Tệp đính kèm:
Tình hình kinh tế-xã hội 10 tháng năm 2010
__________
Kinh tế-xã hội nước ta năm 2010 diễn ra trong bối cảnh phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức do hậu quả của khủng hoảng kinh tế thế giới mang lại. Một số cân đối vĩ mô có những biểu hiện thiếu ổn định. Thiên tai trong nước khắc nghiệt cùng với những trận mưa, lũ lớn liên tiếp xảy ra, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống dân cư, nhưng được sự lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, sự chủ động vượt khó của các doanh nghiệp và cả cộng đồng nên sản xuất kinh doanh của các ngành, lĩnh vực mười tháng năm nay tiếp tục phát triển theo hướng tích cực.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Nông nghiệp
Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào thu hoạch lúa mùa tại các địa phương phía Bắc, gieo cấy lúa mùa tại các địa phương phía Nam và thu hoạch lúa hè thu trên cả nước. Tính đến ngày 15/10/2010, các địa phương phía Bắc đã thu hoạch được 892,2 nghìn ha lúa mùa, chiếm 74,9% diện tích gieo cấy và bằng 100,8% cùng kỳ năm trước. Vùng đồng bằng sông Hồng thu hoạch 502,2 nghìn ha, chiếm 86,8% diện tích gieo cấy và bằng 109,7% cùng kỳ năm 2009, trong đó các địa phương có tiến độ thu hoạch nhanh là: Vĩnh Phúc đạt 99,7% diện tích gieo cấy; Ninh Bình 97,3%; Hưng Yên 98,7%; Hà Nam 95,3%; Hà Nội 93,3%. Năng suất lúa mùa của các địa phương phía Bắc ước tính đạt 49 tạ/ha. Sản lượng đạt 5816,9 nghìn tấn, tăng 0,8% so với vụ mùa năm trước.
Tính đến trung tuần tháng 10, các địa phương phía Nam gieo cấy được 665,4 nghìn ha lúa mùa, giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2009, chủ yếu do nguồn nước một số nơi vùng đồng bằng sông Cửu Long bị nhiễm mặn và phèn nên tiến độ gieo trồng lúa của vùng chỉ bằng 83,9% cùng kỳ năm trước. Phần diện tích lúa mùa mới cấy bị nhiễm mặn và hỏng hoàn toàn là 3,9 nghìn ha, chủ yếu trên diện tích trồng lúa kết hợp với nuôi tôm.
Cùng với việc gieo cấy và thu hoạch lúa mùa, cả nước đã thu hoạch xong lúa hè thu chính vụ với diện tích đạt 2104,5 nghìn ha, bằng 98,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch 1680,5 nghìn ha, bằng 99,8% diện tích gieo cấy; vùng Bắc Trung Bộ thu hoạch được 161,5 nghìn ha, bằng 98,2% cùng kỳ năm 2009.
Tiến độ gieo trồng một số cây vụ đông năm nay nhìn chung nhanh hơn cùng kỳ năm 2009. Tính đến ngày 15/10, diện tích gieo trồng ngô cả nước đạt 154,8 nghìn ha, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2009; khoai lang đạt 30,8 nghìn ha, bằng cùng kỳ năm trước; đậu tương đạt 83,5 nghìn ha, tăng 14,7%; rau đậu đạt 74 nghìn ha, tăng 6,5%.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm được tập trung đầu tư phát triển để bảo đảm nguồn thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng tăng lên trong những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống dịch bệnh tiếp tục được quan tâm và triển khai kịp thời nhằm giảm mức thiệt hại. Nhìn chung đàn trâu, bò phát triển ổn định; đàn gia cầm tiếp tục tăng khá do không bị ảnh hưởng của dịch bệnh và giá thịt gia cầm có xu hướng tăng nhẹ. Riêng đàn lợn vẫn còn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh tai xanh phát sinh ở một số địa phương, mặt khác giá thức ăn chăn nuôi và giá con giống trên thị trường ở mức cao nên việc phát triển đàn gặp khó khăn. Tính đến 24/10/2010, cả nước không còn địa phương nào có dịch cúm gia cầm; dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày còn ở 10 tỉnh (Sơn La, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa, Bình Phước, Sóc Trăng, Long An); dịch bệnh tai xanh chưa qua 21 ngày còn ở 25 tỉnh (Nghệ An, Sóc Trăng, Bình Dương, Bạc Liêu, Đồng Nai, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Hậu Giang, Lâm Đồng, Tây Ninh, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bến Tre, Cà Mau, Kon Tum, Đắk Nông, Gia Lai, Trà Vinh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, Sơn La, Kiên Giang, Nam Định).
Mưa lũ lớn xảy ra liên tiếp trong tháng qua trên địa bàn các tỉnh miền Trung gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình bị thiệt hại khá nặng. Theo ước tính ban đầu, có hơn 10 nghìn ha lúa mùa bị ngập, hỏng (Nghệ An 5,3 nghìn ha; Hà Tĩnh 4,1 nghìn ha; Quảng Bình 416 ha); gần 13 nghìn ha ngô vụ đông bị ngập và có khả năng hư hại hoàn toàn; trên 850 nghìn con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi.
