Tổng quan kết quả thực hiện các chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 1996-2000
1.6.3b. Tổng quan kết quả thực hiện các chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 1996-2000
Trong những năm qua KH&CN đã thực sự phát huy được vai trò của mình trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. KH&CN được coi là động lực, là nhân tố quyết định thúc đẩy phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội.
Trong giai đoạn 1996-2000, tuy gặp phải những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế khu vực, cùng với thiên tai nghiêm trọng liên tiếp xảy ra, nước ta phải đứng trước những thử thách quyết liệt, nhưng công cuộc phát triển NCPT vẫn tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng, duy trì được nhịp độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 7%/năm. Điều đó cho thấy cùng với các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội khác, KH&CN đã đóng góp một phần không nhỏ cho sự phát triển nền kinh tế quốc dân.
Kết quả thực hiện các chương trình KHCN trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 1996-2000
Chương trình Điện tử, Tin học, Viễn thông
Chương trình đã tạo ra được trên 100 phần mềm thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông (trong đó khoảng 20% sáng tạo của các nhà khoa học Việt Nam) trong đó có sản phẩm phần mềm nhận dạng tiếng Việt (chữ in tiếng Việt) ở dạng đóng gói được đánh giá cao: tự động nhận dạng, có thêm tính năng trạng làm việc hiện thời (workspace). Nhận dạng nhiều bảng biểu, mẫu biểu.
Nghiên cứu mạng truyền dữ liệu và hình ảnh chuyên dụng (ảnh mầu, động đạt tiêu chuẩn quốc tế), tiến hành thực nghiệm y tế từ xa (chẩn đoán siêu âm màu) mạng ISDN 6B+D giữa Viện Tim mạch và Viện Khoa học kỹ thuật Bưu điện dựa trên cơ sở thích nghi hóa các phần mềm đã có và các điều kiện truyền số liệu của mạng viễn thông hiện tại nhằm thực hiện các dịch vụ y tế trình độ cao nhưng rẻ tiền. Kết quả bước đầu đáng tin cậy và có triển vọng mở rộng ứng dụng thử truyền trực tiếp từ hình ảnh bệnh nhân, hình ảnh các thao tác siêu tim; đối thoại hình và tiếng giữa trung tâm và tuyến tỉnh và lưu giữ hình ảnh siêu âm sau khi hoàn thành quá trình siêu âm.
Xây dựng cơ sở dữ liệu và các biện pháp an toàn cho trang Web tiêu chuẩn, nghiên cứu điều kiện để mở rộng việc nghiên cứu ứng dụng các dịch vụ Internet ở Việt Nam; ứng dụng mở rộng phương pháp mô phỏng vào huấn luyện các tình huống phức tạp vào qui trình sản xuất dầu khí, đồng thời xây dựng cơ sở tính toán ban đầu cho phòng thí nghiệm mô phỏng.
Đã thử nghiệm một hệ thống truyền thông liên kết số đa dịch vụ băng rộng B-ISDN (công nghệ ATM) trong phạm vi hẹp (tốc độ 10Mb/s) đã chứng minh được khả năng tổ chức triển khai và thử nghiệm dịch vụ băng rộng, khẳng định được khả năng của công nghệ ATM trong việc cung cấp các dịch vụ băng rộng với đặc trưng và yêu cầu về chất lượng rất khác nhau. Thử nghiệm ứng dụng sensor NASICON, mẫu ASIC cho ứng dụng trong xử lý các tín hiệu tương tự (được số hóa).
Phát triển công nghệ đóng gói Modil pm pin mặt trời có tiêu chuẩn chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế, có phòng thí nghiệm chuẩn để kiểm tra các thông số cơ bản của các hệ điện mặt trời nhằm phát triển loại năng lượng tái tạo này.
Thiết kế và chế thử thành công mẫu thiết bị thu số mặt đất (STB-T) thử nghiệm thu với nguồn tín hiệu VTV của VTC, thử nghiệm bằng máy phát SFQ, đã xây dựng hệ thống thu phát truyền hình số mặt đất thử nghiệm.
Chương trình Công nghệ sinh học phục vụ nông - lâm - ngư nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người
Công nghệ tế bào và công nghệ gen: đã tạo được cây chuyển gen CrylA(b)ncry(c) kháng côn trùng, gen chitinase kháng nấm, gen Xa21 kháng bệnh bạc lá, gen bar kháng thuốc diệt cỏ. Tạo được giống mới bằng công nghệ tế bào: dòng lúa B12 kháng đạo ôn, dòng DR2, DR3 chịu hạn, lạnh đang được khảo nghiệm, giống lúa cao sản chịu sâu bệnh đã được công nhận giống quốc gia.
Hoàn thành quy trình công nghệ tạo các dòng cây có múi tứ bội và tạo giống cam quít tam bội không hạt, chọn được 1 giống cam chủ lực cho sản xuất, trồng 1.500 cây mẹ với 15.000 mắt ghép.
Công nghệ xử lý nước thải nhiễm bẩn: hoàn thiện công nghệ xử lý ô nhiễm dầu mỏ cho các khu chứa dầu, môi trường nước ngọt, giá thành rẻ, hiệu quả xử lý tốt, đạt 98% ở bể xử lý kỵ khí, hiếu khí, nước đầu ra đạt chỉ tiêu môi trường loại A. Sản xuất và thử nghiệm thành công các chế phẩm nuôi Q1leleanser 1 và 2 phục vụ cho quy trình xử lý làm sạch ô nhiễm dầu mỏ tại VN đã được Công ty xăng dầu tiếp thu để xử lý làm sạch.
Công nghệ sản xuất thuốc sâu sinh học, phân bón sinh học: Hình thành được giải pháp công nghệ phối kết hợp được nhiều chế phẩm trong một sản phẩm để khống chế một lúc nhiều loại sâu bệnh, hiệu quả vượt xa so với sử dụng đơn lẻ từng loại chế phẩm về thời gian, mức độ diệt sâu và thời gian bảo quản, diệt 60-70% sâu hiện diện. Xây dựng và thử nghiệm công nghệ sử dụng vi sinh vật hỗn hợp bằng các chủng cố định đạm, phân giải lân, nâng cao hiệu lực và tính phối hợp, không gây tác dụng hại, tạo được 5 quy trình công nghệ sản xuất vi sinh vật hỗn hợp phục vụ cây trồng tăng năng suất lúa 11,5%, cố định nitơ nồng độ 4,8% và tăng khả năng chịu lạnh cho lúa, ngô, đậu đỗ.
Hoàn thiện 7 qui trình công nghệ sản xuất các sản phẩm giàu vitamin A, E từ gấc và dầu đậu tương: mứt viga, becaroten-E, becaten film, becaten nang, btaritol, becariten-E film và becaroten nang giá thành rẻ và giảm nhập ngoại.
Chương trình Công nghệ Vật liệu
Về vật liệu compozit: chế tạo thành công nhiều hệ thống bay mô hình M96 và M100 từ vật liệu compozit polyme phục vụ làm mục tiêu bắn thử cho phòng không và tên lửa. Ngoài ra, đã mở rộng sử dụng vật liệu compozit polyme để bọc lót cho 40 bể mạ dùng trong các ngành công nghiệp và chế tạo nhiều chi tiết cho các ngành công nghiệp khác, chế tạo nhiều nhà vòm chứa máy bay Su-B cho không quân. Hệ thống bay: giá chỉ bằng dưới 10% giá của nước ngoài (giá bán 1.500USD, nước ngoài chào bán là 20.000USD).
Vật liệu compozit cacbon: đã hoàn thiện công nghệ thiết kế chế tạo và đưa vào sử dụng một số sản phẩm từ vật liệu compozit sợi cacbon: xương ống, bộ chỏm xương đùi, đinh nội tuỷ, xương trán mũi v.v... và được cấp giấy phép của Bộ Y tế, được mời báo cáo tại Hội nghị khoa học quốc tế ở Nhật Bản. Đã ứng dụng trong hơn 1000 ca phẫu thuật tại nhiều bệnh viện.
Vật liệu compozit cao su - thép: đã chế tạo được hơn 600 gối đệm toa xe lửa QC2 (khoảng 3 tấn vật liệu), cung cấp 400kg compozit cao su dùng chế tạo băng tải tại Cửa Ông, chế tạo 18 đệm chịu va đập (hơn 5 tấn vật liệu) cho cảng Hải Phòng.
Về dầu mỡ bảo quản: đã tạo ra công nghệ điều chế 200kg phụ gia sunfonat canxi từ dầu khoáng có trọng lượng thấp và trung bình (tương đương chất lượng sản phẩm nhập ngoại CB-2 từ Liên Xô cũ) để pha chế 1000 kg dầu mỡ bảo quản BQ 17-2, mỡ bảo quản MN5, MN1-1 trên cơ sở hydrocacbon, dùng trong bảo quản kim loại, cáp, khí tài và áp dụng thử nghiệm tại quần đảo Trường Sa và Lữ đoàn 126 Hải quân, vùng 4 Hải quân và áp dụng công nghệ tẩy gỉ thụ động và bôi dầu mỡ bảo quản trực tiếp. Đặc biệt đã ứng dụng bảo quản khí tài tại Trường Sa đạt kết quả tốt.
Chương trình Công nghệ Tự động hóa
- Các hệ thống điều khiển trạm trộn bê tông Asfalt 40 tấn/giờ và 80 tấn/giờ được thiết kế và chế tạo với chất lượng và độ tin cậy cao tương đương các hệ điều khiển của một số hãng lớn như SIEMENS, OMRON, ALLEN BREDLEY v.v... Kết quả nghiên cứu và triển khai này đã được áp dụng vào sản xuất, đáp ứng 60% nhu cầu trạm trộn bê tông tại nhiều địa phương trong nước.
- Hệ thống đo lường, giám sát và điều khiển các thông số môi trường mang ký hiệu VIELINA-MC SO4 được thiết kế trên cơ sở PLC, one-chip, giao diện người máy (HMl). Khả năng xử lý, điều hành tới 16 trạm làm việc phân tán trong mạng với tổng số các thông số đo cho phép xử lý lên tới 2048 điểm và có khả năng phát triển mở rộng số lượng trạm làm việc và số lượng các thông số đo khi cần thiết trong các ứng dụng lớn.
- Hệ thống VIELINA-DPSO4 được thiết kế trên cơ sở PLC, one-chip, giao diện người máy và khả năng nối ghép mạng công nghiệp PROFIBUS-DP như một trạm DP-Slave chuẩn. Mỗi trạm phân tán có khả năng xử lý các dạng kênh đo tín hiệu số qua cổng RS232 hoặc SDI, đặc biệt phù hợp với các loại đầu đo đa thông số môi trường thế hệ mới như chủng loại đầu đo YS1-6 seric khả năng xử lý 8 kênh đo đa thông số môi trường với mỗi kênh đo có thể cấu hình tới 16 loại thông số đo khác nhau.
- Hệ thống điều khiển cấp liệu liên tục dùng để sản xuất phân NPK. Đây là dây chuyền sản xuất NPK điều khiển tự động hoàn toàn và hiện đại ở Việt Nam, với giá thành bằng 1/3 sản phẩm nhập ngoại. Khi đưa dây chuyền vào sử dụng tại Công ty phốt phát Lâm Thao, hệ thống đã tạo điều kiện cho cơ sở sản xuất giảm số người lao động từ 3000 xuống còn 8 người, việc sử dụng và dịch vụ đơn giản.
- Sản phẩm Robot dùng trong dây chuyền sản xuất dược phẩm: đã xây dựng được hệ thống điều khiển tự động theo chương trình phần mềm, được ghép nối với máy tính để phối hợp thao tác tương thích với các thiết bị khác. Truyền động bằng khí nén, chu kỳ hoạt động điều chỉnh được theo yêu cầu. Tay máy cầm, nắm được các vật có hình dạng và kích thước khác nhau.
- Hệ thống CAD phục vụ cho sản xuất dày, dép: đã hình thành Chương trình điều khiển tự động và bán tự động, khi sử dụng chương trình tự động, kết quả sắp xếp tối ưu có thể được xuất ra máy in, máy vẽ hoặc được dùng để điều khiển hệ thống dập cắt tự động. Chương trình bán tự động giúp cho những người có tay nghề cao điều chỉnh các thông số cho phù hợp với ý muốn. Sản phẩm đưa vào sử dụng đã tiết kiệm được chi phí vật liệu, định mức vật liệu chính xác cho từng cụm chi tiết khác nhau, rút ngắn thời gian sản xuất và giá thành hạ.
Chương trình công nghệ chế tạo máy
Lĩnh vực công nghệ cơ bản: công nghệ hộp nguội tự cứng trong công nghệ đúc: đã nghiên cứu một cách cơ bản, toàn diện và làm chủ được hai công nghệ hộp nguội chất kết dính nhựa (công nghệ Alphset, công nghệ Pepset) và công nghệ hộp nguội dùng nước thủy tinh đông cứng bằng Ester. Các công nghệ này đã cho phép sản xuất được những sản phẩm đúc chất lượng cao và hiện nay đang được áp dụng có hiệu quả ở nhiều cơ sở sản xuất.
Công nghệ hàn: qua đề tài này, ngành chế tạo máy đã không chỉ làm chủ được công nghệ hàn tự động, mà còn ứng dụng sáng tạo để hàn một số chi tiết phức tạp mà trước đây khó có thể thực hiện được. Ví dụ như trục bơm dài trên 6 m, piston của máy đóng cọc có đường kính lên đến 400 mm, ống khoan cho ngành dầu khí. Công nghệ hàn leo tự động nhờ dây bột với chất lượng tốt cũng đã được nghiên cứu thành công và ứng dụng để hàn ụ nổi cho Công ty liên doanh Huyndai - Vinashin. Ngoài ra công nghệ hàn nhôm cũng đã được hoàn thiện và áp dụng có hiệu quả trong việc chế tạo tàu quân sự bằng nhôm tại Nhà máy đóng tàu Sông Cấm - Hải Phòng. Thông qua nghiên cứu vật liệu hàn đặc biệt, đã chế tạo thành công loại que hàn chất lượng cao và được bán rộng rãi trên thị trường với giá thành rẻ.
Công nghệ gia công áp lực: đã làm chủ công nghệ cán uốn, đã tự thiết kế máy cán uốn 11 trục, cho ra đời các sản phẩm chất lượng cao, thay thế sản phẩm nhập khẩu. Lần đầu tiên tại Việt Nam đã nghiên cứu thành công trong phòng thí nghiệm việc tạo kim loại hai lớp từ công nghệ luyện kim bột, mở ra khả năng to lớn trong việc chế tạo hợp kim hai lớp ở trong nước. Đã thành công trong việc phối hợp giữa các công nghệ cán, lốc, hàn để chế tạo loại bánh răng có đường kính lớn mà các nhà máy đang có nhu cầu rất lớn, thay cho việc chế tạo theo phương pháp đúc có chất lượng thấp, không đảm bảo.
Công nghệ xử lý bề mặt: những vấn đề đã được giải quyết là công nghệ thấm nitơ nhiệt độ thấp, công nghệ thấm cácbon + ni tơ nhiệt độ cao ở thể khí, công nghệ bốc bay để phủ nitri titan lên bề mặt dụng cụ cắt nhằm nâng cao tuổi thọ sử dụng (tăng hàng chục lần so với trước đây). Ngoài ra các công nghệ khác, như công nghệ gia công có phoi, công nghệ chính xác... cũng đã được nghiên cứu áp dụng có hiệu quả.
Lĩnh vực chế tạo thiết bị: Cụm bơm nước 36000 m3/h dùng cho các trạm bơm tiêu công suất lớn, đáp ứng kịp thời nhu cầu rất lớn về lắp mới, thay thế và sửa chữa các cụm bơm cũ, do vậy có ý nghĩa rất quan trọng cả về KT-XH. Hiện nay sản phẩm của đề tài đang được sử dụng tại Trạm bơm Cốc Thành - Nam Định.
Chế tạo phần điện của động cơ 1900 kW; chế tạo máy nghiền côn 150 tấn; hộp giảm tốc công suất đến 400 kW; chế tạo thành công máy phay P12 CNC; nghiên cứu chế tạo và đưa vào sử dụng thành công 2 máy lọc Lauter.
Ngoài ra các sản phẩm khác như máy kéo bốn bánh, các loại phụ tùng cho ngành khai thác dầu khí phức tạp cũng đã được Chương trình nghiên cứu chế tạo và cung cấp cho khách hàng, được khách hàng tin tưởng sử dụng.
Chương trình Điều tra nghiên cứu Biển
Xây dựng cơ sở dữ liệu biển quốc gia: đã tiến hành điều tra, khảo sát bổ sung các tư liệu mới về biển, chú trọng đến các khu vực biển còn ít số liệu như vùng biển phía tây vịnh Thái Lan, vùng thềm lục địa Việt Nam. Đồng thời, đã tiến hành có kết quả việc kiểm kê dữ liệu biển hiện có ở trong và ngoài nước, tổ chức thu thập, xử lý, lưu giữ, tạo ra được một cơ sở dữ liệu ban đầu quan trọng phục vụ cho việc xây dựng ngân hàng dữ liệu biển quốc gia.
Luận cứ khoa học cho việc quản lý biển: đã đề xuất các phương án tối ưu cho việc xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam với các bản đồ tỷ lệ lớn và trung bình; đã tập hợp dữ liệu và tiến hành thẩm định trên hiện trường các điểm cơ sở, từ đó đề xuất đường cơ sở mới gồm 44 điểm đảm bảo quyền lợi, chủ quyền quốc gia, phù hợp với thông lệ quốc tế và Công ước về Luật biển 1982 của Liên Hiệp Quốc, kết quả của việc nghiên cứu xác lập “0” độ sâu phần lãnh hải cho các khu vực và chuẩn “0” độ sâu quốc gia, liên kết với mạng lưới tọa độ và lưới độ cao quốc gia nhằm chuẩn hóa và thống nhất “0” độ sâu quốc gia phục vụ yêu cầu hoạt động các ngành kinh tế và quốc phòng.
Luận cứ khoa học cho việc xây dựng công trình biển: đã tiến hành tính toán về kết cấu, vật liệu và đề xuất các giải pháp kỹ thuật cho việc xây dựng kè chống xói lở bờ đảo, đã áp dụng có kết quả trên một số đảo ở vùng quần đảo Trường Sa. Các vấn đề về lý luận và kỹ thuật chẩn đoán sự cố kỹ thuật các công trình biển bao gồm giàn khoan, cầu cảng trên thềm lục địa và ven đảo cũng được đặt ra và ứng dụng thực tiễn trong việc thiết kế, xây dựng và bảo dưỡng các công trình biển trong thời gian qua. Chương trình đã xây dựng được các đặc trưng, bộ tham số kỹ thuật có liên quan đến xây dựng công trình biển ven bờ, áp dụng để thành lập các luận chứng tiền khả thi cho các công trình.
Một số sản phẩm khoa học chính của chương trình bao gồm: 129 báo cáo khoa học và 118 bản đồ, sơ đồ tỷ lệ từ 1/200.000 đến 1/1.000.000 về các điều kiện tự nhiên, môi trường. Các ấn phẩm quan trọng đã được chương trình tổ chức biên tập, soạn thảo và phổ cập rộng rãi các thông tin tư liệu về biển – kết quả thực hiện các chương trình điều tra nghiên cứu biển cấp Nhà nước từ 1997 đến nay như: thông tin chung về các chương trình, báo cáo tổng kết chương trình và các đề tài trong các chương trình, đánh giá tổng hợp kết quả các chương trình, 04 tập chuyên khảo biển Việt Nam và Dự thảo Chiến lược phát triển KH&CN biển Việt Nam đến 2010-2020.
Chương trình sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường
Về khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên: Chương trình đã đưa ra nhiều giải pháp toàn diện cho những vấn đề tồn tại trong việc khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên ở nước ta. Đã kiến nghị nhiều biện pháp cải tiến công tác quy hoạch vùng, các giải pháp về sử dụng hợp lý đất và cải thiện chất lượng môi trường đất bằng các phương pháp canh tác hợp lý, các biện pháp bảo vệ đất, hạn chế sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật, tăng cường sử dụng các phương pháp sinh học.
Đã phát hiện và làm nổi bật một cách có hệ thống những mâu thuẫn, những cạnh tranh trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước và bảo vệ môi trường nước giữa các địa phương và các ngành trên cùng một lưu vực sông. Một số kết quả, như bộ "Hồ sơ lưu vực sông Đồng Nai", "Thư mục dữ liệu môi trường nước lưu vực sông Đồng Nai", có thể phục vụ làm luận cứ cho việc xây dựng khung thể chế quản lý thống nhất và tổng hợp tài nguyên nước lưu vực.
Đã làm rõ nguyên nhân của các hiện tượng hoang mạc hoá do đặc điểm địa hình, điều kiện khí hậu khô nóng, tính chất cực đoan của khí hậu-thuỷ văn giữa mùa khô và mùa mưa, thành phần thạch học của đất đá, các phương thức canh tác lạc hậu và việc chăn thả gia súc quá tải... Nhiều biện pháp đã được đề xuất, liên quan đến vấn đề quy hoạch, các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất và các giải pháp về tổ chức và quản lý. Một số mô hình dựa trên các kinh nghiệm của nhân dân đã được nghiên cứu, cải tiến và đang thử nghiệm, bước đầu cho kết quả tốt.
Về lĩnh vực bảo vệ môi trường: đã tính toán và dự báo tình hình ô nhiễm theo các kịch bản phát triển; đề ra các biện pháp phòng ngừa và các dự án xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường. Các giải pháp cụ thể đã được đề xuất nhằm khắc phục hậu quả và hoàn phục môi trường vùng mỏ sau khi khai thác khoáng sản. Đã xây dựng luận cứ khoa học cho mô hình thử nghiệm phương án hoàn phục môi trường mỏ sa khoáng thiếc Sơn Dương.
Đã đưa ra các mô hình lựa chọn công nghệ thích hợp; thiết kế, chế tạo và vận hành 2 mô hình xử lý nước thải, 2 mô hình xử lý khí thải có mùi hôi và 2 mô hình xử lý chất thải rắn hữu cơ; phân tích chi phí-lợi ích và đánh giá hiệu quả kinh tế-kỹ thuật của các mô hình công nghệ và kiến nghị phương pháp tổ chức chuyển giao công nghệ.
Đã nghiên cứu về vấn đề chất độc điôxin và đề xuất các giải pháp tiêu độc; kiến nghị công nhận hệ số đương lượng độc tố và liều lượng giới hạn cho phép của đioxin trong các đối tượng môi trường ở nước ta.
Đã nghiên cứu các khía cạnh môi trường liên quan đến công trình thuỷ điện Sơn La, đặc biệt về mặt địa chất, sinh thái và xã hội, có đóng góp cho việc xem xét báo cáo nghiên cứu khả thi của công trình. Về hai phương án "cao" và "thấp", đã tiến hành phân tích và so sánh tổng hợp, giúp cho việc lựa chọn phương án tối ưu.
Thu thập, xử lý và hệ thống hoá một khối lượng lớn các tài liệu, số liệu của các đề tài, như các tài liệu bản đồ địa hình và bản đồ cảnh quan sinh thái, các tài liệu về tài nguyên và tình hình sử dụng tài nguyên, hiện trạng và xu thế biến động môi trường lãnh thổ theo các hợp phần tự nhiên. Nghiên cứu tổng quan các nguyên nhân và nguy cơ ô nhiễm môi trường do các hoạt động KT-XH gây nên. Nghiên cứu xây dựng bản đồ tài nguyên-môi trường Việt Nam với tỷ lệ 1:1000000 và hệ thống bản đồ thành phần, đã được số hoá và lưu trữ trên máy tính.
Chương trình Phát triển nông nghiệp toàn diện, đa dạng và từng bước hiện đại hóa
Giống cây trồng: đã chọn tạo được 77 giống quốc gia và giống tiến bộ kỹ thuật, 80 giống khu vực hóa bao gồm giống cây lương thực (lúa, ngô, sắn), cây công nghiệp (lạc, đậu tương) các giống rau, các giống cây ăn quả đạt năng suất, chất lượng tốt như giống lúa OM 1490 gieo trồng ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, năng suất tăng 20% phục vụ xuất khẩu, giống ngô lai kép LVN, giống ngô lai ba LVN 17 năng suất tăng 20% trồng trên vùng đất bỏ hóa vụ; giống đầu dòng đặc sản có năng suất, phẩm chất tốt như xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Đồng Vai, nhãn tiêu lá bầu, cây có múi... xây dựng các mô hình trồng cây ăn quả và cải tạo vườn tạp thay thế giống cũ cho các tỉnh miền Nam.
Giống cây rừng: đã chọn lọc được 10 dòng keo lai tự nhiên trong đó có 6 dòng phát triển nhất, 3 dòng được công nhận giống quốc gia và 3 dòng khu vực hóa chuyển giao công nghệ cho địa phương và xây dựng mô hình trồng cây nông lâm nghiệp
Chăn nuôi: Xây dựng mô hình chăn nuôi bò hướng thịt và hướng sữa hàng hóa chất lượng cao cho một số vùng sinh thái (Vĩnh Phúc, Bình Định, Đắc Lắc), ứng dụng công nghệ cấy truyền phôi để nhân nhanh giống bò nhập nội cao sản hướng sữa, nghiên cứu các tổ hợp lai 3-4 máu của lợn đạt tỷ lệ nạc trên 55%. Xây dựng 4 mô hình nhân giống gà thả vườn có quy mô lớn đạt từ 30.000-90.000 gà, khép kín từ khâu giống-ấp-nở-cung cấp giống cho dân.
Qui trình công nghệ bảo quản, chế biến nông sản: qui trình bảo quản các loại rau quả; Qui trình công nghệ chế biến thức ăn chăn nuôi, chế biến nông sản thành thực phẩm, nước giải khát, thuốc chữa bệnh.... đã được ứng dụng và lưu thông trên thị trường phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Các mẫu máy và thiết bị phụ tùng trong nông nghiệp, bao gồm máy sấy, vòi phun nước, máy bơm, thiết bị tưới, cánh cổng lấy phù sa trong mùa lũ, đập ngăn mặn tiêu úng, các thiết bị phục vụ bảo quản và chế biến nông sản... đã được ứng dụng ở một số vùng ven biển, Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên.
Qui trình chăm sóc và cải tạo đất: đã xác lập quy trình công nghệ thích hợp để ổn định và nâng cao độ phì nhiêu đất dốc trong canh tác nông lâm nghiệp; quy trình công nghệ thích hợp để nâng cao độ phì nhiêu đất dốc thoái hóa, một số quy trình thâm canh tăng năng suất cây trồng vật nuôi và cây lâm nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao.
Chương trình Xây dựng Chiến lược và chính sách năng lượng bền vững
Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu năng lượng Việt Nam (1985-1999): bộ tư liệu năng lượng đã được Hội đồng khoa học đánh giá là khá toàn diện và có độ tin cậy cao có thể sử dụng cho công tác nghiên cứu, lập kế hoạch và quản lý nhà nước.
Xây dựng thể chế năng lượng phù hợp với tiến trình phát triển mới, gồm các kiến nghị xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hoàn thiện cơ cấu tổ chức quản lý nhà nước và quản lý kinh doanh hình thành thị trường năng lượng, kiến nghị thành lập Uỷ ban năng lượng Quốc gia để hoạch định chiến lược chính sách, điều phối hoạt động năng lượng
Biên soạn Dự thảo khung chính sách năng lượng Quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ. Dự thảo sẽ là cơ sở khoa học cho chính sách năng lượng Quốc gia chính thức tới đây, là công cụ điều hành phát triển năng lượng của Nhà nước. Trong quá trình soạn thảo, do yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, đã thực hiện các Dự thảo lần thứ nhất trình Chính phủ vào giữa năm 1999 và Dự thảo lần thứ hai trình Chính phủ vào giữa năm 2000. Trên cơ sở của các lần dự thảo, ngày 16/01/2002 Bộ KHCNMT đã trình Thủ tướng Chính phủ bản Dự thảo Chính sách năng lượng Quốc gia để Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành.
Dự thảo chính sách năng lượng Quốc gia gồm 7 chính sách chủ yếu sau:
1. Chính sách phát triển các nguồn năng lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững;
2. Chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
3. Chính sách giá năng lượng;
4. Chính sách đầu tư phát triển năng lượng;
5. Chính sách năng lượng nông thôn và miền núi;
6. Chính sách khoa học và công nghệ;
7. Chính sách bảo vệ môi trường trong hoạt động năng lượng.
Chương trình Công nghiệp hóa và hiện đại hóa giao thông vận tải
Đã hoàn thành các báo cáo Chiến lược phát triển toàn ngành GTVT đến năm 2020; Chiến lược phát triển và các giải pháp hiện đại hóa trong giao thông đô thị ở các thành phố lớn Việt Nam; Dự án phát triển giao thông đô thị và những giải pháp cấp bách chống ùn tắc giao thông cho thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Để phục vụ việc ứng dụng hệ thống vận tải tàu container trên đường sông đã chế tạo xong tầu sông chở container gồm 4 sà lan 400 tấn và tàu đẩy 270 CV.
Đã xây dựng hệ thống thống nhất Tiêu chuẩn qui trình qui phạm GTVT phục vụ cho công tác quản lý kinh tế kỹ thuật của ngành GTVT đứng trước những đòi hỏi của đổi mới công nghệ và hội nhập quốc tế.
Triển khai ứng dụng định vị toàn cầu trong hàng hải và hàng không dân dụng để tiếp cận và kết nối vào hệ thống định vị toàn cầu GPS trong lĩnh vực hàng hải và hàng không của Việt Nam.
Đã lựa chọn và kiến nghị kết cấu điển hình cho các loại mặt đường (cứng và mềm). Đưa ra phương pháp thiết kế tính toán các loại đường ô tô cấp cao và đường băng sân bay. Xác định chủng loại vật liệu và cơ cấu thành phần cấp phối tương ứng với các chế độ chịu tải và chế độ thuỷ nhiệt động của nền đường... Dự án thiết kế xây dựng cầu dây văng Thác Giềng thuộc tỉnh Bắc Kạn đã được thực hiện, đây là một trong những bước đi đầu tiên của các thế hệ cầu dây văng ở nước ta, với việc thiết kế tính toán và chỉ đạo thi công hoàn toàn do các chuyên gia Việt Nam đảm nhận. Sắp tới đây, cầu dây văng Rạch Miễu với khẩu độ vượt sông 250m sẽ được khởi công đánh dấu một nỗ lực rất cao của đội ngũ những chuyên gia và thợ cầu Việt Nam trong tiến trình làm chủ kỹ thuật cầu dây văng.
Đã chọn và đưa ra một loại hình cầu bê tông cốt thép phù hợp với nền đất yếu và chịu xâm nhập mặn, dễ thi công, có giá thành hợp lý, tiết kiệm trong duy tu, bảo dưỡng... có thể xây dựng đại trà cho các vùng sâu, vùng xa trên đồng bằng sông Cửu Long.
Đã đưa ra các giải pháp KHCN đảm bảo chạy tàu đường sắt tốc độ cao; cung cấp những căn cứ khoa học và thực tiễn để lựa chọn dải tốc độ khả thi cho việc chạy tàu tốc độ cao trên đường sắt khổ 1m của Việt Nam; đưa ra các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và những giải pháp KHCN trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trong sản xuất và đổi mới phương tiện đầu máy, toa xe, cũng như trong việc trang bị kỹ thuật thông tin tín hiệu điều khiển chạy tàu... Dự án sản xuất thử nghiệm như nghiên cứu sản xuất giá chuyển hướng dùng lò xo không khí có xà nhún và đặc biệt là dự án đóng mới toa xe cao cấp do nhà máy xe lửa Gia Lâm đảm nhận, để lắp vào các đoàn tàu trên tuyến Thống Nhất cũng đã được thực hiện thành công, đó là các đoàn tàu thế hệ mới chạy 32 giờ và sắp tới sẽ là 30 giờ trên tuyến Bắc - Nam.
Chương trình Bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng
Về phòng bệnh: đã nghiên cứu thành công và đưa vào sản xuất nhiều loại vacxin và chế phẩm sinh học góp phần vào công cuộc bảo vệ sức khỏe cho nhân dân: Nghiên cứu thành công công nghệ mới vacxin viêm gan B tái tổ hợp ADN (thế hệ 2) ở qui mô phòng thí nghiệm.
Đã ổn định qui trình công nghệ sản xuất vacxin viêm gan B từ plasma (thế hệ 1) qui mô 500.000 liều/năm đạt tiêu chuẩn quốc tế, giá rẻ bằng 1/3 nhập ngoại, đã sản xuất được hơn 3 triệu liều phục vụ cho chương trình Tiêm chủng mở rộng; đã ổn định qui trình công nghệ sản xuất vacxin tả uống có phối hợp kháng nguyên O1 và O139 qui mô bán công nghiệp 500.000 liều/năm đã sản xuất hơn 2 triệu liều phục vụ cho việc bao vây và khống chế dịch có hiệu quả, đặc biệt đối với các vùng sau lũ lụt.
Về điều trị: đã nghiên cứu chọn lọc một số thành tựu KH&CN tiên tiến của thế giới về tim mạch ứng dụng thích hợp vào Việt Nam, đã điều trị thành công ngang với các nước trong khu vực về một số bệnh tim mạch, tạo bước nhảy vọt của ngành y tế Việt Nam trong ứng dụng công nghệ tiên tiến để điều trị và chẩn đoán một số bệnh tim mạch như nong và đặt Sten, nong van 2 lá, siêu âm tim qua thực quản, tim Stress với độ thành công 98-100% và chi phí rẻ hơn rất nhiều so với điều trị ở nước ngoài.
Đã thành công trong việc tách một số thành phần máu để truyền máu từng phần thay thế truyền máu toàn phần để tăng tính an toàn trong truyền máu và hiệu quả trong điều trị các bệnh về máu. Đã được ứng dụng trên một số tỉnh và thành phố, tăng được 70% sản phẩm trong điều trị và không phải nhập ngoại.
Đã nghiên cứu thành công qui trình hỗ trợ cắt cơn và duy trì hỗ trợ cai nghiện ma tuý bằng phương pháp điện châm, không dùng thuốc, không độc hại, không có tai biến và có giá trị kinh tế
Về xây dựng mô hình: đã xây dựng mô hình lồng ghép một số giải pháp ở địa bàn xã huyện để cải thiện tình trạng dinh dưỡng và vệ sinh thực phẩm, mô hình kĩ thuật an toàn lao động trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo an toàn nông sản, thực phảm và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, mô hình giám sát dịch tễ học bệnh truyền nhiễm ở các bệnh viện tỉnh, huyện, phòng khám khu vực và các xã phường. Đã xây dựng mô hình sàng lọc bảo đảm an toàn truyền máu từ các đối tượng cho máu trên cộng đồng.
Kết quả thực hiện các chương trình KHXH&NV cấp nhà nước giai đoạn 1996-2000
Chương trình Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
Đã tiến hành nghiên cứu một cách cơ bản, có hệ thống và toàn diện về định hướng XHCN ở nước ta: khái niệm; tính tất yếu; mục tiêu; nội dung của định hướng XHCN trên các lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội. Để xây dựng CNXH ở Việt Nam, chúng ta phải lấy lý luận Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm cơ sở khoa học cho việc xác định đúng đắn đường lối đi lên CNXH. Tuy nhiên, đường lối ấy không phải là hiện thân của lý luận Mác-Lênin thuần tuý, mà là kết quả của sự vận dụng sáng tạo lý luận ấy vào hoàn cảnh cụ thể của đất nước tại thời điểm được hoạch định.
Trên cơ sở phân tích và xem xét con đường cứu nước, giải phóng dân tộc và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, các kết quả nghiên cứu đã khẳng định rằng con đường cách mạng Hồ Chí Minh là con đường đưa cách mạng Việt Nam thoát khỏi sự khủng hoảng về đường lối kéo dài từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta cho đến ba thập kỷ đầu của thế kỷ XX. Con đường đi tới mục tiêu không phải chỉ là độc lập và giải phóng dân tộc, mà còn là xây dựng CNXH, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Các tác giả đã phân tích những sai lầm về chủ trương, chính sách, về chỉ đạo chiến lược, về tổ chức thực hiện khi cả nước quá độ lên CNXH.
Làm sáng tỏ tư tưởng Hồ Chí Minh về thời kỳ quá độ đi lên CNXH ở Việt Nam; lý giải tác dụng, ảnh hưởng của tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH như là linh hồn và ngọn cờ của sự nghiệp đổi mới và nêu lên một số quan điểm có ý nghĩa phương pháp luận chỉ đạo việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH hiện nay. Trên cơ sở đó các đề tài nghiên cứu đã đưa ra những kiến nghị cụ thể cho các vấn đề bức xúc cần giải quyết tốt theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đã làm rõ rằng con đường đi lên CNXH ở Việt Nam bỏ qua chế độ TBCN là con đường thuộc loại hình “phát triển rút ngắn” với phương thức “quá độ gián tiếp”, song con đường phát triển sẽ gặp không ít khó khăn, phải vượt qua nhiều gian nan, trở lực, do vậy thời gian cần thiết để hoàn thành những nhiệm vụ lịch sử của thời kỳ quá độ cũng không thể ngắn, dù có thể rút ngắn đi nữa. Các đề tài nghiên cứu đã chỉ rõ những điều kiện thiết yếu như: cần phải xây dựng và phát triển một cơ cấu xã hội phù hợp với nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức XHCN; đảm bảo sự phát triển mạnh mẽ của KHKT và tiến bộ công nghệ; kết hợp hữu cơ chính sách kinh tế với chính sách xã hội; tăng trưởng kinh tế gắn liền với từng bước thực hiện công bằng xã hội; kết hợp hài hoà giữa phát triển các năng lực xã hội bên trong với các nhân tố hỗ trợ từ bên ngoài thông qua mở cửa, hội nhập quốc tế...
Đã chứng minh tính đúng đắn của quan điểm chủ động hội nhập kinh tế quốc tế trên nguyên tắc phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng XHCN, bảo vệ lợi ích dân tộc, bản sắc dân tộc, môi trường sinh thái, an ninh quốc gia. Phân tích những vấn đề nảy sinh, những thách thức trong việc giải quyết quan hệ giai cấp-dân tộc-quốc tế trong điều kiện kinh tế thị trường và toàn cầu hoá.
Chương trình Phương hướng, mục tiêu, tiến trình và những giải pháp nhằm CNH, HĐH đất nước
Đã tiến hành luận giải về tính quy định của đặc điểm và xu thế chủ yếu của thế giới ngày nay đến cách tiếp cận CNH, HĐH và sự lựa chọn mô hình công nghiệp hóa ở Việt Nam; nêu cơ sở khoa học cho những quan điểm cơ bản về CNH, HĐH của Việt Nam trong điều kiện thế giới ngày nay và xác lập mô hình CNH, HĐH rút ngắn ở Việt Nam. Đã tiến hành phân tích, tổng hợp những bài học kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới trong thực hiện công nghiệp hóa, đặc biệt là những nước có điều kiện xuất phát gần giống với Việt Nam, để từ đó đưa ra các phương hướng và hệ mục tiêu tổng thể của tiến trình CNH, HĐH ở Việt Nam giai đoạn 1996-2020.
Trên cơ sở phân tích tình hình, nêu những mặt thuận lợi và những hạn chế của các nguồn lực vật chất chủ yếu đang được huy động phục vụ cho CNH, HĐH ở nước ta hiện nay, Chương trình đã đánh giá khả năng của các loại nguồn lực và luận giải về những yếu tố, điều kiện tác động để đi tới dự báo về xu hướng khả năng của mỗi loại nguồn lực, nêu lên định hướng khả năng khai thác tiềm năng của mỗi loại nguồn lực trong thời gian tới. Đề xuất các giải pháp cơ bản để huy động, tạo nguồn lực và khai thác về các nguồn nhân lực, tài chính, tài nguyên, công nghệ và đầu tư của nước ngoài, nguồn lực trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài để phục vụ cho CNH, HĐH đất nước.
Phân tích những yêu cầu thực hiện CNH, HĐH giai đoạn hiện nay và kiến nghị một hệ thống chính sách kinh tế vĩ mô đồng bộ để đáp ứng những yêu cầu đó. Phân tích và kiến nghị giải pháp điều chỉnh những chính sách đầu tư, chính sách điều chỉnh cơ cấu, chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ, chính sách thương mại, chính sách về tỷ giá hối đoái và quản lý ngoại tệ, chính sách thu nhập,... Luận giải cơ sở khoa học của việc hình thành đồng bộ hệ thống pháp luật về kinh tế gắn với đổi mới tư duy kinh tế hiện nay; xây dựng hệ thống quan điểm về hoàn thiện và đổi mới pháp luật về kinh tế ở Việt Nam theo yêu cầu của phát triển kinh tế trong quá trình CNH, HĐH và tăng cường hội nhập.
Phân tích quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và kinh tế nông thôn Việt Nam trong những năm qua, nhất là từ sau đổi mới phát triển kinh tế đất nước. Trình bầy những đặc điểm phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn của các vùng đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long. Luận giải điều kiện của quá trình CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn của nước ta và đặc biệt là ở hai vùng đồng bằng lớn; đề xuất một số giải pháp cơ bản để tiến hành và thực hiện có hiệu quả quá trình CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn.
Chương trình xây dựng quan hệ sản xuất theo định hướng XHCN và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ở Việt Nam
Chương trình đã xây dựng được 6 bản kiến nghị gửi tới Hội đồng Lý luận Trung ương nhằm kịp thời đóng góp ý kiến với các cơ quan xây dựng chính sách kinh tế của Đảng và Nhà nước, đã xây dựng 2 bản kiến nghị gửi qua Hội đồng Lý luận Trung ương tới Ban soạn thảo Báo cáo chính trị Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX. Các kết quả nghiên cứu của Chương trình đã cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho các cơ quan của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng và thực hiện đường lối, chính sách phát triển KT-XH nước ta trong chặng đường tiến lên CNXH.
Đã đưa ra được một số kiến nghị nổi bật liên quan đến những vấn đề khoa học lâu nay còn đang có nhiều tranh cãi như: quan niệm về quan hệ sản xuất XHCN và quan hệ sản xuất định hướng XHCN; quan điểm về phân định cơ cấu nền kinh tế nước ta hiện nay thành 5 loại hình kinh tế chủ yếu; quan điểm về vai trò của các thành phần kinh tế và các loại hình kinh tế; qhính sách và giải pháp phát triển hiện nay ở nước ta; quan điểm về công bằng xã hội và hệ thống các chính sách và giải pháp về việc xây dựng quan hệ sản xuất định hướng XHCN và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, phát huy vai trò của các giai tầng xã hội nhằm tác động hợp lý đến sự biến đổi cơ cấu và quan hệ giữa các giai tầng xã hội.
Đề xuất một hệ thống chính sách và giải pháp hoàn thiện và phát triển cơ cấu, các thành phần kinh tế theo định hướng XHCN; tiếp tục đổi mới tăng cường thành phần kinh tế Nhà nước ở nước ta; kết hợp tăng trưởng kinh tế với thực hiện công bằng xã hội. Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về kinh tế hợp tác, kinh tế cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân và tổng kết về thực trạng kinh tế hợp tác và các thành phần kinh tế tư nhân ở Việt Nam, các đề tài nghiên cứu đã đề xuất quan điểm, mục tiêu, phương hướng và hệ thống chính sách phát triển các thành phần kinh tế hợp tác xã, kinh tế cá thể, tiểu chủ và tư bản tư nhân.
Đã thực hiện thành công các mục tiêu nghiên cứu lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý thuyết và kinh nghiệm nước ngoài về phát triển xã hội và quản lý sự phát triển xã hội trên nguyên tắc tiến bộ và công bằng; Nghiên cứu thực trạng quản lý sự phát triển xã hội ở nước ta và đề xuất những chỉ báo và chuẩn mực về phát triển xã hội ở Việt Nam; Nghiên cứu nội dung và khả năng thực hiện các chính sách và giải pháp quản lý sự phát triển xã hội đối với các vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, hoà nhập cộng đồng. Đã đề xuất những chính sách và giải pháp đồng bộ để nâng cao vai trò của tất cả các giai tầng xã hội trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Chương trình phát triển văn hoá, xây dựng con người trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước
Đã làm rõ các quan điểm về phát triển toàn diện con người của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và được coi là cơ sở khoa học của chiến lược phát triển toàn diện con người thời kỳ CNH, HĐH. Làm rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá và con người, từ khái niệm văn hoá, nền văn hoá mới ở Hồ Chí Minh đến tư tưởng Hồ Chí Minh về các lĩnh vực chính của văn hoá: Văn hoá giáo dục; Văn hoá văn nghệ; Văn hoá đời sống đạo đức, lối sống và nếp sống; Văn hoá chính trị.
Trên cơ sở nhìn lại các văn kiện của Đảng về văn hoá, Chương trình đã phân kỳ lịch sử phát triển văn hoá Việt Nam và phân tích rõ 5 đặc điểm của văn hoá Việt Nam, làm rõ bản sắc văn hoá dân tộc; tính thống nhất và đa dạng của văn hoá các dân tộc Việt Nam, văn hoá vùng, văn hoá tộc người, đời sống văn hoá tinh thần, phong tục tập quán. Đã làm sáng tỏ các khái niệm đạo đức lối sống và chuẩn giá trị xã hội và vai trò của đạo đức, lối sống và chuẩn giá trị xã hội đối với phát triển văn hoá và xây dựng con người trong điều kiện CNH, HĐH, phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Đã xác định lại hai khái niệm khoa học: dân tộc và tộc người, trên cơ sở đó phân tích sự xung đột tộc người hiện nay và dự báo khả năng xung đột tộc người trên thế giới trong 2 -3 thập niên đầu thế kỷ XXI. Làm rõ những vấn đề lý luận liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam.
Qua các cuộc điều tra xã hội học, khảo sát thực tế, các đề tài nghiên cứu đã làm sáng tỏ thực trạng các vấn đề phát triển văn hoá, xây dựng con người như: đời sống văn hoá của các dân tộc, các vùng, miền; nhân cách con người Việt Nam; tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của thanh niên, học sinh, sinh viên; đời sống và quan hệ c?c dân tộc ở Việt Nam; đời sống tôn giáo ở Việt Nam.
Trên cơ sở nghiên cứu những vấn đề lý luận cơ bản, điều tra khảo sát thực tế, đã đề xuất các giải pháp mang tính chiến lược phát triển văn hoá, xây dựng con người trong thời kỳ CNH, HĐH: Giải pháp vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá và con người vào việc phát triển văn hoá, xây dựng con người; đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sống; xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đảm bảo tính thống nhất và đa dạng; phát triển toàn diện con người Việt Nam; xây dựng lối sống, chuẩn giá trị xã hội mới; giải quyết tốt hơn nữa mối quan hệ giữa các dân tộc ở nước ta trong thời kỳ CNH, HĐH; giải pháp về thực hiện tốt chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước.
Chương trình những vấn đề về chủ nghĩa tư bản hiện đại
Đã phân tích những đặc điểm, mâu thuẫn và triển vọng phát triển của CNTB hiện đại, làm nổi bật những khả năng thích ứng và tiến hành đánh giá tổng quát về CNTB hiện đại với đặc trưng cơ bản nổi bật để từ đó rút ra những nhận định quan trọng về vai trò, tác động của các nước tư bản lớn đối với chiều hướng phát triển của thế giới ngày nay, đề xuất các giải pháp cho chính sách của nước ta. Đã chứng minh hoàn toàn có căn cứ rằng CNTB còn tồn tại khá lâu, song không phải là vĩnh viễn, sự phát triển của CNTB hiện đại ngày càng chuẩn bị những điều kiện chín muồi hơn cho CNXH, từ đó rút ra kết luận lôgic rằng, quá độ từ CNTB lên CNXH vẫn là một xu hướng của thời đại, song đó là một quá trình rất dài.
Đã làm rõ mối quan hệ giữa các nước tư bản lớn sau chiến tranh lạnh và quan hệ của các nước này với các nước khác, đó là xu hướng cạnh tranh và hợp tác cùng tồn tại, cùng phát huy tác dụng thúc đẩy kinh tế, các nước tư bản lớn ngày càng có xu hướng xâm nhập lẫn nhau và liên minh giữa chúng về một số lĩnh vực đang mạnh lên. Tuy nhiên sự cạnh tranh đó đang ngày càng quyết liệt, chiến tranh kinh tế ngày càng gay gắt và những nhân tố chủ yếu tác động đến quan hệ này là cách mạng KH&CN, toàn cầu hoá kinh tế, thị trường hoá kinh tế thế giới và liên kết kinh tế khu vực.
Về vấn đề phát triển kinh tế Việt Nam và quan hệ với các nước tư bản, Chương trình đã rút ra nhận định rằng, phát triển nền kinh tế thị trường mở hiện đại theo định hướng XHCN là hoàn toàn phù hợp với những kinh nghiệm lịch sử thế giới và xu hướng phát triển của thế giới. Lựa chọn này hàm ý nền kinh tế nhiều thành phần, có điều tiết của Nhà nước, càng đi sâu càng mở cửa và quốc tế hoá ở trình độ cao mới có thể rút ngắn khoảng cách so với các nước phát triển. Cần phải đề cao tinh thần pháp luật để đảm bảo ổn định chính trị, xã hội, hoàn thiện nền dân chủ XHCN, làm cho chế độ ta ngày càng thật sự do dân, vì dân.
Đưa ra những luận cứ và kiến nghị về một số vấn đề chiến lược, sách lược của nước ta trong việc liên kết, liên minh, mở rộng các quan hệ kinh tế với tất cả các nước, tham gia đầy đủ vào tất cả các tổ chức kinh tế quốc tế, khu vực và toàn cầu; đa dạng hoá, đa phương hoá các quan hệ kinh tế đối ngoại với các nước, nhưng trước hết cần xác định cụ thể những nước và các tổ chức chủ chốt có tầm quan trọng trực tiếp và lâu dài với chúng ta. Đã xác định những điều kiện cụ thể phát triển quan hệ có lợi cho ta trong quan hệ với các nước tư bản, đặc biệt là đối với các nước tư bản lớn và kiến nghị những hướng ưu tiên về mặt kinh tế như đào tạo, đào tạo lại; thu hút đầu tư nước ngoài từ các nước tư bản lớn, đặc biệt là những dự án công nghệ cao có tác động đến công nghiệp, nông nghiệp và bảo vệ môi trường.
Đánh giá kết quả thực hiện các chương trình KH&CN giai đoạn 1996-2000
Nhìn chung các chương trình đều đạt mục tiêu đã đề ra, các sản phẩm khoa học tạo ra đa dạng về chủng loại, có chất lượng, có giá trị ứng dụng, đáp ứng được yêu cầu xã hội. Một số sản phẩm KH&CN đã đạt được các giải thưởng trong nước.
Đã gắn công tác nghiên cứu với phục vụ sản xuất và đời sống, nhiều kết quả nghiên cứu đề ra do nhu cầu cần thiết của cuộc sống và đã được ứng dụng khi đánh giá nghiệm thu. Đã nghiên cứu tiếp cận và ứng dụng công nghệ cao để tạo ra nhiều sản phẩm khoa học có chất lượng và công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến.
Trong quá trình tổ chức triển khai các chương trình, Bộ KHCNMT phối hợp với Ban chỉ đạo chương trình và các Bộ, ngành bám sát Thông tư số 2155/KH, Bộ đã tiến hành phê duyệt thuyết minh tổng quát của các chương trình, phê duyệt kinh phí thực hiện của từng đề tài trong cả giai đoạn và đảm bảo cấp đủ kinh phí cho đề tài theo thuyết minh đã được phê duyệt.
Tuy nhiên trong công tác tổ chức và quản lý chương trình vẫn còn tồn tại một số nhược điểm như: Sự phối hợp giữa Ban chỉ đạo chương trình và Bộ chủ quản của đơn vị chủ trì đề tài đôi khi còn chưa chặt chẽ; việc lựa chọn danh mục các đề tài và cơ quan chủ trì đề tài thuộc chương trình mới chỉ dựa vào các Ban tư vấn, chưa tổ chức đăng ký rộng rãi và tuyển chọn công khai; công tác kiểm tra, giám sát các đề tài còn chưa được tiến hành thường xuyên nên chưa nắm sát tình hình triển khai thực hiện đề tài.
Nguồn: Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia