Tình hình chung về đổi mới tổ chức khoa học và công nghệ
Từ năm 2001 đến nay, Nhà nước đã tiến hành công cuộc đổi mới triệt để hơn và mang tính hệ thống về cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN). Xu hướng của đổi mới là từng bước thực hiện xã hội hoá hoạt động KH&CN, hợp lý hoá phương thức tài trợ của Nhà nước, từng bước xoá bỏ bao cấp, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN, đặc biệt là các tổ chức KH&CN công lập. Chủ trương này được cụ thể hóa bằng hành lang pháp lý sau đây:
Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 5/9/2005 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập. Tinh thần chủ đạo xuyên suốt của Nghị định 115/2005/NĐ-CP là kinh phí của các tổ chức KH&CN được cấp theo nhiệm vụ được giao.
Nội dung cơ bản của Nghị định 115/2005/NĐ-CP có thể tóm tắt như sau:
- Lần đầu tiên phân định rõ các tổ chức KH&CN công lập thành hai loại với sự phát triển theo các lộ trình khác nhau:
+ Các tổ chức KH&CN hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược, chính sách phục vụ quản lý nhà nước được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên theo nhiệm vụ được giao trên cơ sở sắp xếp lại để nâng cao hiệu quả hoạt động;
+ Các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tổ chức dịch vụ KH&CN tự đảm bảo hoặc chưa tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên, tuy có khác nhau về mốc thời gian, nhưng sẽ chuyển đổi thành các tổ chức KH&CN tự trang trải kinh phí hoạt động hoặc doanh nghiệp KH&CN. Các tổ chức KH&CN không có khả năng chuyển đổi thì phải sáp nhập hoặc giải thể;
- Các tổ chức KH&CN được quyền ký kết hợp đồng thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, dịch vụ KH&CN;
- Các tổ chức KH&CN trực tiếp quyết định mời chuyên gia, các nhà khoa học nước ngoài vào Việt Nam và cử cán bộ ra nước ngoài công tác;
- Các tổ chức KH&CN tự quyết định đầu tư phát triển từ vốn vay, vốn huy động (trong và ngoài nước) từ quỹ phát triển KH&CN;
- Các tổ chức KH&CN được tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh; liên doanh, liên kết sản xuất; xuất khẩu, nhập khẩu trực tiếp; tham gia đấu thầu thực hiện các hợp đồng sản xuất, cung ứng hàng hoá, dịch vụ trong lĩnh vực chuyên môn của các tổ chức KH&CN;
- Khẳng định vai trò của người đứng đầu (thủ trưởng) của các tổ chức KH&CN trong việc quyết định biên chế của đơn vị, tuyển dụng viên chức, đề xuất cấp phó của đơn vị, quyết định bổ nhiệm và miễn nhiệm các tổ chức trực thuộc, quyết định tiền lương, quyết định khen thưởng, kỷ luật cán bộ, viên chức thuộc quyền quản lý;
- Các tổ chức KH&CN được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước về hỗ trợ đầu tư phát triển, vay vốn, góp vốn, v.v...
Có thể nói, Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 5/9/2005 của Chính phủ tạo bước ngoặt mang tính quyết định trong lĩnh vực quản lý các tổ chức KH&CN công lập.
Thông tư 10/2005/TT-BKHCN ngày 24/8/2005 hướng dẫn điều kiện thành lập và đăng ký hoạt động của tổ chức KH&CN theo Nghị định 81/2002/NĐ-CP ngày 17/10/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật KH&CN.
Đây là văn bản pháp quy về đăng ký và hoạt động của các tổ chức KH&CN, không phân biệt thành phần kinh tế (Nhà nước, tập thể và tư nhân). Sau đây là một số điểm mới cơ bản nhất của Thông tư:
- Ngoài việc tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học và dịch vụ KH&CN, các tổ chức KH&CN được quyền sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực hoạt động của mình;
- Các tổ chức KH&CN tư nhân không cần phải có quyết định thành lập, chỉ cần đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý KH&CN có thẩm quyền của Nhà nước;
- Lần đầu tiên ở nước ta, các tổ chức KH&CN có vốn của nước ngoài được đăng ký hoạt động;
- Các tổ chức KH&CN được liên kết, liên doanh với các tổ chức và cá nhân nhà khoa học nước ngoài trong việc đăng ký hoạt động cũng như tiến hành triển khai các hoạt động KH&CN.
Trong những năm gần đây, Bộ KH&CN đã phối hợp với các tỉnh và thành phố xúc tiến việc thành lập các Trung tâm nghiên cứu vùng và Trung tâm nghiên cứu trọng điểm. Cụ thể là:
- Đã trình và được Chính phủ thông qua Quyết định thành lập Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ Gen phía Nam, sử dụng chung cho các tỉnh phía Nam từ Đà Nẵng trở vào;
- Bộ KH&CN cùng với TP.Hồ Chí Minh xúc tiến thành lập Trung tâm Thông tin và chuyển giao công nghệ khu vực phía Nam tại TP.Hồ Chí Minh;
- Bộ KH&CN cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) xúc tiến đầu tư quy hoạch các Trung tâm kiểm định Tiêu chuẩn-Đo lường- Chất lượng (TC-ĐL-CL) cho ba khu vực Tây Nguyên (tại Đắk Lắk), Tây Nam bộ (tại Cần Thơ) và Tây Bắc (tại Sơn La).