Các chủ trương, chính sách, quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghệ vật liệu mới-công nghệ nano
Toàn văn Quyết định số 17/2001/QĐ-BKHCNMT ngày 11/06/2001 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ KH&CN) về việc phê duyệt mục tiêu, nội dung chủ yếu thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 5 năm 2001-2005: Chương trình "NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ VẬT LIỆU MỚI”, Mã số: KC.02
BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ
VÀ MÔI TRƯỜNG
---------
Số: 17/2001/QĐ-BKHCNMT
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------
Hà nội ngày 11 tháng 06 năm 2001
|
QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG
BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
Về việc Phê duyệt mục tiêu, nội dung chủ yếu thuộc
Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 5 năm
2001-2005: "Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vật liệu mới"
BỘ TRƯỞNG
BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
- Căn cứ Nghị định 22/CP ngày 22 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường;
- Căn cứ Quyết định số: 82/2001/QĐ-TTg ngày 24 tháng 5 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ chủ yếu và Danh mục các Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 5 năm 2001-2005;
- Xét đề nghị của các Ông, Bà Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học và công nghệ công nghiệp, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Phê duyệt mục tiêu, nội dung chủ yếu của Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 5 năm
2001-2005: "Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vật liệu mới", Mã số: KC.02 (Phụ lục kèm theo).
Điều 2: Các Ông, Bà Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học và công nghệ công nghiệp, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Chánh Văn phòng Bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
|
BỘ TRƯỞNG
BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
(Đã ký)
Chu Tuấn Nhạ
|
PHỤ LỤC
Mục tiêu, nội dung chủ yếu của chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 5 năm 2001-2005
"Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vật liệu mới", Mã số: KC.02
(Kèm theo Quyết định số: 17/2001/ QĐ - BKHCNMT ngày 11 tháng 6 năm 2001
của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường)
a. Mục tiêu:
- Xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ làm cơ sở cho việc tiếp nhận, thích nghi, làm chủ, cải tiến và phát triển công nghệ vật liệu mới.
- Nghiên cứu một số công nghệ tạo cơ sở cho việc nhập, chuyển giao và phát triển công nghệ trong lĩnh vực vật liệu.
- Nghiên cứu lựa chọn công nghệ mới và vật liệu mới phục vụ triển khai một số dự án và chương trình kinh tế-xã hội của nhà nước.
b. Nội dung chủ yếu:
- Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ hiện đại trong luyện gang, thép, nhôm và một số kim loại khác phù hợp với tài nguyên và điều kiện thực tế Việt Nam.
- Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tinh luyện, biến tính, hợp kim hoá, đúc và gia công gang thép, nhôm và các sản phẩm kim loại chất lượng cao phục vụ cho ngành chế tạo máy, xây dựng, sản xuất xi măng, hoá chất và quốc phòng.
- Hoàn thiện công nghệ sản xuất các sản phẩm gốm, sứ, thuỷ tinh cao cấp, vật liệu xốp có độ bền cao v.v...
- Nghiên cứu và phát triển vật liệu polyme, polyme nano-compozit trên nền nhựa nhiệt dẻo, vật liệu polyme compozit gia cường bằng một loại sợi đồng nhất hoặc lai tạo với với sợi thực vật (tre, nứa, đay, dừa,...) để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hạ giá thành sản phẩm, ứng dụng công nghệ đúc kéo, ép đùn, ép phun, ép nóng trong khuôn, cuộn trên máy để gia công các vật liệu nhận được.
- Mở rộng ứng dụng các loại polyme tổ hợp trên cơ sở các loại nhựa nhiệt dẻo và cao su thiên nhiên, cũng như các loại vật liệu tổ hợp khác để nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.
- Nghiên cứu và phát triển các loại vật liệu polymer y - sinh học trên cơ sở carbon, compozit carbon, polyuretan... Nâng cao chất lượng và mở rộng ứng dụng các sản phẩm trên cơ sở chitin/chitosan.
- Nghiên cứu vật liệu và công nghệ bảo vệ các công trình giao thông, xây dựng quốc phòng, công trình biển và hải đảo.
- Nghiên cứu vật liệu quang điện tử và quang tử, vật liệu biến đổi năng lượng, vật liệu từ tính cao cấp,vật liệu cấu trúc nanô. Nghiên cứu vật liệu xúc tác xử lý khí thải bằng đất hiếm, công nghệ sản xuất nam châm đất hiếm.
Các thành tựu về Công nghệ vật liệu mới -công nghệ nano
Về vật liệu, từ các kết quả nghiên cứu đã chế tạo thành công nhiều nhóm vật liệu mới thuộc các lĩnh vực: vật liệu kim loại, vô cơ-silicat, polyme composit, vật liệu điện tử và quang tử, vật liệu bảo vệ chống tác động của khí hậu và polyme thân thiện môi trường, phục vụ kịp thời cho nhu cầu trong nước và thay thế một khối lượng đáng kể vật liệu và sản phẩm nhập khẩu.
Đã xây dựng được tiềm lực KH&CN có khả năng giải quyết được các vấn đề do sản xuất trong nước đặt ra. Trên cơ sở các kết quả và kiến thức tích luỹ được khi giải quyết các vấn đề mang tính truyền thống, đã bắt đầu tiếp cận với vật liệu nano và bước đầu đã đạt được một số thành công, đặc biệt là trong lĩnh vực vật liệu nanopolyme composit.
Xây dựng được quy trình công nghệ chế tạo 7 loại sản phẩm hợp kim trung gian khác nhau, đó là: hợp kim FeREMg, hợp kim Fero FeREMgTi (4-5%Mg, 10% RE và khoảng 4%Ti); hợp kim Fero FeREMgCa (6-7%Mg, 10% RE và khoảng 5%Ca); hợp kim Fero FeRECa, hợp kim Fero Titan FeTi (khoảng 30% Ti); xỉ Titan (85 - 90% TiO2 ). Đã tiến hành nghiên cứu công nghệ chế tạo hợp kim nặng có tính năng đặc biệt trên cơ sở wolfram để chế tạo lõi đạn xuyên, các loại bột kim loại có tính năng đặc biệt, vật liệu composit kim loại.
Đã nghiên cứu và chế tạo thành công 7 hệ vật liệu polyme composit lai tạo trên cơ sở nhựa PP, PEKN và epoxy với các loại sợi dừa, đay, tre, thuỷ tinh, cacbon và kevlar, như: các loại vật liệu PC lai tạo trên cơ sở nhựa PEKN gia cường bằng hệ sợi đay/thuỷ tinh theo cấu trúc vỏ-cốt và các lớp xen kẽ; vật liệu PC lai tạo trên cơ sở nhựa epoxy gia cường bằng hệ sợi cacbon/kevlar, kevlar/thuỷ tinh và cacbon/thuỷ tinh
Đã xây dựng được công nghệ chế tạo vật liệu PC trên cơ sở vinylesteepoxy phục vụ cho các nhà máy hoá chất. Từ kết quả nghiên cứu công nghệ sản xuất polyme tự phân huỷ, công nghệ sản xuất polyme siêu hấp thụ nước, đã thiết kế xây dựng dây chuyền sản xuất vật liệu polyme siêu hấp thụ nước 200 tấn/năm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp vùng khô hạn. Hình thành qui trình tổng hợp polyimid nhiệt dẻo và nhiệt rắn, sản xuất sơn bột tĩnh điện.
Đã xây dựng được quy trình công nghệ chế tạo túi đập thuỷ lợi trên cơ sở blend cao su tự nhiên (CSTN) và cao su cloropren (Baypren 210) để ứng dụng trong kỹ thuật ngụy trang và đập thuỷ lợi. Túi đập được chế tạo chính xác, kín nước, vững chắc, có thể nạp, xả nước dễ dàng khi gặp lũ đột ngột. Đồng thời đã xây dựng quy trình công nghệ chế thử vải địa kỹ thuật trên cơ sở biến tính CSTN với PE; công nghệ chế tạo vật liệu hấp thụ bức xạ radar.
Các loại vật liệu polyme y sinh trên cơ sở cacbon, composit cacbon, polyuretan,... đã được nghiên cứu và triển khai, tạo ra các sản phẩm đạt chất lượng cao. Vật liệu cacbon y sinh đã được nghiên cứu, chế tạo và thử nghiệm cấy ghép một số sản phẩm trong cơ thể.
Đã tiến hành nghiên cứu công nghệ chế tạo 9 loại vật liệu phục vụ cho việc thử nghiệm công nghệ chống ăn mòn kim loại như: dầu bảo quản, mỡ bảo quản, túi bảo quản, màng LDPE có chất ức chế, dầu phanh, sơn bán cứng, nhũ tương nước trên cơ sở sáp và polyme dùng các phụ gia và ức chế ăn mòn, sơn có chất ức chế ăn mòn. Đã tiến hành thử nghiệm vật liệu tại hai địa điểm (Quân khu 1, Quân khu 4) với mục đích thu thập số liệu cho việc xây dựng bản đồ thống kê ăn mòn đồng thời kết hợp với thử nghiệm vật liệu.
Xây dựng được công nghệ chế tạo vật liệu xúc tác chứa đất hiếm. Triển khai thí nghiệm chế tạo vật liệu xúc tác bằng hỗn hợp các ôxit kim loại quý, kim loại chuyển tiếp trên chất mang, trên cơ sở đó đã chế tạo được lò đốt rác y tế có bộ lọc khí thải bằng vật liệu xúc tác đất hiếm.
Đã tiến hành nghiên cứu công nghệ chế tạo vật liệu cảm biến và tạo ra được nhiều loại sensor, thiết bị đo phục vụ cho các mục đích khác nhau. Xây dựng được công nghệ chế tạo vật liệu gốm áp điện, trên cơ sở đó đã chế tạo một số xuyến để làm đầu phát siêu âm cho máy rửa siêu âm.
Hoàn thiện công nghệ chế tạo vật liệu từ tính mới dạng khối, dạng màng mỏng, nano tinh thể để sản xuất biến áp tần số, biến áp nguồn, biến áp sung, máy đo từ trường và máy dò kim loại.
Đã chế tạo thiết bị xử lý bụi, vi khuẩn, độc tố hoá chất, nước để nâng cao chất lượng các sản phẩm và thủy sản xuất khẩu: các thiết bị điều chế không khí vô trùng xử lý bụi, vi khuẩn như Khóa không khí (AIRSHOWER), Buồng an toàn sinh học cấp II (BAS-II), Tủ truyền (PASS BOX), Phòng sạch (Clean room), Buồng thổi gió vô trùng (LAF); Các thiết bị xử lý hơi hoá chất độc hại như Tủ hút hóa chất (Chemical foom hoods), Buồng an toàn hữu cơ (BAO), Tủ hút hóa chất hữu cơ (AIRSORB), Chụp hút cánh tay di động; Một số phương tiện cá nhân bảo vệ cơ quan hô hấp…; Hệ thống cấp nước công nghiệp và giải pháp kỹ thuật để xử lý nước thải chứa kháng sinh và kim loại nặng. Góp phần thiết thực đảm bảo môi trường sạch cho sản xuất dược phẩm và thuỷ sản xuất khẩu nhằm nâng cao chất lượng và uy tín của sản phẩm hàng Việt Nam trên thị trường trong nước và khu vực.
Đã nghiên cứu thành công công nghệ sản xuất sơn xe máy chất lượng quốc tế và dây chuyền sản xuất sơn xe máy 500T/năm có chất lượng sản phẩm đạt các chỉ tiêu kỹ thuật tương đương ngoại nhập. Hiện các công ty sản xuất xe máy như Honda, Yamaha, Tiến Lộc, Hoa Lâm đã sử dụng sơn xe máy của công ty Sơn tổng hợp Hà Nội thay thế hàng nhập ngoại, hạ giá thành sản phẩm, tăng tính chủ động trong sản xuất.
Đã xây dựng được công nghệ sản xuất bột mầu vàng thư trên cơ sở hợp chất của crom có chất lượng và độ ổn định màu tương đương sản phẩm cùng loại của Trung Quốc. Nghiên cứu thành công công nghệ sản xuất bột màu cho công nghiệp gốm sứ. Sản xuất thử nghiệm bột màu xanh nước biển, xanh lá cây, nâu và đen cho công nghiệp gạch ốp lát.
Đã nghiên cứu hoàn thiện các công nghệ sản xuất axít stearic từ dầu mỡ động thực vật phế thải, như: sản xuất axít stearic bằng phương pháp chưng cất metyl stearat từ metyl este của các axít béo từ dầu mỡ động thực vật và phế thải của các nhà máy tinh luyện; Sản xuất axít stearic bằng phương pháp ép hỗn hợp axít béo thủy phân từ dầu mỡ; Kết tinh axít stearic từ hỗn hợp axít béo thủy phân. Từ các kết quả nghiên cứu đã thiết kế, chế tạo và lắp đặt thiết bị Pilot theo công nghệ này và đã tiến hành sản xuất thử nghiệm 1.100 kg axít stearic công nghiệp (30,8 %) từ mỡ cá basa và 479,2 kg axít stearic 94 % từ mỡ bò. Axít stearic công nghiệp đã được thử nghiệm trong lưu hóa cao su SBR-1502 tại Nhà máy Cao su Sao vàng.
Đã thử nghiệm và sản xuất thành công các chế phẩm xử lý ô nhiễm, như các chất chuẩn cản X-quang dùng trong y tế, dung dịch dùng để tẩy rửa giàn khoan CW-2 chất lượng cao, giá thành rẻ thay thế được cho sản phẩm nhập khẩu, sản xuất và cung cấp hàng trăm tấn chất keo tụ polime nhôm PAC để làm sạch nước sinh hoạt phục vụ dân cư tại các vùng lũ lụt ở Đồng bằng sông Cửu Long, sản xuất hàng loạt vật liệu xúc tác dùng trong các thiết bị xử lý nước nhiễm sắt và mangan...
Công nghệ nano, trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ nano, một số kết quả khoa học công nghệ có giá trị đã được nghiên cứu thành công, như: chế tạo một số hệ nano tinh thể bán dẫn họ AIIBVI, các laser vi cầu, vật liệu dẫn sóng phẳng có khả năng ứng dụng trong công nghệ quang tử hiện đại và kỹ thuật đánh dấu. Đã chế tạo thành công cấu trúc nano hình dây, thanh, băng, ống, đĩa của các oxit và bán dẫn II-VI bằng phương pháp bay bốc nhiệt; chế tạo màng kim cương nano bằng phương pháp HFCVD và bằng phương pháp CVD; chế tạo các polyme dẫn điện có cấu trúc nano và các nano composit tổ hợp nanoclay với polyme dẫn điện để ứng dụng làm vật liệu bảo vệ chống ăn mòn, vật liệu hấp thụ sóng viba; tổng hợp thành công vật liệu ưa hữu cơ nano mao quản Si-MCM-41, thử nghiệm làm chất hấp thụ chọn lọc, làm nền tảng cho việc chế tạo các máy tách nitơ-oxy từ không khí.