ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN
KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2006
Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2006, cùng với nhiều thuận lợi rất cơ bản, những khó khăn thách thức cũng rất lớn, như thiên tai gây thiệt hại nặng nề ở nhiều vùng trong cả nước; dịch cúm gia cầm và nhiều dịch bệnh khác ở người, gia súc, cây trồng; những biến động bất thường về giá cả, nhất là giá xăng dầu và những rào cản mới trong thương mại quốc tế ... Bằng sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã khắc phục khó khăn trở ngại, đưa Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống, tình hình kinh tế, xã hội cả nước tiếp tục chuyển biến tích cực.
Qua tình hình và số liệu 9 tháng đầu năm, đã có đủ căn cứ để dự báo kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội đề ra trong Nghị quyết kỳ họp lần thứ 8 về nhiệm vụ cả năm 2006 như sau:
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả năm ước tăng 8,2% (kế hoạch là 8%). GDP bình quân đầu người đạt trên 11,5 triệu đồng, tương đương 720 USD (năm 2005 đạt trên 10 triệu đồng, tương đương 640 USD);
Giá trị tăng thêm của ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,4 - 3,5% (kế hoạch là 3,8%); ngành công nghiệp và xây dựng tăng 10,4 - 10,5% (kế hoạch là 10,2%); ngành dịch vụ tăng 8,2 - 8,3% (kế hoạch là 8%);
Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 20% (kế hoạch là 16,4%);
Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khoảng 41% GDP (kế hoạch là 38,6%);
Tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 7 - 7,5% (kế hoạch là thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế);
Tạo việc làm mới cho 1,6 triệu lao động (kế hoạch là 1,6 triệu);
Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới xuống còn 19% (kế hoạch là 20%);
Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm dưới 24% (kế hoạch là 24%);
Mức giảm tỷ lệ sinh 0,3%o (kế hoạch là 0,4%o);
Tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 258 nghìn tỷ đồng (dự toán là 237,9 nghìn tỷ đồng), tăng 19%; tổng chi ngân sách nhà nước đạt trên 315 nghìn tỷ đồng (dự toán là 294,4 nghìn tỷ đồng), tăng 20%; bội chi ngân sách nhà nước trong mức 5% GDP (dự toán là 5%);
Trong 8 chỉ tiêu còn lại, có 6 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, gồm chỉ tiêu về đào tạo nghề dài hạn, số lượng địa phương hoàn thành phổ cập trung học cơ sở, tuyển mới đại học cao đẳng, tỷ lệ che phủ rừng, cung cấp nước sạch cho đô thị và tỷ lệ xử lý số cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Còn 2 chỉ tiêu đạt thấp so với kế hoạch, là tuyển mới trung học chuyên nghiệp và tỷ lệ dân số ở nông thôn được cung cấp nước sạch[1].
Nhìn tổng quát, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt mức Quốc hội đề ra. Nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Các cân đối lớn được bảo đảm và ổn định được kinh tế vĩ mô. Các lĩnh vực về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hoá, thông tin, dạy nghề, y tế, thể dục thể thao và nhiều lĩnh vực xã hội khác cũng có chuyển biến tích cực.
Một số lĩnh vực đạt kết quả nổi bật, như tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội năm 2006 đạt khoảng 41% GDP, là mức cao nhất trong nhiều năm qua, trong đó nguồn vốn của doanh nghiệp dân doanh chiếm gần một phần ba; đây là một cố gắng rất lớn trong việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển và là yếu tố rất quyết định cho tăng trưởng GDP. Sản lượng lương thực vẫn đạt khoảng 40 triệu tấn, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời duy trì xuất khẩu gạo năm thứ 2 liên tiếp đạt trên 5 triệu tấn và đạt trên 1 tỷ USD trong năm 2006. Công nghiệp và xây dựng có nhịp độ tăng trưởng khá cao, nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều tăng khá so với cùng kỳ năm trước[1]; các công trình trọng điểm quốc gia và các dự án đầu tư nhóm A được tập trung chỉ đạo, cơ bản kiểm soát được tiến độ. Xuất khẩu hàng hoá tăng cả về số lượng, mặt hàng và tổng kim ngạch; thị trường xuất khẩu tiếp tục được mở rộng; nhập siêu giảm nhiều so với các năm trước. Lĩnh vực dịch vụ đạt mức tăng khá cao.
Công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước được tiến hành tích cực; năm 2006 cổ phần hóa 420 doanh nghiệp, đưa tổng số doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa lên 3.480, hầu hết là hoạt động có hiệu quả và đã có 81 doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán; các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước tiếp tục được kiện toàn, sản xuất kinh doanh đạt kết quả tốt hơn. Đã có hơn 41.000 doanh nghiệp dân doanh được thành lập và đăng ký kinh doanh, thu hút một nguồn lực lớn của xã hội vào sản xuất, kinh doanh. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài đạt kết quả khả quan, với tổng số vốn cấp phép mới và tăng thêm đạt khoảng 6,6 tỷ USD và số vốn thực hiện khoảng 3,7 tỷ USD, tăng trên 19% so với năm 2005.
Các hoạt động khoa học - công nghệ trọng điểm được đẩy mạnh. Cơ chế quản lý tiếp tục được đổi mới theo hướng nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học - công nghệ và thực hiện xã hội hoá nhằm huy động các nguồn lực cho công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ. Nhiều doanh nghiệp chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ và ứng dụng khoa học. Hình thức chợ và sàn giao dịch thiết bị công nghệ được tổ chức ở một số địa phương, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã có những kết quả thiết thực.
Việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông được triển khai tích cực. Công tác tổ chức thi tuyển ở các cấp có tiến bộ. Quy mô đào tạo bậc đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề tiếp tục tăng. Cơ sở vật chất nhà trường được củng cố, tăng cường; gần 90% địa phương đã hoàn thành chương trình kiên cố hoá trường, lớp, cải thiện điều kiện dạy và học, tạo diện mạo mới cho các cơ sở giáo dục. Các trung tâm học tập cộng đồng tiếp tục được mở rộng. Cuộc vận động chống tiêu cực trong ngành giáo dục đã có một số chuyển biến, được sự đồng thuận của xã hội.
Công tác xóa đói, giảm nghèo đạt được kết quả tốt hơn, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Các xã, các hộ sau khi thoát nghèo được chú ý hỗ trợ các điều kiện để phát triển sản xuất.
Sự chỉ đạo chủ động, quyết liệt, sâu sát của trung ương và các địa phương, cùng với sự nỗ lực của nhân dân, của các lực lượng và cơ quan chức năng, chúng ta đã khống chế, ngăn chặn được sự bùng phát, lan rộng của dịch cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng gia súc; đặc biệt đã hạn chế được tối đa sự tổn thất về người và tài sản trong cơn bão số 6, cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm qua. Trong thiên tai bão lũ đã có nhiều hành động, nhiều tấm gương tiêu biểu trong phòng chống và cứu trợ, đùm bọc lẫn nhau, cùng nhau vượt qua hoạn nạn, khó khăn.
Mức lương tối thiểu chung và lương hưu, trợ cấp xã hội đã được điều chỉnh tăng lên từ ngày 01 tháng 10 năm 2006, sớm hơn so với lộ trình cải cách tiền lương, đồng thời với việc thực hiện các biện pháp để kiểm soát và bình ổn giá cả.
Qua tổng kết giai đoạn I (2001 - 2005) thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính 2001 - 2010 cho thấy, tuy còn không ít bất cập, yếu kém của cán bộ, công chức và cơ quan công quyền, nhưng sau 5 năm thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính, hệ thống thể chế tiếp tục được hoàn thiện, bộ máy hành chính các cấp đã có bước chuyển biến, chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng lên. Việc đơn giản hoá, công khai hoá các quy trình, thủ tục hành chính đã tạo thuận lợi nhiều hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh. Đã tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Luật Phòng chống tham nhũng; ban hành và tổ chức thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về phòng chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Trung ương III của Đảng, trong đó tập trung vào việc rà soát sửa đổi, bổ sung và xây dựng đồng bộ hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, nhằm chủ động ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí; ban hành quy định về xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức khi để xảy ra tham nhũng và quy định cụ thể về chống lãng phí, thực hành tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách; chỉ đạo xử lý kiên quyết, công khai, đúng pháp luật các vụ việc tham nhũng, nhất là một số vụ việc tham nhũng lớn, gây bức xúc trong dư luận. Những hoạt động thiết thực của Đảng và Nhà nước từ sau Đại hội X đến nay đã tạo thêm lòng tin trong xã hội vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí và sự nghiêm minh của pháp luật
Quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được chỉ đạo tích cực hơn; tệ nạn xã hội và tội phạm hình sự tiếp tục được kiềm chế; kịp thời phát hiện và làm thất bại nhiều âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; chính trị xã hội ổn định, tạo môi trường thuận lợi hơn cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Công tác đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế đạt nhiều kết quả. Một số hoạt động đối ngoại quan trọng của Đảng, Nhà nước được triển khai và đã nâng thêm vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Sau 11 năm kiên trì đàm phán, chúng ta đã kết thúc đàm phán cả song phương và đa phương để gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) theo phương án đề ra. Đến nay đã hoàn thành cơ bản công tác chuẩn bị và thực hiện thành công nhiều hoạt động quan trọng để tiến đến tuần lễ Hội nghị cấp cao APEC, lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.
Những thành tựu đạt được trong năm 2006 bắt nguồn từ thế và lực của đất nước, được tạo ra qua những năm đổi mới, nhất là kết quả của 5 năm 2001 - 2005; sự nỗ lực và hoạt động có hiệu quả của cả hệ thống chính trị và những cố gắng phấn đấu vượt bậc để vượt qua thách thức khó khăn của các tầng lớp nhân dân, của cộng đồng các doanh nghiệp, đã tạo nên sức mạnh tổng hợp để phát triển đất nước.
(Trích nội dung: Báo cáo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XI - Ngày 17 tháng 10 năm 2006)