VI- ĐẨY MẠNH CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP
Từ 11 đến 19-2-1951, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, họp ở xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang).
Báo cáo Chính trị tại Đại hội đã nêu rõ rằng để hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo sự nghiệp đánh thắng giặc Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, Đảng Cộng sản Đông Dương phải ra hoạt động công khai và tổ chức lại cho thích hợp với tình hình mỗi nước. Đại hội đã quyết định xây dựng ở mỗi nước Việt Nam, Lào, Campuchia một Đảng Cách mạng thích hợp với hoàn cảnh cụ thể để lãnh đạo cuộc kháng chiến ở từng nước đến thắng lợi hoàn toàn. ở Việt Nam, Đại hội quyết định xây dựng Đảng Lao động Việt Nam và đưa Đảng ra công khai. Đại hội đã thông qua Chính cương, Điều lệ mới của Đảng, bầu ra Ban Chấp hành Trung ương mới. Cụ Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng và ông Trường-Chinh được bầu làm Tổng Bí thư. Đại hội đã chỉ rõ: Nhiệm vụ cơ bản của Cách mạng Việt Nam là đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược, giành độc lập và thống nhất hoàn toàn cho dân tộc, thủ tiêu chế độ thuộc địa trong vùng tạm bị chiếm, xoá bỏ những tàn tích phong kiến và nửa phong kiến, thực hiện chủ trương người cày có ruộng, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, gây cơ sở cho chủ nghĩa xã hội.
Về đường lối kháng chiến, Đại hội khẳng định: Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam là cuộc chiến tranh nhân dân. Đặc điểm của nó là toàn dân, toàn diện, trường kỳ và nhất định thắng lợi.
Ngày 16-2-1951, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Thông tư về việc vận động phê bình và tự phê bình trong các cơ quan và cán bộ chính quyền. Mục đích của cuộc vận động là nhằm giáo dục tinh thần phê bình và tự phê bình cho cán bộ, mở rộng dân chủ, củng cố chính quyền dân chủ nhân dân để chính quyền phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến có hiệu quả hơn.
Từ ngày 3 đến ngày 7-3-1951, Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh và Liên Việt thành một mặt trận lấy tên là Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam, gọi tắt là Mặt trận Liên Việt. Mặt trận Liên Việt bao gồm tất cả các đoàn thể, tôn giáo, đảng phái, các cá nhân yêu nước nhằm kết chặt khối đại đoàn kết toàn dân để kháng chiến kiến quốc. Tuyên ngôn của Đại hội ghi rõ mục đích của Mặt trận Liên Việt là: “Tiêu diệt thực dân Pháp, đánh bại bọn can thiệp Mỹ, trừng trị Việt gian phản quốc, thực hiện một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do, phú cường và góp sức vào việc bảo vệ hoà bình, dân chủ thế giới”.
Ngày 1-5-1951, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 13-SL bãi bỏ các thứ đóng góp về nông nghiệp cho ngân sách toàn quốc và quỹ địa phương như: thuế điền thổ, thóc công lương, thóc nộp cho quỹ xã, thóc đắp đường; bãi bỏ việc mua thóc định giá; đặt chế độ thu thuế nông nghiệp bằng thóc tính theo hoa lợi.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 2 (1951) |
|
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 2 tại Việt Bắc
(Chiêm Hoá, Tuyên Quang tháng 2-1951)
Ngày 6-5-1951, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 15-SL thành lập Ngân hàng quốc gia Việt Nam và Sắc lệnh số 16-SL bổ nhiệm các ông: Nguyễn Lương Bằng và Lê Viết Lượng làm Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng quốc gia Việt Nam.
Ngân hàng quốc gia Việt Nam có nhiệm vụ:
1- Phát hành giấy bạc ngân hàng, điều hoà lưu thông tiền tệ.
2- Quản lý quỹ quốc gia, quỹ ngoại tệ.
3- Quản lý kim dụng bằng các thể lệ hành chính.
4- Đấu tranh tiền tệ với địch.
Ngân hàng quốc gia Việt Nam ra đời đã góp phần giải quyết những khó khăn về kinh tế, tài chính, đẩy mạnh kháng chiến. Ngân hàng có kế hoạch cho nhân dân vay vốn để phát triển sản xuất và giúp công thương nghiệp mở mang kinh doanh.
Ngày 14-5-1951, Chính phủ ra Sắc lệnh số 21-SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công thương và Sắc lệnh số 22-SL thành lập Sở Mậu dịch trong Bộ Công thương. Sở Mậu dịch có nhiệm vụ: Tổ chức việc buôn bán trong nước, điều hoà thị trường, ổn định giá cả, giúp đỡ sản xuất, giúp đỡ hợp tác xã phát triển, cung cấp những nhu cầu thiết yếu cho bộ đội, cơ quan và nhân dân, hướng dẫn, tập hợp thương nhân phục vụ kháng chiến, phục vụ dân sinh. Tổ chức việc buôn bán, trao đổi với nước ngoài. Tổ chức việc đấu tranh mậu dịch với địch.
Ngày 15-7-1951, Chính phủ ban hành Điều lệ tạm thời thuế nông nghiệp.
Ngày 22-7-1951, Chính phủ ban hành Sắc lệnh bãi bỏ thuế môn bài, thuế lãi doanh nghiệp, thuế lợi tức tổng hợp và các thứ thuế gián thu hiện hành và đặt hai thứ thuế: Thuế công nghiệp và thương nghiệp, thuế hàng hoá.
Từ ngày 27-9 đến 5-10-1951, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam họp Hội nghị lần thứ 2đã quyết định ba nhiệm vụ lớn:
- Ra sức tiêu diệt nhiều sinh lực địch, tiến tới giành ưu thế quân sự, phá kế hoạch phòng ngự của địch ở trung châu Bắc Bộ.
- Ra sức phá âm mưu thâm độc của địch “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”.
- Củng cố và phát triển sức kháng chiến của toàn quân, toàn dân.
Hội nghị đã ra nghị quyết về nhiệm vụ, phương châm công tác trong vùng tạm bị chiếm và vùng du kích.
Từ ngày 18-11-1951 đến ngày 23-2-1952, Chiến dịch Hoà Bình kết thúc thắng lợi. Quân và dân Việt Nam đã tiêu diệt được nhiều sinh lực địch. Chiến dịch Hoà Bình đã giải phóng 1.000 km2 lãnh thổ và 2 vạn dân. Mặt trận sau lưng địch đã giải phóng 4.000 km2 lãnh thổ và 2 triệu dân, mở rộng và khôi phục nhiều căn cứ du kích.
Chiến thắng Hoà Bình làm phá sản một kế hoạch chiến tranh lớn của địch trong Đông Xuân 1951-1952.
Ngày 17-3-1952, Chính phủ, Ban Thường trực Quốc hội và ủy ban Liên Việt toàn quốc phát động phong trào sản xuất, tiết kiệm và đợt thi đua sản xuất, lập công, đề cao chiến sĩ năm 1952.
Từ ngày 1 đến 6-5-1952, tại Việt Bắc, đã diễn ra Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc. Tại Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ mục đích, phương pháp và ý nghĩa của việc thi đua yêu nước. Tổng Bí thư Trường-Chinh đọc báo cáo “Phong trào thi đua ái quốc và chủ nghĩa anh hùng mới”. Sau Đại hội, ngày 10-8-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 107-SL tặng danh hiệu Anh hùng cho 7 chiến sĩ thi đua (trong tổng số 154 chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc), tiêu biểu cho công, nông, binh và lao động trí óc khắp các miền trong cả nước.
Ngày 1-10-1952, Chính phủ công bố Tám điều mệnh lệnh đối với các vùng mới giải phóng:
1- Bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Đại hội chiến sỹ thi đua, cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ 1 (từ ngày 1 đến ngày 6-5-1952).
|
2- Bảo vệ nghề nghiệp làm ăn của nhân dân.
3- Tịch thu tài sản của giặc Pháp và bọn phản quốc.
