I- TỪ ỦY BAN DÂN TỘC GIẢI PHÓNG ĐẾN CHÍNH PHỦ LÂM THỜI NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
I - TỪ ỦY BAN DÂN TỘC GIẢI PHÓNG ĐẾN CHÍNH PHỦ
LÂM THỜI NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Tháng 8-1945, Chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc, phát xít Đức-ý đầu hàng Đồng minh. Hồng quân Liên Xô đánh tan đạo quân Quan đông-chủ lực của phát xít Nhật.
Từ ngày 13 đến ngày 15-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) nhận định cơ hội cho nhân dân Việt Nam giành quyền độc lập đã tới, những điều kiện cho cuộc khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi. Hội nghị chủ trương kịp thời lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị nêu rõ đường lối đối nội, đối ngoại của cách mạng Việt Nam trong tình hình mới; thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, do ông Trường-Chinh, Tổng Bí thư của Đảng phụ trách. Ngay trong đêm 13-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc đã gửi Quân lệnh số 1 cho đồng bào và chiến sĩ cả nước nhanh chóng vùng dậy giành quyền độc lập.
Ngày 16-8-1945, Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào đã thông qua Mười chính sách lớn của Việt Minh, thông qua Lệnh tổng khởi nghĩa, quyết định Quốc kỳ nền đỏ, ở giữa có sao vàng năm cánh, chọn bài Tiến quân ca làm Quốc ca và bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương tức Chính phủ lâm thời do Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” 1.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 20 triệu nhân dân Việt Nam từ Bắc đến Nam đã đồng loạt vùng dậy tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa, giải phóng toàn bộ đất nước.
Ngày 19-8, Hà Nội khởi nghĩa. Ngày 23-8 Huế khởi nghĩa, ngày 25-8 Sài Gòn khởi nghĩa. Chỉ trong vòng 12 ngày đêm trên đất nước Việt Nam, chính quyền của bọn đế quốc và phong kiến tay sai thống trị gần một trăm năm đã bị đập tan và chế độ quân chủ tồn tại hàng ngàn năm đã bị xoá bỏ vĩnh viễn, chế độ thuộc địa nửa phong kiến sụp đổ. Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công. Lần đầu tiên chính quyền thật sự thuộc về nhân dân.
Ngày 25-8-1945, Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng Hồ Chí Minh về đến Hà Nội.
Ngày 27-8-1945, theo đề nghị của Người, Ủy ban Dân tộc giải phóng do Quốc dân Đại hội ở Tân Trào cử ra được cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Nhiều Ủy viên Việt Minh trong Chính phủ đã tự nguyện rút ra khỏi Chính phủ để mời thêm nhiều nhân sĩ ngoài Việt Minh tham gia. Chính phủ ra Lời tuyên cáo nói rõ: Nhiệm vụ của Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam hết sức nặng nề. Làm sao cho Chính phủ lâm thời tiêu biểu được Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi và đầy đủ. Bởi vậy, tuân theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc giải phóng đã quyết định tự cải tổ mời thêm một số nhân sĩ tham gia Chính phủ đặng cùng nhau gánh vác nhiệm vụ nặng nề mà quốc dân giao phó. Chính phủ lâm thời không phải là Chính phủ riêng của Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh (Việt Minh) như có người đã lầm tưởng. Cũng không phải là một Chính phủ chỉ bao gồm các đại biểu của các chính đảng. Nó thật là một Chính phủ quốc gia thống nhất, giữ trọng trách chỉ đạo trong toàn quốc, đợi đến ngày triệu tập được Quốc hội để cử ra một Chính phủ dân chủ cộng hòa chính thức.
Ngày 30-8-1945, tại Huế, các ông Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận thay mặt Chính phủ lâm thời tuyên bố chấp nhận sự thoái vị của Bảo Đại và nhận ấn, kiếm của nhà Vua giao nộp cho Chính phủ trước sự chứng kiến của hàng vạn đồng bào Thừa Thiên - Huế.
Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời đã làm lễ ra mắt quốc dân tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố với quốc dân và thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Ngày 3-9-1945, Chính phủ lâm thời đã họp phiên đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa. Chính phủ đã thảo luận và tán thành 6 vấn đề cấp bách do Chủ tịch nêu ra là:
1- Phát động phong trào tăng gia sản xuất để chống nạn đói, mở ngay cuộc lạc quyên gạo để giúp đỡ người nghèo.
