4 - Khôi phục kinh tế và đánh thắng chiến tranh phá hoại lần thứ hai của Mỹ
4- Khôi phục kinh tế và đánh thắng chiến tranh phá hoại lần thứ hai của Mỹ
Ngày 24-4-1969, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Điều lệ tóm tắt của Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp.
Ngày 1-5-1969, khi nói về bản Điều lệ tóm tắt của Hợp tác xã nông nghiệp, Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch rõ: “Điều lệ này của Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp rất quan trọng. Nó nhằm bảo đảm thật sự quyền làm chủ tập thể của các xã viên. Phải thực hiện tốt Điều lệ để Hợp tác xã càng thêm vững mạnh, nông thôn ngày càng đoàn kết, sản xuất càng phát triển và nông dân ta càng thêm ấm no và tiến bộ”.
Ngày 10-6-1969, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tặng thưởng danh hiệu Đơn vị anh hùng cho 17 đơn vị và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho 12 chiến sĩ và cán bộ có nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Ngày 18-6-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký lệnh tặng thưởng trên.
Ngày 12-6-1969, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra Tuyên bố về việc thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Nhân dịp này Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gửi điện mừng. Bức điện viết:“Việc họp Đại hội đại biểu Quốc dân miền Nam Việt Nam và việc thành lập chính quyền cách mạng trên toàn miền Nam chứng tỏ rằng đồng bào miền Nam quyết tâm tăng cường đoàn kết, kiên trì chiến đấu để làm chủ vận mệnh của mình và tạo thêm thuận lợi mới, tiến tới thắng lợi hoàn toàn”.
Ngày 20-7-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày ký Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam. Người chỉ rõ:“Nhân dân Việt Nam kiên quyết đòi tất cả quân Mỹ và quân chư hầu của Mỹ phải rút hết sạch, chứ không phải chỉ rút 25.000 hoặc 250.000 hay là 50 vạn, mà phải rút hết, toàn bộ, không điều kiện. Chỉ có như thế, mới lấy lại được danh dự của nước Mỹ và tránh cho hàng chục vạn thanh niên Mỹ phải tiếp tục chết một cách vô ích ở miền Nam Việt Nam, tránh cho hàng chục vạn gia đình Mỹ khỏi bị tang tóc đau thương”.
Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra Thông cáo đặc biệt và thành lập Ban lễ tang Nhà nước để phụ trách việc tổ chức lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 3-9-1969, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã ra Lời kêu gọi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài triệu người như một hãy biến đau thương thành hành động cách mạng, dũng cảm tiến lên, tiếp tục sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện thắng lợi lý tưởng và hoài bão của Người, chấp hành nghiêm chỉnh đường lối chính sách của Trung ương Đảng và Chính phủ, ra sức học tập tư tưởng, đạo đức và tác phong của Người.
Ngày 9-9-1969, Lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi 24 năm trước Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tại buổi lễ truy điệu, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn đã đọc Điếu văn đánh giá rất cao công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam và thế giới, bày tỏ lòng thương tiếc vô hạn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với Người và công bố bản Di chúc lịch sử - Những lời căn dặn cuối cùng của Người, để lại cho Đảng, cho toàn thể đồng bào và chiến sĩ hai miền Nam - Bắc.
Ngày 22 và 23-9-1969, Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá III, đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhất trí bầu Cụ Tôn Đức Thắng và ông Nguyễn Lương Bằng làm Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 29-9-1969, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Chỉ thị về đợt sinh hoạt chính trị “Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Sau đó, Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị quyết hướng dẫn đợt học tập này.
Đầu tháng 12-1969, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn việc: chia Bộ Công nghiệp nặng thành: Bộ Điện và Than, Bộ Cơ khí và Luyện kim, Tổng cục Hoá chất. Thành lập Bộ Lương thực và Thực phẩm. Thành lập Bộ Vật tư. Thành lập Ủy ban Thanh tra của Chính phủ.
Ngày 19-12-1969, Quốc hội đã quyết định tuyên dương 23 Đơn vị anh hùng và 17 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Tháng 1-1970, Hội nghị lần thứ 18 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá III) chỉ rõ: Đối với miền Bắc, sau khi Mỹ ngừng oanh tạc, cần tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội, có kế hoạch làm tròn nghĩa vụ thiêng liêng của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn và luôn luôn sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu tốt đánh bại mọi âm mưu khiêu khích vũ trang hoặc mở rộng chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và tay sai; ra sức làm nhiệm vụ quốc tế chi viện cho cách mạng Lào, chuẩn bị phối hợp chặt chẽ với quân và dân Lào để đối phó với khả năng xấu nhất khi địch mở rộng chiến tranh ra Lào và Campuchia, trước thế bị động, thế thua của chúng ở miền Nam.
