3 - Xây dựng chủ nghĩa xã hội và đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mỹ
3 - Xây dựng chủ nghĩa xã hội và đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mỹ
Tháng 6-1964, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Chỉ thị tăng cường công tác phòng không, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Chấp hành chỉ thị của Bộ Chính trị, đến cuối tháng 7-1964, các lực lượng vũ trang, đặc biệt là bộ đội phòng không-không quân và hải quân đã hoàn thành mọi công tác chuẩn bị chiến đấu.
Ngày 5-8-1964, Tổng thống Mỹ L.B. Giônxơn, sau khi dựng lên cái gọi là “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” đã trực tiếp ra lệnh cho máy bay Mỹ tiến công bắn phá nhiều đợt xuống vùng phụ cận Vinh-Bến Thủy, vùng phụ cận thị xã Hòn Gai, cửa Lạch Trường (Thanh Hóa) và cửa sông Gianh (Quảng Bình). Bộ đội phòng không, các đơn vị hải quân và nhân dân các địa phương đã trừng trị đích đáng hành động xâm lược: bắn rơi 8 máy bay Mỹ, bắn bị thương 3 chiếc khác, bắt sống 1 giặc lái Mỹ.
Từ ngày 25 đến ngày 29-11-1964, Hội nghị quốc tế đoàn kết với nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ hoà bình, do Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ủy ban Bảo vệ hoà bình thế giới của Việt Nam, ủy ban đoàn kết nhân dân á-Phi của Việt Nam tổ chức, họp tại Hà Nội. Dự Hội nghị có 169 đại biểu của 64 đoàn đại diện cho 12 tổ chức quốc tế và nhân dân 50 nước. Hội nghị nghiêm khắc lên án đế quốc Mỹ xâm lược, vạch rõ thất bại tất yếu của chúng và biểu dương cổ vũ những thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm khu gang thép Thái Nguyên,
một khu công nghiệp lớn được xây dựng sau ngày hòa bình (1-1964).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Báo cáo chính trị tại " Hội nghị chính trị đặc biệt" ngày 28-3-1964.
Nhân dân Thành phố Thái Nguyên bầu cử đại biểu Quốc hội khóa III (1964).
Học sinh trường miền Nam số 8 Hải Phòng lần đầu tiên trong đời được thực hiện
nghĩa vụ công dân, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa III (1964).
Tháng 12-1964, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá III) họp bàn về vấn đề thương nghiệp và giá cả. Căn cứ vào thực tiễn 10 năm phấn đấu quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Hội nghị bổ sung một số điểm vào đường lối chung cách mạng xã hội chủ nghĩa: Tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hoá, lấy cách mạng kỹ thuật làm then chốt.Căn cứ đường lối đó, công tác thương nghiệp và giá cả phải phục vụ tốt đời sống nhân dân, thúc đẩy sản xuất phát triển, thúc đẩy cách mạng kỹ thuật, cải tiến tổ chức thương nghiệp, tăng cường thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán, quản lý tốt thị trường.
Tháng 2-1965, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam phát động trong đoàn viên và thanh niên cả nước hưởng ứng phong trào “3 sẵn sàng” của thanh niên Thủ đô Hà Nội khởi đầu từ ngày 9-8-1964. Nội dung phong trào “3 sẵn sàng” là:
1- Sẵn sàng chiến đấu dũng cảm và sẵn sàng vào bộ đội.
2- Sẵn sàng khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, học tập trong bất kỳ tình huống nào.
3- Sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến.
Tính đến cuối tháng 5-1965, trên toàn miền Bắc đã có hơn 2 triệu 50 vạn nam nữ thanh niên ghi tên tình nguyện “3 sẵn sàng”.
Tiếp đó, ngày 19-3-1965, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phát động cuộc vận động “3 đảm nhiệm” (sau đổi là “3 đảm đang”) trong giới phụ nữ.
Nội dung phong trào “3 đảm đang” là:
1- Đảm nhiệm sản xuất và công tác thay thế cho chồng con, anh em đi chiến đấu.
2- Đảm nhiệm gia đình cho chồng con, anh em yên tâm chiến đấu, khuyến khích chồng con, anh em tòng quân và phục vụ lâu dài trong quân đội.
