2 - Hoàn thành Cải tạo xã hội chủ nghĩa, bước đầu phát triển kinh tế và văn hóa - đưa miền Bắc vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội
2- Hoàn thành Cải tạo xã hội chủ nghĩa, bước đầu phát triển kinh tế và văn hóa - đưa miền Bắc vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội
Từ ngày 16 đến ngày 29-4-1958, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá I đã thông qua kế hoạch 3 năm cải tạo và phát triển kinh tế quốc dân (1958-1960).
Quốc hội thông qua quyết định lập Toà án tối cao, Viện Công tố và hệ thống công tố (cả hai tách khỏi Bộ Tư pháp và có quyền hạn ngang một Bộ) trực thuộc Hội đồng Chính phủ; Nâng Ban Dân tộc thành Ủy ban Dân tộc và lập Ủy ban Khoa học Nhà nước - có quyền hạn ngang một Bộ của Hội đồng Chính phủ.
Từ ngày 7 đến 8-7-1958, tại Hà Nội, Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 2 đã biểu dương những thành tích của phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ khôi phục kinh tế ở miền Bắc và tuyên dương 26 Anh hùng Lao động.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 (tháng 11-1958) và lần thứ 16 (tháng 4-1959) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định đẩy mạnh cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Hội nghị lần thứ 14 đã vạch ra kế hoạch ba năm cải tạo xã hội chủ nghĩa, bước đầu phát triển kinh tế và văn hóa, mà nhiệm vụ trọng tâm là ra sức cải tạo nông nghiệp, thủ công nghiệp và công thương nghiệp tư bản tư doanh theo chủ nghĩa xã hội, khâu chính là đẩy mạnh hợp tác hóa nông nghiệp, đồng thời tích cực phát triển và củng cố các thành phần kinh tế quốc doanh.
Ngày 22-12-1958, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi công hàm cho chính quyền miền Nam Việt Nam vạch rõ: Sự can thiệp ngày càng sâu của đế quốc Mỹ vào miền Nam Việt Nam là nguyên nhân ngăn trở việc hoà bình thống nhất Tổ quốc Việt Nam. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nêu lên ba yêu cầu cấp thiết của nhân dân Việt Nam là:
- Bãi bỏ chính sách tăng cường quân sự chuẩn bị chiến tranh của đế quốc Mỹ, bãi bỏ chính sách khủng bố sát hại đồng bào yêu nước ở miền Nam.
- Xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, cải thiện đời sống nhân dân.
- Mở rộng tự do, lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền.
Tháng Giêng năm 1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) quyết định về nhiệm vụ cách mạng ở miền Nam và vai trò vị trí của miền Bắc xã hội chủ nghĩa đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 là một nghị quyết lịch sử rất quan trọng đáp ứng nguyện vọng tha thiết của đồng bào cả nước, tạo nên bước chuyển biến lớn đối với công cuộc giải phóng miền Nam và sự nghiệp cách mạng của cả nước.
Ngày 5-5-1959, Quân uỷ Trung ương đã ra Nghị quyết chính thức xây dựng con đường vận chuyển chi viện cho miền Nam “đường mòn Hồ Chí Minh”, gọi tắt là đường 559. Tháng 7-1959, thành lập đơn vị vận tải đường biển chịu trách nhiệm chuyển hàng hoá chi viện cho miền Nam bằng đường biển, gọi tắt là đơn vị 759.
Từ ngày 20 đến ngày 27-5-1959, đã diễn ra kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá I. Quốc hội đã nghe trình bày và thảo luận báo cáo của ông Trường-Chinh “Kiên quyết đưa nông thôn miền Bắc nước ta qua con đường hợp tác hoá nông nghiệp tiến lên chủ nghĩa xã hội”.
Quốc hội nhận định đó là khâu chính trong toàn bộ công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và nhất trí tán thành những quy định về mục đích, yêu cầu, đường lối giai cấp, phương châm, nguyên tắc, những chính sách cụ thể nêu lên trong báo cáo.
Từ ngày 18 đến 31-12-1959, kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá I đã thông qua:
- Hiến pháp mới - Hiến pháp 1959, Hiến pháp xã hội chủ nghĩa đầu tiên của nước Việt Nam.
Quốc hội cũng đã thông qua:
- Luật hôn nhân và gia đình.
- Luật bầu cử Quốc hội.
Ngày 1-1-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh công bố Hiến pháp mới (1959).
|
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa I (16 đến 29-4-1958) |
Hiến pháp mới chính thức xác định miền Bắc đã bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Hiến pháp mới là cương lĩnh chỉ đạo cuộc đấu tranh cách mạng và xây dựng đời sống mới của nhân dân Việt Nam. Hiến pháp đã dành cả chương VI với tiêu đề “Hội đồng Chính phủ” để quy định về tổ chức và hoạt động của Chính phủ.
Điều 71:
Hội đồng Chính phủ là cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, và là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Hội đồng Chính phủ chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước Quốc hội, trong thời gian Quốc hội không họp thì chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm công trình thủy nông Bắc-Hưng-Hải (1958)
Điều 72:
Hội đồng Chính phủ gồm có:
- Thủ tướng,
- Các Phó Thủ tướng,
- Các Bộ trưởng,
- Các Chủ nhiệm các Ủy ban Nhà nước,
- Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước.
Tổ chức của Hội đồng Chính phủ do luật định.
|
Tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa I (31-12-1959), Quốc hội thông qua Hiến pháp mới, Hiến pháp xã hội chủ nghĩa đầu tiên. |
Điều 74:
Hội đồng Chính phủ có những quyền hạn sau đây:
1. Trình dự án luật, dự án pháp lệnh và các dự án khác ra trước Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội.
2. Thống nhất lãnh đạo công tác của các Bộ và các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ.
3. Thống nhất lãnh đạo công tác của Ủy ban hành chính các cấp.
4. Sửa đổi hoặc bãi bỏ những quyết định không thích đáng của các Bộ, các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ; sửa đổi hoặc bãi bỏ những quyết định không thích đáng của Ủy ban hành chính các cấp.
5. Đình chỉ việc thi hành những nghị quyết không thích đáng của Hội đồng nhân dân tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc Trung ương và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi hoặc bãi bỏ những nghị quyết ấy.
Ngày 1-1-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh ban hành Hiến pháp mới
đã được Quốc hội khóa I, kỳ họp thứ 11 thông qua.
Từ trái sang phải (đứng): Ông Phan Kế Toại, Ông Trường Trinh, Ông Phạm Văn Đồng,
Bà Nguyễn Thị Thập, Ông Tôn Đức Thắng, Ông Lê Tư Lành.
6. Chấp hành kế hoạch kinh tế và ngân sách Nhà nước.
7. Quản lý nội thương và ngoại thương.
8. Quản lý công tác văn hóa, xã hội.
9. Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, duy trì trật tự công cộng, bảo hộ quyền lợi của công dân.
10. Lãnh đạo việc xây dựng lực lượng vũ trang của Nhà nước.
11. Quản lý công tác đối ngoại.
12. Quản lý công tác dân tộc.
13. Phê chuẩn sự phân vạch địa giới của các đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh.
14. Thi hành lệnh động viên, lệnh giới nghiêm và mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ đất nước.
15. Bổ nhiệm và bãi miễn các nhân viên cơ quan Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Ngoài những quyền hạn trên, Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể trao cho Hội đồng Chính phủ những quyền hạn khác khi xét thấy cần thiết.
Cuối tháng 4-1960, Hội đồng Chính phủ họp bàn hai vấn đề:
1- Cải tiến chế độ tiền lương và tăng lương cho công nhân viên chức nhà nước từ ngày 1-5-1960.
2- Tách Bộ Nông lâm thành: Bộ Nông nghiệp, Bộ Nông trường, Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục Thuỷ sản.
Đầu tháng 6-1960, Hội đồng Chính phủ phát động phong trào thể dục và vệ sinh phòng bệnh, gọi tắt là phong trào thể dục vệ sinh. Mục đích của cuộc vận động là nhằm phát huy những kết quả về vệ sinh phòng bệnh và thể dục thể thao.
Từ ngày 7 đến ngày 15-7-1960, Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá II đã bầu:
Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà: Cụ Hồ Chí Minh.
Phó Chủ tịch: Cụ Tôn Đức Thắng.
Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Ông Trường-Chinh.
Thủ tướng Chính phủ: Ông Phạm Văn Đồng.
Ngày 26-7-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 18-LCT công bố Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ đã được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà khóa II, Kỳ họp thứ nhất thông qua ngày 14-7-1960.
Từ 5 đến 10-9-1960, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam đã họp ở Thủ đô Hà Nội. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đã chỉ rõ: Từ ngày hoà bình lập lại, cách mạng Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới: miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân; nhiệm vụ chung của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn này là:“Tăng cường đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc; đồng thời đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, thiết thực góp phần tăng cường phe xã hội chủ nghĩa và bảo vệ hòa bình ở Đông-Nam á và thế giới”.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu các vị lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ (7-1960). |
|
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II (1960) |
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phó Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng (7-1960). |
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. |
|
Đại hội liên hoan Anh hùng, chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ III ngày 6-5-1962. |
Đại hội đã thông qua phương hướng và nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) về phát triển kinh tế và văn hoá theo chủ nghĩa xã hội, quyết định những chủ trương về củng cố Đảng, và thông qua Điều lệ (sửa đổi) của Đảng.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương mới. Cụ Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Đảng, ông Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương.
Cuối tháng 12-1960, Hội đồng Chính phủ họp kiểm điểm tình hình thực hiện kế hoạch 3 năm cải tạo và phát triển kinh tế, văn hoá (1958-1960), nhận định: Công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp và công thương nghiệp tư bản tư doanh đã thu được thắng lợi có tính chất quyết định. Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, xây dưng cơ bản và các hoạt động kinh tế tài chính đã phát triển thêm một bước quan trọng. Công tác văn hoá, giáo dục,y tế đã thu được những thành tích to lớn.
Đến cuối năm 1960, ở miền Bắc, 84,8% số hộ nông dân lao động đã gia nhập hợp tác xã, chiếm 76% tổng diện tích canh tác; trong 41 nghìn hợp tác xã có 4.346 hợp tác xã bậc cao, chiếm 12% tổng số hợp tác xã. Nghề cá có 520 hợp tác xã, chiếm 77,2% tổng số hộ nông dân. Nghề muối có 269 hợp tác xã, chiếm 85% tổng số hộ làm muối.
Ở thành thị, 100% số cơ sở công nghiệp tư bản tư doanh thuộc diện cải tạo đã được tổ chức thành xí nghiệp công tư hợp doanh, xí nghiệp hợp tác. 1.553 chủ tư sản được cải tạo thành người lao động. 90% tổng số thợ thủ công trong diện cải tạo đã tham gia các hợp tác xã thủ công nghiệp bậc vừa và bậc thấp; hơn 7 vạn thợ thủ công chuyển sang sản xuất nông nghiệp. 60% tổng số người buôn bán nhỏ, làm dịch vụ, kinh doanh ngành ăn uống thuộc diện cải tạo đã tham gia hợp tác xã, tổ mua bán, làm đại lý cho thương nghiệp quốc doanh và trên 1 vạn người đã chuyển sang sản xuất.
Đi đôi với cải tạo quan hệ sản xuất, kế hoạch Nhà nước trên nhiều lĩnh vực đã hoàn thành, thành phần kinh tế quốc doanh ngày càng phát triển, có tác dụng lãnh đạo rõ rệt trong nền kinh tế quốc dân. Từ 16 nông trường quốc doanh năm 1957 đã lên 59 nông trường quốc doanh năm 1960. Công nghiệp quốc doanh năm 1960 chiếm 89,9% giá trị sản lượng công nghiệp. Vận tải quốc doanh chiếm 79,7% tổng khối lượng vận tải hàng hoá tính theo tấn/km. Thương nghiệp quốc doanh chiếm 49,5%, nếu kể cả thương nghiệp hợp tác xã và tư bản nhà nước chiếm 91%.
Về nông nghiệp, trong ba năm, mặc dù năm 1960 có thiên tai lớn, sản xuất vẫn tăng trung bình mỗi năm 5,6%. Cơ cấu nông nghiệp có biến đổi. Cây công nghiệp và chăn nuôi phát triển nhanh hơn, phục vụ yêu cầu sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và nâng cao đời sống nhân dân. Phong trào cải tiến kỹ thuật, cải tiến công cụ lao động trong nông nghiệp có nhiều tiến bộ. Nhiều công trình thuỷ lợi nhỏ và vừa được xây dựng bảo đảm nước tưới, nước tiêu cho đồng ruộng hợp tác xã và của nông dân. Một số công trình lớn được khởi công, tiêu biểu là công trình thuỷ lợi Bắc-Hưng-Hải.
Sản xuất công nghiệp bình quân hàng năm tăng 21,7%, riêng công nghiệp quốc doanh tăng 49,6%. Năm 1960 so với năm 1959, công nghiệp quốc doanh vượt 12,6% và tăng 32,3%. Đặc biệt công nghiệp địa phương có đà phát triển mạnh, năm 1960 tăng gấp 10 lần năm 1957. Cơ cấu công nghiệp cũng chuyển biến. Công nghiệp nặng bước đầu được xây dựng. Tỷ trọng nhóm A trong giá trị tổng sản lượng công nghiệp và thủ công nghiệp tăng từ 23,5% năm 1957 lên 32% năm 1960. Công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm năm 1960 so với năm 1957 tăng 60,4%. Hầu hết hàng tiêu dùng trong nước trước đây phải nhập nay đã tiến tới tự cung cấp được một phần quan trọng.
Xây dựng cơ bản được đẩy mạnh. Một số công trình quan trọng đã được hoàn thành như Nhà máy điện Vinh, Nhà máy điện Lào Cai, mỏ Apatít Lào Cai mở rộng, các nhà máy cao su, xà phòng, thuốc lá ở Hà Nội, nhà máy sứ Hải Dương...
Trên cơ sở sản xuất phát triển, mức sống vật chất và văn hoá của nhân dân lao động được nâng cao một bước. Thu nhập quốc dân tính theo đầu người từ năm 1955 đến năm 1960 tăng gấp đôi, sức mua của xã hội tăng 70%.
Ngày 16-1-1961, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định thành lập Ủy ban trị thủy sông Hồng (gọi tắt là Ủy ban sông Hồng).
Tháng 7-1961, Hội nghị toàn thể lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (khóa III) đã ra Nghị quyết về vấn đề phát triển nông nghiệp trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965).
Từ ngày 24-10 đến ngày 27-10-1961, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá II, đã thông qua Nghị quyết sáp nhập huyện Đông Triều (Hải Dương) vào Khu Hồng Quảng; Nghị quyết về tình hình thế giới và công tác đối ngoại của Chính phủ; Tuyên bố của Quốc hội về tình hình miền Nam và tình hình đấu tranh thống nhất nước nhà; Lời kêu gọi của Quốc hội Việt Nam gửi Quốc hội các nước trên thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ và tay sai Ngô Đình Diệm.
Ngày 27-11-1961, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký Nghị định phê chuẩn các phương án chữ Tày-Nùng, chữ Thái và chữ Mèo. Từ đây, đồng bào các dân tộc Tày-Nùng, Thái, Mèo có chữ viết riêng của dân tộc mình.
Từ ngày 18 đến ngày 26-4-1962, Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá II thông qua kế hoạch Nhà nước năm 1962; dự toán ngân sách Nhà nước năm 1962 và ra Bản Tuyên bố lên án đế quốc Mỹ vũ trang xâm lược miền Nam Việt Nam.
Từ ngày 4 đến ngày 6-5-1962, Đại hội liên hoan Anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 3 họp tại Hà Nội. Dự đại hội có 1.060 đại biểu được tuyển lựa từ cơ sở thuộc đủ các ngành, các giới (công nghiệp, nông nghiệp, lực lượng vũ trang, lao động trí óc, sự nghiệp hành chính, văn nghệ sĩ, sinh viên, học sinh, thiếu nhi). Đại hội đã tuyên dương 4 đơn vị lá cờ đầu là: Nhà máy cơ khí Duyên Hải (Hải Phòng), Hợp tác xã nông nghiệp Đại Phong (Quảng Bình), Hợp tác xã thủ công nghiệp Thành Công (Thanh Hoá), Trường phổ thông cấp II Bắc Lý (Hà Nam), Phong trào Ba Nhất của Quân đội và 45 Anh hùng Lao động.
Ngày 4-6-1962, Hội đồng Chính phủ quyết định thành lập thành phố Việt Trì. Thành phố Việt Trì nằm trên ngã ba sông Lô và sông Hồng, là một thành phố hoàn toàn mới do cán bộ, công nhân Việt Nam xây dựng và cũng là thành phố đầu tiên được thành lập từ khi hoà bình lập lại.
Từ ngày 23 đến ngày 27-10-1962, Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá II, đã thông qua: Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp; Nghị quyết về việc đổi tên Khu tự trị Thái - Mèo thành Khu tự trị Tây Bắc; Nghị quyết hợp nhất thành phố Hải Phòng và tỉnh Kiến An thành thành phố Hải Phòng; Hợp nhất tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang thành tỉnh Hà Bắc.
Ngày 30-10-1962, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định thành lập Ngân hàng Ngoại thương nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 2-1-1963, Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thường vụ Hội đồng Chính phủ quyết định mở cuộc vận động đồng bào miền xuôi đi tham gia phát triển kinh tế, văn hoá miền núi.
Ngày 19-2-1963, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Nghị quyết về cuộc vận động “Cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật nhằm phát triển vững chắc sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc”. Sau đó, ngày 1-6-1963, Hội đồng Chính phủ ra Nghị quyết mở rộng cuộc vận động này. Đến cuối tháng 12-1964, có 15.287 hợp tác xã nông nghiệp thuộc 20 tỉnh, thành phố, vùng đồng bằng và trung du đã hoàn thành lần thứ nhất cuộc vận động, chiếm 76% tổng số hợp tác xã nông nghiệp.
