Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là cơ quan trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hoá theo quy định của pháp luật.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng được quy định trong Quyết định số 140/2004/QĐ-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhiệm vụ và quyền hạn:
- Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển về Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng (TC-ĐL-CL) và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Hướng dẫn và kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ kỹ thuật đối với hệ thống các cơ quan tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng Bộ, ngành, địa phương.
- Thống nhất quản lý Nhà nước hệ thống tiêu chuẩn Việt nam, bao gồm tổ chức xây dựng và áp dụng TCVN, hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn ngành và cơ sở, chủ trì tham gia xây dựng, hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.
- Thiết lập, duy trì, khai thác và bảo quản chuẩn đo lường quốc gia, kiểm định và hiệu chuẩn phương tiện đo, thống nhất quản lý Nhà nước hệ thống đo lường.
- Thống nhất quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, chủ trì kiểm tra Nhà nước hàng hoá lưu thông trong nước và hàng hoá xuất nhập khẩu.
- Quy định và hướng dẫn hoạt động công bố, công nhận và chứng nhận chất lượng.
- Hướng dẫn giải quyết các tranh chấp về chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Thanh tra và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, mã số mã vạch.
- Tổ chức thực hiện nghiên cứu khoa học, đào tạo, thông tin tuyên truyền, tư vấn và hợp tác quốc tế về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, năng suất, mã số mã vạch.
Các hoạt động dịch vụ chính:
- Cung cấp thông tin tiêu chuẩn, đo lường, năng suất và chất lượng.
- Đào tạo nghiệp vụ tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.
- Kiểm định, hiệu chuẩn, chế tạo, lắp đặt, thử nghiệm chuẩn và phương tiện đo.
- Tư vấn xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn ngành.
- Tư vấn xây dựng, áp dụng và chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng.
- Chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế.
- Thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hoá và công trình.
- Tổ chức đánh giá, công nhận các phòng thí nghiệm, các tổ chức chứng nhận, giám định, chuyên gia đánh giá.
Những thành tựu chính:
Ngành TC-ĐL-CL từ 24 người trong buổi đầu mới thành lập đã lớn mạnh lên cả về số lượng và chất lượng, đến nay có trên 1000 cán bộ công nhân viên làm việc tại 23 đơn vị của Tổng cục và hàng chục ngàn người khác đang công tác trong hệ thống TC-ĐL-CL cuả các Bộ, ngành, địa phương.
Một cơ sở hạ tầng vững mạnh đã được xây dựng cho hoạt động TC-ĐL-CL, bao gồm:
(1). Về giá trị tài sản (bao gồm nhà sở, trang thiết bị) của hệ thống cơ quan TC-ĐL-CL:
+ 173 tỷ đồng (giá trị còn lại)/ 294 tỷ đồng (giá trị nguyên giá) thuộc Tổng cục TC-ĐL-CL trực tiếp quản lý;
+ 300 tỷ đồng do 64 Chi cục TC-ĐL-CL trực tiếp quản lý.
(2). Gần 6000 TCVN với tỷ lệ 25% phù hợp tiêu chuẩn quốc tế.
(3). Hệ thống chuẩn đo lường quốc gia là cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng quan trọng cho sự phát triển của KH&CN, KT-XH và hội nhập kinh tế quốc tế.
Hệ thống chuẩn đo lường hiện tại chủ yếu đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về đo lường, cụ thể là phục vụ kiểm định các phương tiện đo dùng trong giao nhận, thanh toán. Tuy nhiên, Hệ thống chuẩn đo lường hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu hiệu chuẩn phương tiện đo của một số ngành công nghiệp như Dầu khí, Bưu chính viễn thông, Giao Thông vận tải Hàng không, Y tế, An ninh Quốc phòng.
So với các nước trong khu vực và quốc tế, Hệ thống chuẩn đo lường Quốc gia còn thấp về trình độ, không đồng bộ cả về chuẩn và phương tiện dẫn xuất chuẩn. Điều đó đã hạn chế việc tham gia của Việt Nam vào các phép so sánh chuẩn trong khu vực và quốc tế.
(4). Tổng cục TC-ĐL-CL đã hình thành được phòng thử nghiệm phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm (CLSP) đặt tại các Trung tâm Kỹ thuật 1,2,3. Các Chi cục TC-ĐL-CL tỉnh/thành phố cũng có các phòng thử nghiệm về CLSP phục vụ yêu cầu quản lý của địa phương.
Một số phòng thử nghiệm đạt trình độ tiên tiến, đó là các phòng thử nghiệm tham gia vào Hhệ thống phòng thử nghiệm được công nhận VILAS. Từ năm 1996 đến nay đã có khoảng 100 phòng thử nghiệm được VILAS công nhận trong 7 lĩnh vực: cơ học, vật liệu xây dựng, điện, thử nghiệm không phá huỷ, hoá học, sinh học, dược liệu.
Hầu hết các Bộ, ngành đã hình thành các phòng thử nghiệm phục vụ các yêu cầu nghiên cứu triển khai, sản xuất, kinh doanh và quản lý như: các phòng thử nghiệm về xây dựng (Bộ Xây dựng); các phòng thử nghiệm về thuốc chữa bệnh cho người (Bộ Y tế); các phòng thử nghiệm về dầu khí (Tổng Công ty Dầu khí Việt nam); các phòng thử nghiệm về thuốc trừ dịch hại (Bộ Nông Nghiệp & PTNT).
(5). Về nguồn lực thông tin
Tổng cục TC-ĐL-CL đã xây dựng được kho tư liệu TC-ĐL-CL với trên 200.000 tiêu chuẩn, sách, tạp chí của Việt Nam, các tổ chức quốc tế và nước ngoài. Phát hành tiêu chuẩn , các văn bản pháp quy về TC-ĐL-CL cho hàng nghìn khách hàng với trên 100.000 lượt tài liệu mỗi năm.
Cơ sở vật chất kỹ thuật, đặc biệt các thiết bị về công nghệ thông tin và nguồn thông tin điện tử được đầu tư tương đối hiện đại đã đưa vào vận hành mạng thông tin điện tử kết nối trực tiếp Internet giúp cho việc phổ biến và cập nhật thông tin phong phú, kịp thời trên mạng.
Hệ thống cơ quan TC-ĐL-CL từ Tổng cục TC-ĐL-CL đến các chi cục TC-ĐL-CL tỉnh thành phố đã được mạng LAN hoá hoặc trang bị các thiết bị công nghệ thông tin cần thiết để truy cập thường xuyên các thông tin trên mạng phục vụ yêu cầu quản lý và nhu cầu thông tin TC-ĐL-CL phục vụ doanh nghiệp.
Hàng năm có hàng triệu phương tiện đo được kiểm định, hiệu chuẩn, hàng trăm nghìn mẫu sản phẩm, hàng hoá được thử nghiệm, hàng chục nghìn lô hàng hoá XNK được kiểm tra, thẩm định về chất lượng, hàng trăm doanh nghiệp được chứng nhận có hệ thống quản lý theo các chuẩn mực quốc tế. Phong trào quảng bá năng suất và giải thưởng chất lượng cũng được triển khai mạnh mẽ. Hiện nay, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tham gia 18 tổ chức quốc tế và khu vực.
Với trên 40 năm xây dựng và phát triển, Tổng cục TCĐLCL xứng đáng là hạt nhân của hoạt động TCĐLCL trong cả nước, năm 2002 đã vinh dự được nhận phần thưởng cao quý của Nhà nước là Huân chương Độc lập hạng 3.