3- Đảm nhiệm phục vụ chiến đấu, tham gia dân quân tự vệ, tập luyện quân sự để sẵn sàng chiến đấu, phục vụ bộ đội, công an, dân quân tự vệ khi chiến đấu.
Phong trào này đã được phụ nữ toàn miền Bắc nhiệt liệt hưởng ứng. Tính đến cuối tháng 5-1965, đã có trên 1 triệu 70 vạn phụ nữ ghi tên phấn đấu đạt danh hiệu“phụ nữ 3 đảm đang”.
Từ ngày 25 đến ngày 27-3-1965, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá III) họp Hội nghị lần thứ 11 (đặc biệt) về tình hình và nhiệm vụ cấp bách.
Hội nghị nhận định: Tình hình một nửa nước có chiến tranh, một nửa nước có hoà bình đã biến thành tình hình cả nước có chiến tranh với hình thức và mức độ khác nhau ở mỗi miền; trong cuộc chiến tranh cách mạng yêu nước của nhân dân cả nước chống đế quốc Mỹ, miền Nam vẫn là tiền tuyến lớn, miền Bắc vẫn là hậu phương lớn, những nhiệm vụ của miền Bắc là vừa xây dựng, vừa trực tiếp chiến đấu, vừa chi viện cho tiền tuyến miền Nam... Hướng tích cực nhất để làm thất bại âm mưu của địch là tập trung lực lượng của cả nước để đánh bại hoàn toàn địch ở miền Nam.
Hội nghị còn đề ra nhiệm vụ cấp bách ở miền Bắc là phải kịp thời chuyển hướng về tư tưởng và tổ chức, chuyển hướng xây dựng kinh tế và tăng cường lực lượng quốc phòng cho phù hợp với tình hình mới.
Ngày 31-3-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ thưởng luân lưu“Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” cho quân và dân Quân khu Tả Ngạn và Quân khu IV. Quân ủy Trung ương đã phát động phong trào thi đua“Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” trong các lực lượng vũ trang.
Từ ngày 3 đến ngày 4-4-1965, quân và dân các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình và đảo Cồn Cỏ đã phối hợp chiến đấu giành chiến thắng giòn giã: Bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống 3 giặc lái Mỹ.
Từ ngày 7 đến ngày 10-4-1965, Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá III, đã nhất trí thông qua: Nghị quyết giao cho ủy ban Thường vụ Quốc hội được sử dụng một số quyền của Quốc hội trong trường hợp Quốc hội không thể họp được theo thường lệ; Đạo luật sửa đổi và bổ sung một số điều trong Luật nghĩa vụ quân sự; Lời kêu gọi của Quốc hội gửi Quốc hội các nước trên thế giới đề nghị có những hành động thích hợp ủng hộ mạnh mẽ lập trường của Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Việt Nam, đồng thời kiên quyết đòi chính phủ Mỹ phải đình chỉ xâm lược miền Nam Việt Nam và đình chỉ khiêu khích, bắn phá, tiến công nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Trong phiên họp bế mạc kỳ họp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân: “Lúc này chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam yêu nước”1. “Tất cả chúng ta hãy đoàn kết nhất trí, triệu người như một, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”2.
Ngày 8-4-1965, Thủ tướng Chính phủ đã công bố lập trường Bốn điểm của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đặt cơ sở cho một giải pháp hoà bình đối với vấn đề Việt Nam. Nội dung 4 điểm đó gồm:
1- Xác nhận những quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam: Hoà bình, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Theo đúng Hiệp định Giơnevơ, Chính phủ Mỹ phải rút quân đội, nhân viên quân sự và các loại vũ khí ra khỏi miền Nam, xoá bỏ “liên minh quân sự” với miền Nam, Chính phủ Mỹ phải đình chỉ chính sách can thiệp và xâm lược đối với miền Nam; phải đình chỉ hành động chiến tranh đối với miền Bắc, hoàn toàn chấm dứt mọi hành động xâm phạm lãnh thổ và chủ quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
2- Trong lúc chờ đợi thực hiện hoà bình thống nhất nước Việt Nam, trong lúc nước Việt Nam còn tạm thời chia làm 2 miền, thì phải triệt để tôn trọng những điều khoản quân sự của Hiệp định Giơnevơ 1954 về Việt Nam như: Hai miền đều không có liên minh quân sự với nước ngoài, không có căn cứ quân sự, quân đội và nhân viên quân sự của nước ngoài trên đất mình.