Trung ương Đảng đã chủ trương phát động ba cuộc vận động lớn trên toàn miền Bắc. Đó là: Cuộc vận động lao động sản xuất động viên mọi lực lượng lao động sản xuất của toàn xã hội, bảo đảm mọi người làm việc và lao động có năng suất, chất lượng và hiệu quả, nhằm tạo nhanh sản phẩm xã hội, khôi phục và phát triển kinh tế, cải thiện từng bước đời sống nhân dân. Cuộc vận động phát huy dân chủ, tăng cường chế độ làm chủ tập thể của quần chúng xã viên ở nông thôn, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc; Cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên và kết nạp đảng viên lớp Hồ Chí Minh.
Năm 1970, công cuộc khôi phục kinh tế và phát triển sản xuất ở miền Bắc đã thu được kết quả. Nông nghiệp có một số tiến bộ. Chính phủ đã thực hiện các chính sách nhằm khuyến khích nông dân phát triển sản xuất để tăng thêm nông sản, thực phẩm, trao đổi với Nhà nước. Chính sách về ổn định nghĩa vụ lương thực và phân phối lương thực trong hợp tác xã, chính sách chăn nuôi lợn, bò được thực hiện có kết quả tốt. Các chính sách về thu mua sản phẩm cây công nghiệp, về cung cấp tư liệu cho sản xuất nông nghiệp, bán hàng công nghiệp cho nông dân, về quản lý thị trường, về giá cả, về cho vay vốn dần dần được bổ sung. Giữa Nhà nước và hợp tác xã thực hiện chế độ hợp đồng hai chiều.
Sản lượng lương thực năm 1970 toàn miền Bắc đạt 5.278.900 tấn, tăng hơn năm 1969 hơn nửa triệu tấn. Diện tích gieo trồng năm 1970 là 3.028.100 ha, tăng hơn năm 1969 hơn 6 vạn ha. Năng suất lúa cả năm trên 1 ha ruộng hai vụ đạt 43,11 tạ. Tỉnh Thái Bình và thành phố Hà Nội đạt năng suất bình quân trên 5 tấn thóc/ha. 30 huyện, 2.265 hợp tác xã đạt năng suất bình quân 5 tấn thóc/ha.
Sản xuất công nghiệp cũng có những chuyển biến tốt. Những cơ sở công nghiệp bị địch đánh phá phần lớn đã được khôi phục trong năm 1970. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp vượt mức kế hoạch 2,5%, xấp xỉ bằng năm 1965. Phần lớn các sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp đều đạt hoặc vượt mức kế hoạch năm.
Công tác giao thông vận tải được chú trọng. Các tuyến đường giao thông quan trọng và cầu phà được củng cố.
Nhờ sản xuất phát triển và năng suất lao động tăng lên, đời sống nhân dân nói chung bớt khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người của gia đình xã viên hợp tác xã nông nghiệp tăng 20% so với năm 1965. Sự nghiệp giáo dục, văn hoá, y tế được đẩy mạnh về chất lượng.
Ngày 6-3-1970, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Tuyên bố nhiệt liệt hoan nghênh và triệt để ủng hộ lập trường đúng đắn, hợp tình hợp lý trong bản Tuyên bố ngày 6-3 của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Lào yêu nước về một giải pháp chính trị cho vấn đề Lào.
Ngày 26-3-1970, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Tuyên bố về cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân Campuchia. Chính phủ Việt Nam hoàn toàn ủng hộ bản Tuyên bố ngày 23-3 của Quốc trưởng Campuchia, hoàn toàn ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Khơ-me chống bọn đảo chính thân Mỹ và đế quốc Mỹ nhằm bảo vệ các quyền dân tộc thiêng liêng của nhân dân Campuchia.
Từ ngày 24 đến ngày 25-4-1970, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà dự Hội nghị cấp cao của nhân dân ba nước Đông Dương. Tham dự Hội nghị này còn có các vị đứng đầu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Chính phủ Lào và Chính phủ Campuchia. Hội nghị đã ra Tuyên bố chung khẳng định quyết tâm chiến đấu của nhân dân ba nước cho đến thắng lợi hoàn toàn, khẳng định tình đoàn kết và sự ủng hộ lẫn nhau của nhân dân ba nước trong cuộc chiến đấu đó và thoả thuận những nguyên tắc bảo đảm mối quan hệ hữu nghị lâu dài giữa ba nước.
Ngày 19-6-1970, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Nghị quyết “Về tình hình mới trên bán đảo Đông Dương và nhiệm vụ của chúng ta”. Nghị quyết đề ra nhiệm vụ chung cho cách mạng cả nước là:“Động viên sự nỗ lực cao nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả hai miền Nam Bắc nước ta, tăng cường khối đoàn kết chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương làm cho lực lượng của ba nước thành một khối thống nhất, có một chiến lược chung, kiên trì đẩy mạnh cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân ba nước chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai”.
Ngày 25-6-1970, Hội đồng chi viện tiền tuyến Trung ương, cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ được thành lập, do Phó Thủ tướng Đỗ Mười làm Chủ tịch, nhằm động viên mọi nỗ lực cao nhất của hậu phương phục vụ tiền tuyến.
Tại Hội nghị cấp cao ba nước Đông Dương (1970)
Từ trái sang phải: Các vị Xihanúc, Nguyễn Hữu Thọ, Phạm Văn Đồng, Xuphanuvông.
Ngày 10-12-1970, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược.
Ngày 24-1-1971, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Tuyên bố phản đối việc Mỹ tăng cường chiến tranh xâm lược Campuchia.
Ngày 10-2-1971, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Tuyên bố phản đối việc đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh xâm lược lấn chiếm Nam Lào.
Tháng 2-1971, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá III) đã họp Hội nghị lần thứ 19. Hội nghị nhận định cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng như sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đã giành được những thắng lợi to lớn và căn bản. Nghị quyết của Hội nghị vạch rõ nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân là:“Ra sức thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kiên trì và đẩy mạnh cuộc kháng chiến, nêu cao ý chí quyết chiến quyết thắng, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, bảo vệ và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tiến tới hoà bình thống nhất nước nhà, đồng thời làm tròn nghĩa vụ quốc tế”.
Hội nghị Trung ương lần thứ 19 xác định nhiệm vụ khôi phục phát triển kinh tế, phát triển văn hoá phải nhằm bảo đảm yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bảo đảm đời sống nhân dân, xây dựng và bảo vệ cơ sở vật chất-kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, từng bước xây dựng cơ cấu sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, chuẩn bị cho sự phát triển kinh tế sau chiến tranh. Nhiệm vụ trọng tâm của nền kinh tế miền Bắc thời kỳ này là phát triển sản xuất nông nghiệp. Mục tiêu sản xuất nông nghiệp trong ba năm (1971-1973) là: giải quyết về cơ bản nhu cầu lương thực trong nước. Phát triển mạnh chăn nuôi và xây dựng những cơ sở bước đầu cho chăn nuôi lớn. Phải đưa chăn nuôi lên thành ngành chính. Xây dựng một số vùng kinh tế mới, mở rộng diện tích trồng cây công nghiệp, phát triển nghề rừng, tạo cơ sở giải quyết vấn đề mặc và những nhu cầu cấp bách khác. Tăng nhanh mức nông sản xuất khẩu. Chấn chỉnh công tác quản lý hợp tác xã. Làm tốt công tác định canh định cư và đưa kinh tế miền núi tiến lên một bước lớn.
Năm 1971, thời tiết không thuận, mưa bão liên tiếp xảy ra. Đặc biệt trận lụt tháng 8 gây cho miền Bắc nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Các tỉnh Hà Nội, Hà Bắc, Hà Tây, Hải Hưng, Vĩnh Phú bị lụt nặng, làm mất trắng hơn 20 vạn ha lúa mùa. Mưa lụt còn làm cho 62 xí nghiệp Trung ương và 122 xí nghiệp địa phương phải ngừng sản xuất.
Tuy nhiên, năm 1971, nông nghiệp miền Bắc vẫn có một số tiến bộ về thâm canh lúa. Sản lượng lương thực qui thóc đạt 5,6 triệu tấn, cao hơn mức bình thường của các năm. Do sự chỉ đạo của Trung ương, các ngành, các cấp và sự cố gắng của các địa phương đã khắc phục hậu quả lũ lụt nhanh, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Chiến thắng thiên tai năm 1971 làm nổi bật tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.
Trong hai năm 1970-1971 Nhà nước đầu tư cho công nghiệp trên 40% ngân sách. Mặc dù bị thiệt hại do lũ lụt, giá trị tổng sản lượng công nghiệp và thủ công nghiệp vẫn đạt kế hoạch năm 1971 và tăng 14% so với năm 1970, trong đó điện đạt 810 triệu kWh (tăng 34% so với năm 1970), than sạch đạt 3,26 triệu tấn (tăng 22% so với năm 1970)...
Nhờ những nỗ lực lớn và những tiến bộ đáng kể trong khôi phục kinh tế, cộng với sự viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác, miền Bắc đã đáp ứng được về cơ bản nhu cầu ăn mặc, học hành, sinh hoạt cho nhân dân và tăng cường chi viện cho tiền tuyến. Tình hình kinh tế-xã hội ổn định, sự nhất trí về chính trị, tinh thần trong nhân dân được củng cố vững chắc.
Cùng với nhiệm vụ khôi phục kinh tế, miền Bắc chú trọng tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc kháng chiến. Cùng với việc xây dựng những binh đoàn chủ lực mạnh, tăng cường trang bị cho các đơn vị bộ binh và pháo binh, lực lượng dân quân tự vệ được các cấp quan tâm xây dựng và nâng cao sức mạnh chiến đấu. Đến cuối năm 1971, lực lượng dân quân tự vệ miền Bắc có hơn 2 triệu người, trong đó đội ngũ tự vệ chiến đấu và du kích chiếm 87 vạn người. Miền Bắc đã động viên hàng chục vạn con em tham gia quân đội và đi vào chiến trường chiến đấu. Khối lượng vật chất chi viện cho chiến trường tăng 1,6 lần so với trước đó.
Ngày 1-4-1971, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc thành lập Ủy ban Nông nghiệp Trung ương trên cơ sở hợp nhất Bộ Nông nghiệp, Bộ Nông trường và Ban quản lý hợp tác xã sản xuất nông nghiệp.
Từ ngày 7 đến ngày 10-6-1971, Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá IV, đã bầu:
Chủ tịch nước: Cụ Tôn Đức Thắng
Phó Chủ tịch: Ông Nguyễn Lương Bằng
Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Ông Trường-Chinh
Thủ tướng Chính phủ: Ông Phạm Văn Đồng.
Ngày 28-6-1971, Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị quyết về tăng cường công tác quản lý ruộng đất.
Ngày 26-9-1971, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 15 đơn vị và 6 cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Ngày 5-2-1972, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra Tuyên bố về việc giải quyết hoà bình vấn đề Việt Nam. Bản Tuyên bố viết: “Hoàn toàn nhất trí với bản Tuyên bố ngày 2-2 của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tuyên bố kiên quyết không chấp nhận“kế hoạch hoà bình” lừa bịp của Tổng thống Níchxơn và triệt để ủng hộ giải pháp Bẩy điểm của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam mà hai vấn đề then chốt đã được nêu rõ thêm”.
Đầu năm 1972, trước những yêu cầu mới của sự phát triển của cách mạng Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp Hội nghị lần thứ 20, chủ trương đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Hội nghị đã đề ra nhiệm vụ cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân là:“Với tinh thần kiên trì kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn, phải động viên toàn lực, cố gắng vượt bậc, anh dũng tiến lên, đẩy mạnh kháng chiến; đoàn kết phối hợp chiến đấu chặt chẽ với quân và dân Lào, quân và dân Campuchia anh em, đánh bại chính sách “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ, đánh bại “học thuyết Níchxơn”, giành thắng lợi to lớn hơn nữa cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”.
Ngày 6-4-1972, đế quốc Mỹ mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 bằng máy bay, tàu chiến đối với miền Bắc. Quân và dân các tỉnh Quảng Bình và khu vực Vĩnh Linh lập công xuất sắc bắn rơi 10 máy bay Mỹ.
Ngày 10-4-1972, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra Tuyên bố về bước leo thang chiến tranh mới của đế quốc Mỹ.
Ngày 16-4-1972, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước: “Triệu người như một hãy nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng kiên quyết chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa tiến tới hoà bình thống nhất nước nhà”.
Đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Đảng và Chính phủ, cả nước một lòng bừng bừng khí thế thi đua quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược.
Ngày 10-5-1972, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra Tuyên bố về việc đế quốc Mỹ từ đêm 8-5-1972 đánh mìn cảng Hải Phòng cùng tất cả các cảng khác, cho tàu chiến bao vây vùng biển Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và đẩy mạnh các cuộc ném bom bắn phá. Trừng trị hành động tội ác này, trong ngày 10-5-1972, quân và dân Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Yên Bái, Hải Hưng đã bắn rơi 18 máy bay, bắn cháy 1 tàu khu trục Mỹ.
Ngày 31-5-1972, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho 9 đơn vị và 7 cá nhân thuộc ngành giao thông vận tải đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong việc phục vụ sản xuất và chiến đấu.
Ngày 13-6-1972, Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệnh nghĩa vụ lao động thời chiến nhằm động viên toàn dân đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, bảo đảm nhu cầu lao động, phục vụ chiến đấu và sản xuất trong tình hình cả nước có chiến tranh.
Ngày 19-6-1972, Hội đồng Chính phủ ra Nghị quyết về một số chính sách đối với đồng bào các dân tộc và cán bộ vùng cao.
Ngày 9-9-1972, Hội đồng Chính phủ ra Nghị quyết về hoàn chỉnh các hệ thống thủy nông.
Ngày 26-10-1972, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Tuyên bố về tình hình cuộc đàm phán về vấn đề Việt Nam. Bản Tuyên bố vạch trần thái độ lật lọng, lập trường ngoan cố và dã tâm xâm lược của chính quyền Níchxơn. Đồng thời Tuyên bố cũng khẳng định quyết tâm sắt đá của nhân dân Việt Nam đạp bằng khó khăn, gian khổ, kiên trì và đẩy mạnh cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước để bảo vệ cho kỳ được những quyền dân tộc cơ bản.
12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không": Máy bay B.52 của Mỹ bị quân và dân Thủ đô bắn tan xác trên bầu trời Hà Nội.
(18 đến 29-12-1972).
Từ đêm 18 đến ngày 29-12-1972, chính quyền Níchxơn điên cuồng mở cuộc tập kích chiến lược bằng không quân vào Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng. Chúng đã tập trung một nửa lực lượng không quân chiến lược và hầu hết lực lượng không quân chiến thuật mà chúng có ở Đông- Nam á để tiến hành cuộc tập kích tráo trở và thâm độc này.
Trải qua 12 ngày đêm chiến đấu vô cùng dũng cảm và mưu trí, quân và dân miền Bắc đã chiến thắng vẻ vang bắn rơi hàng chục máy bay (có nhiều chiếc B.52 và F.111), tiêu diệt và bắt sống hàng trăm giặc lái, bắn cháy 9 tầu chiến. Trong chiến thắng chung đó, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã lập nên một “Điện Biên Phủ trên không” bắn rơi hàng chục máy bay B.52 và F.111 cùng nhiều máy bay phản lực khác, góp phần đập tan “thần tượng B.52” của không quân chiến lược Hoa Kỳ và bẻ gẫy âm mưu của chính quyền Níchxơn hòng buộc Việt Nam trở lại Hội nghị Pari với thế yếu trong cuộc đàm phán.
Ngày 30-12-1972, Chính phủ Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị gặp lại đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để bàn việc ký kết Hiệp định.
Cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 mà đỉnh cao là cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B.52 của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc đã bị đánh bại hoàn toàn. Cuộc chiến tranh phá hoại lần này diễn ra gần 9 tháng (từ 6-4 đến ngày 29-12-1972). Khối lượng bom đạn ném xuống trong thời gian này bằng khối lượng bom đạn ném xuống trong cả năm cao điểm trong chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (210.000 tấn). Chất lượng các loại vũ khí địch sử dụng có sức phá hoại và sát thương lớn hơn, thủ đoạn đánh phá hết sức tàn bạo và xảo quyệt. Song, lần này không quân và hải quân Mỹ lại bị tổn thất nặng: 728 máy bay hiện đại Mỹ trong đó có 59 máy bay B.52 bị bắn rơi; 137 tàu chiến bị bắn trúng và bắn cháy, hàng trăm giặc lái bỏ mạng và bị bắt. Các mục tiêu chiến lược của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh này đều bị phá vỡ.
Ngày 9-1-1973, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho 26 đơn vị và 12 cá nhân. Tiếp đó, ngày 13-1-1973, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định thưởng Huân chương Kháng chiến và Huân chương Chiến công cho 140 địa phương và đơn vị có nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Ngày 15-1-1973, Hoa Kỳ tuyên bố chấm dứt toàn bộ việc ném bom, bắn phá, thả mìn miền Bắc Việt Nam.