ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN
NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2007
Căn cứ Nghị quyết kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XI, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã có Nghị quyết về các giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2007[1]. Đến nay, nhờ sự nỗ lực phấn đấu, tranh thủ thời cơ và vượt qua khó khăn thách thức của cả hệ thống chính trị, của toàn dân và cộng đồng các doanh nghiệp, đất nước ta đã đạt được những thành tựu và tiến bộ mới trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Trên cơ sở tình hình 9 tháng đầu năm và dự báo khả năng phát triển của quý IV, có thể đánh giá rằng, các mục tiêu và nhiệm vụ do Quốc hội đề ra cho năm 2007 đã và đang được thực hiện khá thuận lợi, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu cả về kinh tế, xã hội và môi trường đều đạt và vượt kế hoạch đề ra[2].
Những kết quả chủ yếu
1. Trong năm 2007, nền kinh tế nước ta đạt mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm qua (8,5%), tạo khả năng hoàn thành nhiều chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 ngay trong năm 2008[3]. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực[4]. Ngành nông nghiệp tuy gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh nhưng vẫn vươn lên đạt được kế hoạch. Công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng khá cao và tăng thêm tỷ trọng công nghiệp chế biến. Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của GDP. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá cao (20,5%) trong năm đầu gia nhập WTO.
Các cân đối kinh tế vĩ mô cơ bản được bảo đảm. Tổng thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch đề ra, tỷ lệ huy động từ thuế và phí vào ngân sách nhà nước đạt 23,4% GDP. Cán cân thanh toán quốc tế có thặng dư khá, dự trữ ngoại tệ tăng từ gần 12 tuần nhập khẩu vào cuối năm 2006 lên gần 20 tuần nhập khẩu vào cuối năm 2007, đáp ứng được các nhu cầu về ngoại tệ và bình ổn thị trường ngoại hối. Nợ của Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia tiếp tục được duy trì ở mức an toàn[5].
Đầu tư phát triển của nền kinh tế tăng mạnh, nhiều công trình hạ tầng và cơ sở sản xuất được đưa vào sử dụng, tạo tiền đề quan trọng để phát triển đất nước trong các năm tiếp theo. Tổng số vốn đầu tư toàn xã hội năm 2007 ước đạt khoảng 464,5 nghìn tỷ đồng, bằng 40,6% GDP, tăng 16,4% so với năm 2006; trong đó, nguồn vốn của Nhà nước tăng 17,5%, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) tăng 12%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 17,1%, vốn đầu tư dân doanh tăng 19,5%. Thị trường chứng khoán phát triển khá nhanh, đang trở thành một kênh huy động vốn đầu tư dài hạn quan trọng trong nền kinh tế. Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp để bảo đảm cho thị trường tài chính[6] phát triển nhanh và bền vững.
2. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có những chuyển biến tiến bộ. Các chỉ tiêu về tuyển sinh, phổ cập giáo dục, tạo việc làm, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, cung cấp nước sạch đều đạt và vượt kế hoạch. Kết quả bước đầu của cuộc vận động chống tiêu cực trong ngành giáo dục đã được xã hội đồng tình. Hoạt động dạy nghề và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài được chú trọng hơn. Các chợ công nghệ - thiết bị và sàn giao dịch công nghệ được tổ chức ở một số nơi, thúc đẩy hình thành thị trường khoa học và công nghệ. Các hoạt động thông tin, báo chí, xuất bản và thông tin đối ngoại có bước tiến bộ. Đã xử lý quyết liệt để ngăn chặn dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng, dịch lợn tai xanh. Tăng cường kiểm soát thị trường dược và vệ sinh, an toàn thực phẩm. Thể thao Việt Nam đang hướng tới chuyên nghiệp, có tiến bộ và đạt được một số thành tích cao. Các cơ quan chức năng, lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị - xã hội và đồng bào ta đã có nhiều nỗ lực, với tinh thần trách nhiệm cao, giúp đỡ đùm bọc lẫn nhau trong phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai.
Công tác xoá đói giảm nghèo tiếp tục đạt được kết quả nổi bật. Các chương trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cho các vùng khó khăn và các chính sách trợ giúp trực tiếp về sản xuất và đời sống cho người nghèo được đẩy mạnh. Nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội được tăng thêm để triển khai nhiều chính sách tín dụng mới. Đến nay, có gần 4 triệu hộ nghèo và 1,7 triệu người có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với nguồn vốn thuộc 10 chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 18% năm 2006 xuống còn 14,7%[7] năm 2007.
3. Công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính tại những lĩnh vực có nhiều bức xúc trong xã hội như: đăng ký kinh doanh, chứng nhận đầu tư, thủ tục hải quan, thu thuế, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp; công chứng, chứng thực, hộ tịch hộ khẩu, chứng minh nhân dân, cấp giấy quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, đăng ký phương tiện giao thông... đã có những bước tiến mới, được nhân dân và doanh nghiệp đồng tình. Công tác rà soát và xây dựng thể chế được chú trọng hơn. Việc phân cấp cho cấp dưới được đẩy mạnh. Cơ chế "một cửa" được mở rộng thực hiện ở nhiều nơi. Bộ máy Chính phủ đã được sắp xếp lại theo đúng chủ trương giảm đầu mối, hình thành bộ quản lý đa ngành, nâng cao trách nhiệm, hiệu lực hiệu quả và bảo đảm liên tục nhiệm vụ.
4. Công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quan tâm và chỉ đạo kiên quyết. Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Các Bộ, ngành và địa phương đều có chương trình, kế hoạch hành động phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở Trung ương đã đi vào hoạt động, tập trung chỉ đạo ban hành hệ thống văn bản để thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đã đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra và điều tra, truy tố, xét xử các vụ tham nhũng theo đúng quy định của pháp luật [8].
5. Chính trị, xã hội tiếp tục ổn định. Nhân dân tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, yên tâm phấn khởi đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và đấu tranh phòng chống các loại tội phạm được tăng cường. Quốc phòng và an ninh được giữ vững.
6. Quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng, vị thế quốc tế của nước ta không ngừng được nâng cao. Sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Chính phủ đã triển khai chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế và mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới.
Ngày 16 tháng 10 năm 2007, Việt Nam đã được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009 với số phiếu tín nhiệm cao. Sự kiện này đánh dấu một mốc quan trọng trong tiến trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của đất nước ta, khẳng định sự đúng đắn của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế của Đảng và nhà nước ta, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là vinh dự lớn, thể hiện sự tin cậy của cộng đồng quốc tế; đồng thời đặt cho nước ta nhiệm vụ quan trọng là trực tiếp đóng góp cho hoà bình và an ninh của toàn thế giới.
Nhìn chung lại, trong năm 2007, đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng và tiến bộ mới trên nhiều lĩnh vực; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; tiềm lực quốc gia được tăng cường; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao; hiệu lực, hiệu quả và kinh nghiệm điều hành của Chính phủ và các cấp chính quyền được tăng thêm; sự năng động, sáng tạo và những đóng góp có ý nghĩa quyết định của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đã tạo nên thế và lực mới cho công cuộc phát triển đất nước; những kết quả đạt được đã tạo ra khả năng thực tế để phấn đấu hoàn thành sớm kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 mà Đại hội lần thứ X của Đảng và Quốc hội đã đề ra.
(Trích nội dung: Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XII - Ngày 22 tháng 10 năm 2007)