2- Mở chiến dịch chống nạn mù chữ.
3- Tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, soạn thảo Hiến pháp dân chủ..
4- Mở chiến dịch giáo dục cần, kiệm, liêm, chính để bài trừ thói hư tật xấu của chế độ thực dân để lại.
5- Bỏ ngay thuế thân, thuế chợ, thuế đò, tuyệt đối cấm hút thuốc phiện.
6- Ra tuyên bố tự do tín ngưỡng và đoàn kết lương giáo.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) |
|
Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) ngày 2-9-1945 |
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ lâm thời sau phiên họp Chính phủ Đầu tiên (3-9-1945)
Từ trái sang phải: Hàng trước: Võ Nguyên Giáp (BT Nội vụ), Vũ Đình Hòe (BT Giáo dục), Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trần Huy Liệu (BT Thông tin), Nguyễn Văn Tố (BT Cứu tế)
Hai hàng sau: Nguyền Mạnh Hà (BT Kinh tế), Phạm Văn Đồng (BT Tài chính), Hoàng Tích Trí ( Thứ trưởng Y tế), Hoàng Minh Giám (BT Ngoại giao), Vũ Trọng Khánh (BT Tư pháp), Cù Huy Cận (BT Canh nông), Dương Đức Hiền (BT Thanh niên).
|
Ngày 4-9-1945, Chính phủ ra Sắc lệnh tổ chức Quỹ Độc lập, và Sắc lệnh ấn định Quốc kỳ Việt Nam hình chữ nhật, bề ngang bằng hai phần ba bề dài, nền màu đỏ tươi, ở giữa có sao năm cánh màu vàng tươi. Kèm theo đó là bản phụ định về kích thước cờ, mẫu sao, cách đặt sao.
Chính phủ phát động “Tuần lễ vàng” (17 đến 24-9-1945), đã quyên góp được 370 kg vàng và 40 triệu đồng cho Quỹ Quốc phòng và 20 triệu đồng cho Quỹ Độc lập.
Ngày 7-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh bãi bỏ thuế thân.
Ngày 8-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ để phụ trách việc chống nạn mù chữ trong cả nước.
|
Một lớp bình dân học vụ xoá mù chữ sau khi giành được chính quyền về tay nhân dân (1945) |
Ngày 8-9-1945, Chính phủ ra Sắc lệnh mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội (Quốc hội).
Ngày 10-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23-SLcử ông Vĩnh Thụy làm Cố vấn Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Ngày 15-9-1945, Chính phủ thành lập Phòng Quân giới với hai nhiệm vụ mua sắm vũ khí và tổ chức sản xuất vũ khí.
Ngày 20-9-1945, Chính phủ ra Sắc lệnh số 34-SL thành lập Uỷ ban dự thảo Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (gồm 7 người).
Ngày 22-9-1945, Chính phủ ra Sắc lệnh bãi bỏ thuế cho các môn bài có mức dưới 50 đồng, bãi bỏ thuế chợ, thuế xe đạp, thuế thổ trạch ở nông thôn.
Sau khi giành được độc lập, Nhà nước Dân chủ Cộng hoà non trẻ chẳng những phải giải quyết những hậu quả về kinh tế, xã hội do bọn đế quốc phong kiến để lại, mà còn phải đối phó ngay với nạn ngoại xâm. Mượn tiếng Đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật, quân đội Anh đã che chở cho bọn thực dân Pháp trở lại đánh chiếm Nam Bộ. Từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc, 20 vạn quân đội Tưởng Giới Thạch kéo vào đem theo cả bọn Việt gian phản động về nước, mưu toan chống phá cách mạng.
|
|
Các hoạt động quyên góp cứu đói hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ (1945) |
Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn rồi mở rộng chiến tranh ra toàn Nam Bộ, Nam Trung Bộ. Ngày 26-9-1945, qua Đài phát thanh, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào Nam Bộ anh dũng kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chính phủ đã ra huấn lệnh cho quân và dân Nam Bộ, đồng thời kêu gọi nhân dân cả nước chi viện sức người, sức của cho cuộc kháng chiến ở miền Nam; quyết định thành lập lực lượng Nam tiến, đưa ngay vào tham gia chiến đấu ở miền Nam.
Ngày 26-9-1945, Chính phủ ra Sắc lệnh số 39-SL lập Ủy ban dự thảo thể lệ Tổng tuyển cử (gồm 9 người). Sau đó, ngày 17-10-1945, Chính phủ ra Sắc lệnh số 51-SL quy định thể lệ Tổng tuyển cử, ấn định ngày 23-12-1945 sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử trong toàn quốc.
Ngày 17-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã gửi điện văn tới Tổng thống Mỹ H.Tơruman khẳng định địa vị pháp lý của Việt Nam trong các quan hệ quốc tế, trong việc giải quyết các vấn đề của Việt Nam và khu vực. Trong công điện gửi tướng Đờ Gôn, người đứng đầu Chính phủ Pháp; điện văn gửi Chủ tịch Quốc hội Pháp; điện văn gửi Hội nghị liên Phi; các điện văn gửi Thống chế Tưởng Giới Thạch; thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ,v.v, và trong các cuộc trả lời phỏng vấn báo chí trong, ngoài nước tháng 9 và tháng 10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam, xác định rõ địa vị pháp lý của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trên trường quốc tế. Người yêu cầu các quốc gia tôn trọng thực tế lịch sử hiển nhiên đó.
Ngày 20-10-1945, Chính phủ ra Thông tư giảm tô 25% so với mức địa tô trước Cách mạng .
Ngày 26-10-1945, Chính phủ ra Nghị định giảm thuế ruộng 20% và miễn thuế hoàn toàn cho những vùng bị ngập lụt.
Ngày 8-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân chống nạn đói, một trong những tai họa lớn và cấp bách. Trước đó trong phiên họp của Chính phủ ngày 3-9, Chủ tịch đã đề nghị phát động một chiến dịch cứu đói. Cuối tháng 9, Chủ tịch kêu gọi mọi người nhường cơm xẻ áo và Người “xung phong làm trước, cứ mười ngày nhịn ăn một bữa đem gạo để cứu dân nghèo”. Toàn dân ta hết lòng hưởng ứng phong trào tăng gia sản xuất do Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động. Nạn đói đã thu hẹp dần và cuối cùng bị dập tắt.
Ngày 11-11-1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương rút vào hoạt động bí mật.
Ngày 22-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 63-SL về tổ chức, quyền hạn, cách làm việc của Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp. Theo Sắc lệnh trên, chính quyền ở mỗi địa phương sẽ có 2 cơ quan: thay mặt cho dân là Hội đồng nhân dân do phổ thông đầu phiếu bầu ra, vừa thay mặt cho dân vừa đại diện cho Chính phủ là Ủy ban hành chính do Hội đồng nhân dân bầu ra.
Sau khi có Sắc lệnh số 63-SL, ở Bắc Bộ, trong số 227 huyện và thị xã, có 128 huyện và thị xã đã bầu được Ủy ban hành chính chính thức. ở Trung Bộ, trừ các tỉnh trực tiếp kháng chiến, tất cả các tỉnh còn lại đều đã có Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính chính thức. ở Nam Bộ, do hoàn cảnh chiến tranh bùng nổ sớm, sau một thời gian phân tán, Ủy ban nhân dân lâm thời khắp nơi lần lượt được tập trung và hoạt động trở lại (sau đó đổi thành Ủy ban kháng chiến lâm thời).
Ngày 1-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 70-SL cử Bộ trưởng Lao động Lê Văn Hiến làm Đặc phái viên của Chính phủ ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
Ngày 2-12-1945, Chính phủ ra Sắc lệnh số 71 và 72-SL về bổ sung thể lệ Tổng tuyển cử. Tiếp đó, ngày 18-12-1945, Chính phủ ra Sắc lệnh số 76-SL hoãn ngày Tổng tuyển cử đến ngày 6-1-1946 và gia hạn nộp đơn ứng cử đến hết ngày 27-12-1945.
Ngày 21-12-1945, Chính phủ ra Sắc lệnh số 77-SL về việc thành lập thành phố trực thuộc Chính phủ Trung ương, hoặc Kỳ, thị xã thuộc Kỳ hoặc tỉnh.
Thực hiện Chỉ thị Kháng chiến, kiến quốc của Trung ương Đảng, ngày 31-12-1945, Chính phủ ra Sắc lệnh số 78-SL thành lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch Kiến quốc của Chính phủ. Ủy ban này gồm 41 thành viên đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chính phủ. Ủy ban có nhiệm vụ nghiên cứu một kế hoạch thiết thực để kiến thiết đất nước về mặt kinh tế, tài chính, hành chính, xã hội, văn hoá và nghiên cứu những dự án kiến thiết khác.