Tháng 4-1963, Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam lần thứ 8 bàn về kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã đề ra. Hội nghị đã kiến nghị những phương hướng, nhiệm vụ, những chỉ tiêu, biện pháp chủ yếu của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) nhằm phấn đấu xây dựng bước đầu cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, thực hiện một bước công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa và hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, tiếp tục đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.
Từ ngày 29-4 đến ngày 4-5-1963, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá II, đã thông qua: Nghị quyết tán thành đường lối, chính sách của Chính phủ về tình hình miền Bắc và những vấn đề lớn của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), về phong trào yêu nước ở miền Nam, tình hình quốc tế và chính sách ngoại giao của Việt Nam.
Ngày 20-7-1963, Bộ Chính trị ra Nghị quyết mở cuộc vận động “Nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu” trong ngành công nghiệp, gọi tắt là “Ba xây, ba chống”. Sau đó, ngày 20-10-1963, Hội đồng Chính phủ chính thức phát động cuộc vận động“Ba xây, ba chống”.
Tháng 10-1963, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá II, đã nghe Báo cáo của Chính phủ về tình hình miền Nam và tình hình đấu tranh thống nhất nước nhà. Quốc hội nhất trí thông qua: Lời kêu gọi của Quốc hội nhiệt liệt biểu dương lòng yêu nước nồng nàn và chí khí đấu tranh bất khuất của đồng bào miền Nam anh hùng. Quốc hội đã quyết định hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh.
Ngày 31-12-1963, Hội đồng Chính phủ ra Nghị quyết ban hành kế hoạch phát động phong trào làm thuỷ lợi toàn miền Bắc hai năm 1964-1965.
Từ ngày 14 đến ngày 17-1-1964, Đại hội các hợp tác xã tiên tiến vùng đồng bằng toàn miền Bắc họp tại Thái Bình. 10 Anh hùng Lao động, 30 chiến sĩ thi đua nông nghiệp cùng với đại biểu của 245 hợp tác xã đã nghe các bản báo cáo của các hợp tác xã tiên tiến. Đại hội đã kết luận được 5 vấn đề quan trọng: Phương hướng sản xuất, quản lý lao động, xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật, phân phối, công tác chính trị và tư tưởng trong các hợp tác xã nông nghiệp. Tiếp đó, từ ngày 13 đến ngày 18-4-1964, Đại hội các hợp tác xã và đội sản xuất nông nghiệp tiên tiến miền núi và trung du do Thủ tướng Chính phủ triệu tập đã họp tại Thái Nguyên. Đại hội đã biểu dương những thắng lợi to lớn của phong trào hợp tác hoá và sản xuất nông nghiệp ở miền núi và trung du, khẳng định những thành tích đã đạt được, đồng thời giúp các hợp tác xã trao đổi kinh nghiệm học tập lẫn nhau, đưa phong trào hợp tác hoá và sản xuất nông nghiệp tiến lên những bước mới giành thắng lợi to lớn hơn nữa, tăng cường đoàn kết dân tộc, đưa miền núi tiến kịp miền xuôi.
Từ ngày 27 đến ngày 28-3-1964, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị chính trị đặc biệt lần thứ nhất do Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập. Dự Hội nghị có 325 đại biểu chính thức thay mặt cho các đảng phái, các dân tộc, các tôn giáo, đồng bào miền Nam tập kết và kiều bào mới về nước, nhiều Anh hùng Lao động, nhân sĩ dân chủ và trên 500 đại biểu dự thính thuộc các tầng lớp nhân dân.
Tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình bày bản báo cáo quan trọng. Báo cáo của Người đánh giá những biến chuyển to lớn của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời biểu dương những thắng lợi vẻ vang của đồng bào miền Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược. Người vạch rõ âm mưu đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam và tăng cường phá hoại, khiêu khích miền Bắc của đế quốc Mỹ xâm lược; đồng thời nêu rõ quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi đồng bào miền Bắc ra sức thi đua mỗi người làm việc bằng hai để đền đáp lại đồng bào miền Nam ruột thịt.
Sau Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị phát động và hướng dẫn tổ chức cao trào thi đua “mỗi người làm việc bằng hai, ra sức thi đua xây dựng và bảo vệ miền Bắc, tích cực ủng hộ cách mạng giải phóng miền Nam” theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ ngày 27-6 đến ngày 3-7-1964, Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa III, đã bầu:
Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Cụ Hồ Chí Minh
Phó Chủ tịch: Cụ Tôn Đức Thắng.
Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Ông Trường-Chinh.
Thủ tướng Chính phủ: Ông Phạm Văn Đồng.