Lâm nghiệp
Nhìn chung cây lâm nghiệp trồng mới tại các địa phương hiện đang sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, mưa lớn gây ngập lụt tại các tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng ở các tỉnh trong vùng. Tính đến hết tháng 9/2010, nhiều địa phương vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã cơ bản hoàn thành kế hoạch trồng rừng tập trung cả năm và đang gieo ươm cây giống cho năm sau; các địa phương khác đang tiến hành trồng rừng chính vụ. Diện tích rừng trồng mới tập trung tháng 10 ước tính đạt 25 nghìn ha, xấp xỉ cùng kỳ năm 2009. Sản lượng gỗ khai thác ước tính đạt 406 nghìn m3, tăng 4,2%. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước tính 6,8 triệu cây, tăng 0,1%. Tính chung mười tháng năm 2010, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước đạt 189 nghìn ha, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng gỗ khai thác đạt 3146,8 nghìn m3, tăng 5,9%. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 170 triệu cây, tăng 0,1%.
Công tác kiểm lâm tại các địa phương tiếp tục được tăng cường, mặt khác thời tiết đang trong mùa mưa lũ nên không xảy ra hiện tượng cháy rừng. Tình trạng chặt phá rừng làm nương rẫy trong tháng tại một số địa phương cũng giảm nhiều so với các tháng trước, chỉ có 2 ha rừng bị thiệt hại do chặt, phá. Tính chung mười tháng, diện tích rừng bị thiệt hại là 7775,7 ha, gấp 2,5 lần so cùng kỳ năm 2009, trong đó diện tích rừng bị cháy là 6718,3 ha, gấp 4,2 lần; diện tích rừng bị phá là 1057,4 ha, giảm 32,4%.
Thuỷ sản
Sản lượng thuỷ sản tháng 10/2010 ước tính đạt 447 nghìn tấn, tăng 4,4 % so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 320 nghìn tấn, tăng 4,6 %; tôm đạt 58,7 nghìn tấn, tăng 6,3 %.
Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng tháng 10/2010 ước tính đạt 239,5 nghìn tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 173 nghìn tấn, tăng 4,8 %; tôm đạt 45 nghìn tấn tăng 7,1%. Sản lượng tôm nuôi đạt khá chủ yếu do diện tích nuôi tôm sú tăng cao so với năm trước. Ngược lại, sản xuất cá tra gặp nhiều khó khăn do giá đầu vào tăng cao dẫn đến giá thành sản xuất tăng, không khuyến khích người nuôi mở rộng diện tích. Một số địa phương có sản lượng hoặc diện tích thả nuôi cá tra giảm so với cùng kỳ năm trước là: An Giang thu hoạch 14 nghìn tấn, giảm 4 nghìn tấn; Cần Thơ diện tích nuôi đạt 791 ha, giảm 20%; Bến Tre 657 ha, giảm 6,5%.
Mưa lũ lớn tại các tỉnh khu vực miền Trung làm gần 10 nghìn ha nuôi trồng thủy sản bị mất trắng, trong đó Hà Tĩnh bị ngập 1971 ha với 50 tấn cá giống và 8 triệu con tôm giống; Quảng Bình bị ngập 90 ha nuôi tôm và 1564 ha nuôi cá nước ngọt.
Sản lượng thuỷ sản khai thác tháng 10/2010 ước tính đạt 207,5 nghìn tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng khai thác biển đạt 187,5 nghìn tấn, tăng 2,4%. Khai thác biển được đầu tư năng lực đánh bắt nên số tàu có công suất 90 CV trở lên trong 10 tháng tăng nhiều so với cùng kỳ năm trước (Bình Thuận tăng 205 chiếc, Kiên Giang tăng 97 chiếc, Quảng Ngãi tăng 221 chiếc, Bình Định tăng 161 chiếc). Tuy nhiên, trong đợt lũ vừa qua có khoảng gần 200 tàu, thuyền bị chìm và hư hỏng, ảnh hưởng đến việc ra khơi đánh bắt thủy sản của ngư dân trong vùng.
Tính chung mười tháng năm 2010, sản lượng thuỷ sản ước tính đạt 4240,5 nghìn tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2009, trong đó cá 3191 nghìn tấn, tăng 4,5%; tôm 470,2 nghìn tấn, tăng 6,3%. Sản lượng nuôi trồng ước tính đạt 2252,5 nghìn tấn, tăng 4,8%; sản lượng thuỷ sản khai thác đạt 1988 nghìn tấn, tăng 4,6%, trong đó khai thác biển 1827 nghìn tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2009.
Sản xuất công nghiệp
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 10/2010 theo giá so sánh 1994 ước tính tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung mười tháng, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh 1994 ước tính đạt 645,7 nghìn tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2009, bao gồm khu vực kinh tế Nhà nước tăng 8,6% (Trung ương quản lý tăng 11,3%; địa phương quản lý giảm 2,5%); khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 12,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,4% (dầu mỏ và khí đốt giảm 3,5%, các ngành khác tăng 20,2%).
Trong mười tháng năm nay, nhiều sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp có tốc độ tăng cao hơn mức tăng chung của toàn ngành là: Khí hóa lỏng tăng 125,8%; sơn hóa học tăng 32,6%; sữa bột tăng 26,1%; bia tăng 21,4%; giày thể thao tăng 19,5%; xe tải tăng 19,2%; khí đốt thiên nhiên dạng khí tăng 18,9%; quần áo người lớn tăng 17,9%; tủ lạnh, tủ đá tăng 17,8%; kính thủy tinh tăng 17,7%; xi măng tăng 16,1%; xe máy tăng 15,2%; điện sản xuất tăng 14,1%. Một số sản phẩm tăng thấp hơn mức tăng chung là: Nước máy thương phẩm tăng 12,8%; giấy, bìa tăng 9,9%; xà phòng tăng 9,4%; xe chở khách tăng 8,4%; vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo tăng 8,1%; điều hòa nhiệt độ tăng 8%; thủy hải sản chế biến tăng 7,6%; lốp ô tô, máy kéo tăng 6,5%; phân hóa học tăng 6,2%; gạch lát ceramic tăng 4,2%; thép tròn tăng 2,7%. Bên cạnh đó, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước là: Máy giặt giảm 0,5%; than đá giảm 1,9%; dầu thực vật tinh luyện giảm 2%; tivi giảm 8,9%; đường kính giảm 9,1%; dầu mỏ thô khai thác giảm 12,8%.
Chỉ số tiêu thụ chung của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chín tháng năm nay so với cùng kỳ năm 2009 tăng 10,4%, trong đó một số ngành sản xuất có chỉ số tiêu thụ tăng cao là: Đồ uống không cồn tăng 37,8%; các sản phẩm bơ, sữa tăng 32,5%; gạch, ngói và gốm, sứ không chịu lửa tăng 31,6%; các sản phẩm khác bằng kim loại tăng 27,1%; bia tăng 20,7%; xi măng tăng 18,8%; sản xuất giày, dép tăng 17%. Tuy nhiên, một số ngành sản xuất có chỉ số tiêu thụ chín tháng tăng chậm hoặc giảm như: Chế biến, bảo quản thủy sản tăng 5,3%; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 2,7%; thuốc, hoá dược tăng 1,9%; phân bón và hợp chất nitơ tăng 1,7%; thuốc lá, thuốc lào tăng 1,3%; chế biến và bảo quản rau quả tăng 1,2%; sắt, thép tăng 0,7%; mỹ phẩm xà phòng, chất tẩy rửa giảm 1,2%; xay xát, sản xuất bột thô giảm 3,6%; thiết bị gia đình giảm 4,3%; giấy nhăn và bao bì giảm 5,7%; xe có động cơ giảm 9,8%; đường giảm 17,3%; đồ gốm, sứ không chịu lửa giảm 35,5%.
Cũng trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, một số sản phẩm công nghiệp có chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/10/2010 so với cùng thời điểm năm 2009 còn cao như: Sữa tươi tiệt trùng 204,4%; nước, quả các loại 514,3%; động cơ 350,8%; cáp đồng trục 445,8%; đồ uống không ga 318,7%; giày, dép vải 210%.
Theo kết quả điều tra lao động của 4195 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, số lao động tháng 10/2010 của các doanh nghiệp trên tăng 0,6% so với tháng trước, trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 0,7%; khu vực ngoài nhà nước tăng 0,6% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,3%. Trong 3 ngành công nghiệp cấp I, số lao động của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,8%; ngành công nghiệp khai thác giảm 1,7%; ngành công nghiệp điện, nước giảm nhẹ 0,2%.
Cũng theo kết quả điều tra trên, biến động lao động tháng 10/2010 so với tháng trước trong các doanh nghiệp công nghiệp của một số tỉnh, thành phố có quy mô sản xuất công nghiệp lớn như sau: Bắc Ninh tăng 3,9%; Hải Dương tăng 3,3%; Đồng Nai tăng 1,2%; Vĩnh Phúc tăng 1%; Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh cùng tăng 0,7%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 0,5%; Hà Nội và Bình Dương cùng tăng 0,2%; Đà Nẵng tăng 0,1%; Hải Phòng giảm 0,2%.
