MỘT SỐ NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
1. Một số nhiệm vụ chủ yếu
Để góp phần tăng trưởng cho nền kinh tế nước ta nói chung và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ nói riêng. Nhiệm vụ đặt ra là phải tiếp tục tăng tốc độ và chất lượng tăng trưởng nhằm tăng hiệu quả kinh tế - xã hội, giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc, cải thiện đáng kể đời sống của nhân dân.
(1) Tiếp tục phát huy vị trí, vai trò động lực của vùng đối với khu vực Bắc bộ và cả nước. Để cả nước có tốc độ tăng GDP khoảng trên 8%/năm vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ cần phấn đấu đạt mức tăng trưởng khoảng 11%/năm (gấp khoảng 1,4 lần mức tăng chung của cả nước).
(2) Chuyển dịch nhanh cơ cấu theo hướng công nghiệp hoá gắn với hiện đại hoá, để từ năm 2005, tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt 43% trở lên, ngành dịch vụ đạt mức từ 48 - 49%. Tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực phi nông nghiệp tăng từ 44% năm 2000 lên 57% năm 2005 và tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.
Các nhiệm vụ cụ thể là: Đóng góp cho cả nước khoảng 20% về GDP; trên 20 % về thu ngân sách. Nếu theo dự kiến của các tỉnh, tốc độ tăng GDP của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ đạt khoảng 10,3% trong giai đoạn 2001 - 2005, nhưng theo ước tính trong giai đoạn 2001 - 2003 tốc độ tăng trưởng chỉ khoảng 9% (bằng 83% so mức dự kiến). Vì vậy để hoàn thành được chỉ tiêu tăng trưởng, hai năm (2004 - 2005) ít nhất vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ phải có tốc độ tăng GDP trên 10%/năm để tạo tiền đề cho tăng trưởng GDP cho các năm tiếp theo.
2. Phương hướng mới có tính chất đột phá
- Tập trung vào hiện đại hoá: Phát triển các ngành kỹ thuật cao, dịch vụ chất lượng cao như: Công nghiệp phần mềm, thiết bị tin học, tự động hoá và các sản phẩm nghiên cứu khoa học thành ngành công nghiệp mũi nhọn; sản xuất các thiết bị tự động hoá, rô bốt; phát triển các ngành công nghiệp cơ khí chế tạo.
- Khẩn trương xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp bổ trợ (hỗ trợ) mà vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ có lợi thế cạnh tranh để tăng giá trị gia tăng của sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, đảm bảo thắng lợi trong hội nhập và hiệu quả: các ngành cơ khí chế tạo thiết bị và phù tùng như các thiết bị cho sản xuất ô tô, xe máy, sản xuất thiết bị điện và linh kiện điện tử, sản xuất động cơ nổ, động cơ điện
- Xây dựng mới khu kinh tế tổng hợp Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh.
- Xây dựng trung tâm đào tạo chất lượng cao cho cả vùng đặt tại Hà Tây (ở đây có khu công nghệ cao, gần Hà Nội - trung tâm đào tạo lớn của cả nước).
- Xây dựng trung tâm đào tạo chất lượng cao và nghiên cứu xây dựng trường đại học đa ngành chất lượng cao đặt tại Hưng Yên.
- Nghiên cứu xây dựng trung tâm đào tạo nghề trình độ cao cho cả vùng đặt tại Vĩnh Phúc.
- Xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu cho cả vùng dự kiến đặt tại Hà Tây và Hải Dương.
- Phát triển mới các tuyến đường cao tốc: Hà Nội - Hải Phòng (theo hướng đường 5 lệch về Nam Đồng bằng sông Hồng);
- Xây dựng mới tuyến đường sắt từ Yên Viên - Phả Lại; Hạ Long - Cái Lân; đường sắt nối cảng Hải Phòng ra Đình Vũ.
- Xây dựng đường xe điện ngầm, đường sắt nội đô Hà Nội và nối đường sắt Hà Nội - Hoà Lạc cũng như các tuyến đường sắt nối cảng biển với các kho trung chuyển.
- Xây dựng tổng kho trung chuyển ở Hải Dương để tập kết hàng hoá từ các cảng biển rồi giải phóng đi các nơi cho thuận tiện, nhanh chóng và thông suốt vì đây là nơi có khả năng tập trung đầu mối giao thông bộ, sắt, thuỷ phù hợp với trung chuyển hàng hoá đi các nơi trong vùng.