4- Bảo vệ đền chùa, nhà thờ, trường học, nhà thương và các cơ quan văn hoá - xã hội khác.
5- Thưởng người có công, phạt người có tội.
6- Giữ gìn trật tự trị an.
7- Nhân dân, đặc biệt là nông dân nên tổ chức lại.
8- Bảo vệ tính mạng và tài sản của kiều dân nước ngoài.
Từ ngày 14-10 đến 10-12-1952, Chiến dịch Tây Bắc kết thúc thắng lợi. Kết quả toàn chiến dịch đã loại khỏi vòng chiến đấu một bộ phận sinh lực quan trọng của địch. Tại khu vực Tây Bắc hầu hết các viên chỉ huy các vị trí lớn của Pháp đã bị bắt sống. Chiến thắng Tây Bắc có ý nghĩa vô cùng quan trọng: đã giải phóng đồng bào Tây Bắc khỏi ách áp bức của giặc, giải phóng một bộ phận đất đai rộng lớn, một vùng chiến lược quan trọng (gần 30.000 km2, với 250.000 dân). Đã tiêu diệt và chiếm lại gần 100 vị trí lớn nhỏ của địch ở Tây Bắc, tránh được sự uy hiếp của địch vào căn cứ địa Việt Bắc, tạo điều kiện về nhiều mặt cho Chiến dịch Điện Biên Phủ sau này.
Tháng Giêng năm 1953, Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Namđã họp. Tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc một bản báo cáo quan trọng. Người nhấn mạnh hai vấn đề chính: một là lãnh đạo kháng chiến và chính sách quân sự, hai là phát động quần chúng triệt để giảm tô, tiến tới cải cách ruộng đất.
Hội nghị thông qua bản dự thảo Cương lĩnh của Đảng Lao động Việt Nam về chính sách ruộng đất.
Ngày 28-1-1953, Chính phủ ra Sắc lệnh số 134-SL thành lập Khu Tây Bắc gồm các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Sơn La và Lai Châu.
Ngày 16-2-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 141-SL thành lập Thứ Bộ Công an. Đến tháng 6-1953, Hội đồng Chính phủ đổi tên Thứ Bộ Công an thành Bộ Công an. Ông Trần Quốc Hoàn được cử giữ chức Bộ trưởng.
Đầu tháng 3-1953, Hội đồng Chính phủ họp thảo luận báo cáo của Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng về mục đích, phương châm, kế hoạch phát động quần chúng và về nhiệm vụ của chính quyền trong phong trào phát động quần chúng. Hội đồng Chính phủ đã thông qua các văn bản về chính sách ruộng đất và phát động quần chúng.
Ngày 16-3-1953, Chính phủ ra Thông tư về việc chỉnh đốn chính quyền dân chủ nhân dân cấp xã qua việc phát động quần chúng nhằm làm cho tổ chức chính quyền được trong sạch, quan hệ giữa chính quyền và nhân dân được chặt chẽ, bảo vệ được quyền lợi kinh tế và ưu thế chính trị mà nông dân đã giành được.
Tiếp đó, ngày 12-4-1953, Chính phủ ban hành 3 Sắc lệnh về chính sách ruộng đất sau đây:
1- Sắc lệnh quy định chính sách ruộng đất, nội dung gồm các vấn đề: giảm tô, lĩnh canh ruộng đất, giảm tức, tịch thu ruộng đất của thực dân Pháp, Việt gian, phản động chia cho dân cày không có ruộng hoặc ít ruộng, chia ruộng hiến và ruộng đất công, sử dụng ruộng đất vắng chủ và ruộng của tư nhân bỏ hoang.
2- Sắc lệnh quy định việc thành lập Toà án nhân dân đặc biệt ở những nơi phát động quần chúng nhằm bảo đảm việc thi hành chính sách ruộng đất, giữ gìn trật tự xã hội.
3- Sắc lệnh quy định việc trừng trị những địa chủ chống pháp luật ở những nơi tiến hành phát động quần chúng thi hành chính sách ruộng đất.
Thủ tướng Chính phủ còn ban hành hai bản Nghị định quy định chi tiết thi hành các Sắc lệnh trên.
Ngày 22-6-1953, Chính phủ ban hành Chính sách dân tộc dựa trên đường lối chung là đoàn kết dân tộc trên nguyên tắc bình đẳng, tương trợ để kháng chiến, kiến quốc, để giúp đỡ nhau tiến bộ, phát triển về mọi mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá và để tiến tới thành lập những khu tự trị dân tộc. Chính sách dân tộc góp phần tăng thêm sức mạnh đoàn kết kháng chiến của các dân tộc.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc báo cáo tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá 1 (ngày 4-12-1953). |
|
Thực hiện "cải cách ruộng đất", chia ruộng đất cho nông dân ở Thái Nguyên (1953) |
Tiếp đó, ngày 4-10-1953, Chính phủ ban hành Chính sách tôn giáo, bao gồm những nội dung:
1- Tôn trọng tự do tín ngưỡng, mọi công dân có quyền tự do tín ngưỡng và quyền tự do không tín ngưỡng.
2- Đoàn kết nhân dân không phân biệt giáo lương để kháng chiến kiến quốc. Phá tan âm mưu của địch lợi dụng tôn giáo chia rẽ dân tộc, kiên quyết trừng trị những kẻ lợi dụng tôn giáo hành động phản quốc, hại dân.
3- Cải thiện đời sống, nâng cao trình độ chính trị, văn hoá của đồng bào tôn giáo.
Cuối tháng 10-1953, Hội đồng Chính phủ họp dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định:
- Thông qua kế hoạch củng cố xã sau phát động quần chúng,
- Sửa đổi Điều lệ thuế nông nghiệp nhằm mục đích giảm nhẹ sự đóng góp của đồng bào vùng sau lưng địch và đồng bào miền núi,
- Thông qua kế hoạch củng cố và xây dựng khu Tây Bắc,
- Tiếp tục tổ chức học tập tại chức cho cán bộ, công nhân viên để củng cố và phát huy kết quả tốt của chỉnh huấn,
- Mở cuộc vận động chống bệnh quan liêu giấy tờ vào cuối năm 1953, bắt đầu từ các cơ quan Trung ương.
Tháng 11-1953, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương và Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam đã họp.
Hội nghị lần thứ 5 của Trung ương Đảng đã bàn về chính sách cải cách ruộng đất để đưa ra thảo luận ở Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất của Đảng. Tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ hai nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân trong năm 1954 là đẩy mạnh kháng chiến, thực hiện cải cách ruộng đất.
Ngày 26-11-1953, trả lời phỏng vấn chủ bút báo Expressen (Thụy Điển), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ nguyên nhân và tình hình cuộc chiến tranh ở Việt Nam; tuyên bố lập trường của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam. Người khẳng định:“Cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thật sự của nước Việt Nam”1. “Việc thương lượng đình chiến chủ yếu là một việc giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với Chính phủ Pháp”2.
Từ ngày 1 đến ngày 4-12-1953, Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá I, đã nhất trí thông qua Luật cải cách ruộng đất. Luật cải cách ruộng đất do Quốc hội thông qua nêu rõ mục đích ý nghĩa cải cách ruộng đất là: “Thủ tiêu quyền chiếm hữu ruộng đất của thực dân Pháp và của đế quốc xâm lược khác ở Việt Nam, xoá bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ”, để thực hiện người cày có ruộng, giải phóng sức sản xuất ở nông thôn, cải thiện đời sống nông dân, đẩy mạnh kháng chiến.
Ngày 19-12-1953, Chính phủ đã ra Sắc lệnh số 197-SL ban bố Luật cải cách ruộng đất do Quốc hội đã thông qua. Luật cải cách ruộng đất đã đáp ứng yêu cầu căn bản và cấp bách của hàng triệu nông dân, nó là chỗ dựa vững chắc cho nông dân đấu tranh xoá bỏ chế độ bóc lột phong kiến, đưa kháng chiến đến thắng lợi.