CÁC TỔ CHỨC DỊCH VỤ KH&CN
Tổ chức dịch vụ sở hữu trí tuệ
Các tổ chức dịch vụ sở hữu công nghiệp (SHCN) đã tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp và địa phương nâng cao nhận thức, năng lực quản lý và thực thi quyền SHCN và xây dựng cơ sở hạ tầng cho hệ thống SHCN cho những năm tiếp theo. Hiện có 35 tổ chức dịch vụ SHCN đang hoạt động ở Việt Nam, bao gồm các công ty, văn phòng hoặc trung tâm tư vấn luật pháp về SHCN thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau.
Ngày 22/12/2004, Cục Sở hữu Trí tuệ đã tổ chức trọng thể lễ khai trương Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh. Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, ông Nguyễn Thiện Nhân Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã nêu rõ sự quan tâm của lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và đánh giá cao sự có mặt Văn phòng đại diện của Cục Sở hữu Trí tuệ tại TP. Hồ Chí Minh, góp phần tích cực vào hoạt động tư vấn, hỗ trợ trực tiếp về sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân có nhu cầu về thông tin sở hữu trí tuệ.
Tổ chức dịch vụ về tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng
Hệ thống các hoạt động dịch vụ chính về tiêu chuẩn-đo lường- chất lượng (TC-ĐL-CL) bao gồm: hệ thống xây dựng Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) với 86 Ban kỹ thuật, 38 Tiểu ban kỹ thuật và trên 800 thành viên của các ban kỹ thuật và Tiểu ban kỹ thuật; hệ thống kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo; hệ thống thử nghiệm; hệ thống công nhận, chứng nhận chất lượng; hệ thống đào tạo và thông tin về TC-ĐL-CL.
Hiện nay, trên phạm vi cả nước có 160 phòng thí nghiệm, trong đó có 25 phòng hiệu chuẩn đã được VILAS công nhận phù hợp với chuẩn ISO/IEC 17025. Ngoài ra, hệ thống tổ chức được uỷ quyền kiểm định nhà nước cũng không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Theo số liệu của Tổng cục TC-ĐL-CL, trên toàn lãnh thổ Việt Nam hiện có 125 cơ sở được uỷ quyền kiểm định nhà nước thuộc các lĩnh vực: dung tích, khối lượng, áp suất, điện. Năm 2004, tại Việt Nam đã hình thành các tổ chức chuyên cung cấp những thông tin về rào cản kỹ thuật trong lĩnh vực TC-ĐL-CL.
Hoạt động của các tổ chức dịch vụ TC-ĐL-CL đã có những tác động trực tiếp và tích cực đối với nền kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, chống gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, phục vụ các yêu cầu quản lý của Nhà nước, liên quan đến an toàn, sức khoẻ và bảo vệ môi trường, đồng thời phục vụ các yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh, hội nhập kinh tế quốc tế.
Tổ chức dịch vụ thông tin khoa học và công nghệ
Tổ chức thông tin KH&CN của Bộ, ngành
Thực hiệnNghị định số 43/2003/NĐ-CP của Chính phủ, một số Bộ như: Lao động Thương binh-Xã hội, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Thuỷ sản, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đổi tên Trung tâm Thông tin KH&CN thành Trung tâm Tin học. Các trung tâm tin học này về thực chất vẫn đảm nhiệm đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của một cơ quan thông tin KH&CN của Bộ, ngành. Tuy nhiên, điểm khác biệt là chúng có thêm các nhiệm vụ như: tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng, quản lý mạng tin học phục vụ toàn ngành; tư vấn, đào tạo cho các đơn vị trong ngành về công tác thông tin KH&CN và công tác tin học theo quy định của pháp luật, v.v...
Tổ chức thông tin KH&CN của địa phương
Đến nay, tất cả 64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có cơ quan thông tin KH&CN là đơn vị sự nghiệp trực thuộc các Sở KH&CN, bao gồm: 16 trung tâm dưới các tên gọi khác nhau như Trung tâm Thông tin KH&CN, Trung tâm Thông tin-Tư liệu, Trung tâm Công nghệ thông tin và Tư liệu, Trung tâm Công nghệ thông tin và Thông tin KH&CN, Trung tâm Công nghệ thông tin; 48 Phòng Thông tin Tư liệu và Sở hữu Công nghiệp.
Các tổ chức thông tin KH&CN tỉnh, thành phố đang có xu hướng điều chỉnh lại nhiệm vụ cũng như cơ cấu tổ chức để đẩy mạnh hoạt động thông tin KH&CN trong giai đoạn mới và đổi tên thành “Trung tâm Tin học và Thông tin KH&CN” (theo Thông tư Liên tịch số 15/2003/TTLT-BKHCN-BNV, ngày 15/7/2003 của Bộ KH&CN và Bộ Nội vụ).
Tổ chức Thông tin-Thư viện các trường đại học
Những năm gần đây các trường đại học đã và đang thành lập các Trung tâm Thông tin-Thư viện, tập trung xây dựng các thư viện điện tử. Nhiều trường đã được Nhà nước đầu tư kinh phí đáng kể và có những dự án lớn trong việc xây dựng và phát triển thư viện. Điều này cũng thể hiện nhu cầu bức xúc và sự cần thiết của xã hội trong việc hiện đại hoá các thư viện đại học, tăng cường gắn kết giữa hoạt động thư viện truyền thống với hoạt động thông tin KH&CN, ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu tiên tiến của công nghệ thông tin và viễn thông.
Năm 2004, một trong những sự kiện quan trọng, nổi bật của hoạt động thông tin KH&CN là ngày 31/8/2004 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 159/2004/NĐ-CP về hoạt động thông tin KH&CN. Nghị định này đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho hoạt động thông tin KH&CN thông qua các quan điểm chỉ đạo, trong đó có việc khẳng định vai trò của Nhà nước trong việc xây dựng và phát triển Hệ thống Thông tin KH&CN Quốc gia, khuyến khích phát triển dịch vụ thông tin KH&CN có thu, tạo lập thị trường thông tin KH&CN.
Cho đến nay, hệ thống các tổ chức thông tin KH&CN đã được hình thành và phát triển từ Trung ương đến địa phương, bao gồm:
- “Trung tâm Thông tin KH&CN Quốc gia là đầu mối liên kết trung tâm của mạng lưới các tổ chức dịch vụ thông tin KH&CN”.
-- 33 Trung tâm, Viện thông tin KH&CN ngành;
-- 64 Trung tâm, Phòng Thông tin KH&CN địa phương;
- Trên 500 tổ chức thông tin KH&CN cơ sở, trực thuộc các tổ chức NCPT, các trường đại học, học viện và cao đẳng, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, v.v. ..
Nghị định số 159/2004/NĐ-CP về hoạt động thông tin KH&CN nêu rõ:
Nội dung hoạt động thông tin KH&CN:
(1). Các hoạt động thu thập và xử lý các dữ liệu, dữ kiện, tin tức, tri thức nhằm tạo lập nguồn tin KH&CN.
(2). Quản lý, lưu giữ nguồn tin KH&CN.
(3). Cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thông tin KH&CN trên cơ sở hợp đồng dịch vụ với các tổ chức, cá nhân.
(4). Cung cấp thông tin mang tính luận cứ để xây dựng các dự báo về tình hình phát triển, phục vụ hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
(5). Cung cấp, trao đổi thông tin miễn phí theo chủ trương, chính sách của nhà nước nhằm tuyên truyền, phổ biến tri thức hoặc để hợp tác phát triển KH&CN.
(6). Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hoạt động thông tin KH&CN; hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ hoạt động thông tin KH&CN.
(7). Hướng dẫn, đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ về hoạt động thông tin KH&CN.
(8). Xây dựng các cơ sở dữ liệu tổng hợp, chuyên đề và các trang thông tin điện tử về KH&CN; ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến trong hoạt động thông tin KH&CN.
(9). Nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ phục vụ hoạt động thông tin KH&CN.
(10). Tổ chức các hoạt động thư viện, hội nghị, hội thảo, triển lãm, hội chợ về KH&CN, chợ công nghệ và thiết bị.
(11). Hợp tác quốc tế về thông tin KH&CN.
(12). Các hoạt động khác về thông tin KH&CN theo quy định của pháp luật.
Quyền của tổ chức dịch vụ thông tin KH&CN:
(1). Thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ thuộc nội dung hoạt động thông tin KH&CN; thuê chuyên gia và cộng tác viên thu thập, xử lý thông tin KH&CN.
(2). Ký kết hợp đồng dịch vụ tiến hành các hình thức khác về khai thác, sử dụng thông tin KH&CN theo quy định của pháp luật.
(3). Được mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm phát triển nguồn nhân lực thông tin KH&CN.
(4). Hợp tác, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài và tổ chức quốc tế để tiến hành hoạt động thông tin KH&CN phù hợp với quy định của pháp luật; tham gia hoạt động của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong nước và nước ngoài có liên quan đến lĩnh vực thông tin KH&CN.
(5). Công bố kết quả nghiên cứu về thông tin KH&CN theo quy định của pháp luật; được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; chuyển nhượng kết quả hoạt động thông tin KH&CN.
(6). Xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu KH&CN, các trang thông tin điện tử, cổng giao tiếp điện tử ở các ngành và các địa phương; kết nối và khai thác dịch vụ trên mạng thông tin khoa học và công nghệ quốc gia trên cơ sở đăng ký (thông qua hợp đồng hoặc miễn phí) với Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
(7). Được sử dụng các nguồn tài trợ, hiến tặng, cho của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để thực hiện các hoạt động thông tin KH&CN.
(8). Được thu và sử dụng các khoản thu để bù đắp chi phí từ các hoạt động dịch vụ cung cấp thông tin KH&CN.
(9). Tự chủ về kế hoạch, tài chính và tổ chức, nhân sự theo quy định của pháp luật.
(10). Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Nghĩa vụ của tổ chức dịch vụ thông tin KH&CN:
(1). Thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến tri thức KH&CN một cách rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân nhằm góp phần nâng cao dân trí, hình thành thói quen sử dụng thông tin KH&CN trong sản xuất và đời sống.
(2). Thực hiện đúng và đầy đủ hợp đồng dịch vụ thông tin KH&CN đã ký kết.
(3). Sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động thông tin KH&CN.
(4). Bảo vệ thông tin bí mật của Nhà nước, của các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng dịch vụ thông tin KH&CN (trừ trường hợp khách hàng đồng ý hoặc pháp luật có quy định khác).
(5). Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong tiếp cận thông tin về thành tựu, tri thức KH&CN; bảo đảm chất lượng dịch vụ thông tin KH&CN.
(6). Không vi phạm những điều cấm quy định tại Điều 6 của Nghị định này.
(7). Thực hiện dân chủ, bình đẳng, công khai trong việc bố trí và thực hiện các nhiệm vụ thông tin KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước.
(8). Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt là công nghệ Internet và kỹ thuật số trong các hoạt động thông tin KH&CN; phát triển trung tâm tích hợp dữ liệu, thư viện điện tử về KH&CN.
(9). Thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giao và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Với tinh thần của Nghị định số 159/2004/NĐ-CP, hoạt động của các cơ quan thông tin hướng vào xây dựng nguồn lực thông tin nhằm phục vụ các chương trình phát triển KH-XH, phục vụ nghiên cứu xây dựng chiến lược, chính sách của Đảng và Nhà nước, cũng như phục vụ các chiến lược, chính sách, các chương trình hành động cấp Bộ, ngành, địa phương, viện trường, doanh nghiệp và cơ sở. Phục vụ các chương trình, đề tài, dự án trọng điểm cấp Nhà nước, cấp Bộ, ngành, địa phương. Phổ biến, tuyên truyền các kết quả nghiên cứu KH&CN, các thành tựu KH&CN trên thế giới và trong nước, các tiến bộ KH&CN trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua hệ thống ấn phẩm thông tin KH&CN của cả nước, qua Mạng thông tin KH&CN Việt Nam-VISTA (của Trung tâm Thông tin KH&CN Quốc gia), qua hình thức chia sẻ nguồn lực thông tin tư liệu bằng nguồn tin điện tử, thư viện điện tử… tới các cơ quan thông tin của Bộ, ngành, địa phương và phục vụ phát triển KT-XH vùng sâu, vùng xa...