cá nhân chủ trì thực hiện các đề tài/dự án thuộc các chương trình KH&CN
Thực hiện các Điều 19, 20 của Luật KH&CN, ngày 18/7/2001 Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCNMT) (nay là Bộ KH&CN) đã ra Quyết định số 42/2001/QĐ-BKHCNMT về việc ban hành Quy định tạm thời về phương thức làm việc của Hội đồng KH&CN tư vấn tuyển chọn tổ chức và cá nhân chủ trì thực hiện đề tài KH&CN cấp nhà nước giai đoạn 2001-2005 và sau đó đã ra quyết định thành lập các Hội đồng KH&CN tư vấn tuyển chọn tổ chức và cá nhân chủ trì thực hiện các đề tài KH&CN cấp nhà nước giai đoạn 2001-2005. Trong năm 2001, các Hội đồng nói trên đã xác định 181 đề tài của 10 chương trình KHCN trọng điểm cấp nhà nước và đã tuyển chọn được các tổ chức và cá nhân chủ trì thực hiện 163 đề tài.
Danh mục Chương trình, số lượng các đề tài/dự án của mỗi Chương trình đã tuyển chọn được tổ chức/cá nhân thực hiện như trong Bảng 10 dưới đây:
Bảng 10. Số lượng đề tài, dự án thuộc lĩnh vực KHTN thực hiện năm 2004
Lĩnh vực
|
Số lượng đề tài, dự án
|
Toán học
|
56
|
Cơ học
|
63
|
Tin học
|
42
|
Vật lý
|
71
|
Hóa học
|
170
|
Khoa học sự sống
|
238
|
Khoa học về Trái đất
|
219
|
Khoa học và công nghệ nano
|
21
|
Công nghệ sinh học
|
27
|
Cộng
|
907
|
Danh sách các tổ chức và cá nhân được tuyển chọn thực hiện các đề tài thuộc Chương trình trọng điểm cấp nhà nước về KH&CN (đợt 1).
Năm 2001, các đề tài thuộc 8 Chương trình trọng điểm cấp nhà nước về KHXHNV không áp dụng phương thức tuyển chọn, mà được xét giao trực tiếp.
Các nhiệm vụ cấp nhà nước khác
Ngoài các đề tài thuộc Chương trình trọng điểm cấp nhà nước, trong năm 2001 còn thực hiện các nhiệm vụ cấp nhà nước khác như:các đề tài độc lập cấp nhà nước, các dự án sản xuất thử nghiệm, các nhiệm vụ bảo tồn và lưu giữ nguồn gen động, thực vật, vi sinh vật và nông nghiệp và các nhiệm vụ đột xuất khác.
Các đề tài độc lập cấp nhà nước, các dự án sản xuất thử nghiệm và các nhiệm vụ đột xuất do các cấp có thẩm quyền giao tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, như: giống và kỹ thuật nâng cao giá trị gạo xuất khẩu; giống mía năng suất cao; bảo quản chế biến rau quả; thức ăn chăn nuôi; sinh thái rừng ngập mặn, rừng tràm; đường tràn cứu hộ đê; đê cửa sông ngăn mặn; phòng chống lũ các sông miền Trung; phát triển nghề cá xa bờ; sản xuất vắc-xin sởi, huyết tương; xã hội hóa y tế; sản xuất thuốc cai nghiện ma túy; xây dựng mô hình xử lý chất thải rắn bệnh viện; chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; quyết sách bảo vệ an ninh quốc gia v.v...
Các nhiệm vụ bảo tồn lưu giữ nguồn gen với sự tham gia của các địa phương và 7 bộ ngành trung ương tập trung vào các nhiệm vụ bảo tồn và lưu giữ tài nguyên như: tài nguyên di truyền tăng trưởng nông nghiệp; tài nguyên vi sinh vật trong nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, y học; tài nguyên dược liệu; nguồn gen thuỷ sản; nguồn gen lâm nghiệp. Đồng thời thực hiện việc xây dựng Cơ sở dữ liệu nguồn gen động thực vật, vi sinh vật Việt Nam.