Tổng quan các khu công nghệ cao, các trung tâm phần mềm, các cơ sở ươm tạo công nghiệp
TỔNG QUAN CÁC KHU CÔNG NGHỆ CAO, CÁC TRUNG TÂM PHẦN MỀM, CÁC CƠ SỞ ƯƠM TẠO CÔNG NGHỆ
1.2.3.1. TỔNG QUAN CÁC KHU CÔNG NGHỆ CAO
Khu công nghệ cao có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo môi trường thuận lợi thu hút FDI trong lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là thu hút các tập đoàn đa quốc gia. Khu công nghệ cao còn là nơi thu hút, tập hợp lực lượng trí thức KH&CN trong cả nước, trí thức Việt kiều và các nhà KH&CN nước ngoài trong nghiên cứu, sáng tạo và chuyển giao công nghệ trực tiếp cho sản xuất và ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao.
Khu Công nghệ cao Hoà Lạc
· Khu Công nghệ cao (KCNC) Hòa Lạc được triển khai lập qui hoạch và xây dựng dự án từ tháng 1/1996 với mục đích thu hút đầu tư về công nghệ cao và là Trung tâm công nghiệp chủ chốt với các chức năng nghiên cứu - phát triển (R-D), sản xuất công nghệ cao... qui mô 1650 ha và chia làm 3 giai đoạn. Tuy nhiên, do thay đổi điều chỉnh qui hoạch KCNC thu hẹp còn 1.500 ha.
· Đến cuối năm 2004, cơ bản đã hoàn thành việc quy hoạch chi tiết 200 ha thuộc bước 1, giai đoạn 1 và tập trung vào công tác xây dựng cơ sở hạ tầng để triển khai các đề án đầu tư. Trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư: tiếp nhận 20 hồ sơ dự án đầu tư, trong đó 5 dự án đã được chấp nhận với tổng đầu tư khoảng 8 triệu USD. Đồng thời, tích cực vận động các tập đoàn lớn như IDG, Intel và một số công ty của Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapo, Đài Loan hợp tác đầu tư.
· Ngày 31/10/2005, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã ký Quyết định số 274/2005/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KCNC Hòa Lạc. Theo quyết định này, KCNC Hòa Lạc giữ nguyên vị trí hiện nay tại đô thị Hòa Lạc, thuộc các xã Hạ Bằng, Thạch Hòa, Tân Xã, Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Tây. Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể được phê duyệt, nghiên cứu đề xuất các khu chức năng chủ yếu, đảm bảo đáp ứng mục tiêu, tính chất KCNC Hòa Lạc trong điều chỉnh Quy hoạch chung như: các Trung tâm nghiên cứu và phát triển, các cơ sở đào tạo phát triển nguồn nhân lực, các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp CNC; Trung tâm giao dịch công nghệ, Trung tâm hội thảo quốc tế và triển lãm khoa học công nghệ, khách sạn, ngân hàng, các khu thương mại... Hệ thống hạ tầng kỹ thuật KCNC phải được thiết kế và xây dựng hiện đại, chất lượng cao, tuân thủ mạng lưới hạ tầng kỹ thuật chung của toàn Khu đô thị Hòa Lạc, bảo đảm mỹ quan, an toàn và vệ sinh môi trường.
· Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm và làm việc tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc:
Ngày 12/08/2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kiểm tra tiến độ xây dựng, phát triển KCNC Hòa Lạc và làm việc với Bộ KH&CN về vấn đề này. Tham dự có Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, lãnh đạo các Bộ, ngành TW và tỉnh Hà Tây. Thực hiện các giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng lưu ý các Bộ, ngành TW và tỉnh Hà Tây phải xác định mô hình và bước đi cho phù hợp, trong đó ưu tiên phát triển qui hoạch phát triển công nghệ cao và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Trước mắt, tập trung qui hoạch điều chỉnh các khu chức năng theo hướng tập trung đầu tư và mở rộng diện tích các khu then chốt như: khu R-D, công nghệ cao, ươm tạo công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao gắn liền với các dịch vụ thương mại và hạn chế xây dựng các khu biệt thự... Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao cho tỉnh Hà Tây thành lập dự án về giải phóng mặt bằng và xây dựng các cơ chế, chính sách về giải phóng mặt bằng, tái định cư, đồng thời yêu cầu chính quyền địa phương phải coi đây như là một dự án trọng điểm quốc gia... Tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng (đường giao thông, điện, nước) và lựa chọn xúc tiến đầu tư cho phù hợp với từng giai đoạn cũng như chủ trương, mục đích của việc xây dựng KCNC Hòa Lạc. Về mô hình quản lý, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&CN sớm lựa chọn, bổ nhiệm Trưởng ban và củng cố bộ máy tổ chức, quản lý dự án KCNC có năng lực để triển khai các bước tiếp theo. Theo đó, Ban quản lý phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, thay mặt cho Nhà nước làm chủ đầu tư các nguồn vốn ngân sách đầu tư về hạ tầng, là đơn vị trực tiếp xúc tiến đầu tư và cũng là đơn vị cấp phép, giao đất các dự án đầu tư... lựa chọn những doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng cần xem xét trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 99/2003/NĐ-CP ngày 28/08/2003 về quy chế KCNC theo hướng ưu tiên tối đa cho việc thu hút đầu tư vào KCNC này.
