NỘI DUNG GÓP Ý
1. Điều 133. Xử lý tình huống trong đấu thầu
a. Một số kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại:
Luật Đấu thầu 2023 đã được Quốc hội thông qua, thật tiếc là “Điều 16. Các hành vi bị cấm trong đấu thầu” về cơ bản vẫn giữ nguyên quy định về cấm chuyển nhượng thầu (chuyển nhượng ngoài hạn mức đã quy định trong hợp đồng).
Thực thế triển khai dự án đã xẩy ra trường hợp (rất phổ biến): Sau khi thực hiện được một phần gói thầu, nhà thầu gặp khó khăn (thường là khó khăn về tài chính do trượt giá ...vv) dẫn đến gói thầu không thể hoàn thành theo tiến độ. Chủ đầu tư thường xử lý theo 02 phương án:
(1) Chỉ định nhà thầu phụ và thanh toán trực tiếp cho nhà thầu phụ được chỉ định: Phương án này nhanh chóng chọn được thêm nhà thầu phụ để khắc phục việc chậm tiến độ nhưng việc thanh toán cho nhà thầu phụ gặp khó khăn nếu nhà thầu chính không hợp tác (ký phụ lục hợp đồng về điều khoản thanh toán cho nhà thầu phụ, ...). Trường hợp do trượt giá (kéo dài thời gian thi công mà do lỗi của cả các bên) dẫn đến không có nhà thầu phụ nào nhận thi công theo đơn giá hợp đồng ban đầu, chủ đầu tư xử lý theo phương án 2.
(2) Báo cáo người quyết định đầu tư chấm dứt hợp đồng, phần khối lượng còn lại sẽ hình thành gói thầu mới và tổ chức đấu thầu: Phương án này mất nhiều thời gian, làm chậm tiến độ dự án, đa số các trường hợp đều làm tăng chi phí so với giá gói thầu ban đầu.
Trong khi đó, khoản 15 (khoản mở) Điều 117 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP cho phép chủ đầu tư xử lý tình huống đối với các trường hợp khác trên nguyên tắc “cạnh tranh – công bằng – minh bạch - hiệu quả kinh tế” nhưng chủ đầu tư không dám sử dụng quyền này vì sợ vi phạm quy định về chuyển nhượng thầu trong Luật Đấu thầu.
Trong dự thảo Nghị định lần này đã bổ sung khoản 16, 17 để quy định cụ thể xử lý tình huống nêu trên, quy định này rất phù hợp với thực tế, tuy nhiên việc dự thảo quy định chủ đầu tư phải báo cáo người có thẩm quyền cho phép chấm dứt hợp đồng (hoặc điều chuyển khối lượng giữa các thành viên liên danh) sẽ làm phát sinh thêm thời gian không cần thiết, không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành bởi lẽ theo quy định Luật Đấu thầu, người có thẩm quyền chỉ phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư có thẩm quyền phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.
b. Đề xuất cụ thể sửa đổi:
Đề nghị biên soạn lại các khoản 16, 17 Điều 133 của dự thảo Nghị định theo hướng sau:
16. Trường hợp nhà thầu thực hiện gói thầu vi phạm hợp đồng ....., chủ đầu tư có quyền chỉ định nhà thầu phụ hoặc thu hồi một phần khối lượng và chỉ định cho nhà thầu khác thực hiện theo đơn giá hợp đồng đã ký (không hình thành gói thầu mới), phần đơn giá tăng thêm (nếu có, nếu không có phần tăng thêm này thì nhà thầu mới không nhận thi công) chủ đầu tư sẽ trích từ bảo đảm thực hiện hợp đồng để thanh toán cho nhà thầu mới. Hành vi này của chủ đầu tư không bị coi là chuyển nhượng thầu.
Trường hợp không có nhà thầu nào nhận thi công theo đơn giá nêu trên chủ đầu tư báo cáo người có thẩm quyền cho phép chấm dứt hợp đồng, phần khối lượng còn lại sẽ hình thành gói thầu mới và chủ đầu tư tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Luật này, đồng thời đề xuất xử lý nhà thầu vi phạm hợp đồng.
17. Đối với nhà thầu liên danh, trường hợp có thành viên liên danh vi phạm hợp đồng (chậm tiến độ, ...), chủ đầu tư có quyền điều chuyển khối lượng giữa các thành viên liên danh để khắc phục vi phạm, .... Hành vi này của chủ đầu tư không bị con là chuyển nhượng thầu.
Nhà thầu vi phạm hợp đồng thì phải chấp nhận chịu phạt (mất tiền bảo đảm thực hiện hợp đồng). Trường hợp sau khi xử lý nhà thầu vi phạm theo phương án nêu trên mà tiến độ đã được khắc phục thì cũng không còn lý do để tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng của nhà thầu để nộp ngân sách, thay vào đó sử dụng khoản tiền này để bù trượt giá cho nhà thầu mới, đây là một giải pháp hợp lý (ngân sách không phải chi thêm tiền do lỗi nhà thầu).