Tệp đính kèm:
Tình hình kinh tế - xã hội tám tháng năm 2010
________
Phát huy những kết quả tích cực đã đạt được trong bảy tháng, đồng thời khắc phục ảnh hưởng của thiên tai và dịch bệnh, tranh thủ những yếu tố thuận lợi trong và ngoài nước, các cấp, các ngành đang nỗ lực phối hợp, tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp của Chính phủ nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế-xã hội cả năm 2010. Kết quả cụ thể từng ngành và lĩnh vực như sau:
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Nông nghiệp
Sản xuất nông nghiệp trong tháng chủ yếu tập trung vào gieo cấy lúa mùa, lúa thu đông và thu hoạchlúa hè thu. Tính đến trung tuần tháng Tám, cả nước đã gieo cấy được 1416,9 nghìn ha lúa mùa, bằng 96,8% cùng kỳ năm trước, bao gồm các địa phương phía Bắc gieo cấy 1171,9 nghìn ha, bằng 100,1%, trong đó các tỉnh đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ đã kết thúc gieo cấy; các địa phương phía Nam gieo cấy 245 nghìn ha, bằng 83,4%.
Cùng với gieo cấy lúa mùa, cả nước đã thu hoạch được 1193 nghìn ha lúa hè thu, bằng 97,5% cùng kỳ năm 2009. Riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch được 1102,9 nghìn ha, chiếm 66,3% diện tích gieo cấy và bằng 98,7% cùng kỳ năm trước, trong đó một số địa phương đã thu hoạch trên 95% diện tích gieo cấy là: An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ và Hậu Giang. Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, năng suất lúa hè thu năm 2010 ước tính đạt 47,7 tạ/ha, xấp xỉ vụ hè thu năm trước; sản lượng ước tính đạt 10,1 triệu tấn, tăng 56 nghìn tấn, trong đó đồng bằng sông Cửu Long năng suất ước tính đạt 47,8 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước; sản lượng ước tính đạt 8,1 triệu tấn, tăng 165 nghìn tấn. Ngoài ra, đến trung tuần tháng Tám, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng đã gieo cấy được 214,9 nghìn ha lúa thu đông, trong đó một số tỉnh có tiến độ gieo cấy nhanh so với cùng kỳ như: Đồng Tháp đạt 55,6 nghìn ha, tăng 24%; An Giang 14 nghìn ha, tăng 85%; Hậu Giang 48,3 nghìn ha, tăng 55%.
Gieo trồng rau màu nhìn chung đảm bảo tiến độ. Tính đến trung tuần tháng Tám, cả nước đã gieo trồng được 923,5 nghìn ha ngô, bằng 111% cùng kỳ năm trước; 122 nghìn ha khoai lang, bằng 104%; 178,7 nghìn ha đậu tương, bằng 106,5%; 209,7 nghìn ha lạc, bằng 89%; 650,3 nghìn ha rau, đậu, bằng 105,8%.
Chăn nuôi trâu, bò tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước; chăn nuôi gia cầm tăng khá do dịch cúm gia cầm đã được khống chế nên người dân yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất, khả năng đàn gia cầm phát triển tốt trong những tháng tiếp theo. Riêng đàn lợn ước tính giảm so với cùng kỳ năm trước do dịch bệnh tai xanh đang lan rộng tại các tỉnh miền Nam đã gây tâm lý lo ngại khi mở rộng đàn. Hiện nay dịch tai xanh trên lợn vẫn diễn biến phức tạp, tính đến ngày 25/8/2010 cả nước có 27 tỉnh, thành phố có dịch tai xanh chưa qua 21 ngày là: Nghệ An, Cao Bằng, Sóc Trăng, Tiền Giang, Lào Cai, Long An, Bình Dương, Bạc Liêu, Quảng Nam, Đồng Nai, Bình Phước, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Hậu Giang, Lâm Đồng, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau, Kon Tum và Đắk Nông.
Lâm nghiệp
Diện tích rừng trồng mới tập trung tháng 8/2010 ước tính đạt 25,5 nghìn ha, bằng 104,5% cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 13,4 triệu cây, bằng 100,1%; sản lượng gỗ khai thác đạt 407,8 nghìn m3, tăng 6%. Tính chung tám tháng năm 2010, diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính đạt 140 nghìn ha, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2009; số cây lâm nghiệp trồng phân tán 137,1 triệu cây, tăng 0,1%; sản lượng gỗ khai thác đạt 2494,2 nghìn m3, tăng 6%. Một số tỉnh có diện tích rừng trồng mới đạt khá là: Tuyên Quang 13,8 nghìn ha; Quảng Ninh 12,6 nghìn ha; Yên Bái 11 nghìn ha; Hà Giang 9,7 nghìn ha; Bắc Kạn 9,5 nghìn ha; Hòa Bình 7 nghìn ha; Sơn La 5,5 nghìn ha; Nghệ An 4 nghìn ha.
Do thời tiết có mưa nhiều, cùng với công tác bảo vệ, phòng cháy rừng được tăng cường nên hiện tượng cháy và chặt phá rừng trong tháng đã giảm so với các tháng trước. Trong tháng Tám xảy ra 8 vụ cháy rừng với diện tích bị cháy là 3,7 ha và 58 vụ chặt, phá rừng với diện tích bị thiệt hại 27 ha. Tính chung tám tháng năm 2010, diện tích rừng bị thiệt hại là 7763 ha, trong đó diện tích rừng bị cháy 6707,6 ha; diện tích rừng bị chặt, phá 1055,4 ha.
Thuỷ sản
Sản lượng thuỷ sản tháng 8/2010 ước tính đạt 454,4 nghìn tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá 327 nghìn tấn, tăng 3,6%; tôm 74,7 nghìn tấn, tăng 7%. Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng tháng 8/2010 ước tính đạt 266 nghìn tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá 182 nghìn tấn, tăng 3,4%; tôm 65 nghìn tấn, tăng 8,3%. Nuôi trồng thủy sản trong tháng tăng khá do đang vào thời kỳ thu hoạch chính vụ, đồng thời việc nuôi cá và thủy sản khác với nhiều hình thức nuôi kết hợp đang tiếp tục phát triển khá đều trên cả nước. Sản lượng thủy sản khai thác trong tháng Tám ước tính đạt 188,4 nghìn tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khai thác biển đạt 168,8 nghìn tấn, tăng 5,2%.
Tính chung tám tháng năm 2010, sản lượng thủy sản ước tính đạt 3347,6 nghìn tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước (cá đạt 2557,4 nghìn tấn, tăng 4,4%; tôm đạt 348,7 nghìn tấn, tăng 5,7%), bao gồm sản lượng nuôi trồng đạt 1760,3 nghìn tấn, tăng 4,9%; sản lượng khai thác đạt 1587,3 nghìn tấn, tăng 4,2%.
Sản xuất công nghiệp
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 8/2010 theo giá so sánh 1994 ước tính tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm khu vực kinh tế Nhà nước tăng 8,1% (Trung ương quản lý tăng 10,8%; địa phương quản lý giảm 3%); khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 16%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,8% (dầu mỏ và khí đốt tăng 2,4%, các ngành khác tăng 20,7%).
Tính chung tám tháng năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh 1994 ước tính đạt 504,2 nghìn tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2009, bao gồm khu vực kinh tế Nhà nước tăng 9% (Trung ương quản lý tăng 12,1%; địa phương quản lý giảm 3,7%); khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 12,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,3% (dầu mỏ và khí đốt giảm 4,7%, các ngành khác tăng 20,3%).
Trong tám tháng năm nay, nhiều sản phẩm chủ yếu có tốc độ tăng cao hơn mức tăng chung của toàn ngành là: Khí hóa lỏng tăng 111,6%; sữa bột tăng 34,2%; xe tải tăng 24,9%; giày thể thao tăng 24,8%; kính thủy tinh tăng 24,3%; bia tăng 22,1%; nước máy thương phẩm tăng 21,9%; tủ lạnh, tủ đá tăng 21,1%; sơn hóa học tăng 20,4%; khí đốt thiên nhiên dạng khí tăng 20%; quần áo người lớn tăng 18,5%; xe máy tăng 18,2%; xi măng tăng 17,2%; xe chở khách tăng 16,4%; gạch lát ceramic tăng 16,3%; điện sản xuất tăng 14,7%. Tuy nhiên, có một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước như: Giấy, bìa tăng 11,9%; điều hòa nhiệt độ tăng 11%; thủy hải sản chế biến tăng 11%; lốp ô tô, máy kéo tăng 10,9%; xà phòng tăng 6,6%; phân hóa học tăng 6,5%; giày, dép, ủng bằng da giả 6,3%; vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo tăng 6,2%; vải dệt từ sợi bông tăng 3,2%; thép tròn tăng 2,4%; thuốc lá điếu giảm 0,1%; than đá giảm 0,2%; tivi giảm 1,1%; máy giặt giảm 3,5%; dầu thực vật tinh luyện giảm 7%; đường kính giảm 9,8%; dầu mỏ thô khai thác giảm 14,6%.
Đầu tư
Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện tháng 8/2010 ước tính đạt 14,3 nghìn tỷ đồng, bằng 11,4% kế hoạch năm, bao gồm: Vốn Trung ương đạt 3,8 nghìn tỷ đồng, bằng 10%; vốn địa phương đạt 10,5 nghìn tỷ đồng, bằng 12%. Tính chung tám tháng, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện đạt 92,1 nghìn tỷ đồng, bằng 73,7% kế hoạch năm, gồm có:
- Vốn Trung ương quản lý đạt 27,7 nghìn tỷ đồng, bằng 73,8% kế hoạch năm, trong đó: Vốn đầu tư thực hiện của Bộ Giáo dục và Đào tạo đạt 1032,3 tỷ đồng, bằng 101,3% kế hoạch năm; Bộ Giao thông Vận tải 6060 tỷ đồng, bằng 91,1%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 2648 tỷ đồng, bằng 83,1%; Bộ Công Thương 2151 tỷ đồng, bằng 53,1%; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch 309,2 tỷ đồng, bằng 52,6%; Bộ Y tế 631,2 tỷ đồng, bằng 50,3%; Bộ Xây dựng 378,5 tỷ đồng, bằng 38,3% kế hoạch năm.
- Vốn địa phương quản lý đạt 64,4 nghìn tỷ đồng, bằng 73,6% kế hoạch năm, trong đó một số địa phương có tiến độ thực hiện nhanh là: Ninh Bình đạt 2902,3 tỷ đồng, bằng 180% kế hoạch năm; Hoà Bình 1418,5 tỷ đồng, bằng 134,2%; Đồng Nai 1906,7 tỷ đồng, bằng 133,6%; Thừa Thiên-Huế 1778 tỷ đồng, bằng 105,4%; Hà Tĩnh 1738,8 tỷ đồng, bằng 96,2%; Hải Phòng 1550,4 tỷ đồng, bằng 93,4%; Nghệ An 1870,6 tỷ đồng, bằng 86,4%.
Thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến 20/8/2010 đạt 11,6 tỷ USD, bằng 87,7% so với cùng kỳ năm 2009, bao gồm: Vốn đăng ký của 658 dự án được cấp phép mới đạt 10,8 tỷ USD (giảm 10,1% về số dự án và tăng 41% về số vốn so với cùng kỳ năm trước); vốn đăng ký bổ sung của 143 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước với 787,1 triệu USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tám tháng ước tính đạt 7,3 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2009.
Trong tám tháng năm 2010, cả nước có 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới, trong đó Bà Rịa-Vũng Tàu có số vốn đăng ký lớn nhất với 2233,3 triệu USD, chiếm 20,7% tổng vốn đăng ký; tiếp đến là Quảng Ninh 2147 triệu USD, chiếm 19,9%; thành phố Hồ Chí Minh 1148,8 triệu USD, chiếm 10,6%; Nghệ An 1007,7 triệu USD, chiếm 9,3%; Cà Mau 773 triệu USD, chiếm 7,2%; Long An 561,2 triệu USD, chiếm 5,2%.
Trong số 47 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, Hà Lan là nhà đầu tư lớn nhất với 2220,2 triệu USD, chiếm 20,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hoa Kỳ 1792,2 triệu USD, chiếm 16,6%; Hàn Quốc 1693,8 triệu USD, chiếm 15,7%; Nhật Bản 1447,6 triệu USD, chiếm 13,4%; Đài Loan 993,4 triệu USD, chiếm 9,2%; Quần đảo Virgin thuộc Anh 671 triệu USD, chiếm 6,2%.
Thu chi ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/8/2010 ước tính bằng 67,9% dự toán năm, trong đó các khoản thu nội địa bằng 66,4%; thu từ dầu thô bằng 58,2%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu bằng 79,6%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước bằng 58%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) bằng 58,2%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước bằng 62%; thuế thu nhập cá nhân bằng 72%; thu phí xăng dầu bằng 66,2%; thu phí, lệ phí bằng 56,8%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/8/2010 ước tính bằng 60,7% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển bằng 62,9%; chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể bằng 61,5%; chi trả nợ và viện trợ bằng 66%.
Thương mại, giá cả, dịch vụ
Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ phục vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tám tháng năm 2010 ước tính đạt 1009,2 nghìn tỷ đồng, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm 2009, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 16,1%. Trong tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tám tháng, kinh doanh thương nghiệp đạt 797,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 79% tổng mức và tăng 27,3% so cùng kỳ năm trước; khách sạn, nhà hàng đạt 110,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,9% và tăng 21,5%; dịch vụ đạt 90,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,1% và tăng 21,5%; du lịch đạt 10,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 1% và tăng 35,4%.
Xuất, nhập khẩu hàng hóa
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 8/2010 ước tính đạt 6 tỷ USD, giảm 0,5% so với tháng trước và tăng 29,8% so với cùng kỳ năm 2009. Tính chung tám tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 44,5 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2009, bao gồm khu vực kinh tế trong nước đạt 20,5 tỷ USD, tăng 12,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (bao gồm cả dầu thô) đạt 24 tỷ USD, tăng 26,6%, nếu không kể dầu thô thì kim ngạch xuất khẩu khu vực này đạt 20,7 tỷ USD, tăng 39,9%.
Trong tám tháng năm 2010, nhiều mặt hàng chủ yếu vẫn duy trì được kim ngạch xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm 2009 là: Hàng dệt may đạt 6,9 tỷ USD, tăng 17,8%; giày dép đạt 3,2 tỷ USD, tăng 18,8%; thủy sản đạt 2,9 tỷ USD tăng 11,8%; gạo đạt 2,4 tỷ USD, tăng 11,4%; điện tử máy tính đạt 2,2 tỷ USD, tăng 30,2%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,1 tỷ USD, tăng 36,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 1,9 tỷ USD, tăng 61,2%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1 tỷ USD, tăng 83%; cao su đạt 1,2 tỷ USD, tăng 89,3%; sắt thép 676 triệu USD, gấp 3,2 lần; hạt điều đạt 658 triệu USD, tăng 25,2%; sản phẩm từ chất dẻo đạt 650 triệu USD, tăng 26,4%. Tuy nhiên, cũng có một số mặt hàng xuất khẩu giảm cả về kim ngạch và lượng như: Dầu thô đạt 3,3 tỷ USD, giảm 20,5% (lượng giảm 44,2%); cà phê đạt 1,2 tỷ USD, giảm 5,1% (lượng giảm 1,9%); sắn và sản phẩm của sắn đạt 352 triệu USD, giảm 19,9% (lượng giảm 53,5%).
10 thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam trong bảy tháng năm 2010 gồm: Hoa Kỳ, Đức, Hàn Quốc, Hồng Công, Nhật Bản, Ma-lai-xi-a, Ôx-trây-li-a, Thụy Sỹ, Trung Quốc và Xin-ga-po, trong đó Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 7,6 tỷ USD.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 8/2010 ước tính đạt 6,9 tỷ USD, giảm 1,5% so với tháng trước và tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2009. Tính chung tám tháng, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 52,7 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm khu vực kinh tế trong nước đạt 30,3 tỷ USD, tăng 13,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 22,4 tỷ USD, tăng 43,6%.
Kim ngạch nhập khẩu của hầu hết các mặt hàng đều tăng cao so với cùng kỳ năm trước, trong đó máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 8,5 tỷ USD, tăng 14,9%; xăng dầu đạt 4,4 tỷ USD, tăng 8,2%; sắt thép đạt 3,7 tỷ USD, tăng 15%; vải đạt 3,4 tỷ USD, tăng 26,6%; điện tử máy tính và linh kiện đạt 3 tỷ USD, tăng 31,5%; chất dẻo đạt 2,4 tỷ USD, tăng 38,1%; nguyên, phụ liệu dệt may, giày dép đạt 1,7 tỷ USD, tăng 38,8%; ôtô đạt 1,8 tỷ USD, tăng 14,8%, (trong đó ôtô nguyên chiếc đạt 572 triệu USD, giảm 10,8%); hóa chất đạt 1,3 tỷ USD tăng 23%.
Trong số các thị trường nhập khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD trong bảy tháng năm nay là Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Công, Ma-lai-xi-a, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Xin-ga-po, thì Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất với 10,8 tỷ USD.
Nhập siêu hàng hóa tháng 8/2010 ước tính đạt 900 triệu USD, bằng 15% kim ngạch xuất khẩu. Tính chung tám tháng, nhập siêu hàng hóa đạt 8,2 tỷ USD, bằng 18,3% kim ngạch xuất khẩu.
Chỉ số giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2010 tăng 0,23% so với tháng trước, trong đó nhóm giáo dục tăng cao nhất với 1,29%, chủ yếu do bắt đầu bước vào năm học mới. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có chỉ số giá tăng nhẹ ở mức 0,07-0,51% gồm: May mặc, mũ nón, giáy dép tăng 0,51%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,41%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,38%; giao thông tăng 0,37%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,32%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,27% (lương thực tăng 0,67%; thực phẩm tăng 0,1%); văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,14%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,07%. Riêng bưu chính viễn thông giảm 4,55%.
Giá tiêu dùng tháng 8/2010 tăng 5,08% so với tháng 12/2009 và tăng 8,18% so với cùng kỳ năm trước. Giá tiêu dùng bình quân tám tháng năm 2010 tăng 8,61% so với cùng kỳ năm 2009.
Giá vàng tháng 8/2010 giảm 0,88 so với tháng trước, tăng 1,56% so với tháng 12/2009 và tăng 32,35% so với cùng kỳ năm trước. Giá đô la Mỹ tháng 8/2010 tăng 0,48% so với tháng trước, tăng 1,27% so với tháng 12 năm trước và tăng 5,41% so với cùng kỳ năm trước.
Vận tải hành khách và hàng hóa
Vận tải hành khách tám tháng năm 2010 ước tính đạt 1567,9 triệu lượt khách, tăng 14% và 68,9 tỷ lượt khách.km, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2009, bao gồm: Vận tải trung ương đạt 26,3 triệu lượt khách, tăng 11,2% và 18,3 tỷ lượt khách.km, tăng 14,4%; vận tải địa phương đạt 1541,6 triệu lượt khách, tăng 14,1% và 50,6 tỷ lượt khách.km, tăng 16,6%. Vận tải hành khách đường bộ tám tháng ước tính đạt 1434,9 triệu lượt khách, tăng 14,8% và 49,3 tỷ lượt khách.km, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước; đường sông đạt 111 triệu lượt khách, tăng 3,3% và 2,3 tỷ lượt khách.km, tăng 2,7%; đường hàng không đạt 9,5 triệu lượt khách, tăng 30,7% và 14 tỷ lượt khách.km, tăng 29,2%; đường biển đạt 4,3 triệu lượt khách, tăng 4,1% và 274,7 triệu lượt khách.km, tăng 5,2%; đường sắt đạt 8,2 triệu lượt khách, tăng 6,2% và 3,1 tỷ lượt khách.km, tăng 8,6% .
Vận tải hàng hóa tám tháng ước tính đạt 462,4 triệu tấn, tăng 11,9% và 138,4 tỷ tấn.km, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vận tải trong nước đạt 431,5 triệu tấn, tăng 12,5% và 38,3 tỷ tấn.km, tăng 9,9%; vận tải ngoài nước đạt 31 triệu tấn, tăng 10,6% và 100,1 tỷ tấn.km, tăng 8,5%. Vận tải hàng hoá đường bộ đạt 344,3 triệu tấn, tăng 12,7% và 18,5 tỷ tấn.km, tăng 13,6%; đường sông đạt 77,9 triệu tấn, tăng 5,1% và 12,4 tỷ tấn.km, tăng 1,5%; đường biển đạt 35,1 triệu tấn, tăng 22% và 104,6 tỷ tấn.km, tăng 10,2%; đường sắt đạt 5,1 triệu tấn, giảm 7,8% và 2,6 tỷ tấn.km, tăng 0,6%.
Bưu chính, viễn thông
Số thuê bao điện thoại phát triển mới từ đầu năm đến hết tháng 8/2010 đạt 33,2 triệu thuê bao, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2009, bao gồm 769,9 nghìn thuê bao cố định, giảm 30,1% và 32,5 triệu thuê bao di động, tăng 17,6%. Số thuê bao điện thoại cả nước tính đến cuối tháng 8/2010 ước tính đạt 158,8 triệu thuê bao, tăng 44,4% so với cùng thời điểm năm trước, bao gồm 16,4 triệu thuê bao cố định, tăng 8% và 142,4 triệu thuê bao di động, tăng 50,2%, trong đó Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông đạt 89,2 triệu thuê bao, tăng 45%, bao gồm 11,7 triệu thuê bao cố định, tăng 3,5% và 77,5 triệu thuê bao di động, tăng 54,4%.
Số thuê bao internet trên cả nước tính đến hết tháng 8/2010 ước tính đạt 3,5 triệu thuê bao, tăng 30,1% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông đạt 2,5 triệu thuê bao, tăng 36,6%. Số người sử dụng internet tính đến cuối tháng 8/2010 đạt 25,8 triệu người, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu thuần bưu chính, viễn thông tám tháng năm 2010 ước tính đạt 83,1 nghìn tỷ đồng, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông đạt 54,7 nghìn tỷ đồng, tăng 36,1%.
Khách quốc tế đến Việt Nam
Khách quốc tế đến nước ta tám tháng năm 2010 ước tính đạt 3350,5 nghìn lượt người, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng đạt 2115,6 nghìn lượt người, tăng 44,8%; đến vì công việc 669,6 nghìn lượt người, tăng 44,1%; thăm thân nhân đạt 403,3 nghìn lượt người, tăng 4,2%. Khách quốc tế đến nước ta trong tám tháng bằng đường hàng không là 2689,4 nghìn lượt người, tăng 32,4%; đến bằng đường biển 32,5 nghìn lượt người, giảm 37,9%, đến bằng đường bộ 628,6 nghìn lượt người, tăng 60,5%.
Trong tám tháng năm nay, khách quốc tế đến nước ta từ hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2009, trong đó khách từ Trung Quốc đạt 591,3 nghìn lượt người, tăng 96,2%; Hàn Quốc 329,2 nghìn lượt người, tăng 28,1%; Hoa Kỳ 302,7 nghìn lượt người, tăng 3%; Nhật Bản 273,1 nghìn lượt người, tăng 19,3%; Đài Loan 229,2 nghìn lượt người, tăng 21,8%; Ôx-trây-li-a 191,7 nghìn lượt người, tăng 33,3%; Cam-pu-chia 166,7 nghìn lượt người, tăng 106,3%; Thái Lan 144,3 nghìn lượt người, tăng 36,3%; Pháp 135,4 nghìn lượt người, tăng 11,3%; Ma-lai-xi-a 132,4 nghìn lượt người, tăng 21,7%.
Một số vấn đề xã hội
Thiếu đói trong nông dân
Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, trong tháng Tám (tính đến ngày 20/8), có 30,6 nghìn hộ với 129,4 nghìn nhân khẩu thiếu đói, chiếm 0,26% tổng số hộ và nhân khẩu nông nghiệp. Tính chung tám tháng năm 2010, cả nước có khoảng 658,8 nghìn lượt hộ và 2523 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói. Tình trạng thiếu đói xảy ra chủ yếu ở các tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung và vùng Tây Nguyên. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm đến nay, các cấp, các ngành và đoàn thể từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 24,7 nghìn tấn lương thực và 11,8 tỷ đồng.
Tình hình dịch bệnh
Từ 21/7/2010 đến 20/8/2010 trên địa bàn cả nước có 19,6 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (11 người tử vong); 825 trường hợp mắc bệnh viêm gan virút; 4,5 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt rét; 35 trường hợp viêm màng não do mô cầu; 94 trường hợp mắc bệnh tả; 62 trường hợp mắc bệnh thương hàn và 176 trường hợp mắc bệnh viêm não virút. Tính chung tám tháng năm 2010, cả nước có 42,3 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (33 người tử vong); 3,8 nghìn trường hợp mắc bệnh viêm gan virút; 24,7 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt rét (7 người tử vong); 132 trường hợp viêm màng não do mô cầu; 290 trường hợp mắc bệnh tả; 324 trường hợp mắc bệnh thương hàn và 498 trường hợp mắc bệnh viêm não virút (11 người tử vong).
Số trường hợp bị ngộ độc thực phẩm trong thời gian qua vẫn tiếp tục gia tăng. Riêng trong tháng 8/2010, tại Gia Lai, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An, Tiền Giang, Ninh Thuận, Bến Tre, Lạng Sơn và Hà Tĩnh đã xảy ra 17 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 915 trường hợp bị ngộ độc, trong đó 2 người tử vong. Tính chung tám tháng năm 2010, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 97 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 3,9 nghìn trường hợp bị ngộ độc, trong đó 32 người đã tử vong.
Trong tháng Tám đã phát hiện thêm 1,3 nghìn trường hợp nhiễm HIV, nâng tổng số người nhiễm HIV của cả nước tính đến 20/8/2010 lên 226,8 nghìn người, trong đó 90 nghìn trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 47,8 nghìn người đã tử vong do AIDS.
Tai nạn giao thông
Trong tháng 7/2010, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 1209 vụ tai nạn giao thông, làm chết 893 người và làm bị thương 691 người. So với tháng trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 5,5%, số người chết giảm 4,6%, số người bị thương giảm 19,8%. Tính chung bảy tháng năm 2010, cả nước đã xảy ra 7970 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6555 người và làm bị thương 5906 người. So với cùng kỳ năm 2009, số vụ tai nạn giao thông tăng 10,1%; số người chết giảm 2,4%; số người bị thương tăng 30,1%. Bình quân 1 ngày trong bảy tháng năm 2010, cả nước có 38 vụ tai nạn giao thông, làm chết 31 người và làm bị thương 28 người.
Thiên tai
Trong tám tháng năm 2010, bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, mưa đá, sét đánh… đã xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Theo báo cáo của các địa phương (tính đến 20/8), thiên tai đã làm 73 người chết và mất tích, 127 người bị thương; gần 1 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, bị cuốn trôi; hơn 30,6 nghìn ngôi nhà bị sạt lở, tốc mái, ngập nước và gần 2,5 nghìn ha lúa và hoa màu bị mất trắng. Tổng giá trị thiệt hại ước tính trên 327 tỷ đồng. Ngoài ra, ngày 24/8/2010 bão số 3 đã đi vào địa phận Thanh Hóa-Nghệ An, gây thiệt hại về người và tài sản tại các tỉnh Bắc Trung Bộ. Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, tính đến chiều 26/8 đã có 12 người chết và mất tích; 88 người bị thương, trong đó Nghệ An 6 người chết, 49 người bị thương; Hà Tĩnh 3 người chết, 15 người bị thương; gần 57,5 nghìn ha lúa và 20,4 nghìn ha hoa màu bị ngập, hư hỏng, trong đó 8,7 nghìn ha lúa và 5,2 nghìn ha hoa màu bị mất trắng; gần 500 nhà bị sập, cuốn trôi; hàng chục nghìn nhà bị ngập nước, tốc mái và nhiều công trình kinh tế-xã hội bị ảnh hưởng; tổng giá trị thiệt hại ước tính trên 1,3 nghìn tỷ đồng. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, các cấp, các ngành đã khẩn trương triển khai các hoạt động khắc phục hậu quả, đồng thời nhanh chóng tổ chức hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại ổn định sản xuất và đời sống.
Khái quát lại, tình hình kinh tế-xã hội tám tháng năm 2010 tiếp tục chuyển biến tích cực. Sản xuất công nghiệp duy trì mức tăng khá; nhập siêu hàng hóa có xu hướng giảm; giá cả ổn định, an sinh xã hội được đảm bảo. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế-xã hội năm 2010, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục triển khai quyết liệt, có hiệu quả những công việc đã đề ra trong kế hoạch hành động, trong đó tập trung vào một số vấn đề sau:
Một là, tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất công nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ để tăng xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, giảm nhập siêu, chú trọng phát triển thị trường trong nước.
Hai là, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các công trình, dự án theo kế hoạch, nhất là những công trình dự án quan trọng, cấp bách, các công trình nguồn và lưới điện để khẩn trương đưa vào hoạt động, đảm bảo đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống.
Ba là, tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát giá cả; theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa, dịch vụ trong và ngoài nước để chủ động các giải pháp điều tiết cung - cầu hàng hóa nhằm bình ổn thị trường, không để tình trạng đầu cơ, thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý. Thực hiện thanh tra, kiểm tra thường xuyên, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về quản lý giá.
Bốn là, chủ động và sẵn sàng các phương án phòng, chống thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, đồng thời có biện pháp ngăn chặn kịp thời và nhanh chóng dập tắt dịch, không để lây lan, kéo dài gây thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng đến đời sống xã hội.
Năm là, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án về an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền và bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội cho các sự kiện chính trị lớn của đất nước.
Nguồn: TỔNG CỤC THỐNG KÊ
Tệp đính kèm: