MỘT SỐ NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI
1. Một số nhiệm vụ chủ yếu:
(1) Xây dựng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trở thành vùng phát triển năng động, tạo việc làm, nâng cao mức sống và trình độ dân trí cho các tầng lớp dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá hiện đại hoá với mục tiêu tăng trưởng kinh tế với tốc độ nhanh và bền vững. Phát triển mạnh khu vực công nghiệp và dịch vụ, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển khu vực dịch vụ chất lượng cao có tầm cỡ khu vực và quốc tế.
(2) Phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong mối quan hệ của vùng với toàn quốc, với sự phát triển chung của tuyến hành lang Đông - Tây trong khuôn khổ hợp tác phát triển khu vực GMS, tạo ra cực tăng trưởng nhằm thúc đẩy sự phát triển của một phần lớn các tỉnh Duyên hải Trung bộ và Tây Nguyên trên cơ sở khai thác các nguồn lực trong nước và tiềm lực các nước trong khu vực.
(3) Phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung phải đảm bảo tăng trưởng nhanh, có hiệu quả và bền vững cả về kinh tế và môi trường.
(4) Gắn chặt phát triển kinh tế với xây dựng tiềm lực quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền và độc lập của quốc gia.
(5) Hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực như công nghiệp lọc dầu, công nghiệp hoá chất. Từng bước phát triển các ngành có hàm lượng kỹ thuật, công nghệ cao, công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghiệp cơ khí chế tạo,...
(6) Đẩy mạnh vai trò trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của thành phố Đà Nẵng, thành phố Huế, thành phố Quy Nhơn để đảm nhận chức năng dịch vụ thương mại và trung tâm du lịch của cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Hình thành các trung tâm du lịch là: Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn và vùng phụ cận.
(7) Hình thành các đô thị có vai trò lớn đối với phát triển của vùng.
2. Phương hướng mới có tính chất đột phá
2.1. Đầu tư xây dựng các khu kinh tế nhưkhu kinh tế mở Chu Lai; khu kinh tế Dung Quất và khu kinh tế thương mại Chân Mây, khu kinh tế Nhơn Hội vào năm 2010, tiếp tục đầu tư và khai thác có hiệu quả các khu kinh tế này để đến năm 2020 thực sự trở thành những hạt nhân, trung tâm phát triển vùng.
- Đẩy mạnh vai trò trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của thành phố Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn để đảm nhận chức năng dịch vụ thương mại và trung tâm du lịch của cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
- Hình thành các trung tâm du lịch là: Huế, Đà Nẵng và vùng phụ cận.
- Hoàn thành việc xây dựng các công trình lớn về cơ sở hạ tầng để gắn kết khu vực này với các vùng lân cận, góp phần thực hiện chương trình hành lang Đông - Tây của Tiểu vùng Mê Kông mở rộng, gắn với nhiệm vụ phát triển khu tam giác biên giới ba nước Việt Nam, Lào và Cămpuchia. Hoàn thành xây dựng đường hầm qua đèo Hải Vân và đường tránh phía Tây qua thành phố Huế.
- Hoàn thành trước năm 2007 tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Chu Lai - Quảng Ngãi, Đà Nẵng - Huế - Quảng Trị (trong đường cao tốc Bắc Nam).
- Hình thành trung tâm đào tạo đa ngành chất lượng cao ở Huế.
2.2. Đối với thành phố Đà Nẵng
Từng bước đầu tư xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố biển - Trung tâm của miền Trung có quy mô dân số khoảng 1 triệu người vào năm 2010 và gần 2 triệu người vào năm 2020, với các chức năng cơ bản như sau:
- Là trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ lớn của miền Trung. Xây dựng khu sinh dưỡng công nghiệp (nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, công nghệ cho các xí nghiệp công nghiệp)
- Là thành phố cảng, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển và vận tải quốc tế của miền Trung, Tây Nguyên và các nước khu vực sông Mêkông.
- Là trung tâm tài chính, ngân hàng và bưu chính viễn thông.
- Là một trong những trung tâm văn hoá, giáo dục, đào tạo, trung tâm khoa học công nghệ của miền Trung.
- Là một trong những địa bàn giữ vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng khu vực miền Trung, Tây Nguyên và cả nước.