3. Định hướng điều chỉnh quy hoạch
3.1. Chuyển dịch nhanh hơn cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá tạo ra các sản phẩm mũi nhọn, gắn với thị trường và tăng sức cạnh tranh.
3.1.1. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung
Đến năm 2010 ngành công nghiệp và dịch vụ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ sẽ tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GDP của vùng, từ khoảng 89% năm 2002 lên 94 - 95% năm 2010 (công nghiệp khoảng 44 - 45%, dịch vụ khoảng 50 - 51%) và 96 - 97% vào năm 2020 (công nghiệp khoảng 46-47%, dịch vụ 50 - 51%). Tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực phi nông nghiệp tăng từ 44% năm 2000 lên 57% năm 2005 và 65% năm 2010.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng số việc làm có năng suất cao, tiêu hao ít năng lượng hơn, sử dụng đất có hiệu quả hơn... trên cơ sở phát triển các ngành công nghệ cao và sản xuất các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao. Lao động làm việc trong các ngành sản xuất sản phẩm xuất khẩu chiếm trên 10% lao động xã hội.
3.1.2. Về cơ cấu sản phẩm chủ lực và lĩnh vực ưu tiên
Cơ cấu sản phẩm chủ lực là các sản phẩm có sức cạnh tranh, có quy mô giá trị lớn, chứa hàm lượng chất xám cao như kỹ thuật phần mềm, phần cứng, kỹ thuật điện, điện tử, sản xuất thiết bị máy móc, đóng và sửa chữa tàu thuỷ, sản xuất thép (các sản phẩm thép hợp kim, thép tấm, thép lá, thép chế tạo), than, xi măng, vật liệu xây dựng cao cấp, chế biến lương thực, thực phẩm, dệt, da, may… Đồng thời phát huy thế mạnh của vùng phát triển mạnh công nghiệp bổ trợ nhằm nâng cao giá trị các sản phẩm; phát triển sản phẩm mới đi ngay vào công nghệ hiện đại đi đôi với bảo vệ môi trường; phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ sản.
Chuyển dịch dần công nghiệp lên dọc tuyến hành lang đường 18 tại những khu vực gò đồi, đất xấu để giảm sử dụng đất tốt dành cho sản xuất nông nghiệp và tránh sự tập trung công nghiệp quá mức vào các đô thị, khu dân cư ở vùng đồng bằng. Tuy nhiên, cũng cần tính đến phát triển công nghiệp sạch ở các tỉnh trong vùng đủ đảm bảo cơ cấu kinh tế.
Về nông nghiệp, cơ cấu sản phẩm chủ lực là các sản phẩm đặc sản có quy mô giá trị lớn trên một đơn vị diện tích, có sức cạnh tranh như rau, hoa quả, cây cảnh, thuỷ hải sản…
Về dịch vụ, cơ cấu sản phẩm chủ lực và lĩnh vực ưu tiên là các loại dịch vụ cao cấp, các dịch vụ có chất lượng cao; đặc biệt là dịch vụ thương mại, tài chính, ngân hàng, du lịch, dịch vụ công nghệ, viễn thông, vận tải cả trong nước và quốc tế, thị trường bất động sản, thị trường vốn, thị trường chứng khoán…
3.1.3. Phương hướng phát triển ngành và lĩnh vực chủ đạo
a/ Đối với công nghiệp:
Coi trọng phát triển các ngành công nghiệp sử dụng lao động có trình độ cao, các sản phẩm có sức cạnh tranh để xuất khẩu. Đồng thời phát triển thế mạnh công nghiệp phụ trợ, phát triển sản phẩm mới đi ngay vào công nghệ hiện đại đi đôi với bảo vệ môi trường. Trước hết ưu tiên phát triển công nghệ phần mềm, thiết bị tin học, tự động hoá; vật liệu từ tính cao cấp, vật liệu kỹ thuật cao (cách nhiệt, chịu mài mòn), sứ polyme cách điện, polyme dẫn điện, vật liệu mới, vật liệu composit, polyme tổng hợp...; sản xuất thép (các sản phẩm thép hợp kim, thép tấm, thép lá, thép chế tạo).
Tiếp tục cải tạo, nâng cấp công nghiệp cơ khí chế tạo (máy công cụ, máy xây dựng, động cơ, sản phẩm điện lạnh, máy bơm nước, sản phẩm cơ khí chế tạo vật liệu và thiết bị điện); cơ khí đóng và sửa chữa phương tiện vận tải (công nghiệp đóng và sửa chữa tàu thuyền, tàu, toa tàu hoả hiện đại, xe ô tô chở khách chất lượng cao, sản xuất thiết bị bốc dỡ hàng hoá có sức nâng lớn), thiết bị chế biến nông, thuỷ sản...; công nghiệp sản xuất vật liệu xi măng; sản phẩm gốm sứ các loại; vật liệu nội thất và vật liệu lợp; công nghiệp chế biến nông lâm, thuỷ sản; công nghiệp dược phẩm, công nghiệp may mặc, dệt và da, giầy.
Đồng thời quan tâm đến phát triển tiểu thủ công nghiệp, nhất là làng nghề truyền thống và làng có nghề, coi đây là thế mạnh đặc thù của vùng cần phát huy.
b/ Đối với dịch vụ:
Tập trung phát triển ngành dịch vụ chất lượng cao và toàn diện, đặc biệt là dịch vụ tài chính ngân hàng, thương mại, du lịch, dịch vụ công nghệ, viễn thông, vận tải hàng hải, phát triển thị trường bất động sản, thị trường vốn, thị trường chứng khoán; phát huy có hiệu quả các tổ chức tài chính.
Xây dựng ở vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ trung tâm khoa học công nghệ có tầm cỡ quốc gia, khu vực và quốc tế, chuyển giao công nghệ,…
Tiếp tục thúc đẩy vai trò trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh để đảm nhận chức năng dịch vụ thương mại và trung tâm du lịch của cả khu vực phía Bắc và cả nước. Phát triển mạnh du lịch gắn liền với việc bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hoá, khu bảo tồn thiên nhiên. Chú trọng phát triển tuyến du lịch trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long; Hà Nội - Sa Pa; Hà Nội - Sầm Sơn - Cửa Lò; Hà Nội - Tam Đảo (Vĩnh Phúc); du lịch sông Hồng: Hà Nội và các khu vực phụ cận. Đồng thời chú ý phát triển các tuyến du lịch nội vùng, liên vùng và quốc tế. Tập trung đầu tư phát triển vào khu du lịch tổng hợp quốc gia và khu du lịch chuyên đề như: Khu du lịch tổng hợp biển đảo Hạ Long - Cát Bà - Vân Đồn, khu du lịch văn hoá - lịch sử Cổ Loa, Khu du lịch văn hoá, môi trường Hương Sơn, Khu du lịch sinh thái Ba Vì, Suối Hai làm hạt nhân phát triển du lịch cho cả vùng. Gắn du lịch giữa các tỉnh, thành phố trong vùng với các vùng khác trong nước. Nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hoá các loại hình du lịch.
c / Đối với nông, lâm, thuỷ sản:
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản và chế biến sau thu hoạch.
Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá có năng suất chất lượng cao tạo nhiều giá trị trên mỗi ha đất nông nghiệp. Hình thành các vùng sản xuất hàng hoá quanh các đô thị. Đặc biệt chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, gắn phát triển nông nghiệp với việc xây dựng nông thôn mới trên cơ sở phát triển công nghiệp chế biến và phát triển kinh tế trang trại hộ gia đình.
Phát triển rừng nguyên liệu, đặc biệt rừng nguyên liệu gỗ trụ mỏ, vùng rừng ngập mặn ven biển. Hướng vào khai thác có hiệu quả vùng đồi, hình thành các khu rừng ven biển, bảo tồn danh lam thắng cảnh và các vườn rừng quốc gia. Phát triển mạnh cây xanh trong các đô thị, trong các khu công nghiệp.
Kết hợp kinh tế biển và ven bờ theo hướng phát triển cả đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thuỷ hải sản và trồng rừng ven biển. Xây dựng Hải Phòng, Quảng Ninh thành trung tâm dịch vụ, chế biến xuất khẩu thuỷ sản của cả miền Bắc.
d/ Đối với lĩnh vực văn hoá-xã hội:
- Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững theo mô hình gia đình ít con, gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống.
