Ngày 14/10/2022 Dự thảo 2 Nghị định quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản được công bố trên Cổng thông tin Điện tử Chính phủ, Đài PTTH Yên Bái là đối tượng trực tiếp chịu sự điều chỉnh của Nghị định. Sau khi nghiên cứu và tìm hiểu chúng tôi có một số ý kiến cụ thể như sau:
1.Về phạm vi điều chỉnh : Tại Điều 1 Chương I Dự thảo 2 Nghị định quy định “Nghị định này quy định về chế độ nhuận bút, thù lao đối với việc sáng tạo, khai thác, sử dụng tác phẩm báo chí (gồm báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử), xuất bản phẩm.”
Phạm vi điều chỉnh quy định như trên rất dễ dẫn đến việc hiểu sai về đặc thù của sản phẩm báo chí do việc đánh giá một tác phẩm báo chí như thế nào là sáng tạo hay không sáng tạo thì phải do hội đồng chuyên môn thẩm định và khi các cơ quan chức năng thẩm định có thể hiểu sai rằng nếu tác phẩm nào không có sự sáng tạo thì tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả… không được hưởng nhuận bút, thù lao . Do vậy đề nghị thay thế từ “sáng tạo” bằng từ “thực hiện” trong nội dung của phạm vi điều chỉnh của Nghị định
2.Về đối tượng áp dụng: Tại Điều 2 Chương I Dự thảo 2 Nghị định quy định “Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sáng tạo, khai thác, sử dụng tác phẩm bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm mà chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước.”
Đối tượng áp dụng Nghị định nên được cụ thể hóa hơn nữa tương tự như quy định tại Nghị định 18/2014/NĐ-CP và bỏ từ “sáng tạo” trong quy định do khái niệm “sáng tạo” sẽ làm khó cho đơn vị trực tiếp áp dụng.
Nếu mỗi một tác phẩm báo chí ra đời đều là “sáng tạo” của tác giả và những người có liên quan thì cần nêu rõ khái niệm “sáng tạo” trong phần giải thích từ ngữ hoặc nên thay thế toàn bộ từ “ sáng tạo” bằng từ “ thực hiện” trong Nghị định để tránh việc hiểu sai của đơn vị trực tiếp áp dụng Nghị định hoặc cơ quan có chức năng khi thanh kiểm tra.
3.Về nội dung của Nghị định:
3.1 Đối tượng hưởng thù lao:
Đối với thể loại báo in, báo điện tử tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 6 Chương II Dự thảo 2 Nghị định quy định: “2.Lãnh đạo cơ quan báo chí, biên tập viên và những người tham gia thực hiện các công việc có liên quan đến sáng tạo tác phẩm báo chí được trả thù lao; 3. Người sưu tầm tài liệu, cung cấp thông tin phục vụ cho việc sáng tạo tác phẩm báo chí được trả thù lao.”
Đối với thể loại báo nói, báo hình tại Khoản 4 Điều 8 chương III Dự thảo 2 Nghị định quy định : “4. Lãnh đạo cơ quan báo nói, báo hình, phát thanh viên, biên tập viên, diễn viên sân khấu, điện ảnh và các loại hình nghệ thuật khác, đạo diễn chương trình, người chỉ huy dàn dựng âm nhạc, người thiết kế ánh sáng, trợ lý nghệ thuật, đạo diễn và chuyên viên kỹ thuật âm thanh, quay phim kỹ xảo được trả thù lao.”
Đề nghị bổ sung Khoản 4 Điều 8 chương III Dự thảo 2 Nghị định thêm đối tượng hưởng thù lao cho thể loại báo nói và báo hình tương tự như thể loại báo in, báo điện tử như sau: “Những người tham gia thực hiện các công việc có liên quan đến tác phẩm báo chí được trả thù lao; 3. Người sưu tầm tài liệu, cung cấp thông tin phục vụ cho việc thực hiện tác phẩm báo chí được trả thù lao.”
Đây là một trong những hạn chế của nội dung Nghị định 18/2014/NĐ-CP quy định về đối tượng hưởng thù lao cho thể loại báo nói và báo hình. Cùng là cơ quan báo chí nhưng thể loại báo in và báo điện tử thì có quy định cho bộ phận có liên quan còn báo nói báo hình thì không có, vì vậy gây khó khăn cho các cơ quan báo chí trong cơ chế chi trả thù lao cho các đối tượng liên quan trong dây chuyền sản xuất tác phẩm phát thanh,truyền hình
Đặc thù của loại hình báo chí phát thanh, truyền hình là sản xuất tác phẩm chương trình theo ekip, dây chuyền. Rất nhiều thể loại chương trình, tác phẩm phát thanh truyền hình đòi hỏi các vị trí nhân lực khác nhau mới có thể tổ chức sản xuất được như : Tổ chức bối cảnh, chủ nhiệm phim, liên hệ phụ trách khách mời.... Vì vậy nên mở rộng đối tượng hưởng thù lao nhuận bút giống như báo in, báo điện tử được chi trả thù lao, nhuận bút cho những người tham gia thực hiện các công việc có liên quan đến tác phẩm báo chí.
3.2 Quy định về nhuận bút
Tại Khoản 2 Điều 9 Chương III Dự thảo 2 Nghị định quy định “Đối với cơ quan báo nói, báo hình tự bảo đảm chi phí hoạt động, việc trả nhuận bút, thù lao cao hơn mức bình quân chung do Tổng Giám đốc/Giám đốc quyết định căn cứ vào chất lượng, thể loại, nhưng không vượt quá định mức kinh tế - kỹ thuật do Nhà nước quy định”
Theo Điều 9 Chương I Nghị định 60/2021/NĐ-CP về phân loại mức tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công thì có 4 nhóm :
Nhóm 1: Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.
Nhóm 2: Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên.
Nhóm 3: Đơn vị sự nghiệp công bảo đảm một phần chi thường xuyên.
Nhóm 4: Đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
Như vậy theo Khoản 2 Điều 9 Chương III Dự thảo 2 Nghị định mới chỉ quy định cho đơn vị sự nghiệp công thuộc Nhóm 1 và Nhóm 2, còn chưa có nội dung quy định cho đơn vị thuộc Nhóm 3 và Nhóm 4.
Đề nghị thay thế cụm từ “bảo đảm chi phí hoạt động” bằng cụm từ “bảo đảm chi thường xuyên” cho thống nhất với khái niệm đơn vị Nhóm 1 và Nhóm 2 theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP.
Bên cạnh đó khái niệm về “ mức bình quân chung” tại Khoản 2 Điều 9 Chương III Dự thảo 2 Nghị định chưa được giải thích trong Điều 3 Chương I Dự thảo 2 Nghị định quy định về “Giải thích từ ngữ” và thực tế khi xây dựng quy định về định mức chi nhuận bút thù lao áp dụng tại đơn vị nếu đưa khái niệm “ mức bình quân chung” vào là không hợp lý. Hiện nay tùy thuộc vào nhiệm vụ được giao và tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, khả năng cân đối ngân sách nhà nước để cơ quan quản lý giao nhiệm vụ, đặt hàng dịch vụ sự nghiệp công cho cơ quan báo chí, do vậy thực tế là khi xây dựng đơn giá sản xuất chương trình trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật mà Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành thì việc tính đúng tính đủ các thành phần chi phí cấu thành trong đơn giá sản phẩm dịch vụ sự nghiệp công là không thống nhất trên cả nước. Do đó việc xây dựng quy định chi trả thù lao nhuận bút thực tế không nên dựa trên mức bình quân chung.
Do vậy đề nghị bỏ cụm từ “ mức bình quân chung” tại Khoản 2 Điều 9 Chương III Dự thảo 2 Nghị định.
Mặt khác tại Khoản 3 Điều 12 Chương II Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định “3. Chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý: a) Đối với các nội dung chi đã có định mức kinh tế - kỹ thuật, chế độ chi theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, căn cứ yêu cầu thực tế, mức giá thực tế trên thị trường địa bàn địa phương của đơn vị sự nghiệp công và khả năng tài chính, đơn vị được quyết định mức chi theo quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị và chịu trách nhiệm về đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ theo quy định Nhà nước;
b) Đối với các nội dung chi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, căn cứ tình hình thực tế, đơn vị xây dựng mức chi cho phù hợp với nguồn tài chính của đơn vị và phải quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ. Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.”
Trong khi đó tại Khoản 2 Điều 9 Chương III Dự thảo 2 Nghị định đều quy định về mức chi nhuận bút, thù lao là “Tổng Giám đốc/Giám đốc quyết định căn cứ vào chất lượng, thể loại, nhưng không vượt quá định mức kinh tế - kỹ thuật do Nhà nước quy định”. Nội dung này mâu thuẫn với Khoản 3 Điều 12 Chương II Nghị định 60/2021/NĐ-CP, không thể hiện được nội dung tự chủ tài chính mà Nghị định 60/2021/NĐ-CP muốn hướng tới cho các đơn vị nhóm 1 nhóm 2.
Một vấn đề thực tế là định mức kinh tế kỹ thuật được xây dựng dựa trên thực tế khảo sát mô hình tổ chức cũng như quy trình hoạt động của một số đơn vị, cơ quan báo chí tiêu biểu. Do đó nếu dùng định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở để xây dựng định mức chi nhuận bút thù lao cho tất cả các cơ quan báo chí là rất bất cập.
Ví dụ: Thể loại Bản tin truyền hình trong nước ghi hình phát sau:
Thời lượng: 30 phút
Tỷ lệ khai thác là 0%
Trị số định mức cho 1 phát thanh viên hạng III ( Theo Thông tư 03/2018/TT-BTTTT) : 0,21 công tương đương với Chi phí cho phát thanh viên (nhân công trực tiếp) quy đổi là : 61.442 đồng (Sáu mươi mốt nghìn, bốn trăm bốn mươi hai đồng ). Như vậy nội suy cho 1 công phát thanh viên hạng III là =292.580 đồng/công
Thực tế Phát thanh viên hàng III tại Đài PTTH Yên Bái hệ số lương : 4,98;(Lương theo hệ số tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/20224) ; hệ số khu vực là 0,2; lương hệ số thực nhận sẽ bằng = ( 4,98+0,2)x 1.490.000 đồng = 7.718.200 đồng ( Bẩy triệu, bẩy trăm mười tám nghìn, hai trăm đồng chẵn). Quy đổi về công ngày = 7.718.200 đồng/22 công= 350.827 đồng/công
Như vậy nếu quy định rằng “việc trả nhuận bút, thù lao cao hơn mức bình quân chung do Tổng Giám đốc/Giám đốc quyết định căn cứ vào chất lượng, thể loại, nhưng không vượt quá định mức kinh tế - kỹ thuật do Nhà nước quy định”thì cụ thể trường hợp phát thanh viên hàng III hệ số lương 4,98 Đài PTTH Yên Bái sẽ không thể chi trả đủ lương ngạch bậc theo hệ số cho viên chức của đơn vị mình chưa tính gì đến việc hưởng thù lao theo quy định.
Đề nghị bỏ nội dung quy định:| “không vượt quá định mức kinh tế - kỹ thuật” tại Khoản 2 Điều 9 Chương III Dự thảo 2 Nghị định để tránh vướng mắc cho cơ quan báo chí đang trực tiếp quản lý và chi trả lương hệ số, nhuận bút, thù lao cho cán bộ viên chức.
Để phù hợp với tinh thần thực hiện Nghị định 32/2019/NĐ-CP quy định về đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên đề nghị Ban soạn thảo Dự thảo 2 Nghị định quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản sửa nội dung tại Khoản 2 Điều 9 Chương III Dự thảo 2 Nghị định sửa thành “Đối với cơ quan báo nói, báo hình tự bảo đảm chi thường xuyên, việc trả nhuận bút, thù lao do Tổng Giám đốc/Giám đốc quyết định căn cứ vào số lượng, chất lượng, thể loại , tỷ lệ khai thác và tổng nguồn kinh phí tự chủ đảm bảo phù hợp với cơ cấu tổ chức và vị trí việc làm tại đơn vị”
3.3 Những quy định khác
Tại khoản 4 Điều 7 Chương II Dự thảo 2 Nghị định quy định với báo in, báo điện tử: “4. Những quy định khác:
a) Tác giả bản dịch từ tiếng nước ngoài, tiếng dân tộc thiểu số sang tiếng Việt hoặc ngược lại hưởng từ 40 - 65% nhuận bút của tác phẩm cùng thể loại tương ứng bằng tiếng Việt. Mức nhuận bút do Tổng biên tập quyết định.
b) Tác giả của tác phẩm dành cho thiếu nhi, dân tộc thiểu số hưởng thêm 10 - 20% nhuận bút của tác phẩm cùng thể loại. Mức nhuận bút do Tổng biên tập quyết định.
c) Tác giả là người Việt Nam viết trực tiếp bằng tiếng nước ngoài, người Kinh viết trực tiếp bằng tiếng dân tộc thiểu số, người dân tộc thiểu số viết trực tiếp bằng tiếng của dân tộc thiểu số khác hưởng thêm 30 - 50% nhuận bút của tác phẩm cùng thể loại. Mức nhuận bút do Tổng biên tập quyết định.
d) Tác giả của tác phẩm thực hiện trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm được hưởng thêm tối đa bằng mức nhuận bút của tác phẩm cùng thể loại.
đ) Đối với báo điện tử, nhuận bút, thù lao thông tin do độc giả cung cấp sẽ do Tổng biên tập quyết định, trừ những trường hợp có thỏa thuận khác.
e) Đối với các bài phỏng vấn, người phỏng vấn và người trả lời phỏng vấn được cơ quan báo chí trả nhuận bút theo quy chế của cơ quan báo chí.
g) Thù lao đối với người sưu tầm tài liệu, cung cấp thông tin phục vụ cho việc sáng tạo tác phẩm báo chí do Tổng biên tập quyết định dựa trên mức đóng góp vào việc sáng tạo tác phẩm”
Đề nghị bổ sung những quy định khác này tương tự cho Khoản 3 Điều 9 Chương III Dự thảo 2 Nghị định cho nhuận bút thù lao đối với tác phẩm báo nói, báo hình.
4. Một số ý kiến khác:
Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành văn bản hướng dẫn phương pháp xây dựng đơn giá sản xuất chương trình để thống nhất các thành phần chi phí cấu thành trong đơn giá giữa các đơn vị và các địa phương trên cả nước tránh tình trạng mỗi địa phương áp dụng phương pháp xây dựng đơn giá khác nhau.
Hiện nay Đơn giá sản xuất chương trình PTTH của Đài PTTH Yên Bái là đơn giá chưa được tính đúng tính đủ các thành phần chi phí, do điều kiện kinh phí của địa phương còn hạn hẹp nên khi xây dựng đơn giá sản xuất chương trình PTTH đã phải cắt giảm một số chi phí hợp lý và không có chênh lệch thu chi. Do vậy khi áp dụng đơn giá đặt hàng dịch vụ công với nguồn kinh phí chi thường xuyên để ký hợp đồng tuyên truyền với các cơ quan đơn vị thực hiện sản xuất các chương trình khác sử dụng ngân sách nhà nước thông qua các sở, ban, ngành, huyện, thị xã trong tỉnh (thông qua các hợp đồng sản xuất chương trình tuyên truyền trên sóng phát thanh, truyền hình) hầu hết đều là các chương trình có yêu cầu rất cao về chất lượng nội dung, phải sử dụng nhiều thiết bị kỹ thuật đặc thù (fly cam; steadicam; gimble; các thiết bị âm thanh, ánh sáng bổ trợ, thiết bị dựng kỹ xảo, đồ họa mô phỏng, vv...), nằm ngoài danh mục sản phẩm giao nhiệm vụ, đặt hàng hằng năm của tỉnh. Các chương trình này đều thực hiện theo nhu cầu của đơn vị hợp đồng tuyên truyền có yêu cầu cao về chất lượng nội dung, đặc biệt về kỹ thuật, đồ họa... cho nên khó áp dụng đơn giá không kết cấu đủ các thành phần chi phí, gây khó khăn cho việc gia tăng nguồn thu sự nghiệp của đơn vị.
Nghị định nên mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các sản phẩm thông tin có tính chất báo chí cho phù hợp với nhu cầu và xu thế tuyên truyền trên các nền tảng số hiện nay: Youtube; fanpage; OTT…
Trên đây là một số ý kiến đóng góp của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Yên Bái sau khi nghiên cứu Dự thảo 2 Nghị định quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản. Qua thực tế triển khai xây dựng đơn giá đặt hàng dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên đơn vị gặp một số vướng mắc và khó khăn trong quá trình thực hiện. Đài PTTH Yên Bái kính đề nghị Quý cơ quan tổng hợp ý kiến đóng góp tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị nói riêng và lĩnh vực báo chí xuất bản nói chung.
Xin trân trọng cảm ơn./.