2.3. Đối với khu kinh tế mở Chu Lai
Xây dựng và phát triển khu kinh tế mở Chu Lai nhằm thử nghiệm các thể chế, chính sách mới, tạo môi trường đầu tư, phù hợp các thông lệ quốc tế cho các loại hình kinh doanh của các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước, qua đó có thêm kinh nghiệm cho hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.
Áp dụng các mô hình động lực mới cho phát triển kinh tế, khắc phục những yếu kém và ách tắc trong chính sách và cơ chế quản lý kinh tế hiện hành trong khi chưa có điều kiện thực hiện trên phạm vi cả nước.
- Phát triển khu kinh tế mở Chu Lai theo mô hình "khu trong khu" bao gồm các khu vực chủ yếu là:
+ Khu thương mại tự do gắn với một phần cảng Kỳ Hà. Hoạt động của khu này gồm các hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu và hàng phục vụ tại chỗ, thương mại hàng hoá, các hoạt động dịch vụ, xúc tiến thương mại...
+ Các khu công nghiệp
+ Các khu giải trí đặc biệt, khu vực dành cho du lịch.
+ Khu dân cư hành chính
+ Xây dựng bộ máy tổ chức của khu kinh tế mở để đảm nhận các công việc trong đầu tư phát triển.
+ Tiến hành quy hoạch tổng thể phát triển khu kinh tế mở.
+ Xúc tiến đầu tư và kêu gọi đầu tư phát triển các hạng mục của mô hình kinh tế này theo quy hoạch.
2.4. Đối với khu kinh tế Dung Quấtđãđược quy hoạch trên diện tích 10.300 ha. Đến năm 2006, đảm bảo vận hành có hiệu quả tổ hợp lọc hóa dầu, hoàn chỉnh các hạng mục hạ tầng căn bản.
- Đẩy nhanh sự hình thành và phát triển khu kinh tế làm động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá miền Trung và cả nước. Xây dựng và phát triển Khu kinh tế Dung Quất trở thành một khu kinh tế tổng hợp đa ngành với các chính sách ưu đãi, khuyến khích, ổn định lâu dài, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài yên tâm bỏ vốn vào phát triển sản xuất kinh doanh trong khung khổ pháp lý hiện hành và ngày càng hoàn thiện.
- Phát triển công nghiệp lọc dầu - hoá dầu - hoá chất. Từng bước phát triển các ngành công nghiệp cơ khí, đóng sửa tàu biển, luyện cán thép, sản xuất xi măng, sản xuất container...; công nghiệp nhẹ, sản xuất hàng tiêu dùng.
- Thu hút đầu tư và khuyến khích các doanh nghiệp vào kinh doanh, sản xuất trong các khu công nghiệp Bình Chánh, Bình Đông.
- Việc hình thành cảng Dung Quất là cơ sở cho việc hình thành các dự án công nghiệp nặng, các dịch vụ hàng hải gắn liền với cảng biển. Do vậy, cần đẩy nhanh các hạng mục trong dự án cảng với 10 bến cảng dầu khí, khu cảng tổng hợp, đê chắn sóng, đê chắn cát.
- Để phát huy vai trò của cảng cần phát triển hệ thống giao thông liên khu, giao thông liên vùng.
- Tổ chức giải phóng mặt bằng, sắp xếp lại các khu dân cư, khu tái định cư. Tập trung đầu tư công trình thuỷ lợi lớn hồ chứa Nước Trong, cung ứng nước cho khu công nghiệp Dung Quất.
- Xây dựng trung tâm thương mại, phát triển du lịch.
- Phát triển các lĩnh vực xã hội, công cộng: xây dựngbệnh viện 300 giường. Hoàn thành trường đào tạo lao động kỹ thuật 1000 học viên/năm. Xây dựng trường mẫu giáo, nhà trẻ, trường phổ thông cơ sở, trường trung học phổ thông Vạn Tường. Xây dựng các cơ sở phục vụ cho văn hoá, thể thao.
- Hình thành và phát triển đô thị Vạn Tường và đô thị mới ở Dốc Sỏi. Xây dựng đô thị Vạn Tường có quy mô 12 vạn dân với các chức năng là đô thị công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Đô thị mới ở Dốc Sỏi giữ vai trò phụ trợ cho cụm công nghiệp phía Tây và là một trong những điểm nút giao thông (đường bộ, đường sắt ra cảng và nhà máy lọc dầu) trong tổng thể phát triển các khu công nghiệp ở Quảng Ngãi.