- Xây dựng môi trường kinh tế - xã hội - tự nhiên an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em.
- Phát huy giá trị kinh tế của các hoạt động văn hoá truyền thống và đưa các hoạt động này vào nề nếp.
- Giữ vững trật tự an toàn xã hội, xây dựng tâm lý tăng trưởng trong toàn xã hội; giảm thiểu các tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông.
- Xây dựng các trung tâm hoạt động văn hoá. Nâng cao chất lượng các chương trình phát sóng phát thanh, truyền hình. Đầu tư xây dựng mới tháp truyền hình Trung ương.
e/ Đối với kết cấu hạ tầng có ý nghĩa then chốt:
(1) Tiếp tục phát triển đồng bộ và hiện đại hoá hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường sông và đường hàng không; đặc biệt là hệ thống giao thông Thủ đô Hà Nội:
- Phát triển mới các tuyến đường cao tốc: Hà Nội - Hạ Long; Hà Nội - Ninh Bình; Hà Nội - Hoà Lạc; Hà Nội - Việt Trì, Hà Nội - Thái Nguyên. Hoàn thành việc xây dựng và nâng cấp đường vành đai III Hà Nội và cầu Thanh Trì, quốc lộ 5, 10, 18, 21, 21B, 39, cầu Yên Lệch, đoạn đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Hà Tây… Triển khai xây dựng vành đai IV Hà Nội và xây dựng mới các cầu qua sông Hồng khu vực Hà Nội như Thượng Cát, Nhật Tân, Long Biên (đường sắt), Mễ Sở… Tiếp tục nâng cấp một số trục đường nối từ các tuyến cao tốc, các thành phố, thị xã ra các cảng, cửa khẩu biên giới, các khu công nghiệp.
Tiếp tục đầu tư cải tạo luồng vào cảng Hải Phòng để cho tàu 10.000 DWT ra vào được; xây dựng một số bến mới tại cảng Hải Phòng để tiếp nhận hàng Container. Đẩy nhanh xây dựng cảng Cái Lân, đầu tư trang thiết bị bốc xếp đến năm 2010 đạt năng lực thông qua 6,5 - 8 triệu tấn/năm (7 bến), có thể tiếp nhận tầu 30.000 - 50.000 DWT. Cải tạo, nâng cấp cụm cảng chuyên dùng khu vực Quảng Ninh như Cửa Ông, Mũi Chùa, Vạn Gia, cảng du lịch Hòn Gai, cảng chuyển tải Hòn Nét, Con Ong,...đạt tổng công suất 6-7 triệu tấn/năm. Chuyển cảng than Hòn Gai về phía Nam Cầu Trắng.
- Cải tạo sông Hồng, bao gồm cả việc cải tạo cửa lạch Giang và cửa Đáy, xây dựng cảng Container tại Phù Đổng - Gia Lâm, cảng Khuyến Lương - Hà Nội, cải tạo nâng cấp tuyến đường sông Quảng Ninh - Hải Phòng - Ninh Bình và một số cảng sông, biển.
- Xây dựng sân bay quốc tế tại Miếu Môn (Hà Tây). Mở rộng quy mô công suất sân bay Nội Bài từ 4 - 6 triệu hành khách/năm hiện nay lên10 - 12 triệu hành khách/năm 2010. Nâng cấp và hiện đại hoá sân bay Cát Bi; xây dựng mới sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh).
Hiện đại hoá, nâng cấp đường sắt hiện có, trước tiên là tuyến Hà Nội - Hải Phòng.
(2) Hoàn chỉnh và hiện đại hoá mạng lưới chuyển tải điện trên phạm vi toàn vùng.
(3) Hiện đại hoá mạng lưới viễn thông
(4) Hoàn chỉnh hệ thống cấp, thoát nước:
- Xây dựng hệ thống cấp nước đáp ứng nhu cầu cho Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long và các khu du lịch, khu công nghiệp, các đô thị mới, khu kinh tế tổng hợp Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh).
- Cải tạo hệ thống thoát nước, xử lý nước thải, giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng tại các đô thị, đặc biệt là Hà Nội.