3- Công việc miền Nam do nhân dân miền Nam tự giải quyết theo Cương lĩnh Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài.
4- Việc thực hiện hoà bình thống nhất nước Việt Nam do nhân dân Việt Nam ở hai miền tự giải quyết, không có sự can thiệp của nước ngoài.
Ngày 21-4-1965, ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn việc:
- Hợp nhất hai tỉnh Bắc Cạn và Thái Nguyên thành tỉnh Bắc Thái;
- Hợp nhất hai tỉnh Hà Nam và Nam Định thành tỉnh Nam Hà;
- Hợp nhất hai tỉnh Sơn Tây và Hà Đông thành tỉnh Hà Tây.
Ngày 20-7-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nêu cao tinh thần cảnh giác và chí khí chiến đấu, tăng cường đoàn kết, ra sức thi đua sản xuất và chiến đấu. Người khẳng định: “Đứng trước nguy cơ giặc Mỹ cướp nước, đồng bào miền Bắc và đồng bào miền Nam đoàn kết một lòng, kiên quyết chiến đấu; dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn”1.
Ngày 2-8-1965, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Tuyên bố về việc Chính phủ Mỹ ồ ạt đưa quân sang miền Nam Việt Nam, ráo riết tăng cường chiến tranh xâm lược nước Việt Nam.
Tháng 10-1965, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị: “Tiếp tục một bước mới cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, phát triển sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh đồng bằng, trung du” và Chỉ thị:“Về cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ, vững chắc ở miền núi”.
Ngày 11-10-1965, ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn các việc sau:
- Tách Bộ Giáo dục thành 2 Bộ: Bộ Giáo dục và Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp;
- Tách ủy ban khoa học Nhà nước thành 2 cơ quan: ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước và Viện Khoa học xã hội (sau đổi lại là ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam);
- Thành lập Tổng cục Thông tin trực thuộc Hội đồng Chính phủ.
Trải qua hơn 10 năm thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội (1954-1965), miền Bắc đã trở thành căn cứ địa vững chắc cho cách mạng Việt Nam trong cả nước, với chế độ chính trị ưu việt, với lực lượng kinh tế và quốc phòng lớn mạnh.
Đến năm 1965, có 88,8% số hộ nông dân vào hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, trong đó, 71,7% số hộ lên hợp tác xã bậc cao. Nền nông nghiệp hợp tác hoá cùng giai cấp nông dân tập thể đã hình thành và phát triển. Diện tích, năng suất và tổng sản lượng đều tăng, tốc độ tăng bình quân hằng năm về giá trị tổng sản lượng nông nghiệp là 4,1%. Năm 1965, có 9 huyện và 125 hợp tác xã đạt năng suất bình quân cả năm từ 5 tấn thóc/ha trở lên. Cơ sở vật chất-kỹ thuật của hợp tác xã được tăng nhanh. Đầu năm 1965 đã xây dựng được 3.139 điểm cơ khí nhỏ, 7 trạm và 32 đội máy kéo, 33 công trình thuỷ lợi lớn, 1.500 công trình vừa và nhỏ đã được khôi phục và xây dựng, bảo đảm tưới tiêu chủ động cho hơn 500.000 ha diện tích trồng trọt. Nông nghiệp miền Bắc từ một nền nông nghiệp lạc hậu, độc canh, năng suất thấp dần dần trở thành một nền nông nghiệp phát triển tương đối toàn diện. Thắng lợi lớn nhất của nông nghiệp miền Bắc thời kỳ này là đã giải quyết được phần lớn nhu cầu về lương thực, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp và một phần cho xuất khẩu.