2.5. Đối với khu khuyến khích phát triển thương mại Chân Mây
- Khu thương mại Chân Mây có diện tích khoảng 1000 ha, trọng tâm là phát triển cảng, thương mại, dịch vụ du lịch và các ngành khác theo quyết định của Chính phủ về khu khuyến khích phát triển thương mại. Trong giai đoạn 2006 – 2010 xây dựng trung tâm thông tin quốc tế, sở giao dịch chứng khoán cùng hệ thống dịch vụ như dịch vụ thương mại, du lịch, tài chính, ngân hàng và các ngành nghề khác với trình độ và văn minh thương mại cao.
- Phát triển khu đô thị mới Chân Mây và khu công nghiệp Chân Mây. Đây là đô thị mới, nằm cách thành phố Huế 60 km về phía Đông Nam, là một đô thị mới trong dải đô thị trọng điểm miền Trung Huế - Chân Mây - Đà Nẵng - Dung Quất. Thành phố Chân Mây được hình thành trên cơ sở khai thác lợi thế cảng biển nước sâu Chân Mây. Trong giai đoạn 2001-2005, sẽ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu cảng và đô thị mới Chân Mây (cầu cảng, giao thông, điện, nước ngọt và một số dịch vụ...). Trên cơ sở hình thành cảng biển, ở đây sẽ hình thành khu công nghiệp tập trung, khu thương mại và dịch vụ cảng, khu dân cư đô thị, khu nghỉ dưỡng. Tổng diện tích tự nhiên của đô thị khoảng 6.000 ha. Qui mô dân số đến năm 2010 khoảng 3 vạn người, năm 2020 khoảng 15 - 20 vạn người.
2.6. Khu kinh tế tổng hợp Nhơn Hội (tỉnh Bình Định) với diện tích khoảng 10 nghìn ha nằm độc lập với đất liền trong tương lai sẽ phát triển thành khu kinh tế tổng hợp Nhơn Hội tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng trọng điểm miền Trung. Trong khu vực này đất xây dựng khoảng 5000 ha được quy hoạch như sau:
- Xây dựng khu công nghiệp tập trung khoảng 1000 ha (giai đoạn 2003 - 2005: 500 ha; giai đoạn 2006 - 2010: 500 ha) với các ngành công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ sản, công nghiệp vật liệu xây dựng, cơ khí đóng mới và sửa chữa tàu thuyền,hoá dầu, điện tử và vật liệu điện, công nghiệp dệt da may mặc xuất khẩu...
- Xây dựng khu đô thị mới Nhơn Hội với diện tích khoảng 500 ha, dự kiến quy mô dân số vào năm 2010 khoảng 80 ngàn dân. Khu đô thị mới này được xây dựng theo hướng đô thị hiện đại hướng biển.
- Xây dựng cảng biển nước sâu và các công trình dịch vụ cảng khoảng 450 ha .
- Xây dựng khu du lịch Nhơn Hội được xây dựng khoảng 500 ha.
- Diện tích còn lại là xây dựng công trình kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển khu kinh tế tổng hợp.
3. Định hướng điều chỉnh quy hoạch
3.1. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế giai đoạn đến 2010
- Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thông qua việc chuyển đổi cơ cấu đầu tư bằng những chính sách thuận lợi khuyến khích đầu tư vào phát triển công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành những công trình trọng điểm như khu kinh tế Dung Quất (mà trọng tâm là nhà máy lọc dầu số 1) để tạo điều kiện cho các công trình công nghiệp khác kéo theo (nhiều công trình đã chuẩn bị đầu tư nay giảm tiến độ do tốc độ xây dựng các hạng mục của công trình Dung Quất); đẩy mạnh tốc độ thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp đã và đang được xây dựng.
- Chuyển đổi cơ cấu sản phẩm công nghiệp theo hướng hình thành những sản phẩm công nghiệp chế biến chủ lực: Công nghiệp lọc hóa dầu; công nghiệp chế biến thủy sản; công nghiệp cơ khí, điện tử; công nghiệp hàng tiêu dùng khác, công nghiệp vật liệu xây dựng...với trình độ công nghệ hiện đại, năng suất cao đảm bảo năng lực cạnh tranh của sản phẩm...
- Tăng cường đầu tư và quảng bá phát triển du lịch và dịch vụ. Phát huy lợi thế về điều kiện và tài nguyên du lịch trên địa bàn đảm bảo du lịch thành một trong những ngành kinh tế chủ lực trên địa bàn. Đẩy mạnh vai trò trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của thành phố Đà Nẵng, thành phố Huế và thành phố Quy Nhơn để đảm nhận chức năng dịch vụ thương mại của cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
- Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp và thủy sản, theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn; tăng cường khả năng phòng tránh thiên tai để phát triển bền vững; phát triển nông nghiệp kết hợp với lâm nghiệp vườn đồi tạo cảnh quan, môi trường cho phát triển du lịch. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá. Nâng cao năng lực đánh bắt xa bờ, đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản.
- Đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng theo hướng hình thành bộ khung kết cấu hạ tầng làm nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, sớm hoàn thành xây dựng các công trình đường bộ, cảng biển... nhằm phát huy lợi thế vị trí địa lý và lợi thế biển của vùng.
- Dự kiến cơ cấu kinh tế đến năm 2010 như sau: Tỷ trọng nông - lâm - thủy sản trong GDP khoảng 12 - 13%; Công nghiệp - xây dựng khoảng 40 - 41%; dịch vụ 46 - 47%.
3.2. Điều chỉnh phát triển đô thị và khu công nghiệp
Mạng lưới đô thị trên các vùng nói chung gắn liền với sự hình thành và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng (bao gồm cả hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội) và phát triển công nghiệp theo các mô hình bố trí phát triển công nghiệp tập trung. Hệ thống kết cấu hạ tầng có vai trò quyết định đến sự phát triển của các khu vực bố trí công nghiệp, theo đó là sự phát triển của các đô thị.
a. Phát triển mạng lưới đô thị:
- Xây dựng thành phố Đà Nẵng thực sự trở thành trung tâm của Duyên hải Trung bộ.
- Tập trung đầu tư phát triển các đô thị như xây dựng Huế trở thành thành phố Festival, thành phố Quy Nhơn thành đô thị trung tâm của vùng ở phía Nam và các đô thị khác như Hội An, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, đô thị mới Dốc Sỏi, khu đô thị mới Nhơn Hội (Bình Định) theo hướng hình thành các trung tâm đô thị hiện đại.
- Đầu tư phát triển và thu hút dân cư vào các khu đô thị mới gắn liền với sự phát triển của các khu công nghiệp hiện có và dự kiến trong tương lai như thành phố Chân Mây, Vạn Tường, Nhơn Hội và một số đô thị khác ở miền núi phía Tây và dải ven biển. Có quy hoạch và tổ chức phân bố các thị trấn thuộc các huyện trong vùng gắn với sự phát triển của mạng lưới hạ tầng (đặc biệt là giao thông) nội vùng, liên tỉnh, liên huyện.
- Thành phố Đà Nẵng sẽ phát triển lên khoảng 1 triệu người, quy mô thành phố sẽ được mở rộng thêm 1 - 2 quận mới trên cơ sở một số khu vực của huyện Hoà Vang. thành phố Huế sẽ được mở rộng ra vùng phụ cận dọc quốc lộ 1A và Thuận An với quy mô dân số khoảng 55 - 60 vạn dân và xây dựng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2010. Thành phố Quy Nhơn được mở rộng cả về phía Nam, phía Đông Bắc và phía Tây đảm nhận chức năng đô thị trung tâm phía Nam của vùng.Thị xã Tam Kỳ, thị xã Quảng Ngãi với quy mô dân số khoảng 18 - 20 vạn người và là đô thị tỉnh lỵ, trung tâm kinh tế, văn hoá và chính trị của từng tỉnh.
- Đến năm 2010 sẽ hình thành đô thị mới Vạn Tường quy mô dân số khoảng 12 vạn người; đô thị mới Chân Mây với quy mô cũng khoảng 12 vạn người; Đô thị mới Điện Ngọc - Điện Nam (được hình thành theo quyết định số 124 TTg/18/5/1999 của Thủ tướng Chính phủ), từng bước phát triển trong mối quan hệ khăng khít với thị xã Hội An tạo thành dải đô thị-du lịch ven biển, qui mô dân số khi định hình khoảng 12 - 15 vạn người. Khu đô thị mới Nhơn Hội được xây dựng trên diện tích khoảng 500 ha, quy mô dân số dự kiến vào sau năm 2010 khoảng 80 nghìn dân
b. Phát triển các khu công nghiệp tập trung:
(1) Từ năm 2003 đến 2010, tập trung đầu tư hoàn chỉnh và khai thác có hiệu quả 7 khu công nghiệp, khu chế xuất đã và đang được triển khai xây dựng với tổng diện tích 1.206 ha (chưa kể phương án mở rộng). Bao gồm:
- Khu công nghiệp Liên Chiểu diện tích 423 ha thuộc địa bàn phường Hoà Hiệp (Quận Liên Chiểu) nằm bên quốc lộ 1A, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 10 km về hướng Tây - Bắc.
- Cụm công nghiệp Hoà Khánh thuộc địa bàn phường Hòa Khánh (Quận Liên Chiểu), diện tích 425 ha.
- Khu chế xuất Đà Nẵng: Tổng diện tích: 62,99 ha. Khu chế xuất này liên doanh với Malaysia để xây dựng kết cấu hạ tầng, kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong khu sẽ phát triển các ngành nghề: may, giầy da, và các sản phẩm da hoặc giả da (trừ thuộc da); sản xuất và lắp ráp thiết bị điện, điện tử, điện lạnh và điện dân dụng; chế biến thực phẩm và đồ uống; sản xuất bao bì, in ấn; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, nữ trang; sản xuất đồ nhựa; các dịch vụ phục vụ sản xuất và hỗ trợ đầu tư.
- Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (Quảng Nam): qui mô khoảng 430 ha. Các loại hình công nghiệp dự kiến: công nghiệp sản xuất và lắp ráp các thiết bị điện tử, thiết bị văn phòng cao cấp; công nghiệp sản xuất và lắp ráp sản phẩm băng từ, đĩa nhạc, thiết bị âm thanh, máy ảnh, camera..;công nghiệp lắp ráp thiết bị thông tin liên lạc; công nghiệp lắp ráp thiết bị dân dụng; công nghiệp chế biến thực phẩm tinh phục vụ vùng du lịch Non Nước - Hội An; công nghiệp kỹ thuật cao khác.
- Khu công nghiệp Phú Bài 300 ha (Thừa Thiên - Huế), triển khai giai đoạn 1 là 14 ha mới có 1 doanh nghiệp trong nước đăng ký vào đầu tư .
- Khu công nghiệp Tịnh Phong (Quảng Ngãi): diện tích 200 ha, đã có một số xí nghiệp đang hoạt động phục phụ cho khu Dung Quất. Ưu tiên các ngành công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp vật liệu xây dựng.
- Khu công nghiệp Quảng Phú (Quảng Ngãi): Diện tích 40 ha giai đoạn I, mở rộng lên 100 ha giai đoạn II. Dự kiến bố trí các ngành công nghiệp chế biến thủy hải sản, công nghiệp thực phẩm và sản phẩm sau đường.
- Khu công nghiệp Phú Tài (Bình Định), diện tích 350 ha. Diện tích đã được thuê 242,4 ha, chiếm 79% tổng diện tích toàn khu....
- Khu công nghiệp Long Mỹ (Bình Định), diện tích 280 - 350 ha, đang triển khai giai đoạn I: 100 ha, trong đó đất công nghiệp 70 ha. Hiện đã có 5 dự án đăng ký đầu tư với diện tích đất chiếm 34,8 ha, chiếm gần 50% diện tích đất công nghiệp.
(2) Mở rộng và xây dựng mới các khu công nghiệp
- Song song với quá trình khai thác có hiệu quả các khu công nghiệp hiện đã và đang triển khai, trong giai đoạn 2006 - 2010, tiếp tục mở rộng một số khu công nghiệp trong số các khu công nghiệp như An Nhơn, Nhơn Hội ...
- Thành lập mới một số khu công nghiệp tập trung nâng tổng diện tích các khu công nghiệp lên khoảng 2.000 - 2.500 ha (không kể khu Dung Quất) vào năm 2010 và phấn đấu lấp đầy vào giai đoạn tiếp theo đến năm 2020.
- Phát triển một số cụm công nghiệp vừa và nhỏ gắn với sự phát triển ngành nghề của các vùng tập trung dân cư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội phát triển.
(3) Đầu tư xây dựng về cơ bản các khu kinh tế mở Chu Lai; khu kinh tế Dung Quất; khu kinh tế Nhơn Hội, khu thương mại Chân Mây vào năm 2010; tiếp tục đầu tư và khai thác có hiệu quả các khu kinh tế này để đến 2020 thực sự trở thành những hạt nhân, trung tâm phát triển vùng.
3.3. Phát triển du lịch
Tăng cường quảng bá phát triển du lịch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực, hình thành một trung tâm du lịch trọng điểm của cả nước và quốc tế:
- Phối hợp giữa các tỉnh trong vùng nhằm hình thành một mạng lưới không gian du lịch trong vùng; đặt du lịch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong mạng lưới du lịch cả nước, gắn du lịch trong vùng với các tuyến du lịch của hành lang Đông - Tây và của cả nước.
- Khôi phục và bảo tồn và đưa vào khai thác các di tích lịch sử văn hóa Chăm - Pa, di sản văn hoá kiến trúc trên địa bàn các tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng như thánh địa Mỹ Sơn, đô thị cổ Hội An, khu du lịch Tây Sơn…
- Có quy hoạch và khai thác một cách có hiệu quả và bền vững các di sản thiên nhiên, đa dạng hóa các loại hình du lịch, hình thành các cụm, điểm và tuyến du lịch trong vùng như: cụm du lịch Cảnh Dương - Bạch Mã - Lăng Cô (Thừa Thiên Huế); các khu du lịch Ngũ Hành Sơn, Bà Nà - Suối Mơ (Đà Nẵng); thánh địa Mỹ Sơn; Khu Mỹ Khê - Sa Huỳnh - Cà Đăm - Vạn Tường; phố cổ Hội An; Quy Nhơn - Tây Sơn; Vĩnh Hội - Tân Thanh gắn với các tuyến, điểm du lịch ở Tây Nguyên, các tuyến du lịch ven biển Sơn Trà - Hội An, và nhiều điểm du lịch ven biển của các tỉnh trong vùng.
- Đầu tư cơ sở hạ tầng cho du lịch, đến năm 2010 về cơ bản hình thành kết cấu hạ tầng cho du lịch đặc biệt là ở các khu du lịch ven biển, tiếp tục đầu tư nâng cấp, đảm bảo cung cấp các dịch vụ du lịch hiện đại, văn minh trong các giai đoạn tiếp theo.
3. 4. Phát triển kết cấu hạ tầng
Huy động các nguồn lực của các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng của vùng theo các bước đi thích hợp.
a. Giao thông đường bộ:
Hướng phát triển giao thông trong vùng là đảm bảo giao thông thông suốt, thuận lợi trong mọi tình huống, gắn kết vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với phần còn lại của đất nước, giữa các tỉnh trong vùng; giữa phía Đông và phía Tây; đường nối liền các cảng biển, sân bay, đô thị ven biển với các huyện phía Tây của vùng. Đảm bảo kết nối giao thông đường bộ giữa vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với các quốc gia trong khu vực trong chương trình phát triển tiểu vùng Sông Mê Kông mở rộng (GMS) (với Tây Nguyên và với nước bạn Lào, Cămpuchia và đông bắc Thái Lan).
- Hoàn thành đường ven biển từ Đà Nẵng qua Hội An, Chu Lai, Dung Quất đến Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Quy Nhơn đến Tam Quan trước năm 2010.
b. Đường sắt:
- Nâng cấp và đưa các đoạn đường sắt Thống Nhất chạy qua các thị xã, thành phố ra bên ngoài song song với các đường bộ. Xây dựng các cầu vượt, cầu dân sinh ở các đoạn có đường bộ cắt ngang đường sắt.
- Đầu tư, hiện đại hóa hệ thống ga đường sắt trên địa bàn.
- Đầu tư các tuyến đường sắt chuyên dụng gắn các cảng biển với hệ thống đường sắt quốc gia.
c. Cảng biển:
Địa bàn trọng điểm có tiềm năng lớn về phát triển cảng biển và vận tải biển gắn với hệ thống cảng biển cả nước. Phát triển hệ thống cảng biển cùng với hệ thống hạ tầng khác có tính tới sự phát triển của cảng biển trung chuyển Vân Phong là điều kiện tiên quyết để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế xã hội trong khu vực. Trong thời gian tới tập trung phát triển:
- Cải tạo nâng cấp cảng Tiên Sa, đưa năng lực thông qua lên 4 triệu tấn/năm vào năm 2010.
- Từ năm 2003 đến năm 2010, xây dựng mới cảng nước sâu Liên Chiểu giai đoạn I có công suất 2 triệu tấn/năm và tiếp tục giai đoạn II nâng công suất lên 8,5 triệu tấn cho thời kỳ tiếp theo.
- Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cảng Chân Mây, đảm bảo phát triển thành công khu thương mại Chân Mây một trong những hạt nhân quan trọng thúc đây sự phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên - Huế nói riêng và toàn vùng nói chung.
- Cảng Qui Nhơn (Bình Định).Hiện tại đảm nhận 90% hàng hóa qua khu vực. Đã xây dựng 685 m bến, hiện nay đảm bảo lượng hàng thông qua 2,0 triệu tấn/năm. Xây dựng về phía hạ lưu một bến nhô cho tầu 30.000 tấn, đảm bảo hàng thông qua 2,5-3 triệu tấn/năm ở khu vực Nhơn Hội. Dự kiến đến năm 2010 tăng thêm bến bảo đảm lượng hàng thông qua là 4 triệu tấn/năm cho tầu trên 3 vạn tấn vào cảng.
d. Sân bay:
Đặt trong mối quan hệ với sự phát triển sân bay quốc tế lớn Cam Ranh trong thời gian tới hướng phát triển là:
- Tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp và mở rộng sân bay Đà Nẵng để thực sự xứng đáng là sân bay quốc tế của miền Trung.
- Nâng cấp và khai thác có hiệu quả các sân bay đang hoạt động thường xuyên như sân bay Phú Bài
- Sân bay Chu Lai: Quy hoạch đến năm 2010 khả năng tiếp nhận 0,5 triệu hành khách/năm và 1 triệu tấn hàng hoá/năm phục vụ cho khu công nghiệp lọc hoá dầu Dung Quất và khu kinh tế mở Chu Lai.
e. Bưu chính, viễn thông:
Nâng cấp mạng bưu chính, viễn thông 30 máy điện thoại/100 dân vào năm 2010. Hệ thống truyền dẫn tiếp tục được cáp quang hoá và ngầm hoá các tuyến còn lại, giảm tối đa dây cáp đồng.
f. Cấp điện:
Tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống truyền tải điện, đảm bảo cung cấp đủ năng lượng điện cho các hoạt động kinh tế - xã hội của vùng:
- Xây dựng và nâng cao chất lượng của mạng 220 KV trên địa bàn bao gồm cả đường dây và hệ thống các trạm biến áp. Đầu tư xây dựng các tuyến trục 220 KV Đà Nẵng - Dung Quất, Đà Nẵng - Thành Mỹ.
- Xây dựng đường dây 500KV Đà Nẵng - Dung Quất - Plâycu.
- Cải tạo và mở rộng mạng lưới điện phân phối trong vùng.
- Xây dựng thuỷ điện Dakring 100MW; thuỷ điện Dakre 30MW, thuỷ điện Nước Trong 10 MW. Xây dựng một số nhà máy thuỷ điện độc lập nằm trên thượng nguồn sông Trà Khúc.
g. Cấp, thoát nước và thuỷ lợi:
- Địa bàn kinh tế trọng điểm miền Trung cũng như toàn khu vực miền Trung có địa hình dốc, xói mòn mạnh, luôn thiếu nước mùa khô, nên cần phải chú trọng phát triển thuỷ lợi của vùng khai thác triệt để và bảo vệ tốt nguồn nước (khai thác tối đa khả năng xây dựng các hồ chứa).
- Hoàn thành các dự án khôi phục hệ thống thuỷ lợi chống lũ; phát triển các công trình thuỷ lợi kết hợp với phòng tránh lũ như hồ Tả Trạch (Thừa Thiên Huế), A Vương, Phú Ninh (Quảng Nam); Nước Trong, Thạch Nham, mở rộng thêm hồ Chóp Vung, Núi Ngang và chống ngập úng ở lưu vực sông Thoa (Quảng Ngãi), sông Bình Định (Bình Định)...
- Xây dựng chính sách và biện pháp đồng bộ để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường một cách chủ động và có hiệu quả. Thành lập quĩ hỗ trợ ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm.
- Xây dựng quy chế và kiểm tra nghiêm ngặt bảo vệ môi trường và giữ gìn cảnh quan thiên nhiên. Đặc biệt chú ý bảo vệ môi trường khu công nghiệp, đô thị. Có qui định và thực hiện tốt các qui định về giữ vệ sinh, môi trường tại các cơ sở trường học, bệnh viện, các khu du lịch, các trung tâm thương mại, nơi công cộng.
- Trong phát triển nuôi trồng thuỷ sản cần chú ý tới việc ngăn ngừa và có giải pháp kỹ thuật để bảo vệ môi trường ven biển. Có các biện pháp lâm sinh để chống xói mòn, tăng độ phì cho đất, chống cát bay, cát chảy ở ven biển.
- Chú trọng tới việc phòng tránh, giảm nhẹ thiên taiẳtong mùa khô hạn. Bố trí mùa vụ, cây trồng, vật nuôi cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh sao cho phòng tránh, giảm nhẹ được thiệt hại do hạn hán gây ra. Mặt khác, xây dựng các công trình, các hồ chứa nước để tích trữ nước phục vụ vào mùa khô.
- Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người dân có ý thức giữ gìn, bảo vệ nguồn tài nguyên nước, sử dụng tiết kiệm nước cũng phải được hết sức chú trọng thường xuyên, có hiệu quả thiết thực.
- Chủ động phòng chống lũ lụt. Chuyển đổi cơ cấu mùa vụ để né tránh lũ lụt. Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hồ chứa toàn khu vực gồm một số hồ chứa có qui mô lớn kết hợp với các hồ qui mô trung bình, mục đích phục vụ tưới tiêu và điều tiết lũ hoặc có thể kết hợp thêm làm thuỷ điện. Xây dựng các công trình phòng tránh lũ....
Các giải pháp chính sách phát triển
4.1. Về đầu tư
Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế trên địa bàn vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, dự kiến nhu cầu đầu tư đến năm 2020 như sau:
4.2. Giai đoạn đến năm 2010
Ước tính tổng nhu cầu đầu tư khoảng trên 55.000 tỷ đồng, tương đương với khoảng trên 5 tỷ USD (theo giá so sánh 1994). Trong đó: đầu tư cho phát triển công nghiệp và xây dựng khoảng 39 - 40%; đầu tư cho phát triển khu vực dịch vụ (bao gồm các dịch vụ hạ tầng) khoảng 50 - 55%.
4.3. Cơ chế chính sách tài chính
Lượng vốn đầu tư huy động cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn như đã nêu là tương đối lớn. Để có thể huy động được cần có những giải pháp chính sách thông thoáng nhằm huy động được các nguồn lực xã hội.
- Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách ưu tiên đã ban hành và áp dụng cho các Khu kinh tế mở Chu Lai (ban hành theo quyết định 108/2003/QĐ-TTg ngày 05 tháng 06 năm 2003; áp dụng thêm những chính sách ưu đãi cho khu kinh tế Dung Quất giống như những cơ chế chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng tại khu kinh tế mở Chu Lai..
- Áp dụng các cơ chế chính sách ưu tiên cho khu kinh tế thương mại Chân Mây.
- Huy động các nguồn vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng bằng các hình thức vay ưu đãi, BOT, BT và xây dựng các cơ chế chính sách cụ thể cho việc đổi đất lấy hạ tầng trên từng địa bàn.
- Nghiên cứu vận dụng và hoàn thiện hệ thống chính sách tài chính nhằm xúc tiến và thu hút đầu tư cho phát triển các khu công nghiệp trên cơ sở Quy chế quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất ban hành theo Nghị định 36/NĐ-CP của Chính phủ.
4.4. Xây dựng không gian kinh tế thống nhất trong toàn vùng
Coi vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là một thể thống nhất về không gian kinh tế nhằm phát huy lợi thế so sánh trên toàn địa bàn vùng kinh tế trọng điểm, tạo sự phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau có hiệu quả và phát huy lợi thế của tất cả các tỉnh. Sớm hình thành cơ chế tăng cường liên kết vùng và quản lý vùng theo hướng:
- Phát huy lợi thế so sánh của từng tỉnh trong thế liên kết chung của vùng.
- Phối hợp xử lý những vấn đề vượt ra ngoài phạm vi của mỗi tỉnh trong vùng trong phát triển hệ thống hạ tầng, giải quyết những vấn đề về môi trường, về bố trí không gian phát triển công nghiệp, dịch vụ...
- Hạn chế sự “cạnh tranh” bất hợp lý giữa các tỉnh trong vùng tạo ra sự phát triển hài hòa, bền vững vì lợi ích của toàn vùng và của cả nước nói chung và mỗi tỉnh nói riêng.