PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN
KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 1986 - 1990
(Trích "Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng")
(Trích) Báo cáo chính trị đã xác định các mục tiêu chủ yếu về kinh tế, xã hội cho những năm còn lại của chặng đường 5 năm đổi mới đầu tiên 1986 - 1990 là: sản xuất đủ tiêu dùng và có tích lũy; bước đầu tạo ra một cơ cấu kinh tế hợp lý nhằm phát triển sản xuất; xây dựng và hoàn thiện một bước quan hệ sản xuất mới phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; tạo ra chuyển biến tốt về mặt xã hội; bảo đảm nhu cầu củng cố quốc phòng an ninh, tất cả nhằm ổn định mọi mặt tình hình kinh tế - xã hội, tiếp tục xây dựng những tiền đề cần thiết cho việc đẩy nhanh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong chặng đường tiếp theo.
Thực hiện những mục tiêu đó, phải kết hợp đồng bộ cả ba mặt: sắp xếp, cải tạo và phát triển với những nội dung cụ thể phù hợp với đặc điểm của từng ngành, từng địa phương và cơ sở. Như vậy, ổn định không phải là hạn chế các hoạt động kinh tế, mà là một quá trình vận động tiến lên, vừa phát triển, vừa điều chỉnh các quan hệ tỷ lệ của nền kinh tế quốc dân.
Vấn đề lớn nhất hiện nay là sắp xếp, bố trí lại cơ cấu và bước đi của nền kinh tế phù hợp với phương hướng, mục tiêu của những năm trước mắt, phù hợp với khả năng thực tế của nước ta và sự phân công, hợp tác quốc tế, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển ổn định, vững chắc, với nhịp độ nhanh. Trong những năm tới, chúng ta thật sự lấy nông nghiệp làm mặt trận hàng đầu, ra sức đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Công nghiệp nặng, trong bước này, hướng trước hết và chủ yếu vào phục vụ nông nghiệp, công nghiệp nhẹ với quy mô và trình độ kỹ thuật thích hợp.
Theo hướng đó, nhất thiết phải sắp xếp lại các cơ sở sản xuất hiện có, điều chỉnh lớn cơ cấu đầu tư, bố trí hợp lý quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng, đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa, sử dụng đúng đắn các thành phần kinh tế, trong đó kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo nhằm khai thác mọi khả năng phát triển sản xuất, nhất là sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và mở mang dịch vụ.
Chúng ta khẳng định một nhân tố tăng trưởng kinh tế cực kỳ quan trọng là ứng dụng rộng rãi các thành tựu khoa học và kỹ thuật, nhất là những thành tựu về sinh học, về giống cây trồng và vật nuôi, về đổi mới công nghệ và ứng dụng kỹ thuật tiến bộ, nhằm tiêu hao ít năng lượng, nguyên liệu, tạo ra các vật liệu mới, sản phẩm mới từ nguyên liệu trong nước, nâng cao chất lượng sản phẩm…
Tiết kiệm là chính sách lớn phải được thực hiện trong tất cả các hoạt động sản xuất, xây dựng và tiêu dùng xã hội. Chống xa hoa, lãng phí, phô trương, hình thức trong bộ máy quản lý nhà nước các cấp và hợp tác xã. Nêu cao lối sống giản dị, lành mạnh, dùng hàng trong nước sản xuất, không chạy theo những thị hiếu tiêu dùng vượt quá khả năng của nền kinh tế.
Để tháo gỡ khó khăn, tạo ra động lực mới, phải đổi mới cơ chế quản lý kinh tế với nội dung chủ yếu là xóa bỏ tập trung quan liêu, bao cấp, sửa đổi các chính sách đòn bẩy kinh tế, hình thành cơ chế kế hoạch hóa theo phương thức hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; thiết lập trật tự, kỷ cương. Khâu quyết định là bố trí đúng cán bộ, kiện toàn bộ máy quản lý, đổi mới phong cách và lề lối làm việc phù hợp với yêu cầu đổi mới cơ cấu kinh tế và cơ chế quản lý.
Đi đôi với công cuộc cải tạo và phát triển kinh tế, chúng ta phải triển khai tích cực, kiên quyết và bền bỉ các hoạt động về phát triển xã hội, xây dựng nền văn hóa mới và con người mới, chống các hiện tượng tiêu cực, nhất là tệ tham nhũng, hối lộ, đầu cơ, trục lợi, thiết lập công bằng xã hội.
Trong khi thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, chúng ta luôn luôn coi trọng bảo đảm các nhu cầu củng cố quốc phòng an ninh, trước hết là nhu cầu thường xuyên về đời sống và các hoạt động khác của lực lượng vũ trang; tổ chức tốt hơn hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế của quân đội, góp phần xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật cho quốc phòng và kinh tế, tự bảo đảm một phần nhu cầu của lực lượng vũ trang, góp thêm hàng hóa cho tiêu dùng xã hội và xuất khẩu.
Tệp đính kèm: