Sở hữu trí tuệ
Cục Sở hữu Trí tuệ là Cơ quan trực thuộc Bộ KH&CN, thực hiện chức năng quản lý nhà nước và đảm bảo các hoạt động sự nghiệp về sở hữu trí tuệ được quy định tại Nghị định số 54/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ và được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 28/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ.
Nhiệm vụ và quyền hạn:
(1) Xây dựng trình Bộ trưởng chiến lược, quy hoạch phát triển, kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm, các chương trình, dự án liên quan đến sự phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ trong phạm vi cả nước;
(2) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng để Bộ trưởng trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách liên quan đến sở hữu trí tuệ;
(3) Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án về sở hữu trí tuệ sau khi được ban hành hoặc phê duyệt;
(4) Phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện việc kiểm tra các văn bản, quy định do các Bộ, ngành, địa phương ban hành để kiến nghị cấp có thẩm quyền về việc sửa đổi, đình chỉ hoặc huỷ bỏ các quy định trái pháp luật về sở hữu trí tuệ;
(5) Ban hành các tài liệu hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về sở hữu trí tuệ, xây dựng trình Bộ trưởng ban hành các biểu mẫu, chứng chỉ, văn bằng bảo hộ, quy chế, tiêu chuẩn liên quan đến việc đăng ký xác lập các quyền sở hữu công nghiệp cũng như các đối tượng sở hữu trí tuệ khác phù hợp với các quy định của pháp luật;
(6) Thực hiện các thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật;
(7) Thực hiện các thủ tục duy trì, gia hạn, sửa đổi, chuyển nhượng liên quan đến các quyền sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật;
(8) Thực hiện theo thẩm quyền các biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thi hành các biện pháp nhằm bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ và bảo đảm các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ được thi hành nghiêm chỉnh;
(9) Chỉ đạo nghiệp vụ sở hữu trí tuệ cho các cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ thuộc các Bộ, ngành, địa phương và cơ sở;
(10) Hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành pháp luật về sở hữu trí tuệ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo phân công của Bộ trưởng;
(11) Xây dựng trình Bộ trưởng các biện pháp nhằm đẩy mạnh các hoạt động sáng kiến, sáng tạo trong phạm vi toàn quốc; tổ chức thực hiện các hoạt động liên quan đến sáng kiến, sáng tạo theo phân công của Bộ trưởng;
(12) Phối hợp thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ; tham gia xây dựng, đàm phán để ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế, các tổ chức quốc tế về sở hữu trí tuệ;
(13) Xây dựng, quản lý và tổ chức khai thác cơ sở dữ liệu thông tin sở hữu trí tuệ; bảo đảm thông tin sở hữu trí tuệ phục vụ các hoạt động quản lý nhà nước, chuyên môn, nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, sản xuất, kinh doanh; công bố các thông tin liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ tại Việt Nam;
(14) Phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về sở hữu trí tuệ;
(15) Tổ chức thực hiện công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học về sở hữu trí tuệ;
(16) Kiểm tra các hoạt động chuyên môn và việc thực hiện các quy định pháp luật của các hội, tổ chức phi chính phủ về sở hữu trí tuệ theo phân công của Bộ trưởng; tiếp nhận, xử lý các kiến nghị và đề xuất biện pháp xử lý các vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ của các tổ chức đó nhằm hoàn thiện và phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ;
(17) Trong phạm vi được uỷ quyền, giải quyết hoặc tham gia giải quyết các tranh chấp về sở hữu trí tuệ; tiến hành các hoạt động thẩm định, giám định pháp lý phục vụ việc giải quyết các tranh chấp vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ;
(18) Quản lý về tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, tài sản, hồ sơ, tài liệu của Cục theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng;
(19) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.
Kinh tế thị trường trong nước và quan hệ kinh tế với nước ngoài ngày một phát triển, nhu cầu bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ngày một tăng. Công tác quản lý sáng kiến của Bộ đến thập kỷ 80 đã được phát triển thành công tác bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (SHCN), cơ quan chuyên trách đã được phát triển thành Cục sở hữu Công nghiệp (nay là Cục Sở hũu Trí tuệ), cơ sở pháp lý của hoạt động này đã nâng cấp từ Nghị định về từng đối tượng bảo hộ lên Pháp lệnh Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ công nghiệp, lên Luật dân sự và hiện nay đang xây dựng Luật Sở hữu trí tuệ theo yêu cầu của Quốc hội, bảo đảm hiệu lực ngày một cao hơn. Việc xét và cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được Cục Sở hữu Trí tuệ tiến hành với nhịp độ ngày một khẩn trương vì số đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ ngày càng nhiều (tính đến cuối tháng 3 năm 2004, Cục sở hữu trí tuệ đã tiếp nhận gần 125.000 đơn đăng ký các quyền SHCN khác nhau, trong đó có hơn 11.000 đơn sáng chế, 13.000 đơn kiểu dáng công nghiệp và gần 80.000 đơn nhãn hiệu hàng hóa. Cục đã cấp gần 70.000 văn bằng bảo hộ, trong đó sáng chế có hơn 4.200, kiểu dáng công nghiệp gần 8.000 và nhãn hiệu hàng hóa hơn 50.000. Ngoài ra, còn có gần 70.000 nhãn hiệu hàng hóa đăng ký theo Thỏa ước Madrid được công nhận bảo hộ ở nước ta. Như vậy, hiện nay tại Việt Nam đang có gần 140.000 đối tượng SHCN được bảo hộ bởi pháp luật của nước ta). Hàng ngàn vụ xâm phạm, vi phạm quyền SHCN đã bị phát hiện và xử lý bởi các cơ quan thực thi pháp luật, trong đó có sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của Cục Sở hữu Trí tuệ. Cục đã nộp vào ngân sách hàng trăm tỷ đồng tiền lệ phí đăng ký SHCN. Hàng ngàn lượt người đã được huấn luyện, đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ SHCN và đang phát huy tác dụng tại các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp khác nhau. Chúng ta cũng đã xây dựng được một kho tư liệu với gần 30 triệu tư liệu sáng chế, 2 triệu tư liệu nhãn hiệu và 1 triệu tư liệu kiểu dáng công nghiệp của thế giới.
Đã trình và được Chính phủ ban hành Nghị định 42/2003/NĐ-CP về bảo hộ quyền SHCN đối với mạch tích hợp bán dẫn. Ban hành theo thẩm quyền 2 Thông tư hướng dẫn thực hiện các thủ tục xác lập quyền SHCN đối với sáng chế, giải pháp hữu ích và kiểu dáng công nghiệp.
Công tác tuyên truyền, đào tạo, nâng cao nhận thức về SHCN cũng được đẩy mạnh: Đã tổ chức 25 lớp tập huấn về nghiệp vụ SHCN cho 1938 lượt người từ các Sở KH&CN, các Bộ, ngành và doanh nghiệp, tổ chức 11 Hội thảo quốc gia và quốc tế với hơn 1.000 đại biểu tham dự, tham gia giảng dạy chuyên đề SHCN tại các trường đại học, tích cực đưa tin, bài về SHCN trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức xã hội về SHCN và bảo vệ tài sản trí tuệ.