ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI ĐẾN NĂM 2010
Phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ phải có tầm nhìn xa, toàn diện nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, hệ thống kết cấu hạ tầng để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ một cách có hiệu quả và bền vững; đi đầu trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, luôn giữ vai trò đầu tàu đối với cả vùng Bắc bộ và cả nước trong quá trình thúc đẩy, hỗ trợ các vùng khác, nhất là các vùng khó khăn, cùng phát triển. Đi đầu về hợp tác quốc tế, về thu hút đầu tư nước ngoài, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường.
Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ có tiềm năng lớn và đã được Chính phủ ban hành nhiều chủ trương có tầm chiến lược và có cả ý nghĩa chiến thuật để phát triển kinh tế xã hội của vùng. Nổi bật là chủ trương phát triển đô thị; cải tạo, nâng cấp các cảng biển, cải tạo sân bay, các tuyến quốc lộ huyết mạch; xây dựng các khu công nghiệp, phát triển công nghiệp điện tử, sản xuất xi măng và sản xuất thép.v.v.
1. Một số mục tiêu phát triển cơ bản.
1.1. Xây dựng vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ trở thành một trong những vùng kinh tế phát triển nhanh, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn so với các vùng khác trong cả nước.
1.2. Phấn đấu đưa tỷ trọng GDP của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ so với GDP cả nước đạt 18 - 19% vào năm 2010.
1.3.Tổng giá trị xuất khẩu tăng với nhịp độ khoảng 20% thời kỳ 2001 - 2010 và chiếm tỷ trọng khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước.
1.4. Giải quyết cơ bản việc làm cho những người trong độ tuổi lao động cần có việc làm. Tiến tới xoá bỏ hộ nghèo vào năm 2010.
1.5. Xây dựng xã hội văn minh, đảm bảo tốt các nhu cầu cung ứng điện, nước, đi lại, thông tin liên lạc cho nhân dân các đô thị hạt nhân và nâng mức sống của nhân dân khu vực nông thôn vượt mức trung bình cả nước, bảo vệ tốt và cải thiện môi trường sinh thái, giảm hẳn các tệ nạn xã hội.
1.6. Bảo đảm kỷ cương, trật tự an toàn xã hội và giữ vững an ninh quốc phòng.
2. Những nhiệm vụ phát triển chủ yếu.
(1) Về phát triển công nghiệp:
- Phấn đấu đạt nhịp độ tăng trưởng bình quân 16,5%/năm giai đoạn từ năm1995 đến năm 2010.
- Nhanh chóng phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật, công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường, tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt, một phần để thay thế hàng nhập khẩu và một phần để xuất khẩu. Đồng thời phát triển một số ngành công nghiệp chủ lực tạo nguyên vật liệu trên cơ sở tài nguyên và lợi thế của vùng.
- Song song với việc phát triển của ngành công nghiệp, yêu cầu tập trung, phát triển các ngành công nghiệp có khả năng bố trí phân tán nhằm giải quyết việc làm, phát triển những nhà máy có quy mô vừa và nhỏ với công nghệ tiên tiến, hiện đại.
- Xây dựng và phát triển các khu công nghiệp tập trung tại các khu vực ngoại vi thành phố lớn, dọc đường 18, đường 21 và đường 5.
- Những ngành công nghiệp trọng điểm cần được ưu tiên phát triển là: kỹ thuật điện, điện tử; sản xuất thiết bị máy móc; đóng và chữa tàu thuỷ; lắp ráp chế tạo ôtô, xe gắn máy; sản xuất vật liệu xây dựng, năng lượng, luyện cán thép; chế biến lương thực, thực phẩm; công nghiệp dệt, da, may.
(2) Về thương mại, dịch vụ, du lịch:
- Chuyển dịch cơ cấu các ngành thương mại, dịch vụ theo hướng ưu tiên phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ cảng, tài chính, ngân hàng, chuyển giao công nghệ. Phấn đấu nhịp độ tăng trưởng hàng năm các ngành dịch vụ đạt 13%/năm trong suốt thời kỳ đến năm 2010.
- Phát triển đa dạng và nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại hình du lịch, hình thành các tuyến du lịch hợp lý để thu hút khách, mở thêm các tuyến du lịch quốc tế nối Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long với các nước trên thế giới và trong khu vực. Xây dựng đồng bộ cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng, gắn khai thác với tôn tạo, duy trì, bảo dưỡng phát triển tài nguyên du lịch, truyền thống văn hoá dân tộc.