Công nghiệp miền Bắc trong thời kỳ này đã có mức phát triển khá. Từ những cơ sở sản xuất công nghiệp nhỏ bé, chủ yếu là khai thác nguyên liệu và sửa chữa nhỏ, nay đã bắt đầu sản xuất một phần tư liệu sản xuất và phần lớn những vật phẩm tiêu dùng của nhân dân. Vai trò chủ đạo của công nghiệp trong nền kinh tế quốc dân bước đầu được phát huy. Các ngành công nghiệp chủ yếu như điện, cơ khí, luyện kim, hoá chất, vật liệu xây dựng, v.v., đã hình thành và phát triển nhanh, nhất là ngành điện và ngành cơ khí. So với năm 1955, sản lượng điện năm 1965 tăng gấp 10 lần. Ngành cơ khí được coi là then chốt đã phát triển mạnh và tiến lên sản xuất được các loại máy công cụ chính xác, tốc độ tăng bình quân hàng năm là 30%. Đến năm 1965 đã xây dựng được 1.132 xí nghiệp công nghiệp quốc doanh. Nhiều khu công nghiệp phát triển và hình thành ở Hà Nội, Hải Phòng, Việt Trì, Thái Nguyên, Nam Định, Vinh, Hồng Quảng.
Đội ngũ cán bộ và công nhân kỹ thuật phát triển nhanh chóng. Đến năm 1965, miền Bắc có trên 650.000 công nhân và lao động công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.
Một trong những thành quả lớn nhất của công nghiệp miền Bắc thời kỳ 1961-1965 là phục vụ nông nghiệp có hiệu quả, đặc biệt trong các khâu thuỷ lợi, trang bị máy móc, nông cụ, phân bón, thuốc trừ sâu, v.v. Trong thời kỳ này, khối lượng tư liệu sản xuất cung cấp cho nông nghiệp tăng bình quân 25%/năm, chiếm 1/4 giá trị tổng sản lượng của công nghiệp nặng.
Miền Bắc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ.
Về văn hoá giáo dục, hầu hết các xã vùng đồng bằng, trung du và nhiều xã miền núi có trường cấp I, cấp II, huyện có trường phổ thông cấp III. Năm 1965 so với năm 1960, số trường học phổ thông các cấp tăng từ 7.066 lên 10.294, số học sinh phổ thông tăng từ 1.899.600 lên 2.934.900. Toàn miền Bắc có hơn 4,5 triệu người đi học trên tổng số 16 triệu dân. Một số dân tộc ít người đã có chữ viết riêng.
Mạng lưới y tế được xây dựng rộng rãi từ thành thị đến nông thôn. 70% số huyện có bệnh viện. 90% số xã ở đồng bằng và 70% số xã miền núi có trạm y tế.
Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên.
Từ ngày 21 đến ngày 26-12-1965, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá III) đã họp bàn về tình hình và nhiệm vụ mới. Hội nghị đã định ra nhiệm vụ, chủ trương, phương châm thích hợp với tình hình mới:“Động viên lực lượng của cả nước kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào, để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước, tiến tới thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà”1.
Miền Bắc chi viện có hiệu quả, kịp thời cho tiền tuyến lớn miền Nam
Ngày 24-1-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho các vị đứng đầu các nước xã hội chủ nghĩa, nhiều nước liên quan tới Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam, nhiều nước dân tộc chủ nghĩa và nhiều nước khác quan tâm đến tình hình Việt Nam. Nội dung bức thư tố cáo đế quốc Mỹ là kẻ đang tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược hết sức dã man ở Việt Nam, vạch rõ thực chất cuộc vận động gọi là “đi tìm hoà bình” và đề nghị Mười bốn điểm của chính quyền Giônxơn . Bức thư nêu rõ con đường đúng đắn nhất để đi đến giải quyết vấn đề Việt Nam là lập trường Bốn điểmcủa Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ra ngày 8 tháng 4 năm 1965.
Tháng 3-1966, Thường vụ Hội đồng Chính phủ quyết định phương hướng và nhiệm vụ của phong trào thi đua trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước nhằm đẩy mạnh sản xuất, tích cực bảo vệ sản xuất, anh dũng chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, quyết tâm hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước và chiến thắng giặc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào. Qua phong trào thi đua, tăng cường rèn luyện và xây dựng con người mới, tập thể lao động mới, bồi dưỡng những phần tử ưu tú trở thành đoàn viên thanh niên, đảng viên và đào tạo thành cán bộ cơ quan của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân.
Từ ngày 16 đến ngày 22-4-1966, Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá III, đã tổng kết và biểu dương thành tích to lớn của quân và dân cả nước trong một năm chống Mỹ, cứu nước. Quốc hội đã kêu gọi nhân dân cả nước đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến toàn thắng; kêu gọi nhân dân yêu chuộng hoà bình và công lý trên toàn thế giới đẩy mạnh phong trào đoàn kết giúp đỡ nhân dân Việt Nam về mọi mặt; kêu gọi các tầng lớp nhân dân Mỹ tăng cường đấu tranh đòi giới cầm quyền Mỹ đình chỉ ngay cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam và chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam.
Ngày 30-4-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 40-LCT thưởng 5 Huân chương Độc lập và 8 Huân chương Quân công cho 13 đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam đã lập nhiều chiến công vẻ vang và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
Ngày 17-6-1966, Bộ Văn hoá phối hợp với Tổng Công đoàn Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Giáo dục, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phát động phong trào “Cất cao tiếng hát sản xuất, chiến đấu chống Mỹ, cứu nước”. Phong trào này được phát động trong hai năm1966-1967. Mặc dù bị đế quốc Mỹ dùng không quân, hải quân đánh phá ác liệt, nhân dân miền Bắc vừa chiến đấu vừa sản xuất, vừa đẩy mạnh các hoạt động văn nghệ, thực hiện“Tiếng hát át tiếng bom”.
Tháng 7-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh công bố Lệnh động viên cục bộ: Động viên một bộ phận sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị và một bộ phận công dân thuộc ngạch dự bị nhưng chưa phục vụ tại ngũ, để tăng cường lực lượng quốc phòng, đẩy mạnh cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước nhằm đánh bại âm mưu và hành động xâm lược của đế quốc Mỹ.
Ngày 17-7-1966, trước tình hình đế quốc Mỹ liều lĩnh ngoan cố mở rộng chiến tranh xâm lược ở miền Nam và tiến hành những bước leo thang mới cực kỳ nghiêm trọng mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, ném bom bắn phá Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn dân chống Mỹ cứu nước, quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược. Người chỉ rõ:“Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”1.
Ngày 14-12-1966, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 1.600 trên miền Bắc.
Ngày 1-1-1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 117-LCT tặng danh hiệu Anh hùng cho khu Vĩnh Linh và 44 đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân và các ngành Công nghiệp, Nông nghiệp, Giao thông vận tải, Bưu điện truyền thanh và Y tế; Lệnh số 118-LCT tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 43 cán bộ và chiến sĩ thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam, dân quân và Công an nhân dân; Lệnh số 119-LCT tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho 68 cán bộ, công nhân viên chức và xã viên hợp tác xã.
Đầu tháng giêng 1967, đã diễn ra Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sĩ thi đua lần thứ 4. Dự Đại hội có hơn 500 Anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ gồm các chiến sĩ xuất sắc thuộc đủ các quân chủng, binh chủng từ bộ binh, pháo binh, công binh, pháo cao xạ, tên lửa, trinh sát trên không, thông tin liên lạc, vận tải đến hải quân, không quân; từ công an nhân dân vũ trang đến dân quân, tự vệ; các chiến sĩ xuất sắc trên mặt trận sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, các ngành thương nghiệp, y tế, văn hoá, giáo dục trên toàn miền Bắc. Đại hội đã nghe bản báo cáo: “Phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng đẩy mạnh cao trào thi đua chống Mỹ, cứu nước, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.
Ngày 15-2-1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư trả lời Tổng thống Mỹ Giônxơn. Người chỉ rõ:“Chính phủ Mỹ đã gây ra chiến tranh xâm lược Việt Nam thì con đường đưa đến hoà bình ở Việt Nam là Mỹ phải chấm dứt xâm lược”.“Nếu Chính phủ Mỹ thật muốn nói chuyện thì trước hết Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. “Nhân dân Việt Nam quyết không khuất phục trước vũ lực và quyết không nói chuyện trước sự đe dọa của bom đạn”1.
Ngày 8-6-1967, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Tuyên bố công nhận đường biên giới hiện tại của Vương quốc Campuchia.
Ngày 20-7-1967, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định bổ sung về chế độ đãi ngộ đối với quân nhân, cán bộ, công nhân viên chức và nhân dân bị thương, hy sinh hoặc mất sức lao động trong khi làm nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước.
Ngày 2-9-1967, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra Tuyên bố nhiệt liệt hoan nghênh và cương quyết ủng hộ bản Cương lĩnh chính trị của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Ngày 26-1-1968, ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết hợp nhất hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc thành tỉnh Vĩnh Phú; hợp nhất hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên thành tỉnh Hải Hưng.
Ngày 12-3-1968, Hội đồng Chính phủ ra Nghị quyết về công tác định canh, định cư kết hợp với hợp tác hoá đối với đồng bào du canh du cư ở miền núi.
Ngày 3-4-1968, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra Tuyên bố về việc đế quốc Mỹ “ném bom hạn chế miền Bắc từ ngày 31-3-1968”. Bản Tuyên bố nêu rõ: “Lập trường chính nghĩa, thái độ thiện chí của Chính phủ và nhân dân Việt Nam là sẵn sàng cử đại diện của mình tiếp xúc với đại diện của Mỹ nhằm xác định với phía Mỹ việc Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh nhằm chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để có thể bắt đầu cuộc nói chuyện”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Chính phủ đầu năm 1968.
Từ trái sang phải: Ông Lê Văn Hiến, Ông Tạ Quang Bửu, (chưa rõ tên),
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Ông Trường Chinh, Ông Phan Kế Toại, Ông Nguyễn Duy Trinh.
Ngày 3-5-1968, Bộ Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra Tuyên bố về vấn đề cấp bậc đại biểu, địa điểm, thời gian của cuộc nói chuyện chính thức giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mỹ. Bộ trưởng Xuân Thủy được Chính phủ cử làm đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; Pari là địa điểm cuộc nói chuyện và ngày 10-5 hoặc vài ngày sau đó sẽ bắt đầu cuộc nói chuyện chính thức.
Ngày 13-5-1968, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chấp nhận nói chuyện chính thức với đại diện Chính phủ Mỹ ở Pari (Pháp).
Ngày 30-5-1968, ông Lê Đức Thọ, ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Cố vấn đặc biệt của Bộ trưởng Xuân Thuỷ - đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong cuộc nói chuyện chính thức với đại diện Chính phủ Mỹ, đã rời Hà Nội lên đường sang Pari.
Ngày 1-11-1968, Chính phủ Mỹ phải tuyên bố chấm dứt không điều kiện cuộc ném bom bắn phá trên toàn lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Quân và dân miền Bắc đã đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ. Tính từ ngày 5-8-1964 đến ngày 1-11-1968, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 3.243 máy bay (có 6 chiếc B.52), 143 lần bắn chìm, bắn bị thương tàu chiến, tàu biệt kích Mỹ.
Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt miền Bắc vẫn vững vàng, vừa sản xuất vừa chiến đấu và vừa làm tròn nghĩa vụ hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn. Khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” trở thành quyết tâm, hành động của mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi địa phương khắp nơi trên miền Bắc. Cả miền Bắc hành động theo tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, ngày đêm dồn sức tăng viện cho miền Nam đánh Mỹ. Thời kỳ này, quá nửa lực lượng và gần 80% vũ khí, đạn dược, phương tiện kỹ thuật sử dụng ở chiến trường miền Nam là do Đảng, Chính phủ động viên từ miền Bắc đưa vào. Từ năm 1965 đến năm 1968, đã có 888.641 thanh niên miền Bắc gia nhập lực lượng vũ trang, trong đó có trên 336.900 người hành quân vượt núi băng rừng, vào miền Nam chiến đấu. Riêng năm 1968, miền Bắc động viên 311.749 thanh niên vào bộ đội; bổ sung cho chiến trường miền Nam 141.081 người.