III - TỔNG TUYỂN CỬ - THÀNH LẬP CHÍNH PHỦ LIÊN HIỆP
KHÁNG CHIẾN
Ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên diễn ra trên đất nước Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử mọi người dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt nam, nữ đều được hưởng quyền bầu cử và ứng cử Quốc hội. Hơn 90% tổng số cử tri đã đi bỏ phiếu. Nhân dân cả nước đã bầu 333 đại biểu vào Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Chủ tịch Hồ Chí Minh ứng cử ở Hà Nội và đã trúng cử với số phiếu cao nhất là 98,4%.
Ngày 26-1-1946, Chính phủ liên hiệp lâm thời ban bố Quốc lệnh gồm 10 điều thưởng và 10 điều phạt. Trong 10 điều thưởng có các điều: 1- Nhà nào có 3 con tòng quân sẽ được thưởng. 2- Ai lập được quân công sẽ được thưởng. 3- Ai vì nước hy sinh sẽ được thưởng. Trong 10 điều phạt có các điều: 1- Thông tin với giặc, phản quốc sẽ bị xử tử. 2- Trái quân lệnh sẽ bị xử tử. 3- Ra trận tự ý rút lui sẽ bị xử tử. 5- Phá hoại quân khí sẽ bị xử tử. 6- Để cho bộ đội hại dân sẽ bị xử tử.
|
Chính phủ Liên hiệp kháng chiến ra mắt (2-3-1946) |
Ngày 21-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23-SL về việc thành lập “Việt Nam Công an vụ”. Với Sắc lệnh này, cơ quan An ninh quốc gia có hệ thống tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã được thành lập.
Ngày 2-3-1946, Quốc hội khoá I đã tiến hành kỳ họp thứ nhất tại Thủ đô Hà Nội. Quốc hội đã thông qua danh sách 70 đại biểu của Việt Nam Quốc dân đảng và Việt Nam Cách mệnh đồng minh hội bổ sung vào Quốc hội. Quốc hội đã nhất trí bầu Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Chính phủ liên hiệp kháng chiến; bầu Cụ Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Quốc hội công nhận Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập. Quốc hội cũng đã bầu Tiểu ban dự thảo Hiến pháp, Kháng chiến uỷ viên hội và Đoàn cố vấn tối cao. Quốc hội trao cho Chính phủ liên hiệp kháng chiến nhiệm vụ “thực hiện triệt để sự thống nhất các lực lượng của quốc dân về phương diện quân sự, tuyên truyền, hành chính, tư pháp”, tổng động viên nhân lực và tài sản của quốc gia theo nhu cầu của tình thế để đưa kháng chiến đến thắng lợi và nước nhà đến độc lập hoàn toàn. Chính phủ có quyền tuyên chiến hay đình chiến sau khi đã thoả thuận với Ban Thường trực Quốc hội.
Trong phiên họp đầu tiên ngày 4-3-1946, Chính phủ liên hiệp kháng chiến đã quyết định một số chủ trương đối nội và đối ngoại:
Về đối nội:
1- Các đảng phái phải đoàn kết chặt chẽ, ngôn luận, hành động phải nhất trí để phụng sự quốc gia.
2- Sinh mệnh và tài sản của tất cả công dân Việt Nam và kiều dân ngoại quốc được hoàn toàn bảo đảm.
3- Hành chính và quân đội phải thống nhất, tài chính kinh tế tập trung.
4- Mọi lực lượng của quốc dân được huy động để dùng trong việc kháng chiến kiến quốc và toàn thể nhân dân, nhất là những người làm việc công phải tuân theo kỷ luật.
Về ngoại giao:
1- Đối với các nước Đồng minh, nước Việt Nam bao giờ cũng chủ trương thân thiện, nhất là đối với Trung Hoa.
2- Đối với các nước nhược tiểu đang đấu tranh giành độc lập thì dân tộc Việt Nam rất đồng tình.
3- Đối với nhân dân Pháp, dân tộc Việt Nam không thù hằn, song cực lực phản đối chế độ thực dân và cương quyết giữ quyền độc lập. Chính phủ Việt Nam chỉ nhận điều đình với Chính phủ Pháp theo nguyên tắc “Dân tộc tự quyết” của Hiến chương Đại Tây Dương.
Do tình thế đặc biệt cấp bách về ngoại giao, nhất là sau khi Hiệp ước Pháp-Hoa đã được ký kết (28-2-1946), Chính phủ đã quyết định cử Cụ Hồ Chí Minh, các ông Nguyễn Tường Tam, Phan Anh, Võ Nguyên Giáp và Vũ Hồng Khanh phụ trách giải quyết công việc đàm phán.
Đối với Pháp, Chính phủ Việt Nam chủ trương “hoà để tiến”, tránh tình thế một lúc phải chiến đấu với nhiều kẻ thù, tranh thủ thêm thời gian hoà bình để củng cố và phát triển lực lượng.
Ngày 6-3-1946, tại nhà số 2 phố Lê Lai, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam cùng với đại diện Chính phủ Pháp J.Xanhtơny (Sainteny) ký Hiệp định Sơ bộ Việt - Pháp - Bản Hiệp định quốc tế đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với nước ngoài. Nội dung tóm tắt của Hiệp định là:
- Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một nước tự do, có Chính phủ, Nghị viện, quân đội, tài chính của mình, ở trong Liên bang Đông Dương và khối Liên hiệp Pháp .
- Pháp cam đoan thừa nhận kết quả của việc trưng cầu dân ý về thống nhất ba kỳ.
- Việt Nam thỏa thuận để 15.000 quân Pháp ra Bắc Việt Nam, thay thế quân Tưởng và sẽ rút đi sau một thời gian quy định.
- Đình chiến để đàm phán chính thức.
Do kết quả của Hiệp định trên Việt Nam đã có gần một năm hoà bình để xây dựng lực lượng căn bản cho cuộc kháng chiến lâu dài.
Ngày 22-3-1946, Chính phủ ra Sắc lệnh số 33-SL quy định cấp bậc, quân phục, quân hiệu, cấp hiệu cho Lục quân.
Ngày 29-3-1946, Chính phủ ra Sắc lệnh số 40-SL về việc bảo vệ tự do cá nhân và Sắc lệnh số 41-SL về những quy định tạm thời cho chế độ báo chí và xuất bản.
Ngày 10-4-1946, Chính phủ ra Sắc lệnh số 48-SL về việc thiết lập Đảm phụ quốc phòng, nhằm huy động của cải của nhân dân đóng góp cho nhu cầu kháng chiến và kiến quốc.
Ngày 22-4-1946, Chính phủ ra Sắc lệnh số 52-SL quy định thể thức xin lập hội (hoặc đoàn thể) của công dân Việt Nam.
Để chuẩn bị cho cuộc đàm phán đình chiến, từ ngày 18-4 đến ngày 12-5-1946 phái đoàn Chính phủ Việt Nam và Pháp đã họp trù bị ở Đà Lạt. Phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do ông Võ Nguyên Giáp lãnh đạo. Trong hội nghị phái đoàn Việt Nam đã đấu tranh vạch trần âm mưu của thực dân Pháp định xoá bỏ Hiệp định Sơ bộ 6-3 hòng lập lại chế độ thuộc địa ở Việt Nam, kiên quyết giữ vững lập trường: “hoà bình trong tự do, bình đẳng, phù hợp với Hiệp định Sơ bộ 6-3, chứ không phải hoà bình trong nô lệ”.
Sau gần 1 tháng, Hội nghị bế tắc vì thái độ ngoan cố của phái đoàn Pháp.
Ngày 22-5-1946, Chính phủ ra Sắc lệnh số 71-SL về việc quân đội của nước Việt Nam là một quân đội quốc gia. Sắc lệnh đã đổi tên Vệ quốc đoàn thành Quân đội quốc gia của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trong quân đội có một hệ thống biên chế thống nhất theo từng trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội.
Từ ngày 6-7 đến ngày 3-9-1946, phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do ông Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn đã sang Pháp dự cuộc đàm phán Việt-Pháp ở Phôngtennơblô (Fontainebleau). Dưới sức ép của các thế lực phản động Pháp và được Mỹ ủng hộ, Chính phủ Pháp vẫn giữ nguyên những quan điểm từ Hội nghị trù bị Đà Lạt đối với những vấn đề cơ bản quyết định quan hệ giữa hai nước Việt-Pháp. Mặt khác, Chính phủ Pháp vẫn dung túng cho bọn thực dân hiếu chiến ở Đông Dương thực hiện từng bước chính sách lấn dần, trắng trợn xoá bỏ Hiệp định Sơ bộ. Vì thái độ ngoan cố đó, cuộc đàm phán phải đình chỉ.
Ngày 27-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ, quyết định Cụ Huỳnh Thúc Kháng tạm thay Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người đi vắng. Sau đó ngày 29-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 82-SL về việc ủy nhiệm Cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thay Chủ tịch Chính phủ đi vắng, ký công văn hàng ngày và chủ toạ họp Hội đồng Chính phủ.
Ngày 30-5-1946, Chính phủ ra Sắc lệnh số 89-SL về việc Chính phủ Việt Nam tạm thời giành quyền tìm kiếm mỏ và Sắc lệnh số 90-SL ấn định những khu mỏ thuộc quyền sở hữu của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Ngày 31-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp đã lên đường sang thăm nước Pháp. Trước khi lên đường, Người viết thư gửi đồng bào Nam Bộ, khẳng định:
“Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam.
Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi ”.
Những ngày ở nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp xúc với Đảng Cộng sản, các tầng lớp nhân dân Pháp, gặp gỡ đại biểu Việt kiều, các nhân sĩ, trí thức, một số người đứng đầu các đảng phái ở Pháp. Người ra sức tuyên truyền, làm sáng tỏ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, tranh thủ sự đồng tình, nâng cao uy tín quốc tế của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Người tỏ rõ thiện chí hoà bình trên nguyên tắc bảo vệ chủ quyền và thống nhất của dân tộc Việt Nam.
Do thái độ ngoan cố và hiếu chiến của thực dân Pháp, cuộc đàm phán giữa hai phái đoàn Chính phủ thất bại. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với Chính phủ Pháp Tạm ước ngày 14 tháng 9 để tranh thủ thời gian tiếp tục xây dựng lực lượng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn quốc mà Người biết chắc chắn sẽ xảy ra. Ngày 16-9, Chủ tịch rời Pari và về đến Hải Phòng ngày 20-10-1946.