· Ngày 22/10/2006, trong chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Nhật Bản, Thủ tướng đã kêu gọi Chính phủ Nhật Bản tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Phía Nhật Bản cam kết sẽ đầu tư vào 3 dự án lớn gồm: hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam, đường sắt cao tốc Bắc - Nam và cơ sở hạ tầng của KCNC Hòa Lạc. Đây là những dự án được coi là trọng điểm mang tính chiến lược quốc gia. Những tín hiệu này cho thấy Khu CNC Hòa Lạc đang từng bước chuyển mình. Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của KCNC Hòa Lạc là Dự án đầu tiên được sử dụng nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản tại KCNC Hòa Lạc. Theo ông Nguyễn Văn Lạng - tân Trưởng Ban quản lý KCNC Hòa Lạc: "Dự án mang lại nhiều triển vọng trong việc sử dụng nguồn tài trợ chính trong đầu tư và phát triển của Nhật Bản cho việc quy hoạch và đầu tư về hạ tầng tại Hòa Lạc". Được biết tại Nhật Bản, trong buổi tiếp xúc riêng dành cho KCNC Hòa Lạc đã có 8 Chủ tịch của 8 tập đoàn lớn nhất Nhật Bản cùng tham dự. Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kêu gọi các đối tác Nhật Bản đầu tư vào KCNC Hòa Lạc. Thủ tướng đã nhấn mạnh, Việt Nam sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất khi các đối tác Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, vào CNC nói chung và KCNC Hòa Lạc nói riêng. Qua lời kêu gọi này, đã có một số tập đoàn khẳng định sẽ đầu tư vào Hòa Lạc như Misubishi, Nomura, Fujitsu. Theo nhận định của Chủ tịch Tổ chức xúc tiến mậu dịch hải ngoại Nhật Bản (JETRO), từ chuyến thăm này có thể khẳng định chắc chắn rằng, một làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản vào Việt Nam đã hình thành.
· Theo thông báo của Bộ KH&CN ngày 9/11/2006 về kết quả triển khai hợp tác với Nhật Bản sau chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho thấy, Ban Quản lý KCNC Hòa Lạc (Ban) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức làm việc với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, các tổ chức của Nhật Bản có liên quan như JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản), JBIC (Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản), JETRO để tiến hành triển khai các công việc cụ thể. Theo yêu cầu về phía Nhật Bản, Ban đã đưa ra những vấn đề cần hỗ trợ như: thông qua các kênh tài trợ của Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ Ban tiến hành cập nhật quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết các khu chức năng, tiến tới lập hồ sơ xin hỗ trợ vốn xây dựng cơ sở hạ tầng trong KCNC Hòa Lạc. Tiếp đó, tại một cuộc họp được tổ chức ngày 4/11/2006, Đại sứ quán Nhật Bản đồng ý sẽ điều phối và phối hợp với JETRO và các cơ quan của Nhật Bản xây dựng Chương trình xúc tiến đầu tư cho KCNC Hòa Lạc và cơ quan này cũng yêu cầu Ban gửi hồ sơ đăng ký tài trợ để Đại sứ quán cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu và xem xét trong thời gian sớm nhất.
· Theo ý kiến đánh giá của nhiều chuyên gia, việc phát triển CNC tại Việt Nam đang có những khởi sắc đáng kể. Điều này được thể hiện, ngày 10/11/2006 tại Tp. Hồ Chí Minh, Tập đoàn Intel đã chính thức nhận giấy phép đầu tư với số vốn lên tới 1 tỉ USD. Sự kiện này đã tạo nên một bước đột phá lớn cho việc phát triển CNC của đất nước. Cùng ngày, tại trụ sở UBND tỉnh Hà Tây, Lãnh đạo Bộ KH&CN đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh để cùng bàn biện pháp thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng KCNC Hòa Lạc. Tại buổi làm việc này, Bộ trưởng Bộ KH&CN, Hoàng Văn Phong, đã khẳng định, Bộ KH&CN sẽ tạo điều kiện tốt nhất, kịp thời giải quyết các công việc liên quan để KCNC có thể thực hiện được mục tiêu đề ra. Trước các yêu cầu thực tế, Bộ mong muốn tỉnh quan tâm phối hợp để KCNC Hòa Lạc sớm hoàn thiện và thực hiện các bước tiếp theo. Về phía tỉnh Hà Tây, ông Hà Văn Hiền - Bí thư tỉnh ủy cho rằng, việc đầu tư vào KCNC Hòa Lạc là đầu tư vào Hà Tây, chính vì thế việc thúc đẩy phát triển KCNC Hòa Lạc cũng là nhiệm vụ của tỉnh. Theo xu thế hiện nay, để có được sản phẩm tốt, cạnh tranh được trên thị trường thì việc đầu tiên là phải đầu tư công nghệ tiên tiến. Chủ trương của tỉnh là thúc đẩy tốc độ phát triển ứng dụng KH&CN để đạt được mục tiêu phát triển công nghiệp.
· Ngày 19/11, hơn 80 vị lãnh đạo của các doanh nghiệp Nhật Bản đã đến thăm và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại KCNC Hòa Lạc. Đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đến thăm KCNC Hòa Lạc lần này là đoàn các doanh nghiệp tháp tùng Thủ tướng Shinzo Abe trong chuyến đến Việt Nam tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 14. Tại buổi làm việc, Phó Trưởng Ban quản lý KCNC Hòa Lạc, ông Nguyễn Như Vinh cho biết: KCNC Hòa Lạc có tổng diện tích quy hoạch 1.650 ha được Chính phủ Việt Nam phê duyệt từ năm 1998. Khu Công nghệ này ra đời với mục tiêu cung cấp các cơ sở vật chất và nguồn nhân lực cần thiết hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và quá trình hình thành nền kinh tế tri thức tại Việt Nam. Ông Vinh tin tưởng rằng: với định hướng hợp tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sẽ trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, trung tâm trí tuệ cao của Việt Nam. Ông Toshyuki Shinmachi, Chủ tịch Liên đoàn các doanh nghiệp Nhật Bản, Chủ tịch Hãng hàng không Quốc gia Nhật Bản phát biểu: "Chúng tôi biết rằng Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực hết sức mình vào việc đẩy mạnh sự phát triển ngành công nghệ thông tin. Cụ thể, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, chính là một trong những dự án hạ tầng thiết yếu của Việt Nam. Đây cũng chính là lý do để các nhà kinh tế Nhật Bản đến thăm KCNC Hòa Lạc với kỳ vọng góp phần phát triển hơn nữa mối quan hệ hợp tác kinh tế trong lĩnh vực công nghệ cao Việt Nhật". Trong tuyên bố chung Việt - Nhật "Hướng tới mối quan hệ đối tác chiến lược để xây dựng châu Á hòa bình và phồn vinh" được Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Nhật Bản ký ngày 19/10/2006, KCNC Hòa Lạc được xem là một trong 3 dự án ưu tiên của Chính phủ hai nước.
· Trước đó, Bộ KH&CN đã ký biên bản ghi nhớ đầu tư vào KCNC Hòa Lạc với các công ty thuộc Tập đoàn Mitsui (Nhật Bản), thuộc các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm. Trong quá trình xây dựng và phát triển, Ban quản lý KCNC Hòa Lạc đã nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ và các đối tác Nhật Bản nói chung và từ Tập đoàn Mitsui nói riêng. Các chuyên gia của Mitsui đã hỗ trợ Ban quản lý KCNC Hòa Lạc trong việc thực hiện bước một, giai đoạn một của Dự án phát triển KCNC Hòa Lạc với trọng tâm là khu nghiên cứu và triển khai, đào tạo năm 2002. Ðồng thời, Mitsui đã hỗ trợ ban quản lý tổ chức các hoạt động khuếch trương hình ảnh của KCNC Hòa Lạc với các nhà đầu tư Nhật Bản.
· Sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành và tỉnh Hà Tây đã nói lên ý chí, quyết tâm cao trong việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng đưa Hòa Lạc trở thành "đầu tàu" cho công cuộc công nghiệp hóa định hướng công nghệ cao của Việt Nam. Những tín hiệu này cho thấy KCNC Hòa Lạc đang từng bước chuyển mình, bước lên tầm cao mới trong thời cơ và vận hội mới.
Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh
Khu Công nghệ cao (KCNC) TP. Hồ Chí Minh đã trải qua giai đoạn “03 năm khởi nghiệp” và đang bước vào giai đoạn “05 năm định hình” – là một trong năm công trình, chương trình trọng điểm mang tính đòn bẩy trong kế hoạch 5 năm (2006-2010) phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
KCNC TP. Hồ Chí Minh với tổng diện tích 913 ha, cách trung tâm thành phố, cảng Sài Gòn và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất chỉ 15-17km. Nằm ở giữa 43 khu công nghiệp và khu chế xuất - hạt nhân của vùng kinh tế động lực phía Nam, đặc biệt là sát cạnh Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. KCNC TP. Hồ Chí Minh là địa điểm lý tưởng cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.
KCNC TP. Hồ Chí Minh phát triển theo mô hình là một khu kinh tế kỹ thuật, thu hút đầu tư nước ngoài và huy động các nguồn lực khoa học công nghệ cao trong nước. Đây là nơi tập trung lực lượng sản xuất hiện đại, kết hợp sản xuất kinh doanh – nghiên cứu, tiếp thu, chuyển giao, phát triển công nghệ cao và đào tạo nguồn nhân lực cho nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao.
Hiện nay, KCNC TP. Hồ Chí Minh tập trung thu hút đầu tư các ngành công nghệ cao thuộc 4 lĩnh vực: Công nghệ vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin và viễn thông; Công nghệ tự động hóa, cơ khí chính xác; Công nghệ sinh học áp dụng cho y tế, dược phẩm và môi trường; Công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano và năng lượng.
Những mốc thời gian quan trọng:
- 24/10/2002: Thành lập KCNC TP. Hồ Chí Minh (Quyết định 145/2002/QĐ-TTg).
- 13/05/2003: Phê duyệt Quy hoạch tổng thể và Dự án đầu tư xây dựng giai đọan I KCNC TP. Hồ Chí Minh (QĐ số 95/2003/QĐ-TTg).
- 28/08/2003: Ban hành Quy chế KCNC (Nghị định 99/2003/NĐ-CP).
- 05/04/2004: Quyết định 53/2004/QĐ-TTg về một số chính sách khuyến khích đầu tư tại KCNC.
- 19/05/2004: Quyết định 2193/QĐ-UB về thu hồi, giao đất bổ sung và xác định tổng diện tích đất giao cho BQL KCNC thành phố.
- 22/10/2004: UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của BQL KCNC TP (QĐ 242/2004/QĐ-UB).
- 28/02/2006: Thu hút dự án IPV của tập đoàn Intel (Hoa Kỳ).
Những kết quả ban đầu
Tái dịnh cư, thu hồi đất : Tính đến hết tháng 9 năm 2006,
Kiểm kê: 3.403 hộ/ 3.567 hộ (đạt 95,4%) với 756,67 ha/ 801 ha (đạt 94,47%). Đã nhận tiền đền bù: 2.912 hộ / 3.403 hộ - đạt 85,57% với diện tích 666,15 ha/ 756,67 ha - đạt 88,04%. Tổng số tiền đã nhận: khoảng 1.402 tỷ đồng.
Diện tích đất thu hồi: 2.164 hộ / 3.403 hộ - đạt 63,59% với diện tích thu hồi trên thực địa là: 573,4 ha / 756,67 ha - đạt 75,78%.
Tái định cư: đã xét: 1.686 hộ, trong đó số hộ đủ điều kiện tái định cư là 1.655 hộ. Đã bố trí được 904 hộ với 1.003 nền.
Xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu và các công trình phục vụ quản lý hoạt động KCNC TP (giai đoạn I – 300 ha)
Đang tiến hành đầu tư xây dựng 46 dự án thành phần. Trong đó:
- 11 dự án cơ sở hạ tầng thiết yếu (giao thông nội khu và thoát nước, cấp điện, cấp nước, xử lý nước thải, viễn thông-internet).
- 31 dự án xây dựng khác (trong đó có các hạng mục công trình phục vụ quản lý, điều hành; xây dựng và mua sắm trang thiết bị cho 2 phòng thí nghiệm - công nghệ vi mạch bán dẫn, công nghệ nano; xây dựng trung tâm đào tạo)
- 4 dự án khác (rà phá bom mìn, qui hoạch,...):
Bước đầu đã đáp ứng các dịch vụ hạ tầng thiết yếu (giao thông, điện, nước, viễn thông-internet) phục vụ 4 dự án hoạt động sản xuất, 1 dự án chuẩn bị đi vào hoạt động, 1 dự án đang xây dựng và 3 dự án chuẩn bị xây dựng.
Thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế
Trong 9 tháng đầu năm 2006, đã cấp thêm 3 giấy phép, trong đó 1 dự án FDI (Công ty Intel Products VN) với tổng vốn đầu tư 605 triệu USD và 2 dự án trong nước (Công ty CP Vi mạch điện tử, Công ty CP SG Postel) tổng vốn đầu tư là 709 tỷ đồng. Lũy kế, đến 30/6/2006, KCNC đã có 19 dự án đầu tư với 10 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (771,5 triệu USD) và 9 dự án trong nước (1.642,6 tỷ đồng).
Đặc biệt, sự kiện thu hút được tập đoàn Intel (Hoa Kỳ) đầu tư vào KCNC (tháng 2/2006) đã tạo cú hích cho công tác xúc tiến đầu tư và hợp tác quốc tế, lập tức tạo ra sức hút đối với nhiều công ty, đối tác đến tìm hiểu cơ hội đầu tư hoặc hợp tác với KCNC (Đính kèm danh sách các dự án đã được cấp phép đầu tư).
Hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D)
Trung tâm R&D (thuộc Ban Quản lý KCNC được thành lập tháng 3/2004) đã triển khai nghiên cứu và đạt kết quả khả quan với các công trình như:
- “Than Nano lỏng”, với nguyên liệu chính từ trong nước, ứng dụng vào vật liệu che (masking materials) cho phương pháp chế tạo vi mạch và xu hướng mới Printed Electronics trên thế giới (đã báo cáo tại Hội thảo quốc tế Digital Fabrication – Hoa Kỳ tháng 9/2005).
- Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài “Pin nhiên liệu dùng than nano “lỏng”” tại Hội nghị quốc tế về nano NANOTECH 2006 tại Boston (5/2006); chế tạo thành công “mực phun in màu chống thấm”; triển khai thành công công nghệ vi bọc “than nano lỏng trong nhựa nhũ tương”, chế tạo thành công “than ống nano”.
- Xây dựng quan hệ với các nhà đầu tư trong và ngòai nước để chuyển giao công nghệ mực giấy trên cơ bản công nghệ hạt nano.Đã được các công ty Bút bi Thiên long, Vina capital, PMT, Alpha Nam đặt vấn đề hợp tác sản xuất và kinh doanh công nghệ in kỹ thuật số dùng mực phun.