(3) Về nông, lâm nghiệp, thuỷ sản:
- Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp: đưa tỷ trọng chăn nuôi từ 36% năm 1997 tăng lên 45% vào năm 2010; phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của các thành phố lớn, các khu công nghiệp tập trung, tạo nguồn nguyên liệu cho chế biến sản phẩm cao cấp phục vụ cho xuất khẩu. Giữ vững nhịp độ tăng trưởng GDP trong nông nghiệp bình quân khoảng 4%/năm trong suốt thời kỳ đến năm 2010.
- Phát triển vùng rừng nguyên liệu gỗ trụ mỏ, vùng rừng ngập mặn ven biển. Phát triển trồng cây xanh trong các đô thị và các khu công nghiệp.
- Phát triển nuôi trồng thuỷ, hải sản nước ngọt, nước lợ. Phát triển đánh bắt hải sản xa bờ. Sớm hình thành một số trung tâm dịch vụ nghề cá vịnh Bắc bộ.
(4) Phát triển kết cấu hạ tầng:
- Kết hợp cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống cảng biển, sân bay, đường sắt, đường bộ, đường thuỷ theo quy hoạch cùng với hệ thống cầu có ý nghĩa quyết định với việc giao lưu hàng hoá, phát triển kinh tế của vùng. Hoàn chỉnh hệ thống giao thông công cộng ở các thành phố lớn.
- Nâng cấp, xây dựng mới mạng lưới điện tương ứng với nguồn điện, đáp ứng yêu cầu của sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân.
- Hiện đại hoá mạng lưới thông tin liên lạc. Mở rộng thông tin di động, mạng truyền số liệu, bưu chính, thông tin duyên hải, phủ sóng phát thanh, truyền hình toàn địa bàn.
- Cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống cấp nước ở các đô thị lớn, các khu công nghiệp tập trung, đảm bảo nhu cầu về nước sạch cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, cải thiện điều kiện ăn ở, sinh hoạt và vệ sinh môi trường đô thị và nông thôn.
(5) Phát triển các lĩnh vực văn hoá - y tế - xã hội:
- Phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả của hệ thống giáo dục và đào tạo để nâng cao dân trí, đáp ứng nguồn nhân lực cho nhu cầu công nghiệp hoá và hiện đại hoá của vùng và cả nước.
- Phát triển mạng lưới chăm sóc sức khoẻ ban đầu, khám chữa bệnh cho nhân dân, đầu tư nâng cấp các bệnh viện hiện có và nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
- Nghiên cứu triển khai áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại làm nền tảng và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng .
- Phát triển văn hoá, thông tin, thể dục thể thao, phát thanh, truyền hình đạt trình độ cao và hiện đại ngang tầm với các nước trong khu vực và xứng đáng với vai trò là nguồn động lực phát triển.
3. Đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh của vùng
(1) Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ có tiềm năng kinh tế - xã hội tương đối đa dạng, cho phép phát triển kinh tế theo hướng đa ngành.Vùng có vị trí, vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; là vùng có đủ điều kiện và lợi thế để phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp nặng, công nghiệp sử dụng công nghệ cao, phát triển khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, phát triển dịch vụ, du lịch.v.v.
Một trong những ưu thế nổi trội của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ so với các vùng khác trong cả nước là: vùng này có lực lượng lao động kỹ thuật, đặc biệt lao động có trình độ chuyên môn cao, có cán bộ đầu ngành của hầu hết mọi lĩnh vực, đã hình thành hệ thống đào tạo và nghiên cứu khoa học, trung tâm y tế trình độ cao, giữ vai trò quyết định trong việc đào tạo và chăm sóc sức khoẻ cho cả vùng và cả nước. Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ có số lao động có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học cao nhất so với các vùng khác, chiếm tới 32% cả nước. Đây là vùng tập trung đông nhất các cơ sở nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng, có các trang thiết bị hiện đại nhất cả nước.Trong tương lai ưu thế nổi trội này của vùng vẫn được củng cố và có chiều hướng phát triển. Đây rõ ràng là một tiềm năng, lợi thế lớn, nổi trội vào loại hàng đầu cần được phát huy tạo ra sự phát triển nhanh, mạnh, vững chắc của vùng này và lôi kéo các vùng khác trong cả nước phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá và chuẩn bị tiền đề phát triển nền kinh tế tri thức.
(2) Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ có vị trí địa chính trị, địa kinh tế rất đặc biệt: có Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước, là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; có các cửa ra biển lớn để phục vụ cho cả vùng Bắc bộ, cả phía Tây - Nam Trung Quốc, phía Bắc Lào, Thái Lan. Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ là đầu mối giao thương bằng cả đường biển, đường sắt và đường hàng không của cả vùng, cả nước với quốc tế. Ngoài các cụm cảng biển quan trọng nhất cả nước như các cảng lớn (Hải Phòng, Cái Lân), vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ còn có sân bay quốc tế Nội Bài, có các đường quốc lộ, đường sắt, đường sông toả đi các vùng khác trong cả nước và đi quốc tế.
Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ có mặt tiền hướng ra biển Đông, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng cả về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng cho cả vùng lớn và cả nước. Nguồn lợi thuỷ, hải sản của vùng tương đối lớn, có giá trị kinh tế cao.
(3) Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ là nôi của nền văn minh lúa nước, đã và đang hình thành hệ thống đô thị phát triển hơn hẳn so các vùng khác, tạo cục diện mới cho tổ chức không gian lãnh thổ, cho tăng trưởng và giao lưu giữa các vùng trong nước và quốc tế. Đặc biệt nơi đây có Hà Nội - Thủ đô và là trung tâm kinh tế, văn hoá, chính trị của cả nước; thành phố Hải Phòng mới được xếp vào đô thị loại I cấp quốc gia, ngoài ra còn có 2 thành phố thuộc tỉnh (cả nước có 20), 9 thị xã (cả nước có 62), 77 thị trấn (cả nước có 565). Tỷ lệ đô thị hoá của vùng đạt khoảng 27,4% (cả nước 24,8%). Nơi đây là khởi nguồn của văn minh đô thị của cả nước. Nhờ đô thị phát triển mạnh nên đã tạo ra sự phát triển chung cho cả vùng, tạo sức hút mạnh đối với các nhà đầu tư nước ngoài đến vùng và các vùng xung quanh.
(4) Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ cũng là cái nôi của ngành công nghiệp và đội ngũ công nhân của cả nước. Trên địa bàn vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ đã hình thành một số khu công nghiệp lớn và tiêu biểu của cả nước, tập trung đội ngũ công nhân công nghiệp tương đối đông, có trình độ và kỹ năng cao hơn hẳn nhiều vùng khác.
(5) Tuy không nhiều tài nguyên khoáng sản, song có một số khoáng sản quan trọng như than đá, trữ lượng chiếm 98%, than nâu, đá vôi làm xi măng trữ lượng hơn 20%, cao lanh làm sứ trữ lượng khoảng 40% so với cả nước… Việc khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản tạo tiền đề cho phát triển nền kinh tế vùng và cả nước, kéo theo hàng loạt các ngành công nghiệp và dịch vụ khác phát triển theo.
Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ có tiềm năng lớn về du lịch với các địa điểm du lịch nổi tiếng trong nước và quốc tế, như Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên của thế giới. Ngoài ra còn rất nhiều các bãi biển, danh thắng và hàng trăm di tích lịch sử, văn hoá, làng nghề truyền thống... tạo khả năng phát triển du lịch đặc sắc, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ có ưu thế nổi trội hơn so với các vùng khác về lợi thế khí hậu á nhiệt đới đặc thù có mùa đông lạnh để phát triển các vùng rau, hoa quả, chăn nuôi (diện tích đất nông nghiệp của vùng hiện có khoảng 585 nghìn ha), nhất là các vùng xung quanh các đô thị, các thành phố lớn, các khu công nghiệp tạo ra giá trị lớn trên một đơn vị diện tích.
Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ có dải đất chuyển tiếp giữa Miền núi Trung du Bắc bộ với Đồng bằng sông Hồng thuận thiện cho phân bố các khu công nghiệp, các đô thị mà không ảnh hưởng nhiều đến quỹ đất nông nghiệp.
(6) Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ là vùng có tiềm năng về rừng và kinh tế rừng, đặc biệt là rừng có nhiều gỗ quý như: lim, lát, muồng và nhiều loại chim thú lạ như: trăn gấm, trăn gió, đại bàng đất, v.v.