Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2014
____________
Kinh tế - xã hội nước ta 6 tháng đầu năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp cả về kinh tế và chính trị. Một số nền kinh tế lớn mặc dù có kỳ vọng tăng trưởng khá nhưng vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro như: Việc điều chỉnh chính sách tiền tệ và những yếu tố không bền vững trong chính sách tài chính công dài hạn của một số nền kinh tế phát triển; tình trạng bất ổn của các nền kinh tế mới nổi; phục hồi trong khu vực đồng Euro vẫn còn yếu... Ở trong nước, sản xuất kinh doanh tiếp tục đối mặt với những khó khăn, áp lực: Sức mua trên thị trường thấp; khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao; sức ép nợ xấu còn nặng nề; hàng hóa trong nước tiêu thụ chậm... Trong đó, đáng chú ý là quá trình tái cơ cấu kinh tế diễn ra thiếu đồng bộ và chưa thực sự có những bước đi hiệu quả. Ngoài ra, thời gian gần đây tình hình biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, bước đầu ảnh hưởng đến động thái phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân cư cả nước.
Trước bối cảnh đó, Đảng, Quốc hội và Chính phủ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các ngành, các cấp và địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ. Sự nỗ lực vượt qua khó khăn, phát huy tính chủ động, sáng tạo của toàn quân và toàn dân, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước đã góp phần giữ ổn định vĩ mô, từng bước phát triển sản xuất, tạo tăng trưởng kinh tế hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội. Kết quả thực hiện mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2014 trong 6 tháng đầu năm như sau:
I. TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2014 ước tính tăng 5,18% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó quý I tăng 5,09%; quý II tăng 5,25%. Đây là mức tăng GDP cao so với mức tăng cùng kỳ năm 2012 và 2013 [1] và cả ba khu vực đều có mức tăng cao hơn mức tăng cùng kỳ năm 2013. Trong mức tăng 5,18% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,96%, cao hơn mức 2,07% của cùng kỳ năm 2013, đóng góp 0,55 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,33%, cao hơn mức 5,18% của 6 tháng đầu năm 2013, đóng góp 2,06 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,01%, cao hơn mức 5,92% của cùng kỳ năm 2013, đóng góp 2,57 điểm phần trăm. Đây là những dấu hiệu tích cực, toàn diện về tăng trưởng của nền kinh tế.
Như vậy, khu vực dịch vụ tiếp tục đóng góp cao vào mức tăng trưởng chung. Một số ngành chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực dịch vụ có mức tăng khá so với cùng kỳ năm 2013 là: Bán buôn và bán lẻ tăng 5,78%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 8,50%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 5,51%. Hoạt động kinh doanh bất động sản bước đầu có những tín hiệu tốt với mức tăng 2,65%, cao hơn mức 1,8% của cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do lãi suất ngân hàng tiếp tục giảm dần, chính sách của nhà nước về hỗ trợ ngành bất động sản đang dần phát huy tác dụng và các điều kiện cho vay mua nhà cũng được nới lỏng.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 5,45%, tuy cao hơn mức 5,19% của cùng kỳ năm 2013 nhưng vẫn ở mức thấp so với một số năm gần đây [2]. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã có chuyển biến tích cực với mức tăng 7,89%, cao hơn mức tăng cùng kỳ một số năm trước [3], góp phần tác động lớn đến mức tăng trưởng chung. Ngành khai khoáng tiếp tục giảm kể từ quý III năm 2013, chỉ đạt 97,53% so với cùng kỳ 2013. Ngành xây dựng tăng 4,6%, thấp hơn mức tăng 5,09% của 6 tháng đầu năm 2013.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành thủy sản có mức tăng cao nhất với 5,85% nhưng chỉ đóng góp 0,18 điểm phần trăm trong mức đóng góp của khu vực vào mức tăng chung; ngành nông nghiệp mặc dù tăng thấp nhất ở mức 2,25% nhưng đóng góp 0,33 điểm phần trăm do quy mô nông nghiệp hiện vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong khu vực với khoảng 77%; ngành lâm nghiệp đóng góp 0,04 điểm phần trăm.
Cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm nay vẫn theo hướng tích cực. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 17,69%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,70%; khu vực dịch vụ chiếm 43,61% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2013 là: 18,18%; 38,70%; 43,12%).
Xét về góc độ sử dụng GDP của 6 tháng năm nay, tiêu dùng cuối cùng tăng 5,19% so với cùng kỳ năm 2013 và đóng góp 4,09 điểm phần trăm vào mức tăng chung, trong đó tiêu dùng cuối cùng của dân cư tăng 5,04%, cao hơn mức tăng 4,49% của cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 5,80%, đóng góp 1,66 điểm phần trăm.
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước
6 tháng đầu năm các năm 2012, 2013 và 2014
|
Tốc độ tăng so với
cùng kỳ năm trước (%)
|
Đóng góp của các khu vực vào tăng trưởng 6 tháng
năm 2014
(Điểm phần trăm)
|
|
6 tháng năm 2012
|
6 tháng
năm 2013
|
6 tháng năm 2014
|
Tổng số
|
4,93
|
4,90
|
5,18
|
5,18
|
Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
|
2,88
|
2,07
|
2,96
|
0,55
|
Công nghiệp và xây dựng
|
5,59
|
5,18
|
5,33
|
2,06
|
Dịch vụ
|
5,29
|
5,92
|
6,01
|
2,57
|
2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 6 tháng đầu năm theo giá so sánh 2010 ước tính đạt 357,4 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Nông nghiệp đạt 261,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5%; lâm nghiệp đạt 11,7 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% và thuỷ sản đạt 84 nghìn tỷ đồng, tăng 6%.
a. Nông nghiệp
Diện tích gieo cấy lúa đông xuân cả nước năm nay ước tính đạt 3116,3 nghìn ha, tăng 10,7 nghìn ha và bằng 100,3% vụ đông xuân năm 2013, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 1161,4 nghìn ha, bằng 100,3%; các địa phương phía Nam đạt 1954,9 nghìn ha, bằng 100,4%. Theo báo cáo sơ bộ, năng suất lúa đông xuân cả nước năm nay ước tính đạt 66,9 tạ/ha, tăng 2,4 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước; sản lượng đạt 20,8 triệu tấn, tăng 812,2 nghìn tấn.
Tính đến ngày 15/6, các địa phương phía Bắc thu hoạch được 995,3 nghìn ha lúa đông xuân, mặc dù chỉ bằng 91,5% so với cùng kỳ năm trước nhưng nhờ năng suất ước tính đạt 62,6 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha nên sản lượng đạt 7,3 triệu tấn, tăng 119,5 nghìn tấn. Riêng vùng đồng bằng sông Hồng do diện tích gieo cấy giảm và chịu ảnh hưởng của thời tiết nên năng suất lúa ước tính đạt 65,7 tạ/ha, bằng cùng kỳ năm trước; sản lượng đạt 3,6 triệu tấn, giảm 24 nghìn tấn. Các địa phương phía Nam đã cơ bản thu hoạch xong lúa đông xuân, sản lượng ước tính đạt 13,6 triệu tấn, tăng 692,7 nghìn tấn so với vụ đông xuân 2013, riêng vùng trọng điểm lúa đồng bằng sông Cửu Long đạt khá với 11,2 triệu tấn, tăng 546 nghìn tấn.
Cùng với việc thu hoạch vụ đông xuân, tính đến trung tuần tháng Sáu, các địa phương trên cả nước đã xuống giống được 1977,9 nghìn ha lúa hè thu, bằng 103,3% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 1876,3 nghìn ha, bằng 98%. Diện tích lúa hè thu sớm được thu hoạch đạt 205,6 nghìn ha, bằng 63,9% cùng kỳ năm trước.
Một số cây trồng khác của vụ đông xuân năm nay đã cơ bản thu hoạch xong. Do ảnh hưởng của thời tiết không thuận lợi nên sản lượng giảm: Sản lượng ngô đạt 2,5 triệu tấn, giảm 28,8 nghìn tấn so với năm trước; khoai lang đạt 843 nghìn tấn, giảm 27,8 nghìn tấn; đậu tương đạt 83,6 nghìn tấn, giảm 7 nghìn tấn; lạc đạt 351,9 nghìn tấn, giảm 32 nghìn tấn.
Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, sản lượng thu hoạch một số cây lâu năm và cây ăn quả đạt khá so với cùng kỳ năm trước: Sản lượng chè tăng 5%; cao su tăng 1,2%; hồ tiêu tăng 7%; cam tăng 5,1%; chuối tăng 4,1%; đặc biệt sản lượng nho năm nay đạt khá cao với 11,7 nghìn tấn, tăng 10,7%.