(5) Xây dựng các công trình bảo vệ môi trường:
- Khi xây dựng các nhà máy, các khu công nghiệp phải xây dựng đồng thời các công trình xử lý chất thải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.
- Xây dựng các khu vực chứa chất thải, các nhà máy xử lý chất thải cho các đô thị.
3.1.4. Phát triển hệ thống đô thị, khu kinh tế tổng hợp và khu công nghiệp tập trung
Phát triển hệ thống đô thị, khu kinh tế tổng hợp:
- Tỷ lệ đô thị hoá của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ đạt khoảng 51 - 52% vào năm 2010 và khoảng 65 % vào năm 2020.
- Phát triển các đô thị vệ tinh xung quanh các thành phố lớn gắn với các khu công nghiệp và từ đó hình thành các chùm đô thị có quy mô lớn.
- Hình thành các đô thị mới dọc theo trục đường 18 gắn với phát triển khu công nghiệp tập trung.
Đối với Hà Nội:Phát triển xứng đáng là trung tâm chính trị, văn hoá, khoa học kỹ thuật có tầm quốc gia và quốc tế. Tiếp tục thực hiện tốt Nghị Quyết 15-NQ-TƯ ngày 15 tháng 12 năm 2000 của Bộ Chính trị, Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội số 29/2000/PL-UBTVQH10 để làm cho Hà Nội đạt trình độ hiện đại; tập trung đầu tư chiều sâu nội thành. Đưa bớt công nghiệp ra xa nội thành gắn với việc hình thành các khu đô thị vệ tinh, khu đô thị mới như các khu Bắc Thăng Long, Nam Thăng Long, Bồ Đề (Gia Lâm), Yên Viên, Linh Đàm.... Đến năm 2010 có số dân nội thành khoảng 2,5 triệu người gắn kết với các đô thị tiếp giáp như Hoà Lạc, Xuân Mai, Hà Đông, Sơn Tây, thị xã Hưng Yên và Phố Nối, Vĩnh Yên, Bắc Ninh, Phủ Lý tạo thành chùm đô thị hạt nhân.
Đối với Hải Phòng: Thực hiện tốt nghị quyết số 32-NQ/TW của Bộ Chính trị ra ngày 05/08/2003 về xây dựng và phát triển Thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Quy mô dân số nội thị vào năm 2010 có thể lên đến 75 - 90 vạn người. Xây dựng đô thị mới phía Bắc Hải Phòng (thuộc huyện Thuỷ Nguyên).
Thời gian tới phát triển mạnh kết cấu hạ tầng, công nghiệp và dịch vụ để có thể phát huy chức năng của đô thị loại 1 đối với toàn vùng.
Đối với Hạ Long: quy mô dân số nội thị đến năm 2010 tăng lên khoảng 39-40 vạn người; Phát triển mở rộng chủ yếu về phía Hòn Gai - Cẩm Phả. Thời gian tới phát triển mạnh kết cấu hạ tầng, dịch vụ, du lịch và công nghiệp để phát huy chức năng đô thị loại 2 đối với cả tỉnh Quảng Ninh và với toàn vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.
Đối với các thành phố, thị xã khác: với quy mô dân số khoảng 15 - 20 vạn người và là đô thị tỉnh lỵ, trung tâm kinh tế, văn hoá và chính trị của từng tỉnh hay các thị xã là các trung tâm kinh tế của một khu vực cũng sẽ được phát triển gắn với hệ thống đô thị chung của cả vùng. Đồng thời dọc theo các trục quốc lộ và tại các vùng sản xuất hàng hoá tập trung đông dân, các thị trấn, thị tứ cũng sẽ được nâng cấp và hình thành thêm.
3.1.5. Phát triển các khu công nghiệp tập trung, khu công nghệ cao
- Đẩy nhanh việc xây dựng theo quy hoạch và đưa vào hoạt động khu công nghệ cao Hoà Lạc.
- Trước mắt tập trung sức tạo mặt bằng thuận lợi thu hút đầu tư để lấp đầy các khu công nghiệp hiện có. Chuẩn bị điều kiện để phát triển một số khu công nghiệp hoặc điểm công nghiệp dọc trục quốc lộ 18 với các ngành chủ yếu là công nghiệp nặng; công nghiệp chế biến nông, thuỷ sản; công nghiệp thực phẩm; công nghiệp hàng tiêu dùng.
- Các tỉnh, thành phố chú trọng xây dựng và phát triển các khu công nghiệp nhỏ, vừa, các làng nghề truyền thống ở khu vực nông thôn nhưng phải bảo vệ môi trường.
3.1.6. Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao.
- Sắp xếp lại hệ thống các cơ sở đào tạo (đại học, cao đẳng và dạy nghề) ở Hà Nội, Hải Phòng gắn với cả vùng Đồng bằng sông Hồng, Trung du - Miền núi Bắc bộ và khu vực. Từ năm 2003 đến 2010, mỗi năm cần đào tạo hàng nghìn doanh nhân giỏi và khoảng 30 - 35 vạn lao động kỹ thuật lành nghề cho các ngành kinh tế quốc dân và xuất khẩu); đội ngũ cán bộ hoạch định chính sách có trình độ cao; có chính sách sử dụng nhân tài.
3.1.7. Đối với văn hoá - xã hội
- Đầu tư xây dựng mới tháp truyền hình Trung ương.
- Khôi phục các hoạt động văn hoá truyền thống. Xây dựng các trung tâm hoạt động văn hoá. Nâng cao chất lượng các chương trình phát sóng phát thanh, truyền hình.
3.1.8. Cải tiến cơ chế, chính sách, thu hút thêm nguồn vốn cho phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.
Trước hết có biện pháp khuyến khích toàn xã hội và các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư cho sản xuất kinh doanh hướng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế gắn với các mục tiêu xã hội, và phát huy được tiềm năng, lợi thế của vùng. Quản lý tốt hơn thị trường nhà và đất để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo vốn từ quỹ đất.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, tiếp tục nâng cao hiệu quả đổi mới doanh nghiệp Nhà nước để các doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí chủ đạo trong phát triển kinh tế của vùng. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới; khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.
Thực hiện nhanh việc cải cách hành chính đối với khu vực quản lý hành chính Nhà nước, tinh giảm biên chế, mở rộng áp dụng khoán chi hành chính để có điều kiện tăng lương cho đội ngũ công chức nhà nước, thực hiện cơ chế trả lương cho công chức căn cứ vào hiệu quả công việc.
Đối với các doanh nghiệp, xoá bỏ cơ chế xét duyệt quỹ lương, cho phép doanh nghiệp được quyền trả lương cho người lao động trên cơ sở hiệu quả sản xuất kinh doanh.
- Nhanh chóng hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý tài chính và ngân sách giữa trung ương và địa phương, giữa các cơ quan chức năng trong quản lý tài chính, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống tài chính quốc gia, bảo đảm vai trò chủ đạo của Trung ương, đồng thời nâng cao tính chủ động điều hành tài chính của các địa phương trong vùng và các ngành trong phạm vi trách nhiệm được giao.
- Đi đầu trong việc giảm tối đa các khoản chi bao cấp, tăng cường công khai tài chính, ngân sách các cấp; Tiếp tục đổi mới chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính cho việc thực hiện các chính sách xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động.
- Huy động mọi thành phần kinh tế tích cực tham gia đầu tư phát triển và thực hiện đổi mới cơ cấu đầu tư theo hướng:
+ Khuyến khích có được 50 - 55% đầu tư xã hội cho phát triển sản xuất kinh doanh.
+ Dành 9 - 10% đầu tư xã hội cho phát triển nguồn nhân lực.
+ Dành 35 - 36% vốn đầu tư giao thông vận tải cho phát triển đường cao tốc.
3.1.9. Xây dựng không gian kinh tế thống nhất nhằm phát huy lợi thế so sánh trên toàn địa bàn vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, tạo sự phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau có hiệu quả và phát huy lợi thế của tất cả các tỉnh, thành phố.
Trên nguyên tắc giảm bớt sự tập trung quá mức vào thành phố Hà Nội và giảm tình trạng sử dụng đất lúa cho các mục đích khác; giảm áp lực giải quyết việc làm cho vùng, cần có biện pháp phát triển công nghiệp ở các tỉnh phía Nam đồng bằng sông Hồng để tiểu vùng này bứt lên, phối hợp có hiệu quả với vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.