- Đang triển khai dự án “Phần mềm nhúng trong phần cứng chuyên dụng”
- Để đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, TT R&D đã tiến hành đăng ký 03 sở hữu trí tuệ tại Hoa Kỳ về công nghệ Nano. Đang tiến hành đăng ký phát minh về pin nhiên liệu (tại Hoa Kỳ).
Hoạt động đào tạo nhân lực công nghệ cao
Ngày 31/05/2005, UBND TP.Hồ Chí Minh đã ra quyết định thành lập Trung tâm Đào tạo trực thuộc Ban Quản lý KCNC TP với chức năng: hợp tác liên kết đào tạo trong nước và nước ngoài; tư vấn hỗ trợ cung ứng nguồn nhân lực cho các đơn vị hoạt động tại KCNC.
Trước đó, Ban Quản lý KCNC đã chỉ đạo tiến hành các bước chuẩn bị cho hoạt động đào tạo nguồn nhân lực như:
- Hợp tác chặc chẽ với Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh.
- Tiếp xúc với 50 tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để xây dựng và đàm phán chương trình hợp tác liên kết về đào tạo như: Guidance View, Datacraft, tập đoàn Kohinoor của Ấn Độ và Canada, SEAMEO, Đại học RMIT, Renesas, Miad Systems, Đại học Cao Hùng của Đài Loan, Đại học Hyogo, Quality Assurance Institute (India) Ltd. (QAI), Trường Kỹ thuật Juseong (Hàn Quốc), Synopsys, SAP, FESTO Trung tâm Đào tạo CNTT thuộc Sở Bưu chính Viễn thông, Trường Cao đẳng Hoa Sen, Hội dạy nghề TP.Hồ Chí Minh,….
- Tổ chức và tham gia hơn 10 hội nghị, hội thảo chuyên đề về đào tạo.
- Điều tra, lập cơ sở dữ liệu về nguồn nhân lực: Thu thập thông tin về hoạt động đào tạo kỹ thuật, công nghệ các ngành CNC.
Nghiên cứu một số đề án phục vụ hoạt động và phát triển KCNC TP. Hồ Chí Minh, báo cáo điều chỉnh qui hoạch tổng thể và báo cáo đầu tư giai đoạn II
Thực hiện khoản 5 Điều 2 QĐ số 95/2003/QĐ-TTg ngày 13/5/2003 của Thủ tướng Chính phủ, ngoài Trung tâm R&D, Trung tâm Đào tạo, Vườm ươm Doanh nghiệp CNC, Ban Quản lý KCNC TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành nghiên cứu xây dựng các đề án phục vụ hoạt động của KCNC gồm:
- Quỹ Đầu tư mạo hiểm (cùng với Bộ KH&CN).
- Khu Bảo thuế (cùng với Bộ Thương mại, Bộ Tài chính).
- Tòa nhà Internet.
- Nhà máy điện dự phòng.
- Lập Hồ sơ điều chỉnh bổ sung qui hoạch tổng thể KCNC (đã trình Bộ KH&ĐT).
- Báo cáo đầu tư dự án đầu tư xây dựng giai đoạn II KCNC TP. Hồ Chí Minh.
- Công ty Cổ phần Xây dựng Kinh doanh Hạ tầng KCNC.
- Quy hoạch công viên khoa học công nghệ trong KCNC.
Chương trình 5 năm xây dựng và phát triển KCNC (2006-2010)
Triển khai nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VIII về việc chọn KCNC TP. Hồ Chí Minh là một trong 5 chương trình trọng điểm mang tính đòn bẩy cho kế hoạch 5 năm phát triển KT-XH thành phố, UBND TP đã ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình hành động thực hiện công trình KCNC giai đoạn 2006-2010.
Đây là chương trình hành động cụ thể cho giai đoạn định hình và tăng tốc phát triển của KCNC TP. Hồ Chí Minh theo chủ trương của Đảng và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế nhất là trong lĩnh vực phát triển, ứng dụng CNC với mức độ cạnh tranh quyết liệt.
Qua 5 năm triển khai dự án KCNC, với kết quả bước đầu như trình bày ở trên, với biến động khá phức tạp của thị trường công nghệ cao trong khu vực và trên thế giới, so với yêu cầu phát triển của thành phố và đất nước, có thể đánh giá kết quả tích cực, nêu lên những tồn tại vướng mắc trong giai đoạn khởi nghiệp (bước đi đầu tiên), dự báo cơ hội và thách thức cho giai đoạn kế tiếp (định hình và tăng tốc) đối với dự án KCNC TP. Hồ Chí Minh như sau:
Đánh giá kết quả tích cực
- Triển vọng thu hút đầu tư công nghệ cao vào KCNC là rất rõ ràng và sáng sủa - nhất là sau khi tập đoàn Intel quyết định đầu tư vào KCNC. Hiện nay, có 39 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn khoảng 850 triệu USD và 85 ha đất. Ngoài việc thu hút các dự án sản xuất công nghiệp CNC, một số tập đoàn, công ty lớn cũng có ý định đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ cao cấp mà trong nước chưa có vào KCNC TP. Hồ Chí Minh.
- Khả năng tiếp cận công nghệ cao thế giới là hiện thực - qua những kết quả ban đầu của Trung tâm R&D Khu CNC. Việc kết hợp – nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nước trong một qui trình ”thị trường – nghiên cứu, chuyển giao, ươm tạo, áp dụng công nghệ - thị trường” là có cơ sở thực hiện trong KCNC TP. Hồ Chí Minh.
Những kết quả tích cực nêu trên chứng tỏ ”phương thức triển khai mô hình KCNC” của TP. Hồ Chí Minh (đã chọn) là đúng đắn, khả thi. Trong điều kiện thực tế xây dựng KCNC với định chế hiện hành (khung pháp lý, qui định, tổ chức và tổ chức thực hiện, nhân lực, hạ tầng kỹ thuật …) còn nhiều vướng mắc, chồng chéo thì những kết quả đáng khích lệ này đã chứng minh được triển vọng thành công của Khu CNC trong tương lai gần.
Ba vấn đề tồn tại của KCNC TP. Hồ Chí Minh
- Chưa đáp ứng kịp thời, đồng bộ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu cho nhà đầu tư- trong đó, nổi lên 2 nguyên nhân chính là chậm thu hồi đất và phải điều chỉnh qui hoạch chi tiết 1/2000 giai đoạn I.
- Thiếu nguồn nhân lực cho dự án tầm quốc gia như KCNC TP. Hồ Chí Minh, trong đó, trước hết là nhân lực có chuyên môn giỏi trong quản lý, điều hành dự án xây dựng hạ tầng thiết yếu, sau đó là nhân lực CNC cho sản xuất công ngiệp CNC và nghiên cứu và phát triển.
- Chưa có cơ chế, chính sách “đặc thù” cho một Khu Kinh tế-Kỹ thuật đặc biệt như KCNC có tầm vóc quốc gia và từ đó có thể tạo sự đột phá cho sự nghiệp CNH, HĐH của Thành phố nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.
Cơ hội cho phát triển KCNC TP. Hồ Chí Minh trong hiện tại và tương lai
Cơ hội đón nhận đầu tư của các tập đoàn, công ty CNC của thế giới.
Qua tiếp xúc với hơn 250 tổ chức, công ty đến tìm hiểu và thực tế những công ty đăng ký đầu tư như trình bày ở trên cho thấy KCNC TP. Hồ Chí Minh sẽ ”nắm” được cơ hội này nếu chúng ta sẵn sàng về ”đất” cùng với cơ sở hạ tầng, hệ thống dịch vụ kèm theo và nguồn nhân lực. Ngoài ra, cơ hội lan tỏa thu hút đầu tư các ngành công nghiệp ”hỗ trợ” phục vụ các dự án CNC là rất hiện thực (mà Intel là ví dụ điển hình).
Tiếp nhận xu thế đưa một số công đoạn R&D để ”gia công” tại các nước phát triển.
Hiện nay, trong xu thế toàn cầu, phương thức kinh doanh của các tập đoàn lớn sở hữu công nghệ nguồn không những ”đưa” một số dây chuyền ”sản xuất” đầu tư ra nước ngoài mà hiện tượng tương tự đã xuất hiện ở cả lĩnh vực ”nghiên cứu và phát triển” - Ấn Độ và Trung Quốc là 2 thị trường lớn đã nắm bắt cơ hội ”gia công chất xám” và tạo ra những thành công rất đáng khích lệ. Phân khu ”R&D-Đào tạo-Ươm tạo” của KCNC TP. Hồ Chí Minh có thể tham gia đón nhận xu thế này, nếu chúng ta có lực lượng các nhà khoa học trong nước kết hợp với chuyên gia Việt Kiều đang làm việc trong các Trung tâm nghiên cứu, các tập đoàn lớn.
Thu hút lực lượng các trí thức Việt Kiều về hoạt động
Đây là nguồn lực đáng quí, là cầu nối quan trọng cho đất nước với các thị trường tiềm năng của thế giới hội nhập, trong đó có thị trường khoa học công nghệ (công nghệ cao). Đảng đã có chủ trương, Chính phủ đã có chương trình hành động, vấn đề còn lại là chúng ta sẵn sàng về môi trường và điều kiện làm việc để thu hút lực lượng này về tham gia phát triển đất nước. Khu công nghệ cao cần có một cơ chế thích hợp để trở thành một địa chỉ như vậy.
- Ngày 28/10/2006, Ban quản lý KCNC TP. Hồ Chí Minh cho biết hiện đã có 39 dự án đăng ký đầu tư vào KCNC này với tổng số vốn khoảng 850 triệu USD. Hiện đã có 5 nhà máy tại khu này đi vào hoạt động, tạo công ăn việc làm cho khoảng 2000 lao động. Năm 2006 cũng là năm đầu tiên KCNC TP. Hồ Chí Minh có sản phẩm đưa ra thị trường. Dự kiến trong cả năm nay, Khu này sẽ đạt doanh thu khoảng 80 triệu USD.
- Kế hoạch triển khai công trình KCNC TP. Hồ Chí Minh vừa được thông qua. Đây là 1 trong 5 chương trình mang tính đòn bẩy thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ VIII. Theo đó, trong giai đoạn 2006-2010, Khu Công nghệ cao phấn đấu đạt một số chỉ tiêu như: thu hút đầu tư vào 5 lĩnh vực ưu tiên của KH&CN; tập hợp các nhà khoa học, chuyên môn giỏi cho 5 phòng thí nghiệm trọng điểm; tạo sản phẩm công nghệ cao mang thương hiệu KCNC TP. Hồ Chí Minh; giá trị sản xuất đạt 4,5 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD...
- Intel đầu tư vào Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh: Ngày 10/11/2006, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Marine..., Ban Quản lý KCNC TP. Hồ Chí Minh đã trao giấy phép điều chỉnh tăng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 1 tỉ USD cho Tập đoàn Intel. Dự án đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp và kiểm định chíp bán dẫn của Intel tại Việt Nam được cấp phép cách đây 9 tháng với số vốn đầu tư 300 triệu USD. Với việc tăng vốn đầu tư lên đến 1 tỉ USD, đây là nhà máy lớn nhất thế giới của Intel. Theo kế hoạch, Intel sẽ khởi công xây dựng nhà máy vào tháng 3/2007 và 2 năm sau sẽ bắt đầu sản xuất. Dự án khi đi vào hoạt động ổn định sẽ sử dụng đến 4.000 lao động.
1.2.3.2. CÁC CÔNG VIÊN PHẦN MỀM
Tính đến nay, cả nước đã có 8 Công viên phần mềm (CVPM) đi vào hoạt động, tập trung ở các thành phố lớn: TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ và Thừa Thiên-Huế. Hầu hết các CVPM này đều mới được xây dựng và đưa vào hoạt đông trong những năm 2003-2005. Một số CVPM đã khai thác có hiệu quả công suất thiết bị và cơ sở hạ tầng, nổi bật nhất là CVPM Quang Trung, CVPM Sài Gòn và E-Tower của TP.Hồ Chí Minh. Ba CVPM vừa nêu đã thu hút được 118 doanh nghiệp phần mềm trong và ngoài nước.
CVPM Quang Trung được đánh giá là thành công nhất. Sau 5 năm (2001-2005) hoạt động, CVPM Quang Trung đã đạt được những kết quả đáng khích lệ và trở thành trung tâm sản xuất, gia công phần mềm, cung ứng nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) hiệu quả và quy mô lớn nhất cả nước.
Ngày 16/3/2001, CVPM Quang Trung chính thức đi vào hoạt động, tính đến nay đã có 68 doanh nghiệp, trong đó có gần 20 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đến từ Mỹ, Anh, Thụy Sỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Hồng Kông, Singapo hoạt động trên khuôn viên của CVPM Quang Trung. Tính đến nay, CVPM Quang Trung đã có trên 3.400 người đang làm việc và học tập, dự kiến đến năm 2010 sẽ có tới 20.000 người. Tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp tại CVPM Quang Trung tăng bình quân 20 - 25%/năm. Nền tảng phát triển của CVPM Quang Trung dựa trên 6 trụ cột sau:
(1) Cung ứng cơ sở hạ tầng và dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai trong việc nghiên cứu, phát triển, sản xuất và xuất khẩu phần mềm.
(2) Liên tục nuôi dưỡng và hình thành các công ty phần mềm mới, đào tạo các chuyên viên phần mềm và nhà quản lý doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước (kể cả xuất khẩu chuyên viên phần mềm trình độ cao).
(3) Cung ứng môi trường làm việc, sinh hoạt trình độ cao và có khả năng thích nghi cho các chuyên viên phần mềm (có thể làm việc và sinh hoạt 24 giờ mỗi ngày)
(4) Hội tụ về chất lượng đào tạo công nghệ thông tin với các chứng chỉ và bằng cấp theo tiêu chuẩn quốc tế như : Cisco System, Cadence, Sun Microsystems, NIIT, Houston Community College System...
(5) Khuyến khích đầu tư của anh chị em Việt kiều bằng nhiều chính sách ưu đăi.
(6) Khai thác sự hợp tác giữa Nhà nước-tư nhân và hợp tác quốc tế.
CVPM Quang Trung sẽ là nơi thu hút những doanh nghiệp trong và ngoài nước, bao gồm các doanh nghiệp sản xuất phần mềm, đào tạo, huấn luyện và nghiên cứu, tích hợp hệ thống, sản xuất các sản phẩm đa phương tiện, kinh doanh phần cứng. Đây cung là trung tâm chuyển giao công nghệ và là nơi giao dịch thuận tiện giữa nhà sản xuất phần mềm với khách hàng trong và ngoài nước.
1.2.3.3. CÁC CƠ SỞ ƯƠM TẠO CÔNG NGHỆ VÀ ƯƠM TẠO DOANH NGHIỆP CÔNG NGHỆ
a/ ươm tạo công nghệ là hoạt động hỗ trợ nhằm tạo ra và hoàn thiện công nghệ có triển vọng ứng dụng thực tiễn và thương mại hóa từ ý tưởng công nghệ hoặc từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
b/ ươm tạo doanh nghiệp công nghệ là hoạt động hỗ trợ tổ chức, cá nhân tiếp tục hoàn thiện công nghệ, thủ tục pháp lý, huy động vốn đầu tư, tổ chức sản xuất -kinh doanh, tiếp thị và các dịch vụ cần thiết khác để thành lập doanh nghiệp công nghệ dựa trên các công nghệ mới có khả năng ứng dụng thực tiễn và thương mại hóa.
c/ Cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ là nơi cung cấp các điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ tư vấn, hỗ trợ cần thiết để ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ.
Nghị định Chính phủ số 90/2001/NĐ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2001, tại Điều 11, Khoản 4 nêu rõ: "Chính phủ khuyến khích việc thành lập các vườn ươm doanh nghiệp nhỏ và vừa để hướng dẫn, đào tạo doanh nhân trong bước đầu thành lập doanh nghiệp". ở nước ta đã tổ chức các hội thảo khoa học bàn về vấn đề "Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ", "Vườn ươm công nghệ", "Vườn ươm công nghệ cao", "Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao" và gần đây nhất "Hội nghị Vườn ươm doanh nghiệp APEC lần thứ 4" được tổ chức tại Hà Nội-một sự kiện tầm cỡ quốc gia bên lề Hội nghị cấp cao APEC Việt Nam 2006. Sau đây, chúng tôi xin nêu một số mô hình hình thử nghiệm về "Ươm doanh nghiệp công nghệ" để cùng tham khảo.
Một số mô hình thử nghiệm "Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ" đầu tiên ở Việt Nam:
- Dự án "Vườn ươm doanh nghiệp" của Trung tâm Tư vấn và Nghiên cứu Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 2004, Trung tâm Tư vấn và Nghiên cứu thành lập "Vườn ươm doanh nghiệp" tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội, là đơn vị duy nhất tại Việt Nam được Ngân hàng Thế giới tài trợ (trong số 42 vườn ươm trên thế giới). Mục tiêu của Dự án là hỗ trợ các tác giả công nghệ, ý tưởng tạo lập doanh nghiệp và ứng dụng công nghệ, hỗ trợ các công ty và nhà đầu tư tìm cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ, góp phần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Mô hình của Dự án là các ý tưởng, công nghệ sau khi được lựa chọn qua các cuộc thi như "Trí tuệ Việt Nam", "Khởi nghiệp","Khởi sự doanh nghiệp"....hoặc qua lựa chọn trực tiếp sẽ được tiến hành ươm tạo. Các hình thức ươm tạo có thể là toàn phần, bán phần, sử dụng dịch vụ hoặc được các nhà đầu tư trực tiếp ươm tạo. Song song với quá trình lựa chọn ý tưởng công nghệ sẽ là các hoạt động đào tạo, huấn luyện, giao lưu, tham quan doanh nghiệp...Sản phẩm của quá trình ươm tạo là các doanh nghiệp có thể tự đứng vững trên thương trường, các công nghệ ý tưởng được ứng dụng.
- Dự án"Ươm tạo doanh nghiêp công nghệ Phú Thọ". Vườn ươm doanh nghiêp công nghệ Phú Thọ đặt trong khuôn viên Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn đầu vận hành, vườn ươm này sẽ ươm tạo khoảng 5 doanh nghiệp, thuộc các lĩnh vực ưu tiên như cơ khí, điện-điện tử-viễn thông, công nghệ hóa học-thực phẩm, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu. Đối tượng tham gia ươm tạo trong vườn ươm sẽ là các sinh viên, giảng viên, nhà nghiên cứu muốn thành lập doanh nghiệp công nghệ thuộc các lĩnh vực ưu tiên, các doanh nghiệp khoa học công nghệ. Các dịch vụ cung cấp của Vườn ươm Phú Thọ có nhiều thế mạnh, đó là đội ngũ chuyên gia kỹ thuật giỏi của Trường Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh; mặt khác hai trường Đại học này đã được đầu tư nhiều phòng thí nghiệm trọng điểm với máy móc-thiết bị hiện đại, thông qua vườn ươm các phòng thí nghiệm này sẽ được khai thác hiệu quả và gắn liền công tác nghiên cứu với hoạt động sản xuất thực tiễn. Lợi ích do Vườn ươm mang lại:
(1) Đối với Tp. Hồ Chí Minh, phát triển kinh tế, tạo ra nhiều việc làm, nguồn thuế, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ.
(2) Đối với trường đại học, phát triển phong trào sinh viên lập nghiệp, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển công nghệ, gắn liền đào tạo với thực tế, thương mại hóa các thành quả R&D, tăng thu nhập.
(3) Đối với đối tác của vườn ươm, tiết kiệm chi phí tìm kiếm khách hàng, có cơ hội quảng cáo, mở rộng hoạt động kinh doanh, tạo cơ hội đầu tư, xây dựng mạng lưới khách hàng.
(4) Đối với doanh nghiệp được ươm tạo, tiếp cận đúng các nguồn lực, giảm rủi ro và rút ngắn thời gian hòa nhận thương trường, tăng cường kỹ năng kinh doanh...