Theo kết quả điều tra sơ bộ, tại thời điểm 01/4/2014, đàn trâu cả nước có 2,6 triệu con, giảm 0,6% so với cùng thời điểm năm trước; đàn bò có 5,2 triệu con, tăng 0,7%; đàn bò sữa có 200,4 nghìn con, tăng 14%; đàn lợn có 26,4 triệu con, tăng 0,3%; đàn gia cầm có 314,4 triệu con, tăng 0,7%. Sản lượng thịt trâu, bò hơi 6 tháng năm nay đạt xấp xỉ mức cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt lợn hơi đạt 1,9 triệu tấn, tăng 1,7%; thịt gia cầm đạt 442,8 nghìn tấn, tăng 0,6%; trứng gia cầm đạt 4,5 triệu quả, tăng 5,5%; sản lượng sữa bò đạt 2,7 triệu tấn, tăng 19,2%.
Đến ngày 24/6/2014, dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng và dịch tai xanh trên lợn chưa qua 21 ngày đã được khống chế.
b. Lâm nghiệp
Trong 6 tháng đầu năm, diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính đạt 71,4 nghìn ha, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Một số tỉnh có diện tích rừng trồng mới tập trung đạt cao: Tuyên Quang 10,8 nghìn ha, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước; Yên Bái 10,4 nghìn ha, tăng 15,6%; Quảng Ninh 10,1 nghìn ha, tăng 12,8%; Phú Thọ 6,2 nghìn ha, tăng 16,8%.
Khai thác lâm sản tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng gỗ khai thác 6 tháng đạt 2616 nghìn m3, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2013; củi đạt 15,4 triệu ste, tăng 3,2%. Một số địa phương có sản lượng gỗ khai thác tăng cao: Quảng Ngãi đạt 296 nghìn m3, tăng 41%; Quảng Nam đạt 240 nghìn m3, tăng 14,3%; Bình Định đạt 176 nghìn m3, tăng 19,8%; Phú Thọ đạt 164,7 nghìn m3, tăng 11,5%; Nghệ An đạt 152 nghìn m3, tăng 18,8%; Quảng Bình đạt 130 nghìn m3, tăng 66,6%. Sản lượng gỗ khai thác tăng do nguồn cung và thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước ổn định. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm tăng 16% so với cùng kỳ năm 2013.
Thời tiết trong năm có những diễn biến phức tạp gây nguy cơ cao cho cháy rừng. Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 05/3/2014 về việc tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Các địa phương đã tích cực, chủ động triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, trong kỳ do thời tiết nắng nóng và khô hạn kéo dài nên tại nhiều vùng trên cả nước đã xảy ra tình trạng cháy rừng, nhất là các tỉnh vùng Trung bộ và Trung du miền núi phía bắc. Trong 6 tháng đầu năm, diện tích rừng thiệt hại trên cả nước là 2154 ha, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy 1734 ha, gấp 2 lần; diện tích rừng bị chặt phá 420 ha, giảm 17,6%. Một số địa phương có diện tích rừng bị cháy nhiều: Yên Bái 692,2 ha; Lai Châu 171 ha; Nghệ An 115 ha; Quảng Trị 99,3 ha. Một số địa phương có diện tích rừng bị chặt phá nhiều: Đắk Nông 89,3 ha; Bắc Giang 89,2 ha; Lâm Đồng 56,7 ha; Kon Tum 54,8 ha.
c. Thủy sản
Sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm ước tính đạt 2866,5 nghìn tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó cá đạt 2128,3 nghìn tấn, tăng 1,9%, tôm đạt 312,9 nghìn tấn, tăng 20,8%.
Diện tích nuôi trồng thủy sản trong kỳ ước tính đạt 933 nghìn ha, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích nuôi cá đạt 286 nghìn ha, xấp xỉ cùng kỳ; diện tích nuôi tôm đạt 601 nghìn ha, tăng 1,1%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng 6 tháng ước tính đạt 1453 nghìn tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 1090,3 nghìn tấn, giảm 1%; tôm đạt 229,5 nghìn tấn, tăng 26,2%; thủy sản nuôi trồng khác đạt 133 nghìn tấn, tăng 9,2%.
Nuôi cá tra tiếp tục gặp khó khăn do giá thức ăn tăng cao, giá tiêu thụ sản phẩm giảm, các thị trường xuất khẩu lớn như: Mỹ, EU bị thu hẹp. Diện tích nuôi thả cá tra công nghiệp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến giữa tháng Sáu ước tính đạt 3500 ha, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng cá tra thu hoạch 6 tháng ước tính đạt 55 nghìn tấn, giảm 1,6%, trong đó một số tỉnh giảm nhiều: Cần Thơ đạt 57 nghìn tấn, giảm 7,5%; An Giang đạt 126 nghìn tấn, giảm 3,6%; Vĩnh Long 51 nghìn tấn, giảm 1,7%.
Nuôi tôm tiếp tục chuyển dịch mạnh cơ cấu từ nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng do tôm thẻ chân trắng có thời gian nuôi ngắn, năng suất cao nên hiệu quả kinh tế hơn. Diện tích thu hoạch tôm sú 6 tháng ước tính đạt 495 nghìn ha, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng đạt 106 nghìn tấn, giảm 5,5%. Trong khi đó, tôm thẻ chân trắng có diện tích và sản lượng tăng mạnh với diện tích đạt 53 nghìn ha, tăng 111% và sản lượng ước đạt 117 nghìn tấn, tăng 105% so với cùng kỳ năm 2013. Một số tỉnh có sản lượng tôm thẻ chân trắng tăng cao: Bến Tre đạt 18,3 nghìn tấn, tăng 9,7 nghìn tấn; Trà Vinh 8,9 nghìn tấn, tăng 7,9 nghìn tấn; Bạc Liêu 8,2 nghìn tấn, tăng 7,1 nghìn tấn; Tiền Giang 5,3 nghìn tấn, tăng 3,7 nghìn tấn. Tuy nhiên, do sự chuyển dịch cơ cấu còn mang tính tự phát ở hầu hết các địa phương, cùng với việc không tuân thủ đúng lịch thả nuôi và điều kiện kỹ thuật nên dịch bệnh phát sinh, dẫn đến một số địa phương phải thu hoạch sớm khi tôm chưa đạt chất lượng thương phẩm. Trong thời gian tới, cần có kế hoạch đầu tư cụ thể và khoa học đối với loại tôm thẻ chân trắng tại các địa phương để tránh tình trạng nguồn cung dư thừa, dẫn đến giá giảm và thua lỗ. Nuôi thủy sản trên biển phát triển khá với chủng loại ngày càng đa dạng, sản lượng 6 tháng ước tính đạt 170 nghìn tấn, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng thuỷ sản khai thác 6 tháng ước tính đạt 1413,5 nghìn tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó sản lượng khai thác biển đạt 1328,7 nghìn tấn, tăng 5,6%. Sản lượng khai thác tăng cao chủ yếu do thời tiết trong 6 tháng đầu năm tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác hải sản, các loại cá nổi trong vụ cá Bắc xuất hiện nhiều nên ngư dân tranh thủ ra khơi đánh bắt. Nghề câu cá ngừ đại dương ở một số địa phương hiện nay chưa đạt hiệu quả cao. Nguyên nhân do ngư dân khai thác chưa áp dụng đúng kỹ thuật nên chất lượng cá không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, dẫn đến giá bán ở mức thấp và sản lượng khai thác giảm. Sản lượng cá ngừ đại dương trong 6 tháng ước tính đạt 10,4 nghìn tấn, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó Bình Định đạt 5,7 nghìn tấn, giảm 12,3%; Phú Yên 3,2 nghìn tấn, giảm 22,1%; Khánh Hòa 1,5 nghìn tấn, giảm 21%...
3. Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Sáu ước tính tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2013, cao hơn mức tăng 5,3% của cùng kỳ năm trước (Quý I tăng 5,3%, quý II tăng 6,3%).
Trong mức tăng chung toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm nay, ngành chế biến, chế tạo tăng 7,8% (Quý I tăng 7,4%, quý II tăng 8,3%), cao hơn mức tăng 6,1% của cùng kỳ năm 2013 và đóng góp 5,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung; sản xuất và phân phối điện tăng 10,9%, cao hơn mức tăng 8,2% của cùng kỳ năm 2013 và đóng góp 0,7 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 5,9%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai thác tiếp tục giảm ở mức 2,5%, làm giảm 0,5 điểm phần trăm mức tăng chung.
Trong các ngành sản xuất, một số ngành có chỉ số sản xuất 6 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất xe có động cơ tăng 22,9%; dệt tăng 21,3%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 19,2%; sản xuất trang phục tăng 12,6%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng 12,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 10,9%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 10,6%... Một số ngành có mức tăng khá: Sản xuất kim loại tăng 10%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và quang học tăng 9,1%; sản xuất thiết bị điện tăng 8%. Một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm: Sản xuất đồ uống tăng 6,3%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 5%; sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất tăng 3%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 1,8%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 0,1%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 2,5%; khai thác than cứng và than non giảm 4,4%; sản xuất thuốc lá giảm 12,7%...
Trong các sản phẩm sản xuất, một số sản phẩm đạt mức tăng 6 tháng cao so với cùng kỳ năm 2013: Thép cán tăng 25,4%; ô tô tăng 24,2%; điện thoại di động tăng 22,7%; giày, dép da tăng 22,2%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 17,6%; tivi tăng 17,2%; điện sản xuất tăng 11,5%; thủy hải sản chế biến tăng 11,5%; bột giặt và các chế phẩm tẩy, rửa tăng 11%; sữa tươi tăng 10,8%; quần áo tăng 10,6%; phân ure tăng 9,2%; xi măng tăng 7,3%… Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ: Thép không gỉ giảm 14,3%; thuốc lá điếu giảm 12,8%; khí hóa lỏng (LPG) giảm 8%; xe máy giảm 7,7%; dầu gội, dầu xả giảm 4,4%; sơn hóa học giảm 4,2%; sữa bột giảm 4,2%; đường tinh chế giảm 4%; sắt, thép thô giảm 2,9%…
Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương có quy mô sản xuất công nghiệp lớn như sau: Hải Phòng tăng 11,9%; Đà Nẵng tăng 10,7%; Quảng Nam tăng 9,3%; Hải Dương tăng 7,9%; Đồng Nai tăng 7,7%; Bình Dương tăng 7,3%; Cần Thơ tăng 6,1%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 5,6%; Hà Nội tăng 4,3%; Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 3,4%; Quảng Ninh tăng 0,9%; Bắc Ninh tăng 0,2%; Quảng Ngãi giảm 21,2%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 5/2014 tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2014, chỉ số tiêu thụ ngành này tăng 9% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn mức tăng 7,6% của chỉ số sản xuất ngành này 5 tháng đầu năm 2013). Các ngành có chỉ số tiêu thụ 5 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm 2013: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 62,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 18,4%; sản xuất thiết bị điện tăng 16,5%; sản xuất xe có động cơ tăng 13,9%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng 12,2%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ 5 tháng tăng thấp: Sản xuất trang phục tăng 7,4%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 7,3%; dệt tăng 5,5%; sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic tăng 5,2%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 5,1%; sản xuất kim loại tăng 5%; sản xuất đồ uống tăng 4,5%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 3%.
Tại thời điểm 01/6/2014, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,8% so với cùng thời điểm năm 2013, cao hơn mức tăng 9,7% của cùng thời điểm năm trước và cao hơn mức tăng 12,6% của cùng thời điểm tháng trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm: Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 11,7%; sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic tăng 10,4%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 6,1%; sản xuất thiết bị điện tăng 2,1%; dệt tăng 1,7%; sản xuất xe có động cơ giảm 2,9%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 12,8%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao hơn nhiều so với mức tăng chung: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 138%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 62,1%; sản xuất trang phục tăng 32,6%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 30,4%; sản xuất kim loại tăng 25,3%.
Tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 5 tháng đầu năm nay là 77,7%, trong đó một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao: Sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu 164,2%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 131,9%; sản xuất kim loại 89%.
Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/6/2014 tăng 2,7% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 1,2%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 4,4% và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 3,2%. Tại thời điểm trên, chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp khai khoáng giảm 2,9% so với cùng thời điểm năm trước; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,1%; công nghiệp sản xuất, phân phối điện tăng 3,3%; công nghiệp cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 2,8%.
Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quy mô công nghiệp lớn tại thời điểm 01/6/2014 so với cùng thời điểm năm trước như sau: Quảng Ngãi tăng 7,6%; Bắc Ninh tăng 6,6%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 6,3%; Quảng Nam tăng 6,1%; Vĩnh Phúc tăng 5,6%; Quảng Ninh tăng 2,7%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 2,2%; Đồng Nai tăng 2,1%; Đà Nẵng tăng 1,3%; Hà Nội tăng 1,4%; Hải Dương tăng 1%; Cần Thơ giảm 0,1%; Bình Dương giảm 2,8%; Hải Phòng giảm 4%.
4. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp
Trong tháng 6/2014, cả nước có 6087 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký 57,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% về số doanh nghiệp và tăng 89,6% về số vốn đăng ký so với tháng trước. Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động có đăng ký hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký là 6369 doanh nghiệp, giảm 5,1% so với tháng 5 năm 2014, bao gồm: 966 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có đăng ký; 4554 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký và 849 doanh nghiệp giải thể.
Tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước có 37315 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 230,9 nghìn tỷ đồng, giảm 4,1% về số doanh nghiệp đăng ký thành lập và tăng 19,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2013. Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động có đăng ký hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký là 33454 doanh nghiệp, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: 6066 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có đăng ký; 22637 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký và 4751 doanh nghiệp giải thể. Số doanh nghiệp rơi vào tình trạng ngừng hoạt động nay quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm là 8322 doanh nghiệp, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2013.
5. Hoạt động dịch vụ
a. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Trong 6 tháng qua, ngoại trừ 2 tháng đầu năm thị trường bán lẻ hàng hóa có sức mua tích cực, các tháng còn lại hàng hóa tiêu thụ ở mức thấp. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Sáu ước tính đạt 248,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu do tình hình kinh tế có nhiều khó khăn, việc làm và thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng nên người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu tiết kiệm hơn.
Trong tháng Sáu, chủ yếu các tỉnh ven biển đạt mức doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tăng cao so với tháng trước do đang vào mùa du lịch. Mức tăng trung bình của các tỉnh này là trên 8% so với mức tăng trung bình của cả nước là 2,4%, trong đó Thanh Hóa tăng 8,2%; Nghệ An 26,6%; Thừa Thiên-Huế tăng 8,4%; Hải Phòng tăng 8,4% và Khánh Hòa tăng 12,4%. Các tỉnh khác chỉ có mức tăng nhẹ hoặc giảm so với tháng trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành của Hà Nội tăng 1,1%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 1,43%.
Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 1439 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,7%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng của khu vực kinh tế Nhà nước đạt 145,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng mức và tăng 8,4%; kinh tế ngoài Nhà nước đạt 1243,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 86,4%, tăng 10,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 50,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,5%, tăng 27,2%. Trong tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng, kinh doanh bán lẻ hàng hóa đạt 1086,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 75,6% tổng mức và tăng 12,2%; dịch vụ lưu trú ăn uống đạt 172,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 12% và tăng 13,1%; dịch vụ khác đạt 165,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,4% và tăng 22,2%; du lịch lữ hành đạt 14,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 1% và tăng 20,5%.
b. Vận tải hành khách và hàng hóa
Vận tải hành khách 6 tháng đầu năm ước tính đạt 1507,4 triệu lượt khách, tăng 6% và 68,2 tỷ lượt khách.km, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2013, bao gồm: Vận tải trung ương đạt 16,7 triệu lượt khách, tăng 5,9% và 16,8 tỷ lượt khách.km, tăng 7,4%; vận tải địa phương đạt 1490,6 triệu lượt khách, tăng 6% và 51,4 tỷ lượt khách.km, tăng 6,4%. Vận tải hành khách đường bộ 6 tháng ước tính đạt 1414,3 triệu lượt khách, tăng 6,1% và 50,1 tỷ lượt khách.km, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước; đường hàng không đạt 9,1 triệu lượt khách, tăng 10,2% và 14,1 tỷ lượt khách.km, tăng 9,5%; đường sắt đạt 5,9 triệu lượt khách, giảm 4% và 2,1 tỷ lượt khách.km, giảm 5,5%; đường biển đạt 2,7 triệu lượt khách, tăng 3,4% và 123,1 triệu lượt khách.km, tăng 1,9%.
Vận tải hàng hóa 6 tháng ước tính đạt 513,6 triệu tấn, tăng 4,6% và 107,8 tỷ tấn.km, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vận tải trong nước đạt 499,2 triệu tấn, tăng 4,9% và 48,9 tỷ tấn.km, tăng 3,9%; vận tải ngoài nước đạt 14,4 triệu tấn, giảm 5,3% và 58,9 tỷ tấn.km, tăng 1,8%. Vận tải hàng hoá địa phương 6 tháng đạt 493,3 triệu tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước và 47,1 tỷ tấn.km, tăng 3,8%. Vận tải hàng hoá đường bộ đạt 392,6 triệu tấn, tăng 5,9% và 22,2 tỷ tấn.km, tăng 4,2%; đường sông đạt 89,9 triệu tấn, tăng 2,6% và 19,2 tỷ tấn.km, tăng 2,8%; đường biển đạt 27,5 triệu tấn, giảm 5,6% và 64,2 tỷ tấn.km, tăng 2,1%; đường sắt đạt 3,5 triệu tấn, tăng 6,4% và 2 tỷ tấn.km, tăng 5,5%.
c. Khách quốc tế đến Việt Nam
Trong tháng 6/2014, Việt Nam ước tính đón 539,7 nghìn lượt khách quốc tế, giảm 19,9% so với tháng trước, trong đó giảm nhiều nhất là khách đến với mục đích du lịch thuần túy với mức giảm 21,2%. Đây là tháng có số lượng khách quốc tế đến nước ta thấp nhất kể từ đầu năm. Đáng lưu ý là số khách Trung Quốc giảm 29,5% so với tháng trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không giảm 44,7%. Khách quốc tế đến Việt Nam qua các cửa khẩu tuyến Trung Quốc trong tháng Sáu giảm 50% so với tháng trước.
Khách quốc tế đến nước ta trong 6 tháng đầu năm ước tính đạt 4287,9 nghìn lượt người, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng đạt 2588,2 nghìn lượt người, tăng 19,3%; đến vì công việc 720,9 nghìn lượt người, tăng 21,7%; thăm thân nhân đạt 739,5 nghìn lượt người, tăng 25,4%. Trong 6 tháng đầu năm, khách quốc tế đến nước ta bằng đường hàng không đạt 3423 nghìn lượt người, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2013; khách đến bằng đường bộ đạt 824,3 nghìn lượt người, tăng 46,7%; khách đến bằng đường biển đạt 40,6 nghìn lượt người, giảm 66,3%.
Trong 6 tháng đầu năm nay, số khách quốc tế đến nước ta so với cùng kỳ năm trước như sau: Trung Quốc 1134,9 nghìn lượt người, tăng 37,5%; Hàn Quốc 405,6 nghìn lượt người, tăng 5,1%; Nhật Bản 317,8 nghìn lượt người, tăng 7,9%; Hoa Kỳ 246,3 nghìn lượt người, tăng 5,9%; Đài Loan 207,7 nghìn lượt người, tăng 14%; Cam-pu-chia 202,8 nghìn lượt người, tăng 30,1%; Nga 193,8 nghìn lượt người, tăng 25,9%; Ma-lai-xi-a 182,3 nghìn lượt người, tăng 11,6%; Ôx-trây-li-a 170 nghìn lượt người, tăng 6%; Thái Lan 143,1 nghìn lượt người, tăng 10,6%; Pháp 116,3 nghìn lượt người, tăng 6,6%; Anh 109,4 nghìn lượt người; tăng 20,1%; Xin-ga-po 98,3 nghìn lượt người, tăng 7,8%.
II. ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, KIỂM SOÁT LẠM PHÁT
1. Xây dựng, đầu tư phát triển
a. Hoạt động xây dựng
Giá trị sản xuất xây dựng 6 tháng đầu năm theo giá hiện hành ước tính đạt 352,7 nghìn tỷ đồng, bao gồm: Khu vực Nhà nước đạt 37,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,6%; khu vực ngoài Nhà nước 292,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 83%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 22,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 6,4%. Trong tổng giá trị sản xuất, giá trị sản xuất xây dựng công trình nhà ở đạt 157,1 nghìn tỷ đồng; công trình nhà không để ở đạt 51,9 nghìn tỷ đồng; công trình kỹ thuật dân dụng đạt 101,2 nghìn tỷ đồng; hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 42,5 nghìn tỷ đồng.
Giá trị sản xuất xây dựng 6 tháng theo giá so sánh 2010 ước tính đạt 282,7 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2013, bao gồm: Khu vực Nhà nước đạt 30,7 nghìn tỷ đồng, giảm 2,6%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 233,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,6 nghìn tỷ đồng, tăng 83,9%. Trong tổng giá trị sản xuất, giá trị sản xuất xây dựng công trình nhà ở đạt 124,9 nghìn tỷ đồng; công trình nhà không để ở đạt 41,4 nghìn tỷ đồng; công trình kỹ thuật dân dụng đạt 81,7 nghìn tỷ đồng; hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 34,7 nghìn tỷ đồng.
b. Đầu tư phát triển
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng năm 2014 theo giá hiện hành ước tính đạt 502,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước và bằng 30,1% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 198,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 39,5% tổng vốn và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước; vốn khu vực ngoài Nhà nước đạt 178 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,4% và tăng 7,9%; vốn khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 126,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,1% và tăng 6,5%.
Tốc độ phát triển vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện
6 tháng các năm 2012, 2013 và 2014 so với cùng kỳ năm trước
Đơn vị tính: %
|
6 tháng
đầu năm 2012
|
6 tháng
đầu năm 2013
|
6 tháng
đầu năm 2014
|
Tổng số
|
110,1
|
105,2
|
108,2
|
Khu vực Nhà nước
|
119,5
|
102,9
|
109,6
|
Khu vực ngoài Nhà nước
|
103,8
|
107,8
|
107,9
|
Khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
|
105,8
|
105,2
|
106,5
|
Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn từ ngân sách Nhà nước thực hiện 6 tháng ước tính đạt 90 nghìn tỷ đồng, bằng 48,6% kế hoạch năm và tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2013, gồm có:
- Vốn trung ương quản lý đạt 20787 tỷ đồng, bằng 52,6% kế hoạch năm và tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện của Bộ Giao thông vận tải là 2861 tỷ đồng, bằng 63,2% và giảm 9,4%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 1661 tỷ đồng, bằng 47,8% và giảm 3,7%; Bộ Xây dựng 939 tỷ đồng, bằng 46,1% và tăng 4,9%; Bộ Y tế 395 tỷ đồng, bằng 49,1% và tăng 3,7%; Bộ Tài nguyên và Môi trường 322 tỷ đồng, bằng 43,6% và tăng 5,2%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 268 tỷ đồng, bằng 42,9% và tăng 0,4%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 222 tỷ đồng, bằng 49% và tăng 0,5%; Bộ Công Thương 152 tỷ đồng, bằng 51,5% và tăng 9,4%; Bộ Khoa học và Công nghệ 127 tỷ đồng, bằng 45,3% và giảm 6,6%; Bộ Thông tin và Truyền thông 113 tỷ đồng, bằng 54,4% và giảm 5%.
- Vốn địa phương quản lý đạt 69214 tỷ đồng, bằng 47,5% kế hoạch năm và tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 48126 tỷ đồng, bằng 46,2% và tăng 2,2%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 17058 tỷ đồng, bằng 49,9% và tăng 1,4%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 4030 tỷ đồng, bằng 54,6% và giảm 3,5%. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội đạt 10086 tỷ đồng, bằng 43% kế hoạch năm và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; Thành phố Hồ Chí Minh 7385 tỷ đồng, bằng 50,9% và tăng 2,5%; Bà Rịa - Vũng Tàu 1882 tỷ đồng, bằng 41,9% và tăng 10%; Thanh Hóa 1822 tỷ đồng, bằng 60,5% và tăng 3,3%; Vĩnh Phúc 1781 tỷ đồng, bằng 50,2% và giảm 8,2%; Nghệ An 1779 tỷ đồng, bằng 74% và tăng 9,9%; Đà Nẵng 1638 tỷ đồng, bằng 38,2% và giảm 11,8%.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/6/2014 thu hút 656 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 4858,3 triệu USD, giảm 5,1% về số dự án và giảm 6,8% về số vốn so với cùng kỳ năm 2013. Đồng thời có 219 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước được cấp vốn bổ sung với 1994 triệu USD. Như vậy tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 6852,3 triệu USD, giảm 35,3% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6 tháng đầu năm ước tính đạt 5,75 tỷ USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2013.
Trong 6 tháng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút các nhà đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký đạt 4809 triệu USD, chiếm 70,2% tổng vốn đăng ký; ngành kinh doanh bất động sản đạt 692,3 triệu USD, chiếm 10,1%; ngành xây dựng đạt 465,5 triệu USD, chiếm 6,8%; các ngành còn lại đạt 885,5 triệu USD, chiếm 12,9%.
Cả nước có 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong 6 tháng, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh có số vốn đăng ký lớn nhất với 796,3 triệu USD, chiếm 16,4% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Quảng Ninh 568,4 triệu USD, chiếm 11,7%; Hải Phòng 482,9 triệu USD, chiếm 9,9%; Đồng Nai 334,9 triệu USD, chiếm 6,9%; Hải Dương 304,1 triệu USD, chiếm 6,3%; Bình Dương 250,2 triệu USD, chiếm 5,2%; Long An 243 triệu USD, chiếm 5%.
Trong số 39 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam trong 6 tháng, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 1139,8 triệu USD, chiếm 23,5% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Đặc khu Hành chính Hồng Công (TQ) 867,4 triệu USD, chiếm 17,9%; Xin-ga-po 559,2 triệu USD, chiếm 11,5%; Nhật Bản 438,7 triệu USD, chiếm 9%; In-đô-nê-xia 352,7 triệu USD, chiếm 7,3%; Đài Loan 248,9 triệu USD, chiếm 5,1%; Quần đảo Virgin thuộc Anh 244,4 triệu USD, chiếm 5%; Ca-na-đa 237 triệu USD, chiếm 4,9%...
2. Thu, chi ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/6/2014 ước tính đạt 376,9 nghìn tỷ đồng, bằng 48,2% dự toán năm, trong đó thu nội địa 256,7 nghìn tỷ đồng, bằng 47,6%; thu từ dầu thô 48,3 nghìn tỷ đồng, bằng 56,6%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 70,5 nghìn tỷ đồng, bằng 45,8%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước 83,8 nghìn tỷ đồng, bằng 45,4% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 56,4 nghìn tỷ đồng, bằng 50,5%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 52,8 nghìn tỷ đồng, bằng 49,2%; thuế thu nhập cá nhân 24,3 nghìn tỷ đồng, bằng 51,4%; thuế bảo vệ môi trường 5,3 nghìn tỷ đồng, bằng 41,5%; thu phí, lệ phí 4,6 nghìn tỷ đồng, bằng 44,6%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/6/2014 ước tính đạt 449,4 nghìn tỷ đồng, bằng 44,6% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển 72,6 nghìn tỷ đồng, bằng 44,5% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 70 nghìn tỷ đồng, bằng 44,3%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể ước tính đạt 321,7 nghìn tỷ đồng, bằng 45,7%; chi trả nợ và viện trợ 55,1 nghìn tỷ đồng, bằng 45,9%.
3. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
a. Xuất khẩu hàng hoá
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Năm đạt 12,4 tỷ USD tăng 408 triệu USD so với ước tính. Trong đó một số mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh so với số ước tính: Dầu thô tăng 299 triệu USD; dệt may tăng 94 triệu USD; giày dép tăng 143 triệu USD. Ngược lại, kim ngạch hàng điện thoại và linh kiện các loại giảm khá mạnh so với ước tính với mức giảm 589 triệu USD.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Sáu ước tính đạt 12,1 tỷ USD, giảm 2,5% so với tháng trước, trong đó khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (kể cả dầu thô) ước tính đạt 8,2 tỷ USD, giảm 2,7%. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng tháng Sáu giảm so với tháng trước: Điện thoại các loại và linh kiện giảm 11%; dầu thô giảm 29,4%; sắt thép giảm 24,8%; thủy sản giảm 9,8%. Một số mặt hàng đạt kim ngạch tăng cao: Cao su tăng 37,9%; hàng dệt may tăng 13,3%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 14,3%. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Sáu tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 11,9%.
Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 70,9 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 23,1 tỷ USD, tăng 11,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 47,8 tỷ USD, chiếm 67,5% tổng kim ngạch và tăng 16,6%.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng cao chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng tương ứng của cả nước như: Điện thoại các loại và linh kiện chiếm 99,6%; hàng dệt may 60,2%; giày dép 78,1%; máy móc thiết bị và phụ tùng 89,6%; phương tiện vận tải và phụ tùng 95%; máy vi tính và linh kiện 98,4%. Trong 6 tháng đầu năm nay, mức tăng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng góp 11 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực kinh tế trong nước đóng góp 3,9 điểm phần trăm.
Trong các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu, một số mặt hàng có kim ngạch tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: Điện thoại các loại và linh kiện đạt 11,7 tỷ USD, tăng 17,1%; hàng dệt may đạt 9,3 tỷ USD, tăng 18,2%; giày dép đạt 4,8 tỷ USD, tăng 21,9%; thủy sản đạt 3,5 tỷ USD, tăng 26,5%; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác đạt 3,4 tỷ USD, tăng 20,4%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,9 tỷ USD, tăng 16%; cà phê đạt 2,1 tỷ USD, tăng 24,8%; túi xách, va li, mũ, ô dù đạt 1,3 tỷ USD, tăng 38,1%; hạt điều đạt 848 triệu USD, tăng 22,2%; hạt tiêu đạt 819 triệu USD, tăng 53,2%. Một số mặt hàng có kim ngạch tăng khá là: Dầu thô đạt 4,1 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 2,9 tỷ USD, tăng 12,8%; sắt thép đạt 966 triệu USD, tăng 10,4%. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng giảm so với cùng kỳ năm trước là: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 4,5 tỷ USD, giảm 4,8%; gạo đạt 1,5 tỷ USD, giảm 5%; cao su đạt 651 triệu USD, giảm 32,3%; sắn và sản phẩm sắn đạt 574 triệu USD, giảm 12,1%; than đá đạt 335 triệu USD, giảm 38,2%.
Về thị trường xuất khẩu trong 6 tháng, EU vươn lên vị trí dẫn đầu với tổng kim ngạch ước tính đạt 13,1 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó kim ngạch một số mặt hàng đạt giá trị tăng: Điện thoại các loại và linh kiện tăng 4,7%; giày dép tăng 22,1%; hàng dệt may tăng 23,2%; hải sản tăng 25,7%. Đứng thứ 2 là Hoa Kỳ với kim ngạch đạt 13 tỷ USD, tăng 19,5% với kim ngạch một số mặt hàng tăng: Hàng dệt may tăng 13,7%; giày dép tăng 21,2%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 17%; điện thoại tăng 543,5%. Thị trường ASEAN đứng thứ 3 với 9,6 tỷ USD, tăng 4,8% với một số mặt hàng tăng: Điện thoại tăng 6,5%; dầu thô tăng 19,7%; máy móc tăng 26,1%. Tiếp đến là Trung Quốc với 7,4 tỷ USD, tăng 20,8%, trong đó dầu thô tăng 336,2%; gạo tăng 5,5%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 763,4%; xơ, sợi dệt các loại tăng 52,7%. Thị trường Hàn Quốc ước tính đạt 2,9 tỷ USD, giảm 3,5%, trong đó kim loại thường khác và sản phẩm giảm 2%; than đá giảm 5,6%.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm, tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2013 (từ 45,6% xuống 45,4%). Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này vẫn đạt 32,2 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp chiếm 36,8%, giảm so với mức 37% của cùng kỳ năm 2013 với kim ngạch đạt 26,1 tỷ USD, tăng 14,3%. Nhóm hàng nông, lâm sản ước đạt 9,1 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ 2013, chiếm tỷ trọng 12,8% so với mức 13% của năm 2013. Hàng thủy sản đạt 3,5 tỷ USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2013, chiếm tỷ trọng 5%, tăng so với mức 4,5% của cùng kỳ năm 2013.
b. Nhập khẩu hàng hoá
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu thực hiện tháng 5/2014 đạt 12,8 tỷ USD, tăng 377 triệu USD so với số ước tính, trong đó kim ngạch một số sản phẩm thay đổi nhiều: Sắt thép cao hơn 315 triệu USD; phương tiện vận tải khác và phụ tùng cao hơn 158 triệu USD. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Sáu ước tính đạt 12,3 tỷ USD, giảm 3,7% so với tháng trước, trong đó khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 6,95 tỷ USD, tăng 1,8%; khu vực các doanh nghiệp trong nước đạt 5,35 tỷ USD, giảm 10,1%. Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tháng Sáu giảm so với tháng Năm: Sắt, thép giảm 68,6% do quy định về quản lý chất lượng sắt, thép có hiệu lực từ ngày 01/6/2014; phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 71,9% do tháng Năm nhập khẩu máy bay; chất dẻo giảm 5,9%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 11,9%. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Sáu tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 15,6%; khu vực doanh nghiệp trong nước tăng 12,1%.
Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 69,6 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 30,3 tỷ USD, tăng 10,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 39,3 tỷ USD, tăng 11,6%. Kim ngạch nhập khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng chủ yếu ở các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng tương ứng của cả nước như: Điện thoại các loại và linh kiện; vải các loại; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép.
Trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất gia công, lắp ráp vẫn duy trì ở mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 10,5 tỷ USD, tăng 22,2%; vải đạt 4,6 tỷ USD, tăng 17,9%; xăng dầu đạt 4,1 tỷ USD, tăng 15,1%; chất dẻo đạt 3 tỷ USD, tăng 10,1%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 2,3 tỷ USD, tăng 28,5%; kim loại thường khác đạt 1,6 tỷ USD, tăng 17,4%; sản phẩm hóa chất đạt 1,5 tỷ USD, tăng 16,2%; sản phẩm chất dẻo đạt 1,4 tỷ USD, tăng 25%; ô tô đạt 1,4 tỷ USD, tăng 34,2%, trong đó ô tô nguyên chiếc đạt 497 triệu USD, tăng 53,9%; bông đạt 828 triệu USD, tăng 43,8%.
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc vẫn duy trì vị trí dẫn đầu với kim ngạch ước tính đạt 20,4 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2013 với một số mặt hàng đạt giá trị tăng: Máy móc tăng 30,3%; điện thoại tăng 11,3%; vải tăng 25,6%; sắt thép tăng 35,5%. Nhập siêu từ thị trường Trung Quốc vẫn trên đà gia tăng với giá trị ước tính đạt 13,1 tỷ USD, tăng 21,2%. Thị trường ASEAN đạt 11,2 tỷ USD, tăng 5,9%, trong đó xăng dầu tăng 6,6%; máy móc tăng 26%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 144,3%; chất dẻo tăng 8,4%. Hàn Quốc đạt 10,4 tỷ USD, tăng 4,7% với mặt hàng máy vi tính tăng 2%; máy móc thiết bị tăng 12,2%; vải tăng 10,5%. Nhật Bản đạt 5,6 tỷ USD, tăng 1,5%, trong đó máy móc tăng 15,7%. EU đạt 4,5 tỷ USD, giảm 5% với kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng giảm: Phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 69,9%; thức ăn gia súc và nguyên liệu giảm 3,8%; sữa và sản phẩm từ sữa giảm 8%. Hoa Kỳ đạt 3,2 tỷ USD, tăng 24%, trong đó máy vi tính tăng 41,1%; máy móc thiết bị tăng 13,7%; bông tăng 19,3%.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm nay, tỷ trọng nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính chiếm 93,4% (năm 2013 là 93,3%) với kim ngạch đạt 64,96 tỷ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ 2013. Trong đó, máy móc, thiết bị, dụng cụ phương tiện vận tải và phụ tùng chiếm 36,3% tổng kim ngạch nhập khẩu (cùng kỳ năm trước là 36,1%) với kim ngạch đạt 25,3 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2013; tỷ trọng nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu là 57,1%, xấp xỉ cùng kỳ năm 2013 và kim ngạch đạt 39,7 tỷ USD, tăng 10,7%; nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm tỷ trọng 6,6%, không biến động so với tỷ trọng của cùng kỳ năm trước với kim ngạch ước tính đạt 4,6 tỷ USD, tăng 9,5%.
Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng Năm cùng tăng nên mức nhập siêu đạt 369 triệu USD, xấp xỉ số ước tính 400 triệu USD. Nhập siêu tháng Sáu ước tính 200 triệu USD, bằng 1,7% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, kéo xuất siêu 6 tháng đầu năm 2014 xuống còn 1,3 tỷ USD, bằng 1,9% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Trong 6 tháng, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu khá cao với 8,5 tỷ USD, tăng 47,5%; khu vực trong nước tiếp tục nhập siêu với 7,2 tỷ USD, tăng 6,5%. Nhập siêu khu vực doanh nghiệp trong nước tăng chưa thể khẳng định sản xuất trong nước phục hồi vì phần lớn hàng nhập khẩu chủ yếu phục vụ cho hoạt động gia công, lắp ráp của khu vực doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài.
4. Chỉ số giá
a. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
Trong tháng, giá của các mặt hàng thiết yếu trên thế giới tăng không nhiều cùng với nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào và nhất là việc thực hiện hiệu quả các chính sách về kiểm soát lạm phát đã góp phần giữ ổn định giá tiêu dùng trong nước. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 6/2014 tăng 0,3% so với tháng trước (Tháng 4/2014 tăng 0,08%, tháng 5/2014 tăng 0,2%), trong đó chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,74%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,61%; hàng thực phẩm tăng 0,54%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,30%. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có chỉ số giá tăng dưới mức tăng chung hoặc giảm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,28%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,27%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,22%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,20%; giao thông tăng 0,18%; giáo dục tăng 0,01%; bưu chính viễn thông giảm 0,13%.
Một số yếu tố chủ yếu ảnh hưởng làm tăng giá tiêu dùng tháng Sáu: (1) Một số mặt hàng như đồ uống ngoài gia đình, quần áo hè may sẵn và giá các tua du lịch trong nước cũng như nước ngoài đều tăng do đang vào mùa nắng nóng và du lịch; (2) Việc điều chỉnh giá xăng dầu, giá dầu diesel và giá dầu hỏa vào ngày 22/4/2014 tác động làm chỉ số giá tiêu dùng tháng Sáu cả nước tăng 0,15% so với tháng trước; (3) Giá dịch vụ y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh được điều chỉnh tăng từ ngày 01/6/2014 theo quyết định số 1365/QĐ-SYT ngày 27/5/2014 làm chỉ số giá dịch vụ y tế cả nước tăng 0,87%.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2014 tăng 1,38% so với tháng 12/2013 và tăng 4,98% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi tháng trong 6 tháng đầu năm nay, CPI tăng 0,23%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng 4,77% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
b. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Chỉ số giá vàng tháng 6/2014 giảm 0,12% so với tháng trước và giảm 9,79% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 6/2014 tăng 0,49% so với tháng trước và tăng 0,57% so với cùng kỳ năm trước.
c. Chỉ số giá sản xuất
Chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng tăng 4,53% so với cùng kỳ năm trước (Quý I tăng 5,14%; quý II tăng 3,92%), trong đó chủ yếu do giá bán sản phẩm hàng lâm nghiệp tăng 9,46% và hàng thủy sản tăng 8,31%. Chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng công nghiệp tăng 4,13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá quý I tăng 5,21%; chỉ số giá quý II tăng 3,06%. Các nhóm hàng công nghiệp có chỉ số giá bán tăng cao so với cùng kỳ năm trước là sản phẩm khai khoáng, điện và phân phối điện với mức tăng tương ứng là 11,60% và 12,88%.
Chỉ số giá nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất 6 tháng đầu năm tăng 3,09% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tăng cao nhất là khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí với mức tăng 9,39% (quý I tăng 10,12%; quý II tăng 8,66%); khai khoáng tăng 5,79% (quý I tăng 6,87%; quý II tăng 4,72%); cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,42% (quý I tăng 6,73%; quý II tăng 6,11%); thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 5,31% (quý I tăng 4,92%; quý II tăng 5,70%).
Chỉ số giá cước vận tải kho bãi sáu tháng đầu năm tăng 2,99% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cước vận tải đường sắt và đường bộ tăng cao với mức tăng tương ứng là 3,14% (Quý I tăng 5,24%; quý II tăng 1,08%) và 5,16% (Quý I tăng 3,75%; quý II tăng 6,59%). Các dịch vụ vận tải khác có giá tăng thấp hơn: Dịch vụ kho bãi và hỗ trợ vận tải tăng 2,61%; vận tải đường thuỷ tăng 1,49%; riêng vận tải đường hàng không có giá không biến động.
d. Chỉ số giá xuất, nhập khẩu hàng hóa
Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa sáu tháng đầu năm tăng 1,01% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý I tăng 0,78%; quý II tăng 1,24%. Một số mặt hàng có chỉ số giá xuất khẩu 6 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm 2013: Hạt tiêu tăng 3,21%; hàng may mặc tăng 3,22%; chè tăng 5,15%; túi, mũ, ví tăng 5,29%; giày dép tăng 6,05%; thủy sản tăng 9,20%; rau quả tăng 13,58%; Một số mặt hàng có chỉ số giá xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước: Cao su giảm 24,86%; sản phẩm từ cao su giảm 18%; dây điện và cáp điện giảm 13,94%; cà phê giảm 8,68%; xăng dầu giảm 4,84%; than giảm 3,58%; sắt thép giảm 3,35%.
Chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa sáu tháng đầu năm giảm 2,31% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý I giảm 2,68%; quý II giảm 2,08%. Một số mặt hàng có giá nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước: Sản phẩm từ giấy tăng 2,24%; sữa và sản phẩm từ sữa tăng 2,33%; dầu mỡ động thực vật tăng 3,49%; thủy sản và sản phẩm từ chất dẻo cùng tăng 3,64%; chất dẻo nguyên liệu tăng 5,09%; nguyên phụ liệu dược phẩm tăng 6,32%; gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 8,15%; hàng rau quả tăng 8,39%; Một số mặt hàng có giá nhập khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2013: Phân bón giảm 18,04%; cao su giảm 14,38%; lúa mỳ giảm 10,18%; kim loại thường giảm 7,36%; hóa chất giảm 6,50%; sản phẩm bằng sắt thép giảm 6,33%; sắt thép giảm 5,92%; sản phẩm từ cao su giảm 4%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng giảm 3,15%.
III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Lao động, việc làm
Lực lượng lao động cả nước ước tính tại thời điểm 01/7/2014 là 53,7 triệu người, tăng 0,2 triệu người so với cùng thời điểm năm 2013, trong đó lao động nam chiếm 51,4%; lao động nữ chiếm 48,6%. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động ước tính 47,3 triệu người, giảm 10,2 nghìn người so với cùng thời điểm năm trước. Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế 6 tháng đầu năm ước tính 52,7 triệu người, tăng 0,3 triệu người so với cùng kỳ năm 2013, trong đó lao động trong khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 47,2%, lao động trong khu vực công nghiệp chiếm 20,7% và lao động trong khu vực dịch vụ chiếm 32,1% (Tỷ lệ tương ứng trong các khu vực của cùng kỳ năm trước là: 47,1%; 20,9% và 32,0%). Trong 6 tháng đầu năm, số người có việc làm quý I là 52,5 triệu người, tăng 616,1 nghìn người so với cùng kỳ năm 2013; quý II là 52,7 triệu người, tăng 282,6 nghìn người.
Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi 6 tháng đầu năm là 2,14% (Quý I là 2,21%; quý II là 2,07%), trong đó tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị là 3,62% (Quý I là 3,72%; quý II là 3,52%), cao hơn mức 3,19% của quý IV năm 2013; tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực nông thôn là 1,47%. Tỷ lệ thiếu việc làm 6 tháng là 2,63% (Quý I là 2,78%; quý II là 2,47%), trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,33%; khu vực nông thôn là 3,20%, thấp hơn mức 3,37% của quý I và 3,23% của quý IV năm 2013. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15 - 24 tuổi) 6 tháng là 6,32%, trong đó khu vực thành thị là 11,87%; khu vực nông thôn là 4,54%. Tỷ lệ thất nghiệp của người lớn (từ 25 tuổi trở lên) 6 tháng là 1,18%, trong đó khu vực thành thị là 2,23%; khu vực nông thôn là 0,71%.
2. Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội
Trong tháng 6/2014, cả nước có 23 nghìn hộ thiếu đói, giảm 36,1% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 97 nghìn nhân khẩu thiếu đói, giảm 36,6%. Tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước có 271,2 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 16,1% so với cùng kỳ năm 2013, tương ứng với 1152 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 14,7%. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm các cấp, các ngành, các tổ chức từ trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 19 nghìn tấn lương thực và 19,7 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước năm 2013 là 9,8%, giảm 1,3 điểm phần trăm so với năm 2012.
Công tác an sinh xã hội tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương. Theo báo cáo sơ bộ, tổng kinh phí dành cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo trong 6 tháng đầu năm nay khoảng 2915 tỷ đồng, bao gồm: 1649 tỷ đồng quà thăm hỏi và hỗ trợ các đối tượng chính sách; 882 tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo và 384 tỷ đồng cứu đói, cứu trợ xã hội khác.
3. Giáo dục, đào tạo
Tại thời điểm đầu năm học 2013 - 2014, cả nước có 13841 trường mẫu giáo, tăng 293 trường so với năm học trước; 204,9 nghìn giáo viên mẫu giáo, tăng 2,9% và 3614,1 nghìn học sinh mẫu giáo, tăng 0,4%. Cũng trong năm học này, cả nước có 15337 trường tiểu học, giảm 24 trường so với năm học trước; có 10290 trường trung học cơ sở, không biến động so với năm học 2012 - 2013; 2404 trường trung học phổ thông, tăng 43 trường; có 592 trường phổ thông cơ sở, tăng 35 trường và 354 trường trung học, tăng 7 trường. Số giáo viên phổ thông trực tiếp giảng dạy trong năm học là 855,2 nghìn người, tăng 0,9% so với năm học trước, bao gồm: 386,9 nghìn giáo viên tiểu học, tăng 1,4%; 315,6 nghìn giáo viên trung học cơ sở, tăng 0,1% và 152,7 nghìn giáo viên trung học phổ thông, tăng 1,2%. Số học sinh phổ thông là 14,9 triệu học sinh, tăng 1% so với năm học 2012 - 2013, bao gồm: 7,5 triệu học sinh tiểu học, tăng 3,2%; 4,9 triệu học sinh trung học cơ sở, tăng 1,3% và 2,5 triệu học sinh trung học phổ thông, giảm 5,3%.
Theo báo cáo sơ bộ, cả nước có 910,8 nghìn thí sinh tham dự thi kỳ thi tốt nghiệp phổ thông năm học 2013 - 2014. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 99,02% (tăng 1,04 điểm phần trăm so với năm học trước); tỷ lệ tốt nghiệp hệ bổ túc trung học đạt 89,01% (tăng 10,93 điểm phần trăm).
Năm học 2013-2014, cả nước có 427 trường đại học và cao đẳng, tăng 6 trường so với năm học trước, bao gồm: 343 trường công lập và 84 trường ngoài công lập. Số giáo viên đại học và cao đẳng là 90,6 nghìn người, tăng 4%, trong đó giáo viên công lập là 74 nghìn người, tăng 7,1% và chiếm 81,7% tổng số giáo viên. Số sinh viên đại học, cao đẳng của cả nước là 2,1 triệu sinh viên, giảm 5,5% so với năm học trước, đạt 230 sinh viên trên một vạn dân. Số sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng của cả nước là 405,9 nghìn người, giảm 4,5% so với năm học 2012-2013.
Đào tạo trung cấp chuyên nghiệp năm nay tập trung chủ yếu vào việc nâng cao chất lượng đào tạo và hạn chế tuyển sinh hệ trung cấp trong các trường cao đẳng, đại học nên quy mô đào tạo giảm so với năm học trước. Số học sinh trung cấp chuyên nghiệp là 421,7 nghìn học sinh, giảm 25%, bao gồm 304,6 nghìn học sinh hệ công lập, giảm 29,3% và 117,1 nghìn học sinh ngoài công lập, giảm 11,1%. Số học sinh tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp trong năm học 2013 - 2014 là 179,6 nghìn học sinh, tăng 1,9% so với năm học 2012 - 2013.
Công tác đào tạo nghề tiếp tục được triển khai tại các địa phương trên cả nước. Tính đến thời điểm 31/5/2014, cả nước có 1340 cơ sở dạy nghề, bao gồm 165 trường cao đẳng nghề; 301 trường trung cấp nghề; 874 trung tâm dạy nghề. Tổng số học sinh học nghề được tuyển mới từ đầu năm là 440,3 nghìn lượt người, đạt 25% kế hoạch, bao gồm: Cao đẳng nghề và trung cấp nghề 31,4 nghìn lượt người, đạt 11%; sơ cấp nghề 408,9 nghìn lượt người, đạt 27%.
4. Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm
Tình hình dịch bệnh 6 tháng đầu năm diễn biến phức tạp với sự bùng phát và lây lan của các dịch bệnh, đặc biệt là bệnh sởi. Tính đến thời điểm 18/6/2014, cả nước đã ghi nhận 31,3 nghìn trường hợp sốt phát ban nghi sởi với 5,5 nghìn ca dương tính với sởi, trong đó 145 ca tử vong liên quan đến sởi. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 31,1 nghìn trường hợp mắc bệnh chân tay miệng; 11,1 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (7 trường hợp tử vong); 319 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút (4 trường hợp tử vong); 156 trường hợp mắc thương hàn; 13 trường hợp mắc viêm màng não do não mô cầu (3 trường hợp tử vong); 2 trường hợp mắc và tử vong do cúm A (H5N1); 3 trường hợp mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân tại huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi.
Trong tháng 6/2014 trên địa bàn cả nước đã phát hiện thêm 1561 trường hợp nhiễm HIV, nâng tổng số người nhiễm HIV hiện còn sống của cả nước tính đến thời điểm 17/6/2014 lên 219,1 nghìn người, trong đó 68,8 nghìn trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Số người tử vong do AIDS cả nước tính đến thời điểm trên là 71,4 nghìn người.
Tính từ đầu năm, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 56 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng làm 1874 người bị ngộ độc, trong đó 16 trường hợp tử vong. Riêng trong tháng Sáu, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 20 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm 810 người bị ngộ độc, trong đó 6 trường hợp tử vong.
5. Hoạt động văn hóa, thể thao
Hoạt động văn hóa thông tin 6 tháng đầu năm diễn ra sôi nổi trên khắp cả nước, trọng tâm là các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, các lễ hội truyền thống. Nhiều sự kiện văn hóa lớn được tổ chức như “Tuần Văn hóa Du lịch Điện Biên 2014” chào mừng kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng lần thứ 17 với chủ đề “Quê hương - con người khu vực đồng bằng sông Hồng”; Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; Lễ vinh danh nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; “Ngày hội Gia đình Việt Nam - năm 2014”; Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2014…
Đáng chú ý là trong hai tháng qua nhiều hoạt động văn hóa hướng về chủ đề biển đảo quê hương, biên giới, chủ quyền đất nước được tổ chức rộng khắp trên cả nước. Các hoạt động văn hóa mang đầy ý nghĩa đã khơi dậy tình yêu quê hương đất nước của toàn dân, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; đồng thời góp phần tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội tại các địa phương tiếp tục được tăng cường. Trong 6 tháng đầu năm, ngành Văn hóa đã tiến hành 30 đợt thanh tra, kiểm tra, lập biên bản 30 trường hợp vi phạm.
Hoạt động thể dục thể thao quần chúng 6 tháng đầu năm diễn ra sôi nổi với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thu hút hàng nghìn người tham gia. Tại các giải thể thao quần chúng quốc tế được tổ chức ở ngoài nước, vận động viên Việt Nam giành được 62 huy chương vàng, 78 huy chương bạc và 79 huy chương đồng.
Trong thể thao thành tích cao, vận động viên Việt Nam cũng đạt được những thành tích rất đáng tự hào. Tổng số huy chương đoàn Việt Nam giành được tại các giải thể thao quốc tế được tổ chức trong 6 tháng qua là 70 huy chương vàng; 55 huy chương bạc và 52 huy chương đồng, trong đó đáng chú ý là 13 huy chương vàng thế giới; 4 huy chương vàng châu Á và 50 huy chương vàng Đông Nam Á. Ngoài ra, có 13 vận động viên đã giành suất chính thức tham dự Đại hội Olympic trẻ lần thứ 2 tại Nam Kinh, Trung Quốc được tổ chức vào tháng 8/2014.
6. Tai nạn giao thông
Trong tháng Sáu (từ 16/05/2014 đến 15/06/2014), trên địa bàn cả nước đã xảy ra 879 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên, làm 761 người chết và 254 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 3,8%, số người chết giảm 1,8%, số người bị thương giảm 57,3%. Ngoài ra, trong tháng đã xảy ra 1176 vụ va chạm giao thông, giảm 22,4% so với cùng kỳ năm trước, làm 1453 người bị thương nhẹ, giảm 21,6%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2014, cả nước đã xảy ra 5347 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên, làm 4689 người chết và 3147 người bị thương. Số vụ va chạm giao thông trong 6 tháng là 7480 vụ, làm 9116 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm 2013, số vụ tai nạn giao thông giảm 3,2%, số vụ va chạm giao thông giảm 19,6%, số người chết giảm 4,6%, số người bị thương giảm 9,2% và số người bị thương nhẹ giảm 21%. Bình quân 01 ngày trong 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn cả nước xảy ra 30 vụ tai nạn giao thông và 41 vụ va chạm giao thông, làm 26 người chết, 17 người bị thương và 51 người bị thương nhẹ.
7. Thiệt hại do thiên tai
Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, trong 6 tháng đầu năm, thiên tai đã làm 44 người chết và mất tích; 92 người bị thương; gần 400 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; 25 nghìn ngôi nhà bị ngập nước, hư hỏng; 158 ha lúa và 2,3 nghìn ha hoa màu bị mất trắng; trên 22 nghìn ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hỏng. Các địa phương bị thiệt hại nhiều do thiên tai: Cao Bằng 5 người chết và mất tích; 8,7 nghìn ngôi nhà bị sạt lở, tốc mái, ngập nước; 2 nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hỏng; Thanh Hóa hơn 500 ngôi nhà bị sạt lở, tốc mái, ngập nước và 7,7 nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong 6 tháng ước tính khoảng 368 tỷ đồng, trong đó Thanh Hóa thiệt hại 53 tỷ đồng; Cao Bằng 48 tỷ đồng. Theo báo cáo sơ bộ, tổng số tiền mặt cứu trợ các địa phương bị ảnh hưởng thiên tai từ đầu năm đến nay là gần 2,2 tỷ đồng.
8. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ
Trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 3 nghìn vụ vi phạm quy định về vệ sinh môi trường tại 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó 1,8 nghìn vụ bị xử lý với tổng số tiền phạt hơn 460,9 tỷ đồng. Riêng trong tháng Sáu, cả nước đã phát hiện 596 vụ vi phạm về vệ sinh môi trường, trong đó 402 vụ bị xử lý với tổng số tiền phạt là hơn 314 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 1429 vụ cháy, nổ nghiêm trọng, làm 68 người chết và 105 người bị thương. Thiệt hại do cháy nổ trong 6 tháng ước tính trên 317 tỷ đồng.
Khái quát lại, kinh tế - xã hội nước ta 6 tháng đầu năm nay tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng một số ngành, lĩnh vực đã có chuyển biến theo hướng tích cực. Thể hiện rõ nhất là lạm phát được kiềm chế ở mức thấp; kinh tế vĩ mô ổn định; sản xuất công nghiệp chế biến có dấu hiệu phục hồi dần; xuất khẩu hàng hóa tiếp tục đạt mức tăng khá. Tuy nhiên, trong thời gian qua, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, bất cập chưa được giải quyết triệt để; thời gian tới, những thách thức mới xuất hiện sẽ gây không ít áp lực cho sản xuất, kinh doanh trong nước và ảnh hưởng đến đời sống dân cư. Để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2014, trong những tháng cuối năm cần tập trung thực hiện tốt những giải pháp chủ yếu mang tính cấp bách và cần thiết sau đây:
Một là, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để tiếp tục duy trì mức lạm phát hợp lý nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu đầu tư của Chính phủ từ nguồn vốn trái phiếu trên cơ sở tăng cường quản lý đầu tư công. Song song với việc tập trung đẩy mạnh xử lý và thu hồi nợ, cần phát triển tín dụng trong sự kiểm soát chất lượng để ngăn nợ xấu. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp chính sách để tháo gỡ những nút thắt quan trọng như xử lý nợ xấu, tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường, tiêu thụ sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp, giải quyết dứt điểm nợ đọng của ngân sách.
Hai là, để nâng cao hiệu quả đầu tư, cần tập trung vốn cho các công trình mang tính cấp bách, thiết thực hơn cho những đối tượng được hưởng lợi. Các ngành, các địa phương cần tránh việc xây dựng mang tính tự phát, chồng chéo, không theo kế hoạch cụ thể. Chú trọng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ cơ sở và người lao động để có đủ năng lực sử dụng nguồn vốn đúng mục tiêu, mục đích. Bảo đảm tính công khai, dân chủ, minh bạch về tài chính trong hoạt động đầu tư.
Ba là, tiếp tục tập trung phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đáp ứng nguyên liệu đầu vào, từ đó giảm nhập khẩu; đồng thời tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, cung ứng sản phẩm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần lựa chọn phương thức phù hợp trong đổi mới công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý; tăng tính chủ động trong nâng cao năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh cũng như năng lực tiếp cận và mở rộng thị trường; đồng thời phải có chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình mới, có phương án sản xuất khả thi cho từng mặt hàng.
Bốn là, mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa theo hướng đa dạng, gồm cả thị trường lớn, thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng để giảm dần sự lệ thuộc vào một đối tác. Kết hợp vừa xuất khẩu những mặt hàng có công nghệ trung bình và công nghệ cao phù hợp với xu hướng tiêu thụ của thị trường thế giới, vừa xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế về điều kiện tự nhiên và nguồn lao động sẵn có trong nước. Tích cực tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại và khai thác cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn. Đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm qua chế biến, giảm dần tỷ trọng các mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng thấp để hội nhập quốc tế sâu hơn.
Năm là, tập trung phát triển công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày một đa dạng của người tiêu dùng, đặc biệt đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu. Từng bước xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam để nâng cao vị thế của nông sản nước ta trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển có kế hoạch, quy hoạch cụ thể và hợp lý trong ngắn hạn cũng như dài hạn; đồng thời tăng cường đầu tư theo chiều sâu cho nguồn nhân lực để tiến tới xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại và bền vững.
Nguồn: TỔNG CỤC THỐNG KÊ
[1] Mức tăng GDP 6 tháng so với cùng kỳ năm trước của một số năm như sau: Năm 2012 tăng 4,93%; năm 2013 tăng 4,90%.
[2] Mức tăng 6 tháng so với cùng kỳ năm trước của một số năm: Năm 2010 tăng 5,93%; năm 2011 tăng 7,83%; năm 2012 tăng 6,17%.
[3] Mức tăng 6 tháng so với cùng kỳ năm trước của ngành CN chế biến, chế tạo một số năm như sau: Năm 2012 tăng 5,71%; năm 2013 tăng 5,83%.