5 - Hội nghị Pari về Việt Nam, cuộc đàm phán hòa bình gay go nhất thế kỷ XX
5 - Hội nghị Pari về Việt Nam, cuộc đàm phán hòa bình gay go nhất thế kỷ XX
Hội nghị Pari về Việt Nam là cuộc đấu tranh ngoại giao của nhân dân Việt Nam với đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ở Thủ đô nước Pháp bắt đầu từ ngày 13-5-1968 và kết thúc vào ngày 27-1-1973.
Trong gần 5 năm, khoảng thời gian dài chưa từng thấy của lịch sử đàm phán, với 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1000 cuộc phỏng vấn, hàng trăm cuộc mít tinh ủng hộ Việt Nam, cuộc đấu tranh ngoại giao của nhân dân Việt Nam ở Pari đã thực sự góp phần quan trọng vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Khác với Hội nghị quốc tế Giơnevơ về Đông Dương năm 1954, Hội nghị Pari là một cuộc đàm phán tay đôi do Việt Nam thắng lớn và chủ động đề xướng. Còn Mỹ, bị thất bại nặng nề buộc không thể không chấp nhận thương lượng để tìm một lối thoát danh dự. Mỹ phải coi Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một bên đối thoại trực tiếp và bình đẳng để giải quyết mọi vấn đề của cuộc chiến tranh Việt Nam. Cuộc đàm phán Pari mở ra cục diện“vừa đánh, vừa đàm”, phản ánh một giai đoạn chiến đấu cực kỳ gay go, quyết liệt giữa Việt Nam và Mỹ. Đây cũng là đỉnh cao của sự kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng cả 3 mặt trận, quân sự, chính trị và ngoại giao; giữa cuộc chiến đấu của quân và dân Việt Nam trên chiến trường với cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán và trên trường quốc tế.
Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân Việt Nam ở miền Nam, ngày 31-3-1968, Tổng thống Mỹ Giônxơn phải tuyên bố đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra; không ra tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2 và cử người đàm phán với đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Pari.
Ngày 3-4-1968, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tuyên bố: Sẵn sàng cử đại diện của mình tiếp xúc với đại diện của Mỹ nhằm xác định với Mỹ việc Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để có thể bắt đầu cuộc nói chuyện.
Ngày 13-5-1968, Hội nghị Pari giữa 2 bên khai mạc. Do lập trường cương quyết của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Mỹ buộc phải ngồi nói chuyện chính thức với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và từ tháng 6-1969 là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam.
Ngày 18-1-1969, phiên họp đầu tiên của Hội nghị Pari về Việt Nam khai mạc tại phòng họp của trung tâm Hội nghị quốc tế ở Pari. Bốn đoàn đại biểu của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã bàn việc chuẩn bị cho phiên họp toàn thể lần thứ nhất.
Ngày 25-1-1969, khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Hội nghị bốn bên về Việt Nam ở Pari.
Trong quá trình đàm phán, ngày 8-5-1969, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đưa ra giải pháp hoà bình Mười điểm. Ngày 14-5-1969, phía Mỹ đưa ra đề nghị Tám điểm.
Ngày 8-6-1969, Tổng thống Mỹ Níchxơn tuyên bố rút quân đợt đầu tiên gồm 25 nghìn quân ra khỏi miền Nam Việt Nam.
Phiên họp đầu tiên của "Hội nghị Pari về Việt Nam (1969)".
Ngày 10-6-1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đã quyết định đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Pari về Việt Nam nay trở thành đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Pari về Việt Nam, do bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, làm Trưởng đoàn.
Ngày 4-8-1969, tiến sĩ Kítxinhgiơ, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà trắng bí mật gặp Bộ trưởng Xuân Thủy lần đầu ở Pari.
Ngày 25-8-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời thư của Tổng thống Mỹ Níchxơn. Người nêu rõ: Muốn có hoà bình, Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam và của dân tộc Việt Nam. Đó là con đường để Mỹ rút khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự.
Ngày 21-2-1970, cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thủy gặp Kítxinhgiơ. Từ đó bắt đầu cuộc gặp riêng giữa cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Kítxinhgiơ.
Tháng 3-1970, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định đẩy mạnh các hoạt động quân sự, chính trị, ngoại giao, đòi thành lập Chính phủ liên hiệp ở miền Nam Việt Nam.
Ngày 17-9-1970, tại phiên họp toàn thể lần thứ 84 Hội nghị Pari về Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đã đưa ra đề nghị Tám điểm - nói rõ thêm về một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, trong đó có việc rút quân Mỹ và thả tù binh cùng một thời hạn và vấn đề thành lập Chính phủ liên hiệp lâm thời ở miền Nam Việt Nam.
Ngày 18-10-1970, Tổng thống Níchxơn đưa ra đề nghị Năm điểm mà không đòi quân đội miền Bắc rút khỏi miền Nam Việt Nam.
Ngày 10-12-1970, trong phiên họp toàn thể lần thứ 94 Hội nghị Pari về Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đã đưa ra đề nghị Ba điểm về ngừng bắn, đòi quân Mỹ rút khỏi miền Nam vào ngày 30-6-1971.
Ngày 31-5-1971, tại cuộc họp riêng giữa Bộ trưởng Xuân Thủy và Kítxinhgiơ ở Pari, phía Mỹ đưa ra đề nghị “cuối cùng” Bẩy điểm. Đây là lần đầu tiên Mỹ đưa ra giải pháp toàn Đông Dương, nhưng họ lại tách vấn đề quân sự và vấn đề chính trị, mặc dù trước đây họ nhận sẽ bàn cả gói.
Ngày 26-6-1971, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đưa ra đề nghị Chín điểm. Tiếp đó, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đưa ra giải pháp Bẩy điểm, đòi quân Mỹ rút khỏi miền Nam trong năm 1971.
Ngày 16-8-1971, phía Mỹ đưa ra đề nghị Tám điểm. Về cơ bản Mỹ vấn giữ lập trường cũ: Không muốn giải quyết toàn bộ vấn đề mà chỉ muốn giải quyết vấn đề quân sự, lấy được tù binh. Cuộc đàm phán Pari diễn ra hơn 3 năm vẫn bế tắc.
Ngày 25-1-1972, Tổng thống Mỹ Níchxơn đơn phương công bố nội dung các cuộc gặp riêng về đề nghị Tám điểm đưa ra ngày 16-8-1971.
Ngày 31-1-1972, tại Pari, đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà công bố giải pháp Chín điểm, đồng thời vạch rõ sự tráo trở của Nhà trắng đã vi phạm thoả thuận hai bên không công bố nội dung các cuộc gặp riêng theo đề nghị của chính Kítxinhgiơ. Việt Nam cũng đã phân phát cho tất cả các báo những công hàm trao đổi giữa hai bên về cuộc họp ngày 20-10-1971.
Ngày 2-2-1972, tại Hội nghị bốn bên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đã nói rõ thêm hai vấn đề then chốt trong lập trường Bẩy điểm đã đưa ra ngày 1-7-1971 của Chính phủ Cách mạng lâm thời.
Ngày 24-3-1972, Tổng thống Níchxơn tuyên bố hoãn vô thời hạn các phiên họp công khai Hội nghị Pari về Việt Nam. Tiếp đó, ngày 8-5-1972, chưa đầy một tuần sau phiên gặp riêng giữa Lê Đức Thọ, Xuân Thuỷ và Kítxinhgiơ, Níchxơn tuyên bố tiến hành một bước leo thang mới mở rộng quy mô đánh phá miền Bắc kể cả bằng lực lượng không quân chiến lược, thả mìn cảng Hải Phòng cùng các cửa sông, lạch, trên vùng biển phong toả miền Bắc Việt Nam.
Ngày 13-7-1972, Mỹ chấp nhận họp lại Hội nghị toàn thể bốn bên tại Pari.
Ngày 8-10-1972, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chủ động đưa ra bản dự thảo “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam”.
Ngày 22-10-1972, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mỹ đã hoàn thành văn bản Hiệp định, nhưng ngay sau đó, ngày 23-10-1972, Mỹ lại nêu lên những trở ngại để trì hoãn việc ký kết Hiệp định, đồng thời Mỹ lập cầu hàng không“Enhance Plus” tiếp tế ồ ạt cho ngụy quyền Sài Gòn.
Ngày 26-10-1972, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà công bố những thoả thuận đã đạt được, đồng thời vạch trần thái độ lật lọng, ngoan cố của Níchxơn.
Ngày 2-11-1972, Tổng thống Níchxơn ra lệnh cho máy bay B.52 tiến công phía Bắc khu phi quân sự.
Tiếp đó ngày 20-11-1972, thương lượng lại, Mỹ đòi sửa đổi hầu hết các vấn đề thực chất trong các chương theo yêu cầu của chính quyền Sài Gòn, đồng thời tính toán bước leo thang chiến tranh mới chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Ngày 18-12-1972, Tổng thống Níchxơn ra lệnh cho B.52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng mở đầu“cuộc hành quân Linebaker II” kéo dài 12 ngày đêm, đồng thời Mỹ gửi công hàm cho Việt Nam yêu cầu họp lại.
Sau thất bại của Mỹ trong đợt tập kích bằng không quân chiến lược, ngày 8-1-1973, cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao đã ngã ngũ, phần thắng nghiêng về phía Việt Nam. Mỹ phải bỏ thái độ“thương lượng trên thế mạnh”.
Ngày 23-1-1973, ký tắt Hiệp định Pari.
Ngày 27-1-1973, Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở
Việt Nam đã được chính thức ký kết tại trung tâm các Hội nghị quốc tế ở Pari giữa bốn bên tham gia Hội nghị Pari về Việt Nam.
Lễ ký chính thức "Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam" (27-1-1973).
Bản Hiệp định Pari về Việt Nam gồm 9 chương, 23 điều. Nội dung chủ yếu của Hiệp định là: Hoa Kỳ cùng các nước khác cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Hoa Kỳ hoàn toàn chấm dứt chiến tranh xâm lược, chấm dứt sự dính líu về quân sự và can thiệp vào nội bộ của miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết và bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân miền Nam Việt Nam. Nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của mình thông qua Tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ. Việc thống nhất nước Việt Nam được thực hiện bằng phương pháp hòa bình.
Ngày 28-1-1973, ngừng bắn trên toàn miền Nam.
Ngày 31-1-1973, Tổng thống Nichxơn gửi công hàm cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc Hoa Kỳ đóng góp hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam.
Ngày 2-3-1973, ký Định ước Pari về Việt Nam.
Ngày 29-3-1973, người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi miền Nam Việt Nam.
Quân đội Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam (1973).
Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ tại miền Nam Việt Nam cuốn cờ rút khỏi Việt Nam (1973).