1 - Phong trào đồng khởi
Dưới ánh sáng của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15, từ cuối 1959 đến 1960 nhân dân miền Nam vùng lên khởi nghĩa đồng loạt để giành chính quyền. Tiêu biểu là cuộc nổi dậy của nhân dân huyện Bác ái, tỉnh Ninh Thuận (ngày 7-2 đến cuối năm 1959); cuộc khởi nghĩa Trà Bồng, Quảng Ngãi (28-8-1959); cuộc đồng khởi của đồng bào tỉnh Bến Tre (17-1-1960); cuộc nổi dậy đồng loạt của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên (20-10-1960)...
Tính đến cuối năm 1960, phong trào Đồng khởi của nhân dân miền Nam đã căn bản làm tan rã cơ cấu chính quyền cơ sở địch ở nông thôn. Trong 2.627 xã toàn miền Nam, nhân dân đã lập chính quyền tự quản ở 1.383 xã, đồng thời làm tê liệt chính quyền Mỹ-Diệm ở hầu hết các xã khác. Dân số vùng giải phóng toàn miền Nam có khoảng 5,6 triệu người. Kế hoạch lập khu trù mật của địch bị phá sản. Chính sách “cải cách điền địa”của địch bị thất bại nặng. Hai phần ba số ruộng đất bị Mỹ-Diệm cướp (khoảng 17 vạn héc ta) đã trở về tay nhân dân. Phong trào Đồng khởi ở nông thôn thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đấu tranh chính trị ở đô thị. Trong năm 1960 ở miền Nam có 10 triệu lượt người tham gia đấu tranh chính trị, trong đó tiêu biểu nhất là phong trào đấu tranh nhân ngày 20-7-1960.
Phong trào Đồng khởi trên thực tế đã chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, đã giáng một đòn bất ngờ vào chiến lược Aixenhao, làm thất bại cuộc chiến tranh đơn phương của đế quốc Mỹ. Đây là một mốc mới rất quan trọng của cách mạng miền Nam, tạo cơ sở vững chắc để nhân dân miền Nam Việt Nam đánh thắng “chiến lược chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.
Ngày 20-12-1960, tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay là Tân Biên), trong vùng căn cứ Tây Ninh, Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam đã họp thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đại hội cử ra ủy ban Trung ương, thông qua Tuyên ngôn, Chương trình hành động Mười điểm, mà nội dung cơ bản là đánh đổ chế độ thuộc địa trá hình của đế quốc Mỹ và chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, xây dựng một miền Nam Việt Nam độc lập, dân chủ, hoà bình, trung lập, tiến tới hoà bình thống nhất nước nhà.
Nội dung của chương trình hành động Mười điểm như sau:
1- Đánh đổ chế độ thuộc địa trá hình của đế quốc Mỹ và chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ, thành lập chính quyền liên minh, dân tộc, dân chủ.
2- Thực hiện chế độ dân chủ rộng rãi, tiến bộ.
3- Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, cải thiện dân sinh.
4- Thực hiện giảm tô, tiến tới giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân, làm cho người cày có ruộng.
5- Xây dựng nền văn hoá, giáo dục dân tộc dân chủ.
6- Xây dựng một quân đội bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân.
7- Thực hiện dân tộc bình đẳng, nam nữ bình quyền, bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngoại kiều và kiều bào.
8- Thực hiện chính sách ngoại giao hoà bình, trung lập.
9- Lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc.
10- Chống chiến tranh xâm lược, tích cực bảo vệ hoà bình thế giới.
Sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là một thắng lợi to lớn trong thời kỳ cách mạng miền Nam đang chuyển sang một giai đoạn mới, chuyển thế tiến công từ khởi nghĩa từng phần (1959-1960) chuyển sang chiến tranh cách mạng.