Đầu tư
Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện tháng 10/2010 ước tính đạt 14,6 nghìn tỷ đồng, bằng 11,4% kế hoạch năm, bao gồm: Vốn trung ương đạt 4,3 nghìn tỷ đồng, bằng 10,6%; vốn địa phương đạt 10,3 nghìn tỷ đồng, bằng 11,8%. Tính chung mười tháng, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện đạt 116,2 nghìn tỷ đồng, bằng 90,5% kế hoạch năm, gồm có:
- Vốn trung ương quản lý đạt 35,2 nghìn tỷ đồng, bằng 86,3% kế hoạch năm, trong đó: Vốn đầu tư thực hiện của Bộ Giáo dục và Đào tạo đạt 1129,8 tỷ đồng, bằng 110,9% kế hoạch năm; Bộ Giao thông vận tải 7320 tỷ đồng, bằng 110,1%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 4781 tỷ đồng, bằng 82,1%; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch 404,3 tỷ đồng, bằng 68,8%; Bộ Công Thương 2740 tỷ đồng, bằng 67,7%; Bộ Y tế 816,9 tỷ đồng, bằng 65%; Bộ Xây dựng 536,5 tỷ đồng, bằng 54,2% kế hoạch năm.
- Vốn địa phương quản lý đạt 81 nghìn tỷ đồng, bằng 92,5% kế hoạch năm, trong đó một số địa phương đã thực hiện vượt kế hoạch là: Ninh Bình đạt 3844,5 tỷ đồng, bằng 238,4% kế hoạch năm; Hoà Bình 1791,8 tỷ đồng, bằng 169,5%; Hà Tĩnh 2760,8 tỷ đồng, bằng 152,7%; Hải Phòng 2005,3 tỷ đồng, bằng 120,9%; Nghệ An 2447,3 tỷ đồng, bằng 113%; Thừa Thiên-Huế 1892,6 tỷ đồng, bằng 112,2%; Hải Dương 971,9 tỷ đồng, bằng 111,8%; Bắc Ninh 1334,8 tỷ đồng; bằng 110,6%.
Thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến 20/10/2010 đạt 12,8 tỷ USD, bằng 58,1% cùng kỳ năm 2009, bao gồm: Vốn đăng ký của 759 dự án được cấp phép mới đạt 11,6 tỷ USD (giảm 19,1% về số dự án và giảm 28,8% về số vốn so với cùng kỳ năm trước); vốn đăng ký bổ sung của 210 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước với 1,2 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện mười tháng ước tính đạt 9 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2009.
Trong mười tháng năm nay, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là thế mạnh của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với số vốn đăng ký đạt 4 tỷ USD, trong đó 3,1 tỷ USD là vốn đăng ký mới và 0,9 triệu USD vốn tăng thêm. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí và nước có 6 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 2,9 tỷ USD. Vốn đăng ký vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản đạt 2,8 tỷ USD, trong đó 2,7 tỷ USD là vốn đăng ký mới và 132 triệu USD vốn tăng thêm.
Cả nước có 48tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp phép mới trong mười tháng, trong đó Bà Rịa-Vũng Tàu có số vốn đăng ký lớn nhất với 2251,3 triệu USD, chiếm 19,4% tổng vốn đăng ký; tiếp đến là Quảng Ninh 2148 triệu USD, chiếm 18,5%; thành phố Hồ Chí Minh 1721,8 triệu USD, chiếm 14,9%; Nghệ An 1012,7 triệu USD, chiếm 8,7%; Cà Mau 773 triệu USD, chiếm 6,7%; Long An 590,5 triệu USD, chiếm 5,1%.
Trong số 46 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp mới mười tháng năm nay, Hà Lan là nhà đầu tư lớn nhất với 2220,2 triệu USD, chiếm 19,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc 1841,7 triệu USD, chiếm 15,9%; Hoa Kỳ 1792,2 triệu USD, chiếm 15,5%; Nhật Bản 1487,3 triệu USD, chiếm 12,8%; Đài Loan 1080,6 triệu USD, chiếm 9,3%; Quần đảo Virgin thuộc Anh 685,7 triệu USD, chiếm 5,9%; Tây Ấn thuộc Anh 475,9 triệu USD, chiếm 4,1%...
Thu chi ngân sách nhà nước
Tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến 15/10/2010 ước tính bằng 88,5% dự toán năm, trong đó các khoản thu nội địa bằng 86,8%; thu từ dầu thô bằng 78,7%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu bằng 100,3%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước bằng 84,7%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) bằng 78,3%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài nhà nước bằng 81,8%; thuế thu nhập cá nhân bằng 98,1%; thu phí xăng dầu bằng 84%; thu phí, lệ phí bằng 78,5%.
Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến 15/10/2010 ước tính bằng 78,7% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển bằng 77,8%; chi phát triển sự nghiệp kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể bằng 79,7%; chi trả nợ và viện trợ bằng 92%.
Thương mại, giá cả, dịch vụ
Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ phục vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng mười tháng năm 2010 ước tính đạt 1282 nghìn tỷ đồng, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2009, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 15%. Trong đó, kinh doanh thương nghiệp đạt 1010,9 nghìn tỷ đồng, tăng 25,8%; khách sạn nhà hàng đạt 141,2 nghìn tỷ đồng, tăng 21,6%; dịch vụ đạt 116,9 nghìn tỷ đồng, tăng 22,3%; du lịch đạt 13,1 nghìn tỷ đồng, tăng 32,2%.
Xuất, nhập khẩu hàng hóa
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 10/2010 ước tính đạt 6,3 tỷ USD, tăng 2,5% so với tháng trước và tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2009. Tính chung 10 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 57,8 tỷ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2009, bao gồm khu vực kinh tế trong nước đạt 26,8 tỷ USD, tăng 20,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 31 tỷ USD, tăng 25,8%, nếu không kể dầu thô thì đạt 27 tỷ USD, tăng 39,9%.
Trong mười tháng năm 2010, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn duy trì được kim ngạch xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: Hàng dệt may đạt 9,1 tỷ USD, tăng 22,3%; giày dép đạt 4,1 tỷ USD, tăng 24,8%; thủy sản đạt 4 tỷ USD tăng 15,3%; điện tử máy tính đạt 2,9 tỷ USD, tăng 28%; gạo đạt 2,7 tỷ USD, tăng 10,8%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,8 tỷ USD, tăng 36,2%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 2,4 tỷ USD, tăng 53,7%; cao su đạt 1,7 tỷ USD, tăng 94,5%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,2 tỷ USD, tăng 54,9%; dây điện và dây cáp điện đạt 1,1 tỷ USD, tăng 59,6%; sắt thép đạt 828 triệu USD, gấp gần 2 lần;hạt điều đạt 889 triệu USD, tăng 29,1%; sản phẩm từ chất dẻo đạt 843 triệu USD, tăng 28,1%. Một số mặt hàng xuất khẩu mặc dù lượng xuất khẩu giảm nhưng đơn giá bình quân trên thị trường thế giới tăng nên kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2009 là: Than đá đạt 1,3 tỷ USD, tăng 20,7% (lượng giảm 22,1%); xăng dầu đạt 960 triệu USD, tăng 24% (lượng giảm 7,9%). Riêng lượng dầu thô xuất khẩu mười tháng giảm mạnh nên kim ngạch chỉ đạt 4 tỷ USD, giảm 24,6% (lượng giảm 44,3%).
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chín tháng năm 2010 sang một số thị trường xuất khẩu lớn là: Hoa Kỳ đạt 10,3 tỷ USD, tăng 25,9% (Hàng dệt may đạt 4,5 tỷ USD, giày dép đạt 1 tỷ USD); EU đạt 7,8 tỷ USD, tăng 14,8% (Hàng dệt may đạt 1,3 tỷ USD, giày dép đạt 1,6 tỷ USD); ASEAN đạt 6,4 tỷ USD, tăng 16,2% (Gạo đạt 1,3 tỷ USD, xăng dầu đạt 518 triệu USD); Nhật Bản đạt 5,5 tỷ USD, tăng 25,4% (Hàng dệt may đạt 795 triệu USD, hải sản đạt 637 triệu USD); Trung Quốc đạt 4,7 tỷ USD, tăng 46,3% (Cao su đạt 325 triệu USD, máy tính, linh kiện đạt 443 triệu USD).
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 10/2010 ước tính đạt 7,4 tỷ USD, tăng 5,4% so với tháng trước và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2009. Tính chung mười tháng, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 67,3 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm khu vực kinh tế trong nước đạt 38,2 tỷ USD, tăng 8,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 29,1 tỷ USD, tăng 41,2%.
Kim ngạch nhập khẩu mười tháng của hầu hết các mặt hàng đều tăng so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu để đáp ứng nhu cầu của sản xuất trong nước, trong đó máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 10,8 tỷ USD, tăng 9,2%; sắt thép đạt 4,9 tỷ USD, tăng 12,6%; vải đạt 4,3 tỷ USD, tăng 26,5%; điện tử máy tính và linh kiện đạt 4,1 tỷ USD, tăng 32,7%; chất dẻo đạt 3,1 tỷ USD, tăng 35,1%; nguyên, phụ liệu dệt may, giày dép đạt 2,1 tỷ USD, tăng 37,1%; kim loại thường đạt 2,1 tỷ USD, tăng 64,1%; hóa chất đạt 1,7 tỷ USD, tăng 25,3%; sản phẩm hóa chất đạt 1,6 tỷ USD, tăng 30,7%. Riêng nhập khẩu ô tô đã có xu hướng tích cực, đạt 2,3 tỷ USD, tăng 1,8% (trong đó ôtô nguyên chiếc đạt 759 triệu USD, giảm 17,4%).
Trong chín tháng năm 2010, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 14,2 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2009 (Máy móc thiết bị đạt 3,1 tỷ USD); ASEAN đạt 11,6 tỷ USD, tăng 24,1% (Máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng đạt 699 triệu USD); Nhật Bản đạt 6,4 tỷ USD, tăng 23% (Máy móc thiết bị đạt 1,8 tỷ USD); EU đạt 4,5 tỷ USD, tăng 15,1% (Máy móc thiết bị đạt 1,6 tỷ USD; Hoa Kỳ đạt 2,6 tỷ USD, tăng 26,8% (Máy móc thiết bị đạt 551 triệu USD).
Nhập siêu hàng hóa tháng 10/2010 ước tính đạt 1,1 tỷ USD, bằng 17,6% kim ngạch xuất khẩu. Tính chung 10 tháng, nhập siêu hàng hóa đạt 9,5 tỷ USD, bằng 16,4% kim ngạch xuất khẩu.
Chỉ số giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2010 tăng 1,05% so với tháng trước. Các nhóm hàng hoá và dịch vụ có chỉ số giá tăng cao hơn 1% là: Nhóm giáo dục tăng cao nhất với 3,9%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,32% (lương thực tăng 1,89%; thực phẩm tăng 1,22%); nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,04%. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng dưới 1% hoặc giảm gồm: Đồ uống và thuốc lá tăng 0,9%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,48%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,4%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,27%; giao thông tăng 0,2%; văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,16%; bưu chính viễn thông giảm 0,07%.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2010 tăng 7,58% so với tháng 12/2009; tăng 9,66% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân mười tháng năm nay tăng 8,75% so với bình quân mười tháng năm 2009.
Chỉ số giá vàng tháng 10/2010 tăng 7,87% so với tháng trước; tăng 13,47% so với tháng 12/2009 và tăng 38,01% so với cùng kỳ năm 2009. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 10/2010 tăng 0,6% so với tháng trước; tăng 3,52% so với tháng 12/2009 và tăng 8,37% so với cùng kỳ năm 2009.
Vận tải hành khách và hàng hóa
Vận tải hành khách mười tháng năm 2010 ước tính đạt 2002,8 triệu lượt khách, tăng 14,2% và 87,6 tỷ lượt khách.km, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2009, bao gồm: Vận tải trung ương đạt 32,8 triệu lượt khách, tăng 11,2% và 22,6 tỷ lượt khách.km, tăng 14,6%; vận tải địa phương đạt 1970,1 triệu lượt khách, tăng 14,4 % và 65,1 tỷ lượt khách.km, tăng 16,4%. Vận tải hành khách đường bộ mười tháng ước tính đạt 1835,9 triệu lượt khách, tăng 15% và 63,4 tỷ lượt khách.km, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước; đường sông đạt 140,2 triệu lượt khách, tăng 3,4% và 2,9 tỷ lượt khách.km, tăng 3,5%; đường hàng không đạt 11,6 triệu lượt khách, tăng 32% và 17,3 tỷ lượt khách.km, tăng 30,6%; đường biển đạt 5,4 triệu lượt khách, tăng 4,3% và 345,1 triệu lượt khách.km, tăng 5,3%; đường sắt đạt 9,7 triệu lượt khách, tăng 5,5% và 3,6 tỷ lượt khách.km, tăng 7,8%.
Vận tải hàng hóa mười tháng ước tính đạt 585,5 triệu tấn, tăng 12,1% và 180,3 tỷ tấn.km, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vận tải trong nước đạt 546,5 triệu tấn, tăng 12,4% và 51,4 tỷ tấn.km, tăng 10,1%; vận tải ngoài nước đạt 39 triệu tấn, tăng 10,6% và 128,9 tỷ tấn.km tăng 8,4%. Vận tải hàng hoá đường bộ đạt 436,5 triệu tấn, tăng 13,1% và 23,9 tỷ tấn.km, tăng 14,3%; đường sông đạt 98,2 triệu tấn, tăng 5,1% và 15,7 tỷ tấn.km, tăng 1,1%; đường biển đạt 44,2 triệu tấn, tăng 20% và 137,2 tỷ tấn.km, tăng 10,3%; đường sắt đạt 6,4 triệu tấn, giảm 5,3% và 3,2 tỷ tấn.km, tăng 1,5%.
Bưu chính, viễn thông
Số thuê bao điện thoại phát triển mới từ đầu năm đến hết tháng 10/2010 đạt 35,2 triệu thuê bao, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2009, bao gồm 771,9 nghìn thuê bao cố định, giảm 39,6% và 34,5 triệu thuê bao di động, tăng 7,2%. Số thuê bao điện thoại cả nước tính đến cuối tháng 10/2010 ước tính đạt 160,8 triệu thuê bao, tăng 40,2% so với cùng thời điểm năm trước, bao gồm 16,4 triệu thuê bao cố định, tăng 6,8% và 144,4 triệu thuê bao di động, tăng 45,3%. Số thuê bao điện thoại của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông tính đến cuối tháng 10/2010 ước tính đạt 83,8 triệu thuê bao, tăng 27,1% so với cùng thời điểm năm trước, bao gồm 11,7 triệu thuê bao cố định, tăng 2,5% và 72,1 triệu thuê bao di động, tăng 32,3%.
Số thuê bao internet trên cả nước tính đến cuối tháng 10/2010 ước tính đạt 3,6 triệu thuê bao, tăng 27% so với cùng thời điểm năm 2009, trong đó Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông đạt 2,5 triệu thuê bao, tăng 23,7%. Số người sử dụng internet tính đến cuối tháng 10/2010 đạt 26,8 triệu người, tăng 20,7% so với cùng thời điểm năm trước. Tổng doanh thu thuần bưu chính, viễn thông mười tháng năm 2010 ước tính đạt 104,1 nghìn tỷ đồng, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông đạt 67,5 nghìn tỷ đồng, tăng 25,9%.
Khách quốc tế đến Việt Nam
Khách quốc tế đến nước ta mười tháng năm 2010 ước tính đạt 4172 nghìn lượt người, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng đạt 2605,7 nghìn lượt người, tăng 46,6%; đến vì công việc 843,7 nghìn lượt người, tăng 42,9%; thăm thân nhân đạt 470,5 nghìn lượt người, tăng 8,1%.
Trong mười tháng năm nay, khách quốc tế đến nước ta từ hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2009, trong đó khách đến từ Trung Quốc đạt 771,8 nghìn lượt người, tăng 90,3%; Hàn Quốc 404,6 nghìn lượt người, tăng 36,2%; Nhật Bản 355,5 nghìn lượt người, tăng 22,2%; Hoa Kỳ 358,1 nghìn lượt người, tăng 7%; Đài Loan 279,2 nghìn lượt người, tăng 25,8%; Ôx-trây-li-a 228,7 nghìn lượt người, tăng 32,4%; Cam-pu-chia 217,4 nghìn lượt người, tăng 97,2%; Thái Lan 181,1 nghìn lượt người, tăng 41,1%; Ma-lai-xi-a 167,2 nghìn lượt người, tăng 28,4%; Pháp 160,5 nghìn lượt người, tăng 15,4%.
Một số vấn đề xã hội
Thiếu đói trong nông dân
Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, trong tháng 10/2010 (tính đến ngày 20/10), cả nước có 24,4 nghìn hộ với 108 nghìn nhân khẩu thiếu đói, chiếm 0,21% tổng số hộ nông nghiệp và 0,22% tổng số nhân khẩu nông nghiệp. (Một số địa phương bị ảnh hưởng của đợt lũ trong tháng 10 chưa thống kê được đầy đủ số hộ thiếu đói). Tình trạng thiếu đói xảy ra chủ yếu ở các tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc; vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; vùng Tây Nguyên. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm đến nay, các cấp, các ngành và đoàn thể từ trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 36 nghìn tấn lương thực và 11,7 tỷ đồng.
Tình hình dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm
Từ 20/9 đến 20/10/2010, trên địa bàn cả nước có 4,8 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt rét; 29,1 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; 635 trường hợp mắc bệnh viêm gan virút; 42 trường hợp mắc bệnh viêm não virút; 43 trường hợp mắc viêm màng não do não mô cầu và 13 vụ ngộ độc thực phẩm với 407 người bị ngộ độc. Tính chung mười tháng năm 2010, cả nước có 33,5 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt rét (9 trường hợp tử vong); 88,6 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (55 trường hợp tử vong); 5,3 nghìn trường hợp mắc bệnh viêm gan virút; 620 trường hợp mắc bệnh viêm não virút (17 trường hợp tử vong); 205 trường hợp mắc viêm màng não do não mô cầu và 122 vụ ngộ độc thực phẩm với 4,5 nghìn người bị ngộ độc (37 trường hợp tử vong).
Trong tháng 10/2010, trên địa bàn cả nướcđã phát hiện thêm 1,2 nghìn trường hợp nhiễm HIV, nâng tổng số người nhiễm HIV của cả nước tính đến cuối tháng 10/2010 lên gần 229 nghìn người, trong đó 90,9 nghìn trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS và hơn 48,4 nghìn người đã tử vong do AIDS.
Tai nạn giao thông
Trong tháng 9/2010, trên địa bàn cả nước xảy ra 1036 vụ tai nạn giao thông, làm chết 891 người và làm bị thương 750 người. So với tháng trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 9%, số người chết giảm 6,1%; số người bị thương tăng 9,1%. Tính chung chín tháng năm 2010, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 10145 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8395 người và làm bị thương 7480 người. So với cùng kỳ năm 2009, số vụ tai nạn giao thông tăng 10,8%, số người chết giảm 1,1%, số người bị thương tăng 30,6%. Bình quân một ngày trong chín tháng, trên địa bàn cả nước xảy ra 37 vụ tai nạn giao thông, làm chết 31 người và làm bị thương 27 người.
Thiên tai
Thiên tai xảy ra trong tháng (Từ 21/9 đến 21/10/2010) đã ảnh hưởng lớn đến đời sống và sinh hoạt của nhân dân nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Đặc biệt hai trận lũ lớn liên tiếp xảy ra tại các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ gây thiệt hại nặng về người và tài sản, trong đó ba tỉnh bị thiệt hại nặng là: Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, thiên tai trong tháng đã làm 173 người chết và mất tích; 168 người bị thương (Riêng hai trận lũ đã làm 161 người chết và mất tích, trong đó Quảng Bình 72 người; Hà Tĩnh 31 người; Nghệ An 30 người); gần 700 ngôi nhà bị sập, cuốn trôi; hơn 400 nghìn ngôi nhà bị ngập, tốc mái; trên 51 nghìn ha lúa và hoa màu bị ngập nước; gần 20 nghìn ha thuỷ sản nuôi trồng bị hư hỏng, trong đó khoảng 10 nghìn ha bị mất trắng; gần 280 km đê và hơn 330 km kênh mương bị vỡ, sạt lở và cuốn trôi; trên 1 nghìn km đường giao thông cơ giới bị sạt lở; gần 1,4 nghìn cột điện các loại bị đổ gẫy.
Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong tháng ước tính 8,5 nghìn tỷ đồng, trong đó Hà Tĩnh thiệt hại lớn nhất với 5,2 nghìn tỷ đồng; Quảng Bình 1,9 nghìn tỷ đồng và Nghệ An 1,2 nghìn tỷ đồng.
Để giúp các địa phương nhanh chóng khắc phục hậu quả sau đợt lũ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 19 tháng 10 năm 2010 chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan trích 660 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2010 và xuất cấp không thu tiền 11 nghìn tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia với phương án phân bổ như sau: Hà Tĩnh 250 tỷ đồng và 5 nghìn tấn gạo; Quảng Bình 250 tỷ đồng và 3 nghìn tấn gạo; Nghệ An 100 tỷ đồng và 2 nghìn tấn gạo; Quảng Trị 20 tỷ đồng và 500 tấn gạo; Thừa Thiên Huế 10 tỷ đồng và 500 tấn gạo; Thanh Hóa 30 tỷ đồng.
Tổng số tiền hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại do thiên tai gây ra trong tháng 10/2010 nhận được từ Trung ương và nguồn dự phòng của các tỉnh cũng như từ các nguồn khác là gần 700 tỷ đồng, hơn 14 nghìn tấn gạo, trên 153 tấn mỳ tôm, 58 nghìn thùng nước khoáng và nhiều loại nhu yếu phẩm cần thiết khác.
Khái quát lại, kinh tế-xã hội nước ta mười tháng năm 2010 tiếp tục phát triển theo hướng ổn định. Tuy nhiên, thị trường giá cả thế giới và trong nước còn nhiều biến động khó lường; thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi vẫn đang diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, các cấp, các ngành cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp mà Chính phủ đã ban hành nhằm hoàn thành tốt mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2010, tập trung vào một số vấn đề chủ yếu sau đây:
Một là, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 1875/CT-TTg ngày 11 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các biện pháp bình ổn giá cả, thị trường những tháng cuối năm. Theo đó phải tập trung rà soát các cơ chế, chính sách có liên quan để kịp thời điều chỉnh, bổ sung phù hợp. Có phương án hiệu quả trong việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp nhằm thúc đấy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng trọng yếu nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng những tháng cuối năm. Tăng cường kiểm soát thuế, kiểm soát siêu lợi nhuận gắn liền với kiểm tra giá, chống liên kết độc quyền nâng giá và đầu cơ trái pháp luật.
Hai là, huy động mọi tiềm năng và tận dụng tối đa cơ hội nhằm thúc đẩy xuất khẩu tăng mạnh. Tích cực thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, tìm hiểu thông tin về khách hàng và thị trường. Tăng cường công tác tiếp thị và nghiên cứu kỹ các quy định có liên quan đến xuất khẩu mặt hàng chế biến phù hợp vào các thị trường có tiềm năng lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản, v.v. Nghiên cứu và sớm thực hiện mức thuế ưu đãi đối với các doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu.
Ba là, bảo đảm ngày càng tốt hơn an sinh và phúc lợi xã hội. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách và phát triển hệ thống trợ giúp xã hội linh hoạt nhằm mở rộng sự tham gia của cộng đồng vào việc cung cấp ngày càng nhiều hơn với chất lượng tốt hơn các dịch vụ công cộng. Đẩy mạnh việc chủ động phòng chống và ứng phó kịp thời, có hiệu quả thiên tai nhằm hạn chế thiệt hại về người và của, nhất là những vùng thường xuyên xảy ra bão lũ. Trước mắt các Bộ, ngành và địa phương khẩn trương triển khai thực hiện công tác khắc phục hậu quả của đợt mưa lũ vừa qua, đồng thời có các biện pháp phòng chống bão hiệu quả theo tinh thần Công điện khẩn số 1870/CĐ-TTg ngày 18 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ để triển khai kịp thời công tác cứu hộ, cứu trợ. Nghiên cứu hình thành các quỹ dự phòng và cơ chế trợ giúp tại các địa phương để hỗ trợ kịp thời cho nhân dân khi có rủi ro đột xuất.
Nguồn: TỔNG CỤC THỐNG KÊ
Tệp đính kèm: