Tệp đính kèm:
Tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng năm 2010
__________
Kinh tế-xã hội nước ta chín tháng năm 2010 diễn ra trong điều kiện một số nền kinh tế lớn hồi phục sau khủng hoảng, một số nền kinh tế mới nổi đạt mức tăng trưởng cao. Tuy nhiên, nhìn chung kinh tế thế giới chưa thực sự thoát khỏi khủng hoảng và còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi tác động đến kinh tế nước ta. Ở trong nước, thiên tai và dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi liên tiếp xảy ra, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống dân cư. Một số cân đối vĩ mô vẫn còn biểu hiện không ổn định. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều Nghị quyết, chính sách cùng các giải pháp và nhiệm vụ cụ thể, trong đó trọng tâm là Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2010 và Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2010 nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện tốt Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2010.
Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2010 - năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế-xã hội đã đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2006-2010 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2001-2010 của cả nước nói chung và của từng địa phương nói riêng. Đồng thời đây cũng là năm cơ sở, đặt nền tảng cho việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020. Vì vậy ngay từ đầu năm, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp, các địa phương thực hiện nghiêm và đồng bộ các giải pháp, nỗ lực vượt qua khó khăn, huy động hiệu quả các nguồn lực, tận dụng kịp thời và tối đa cơ hội, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Do đó kinh tế-xã hội cả nước chín tháng phát triển tương đối ổn định và theo xu hướng tích cực.
KẾT QUẢ PHỤC HỒI TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) chín tháng năm 2010 ước tính tăng 6,52% so với chín tháng năm 2009, trong đó quý I tăng 5,83%; quý II tăng 6,4% và quý III tăng 7,16%. Đây là mức tăng khá cao so với mức tăng 4,62% của cùng kỳ năm trước.
Trong mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế chín tháng năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,89%, đóng góp 0,49 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,29%, đóng góp 3,02 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,24%, đóng góp 3,01 điểm phần trăm. Trong tổng sản phẩm trong nước chín tháng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 21,09%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 40,85%; khu vực dịch vụ chiếm 38,06%.
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước
9 tháng năm 2009 và 9 tháng năm 2010
%
|
Tốc độ tăng so với
9 tháng năm trước
|
Đóng góp của các khu vực vào tăng trưởng 9 tháng năm 2010
|
|
9 tháng năm 2009
|
9 tháng năm 2010
|
Tổng số
|
4,62
|
6,52
|
6,52
|
Nông, lâm nghiệp thuỷ sản
|
1,58
|
2,89
|
0,49
|
Công nghiệp và xây dựng
|
4,64
|
7,29
|
3,02
|
Dịch vụ
|
5,90
|
7,24
|
3,01
|
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 9 tháng năm 2010 theo giá so sánh 1994 ước tính đạt 155,3 nghìn tỷ đồng, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm nông nghiệp đạt 108,8 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4%; lâm nghiệp đạt 5,4 nghìn tỷ đồng, tăng 4,1%; thuỷ sản đạt 41,2 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3%. Tình hình sản xuất cụ thể như sau :
Nông nghiệp
Tính đến trung tuần tháng 9/2010, cả nước đã gieo cấy được 1636 nghìn ha lúa mùa, bằng 97,1% cùng kỳ năm trước, bao gồm các địa phương phía Bắc đạt 1188,1 nghìn ha, bằng 99,6% và đã kết thúc gieo cấy; các địa phương phía Nam đạt 454,9 nghìn ha, bằng 92,5%. Diện tích lúa mùa năm 2010 của cả nước ước tính là 1996,9 nghìn ha, giảm 21 nghìn ha so với vụ mùa năm 2009 chủ yếu do thiếu nước tưới tại một số địa phương. Nếu những tháng cuối năm, thời tiết thuận lợi và không bị ảnh hưởng của sâu bệnh thì sản lượng lúa mùa năm nay ước tính đạt 9,2 triệu tấn, tăng 1,2% so với vụ mùa năm trước, năng suất đạt 45,8 tạ/ha, tăng 2,3%.
Cùng với việc gieo cấy lúa mùa, các địa phương đang bước vào thu hoạch lúa hè thu. Tính đến 15/9/2010, các tỉnh phía Nam đã thu hoạch được 1756,7 nghìn ha lúa hè thu, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch được 1477,3 nghìn ha. Năng suất lúa hè thu năm nay ước tính đạt 47,1 tạ/ha, giảm 0,8 tạ/ha so với năm trước, nhưng diện tích ước tính tăng 27,4% nên sản lượng lúa hè thu cả năm 2010 khả năng đạt 11,5 triệu tấn, tăng 269,1 nghìn tấn so với năm trước.
Nếu tính cả vụ đông xuân thì diện tích lúa cả năm 2010 ước tính đạt 7518,5 nghìn ha, tăng 81,6 nghìn ha so với năm trước; năng suất đạt 53 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha; sản lượng đạt 39,9 triệu tấn, tăng 901 nghìn tấn.
Cũng đến thời điểm trên, cả nước đã gieo trồng được 953,8 nghìn ha ngô, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2009; 123,5 nghìn ha khoai lang, tăng 1,7%; 216 nghìn ha lạc, giảm 15,5%; 179,7 nghìn ha đậu tương, giảm 6,2% và 725,9 nghìn ha rau, đậu, tăng 9,1%.
Chăm sóc cây lâu năm được các địa phương tập trung quan tâm nên năng suất thu hoạch đạt khá, diện tích cho sản phẩm tăng nhanh, do đó sản lượng nhiều cây lâu năm năm nay ước tính cao hơn năm 2009. Sản lượng chè búp tươi năm 2010 ước tính đạt 809,6 nghìn tấn, tăng 5% so với năm trước; cao su 761,1 nghìn tấn, tăng 7%; cà phê 1083,9 nghìn tấn, tăng 2,5%; hồ tiêu 110,7 nghìn tấn, tăng 2,5%. Riêng sản lượng điều đạt 286 nghìn tấn, giảm 2%do hiệu quả kinh tế thấp nên nhiều diện tích điều già cỗi được chuyển sang trồng các cây khác. Trong các cây ăn quả, sản lượng cam, quýt năm nay tăng 3,5%; bưởi tăng 3,2%; nhãn tăng 0,5%; dứa tăng 3%; chuối tăng 6,5%; xoài tăng 3%.
Chăn nuôi trâu, bò và gia cầm từ đầu năm tương đối ổn định do không bị ảnh hưởng nhiều của dịch bệnh. Tính đến giữa tháng 9/2010, đàn trâu cả nước có 2,9 triệu, xấp xỉ cùng kỳ năm trước; đàn bò 6,2 triệu con, tăng nhẹ so với cùng kỳ; đàn gia cầm ước tính tăng 5-6%.Sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng chín tháng ước tính tăng 3-4% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt gia cầm tăng trên 12%.
Tuy nhiên, chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn do dịch tai xanh bùng phát và lây lan rộng ở nhiều địa phương. Cũng đến thời điểm trên, đàn lợn cả nước có 27,1 triệu con, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, tổng số lợn mắc bệnh là trên 330 nghìn con, trong đó chết và tiêu hủy trên 194 nghìn con. Một số địa phương có số lợn chết và tiêu hủy lớn là: Tiền Giang 44,8 nghìn con; Tây Ninh 26,1 nghìn con; Lâm Đồng 18,4 nghìn con; Bà Rịa-Vũng Tàu 16,3 nghìn con; Đồng Nai 13,3 nghìn con; Bình Dương 10 nghìn con.
Tính đến ngày 23/9/2010, cả nước không còn địa phương nào có dịch cúm gia cầm. Các dịch bệnh chưa qua 21 ngày là: Dịch lở mồm long móng còn ở 3 tỉnh: Đắk Lắk, Hà Tĩnh và Quảng Bình; dịch bệnh tai xanh còn ở 32 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương (Nghệ An, Cao Bằng, Sóc Trăng, Tiền Giang, Long An, Bình Dương, Bạc Liêu, Quảng Nam, Đồng Nai, Bình Phước, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Hậu Giang, Lâm Đồng, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau, Kon Tum, Đắk Nông, Gia Lai, Trà Vinh, Bình Thuận, Quảng Ninh, Ninh Thuận và Phú Yên).
Lâm nghiệp
Sản xuất lâm nghiệp tuy gặp một số khó khăn do tình trạng khô hạn đầu năm làm ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng, nhưng nhờ chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước đã tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất lâm nghiệp, trong đó có quy định các chủ đầu tư thực hiện dự án trồng rừng sản xuất được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, trả nợ một lần sau khi khai thác, không tính lãi gộp theo tinh thần Công văn số 416/TTg-KTTH ngày 11 tháng 3 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ; suất đầu tư trồng rừng phòng hộ của Chương trình 661 được Chính phủ điều chỉnh tăng lên 10 triệu đồng/ha, v.v... Tính chung chín tháng năm 2010, diện tích rừng trồng tập trung cả nước ước tính đạt 164 nghìn ha, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 163,2 triệu cây, tăng 0,1%; diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh đạt 778 nghìn ha, tăng 4,9%; diện tích rừng được chăm sóc 331 nghìn ha, tăng 5,1%; sản lượng gỗ khai thác đạt 2740,8 nghìn m3, tăng 6,2%; sản lượng củi khai thác 21,2 nghìn ste, tăng 2,5%.
Tình trạng hạn hán không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ trồng và chăm sóc rừng, mà còn là nguyên nhân gây ra cháy rừng ở nhiều địa phương. Trong chín tháng năm 2010, cả nước có 7773,7 ha rừng bị thiệt hại, trong đó diện tích rừng bị cháy 6718,3 ha; diện tích rừng bị phá 1055,4 ha. Một số địa phương có diện tích rừng bị cháy nhiều là: Hà Giang 842 ha; Lào Cai 795,5 ha; Yên Bái 740,5 ha; Sơn La 663 ha; Cao Bằng 232,3 ha; Quảng Trị 180 ha; Kon Tum 171 ha; Đồng Tháp 130,4 ha; Nghệ An 115,3 ha.
Thuỷ sản
Sản lượng thủy sản chín tháng năm 2010 ước tính đạt 3794 nghìn tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 2871 nghìn tấn, tăng 4,5%; tôm đạt 412 nghìn tấn, tăng 6,4%.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng chín tháng ước tính đạt 2013 nghìn tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2009, trong đó cá đạt 1526 nghìn tấn, tăng 4,5%; tôm đạt 320 nghìn tấn, tăng 6,8%.
Nuôi cá tra không còn tình trạng ứ đọng như năm trước nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn do giá thức ăn thuỷ sản vẫn ở mức cao, thị trường tiêu thụ không ổn định. Diện tích thả nuôi cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long ước tính đạt 12 nghìn ha, giảm 8% sovới cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích nuôi cá tra công nghiệp khoảng 6 nghìn ha, xấp xỉ cùng kỳ. Một số địa phương có diện tích thả nuôi cá tra giảm nhiều là: An Giang giảm 19%; Cần Thơ giảm 24%; Bến Tre giảm 22%. Tính chung chín tháng năm 2010, sản lượng cá tra thu hoạch ước tính đạt 994 nghìn tấn, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy sản lượng cá tra giảm nhưng tổng sản lượng cá nuôi vẫn tăng do các địa phương tiếp tục thực hiện chủ trương chuyển đổi và mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản theo hướng đa canh, đa con kết hợp, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và đảm bảo môi trường sinh thái bền vững. Điển hình là mô hình nuôi nước ngọt lúa - cá phát triển mạnh ở các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng và miền Trung; nuôi kết hợp tôm - cá, tôm - cua, tôm - lúa ở Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Số lượng lồng, bè nuôi cá trên biển ở một số địa phương tiếp tục tăng như: Hải Phòng tăng 634 lồng, Quảng Ninh tăng 537 lồng, Ninh Thuận tăng 98 lồng, Kiên Giang tăng 84 lồng.
Tôm nuôi chính vụ đã cơ bản thu hoạch xong, giá bán đang ở mức cao do nhu cầu tiêu thụ trên thị trường thế giới tăng. Trong đó chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh thân đỏ đốm trắng tại khu vực miền Trung nên tốc độ tăng của sản phẩm này chậm hơn so với năm trước.
Khai thác thủy sản đạt kết quả khá so với năm trước. Thời tiết ngư trường tương đối thuận lợi cùng với các chính sách hỗ trợ mua và đóng mới tàu thuyền đã khuyến khích ngư dân tích cực ra khơi đánh bắt. Số tàu khai thác biển có động cơ ước tính gần 130 nghìn chiếc, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tàu trên 90CV gần 18 nghìn chiếc, tăng 5,4%. Sản lượng thủy sản khai thác chín tháng năm 2010 ước tính đạt 1781 nghìn tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khai thác biển đạt 1640 nghìn tấn, tăng 5,2%.
Sản xuất công nghiệp
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 9/2010 theo giá so sánh 1994 ước tính tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm khu vực kinh tế Nhà nước tăng 10,7% (Trung ương quản lý tăng 13,9%; địa phương quản lý giảm 1,9%); khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 14,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,7% (dầu mỏ và khí đốt giảm 5,9%, các ngành khác tăng 21,7%).
Tính chung chín tháng năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh 1994 ước tính đạt 574,5 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2009, bao gồm khu vực kinh tế Nhà nước tăng 9,1% (Trung ương quản lý tăng 12,3%; địa phương quản lý giảm 3,4%); khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 12,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,4% (dầu mỏ và khí đốt giảm 4,4%, các ngành khác tăng 20,3%). Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 ước tính tăng 14% so với năm 2009, bao gồm khu vực kinh tế Nhà nước tăng 9,5%; khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 12,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,7%.
Trong giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp chín tháng năm nay, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất (89,4%) về giá trị sản xuất, là ngành quyết định tới tốc độ tăng chung của toàn ngành công nghiệp, đạt tốc độ tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2009, mức tăng cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm trước (Chín tháng năm 2009 tăng 6,1%). Đây cũng là ngành có tốc độ hồi phục nhanh nhất trong năm 2010 sau giai đoạn khủng hoảng. Trong chín tháng năm nay, nhiều sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tốc độ tăng cao hơn mức tăng chung của toàn ngành là: Khí hóa lỏng tăng 121,2%; sữa bột tăng 26,8%; giày thể thao tăng 25,2%; kính thủy tinh tăng 22,8%; bia tăng 21,6%; xe tải tăng 21,1%; sơn hóa học tăng 20,5%; quần áo người lớn tăng 20,2%; tủ lạnh, tủ đá tăng 19,9%; xi măng tăng 16,8%; xe máy tăng 16,4%. Một số sản phẩm tăng thấp hơn mức tăng chung như: Xe chở khách tăng 13,1%; gạch lát ceramic tăng 12,3%; điều hòa nhiệt độ tăng 11,5%; giấy, bìa tăng 10,9%; xà phòng tăng 10,6%; thủy hải sản chế biến tăng 10,3%; phân hóa học tăng 8,6%; vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo tăng 8,4%; giày, dép, ủng bằng da giả tăng 4,8%; vải dệt từ sợi bông tăng 4%; thép tròn tăng 1%. Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước là: Lốp ô tô, máy kéo giảm 1,7%; dầu thực vật tinh luyện giảm 4,7%; tivi giảm 4,9%; đường kính giảm 10,7%.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo không chỉ đạt mức tăng khá về sản xuất mà mức tiêu thụ cũng tăng ở mức cao. Tính chung tám tháng năm nay, chỉ số tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2009, trong đó một số ngành sản xuất có chỉ số tiêu thụ cao là: Đồ uống không cồn tăng 39,3%; gạch, ngói và gốm, sứ không chịu lửa tăng 34,2%; các sản phẩm bơ, sữa tăng 34,1%; các sản phẩm khác bằng kim loại tăng 28,4%; bia tăng 20,1%; xi măng tăng 19%; sản xuất các sản phẩm khác bằng plastic tăng 15,8%; sản xuất giày, dép tăng 14,5%. Một số ngành sản xuất có chỉ số tiêu thụ tám tháng năm 2010 tăng chậm hoặc giảm so với cùng kỳ năm 2009 là: Chế biến và bảo quản rau quả tăng 1,1%; thuốc lá tăng 1,4%; thuốc, hoá dược tăng 1,5%; sắt, thép tăng 2,5%; các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 3,5%; chế biến, bảo quản thủy sản tăng 4,8%; đồ gốm, sứ không chịu lửa giảm 34,2%; đường giảm 17,6%; giấy nhăn và bao bì giảm 7,6%; xe có động cơ giảm 6,4%; thiết bị gia đình giảm 6,3%.
Ngành sản xuất, phân phối điện, ga, nước mặc dù chỉ chiếm 5,9% tổng giá trị nhưng có tốc độ tăng so với cùng kỳ 2009 cao nhất với 15,3% và tăng khá cao so với mức tăng cùng kỳ năm trước (Cùng kỳ năm 2009 tăng 10,3%). Tuy nhiên, trong đó ngành điện mặc dù chín tháng có tốc độ tăng khá so với cùng kỳ năm trước với 14,5%, nhưng tình trạng thiếu điện cho sản xuất và sinh hoạt thời gian vừa qua cho thấy sản xuất điện cần được quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa nhằm bảo đảm nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Công nghiệp khai thác là ngành chịu ảnh hưởng lớn của việc giảm sản lượng dầu thô khai thác. Giá trị sản xuất của ngành này chín tháng năm 2010 ước tính đạt 26,8 nghìn tỷ đồng, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2009 (Chín tháng 2009 tăng 9,8%) và chiếm 4,7% tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Dầu thô là sản phẩm có giá trị cao nhưng chín tháng năm nay chỉ khai thác 11,1 triệu tấn, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước; than sạch đạt 32,4 triệu tấn, tăng thấp ở mức 1,4%. Ngược lại, khí đốt thiên nhiên hiện đang có tốc độ khai thác nhanh, đạt 7050 triệu m3, tăng 19,1%.
Hoạt động dịch vụ
Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chín tháng năm 2010 ước tính đạt 1146,2 nghìn tỷ đồng, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2009, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 15,4%. Trong tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chín tháng, kinh doanh thương nghiệp đạt 905,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 79% tổng số và tăng 26,4% so với cùng kỳ năm trước; khách sạn nhà hàng đạt 126,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,9% và tăng 21,8%; dịch vụ đạt 102,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,1% và tăng 20,5%; du lịch đạt 12,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 1% và tăng 37,4%.
Vận tải hành khách và hàng hóa
Vận tải hành khách chín tháng năm 2010 ước tính đạt 1782,1 triệu lượt khách, tăng 14,2% và 78,5 tỷ lượt khách.km, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2009, bao gồm: Vận tải trung ương đạt 29,9 triệu lượt khách, tăng 11,4% và 20,8 tỷ lượt khách.km, tăng 14,5%; vận tải địa phương đạt 1752,2 triệu lượt khách, tăng 14,3% và 57,7 tỷ lượt khách.km, tăng 16,7%. Vận tải hành khách đường bộ chín tháng ước tính đạt 1632,1 triệu lượt khách, tăng 15% và 56,2 tỷ lượt khách.km, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước; đường sông đạt 125,4 triệu lượt khách, tăng 3,4% và 2,6 tỷ lượt khách.km, tăng 3,1%; đường hàng không đạt 10,8 triệu lượt khách, tăng 32,1% và 16 tỷ lượt khách.km, tăng 30,6%; đường biển đạt 4,9 triệu lượt khách, tăng 4,2% và 309,3 triệu lượt khách.km, tăng 5%; đường sắt đạt 8,9 triệu lượt khách, tăng 6,1% và 3,3 tỷ lượt khách.km, tăng 8,5%.
Vận tải hàng hóa chín tháng năm 2010 ước tính đạt 523,9 triệu tấn, tăng 12,2% và 156 tỷ tấn.km, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vận tải trong nước đạt 488,7 triệu tấn, tăng 12,6% và 44,9 tỷ tấn.km, tăng 10%; vận tải ngoài nước đạt 35,2 triệu tấn, tăng 10,4% và 111,1 tỷ tấn.km tăng 8,6%. Vận tải hàng hoá đường bộ đạt 390,1 triệu tấn, tăng 13% và 21,2 tỷ tấn.km, tăng 14,3%; đường sông đạt 88 triệu tấn, tăng 5,1% và 14,1 tỷ tấn.km, tăng 1,3%; đường biển đạt 39,9 triệu tấn, tăng 22% và 117,6 tỷ tấn.km, tăng 10,1%; đường sắt đạt 5,8 triệu tấn, giảm 5,8% và 2,9 tỷ tấn.km, xấp xỉ cùng kỳ năm trước.
Bưu chính, viễn thông
Số thuê bao điện thoại phát triển mới tính đến hết tháng 9/2010 là 32,9 triệu thuê bao, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2009, thấp hơn nhiều so với mức tăng 70,2%của cùng kỳ năm trước, chủ yếu do các đơn vị kinh doanh viễn thông triển khai thực hiện Thông tư số 11/2010/TT-BTTTT ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định hoạt động khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động. Trong tổng số thuê bao điện thoại phát triển mới tính đến hết tháng 9/2010, máy cố định đạt 754 nghìn thuê bao, giảm 34,6% so với cùng kỳ năm trước; máy di động đạt 32,1 triệu thuê bao, tăng 5,7%. Số thuê bao điện thoại cả nước tính đến cuối tháng 9/2010 ước tính đạt 158,5 triệu thuê bao, tăng 40,4% so với cùng thời điểm năm trước, bao gồm 16,4 triệu thuê bao cố định, tăng 7,6% và 142,1 triệu thuê bao di động, tăng 45,5%. Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông đạt 86,1 triệu thuê bao tính đến cuối tháng 9/2010, tăng 37,5% so với cùng thời điểm năm 2009, bao gồm 11,7 triệu thuê bao cố định, tăng 2,9% và 74,4 triệu thuê bao di động, tăng 45,1%.
Số thuê bao internet trên cả nước tính đến hết tháng 9/2010 ước tính đạt 3,5 triệu thuê bao, tăng 28,8% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông đạt 2,5 triệu thuê bao, tăng 27,9%. Số người sử dụng internet tính đến cuối tháng 9/2010 là 26,6 triệu người, tăng 21% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó số người sử dụng internet của Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông là 19,5 triệu người, tăng 19,8%. Tổng doanh thu thuần bưu chính, viễn thông chín tháng năm 2010 ước tính đạt 95,7 nghìn tỷ đồng, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông đạt 62,5 nghìn tỷ đồng, tăng 34,2%.
Khách quốc tế đến Việt Nam
Khách quốc tế đến nước ta chín tháng năm 2010 ước tính đạt 3731,9 nghìn lượt người, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng đạt 2347,2 nghìn lượt người, tăng 43,3%; đến vì công việc 757,5 nghìn lượt người, tăng 39,8%; thăm thân nhân đạt 424,6 nghìn lượt người, tăng 2%. Khách quốc tế đến nước ta chủ yếu bằng đường hàng không với 2990,8 nghìn lượt người, tăng 32,7%; đến bằng đường biển 37,5 nghìn lượt người, giảm 31,1%; đến bằng đường bộ 703,6 nghìn lượt người, tăng 49,0%.
Trong chín tháng năm nay, hầu hết khách từ các quốc gia và vùng lãnh thổ đến Việt Nam đều có xu hướng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2009: Khách đến từ Trung Quốc đạt 675,9 nghìn lượt người, tăng 89,2%; Hàn Quốc 365,4 nghìn lượt người, tăng 29,4%; Hoa Kỳ 324,9 nghìn lượt người, tăng 2,4%; Nhật Bản 317,7 nghìn lượt người, tăng 18,7%; Đài Loan 251,7 nghìn lượt người, tăng 20,7%; Ôx-trây-li-a 205,4 nghìn lượt người, tăng 27,9%; Cam-pu-chia 189,9 nghìn lượt người, tăng 92,2%; Thái Lan 161,7 nghìn lượt người, tăng 39,5%; Pháp 147,4 nghìn lượt người, tăng 12%; Ma-lai-xi-a 149,9 nghìn lượt người, tăng 23,1%.
KẾT QUẢ ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TĂNG TRƯỞNG VÀ NGĂN CHẶN LẠM PHÁT CAO TRỞ LẠI
Đầu tư phát triển
Vốn đầu tư toàn xã hội theo giá thực tế thực hiện chín tháng năm 2010 ước tính đạt 602,8 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2009, bao gồm: Khu vực Nhà nước đạt 226,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,6% tổng vốn và tăng 30,2%; khu vực ngoài Nhà nước 222 nghìn tỷ đồng, chiếm 36,8% và tăng 17%;khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 154 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,6% và tăng 10,7%.
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 9 tháng năm 2010
|
Nghìn
tỷ đồng
|
Cơ cấu
(%)
|
So với cùng kỳ
năm trước (%)
|
TỔNG SỐ
|
602,8
|
100,0
|
119,8
|
Khu vực Nhà nước
|
226,8
|
37,6
|
130,2
|
Khu vực ngoài Nhà nước
|
222,0
|
36,8
|
117,0
|
Khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
|
154,0
|
25,6
|
110,7
|
Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn từ ngân sách Nhà nước thực hiện chín tháng ước tính đạt 106,1 nghìn tỷ đồng, bằng 82,7% kế hoạch năm, bao gồm:
- Vốn trung ương quản lý đạt 31,4 nghìn tỷ đồng, bằng 76,9% kế hoạch năm, trong đó: Vốn đầu tư thực hiện của Bộ Giáo dục và Đào tạo đạt 1034,3 tỷ đồng, bằng 101,5% kế hoạch năm; Bộ Giao thông Vận tải 6480 tỷ đồng, bằng 97,4%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 3961 tỷ đồng, bằng 68%; Bộ Công Thương 2447 tỷ đồng, bằng 60,5%; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch 349,8 tỷ đồng, bằng 59,6%; Bộ Y tế 719,4 tỷ đồng, bằng 57,3%; Bộ Xây dựng 477,5 tỷ đồng, bằng 48,3% kế hoạch năm 2010.
- Vốn địa phương quản lý đạt 74,7 nghìn tỷ đồng, bằng 85,4% kế hoạch năm, trong đó một số địa phương có tiến độ thực hiện nhanh là: Ninh Bình đạt 3350,7 tỷ đồng, bằng 207,8% kế hoạch năm; Hoà Bình 1428,5 tỷ đồng, bằng 135,1%; Hà Tĩnh 2337,3 tỷ đồng, bằng 129,3%; Thừa Thiên-Huế 1836 tỷ đồng, bằng 108,8%; Hải Phòng 1776,5 tỷ đồng, bằng 107,1%; Nghệ An 2179,8 tỷ đồng, bằng 100,7%.
Thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến 20/9/2010 đạt 12,2 tỷ USD, bằng 87,3% cùng kỳ năm 2009, bao gồm: Vốn đăng ký của 720 dự án được cấp phép mới đạt 11,4 tỷ USD, giảm 13,1% về số dự án và tăng 37,3% về số vốn so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký bổ sung của 153 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước với 783 triệu USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 9 tháng năm 2010 ước tính đạt 8 tỷ USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2009.
Trong các lĩnh vực có vốn đầu tư nước ngoài chín tháng năm nay, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút 3,7 tỷ USD cấp mới và tăng thêm, chiếm 30,2% tổng vốn đăng ký; lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa 2,9 tỷ USD, chiếm 24,1%; kinh doanh bất động sản 2,8 tỷ USD, chiếm 22,6%.
Trong chín tháng năm 2010, cả nước có 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới, trong đó Bà Rịa-Vũng Tàu có số vốn đăng ký lớn nhất với 2233,3 triệu USD, chiếm 19,6% tổng vốn đăng ký của cả nước; tiếp đến là Quảng Ninh 2148 triệu USD, chiếm 18,8%; thành phố Hồ Chí Minh 1711,8 triệu USD, chiếm 15%; Nghệ An 1007,7 triệu USD, chiếm 8,8%; Cà Mau 773 triệu USD, chiếm 6,8%; Long An 561,5 triệu USD, chiếm 4,9%.
Trong số 48 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam chín tháng năm nay, Hà Lan là nhà đầu tư lớn nhất với 2220,2 triệu USD, chiếm 19,5% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc 1840,1 triệu USD, chiếm 16,1%; Hoa Kỳ 1792,2 triệu USD, chiếm 15,7%; Nhật Bản 1457,6 triệu USD, chiếm 12,8%; Đài Loan 1029,6 triệu USD, chiếm 9%; quần đảo Virgin thuộc Anh 672,5 triệu USD, chiếm 5,9%; Tây Ấn thuộc Anh 475,9 triệu USD, chiếm 4,2%.
Trong chín tháng năm 2010, tổng trị giá vốn ODA được ký thông qua các Hiệp định với các nhà tài trợ đạt 2209 triệu USD, bao gồm vốn vay đạt 2108 triệu USD; vốn viện trợ không hoàn lại đạt 101 triệu USD. Giải ngân vốn ODA chín tháng ước tính đạt 1920 triệu USD, bằng 79% kế hoạch năm và tăng 11% so với cùng kỳ năm 2009.
Thu chi ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/9/2010 ước tính bằng 78,2% dự toán năm, trong đó các khoản thu nội địa bằng 77,2%; thu từ dầu thô bằng 66,1%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu bằng 89,8%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước bằng 77% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) bằng 68,8%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước bằng 71,3%; thuế thu nhập cá nhân bằng 85,9%; thu phí xăng dầu bằng 75%; thu phí, lệ phí bằng 66,9%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/9/2010 ước tính bằng 69,7% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển bằng 69,6%; chi phát triển sự nghiệp kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể bằng 70,8%; chi trả nợ và viện trợ bằng 79%.
Cân đối thương mại
Xuất khẩu hàng hóa
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 9/2010 ước tính đạt 6,1 tỷ USD, giảm 11% so với tháng trước và tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2009. Tính chung chín tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 51,5 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước (Nếu loại trừ xuất khẩu vàng và các sản phẩm vàng thì tăng 24,6%), bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 24,2 tỷ USD, tăng 19,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (gồm cả dầu thô) đạt 27,3 tỷ USD, tăng 26,5%.
Trong chín tháng năm 2010, có 13 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (Dệt may 8 tỷ USD; dầu thô 3,7 tỷ USD; giày dép 3,6 tỷ USD; thủy sản 3,4 tỷ USD; đá quý, kim loại quý và sản phẩm 2,8 tỷ USD; gạo 2,6 tỷ USD; hàng điện tử, máy tính 2,5 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ 2,4 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng 2,1 tỷ USD; cao su 1,4 tỷ USD; cà phê 1,3 tỷ USD; than đá 1,2 tỷ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng 1,1 tỷ USD). Trong đó kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng chủ lực tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Hàng dệt may đạt kim ngạch lớn nhất với 8 tỷ USD, tăng 20,6%; giày dép đạt 3,6 tỷ USD, tăng 23,1%; thủy sản 3,4 tỷ USD, tăng 13%; gạo 2,6 tỷ USD, tăng 15,2%; hàng điện tử máy tính 2,5 tỷ USD, tăng 28,2%; gỗ và sản phẩm gỗ 2,4 tỷ USD, tăng 36,4%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng 2,1 tỷ USD, tăng 55,2%; cao su 1,4 tỷ USD, tăng 95,6%. Tuy nhiên, một số mặt hàng giảm so với cùng kỳ năm trước là: Dầu thô đạt 3,7 tỷ USD, giảm 22,2% (lượng giảm 44,3%); cà phê đạt 1,3 tỷ USD, giảm 1,6%; sắn và sản phẩm của sắn đạt 384 triệu USD, giảm 19,1% (lượng giảm 54,1%). Một số mặt hàng do đơn giá bình quân tăng nên tuy giảm về lượng nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng so với cùng kỳ là: Xăng dầu đạt 862 triệu USD, tăng 22,1% (lượng giảm 10,5%); hạt tiêu đạt 335 triệu USD, tăng 26,8% (lượng giảm 8,5%).
Cơ cấu kim ngạch hàng hóa xuất khẩu chín tháng năm nay có sự thay đổi ở một số nhóm hàng so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọngnhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp tăng từ 40,6% chín tháng năm 2009 lên 43% chín tháng năm 2010; nhóm hàng nông, lâm sản giảm từ 16,7% xuống 15,8%; nhóm hàng thủy sản giảm từ 7,3% xuống 6,7%; vàng và các sản phẩm vàng giảm từ 6,4% xuống 5,4%; nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản không biến động nhiều, từ 29% lên 29,1%.
Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch tám tháng năm 2010 ước tính đạt 9,1 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là EU đạt 6,9 tỷ USD, tăng 12,5%; ASEAN đạt 6,8 tỷ USD, tăng 19,7%; Nhật Bản đạt 4,8 tỷ USD, tăng 24,4%; Trung Quốc đạt 4,1 tỷ USD, tăng 46,8%; Hàn Quốc đạt 1,7 tỷ USD, tăng 31,5%.
Nhập khẩu hàng hóa
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 9/2010 ước tính đạt 7,2 tỷ USD, giảm 1,4% so với tháng trước và tăng 8,2%so với cùng kỳ năm 2009. Tính chung chín tháng, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 60 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm khu vực kinh tế trong nước đạt 34,4 tỷ USD, tăng 11,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 25,7 tỷ USD, tăng 42,4%.
Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu chín tháng năm 2010 của một số mặt hàng tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó những mặt hàng chủ yếu phục vụ cho sản xuất vẫn giữ mức tăng cao như: Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 9,7 tỷ USD, tăng 11,6%; xăng dầu đạt 4,9 tỷ USD, tăng 4%; sắt thép đạt 4,2 tỷ USD, tăng 11,2%; vải 3,8 tỷ USD, tăng 26%; điện tử máy tính và linh kiện 3,5 tỷ USD, tăng 30,6%; chất dẻo đạt 2,7 tỷ USD, tăng 36% (lượng tăng 8,6%); nguyên phụ liệu dệt may, giày dép đạt 1,9 tỷ USD, tăng 38,3%; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu đạt 1,7 tỷ USD, tăng 19,4%. Nhập khẩu ôtô nguyên chiếc đã có xu hướng giảm, đạt 678 triệu USD, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2009 (lượng giảm 24,9%).
Trong tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu chín tháng năm nay, cơ cấu các nhóm hàng hóa có sự thay đổi so với cùng kỳ năm 2009. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng giảm từ 9,3% xuống 8,4%; nhóm tư liệu sản xuất tăng từ 90,5% lên 91,1%, trong đó máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải và dụng cụ, phụ tùng giảm từ 30% xuống 29,5%, nguyên nhiên vật liệu tăng từ 60,5% lên 61,5%; nhóm vàng và các sản phẩm vàng tăng từ 0,2% lên 0,6%.
Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu tám tháng năm 2010 từ các thị trường chủ yếu đều tăng so với cùng kỳ năm 2009, trong đó hàng hóa nhập từ Trung Quốc đạt 12,5 tỷ USD, tăng 29%; từ ASEAN đạt 10,1 tỷ USD, tăng 27,7%; từ Hàn Quốc đạt 5,8 tỷ USD, tăng 40,3%; từ Nhật Bản đạt 5,6 tỷ USD, tăng 23,2%; từ EU đạt 4 tỷ USD, tăng 17,3%; từ Đài Loan 4,5 tỷ USD, tăng 10,4%.
Nhập siêu hàng hoá tháng 9/2010 ước tính 1,05 tỷ USD. Nhập siêu hàng hóa chín tháng là 8,6 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2009 và bằng 16,7% tổng kim ngạch hàng hoá xuất khẩu, trong đó chủ yếu nhập siêu từ thị trường Trung Quốc với trên 8,4 tỷ USD. Nếu không tính xuất khẩu vàng và sản phẩm của vàng thì nhập siêu chín tháng năm nay là 11,4 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước và bằng 23,3% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Nhập siêu hàng hóa năm 2010 ước tính 12,5-13 tỷ USD, bằng 18-19% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.
Kết quả ngăn ngừa lạm phát cao trở lại
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2010 tăng 1,31% so với tháng trước. Đây là mức tăng cao nhất trong sáu tháng qua kể từ tháng 3/2010 với mức tăng trên 1%. Nguyên nhân chủ yếu tác động đến chỉ số giá tiêu dùng tháng Chín tăng cao là do thực hiện lộ trình tăng học phí từ năm học 2010-2011 theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ ở hầu hết các địa phương trên cả nước, yếu tố này đóng góp 0,68% vào mức tăng chung của chỉ số giá tiêu dùng cả nước. Mặt khác, việc điều chỉnh tăng giá xăng, dầu từ ngày 09/8/2010 tiếp tục ảnh hưởng làm tăng giá hàng hoá và dịch vụ trong tháng Chín.
Chỉ số giá tháng Chín năm 2010 của hầu hết các nhóm hàng hoá và dịch vụ đều tăng so với tháng trước, trong đó nhóm giáo dục tăng cao nhất với 12,02%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,08%. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng thấp hơn mức 1% gồm: Giao thông tăng 0,91%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,79% (lương thực tăng 2,32%; thực phẩm tăng 0,39%); văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,48%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,44%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,35%; hai nhóm may mặc, mũ nón, giày dép và thiết bị và đồ dùng gia đình đều tăng 0,34%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,07%.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2010 so với tháng 12/2009 tăng 6,46%; so với cùng kỳ năm trước tăng 8,92%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân chín tháng năm nay tăng 8,64% so với bình quân chín tháng năm 2009.
Chỉ số giá vàng tháng 9/2010 tăng 3,58% so với tháng trước; tăng 5,19% so với tháng 12/2009 và tăng 34,35% so với cùng kỳ năm 2009. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 9/2010 tăng 1,61% so với tháng trước; tăng 2,91% so với tháng 12/2009 và tăng 7,35% so với cùng kỳ năm 2009.
Thị trường giá cả hàng hoá trong nước và thế giới những tháng cuối năm còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt trong nước, một số yếu tố chủ yếu có thể sẽ là nguyên nhân gây áp lực đến mặt bằng giá nói chung, đó là: (1) Việc tăng giá một số hàng hoá, dịch vụ sẽ tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến giá cả của những hàng hoá và dịch vụ khác; (2) Nhu cầu tiêu dùng hàng hoá cho sản xuất cũng như nhu cầu các dịch vụ và tiêu dùng hàng hoá trong dân cư thường tăng lên vào dịp cuối năm; (3) Nhiều công trình, dự án tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân để hoàn thành kế hoạch năm; (4) Tỷ giá giữa VNĐ và USD được điều chỉnh tăng, ảnh hưởng đến giá hàng nhập khẩu làm tăng chi phí đầu vào trong sản xuất hàng hoá; (5) Nguy cơ thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi còn tiềm ẩn, nếu xảy ra trên quy mô lớn cũng sẽ tác động đến nguồn cung lương thực và thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng, đây là nhóm hàng hoá chiếm tỷ trọng lớn trong tiêu dùng của dân cư.
KẾT QUẢ ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI, PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC, Y TẾ, VĂN HOÁ VÀ CÁC LĨNH VỰC XÃ HỘI KHÁC
Dân số, lao động, việc làm
Dân số trung bình cả nước năm 2010 ước tính là 86,97 triệu người, trong đó nữ là 43,98 triệu người, chiếm 50,6%; nam là 42,99 triệu người, chiếm 49,4%; dân số thành thị là 26,02 triệu người, chiếm 29,9%; dân số nông thôn là 60,95 triệu người, chiếm 70,1%.
Theo kết quả điều tra lao động và việc làm, tại thời điểm 01/4/2010 cả nước có 77,3% người từ 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động, trong đó khu vực thành thị là 69,4%; khu vực nông thôn 80,8%; lao động nam 81,8%; lao động nữ 73%. Tỷ trọng lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật (Hiện nay Tổng cục Thống kê sử dụng khái niệm "Lao động đã qua đào tạo" là những người đã được cơ quan có thẩm quyền cấp bằng hoặc chứng chỉ nghề, trong khi "Chiến lược Dân số" lại tính cả những người tuy chưa qua trường lớp đào tạo nào nhưng tự trưởng thành thông qua tự học hoặc kèm cặp tay nghề) là 14,6%, trong đó khu vực thành thị là 30%; khu vực nông thôn 8,6%; lao động nam 16%; lao động nữ 13,1%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 4,31%, trong đó khu vực thành thị là 1,95%; khu vực nông thôn là 5,24%; lao động nam 4,2%; lao động nữ 4,44%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 2,88%, trong đó khu vực thành thị là 4,43%; khu vực nông thôn là 2,27%; lao động nam 2,27%; lao động nữ 3,58%.
Đời sống dân cư
Trong chín tháng năm 2010, thiên tai và dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cùng với tình trạng thiếu điện tại nhiều địa phương đã ảnh hưởng đến đời sống dân cư. Tính chung chín tháng, cả nước có 688,4 nghìn lượt hộ với 2653,9 nghìn lượt nhân khẩu bị thiếu đói, tập trung chủ yếu ở các tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc; Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; Tây Nguyên.
Nhằm giữ ổn định và góp phần nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ cho nông dân, hộ nghèo để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và tăng thu nhập.
Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm, các cấp, các ngành và địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 36,4 nghìn tấn lương thực và gần 12 tỷ đồng. Các đối tượng thuộc diện cứu trợ được hưởng chính sách trợ giúp thường xuyên dưới nhiều hình thức như: Tặng quà, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở, cấp thẻ bảo hiểm miễn phí, hỗ trợ trong học tập, tạo việc làm và hoà nhập cộng đồng v.v... Tổng số tiền và hiện vật hỗ trợ các đối tượng chính sách vào dịp Tết nguyên đán Canh Dần 2010 khoảng 885 tỷ đồng. Theo báo cáo của 31 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, đã có trên 26 nghìn căn nhà xây mới được bàn giao. Đời sống của cán bộ công nhân viên chức và người làm công ăn lương cũng được cải thiện nhờ việc tăng mức lương tối thiểu từ 650 nghìn đồng/tháng lên 730 nghìn đồng/tháng.
Đặc biệt chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên tiếp tục được triển khai hiệu quả, góp phần hỗ trợ các gia đình nghèo, gia đình khó khăn có con em đang theo học tại các trường. Tính đến tháng 7/2010 đã có 1,9 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn với tổng dư nợ là 23,7 nghìn tỷ đồng, trong đó 786,7 nghìn sinh viên đại học được vay với dư nợ 10,4 nghìn tỷđồng; 584,2 nghìn sinh viên cao đẳng được vay với dư nợ gần 7,4 nghìn tỷ đồng.
Giáo dục, đào tạo
Theo báo cáo của các địa phương về kết quả kỳ thi tốt nghiệp năm học 2009-2010, cả nước có 843,2 nghìn học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, đạt tỷ lệ 92,6% và 89,1 nghìn học sinh tốt nghiệp bổ túc trung học, đạt tỷ lệ 66,4%, tăng so với các tỷ lệ tương ứng 83,8% và 39,9% của năm học 2008-2009. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng đạt cao nhất với 97,7% cho khối trung học phổ thông và 93,3% cho khối bổ túc trung học. Nhìn chung kỳ thi năm nay được tổ chức đúng quy chế, nghiêm túc và bảo đảm an toàn.
Công tác phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở tiếp tục được triển khai và đạt kết quả tốt. Tính đến tháng 9/2010, cả nước có 52/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
Công tác giáo dục dân tộc và giáo dục chuyên biệt ngày càng được quan tâm phát triển cả về cơ sở vật chất cũng như thu hút và chăm sóc học sinh. Năm học 2009-2010, cả nước có 294 trường phổ thông dân tộc nội trú (tăng 9 trường so với năm học trước) với khoảng 70 nghìn học sinh được hưởng học bổng chính sách; 1736 trường phổ thông dân tộc bán trú với 138,5nghìn học sinh đang theo học, bao gồm: 515 trường tiểu học với 25,2 nghìn học sinh; 861 trường trung học cơ sở với 92,1 nghìn học sinh và 360 trường trung học phổ thông với 21,2 nghìn học sinh.
Theo số liệu sơ bộ đầu năm học 2010-2011, cả nước có 622 nghìn trẻ em gửi nhà trẻ, tăng 7,2% so với năm học trước; 3020 nghìn trẻ em học mẫu giáo, tăng 3,8%; 7030 nghìn học sinh tiểu học, tăng 1,8%; 5280 nghìn học sinh trung học cơ sở, tăng 1,3% và 2900 nghìn học sinh trung học phổ thông, tăng 1%.
Công tác thi tuyển đại học và cao đẳng năm học 2010-2011 nhìn chung được thực hiện nghiêm túc. Tổng số thí sinh dự thi của cả ba đợt là 1589 nghìn người, tăng 7,2% so với năm học 2009-2010. Số học sinh tuyển mới cao đẳng, đại học hệ chính quy năm học 2010-2011 ước tính đạt 547 nghìn học sinh, bao gồm 260 nghìn học sinh cao đẳng, tăng 7% so với năm học trước và 287 nghìn học sinh đại học, tăng 6,5%. Trong khối các trường đại học, cao đẳng thuộc hệ chính quy tuyển sinh năm nay, có 331 trường tổ chức thi và 133 trường không tổ chức thi.
Công tác đào tạo nghề tiếp tục được các cấp, các ngành và các địa phương quan tâm đầu tư. Tính đến tháng 9/2010, học sinh học nghề được tuyển mới ước tính đạt 611,6 nghìn lượt người. Số học sinh học nghề được tuyển mới cả năm 2010 dự kiến sẽ đạt kế hoạch đề ra, trong đó cao đẳng nghề và trung cấp nghề là 360,4 nghìn người, tăng 18,2% so với năm 2009; sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên 1387 nghìn lượt người, tăng 3,9%.
Y tế và chăm sóc sức khỏe
Trong chín tháng năm 2010, cả nước có 59,6 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (44 trường hợp tử vong), giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước; 28,7 nghìn trường hợp mắc sốt rét (7 trường hợp tử vong), giảm 5%; 4,7 nghìn trường hợp mắc bệnh viêm gan vi rút, giảm 6,2%; 578 trường hợp viêm não vi rút (17 trường hợp tử vong), giảm 17,4%; 769 trường hợp mắc bệnh thương hàn, giảm 27,9% và 162 trường hợp viêm màng não do mô cầu, giảm 30,2%.
Số trường hợp nhiễm HIV/AIDS được phát hiện tại các địa phương tính từ ca phát hiện đầu tiên đến tháng chín năm nay là 227,7 nghìn trường hợp, trong đó 90,4 nghìn người đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 48,2 nghìn người đã tử vong do AIDS.
Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm mặc dù được các cấp, các ngành chức năng quan tâm nhưng hiệu quả chưa cao. Tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra ở một số địa phương. Trong chín tháng năm 2010, trên địa bàn cả nước xảy ra 109 vụ ngộ độc thực phẩm làm 4,1 nghìn trường hợp bị ngộ độc, trong đó 37 người tử vong. Để hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm, các ngành, các cấp cần thực hiện thanh tra thường xuyên các cơ sở sản xuất, tiêu thụ và sử dụng thực phẩm; đồng thời tăng cường lực lượng và năng lực của cán bộ thanh tra cũng như tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức và hành vi của người sản xuất, kinh doanh và cả người tiêu dùng.
Hoạt động văn hóa, thể thao
Hoạt động văn hóa
Trong chín tháng năm 2010, các ngành, các cấp đã tổ chức tốt việc tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, đặc biệt là tuyên truyền cho Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc khóa XI. Đặc biệt hướng về đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhiều công trình, dự án văn hóa được thực hiện bảo đảm tiến độ như: Tượng đài Thánh Gióng; “Con đường gốm sứ ven sông Hồng”; phim Tài liệu khoa học nghệ thuật “Thăng Long - Thành phố Rồng bay”; khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, v.v...Một số hoạt động văn hóa gắn với đại lễ cũng được tổ chức ở nhiều địa phương như: Nam Định tổ chức Lễ hội kỷ niệm 710 năm ngày hoá Đức Thánh Trần (1300-2010); Thanh Hóa tổ chức Lễ hội Lam Kinh năm 2010; Hà Tĩnh tổ chức kỷ niệm 245 năm ngày sinh và 190 năm ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du, v.v...
Bên cạnh việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền và tổ chức thành công các lễ hội, ngành văn hóa còn duy trì thực hiện thường xuyên và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra văn hóa và phòng chống tệ nạn xã hội. Theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, trong chín tháng qua, thanh tra toàn ngành đã tiến hành kiểm tra 8 nghìn cơ sở kinh doanh và hoạt động dịch vụ văn hoá, qua đó đã phát hiện và xử lý gần 1,6 nghìn cơ sở vi phạm, thu giữ nhiều tang vật và xử phạt hành chính hàng trăm triệu đồng.
Hoạt động thể thao
Cùng với các hoạt động văn hóa sôi động, hoạt động thể dục, thể thao quần chúng trong chín tháng năm 2010 chào mừng các ngày lễ lớn cũng diễn ra sôi nổi tại nhiều tỉnh/thành phố trên cả nước. Ngoài ra, ngành Thể thao còn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thành công 30 hội thi giải thể thao quần chúng và 15 lớp tập huấn cho huấn luyện viên, hướng dẫn viên và trọng tài thể dục thể thao. Nhiều đoàn thể thao quần chúng nước ta tham gia thi đấu ở nước ngoài đạt được thành tích rất đáng khích lệ như: Giành 1 huy chương bạc tại Giải cử tạ người khuyết tật được tổ chức tại Malaysia; 2 huy chương vàng tại Giải thể thao điện tử vô địch châu Á tại Hàn Quốc; huy chương đồng của đội nữ tại Giải kéo co vô địch châu Á tại Hàn Quốc; 9 huy chương vàng, 4 huy chương bạc và 1 huy chương đồng tại Giải vô địch Vovinam Châu Á tại đảo Krish – Iran.
Trong hoạt động thể thao thành tích cao, từ đầu năm ngành Thể thao cũng đã tổ chức thành công 36 giải thể thao trong chương trình Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI, 105 giải thể thao quốc gia, tuyển chọn vận động viên tham dự 90 giải thi đấu ở nước ngoài và đăng cai tổ chức 20 giải thể thao quốc tế.
Tại các giải thi đấu quốc tế, đội tuyển Việt Nam đã giành được 286 huy chương các loại, bao gồm 116 huy chương vàng, 91 huy chương bạc và 79 huy chương đồng. Trong đó, một số thành tích nổi bật là: 01 huy chương vàng nội dung 56 kg môn Cử tạ tại Olympic trẻ được tổ chức tại Singapore; 1 huy chương vàng tại Giải điền kinh trong nhà châu Á lần thứ 4 tại Iran; 1 huy chương bạc tại Giải vô địch xe đạp trẻ châu Á tại UAE; 1 huy chương bạc tại Giải Judo trẻ châu Á tại Thái Lan; 1 huy chương đồng tại Giải vật vòng loại Olympic trẻ châu Á tại Uzebekistan; 2 huy chương đồng tại Giải vô địch vật trẻ châu Á lứa tuổi 16, 17 tại Thái Lan; 1 huy chương bạc và 1 huy chương đồng tại Giải vô địch Lân Sư Rồng Châu Á tại Malaysia, v.v...
Tai nạn giao thông
Trong tháng 8/2010 trên địa bàn cả nước đã xảy ra 1139 vụ tai nạn giao thông, làm chết 949 người và làm bị thương 825 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tăng 12,7%, số người chết giảm 2% và số người bị thương tăng 40,6%. Tính chung tám tháng năm 2010, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 9109 vụ tai nạn giao thông, làm chết 7504 người và làm bị thương 6730 người. So với cùng kỳ năm 2009, số vụ tai nạn giao thông tăng 10,4%, số người chết giảm 2,4% và số người bị thương tăng 31,2%. Bình quân 1 ngày trong tám tháng năm 2010, cả nước xảy ra 38 vụ tai nạn giao thông, làm chết 31 người và làm bị thương 28 người.
Thiệt hại do thiên tai gây ra
Thiên tai xảy ra trong chín tháng năm 2010 đã làm 110 người chết và mất tích; hơn 1,5 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; gần 82 nghìn ngôi nhà bị ngập nước, hư hỏng; trên 18 nghìn ha lúa và hoa màu bị mất trắng. Các tỉnh bị ảnh hưởng nặng của thiên tai là: Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai và Nghệ An. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong chín tháng năm 2010 ước tính 1,8 nghìn tỷ đồng, trong đó Nghệ An thiệt hại nặng nhất với gần 922 tỷ đồng, chiếm 50% tổng giá trị thiệt hại.
Khái quát lại, kinh tế-xã hội nước ta chín tháng năm 2010 tuy gặp một số khó khăn nhưng nhìn chung phát triển ổn định và đạt được kết quả tích cực. Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp duy trì ở mức tăng khá. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tuy chưa đạt được mức tăng như những năm trước nhưng đang được cải thiện cả về quy mô, cơ cấu vốn đăng ký và mức giải ngân thực tế. Một số chính sách kiểm soát hoạt động nhập khẩu đã bắt đầu phát huy tác dụng. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thường xuyên, đời sống dân cư tiếp tục được cải thiện.
Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế thế giới những tháng tiếp theo còn nhiều biến động bất thường, thị trường giá cả trong và ngoài nước đang xuất hiện một số yếu tố bất lợi, để nền kinh tế tăng trưởng cao hơn và có hiệu quả kinh tế, các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung làm tốt một số vấn đề trọng tâm sau đây:
Một là, tăng cường nâng cao năng lực công nghệ và năng lực quản lý của các doanh nghiệp trong nước để bảo đảm cạnh tranh hiệu quả với hàng hóa nhập khẩu và các đối thủ cạnh tranh toàn cầu, tiến tới không bị chi phối của doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp, tạo động lực chủ yếu góp phần thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.
Hai là, đẩy nhanh quá trình phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện cần thiết cũng như bước đi quan trọng trong định hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Trước mắt cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các lĩnh vực sản xuất như: Ô tô, xe máy, hàng may mặc, hàng điện tử, da giày, v.v…nhằm giảm giá thành sản phẩm. Để làm tốt vấn đề này, cần sớm có cơ chế và chính sách ưu đãicụ thể cho việc phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, từ ưu đãi phát triển thị trường đến ưu đãi về khoa học-công nghệ, hạ tầng cơ sở, đào tạo nguồn nhân lực và ưu đãi về thuế.
Ba là, thực hiện đánh giá thường xuyên hiệu quả của các hoạt động đầu tư và sản xuất của các thành phần kinh tế để có những điều chỉnh hợp lý, tạo nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng mạnh và bền vững hơn. Kiểm soát chặt chẽ việc tạm ứng vốn nhằm tránh tình trạng tăng vốn tạm ứng không đi kèm khối lượng để tăng tỷ lệ vốn giải ngân. Tăng cường nâng cao năng lực quản lý đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư của khu vực nhà nước, theo đó phải rà soát lại các dự án đang thực hiện hoặc nằm trong quy hoạch để loại bỏ những dự án không đáp ứng yêu cầu. Đổi mới cách thức khuyến khích đầu tư xã hội, bảo đảm cân đối hơn giữa đầu tư cho xuất khẩu và đầu tư cho tiêu dùng nội địa; đồng thời cải thiện hơn nữa hiệu quả của đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Bốn là, tiếp tục điều hành tốt thị trường tài chính và thị trường vốn để duy trì sự bình ổn. Kiểm soát hệ thống phân phối hàng hóa, không để tăng giá bất hợp lý, kiên quyết nghiêm trị hành vi nâng giá tùy tiện. Đảm bảo cân đối cung cầu những mặt hàng trọng yếu như xăng dầu, phân bón, sắt thép, giấy in, xi măng, gạo, dược phẩm, v.v. Các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm và tăng cường kiểm soát, giám sát thông tin, kiểm soát các thị trường chứng khoán, tín dụng, bất động sản, công ty tài chính, tín dụng, bảo hiểm, v.v.
Năm là, chủ động xâm nhập thị trường xuất khẩu để tiếp tục đón đầu những cơ hội mới. Xây dựng kế hoạch bao gồm cả cơ chế, chính sách đến tổ chức sản xuất hàng hóa phù hợp với sức mua cả ở trong nước và nước ngoài. Chú trọng xây dựng thương hiệu quốc gia, đặc biệt là đối với những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh như: Gạo, cà phê, hồ tiêu, cao su, v.v.
Sáu là, tiếp tục thực hiện chiến lược thu mua, dự trữ, chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ yếu. Chủ động phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; theo dõi sát diễn biến của dịch bệnh tai xanh trên lợn để kịp thời có phương án khống chế dịch hiệu quả. Đẩy mạnh chương trình nông thôn mới; phát triển nông nghiệp toàn diện, hiệu quả và bền vững. Ứng dụng rộng rãi khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất và chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm.
Nguồn: TỔNG CỤC THỐNG KÊ
Tệp đính kèm: