1.6.2. Tổng quan về những thành tựu chủ yếu đạt được của KH&CN
Tính đến nay, nhiều nhà khoa học tiên phong của nước ta đã có các nghiên cứu xuất sắc góp phần quan trọng tạo điều kiện cho bước phát triển của nền KH&CN Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Nguồn nhân lực trực tiếp tham gia nghiên cứu khoa học đã có bước trưởng thành đáng kể, đã kế thừa và tiếp nối sự tinh túy của các nhà khoa học đầu đàn trưởng thành trong thời kỳ cách mạng, đã có bề dày truyền thống và thực tiễn, đã đạt được những thành tựu KH&CN trong các ngành :
Nông nghiệp
Hoạt động nghiên cứu KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp đã tạo ra được nhiều kết quả thiết thực, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nông thôn nước ta. Nhiều đề tài đã cung cấp luận cứ và cơ sở khoa học cho xây dựng chiến lược, chính sách và định hướng phát triển ngành. Trong đó, nổi bật là những nghiên cứu phục vụ việc xác định tiêu chí, quan điểm và lộ trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn; đề xuất chính sách và giải pháp chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn theo hướng CNH, HĐH.
Các thành tựu về giống cây trồng, vật nuôi đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, sản lượng lương thực, thực phẩm, đưa sản xuất nông nghiệp từng bước trở thành sản xuất hàng hoá, không những đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn dư thừa để xuất khẩu. Việc nhập nội, lai tạo một số giống lợn ngoại như lợn Landrace, Yorkshise, Duroc… đã nâng cao trọng lượng xuất chuồng, tỷ lệ nạc cao, lượng thức ăn tiêu tốn giảm. Đối với đàn bò cũng có nhiều kết quả đáng khích lệ: Chương trình Sind hoá, Zêbu hoá đã nâng cao trọng lượng, tỷ lệ thịt xẻ đối với bò thịt và tăng cả về số đầu con và sản lượng sữa trong mỗi chu kỳ đối với đàn bò sữa. Đàn gia cầm cũng tăng cao về số lượng, đa dạng về chủng loại, sản lượng thịt, trứng tăng vọt, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng. Về lâm nghiệp, nhiều kết quả nghiên cứu về lâm sinh, chọn tạo giống mới (keo lai, keo lá tràm, bạch đàn giống mới cho năng suất cao…) đã được triển khai thành công, góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, nâng cao độ che phủ của rừng…
Những kết quả nghiên cứu về thiết bị và công nghệ sấy, bảo quản, chế biến, bao bì, đóng gói… đã làm tăng chất lượng và giá trị, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Bên cạnh đó, KH&CN còn góp phần khai thác có hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Trong điều kiện diện tích đất canh tác trên đầu người thấp, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, KH&CN đã tập trung nghiên cứu các giải pháp khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên đất, tài nguyên nước, tăng cường bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Dưới đây là một số kết quả nghiên cứu nổi bật, được sắp xếp theo lĩnh vực :
Giống cây trồng
Giai đoạn 1986-2004, các nhà khoa học Việt Nam đã chọn tạo và tuyển chọn được 345 giống cây trồng nông nghiệp mới, trong đó 149 giống lúa, 44 giống ngô, 9 giống khoai lang, 8 giống khoai tây, 19 giống đậu tương, 14 giống lạc và nhiều giống rau, cây ăn quả, cây có củ, cây công nghiệp,v.v.
Theo điều tra mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2003-2004 các giống cây trồng do các nhà khoa học của Việt Nam chọn tạo và được sử dụng trong sản xuất chiếm tỷ lệ diện tích như sau: lúa 45,1% (trong đó Đồng bằng sông Cửu Long là 72% và Đồng bằng sông Hồng là 12%); ngô 46,6% (bao gồm cả ngô lai và thụ phấn tự do); lạc 25,1% giống mới và 45,4% giống địa phương cải tiến; đậu tương 60,4% ...
Giống lúa chất lượng cao BM 9855 đã khẳng định về mặt năng suất và chất lượng, được canh tác trên vùng lúa trọng điểm của Đồng bằng sông Hồng phục vụ cho xuất khẩu. Giống lúa này cho năng suất cao hơn 18% so với các giống lúa cùng trà như C70, DA... Các nhà khoa học đã làm chủ được công nghệ sản xuất thông qua việc tạo ra được 160 tấn giống lúa, chuẩn bị một số lượng giống đáng kể cho các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng.
Các giống lúa mới DR1 và DR2 có năng suất cao, chịu hạn, thích hợp cho các tỉnh Trung du Bắc bộ và Tây Nguyên đã được tạo ra và triển khai trồng trên hàng ngàn hecta, đạt năng suất cao, được các địa phương chấp nhận.
Giống lúa lai mới Dự ưu 527 của Trung Quốc với năng suất tăng thêm 0,5 tấn/ha cũng đã được các nhà khoa học khảo nghiệm và thuần hoá, sẵn sàng phục vụ cho sản xuất lúa của các tỉnh phía Bắc. Với 70.000 ha lúa được khảo nghiệm lợi nhuận thu đạt được khoảng 70 tỷ đồng.
Bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào, hàng năm Việt Nam đã có thể nhân giống, sản xuất ra hàng chục triệu cây trồng, gồm: lúa, ngô, chuối, mía, dứa, khoai tây, cây ăn quả, cây lâm nghiệp, cây dược liệu và cây cảnh. Qua việc kết hợp khai thác biến dị dòng soma với đột biến bằng hóa chất đã tạo ra được dòng lúa KDM39 và giống DR3 có các đặc tính ưu việt. Đặc biệt, đã sản xuất được các dòng lúa thuần mang gen quý, như gen bất dục đực tế bào chất, bất dục đực nhân (gen TGMS, PGMS0, gen kết hợp rộng, gen kháng sâu bệnh v.v. để phục vụ cho tạo giống ưu thế lai.
Nhiều công nghệ sản xuất giống các loại rau, củ, quả đã được các nhà khoa học làm chủ và chuyển giao cho sản xuất. Giống cà chua lai số 1 C95 đã được trồng gần 300 ha tại Nam Định, Hà Nam, Hải Dương và Hải Phòng cho năng suất 45-47 tấn/ha phục vụ cho các nhà máy chế biến cà chua và làm tăng thu nhập cho người nông dân thêm 20 triệu đồng/ha. Giống khoai tây PO3 làm tăng năng suất tới 200%, có chất lượng cao phù hợp cho chế biến. Công nghệ phôi vô tính thực vật cũng đã được nghiên cứu và triển khai thành công, qua đó có thể nhân nhanh và sản xuất các giống hoa, cây có múi không hạt với đòi hỏi hàng triệu cây mỗi năm.
Mô hình làng nghề sản xuất nấm đồng bộ từ khâu tạo giống, nuôi trồng, thu hái, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nấm đã được áp dụng vào thực tiễn. Bước đầu đã hình thành được 3 làng nghề sản xuất nấm (Vĩnh phúc, Hưng Yên, Ninh Bình) quy mô 100-150 hộ/làng, sản xuất 200-300 tấn/năm. Đã tạo ra khoảng 300-400 việc làm trong mỗi làng. Bước đầu hình thành làng nghề sản xuất nấm ở Việt Nam. Với sự đầu tư 400 triệu đồng và vốn của dân khoảng 1200 triệu, thu nhập của mỗi làng đã đạt tới 3000 triệu/năm. Ngoài hiệu quả kinh tế, các kết quả này còn mang ý nghĩa xã hội, tạo thu nhập, việc làm, góp phần củng cố an ninh xã hội ở các vùng nông thôn Việt Nam, hiện nay đang là vấn đề bức xúc cần quan tâm. Nhiều gia đình ở Khánh Nhạc - Yên Khánh - Ninh Bình đổi đời do tham gia sản xuất nấm. Mô hình này đang được nhân rộng ra nhiều vùng trong cả nước.
Chăn nuôi
Tỷ trọng của chăn nuôi trong toàn ngành nông nghiệp tăng từ 17,9% năm 1986 lên 20% năm 2004 và từng bước trở thành một ngành sản xuất hàng hóa có quy mô ngày càng cao trong nông nghiệp. Phương thức tổ chức sản xuất chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp phát trỉển. Đặc biệt đã xuất hiện nhiều mô hình trang trại ứng dụng tốt các tiến bộ KH&CN, đạt hiệu quả kinh tế cao. Đàn bò sữa tăng từ 3.910 con năm 1985, lên gần 100 ngàn con năm 2004. Chất lượng đàn bò sữa cũng được nâng lên rõ rệt, khả năng sản xuất sữa từ 1880-2100kg/chu kỳ năm 1985 lên 3414 – 4000kg/chu kỳ năm 2004.Với bò thịt, đã có 20-22% (trong số 4,8 triệu con) được Zebu hóa. Công thức lai kinh tế giữa bò lai Sind với các giống Charolais, Hereford, Limousine, Red Brahman, Grey Brahman…đang được nghiên cứu và đưa vào sản xuất. Các quy trình vỗ béo bò thịt được phát triển ở nhiều vùng nên đã nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò cho nông dân. Trong chăn nuôi lợn, các nhà khoa học đã nghiên cứu phát triển ứng dụng có hiệu quả các công thức lai 2-3 máu giữa lợn ngoại (Đại Bạch, Landrade) với lợn nội (Móng Cái) cho tỷ lệ nạc đạt tới 49-52%, trọng lượng xuất chuồng 70-85 kg. Lợn ngoại lai 3-4 máu (Landrade, Đại Bạch, Duroc…) cho tỷ lệ nạc 56-60%, trọng lượng xuất chuồng 90-95 kg. Giống gà nội đã được cải tiến nâng cao năng suất như gà ri vàng rơm. Các giống gà nhập nội sau quá trình nuôi thích nghi đã cho kết quả tốt như Lương Phượng LV1, LV2 và LV3, Sasso, Kabir…Hai dòng vịt siêu thịt mới có năng suất cao là T5 (dòng trống) và T6 (dòng mái), năng suất trứng đến 68 tuần tuổi là 223-232 quả/mái. Con lai T5 và T6 có trọng lượng trên 3 kg khi 7 tuần tuổi với chi phí thức ăn là 2,35 kg/ 1kg tăng trọng. Vịt CV Super-M và vịt CV 2000 được nuôi theo phương thức nuôi khô có sản lượng trứng bình quân 196,4 quả/mái/49 tuần đẻ.
Về vắc-xin, đã nghiên cứu được vắc-xin Lasot chịu nhiệt, phòng bệnh Newcastle, vắc-xin phòng bệnh tụ huyết trùng gia cầm keo phèn và nhũ hóa chế từ chủng P. multocida N41, vắc-xin phòng bệnh E.coli phù đầu ở lợn con, vắc-xin phòng bệnh tụ huyết trùng dê, vắc-xin Gumboro nhược độc đông khô chủng 2512, vắc-xin Parvovius phòng bệnh rối loạn sinh sản ở lợn. Các loại vắc-xin nhị liên, tam liên nhược độc đông khô, vắc-xin phó thương hàn nhược độc đông khô…được sản xuất và sử dụng rộng rãi trong phòng chống bệnh cho vật nuôi. Quy trình chẩn đoán, phòng bệnh cho gia súc, gia cầm cũng được áp dụng có hiệu quả.
Trong nghiên cứu phục vụ phòng chống dịch cúm gia cầm đã bước đầu thiết lập phương pháp chẩn đoán, chế kháng nguyên và kháng thể để phục vụ cho chẩn đoán và giám sát bệnh, xác định thủy cầm là nguồn quan trọng tồn lưu mầm bệnh, thử nghiệm vắc-xin phòng trị cúm gia cầm.
Bảo quản và chế biến nông lâm sản
Máy lên men liên tục dùng trong chế biến chè đen OTD được thiết kế và chế tạo với giá khoảng 150 triệu đồng (rẻ chỉ bằng 1/3 giá nhập của Ấn Độ), máy lên men liên tục nên tiết kiệm năng lượng và nhân công, giảm chi phí 450-500 đồng/kg chè khô. Với nhà máy chè có công suất 13 tấn chè tươi/ngày, sản lượng chè khô 533 tấn sản phẩm thì giá trị gia tăng trong 1 năm sẽ đạt hơn 260 triệu đồng.
Đã nghiên cứu thiết kế chế tạo thành công các si-lô bảo quản có công suất từ 200 đến 300 tấn, khắc phục được các nhược điểm của các si-lô nhập ngoại, phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương. Công nghệ này ngoài việc giúp nâng cao chất lượng nông sản bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch còn mở ra khả năng phát triển thị trường silô nhỏ và vừa trong nước với giá thành thấp đáp ứng nhu cầu rộng rãi của ngời dân trong khu vực và xuất khẩu sang các nước lân cận.
Dây chuyền chế biến hạt giống (cho lúa, ngô) quy mô 1,5 tấn/giờ là sản phẩm của đề tài KC.07.05 với giá thành khoảng 1 tỷ đồng đã được thực tiễn sản xuất chấp nhận và lắp đặt hoàn chỉnh tại 5 cơ sở (điển hình có Công ty giống cây trồng Thừa Thiên-Huế). Các chỉ tiêu công nghệ của thiết bị, kiểu dáng công nghiệp, độ sạch, tỷ lệ nảy mầm, chi phí sản xuất đều đạt yêu cầu, giá thành rẻ hơn nhiều so với giá thiết bị tương đương nhập ngoại của EU và Trung Quốc. Thử nghiệm cho thấy chất lượng tốt hơn nhiều so với các thiết bị nhập của Trung Quốc. Chi phí sấy của thiết bị vào khoảng 100-120 đồng/kg lúa giống. Trong khi với thiết bị của EU khoảng 450 đồng/kg và của Trung Quốc từ 200-250 đồng/kg. Nếu so sánh với dây chuyền cùng loại của Trung Quốc và chỉ tính theo chỉ số giá của dây chuyền thiết bị thì đề tài đã làm lợi khoảng 340 tỷ đồng. Đó là chưa tính đến các giá trị khác liên quan đến sự chủ động, nâng cao năng lực thiết kế, chế tạo của ngành cơ khí Việt Nam.
Lâm nghiệp
Giai đoạn 1976-1985, năng suất rừng trồng rất thấp, chỉ đạt 3-5 m3/ha/năm, tỷ lệ thành rừng đạt khoảng 50%, nhưng trong thời kỳ 1986-2004, năng suất rừng tăng lên rõ rệt, nhiều nơi đã đạt 15m3/ha/năm, có nơi đã đạt năng suất 20-25 m3/ha/năm đối với dòng bạch đàn cao sản, 30-35 m3/ha/năm đối với dòng keo lai. Trong những năm qua đã công nhận trên 67 giống và xuất xứ cây lâm nghiệp, cung cấp trên 60% giống được cải tiến cho trồng rừng kinh tế. Phát triển nhanh công nghệ nhân giống bằng hom và nuôi cấy mô đối với keo, bạch đàn, phi lao, v.v...
Về kỹ thuật lâm sinh và bảo vệ rừng, đã xác định cơ sở khoa học cho các giải pháp khoanh nuôi phục hồi rừng, làm giàu và cải tạo rừng đạt năng suất gấp 2-3 lần với các loài cây gỗ lớn, gỗ quý như: lát, huỷnh, gội, re, trám, lim xanh, giẻ…Đối với rừng phòng hộ, đã nghiên cứu phân loại rừng theo quan điểm phòng hộ, xây dựng rừng phòng hộ đầu nguồn và chống gió ven biển.
Đã đánh giá tiềm năng đất đai, lập địa để định hướng sử dụng rừng hợp lý. Xây dựng các biện pháp kỹ thuật trồng rừng thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng rừng cho nhiều loài cây dùng để sản xuất nguyên liệu công nghiệp giấy, diêm, ván nhân tạo (bồ đề, mỡ, thông nhựa, thông Caribê, tếch, keo lá tràm, keo tai tượng, keo lai, bạch đàn Urophylla, bạch đàn lai ... ). Xây dựng kỹ thuật trồng rừng với các loài cây bản địa như: giổi, sao, lim xanh, gội nếp, quế, trấu, ... Trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, ven biển chống cát bay, chắn sóng với các loài như: phi lao, keo chịu hạn, xoan chịu hạn, đước, vẹt, ...
Đã xây dựng được phần mềm dự báo cháy rừng hàng ngày trên phạm vi toàn quốc. Nhờ kết quả này mà chương trình cảnh báo cháy rừng được thực hiện thường xuyên trên truyền hình.
Hoàn thiện và áp dụng vào sản xuất công nghệ khai thác, bảo quản và chế biến gỗ nhỏ rừng trồng, rừng ngập mặn. Chế tạo thành công và chuyển giao vào sản xuất các loại máy băm dăm gỗ, tre, cưa đĩa, máy bào, máy bóc, máy xẻ gỗ cơ nhỏ; áp dụng kỹ thuật sấy gỗ, sản xuất ván nhân tạo, chất phủ tổng hợp; sử dụng gỗ rừng trồng thay thế gỗ rừng tự nhiên; nâng cao chất lượng ván nhân tạo...
Công nghệ chế biến gỗ từng bước được cải thiện, nâng cao giá trị xuất khẩu lâm sản, tạo nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động. Năm 2004, giá trị xuất khẩu đồ gỗ đã đạt 1,12 tỷ USD. Đã làm thay đổi được thói quen sử dụng đồ gỗ bằng gỗ cứng từ rừng tự nhiên sang gỗ rừng trồng đã qua chế biến, góp phần đáng kể vào việc bảo vệ rừng tự nhiên hiện có. Lần đầu tiên ở Việt Nam đã nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thành công hai dây chuyền thiết bị đồng bộ chế biến gỗ rừng trồng có hiệu quả kinh tế cao: Dây chuyền thiết bị sản xuất ván ghép thanh quy mô 1500 m3/năm, bao gồm 8 loại thiết bị (xẻ, sấy, ghép soi, bào phay 4 mặt, ghép nối, gắn keo, ghép nén và hoàn thiện). Các chỉ số về công nghệ, thiết bị, kiểu dáng công nghiệp và chất lượng sản phẩm tạo ra tương đương với dây chuyền nhập ngoại, trong khi có giá thành rẻ (khoảng 1,5 tỷ so với 4,5- 5 tỷ thiết bị nhập của Đài Loan); Dây chuyền thiết bị sản xuất ván ép quy mô 1500 m3/năm gồm 11 thiết bị. Dây chuyền này đã được lắp đặt tại lâm trường Xuân Đài-Thanh Sơn-Phú Thọ, đang trong giai đoạn chạy thử và có triển vọng để nhân rộng và rất phù hợp với điều kiện sản xuất của Việt Nam, có giá thành rẻ hơn nhiều so với thiết bị nhập ngoại.
Công nghệ biến tính gỗ bằng cơ, hóa, nhiệt cũng đạt được nhiều tiến bộ, nhờ đó có thể tận dụng được nhiều loại gỗ tạp, xốp nhẹ, giá trị sử dụng thấp trong các công trình xây dựng.
Thuỷ lợi
Đã xây dựng được luận cứ khoa học áp dụng cho công tác quy hoạch thủy lợi, tính cân bằng, bảo vệ và sử dụng hiệu quả nguồn nước cho 7 vùng sinh thái. Những kết nghiên cứu KH&CN đã đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo tưới cho 7,61 triệu ha lúa, hơn 1 triệu ha rau màu và cây công nghiệp, tiêu cho 1,71 triệu ha đất nông nghiệp, cấp hơn 5 tỷ m3/năm cho sinh hoạt và công nghiệp. Trong nghiên cứu giải pháp hạn chế thiên tai, đã tìm ra được nguyên nhân xói lở các đoạn sông trọng yếu để dự báo xói lở. Các bài toán truyền lũ được áp dụng trong công tác phòng tránh lũ, dự báo cạn kiệt, xâm nhập mặn…Trong khảo sát, thiết kế, xây dựng, quản lý công trình thủy lợi, đã xây dựng được quy trình công nghệ thiết kế, thi công đập bằng các loại vật liệu khác nhau như đập đất, đập đất có lõi bê tông cốt thép, đập bê tông trọng lực, đập cao su…phù hợp với điều kiện thi công ở từng công trình cụ thể và hạ giá thành. Một số vật liệu mơi được ứng dụng như vải địa kỹ thuật, composit, khớp nối PVC…Nhiều loại cửa van tự động đóng mở bằng thủy lực như cửa van lệch trục, cửa van bán lệch, đóng, mở tự động 2 chiều được nghiên cứu thiết kế và được chuyển giao. Các cửa van khung thép-bán mặt phẳng vật liệu tổng hợp (PVC, composit), giảm khối lượng, lắp đặt đơn giản, kéo dài tuổi thọ, giảm giá thành xây dựng công trình khoảng 20%.
Ở vùng núi, đã làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo bơm va, bơm thủy luân, bơm hút sâu (Hck= 6-8m), bơm trượt trên ray có cột nước hút dao động trên 8m, rẻ hơn 20-30% so với bơm xiên nhập ngoại cùng lưu lượng, góp phần giảm suất đầu tư thủy lợi cho vùng này khoảng 30 triệu đồng so với công trình truyền thống 80-100 triệu đồng/ha. Bơm công suất lớn 36.000 m3/h có thể thay thế bơm nhập ngoại với giá rẻ hơn 10-30 % cũng đã được nghiên cứu, sản xuất thử.
Trong lĩnh vực thủy nông cải tạo đất và kỹ thuật tưới tiêu, đã tiến hành nghiên cứu diễn biến mặn, hàng năm dự báo xâm nhập mặn cho Đồng bằng sông Cửu Long; ứng dụng thành công các biện pháp cải tạo bằng kênh tiêu hở, tiêu ngầm cho hơn 1 triệu ha đất phèn ở Đồng bằng sông Cửu Long trở thành đất trồng 2 vụ lúa năng suất cao. Công nghệ tưới tiết kiệm nước, tưới nhỏ giọt cho cây vùng đồi đã góp phần đưa năng suất lúa, hoa màu, cây ăn quả và cây công nghiệp tăng từ 1,2 đến 1,5 lần, đồng thời tiết kiệm được khoảng 70% lượng nước tưới.
Công nghệ ngăn sông kiểu đập đỡ trụ đã được các nhà khoa học áp dụng thành công lần đầu tiên tại Việt Nam. Đập Thảo Long - Huế dài 500m đang được thi công bằng công nghệ này, tiết kiệm được 20 tỷ đồng so với công nghệ truyền thống.
4 loại bơm va mới và phụ kiện thay thế với độ bền và hiệu suất cao đã được thiết kế chế tạo thành công. Các thiết bị này trở thành giải pháp chủ lực để thuỷ lợi hoá vùng sâu vùng xa phục vụ công cuộc xoá đói giảm nghèo. Với giá đầu tư chỉ bằng 25% đến 30% so với việc xây dựng hồ đập. Công trình này đã được Chính phủ đưa vào chương trình mục tiêu, tưới tiêu cho 1,5 triệu ha đất đồi, cung cấp nước cho 500.000 người.
Thủy sản
Năm 2003, ngành thủy sản thực hiện 4 dự án sản xuất thử nghiệm và 2 nhiệm vụ độc lập cấp Nhà nước, 33 đề tài và 1 dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ, xây dựng 7 Tiêu chuẩn Việt Nam và 26 tiêu chuẩn ngành. Ngoài ra còn 10 đề tài và 5 dự án sản xuất thử nghiệm trọng điểm cấp Nhà nước được triển khai thực hiện.
Nhóm các đề tài, dự án thuộc chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước KC.06 triển khai trong năm 2003 đã đạt được những thành công đáng kể, như nghiên cứu, cho sinh sản nhân tạo, ương nuôi thành công với số lượng lớn cá song chấm nâu và thu được gần 20 vạn cá giống; nghiên cứu, cho đẻ thành công và đã thu được hàu giống thương phẩm cỡ 2 cm. Đề tài "Nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp chất lượng cao cho một số đối tượng thủy sản nuôi xuất khẩu" đã sản xuất được khoảng 7.800 kg thức ăn cho cá rô phi đỏ, tôm sú, tôm càng xanh và 16.200 kg thức ăn nổi cho cá và đã thử nghiệm tại Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) và Bạc Liêu. Đề tài "Nghiên cứu công nghệ nuôi cua biển thương phẩm năng suất cao" đã xác định được mật độ nuôi thích hợp là 1,5-2 con/m2, độ mặn thích hợp là 15-20%, thời gian nuôi cua thương phẩm đạt trọng lượng 300-350 gam/con là 4-5 tháng.
Dự án "Thử nghiệm sản xuất giống nhân tạo cua xanh ở một số tỉnh phía Bắc và Khánh Hòa" thuộc Chương trình KC.06 đã xây dựng xong 2 trại sản xuất giống có công suất là 0,5-1 triệu giống/trại/năm. Số lượng cua giống đã sản xuất được năm 2003 là 650 nghìn con. Tỷ lệ sống tương đối ổn định, đạt trung bình khoảng 10% từ giai đoạn Zoea 1 đến giai đoạn cua giống 2,3. Dự án "Phát triển nuôi ốc hương vùng ven biển miền Trung" thuộc Chương trình KC.07 đã triển khai tại 9 tỉnh với tổng số 20 trại sản xuất giống. Trong 6 tháng đầu năm 2003, tổng số giống sản xuất đạt được 10 triệu con.
Các đề tài, dự án độc lập cấp Nhà nước và cấp Bộ đã đạt được một số kết quả theo từng lĩnh vực như sau:
Lĩnh vực khai thác và nguồn lợi hải sản: đã nghiên cứu đưa ra được mẫu lưới vây khơi khai thác cá ngừ kết hợp máy dò cá ngang SONAR đạt hiệu quả cao, tỷ lệ cá ngừ trong các mẻ lưới chiếm 29,1 - 34,3%. Đề tài "Nghiên cứu, thăm dò nguồn lợi hải sản và lựa chọn công nghệ khai thác phù hợp phục vụ phát triển nghề cá xa bờ Việt Nam" bước đầu đã xác định được trữ lượng cá ở vùng biển xa bờ của Việt Nam là khoảng trên 2 triệu tấn và khả năng khai thác khoảng trên 1 triệu tấn, trong đó cá nổi chiếm khoảng 71% và cá đáy chiếm 29%. Đã lập được các bản dự báo ngư trường khai thác cá vụ Nam, vụ Bắc, dự báo khai thác cá ngừ đại dương để phổ biến cho ngư dân. Hoàn thành các chuyến điều tra, khảo sát cá Ngừ đại dương bằng tầu lưới rê trôi ở 22 trạm thuộc khu vực Bắc Trung Bộ và 46 trạm câu vàng ở vùng biển xa bờ miền Trung và Đông Nam Bộ. Đã tiến hành điều tra, nghiên cứu tảo độc hại tại 3 vùng nuôi ngao tập trung tại Thái Bình, Nam Định và Thanh Hóa. Đã xác định được kết quả ban đầu thành phần 32 loài tảo độc và gây hại, thành lập các biểu đồ về mối tương quan giữa mật độ một số nhóm tảo và các yếu tố môi trường, lên danh sách các loài tảo đặc biệt cần lưu ý có thể gây ra thủy triều đỏ.
Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản: đã nghiên cứu, cho đẻ và nuôi ương thành công cá lăng chấm đạt tỷ lệ sống 65-95%. Phát hiện ra các tác nhân gây bệnh trên ốc hương, bao gồm 27 giống vi khuẩn và 5 ngành ký sinh trùng; Phát hiện các tác nhân gây bệnh trên sò huyết gồm 31 giống vi khuẩn và 2 ngành ký sinh trùng; Xây dựng được 3 công thức thức ăn cho cá tra nuôi trong ao đạt tiêu chuẩn thịt trắng phục vụ xuất khẩu. Biện pháp để cải thiện chất lượng nước trong ao là sục khí đáy kết hợp với thông nước có kiểm soát. Sau 6 tháng nuôi, trọng lượng trung bình của cá đạt 1.106 gam/con, tỷ lệ thịt trắng của cá đạt 71,43%. Đề tài nghiên cứu các công nghệ xử lý bùn ao nuôi tôm và sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh đã phân lập được 5 chủng nấm sợi, 6 chủng vi khuẩn, 2 chủng xạ khuẩn và 2 chủng nấm men để đưa vào thành phần chế biến vi sinh xử lý đáy ao nuôi tôm.
Dự án “Thử nghiệm sản xuất giống và nuôi ghẹ xanh thương phẩm ở vùng ven biển miền Trung” đã sản xuất được 69 vạn con ghẹ giống, năng suất ghẹ thịt là 1,5 tấn/ha/vụ và tỷ lệ sống của ghẹ giống là 14%, vượt 4% so với kế hoạch đề ra. Dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ mô hình sản xuất artemia - muối trên ruộng muối ở một số tỉnh ven biển Nam Bộ” đã tạo ra được 3.357,95kg trứng tươi artemia, đạt gần 1/3 số lượng đề ra. Dựa án “Hoàn thiện công nghệ sản xuất giống nhân tạo tôm rảo Metapenaeus ensis” đã vận chuyển 80 triệu con Nauplius từ Cát Bà đi Hà Tĩnh, Trà Vinh, Cà Mau đạt tỷ lệ sống 97,2% và 200 tôm bố mẹ đi Hà Tĩnh đạt tỷ lệ sống 96%, sau khi vận chuyển tôm bố mẹ vẫn tham gia sinh sản tốt. Hiện đang nuôi 1.000 tôm rảo tái phát dục tại Cát Bà, đã sinh sản được 30 triệu Nauplius và nuôi được 12 triệu con tôm giống.
Đã nghiên cứu nhu cầu dinh dưỡng và thử nghiệm sản xuất thức ăn hỗn hợp dạng viên nuôi ốc hương thương phẩm, xây dựng được 4 công thức thức ăn nuôi ốc hương để đáp ứng nhu cầu cho dân nuôi. Đã sản xuất thử nghiệm thức ăn cho cá rô phi đỏ, tôm sú, tôm càng xanh và thức ăn nổi cho cá. Đã tìm được chất thay thế cho Chloramphenicol và Nitrofuran bị cấm. Đang hoàn thiện việc xác định các chất thay thế cho 8 kháng sinh, hóa chất bị cấm khác trong danh mục 10 chất bị cấm theo quyết định của Bộ Thủy sản.
Cơ khí, dịch vụ hậu cần thủy sản: các đề tài đang tiến hành nghiên cứu thiết kế 2 loại tầu cá cỡ nhỏ có khả năng hoạt động an toàn trên vùng biển xa bờ với 8 phương án biến thiên. Thiết kế sơ đồ nguyên lý hệ thống thiết bị lạnh, gia công chi tiết 2 bộ trích lực từ động cơ máy chính theo 2 phương án: cơ khí điều khiển bằng điện và trích lực điều khiển bằng tấn số; thiết kế sơ bộ các bước công nghệ gia công đối với vật liệu mới polyurethan và tấm lót composit để thi công hầm bảo quản cá. Nghiên cứu mẫu muối CaCl2 làm dung dịch tải lạnh.
Áp dụng các thành tựu KH&CN vào sản xuất
Năm 2003, ngành thủy sản đã ứng dụng các kỹ thuật tiến bộ và chuyển giao công nghệ vào sản xuất rộng khắp các địa phương trên cả nước. Các công nghệ sản xuất giống tôm sú, nuôi tôm sú thương phẩm năng suất cao, sản xuất giống cua biển, sản xuất giống và nuôi ốc hương, sản xuất giống ghẹ xanh đã được chuyển giao và ứng dụng tại các tỉnh như Kiên Giang, Phú Yên, Quảng Trị, Ninh Thuận, Khánh Hòa, v.v... Công nghệ khai thác và điều tra nguồn lợi hải sản, công tác dự báo cá phục vụ sản xuất đã được đưa vào áp dụng cho các cơ sở sản xuất thuộc các tỉnh ven biển của cả nước. Đã phát triển khoảng 25 trại sản xuất giống ốc hương và 5 trại sản xuất giống cua biển. Số lượng giống sản xuất 9 tháng đầu năm đạt 10 triệu ốc hương, 500.000 cua biển và gần 500.000 ghẹ xanh. Đặc biệt, đã thử nghiệm sản xuất giống ghẹ xanh tại Quảng Ninh, thu được 300.000 con giống/1 lần sản xuất. Công nghệ sản xuất giống tôm sú đã được áp dụng tại Quảng Trị với công suất trại giống 45-60 triệu giống/năm.
Giống tôm rảo nhân tạo đã được sản xuất thử tại các trại tôm giống ở Hải Phòng, Nam Kỳ Anh (Hà Tĩnh), trại tôm giống Rạch Cốc (Cà Mau), đạt 150 triệu Nauplius, tỷ lệ sống 30%, năng suất 5 vạn tôm giống/m3 bể/1 vòng sản xuất, 120 triệu Postlarva dài 7-8mm, khỏe mạnh, không nhiễm bệnh. Năng suất, sản lượng con giống tăng lên, đã tạo ra lượng hàng hóa lớn phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Ngoài ra, các đơn vị trong ngành đã hoàn thiện kỹ thuật sản xuất cá rô phi chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, thu 3-4 triệu cá rô phi đơn tính cỡ 2-3cm, tỷ lệ đực đạt hơn 95%, tỷ lệ sống hơn 80%, 20.000 cá giống rô phi đơn tính dòng GIFT cỡ 7-10 gam/con. Đã nuôi bè được 50 tấn và 50 tấn nuôi ao, sản phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đã đưa công nghệ sản xuất cá rô phi đơn tính vào sản xuất trong ao, lồng bè, cung cấp giống cho 10 tỉnh miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh miền Bắc. Công nghệ sản xuất giống nhân tạo loài cá bống quý hiếm cũng đã được chuyển giao cho một số tỉnh miền núi.
Quy trình sử dụng lưới chụp mực trong khai thác mực đại dương đã được ứng dụng vào sản xuất và phổ biến rộng rãi cho ngư dân các tỉnh ven biển. Quy trình công nghệ lưới rê khai thác cá nổi ở vùng biển xa bờ đã được chuyển giao cho các cơ sở sản xuất từ Bình Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu, góp phần tăng năng suất khai thác và xuất khẩu.
Năm 2004, ngành Thủy sản được giao thực hiện 1 dự án điều tra KT-XH, 1 nhiệm vụ độc lập cấp Nhà nước (lưu giữ quỹ gen), 36 đề tài/dự án và nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ. Nhìn chung các đề tài, dự án đều được triển khai đúng tiến độ và đã đạt được một số kết quả nổi bật như sau:
Công nghệ nuôi cá rô phi đơn tính đã được các nhà khoa học làm chủ và xây dựng mô hình thành công tại Hải Dương. Năm 2004, mô hình nuôi với qui mô 30 ha với 280 hộ nông dân tham gia đã đạt kết quả thành công ban đầu, với sản lợng 250 tấn sản phẩm cá rô phi đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Nếu thu mua xuất khẩu được sẽ mang lại lợi ích to lớn cho huyện Tứ Kỳ nói riêng và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng nói chung. Qua tính toán sơ bộ, doanh thu đạt hơn 200 triệu đồng trên diện tích 1 ha trong vòng 6-7 tháng nuôi, lãi suất cao đạt 62-80 triệu đồng/ha/6-7 tháng.
Công nghệ sản xuất giống nhân tạo loài cá song chấm nâu (E. coioides) với số lượng lớn đã được triển khai thành công (Việt Nam là nước thứ 2 thực hiện thành công). Hiện đã có 3 doanh nghiệp lớn đăng ký mua công nghệ (Công ty Đầu tư và Phát triển Thủy sản Hạ Long- Quảng Nam, Công ty Hà Quang, Công ty Biển Xanh -TP. HCM).Khi phát triển công nghệ ra toàn quốc sẽ tiết kiệm cho cả nước từ 100 triệu USD - 200 triệu USD tiền nhập con giống/năm. Gia tăng kim ngạch xuất khẩu khoảng 500 triệu USD. Tạo việc làm cho hơn 100.000 người.
Công nghệ sản xuất thức ăn dạng viên cho 5 loại đối tượng tôm, cá đã được làm chủ thông qua việc sản xuất thử nghiệm hơn 40 tấn thức ăn. Giá thành sản xuất loại thức ăn này thấp hơn so với của nước ngoài. Công nghệ này có triển vọng lớn trong việc chuyển giao cho các doanh nghiệp và các địa phương trong toàn quốc với qui mô lớn nhằm chủ động hoàn toàn thức ăn nuôi trồng thuỷ sản xuất khẩu.
Kế tục những thành công trong công nghệ sản xuất nhân tạo giống cua biển từ năm 2003, trong năm 2004 các nhà khoa học đã chuyển giao vào sản xuất cho 6 tỉnh phía Bắc bao gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, các tỉnh miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi trại giống với công suất 0,5-1 triệu cua giống/năm sẽ có lợi nhuận khoảng 350-500 triệu đồng/năm. Công nghệ này đã đem lại lợi nhuận kinh tế đáng kể cho ngành thủy sản. Mỗi ha nuôi cua, ngoài tôm ra có thể thu hoạch 500-1500 kg cua. Giá trị kinh tế trên 1 ha ao đầm nuôi cua quảng canh được gia tăng 40-50 triệu đồng/ha.
Đã thành công trong việc sản xuất giống và nuôi ốc hương thương phẩm. Công nghệ này đã mở ra nghề nuôi ốc hương xuất khẩu (trước đây ốc hương xuất khẩu chủ yếu được khai thác ngoài tự nhiên, nhưng nguồn khai thác này nay đã bị cạn kiệt). Với giá tạo ốc hương giống rẻ (chỉ 50 đồng/con) nghề nuôi ốc hương xuất khẩu có tiềm năng mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Lợi nhuận của nghề nuôi ốc hương thương phẩm có thể đạt tới 50% và giá trị kinh tế có thể lên tới 2 tỷ đồng.
Bằng kết quả nghiên cứu KH&CN được đưa vào áp dụng trong nuôi trồng và kinh doanh, chỉ tính từ năm 2000 đến nay, ngành thủy sản duy trì mức tăng trưởng khá cao, tổng sản lượng thủy sản năm 2004 đạt 3,07 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác hải sản là 1,72 triệu tấn, sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác nội địa là 1,35 triệu tấn, tăng tương ứng 53%, 34% và 87% so với thực hiện năm 2000. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2004 đạt 2,4 tỷ USD, tăng gần 1 tỷ USD so với năm 2000. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm về tổng sản lượng là 7%, về giá trị xuất khẩu là 10%.
3. Công nghiệp
Năm 2003, ngoài các đề tài, dự án sản xuất thử, thử nghiệm thuộc các chương trình KH&CN cấp Nhà nước giai đoạn 2001-2005, các tổ chức NCPT thuộc ngành công nghiệp đã thực hiện 9 đề tài độc lập cấp Nhà nước; 5 dự án sản xuất thử, thử nghiệm độc lập; 9 đề tài nghiên cứu cơ bản thuộc các hướng khoa học tự nhiên; 7 nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu theo nghị định thư với nước ngoài và 5 nhiệm vụ về lưu giữ quỹ gen. Ngoài ra, còn 96 tổ chức NCPT và các đơn vị trong ngành đã triển khai thực hiện 222 đề tài và 3 dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ.
Năm 2004, hoạt động nghiên cứu KH&CN trong lĩnh vực công nghiệp tiếp tục được định hướng và gắn kết rõ rệt vào sản xuất kinh doanh, giải quyết những vấn đề thực tế, đáp ứng yêu cầu của sản xuất trong cơ chế thị trường; sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước thay thế nguyên liệu nhập ngoại; đổi mới, áp dụng công nghệ hiện đại; chế tạo các thiết bị, dây chuyền thiết bị phục vụ sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Các đề tài nghiên cứu đã giải quyết được nhiều vấn đề khoa học mang tính định hướng, liên quan đến các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ ưu tiên phát triển, làm cơ sở cho việc hoạch định các quy hoạch phát triển kinh tế ngành, xây dựng chiến lược KH&CN và lộ trình công nghệ đến năm 2020 của ngành. Nhiều kết quả nghiên cứu đã cung cấp luận cứ khoa học cho các quyết định của ngành hoặc các kiến nghị Nhà nước ban hành chế độ chính sách, như đánh giá chuyển giao công nghệ, đánh giá trình độ công nghệ sản xuất, giúp lựa chọn đầu tư công nghệ. Kết quả hoạt động KH&CN cũng đã tạo ra được nhiều dây chuyền thiết bị tiên tiến, đáp ứng yêu cầu về công nghệ và sản xuất.
Nhìn chung, các đề tài nghiên cứu của ngành công nghiệp đã định hướng vào giải quyết các vấn đề thực tế, đáp ứng các yêu cầu của sản xuất trong cơ chế thị trường, tiếp tục tạo ra những đóng góp lớn cho sự phát triển ngành công nghiệp nói riêng và sự phát triển KT-XH nói chung. Dưới đây là một số kết quả nổi bật đạt được trong từng lĩnh vực cụ thể:
Công nghệ vật liệu
Nhiều công nghệ mới đã được nghiên cứu và ứng dụng thành công, mang lại hiệu quả KT-XH cao, như: công nghệ sản xuất mỡ bôi trơn chất lượng cao do Công ty Phát triển phụ gia và Sản phẩm dầu mỏ triển khai thực hiện; công nghệ hoàn nguyên ilmenhit Việt Nam tạo vật liệu bọc que hàn chất lượng cao của Viện Nghiên cứu Mỏ và Luyện kim; công nghệ nấu luyện các loại hợp kim trung gian Al-Si, Al-Mn, Al-Fe, Cu-P đã được thử nghiệm thành công; công nghệ chế tạo thép hợp kim bền nhiệt làm sàn đón phôi cho lò nung phôi cán, làm việc ở 1.100oC với tải trọng va đập mạnh, thay thế được ghi lò nhập khẩu với giá thành chỉ bằng 40 - 50% giá nhập khẩu; công nghệ sử dụng nam châm đất hiếm NdFeB để sản xuất máy tuyển từ đã được ứng dụng rộng rãi ở các cơ sở khai thác titan; công nghệ sản xuất tập hợp hữu cơ để tuyển nổi quặng apatit loại 3, thay thế nhập ngoại, tiết kiệm ngoại tệ, cũng đã được nghiên cứu thành công, mang lại hiệu quả thiết thực cho thực tiễn sản xuất.
Công nghệ chế tạo vật liệu composit nền kim loại do Viện Công nghệ chủ trì thực hiện đã được ứng dụng để chế tạo một số sản phẩm như bạc trượt, tiếp điểm, thay thế hàng nhập ngoại. Công nghệ chế tạo các phai cống thủy lợi 3-8m (cửa van phụ) bằng vật liệu composit có độ bền cao đã được hoàn thiện và áp dụng cho các loại cống thủy lợi trong toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đã nghiên cứu thành công trong việc tạo lớp phủ Crôm-nhôm-phốtpho trên thép kết cấu 40Cr-Mo, độ cứng đạt được sau khi tạo lớp phủ 63-64,5 HRc, khả năng chịu ôxy hóa ở nhiệt độ 700oC tăng từ 1,6 đến 1,85 lần, ở nhiệt độ 800oC tăng từ 1,4 đến 2,4 lần. Các sản phẩm đã ứng dụng trong chế tạo các giá đỡ trục căng vòng dãn máy dệt, khuôn thủy tinh, quả lăn ren, mũi khoan và bộ dụng cụ đột lỗ lá nhíp. Đã nghiên cứu, chế tạo thành công một số vật liệu từ tính mới, giải thích được cơ chế vi mô ảnh hưởng lên tính chất điện và từ của vật liệu
Kết quả đề tài "Nghiên cứu chế tạo vật liệu polyme blend trên cơ sở polyolefin với polyamit và cao su, có sử dụng các chất tương hợp polyme" đã được triển khai ứng dụng cho ngành giao thông vận tải đường sắt, ngành hàng không và ngành dầu khí.
Công nghệ sản xuất fero đất hiếm Manhê được hoàn thiện đã phục vụ kịp thời các yêu cầu về hợp kim trung gian của các cơ sở sản xuất, giảm giá thành, tiết kiệm ngoại tệ do phải nhập ngoại với số lượng ít. Với công nghệ này các nhà khoa học đã triển khai được hai hợp đồng với kinh phí khoảng 750.000 triệu đồng.
Đã xây dựng được công nghệ chế tạo vật liệu siêu hấp thụ nước trên cơ sở biến tính tinh bột sắn quy mô pilot công suất 100 kg/ngày. Vật liệu thu được có độ trương nở cao nhất, 520 lần trong nước cất. Sản phẩm đã được thử nghiệm ở nhiều vùng đất khác nhau với nhiều loại cây trồng khác nhau cho thấy hiệu quả của vật liệu trong việc giữ ẩm đất, cải tạo đất, khắc phục hạn hán, tăng khả năng nảy mầm và tăng năng suất cây trồng. Sản phẩm có khả năng lưu giữ trong đất 18 tháng và có khả năng phân huỷ sinh học. Kết quả nghiên cứu đã mở ra khả năng xây dựng dây chuyền công nghệ quy mô 200 tấn/năm sản phẩm polyme siêu hấp thụ nước.
Công nghệ chế tạo vật liệu polyme composit đã được áp dụng để chuyển giao công nghệ cho Công ty Cao su - Chất dẻo Đại Mỗ sản xuất ra hàng trăm bộ chống va đập cho ôtô buýt. Đã sản xuất 200 ghế có kết cấu đặc biệt cho Trường mầm non Hoa thuỷ tiên, 8 cột vít xoắn tuyển quặng titan, 40 mặt ghế mẫu cho các công trình công cộng và hàng trăm thùng rác kiểu có nắp đậy cho Dự án bảo vệ môi trường tại Quảng Ninh.
Cơ khí, chế tạo máy và tự động hoá
Nhiều kết quả nghiên cứu trong các lĩnh vực gia công cơ khí và chế tạo máy đã được áp dụng thành công, phục vụ thiết thực cho các ngành kinh tế quốc dân, cho sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn. Các dây chuyền thiết bị sản xuất phân NPK theo công nghệ vê viên bằng hơi nước và bao viên theo các màu khác nhau đã được đưa vào vận hành, công suất đạt tới 4 vạn tấn/năm, kịp thời đáp ứng yêu cầu trong sản xuất nông nghiệp. Công nghệ chế tạo nồi nấu bột giấy điều khiển tự động DCS phục vụ cho dây chuyền sản xuất bột giấy năng suất 1,5 vạn tấn/năm đã tạo khả năng nội địa hóa 50% thiết bị ngành giấy, với giá chế tạo chỉ bằng khoảng 1/3 giá thiết bị nhập khẩu, tiết kiệm được ngoại tệ.
Một số công nghệ chế tạo đã được đưa vào ứng dụng thành công trong thực tế như: công nghệ chế tạo máng cấp liệu để vận chuyển các vật liệu dạng bột có hệ thống điều khiển tự động DCS, áp dụng tại Nhà máy xi măng Nghi Sơn; chế tạo lò thấm điều khiển kỹ thuật số công suất 35 kW sử dụng cho công nghệ hóa nhiệt luyện, áp dụng tại các cơ sở nhiệt luyện; chế tạo dây chuyền chế biến đồng bộ thức ăn chăn nuôi gia súc công suất 5 tấn/giờ, điều khiển định lượng tự động bằng máy tính với giá thành bằng 50 -70% giá nhập ngoại.
Lần đầu tiên chế tạo thành công tại Việt Nam máy cắt thép tấm cỡ lớn 9mx20m, điều khiển tự động CNC, dải tốc độ cắt 1-2.000mm/phút, độ chính xác dịch chuyển sai số 0,2mm, phục vụ cho các nhà máy đóng tầu cỡ lớn và các nhà máy sản xuất kết cấu thép. Khẳng định thành công khả năng chế tạo trong nước máy phay kiểu F4025 CNC, với mức độ hiện đại, độ chính xác cao, độ bền tương đương máy của các nước châu Âu, tỷ lệ nội địa hóa cao, giá thành chỉ bằng khoảng 60% giá nhập ngoại. Công trình nghiên cứu thủy hóa các động cơ diezel công suất lớn đã được áp dụng thành công cho hàng chục động cơ diezel tại các dàn khoan của Vietsovpetro, góp phần tiết kiệm ngoại tệ.
Đã nghiên cứu, chế tạo thành công các hệ thống giám sát, đo lường, điều khiển và quản lý các cân định lượng dùng cho các trạm trộn bê tông, các thiết bị cảnh báo khí cháy nổ đặt tại chỗ hoặc kẹp túi với độ nhạy 0,05% LEL, đảm bảo an toàn cho người lao động trong các hầm lò, thay thế nhập ngoại, giá thành chỉ bằng khoảng 60% giá thiết bị nhập khẩu.
Việc nghiên cứu thiết kế và chế tạo thành công máy cắt Plasma cỡ lớn 9mx20m, ký hiệu CP90200CNC là giải pháp công nghệ mới đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong công nghiệp tầu thủy. Với kết quả này, từ năm 2004 đến 2010, sẽ có 20 máy CP90200CNC được trang bị cho 8 nhà máy đóng tầu, giá trị hợp động kinh tế đạt khoảng 20 tỷ đồng. Chất lượng tương đương với máy nhập ngoại của các nước G7 trong khi giá thành chỉ bằng 35% giá nhập ngoại, tiết kiệm 4 triệu USD.
Đã chế tạo xong và đưa vào sử dụng cần trục chân đế 120 tấn, tầm với 40-50m, chiều cao nâng 50m, tốc độ nâng 5m/phút, tốc độ quay cần 0,33 vòng/phút, tốc độ di chuyển 30m/phút, khoảng cách ray 10,5m, chiều cao cẩu 90m, áp lực max/1bánh xe: 30 tấn, trọng lượng toàn bộ cần trục: 1101,4 tấn. Kết quả này đã làm tiết kiệm được 30% kinh phí so với nhập ngoại, tạo thêm công ăn việc làm, mở ra triển vọng cho công nghiệp chế tạo, lắp ráp cần trục trong nước.
Thiết bị tự động kiểm tra và báo động khí nổ cầm tay được chế tạo thành công đạt tiêu chuẩn quốc tế, giá thành chỉ bằng 1/3 giá nhập ngoại nhưng chất lượng cao hơn. Thiết bị này bảo đảm an toàn chống nổ và báo động các chất độc hại khác, góp phần nâng cao năng suất khai thác than hầm lò. Tổng Công ty Than đã cho phép đưa thiết bị này vào sử dụng phục vụ khai thác tại các mỏ than Quảng Ninh.
Tự động hóa
Một số kết quả của các đề tài, dự án nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ tự động hóa, thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước "Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tự động hóa", mã số KC.03, giai đoạn 2001-2005 đã bước đầu nghiệm thu và được đánh giá là có hiệu quả KT-XH rõ ràng. Các sản phẩm c?? thể tạo ra từ các công trình nghiên cứu đã được đưa vào ứng dụng kịp thời trong sản xuất, như: trạm đo Carota điện Sodesep và hệ thống máy giếng đo kiểm tra khai thác Computalog được lắp đặt tại Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro; hệ thống tự động điều khiển trạm trộn bê tông nhựa nóng asphalt đạt công suất từ 40-80 tấn/giờ, cho phép tạo mác mới, có khả năng quản lý 4 cân và 8 van cấp nhiên liệu, giá thành bằng 50% giá nhập ngoại; hệ thống điều khiển trạm trộn thức ăn gia súc tự động điều chỉnh, cân các thành phần phối liệu đạt độ chính xác cao, giá thành bằng 40% giá nhập ngoại; hệ thống điều khiển cấp liệu liên tục sản xuất phân lân NPK, cho phép tạo được 500 mác, quản lý được 8 băng tải, tự động điều chỉnh lưu lượng các thành phần, lưu giữ số liệu của 350 ca làm việc, làm tăng năng suất gấp 3 lần, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành; thiết bị cầm tay, tự động đo lường cảnh báo khí cháy nổ trong hầm lò, đảm bảo độ tin cậy, có thể thay thế hàng nhập ngoại; hệ thống SCADA diện rộng phục vụ giám sát, theo dõi mục tiêu phục vụ quốc phòng; hệ thống thiết bị tự động xử lý nhiệt trong dây chuyền chế biến hạt điều xuất khẩu, làm tăng năng suất gấp 3 lần, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và mạng lưới dịch vụ
Bưu chính viễn thông
Năm 2003, toàn ngành bưu chính viễn thông (BCVT) đã triển khai 280 đề tài nghiên cứu KH&CN các cấp. Các đề tài đã tập trung vào nghiên cứu tổ chức cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia; nghiên cứu triển khai các dịch vụ mới và khai thác tối đa các loại hình dịch vụ trên cơ sở hạ tầng sẵn có; nghiên cứu đón đầu, phát triển và ứng dụng các công nghệ mới. Một số kết quả nghiên cứu đã được áp dụng thử nghiệm và có triển vọng áp dụng thực tế như: nghiên cứu mô hình tính toán lưu lượng cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối Internet (IXP); giải pháp triển khai Internet tới trường học; ứng dụng kiến trúc NGN trong phát triển mạng đa dịch vụ; ứng dụng dịch vụ UMS trên mạng ISP; thử nghiệm chương trình tên miền tiếng Việt trên mạng; phát triển hệ thống Telephone Banking; giải pháp kỹ thuật cho mô hình trung tâm an toàn mạng; phát triển các dịch vụ GPRS; phương pháp ấn định tốc độ động cho mục đích chống nghẽn, nâng cao dung lượng thuê bao; xây dựng hệ thống văn phòng điện tử; giải pháp kỹ thuật cải thiện chất lượng thông tin truyền qua vệ tinh khi sử dụng giao thức TCP; phát triển tổng đài doanh nghiệp thế hệ mới IP PBX với 24 trung kế; nghiên cứu phương án chế tạo cáp thông tin thả sông, v.v...
Năm 2004, hoạt động nghiên cứu KH&CN trong ngành BCVT đã được thúc đẩy một cách tích cực và đem lại nhiều kết quả có triển vọng áp dụng thực tế. Các đề tài đã tập trung nghiên cứu, tiếp cận các công nghệ mới, tạo ra các giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm tiếp tục mở rộng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng viễn thông quốc gia, nâng cao chất lượng các dịch vụ bưu chính viễn thông. Ngành bưu chính viễn thông đã xây dựng xong dự thảo Chiến lược phát triển công nghệ thông tin và truyền thông đến 2010 và định hướng đến 2020, đã tiến hành lấy ý kiến của các Bộ, ngành, các nhà khoa học để chuẩn bị ban hành trong năm 2005. Kế hoạch tổng thể phát triển Chính phủ điện tử cũng đã được hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành vào đầu năm 2005.
Về tổng thể, các hoạt động nghiên cứu KH&CN đã đóng góp tích cực và có hiệu quả cho nhiệm vụ xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông quốc gia và không ngừng nâng cao chất lượng của các dịch vụ bưu điện và viễn thông.
Công nghệ thông tin
Nhiều kết quả nghiên cứu xây dựng phần mềm quản lý đã được đưa vào ứng dụng, phục vụ tốt công tác quản lý như Chương trình quản lý cán bộ, hệ thống lưu trữ, cập nhật, khai thác thông tin, quản lý các văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống mạng thông tin cung cấp, liên kết các nguồn dữ liệu của các tổ chức KH&CN.
Kết quả đề tài "Nghiên cứu triển khai tạo môi trường ứng dụng thực tế để phát triển thương mại điện tử (E-Business) cho các tổng công ty trong ngành công nghiệp; thí điểm mô hình doanh nghiệp điện tử cho một số đơn vị" đã được đưa vào ứng dụng tại một số doanh nghiệp như Công ty Da giày Hà Nội, Công ty Sơn tổng hợp Hà Nội... Đã tiến hành xây dựng thí điểm hệ thống thông tin quản lý doanh nghiệp và sản phẩm công nghiệp Việt Nam tại Tổng Công ty Dệt may Việt Nam. Nhiều phần mềm chuyên dụng dùng cho mạng máy tính đã được sử dụng hiệu quả trong công tác tư vấn, thiết kế của các doanh nghiệp.
Bộ xử lý tín hiệu số nhanh đã được nghiên cứu chế tạo để phục vụ cho việc xây dựng các thí nghiệm chuyên đề điện tử trên cơ sở chíp có độ tích hợp rất cao, có thể lập trình được Max7000 và công cụ phát triển phần mềm Maxplus II.
Đã hoàn thành phần mềm tổng hợp tiếng nói- văn bản (Text-Voice); hoàn thành và thử nghiệm phần mềm nhận dạng tiếng nói từ đơn lẻ và câu liên tục; xây dựng sơ đồ cấu trúc chức năng tổng thể của phần mềm nhận dạng và quản lý trạng thái kỹ thuật của thiết bị bằng rung ồn và nhiệt độ.
Trên cơ sở nghiên cứu và phát triển các kỹ thuật lai ghép trong cách tiếp cận thống kê, cấu trúc và ứng dụng các công cụ tiên tiến trong công nghệ phần mềm, lần đầu tiên Việt Nam đã triển khai thành công phần mềm nhận dạng chữ Việt in VnDOCR (từ phiên bản 1.0 đến 3.0). Phần mềm dùng để chuyển đổi các tệp dạng ảnh thông qua máy quét thành các tệp văn bản chữ Việt lưu trữ trên máy tính, giải quyết cơ bản vấn đề máy đọc được các văn bản chữ Việt in, đáp ứng nhu cầu về tự động hóa lưu trữ, tự động hóa văn phòng, tái bản lại sách, tổng hợp thông tin từ nhiều loại sách, báo ... Phần mềm có độ chính xác nhận dạng cao và giao diện thân thiện, đã được thương mại hóa và ứng dụng tại hầu hết các Bộ và tỉnh, thành trong cả nước.
Kết quả các nghiên cứu về kỹ thuật, về tổng hợp tiếng nói với các đặc thù của ngôn ngữ tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm có thanh điệu đã cho ra đời phần mềm nhận dạng và tổng hợp tiếng nói (tiếng Việt – VnVoice). Sản phẩm được sử dụng để đọc văn bản trên máy tính từ chữ Việt thành tiếng nói Việt. Chất lượng tổng hợp tiếng Việt đạt khoảng 75-80% tiếng nói tự nhiên. Sản phẩm đã được tích hợp vào hệ thống 3i School Voice Portal với chức năng truy cập cơ sở dữ liệu học sinh để nghe thông tin về kết quả học tập, đạo đức của học sinh trong nhà trường thông qua điện thoại; tích hợp vào hệ thống thông điệp hợp nhất tại công ty NetNam nhằm triển khai dịch vụ nghe e-mail bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh qua điện thoại, khi không có kết nối máy tính cá nhân với Internet; có thể kết nối với phần mềm đọc màn hình máy tính JAWS của Microsoft dành cho người khiếm thị.
Hệ thống chương trình nhận dạng chuỗi lệnh VnCommand có thể chuyển đổi tiếng nói liên tục chuỗi số tiếng Việt (như họ tên người, từ khóa) thành văn bản đạt độ chính xác gần 98%. Chương trình có thể tích hợp với các phần mềm nhập số liệu tự động bằng giọng nói cho các bảng tính, chương trình kế toán, cổng tiếng nói cho trường học, điều khiển trình duyệt Internet Explorer và trong tương lai có thể điều khiển máy tính bằng giọng nói Việt.
Mạng lưới và dịch vụ
Các dịch vụ bưu chính tiếp tục được mở rộng, dịch vụ EMS đã được mở tại 54 tỉnh, thành phố, đã mở EMS quốc tế với 50 nước. Công tác phát hành báo chí được triển khai tốt, đã có trên 80% số xã trong toàn quốc có báo đọc trong ngày. Dịch vụ chuyển tiền điện tử quốc tế đã triển khai tại 61 bưu điện tỉnh, thành phố. Mô hình điểm Bưu điện-Văn hoá xã tiếp tục được triển khai xây dựng, đến nay đã có 61/61 tỉnh, thành phố đưa 6.123 điểm Bưu điện-Văn hoá xã vào hoạt động trên mạng, góp phần tích cực hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Dịch vụ tiết kiệm bưu điện, datapost cũng được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ.
Mạng viễn thông quốc tế tiếp tục được hiện đại hoá và mở rộng qua cáp quang biển và thông tin vệ tinh đã đạt 5.327 kênh (trong đó có 4.472 kênh cáp biển, 855 kênh qua vệ tinh Intelsat, Intersputnik) có chất lượng cao, liên lạc trực tiếp với 36 hướng quốc tế.
Mạng viễn thông trong nước tiếp tục được nâng cấp và mở rộng. Mở rộng sử dụng báo hiệu số 7. Tính đến ngày 31/12/2003, tổng số thuê bao điện thoại là trên 7,3 triệu máy, đạt tỷ lệ 9 máy/100 dân. Ngành bưu chính viễn thông đã đưa vào khai thác thêm nhiều tuyến truyền dẫn SDH liên tỉnh, nâng dung lượng truyền dẫn từ 622Mb/s lên 2,5Gb/s tại các tuyến cáp quang mạch vòng, 20Gb/s tại tuyến cáp quang đường trục; phát triển thông tin vệ tinh VSAT, nâng tổng số lên tới trên 67 trạm VSAT cho các vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Tiếp tục phát triển điện thoại xuống xã, đến nay đã có trên 90% số xã cả nước có máy điện thoại.
Dịch vụ thông tin di động GSM tiếp tục được mở rộng, đã phủ sóng 61/61 tỉnh, thành phố. Mở thêm các dịch vụ gia tăng giá trị, hỗ trợ khách hàng. Các dịch vụ truyền số liệu tốc độ cao đang được triển khai trên mạng. Nhiều loại hình dịch vụ mới đã bắt đầu được triển khai, nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội, như dịch vụ di động nội vùng sử dụng công nghệ PHS tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, dịch vụ điện thoại Internet loại hình "máy tính đến máy tính" trong nước và quốc tế, "máy tính đến điện thoại" quốc tế chiều đi. Tháng 7/2003, Công ty Cổ phần dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn đã triển khai cung cấp dịch vụ thông tin di động với công nghệ CDMA (S-Phone) tại 12 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Ngoài các dịch vụ cơ bản được tăng cường về chất lượng, các loại hình dịch vụ khác cũng đã và đang được giới thiệu, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu xã hội như: dịch vụ truyền số liệu, hội nghị truyền hình, đào tạo từ xa, y tế từ xa, dịch vụ truyền số liệu tốc độ cao trên mạng thông tin di động (GPRS), truy nhập Internet tốc độ cao ADSL, truy nhập Internet vô tuyến tốc độ cao.
Đến nay, Việt Nam đã xây dựng được mạng viễn thông rộng khắp có công nghệ hiện đại. Theo thống kê của Liên minh Viễn thông quốc tế - ITU, trong giai đoạn 2001-2003 tốc độ tăng trưởng mật độ người sử dụng Internet của Việt Nam đạt 123,4%/năm, cao nhất trong khu vực ASEAN+3. Tính đến cuối năm 2004, toàn mạng có l0,3 triệu máy điện thoại, (tăng 2,97 triệu máy so với năm 2003) đạt mật độ hơn 12,56 máy/100 dân (vượt chỉ tiêu Đại hội IX là 7 8 máy/100 dân), 97,5% số xã có máy điện thoại, tổng dung lượng kết nối Internet quốc tế đạt l.890 Mbit/s với trên 1,9 triệu thuê bao, đạt mật độ 7,17 người sử dụng/100 dân. Đến nay trên cả nước đã có 14.725 điểm phục vụ, (tăng 2.395 điểm so với năm 2003), trong đó có 7.011 điểm Bưu điện - Văn hoá xã đi vào hoạt động, 89,4% số xã có báo đến trong ngày.
Một số ngành kinh tế trọng yếu như ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, du lịch, viễn thông, hàng không... đã đạt được nhiều thành công nhờ ứng dụng các dịch vụ CNTT-TT. Khoảng 50% doanh nghiệp đã ứng dụng CNTT vào quản lý sản xuất kinh doanh và dịch vụ. Trên 30% doanh nghiệp có kết nối Internet, 10% có trang Web để phục vụ kinh doanh, tiếp thị trong nước và quốc tế. Ứng dụng CNTT đã tương đối phổ biến trong hệ thống các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tại một số địa phương, trong quốc phòng và an ninh. Hơn 50% Bộ, ngành và hơn 80% tỉnh, thành phố trực thuộc đã có trang Web, 3 tờ báo điện tử và hàng chục trang tin điện tử các loại cùng với việc truyền tín hiệu truyền hình số qua Internet góp phần đáng kể vào công tác thông tin, tuyên truyền và đối ngoại.
Trong năm 2004, mạng di động Viettel Mobile sử dụng công nghệ GSM của Công ty Viễn thông quân đội đã chính thức đi vào hoạt động. Mạng di động của Viettel có vùng phủ sóng trên toàn quốc, đi thẳng vào công nghệ 2,5 G. Sự góp mặt của Viettel mang lại nhiều sự lựa chọn hơn cho người sử dụng. Tổng công ty BCVT Việt Nam (VNPT) đã chính thức khai trương các dịch vụ mới trên nền mạng NGN (mạng thế hệ mới). Việc cung cấp các dịch vụ mới trên nền mạng NGN đánh dấu một bước chuyển biến cơ bản về công nghệ và phương thức cung cấp dịch vụ trên mạng của VNPT. Mạng này được xây dựng dựa trên công nghệ chuyển mạch gói, cho phép triển khai đa dạng và nhanh chóng các dịch vụ, đáp ứng sự hội tụ giữa thoại và số liệu, giữa cố định và di động với Internet băng rộng. Việc phát triển mạng theo cấu trúc mạng thế hệ mới NGN với các công nghệ phù hợp là hướng đi tất yếu của viễn thông thế giới và mạng viễn thông Việt Nam.
Thông qua Dự án xóa mù tin học cho thanh niên nông thôn, 1 triệu máy tính giá rẻ đã được khởi động bằng chương trình Máy tính Thánh Gióng (máy tính giá ưu đãi), do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì. Sự xuất hiện của máy tính Thánh Gióng với đại diện là CMS và Elead đã kéo theo một cuộc cạnh tranh về máy tính giá rẻ ngay sau đó. Người tiêu dùng đã được làm quen với hàng loạt các thương hiệu máy tính giá rẻ khác như G6, Vibird… Với giá từ 6-8 triệu đồng, máy tính giá rẻ đã đáp ứng được yêu cầu của những người có thu nhập trung bình trong xã hội
Giao thông vận tải
Năm 2003 và 2004, ngành giao thông vận tải đã triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học độc lập cấp nhà nước, các dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước và các đề tài, dự án cấp bộ. Các đề tài nghiên cứu, các dự án sản xuất thử đó đã đạt được một số kết quả nổi bật sau đây:
Chỉ tính riêng trong ngành đóng tàu thủy, đã tiến hành một loạt các đề tài nghiên cứu khoa học, dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp cơ sở, điển hình là: “Nghiên cứu các thiết bị và phương pháp công nghệ cơ bản phục vụ cho đóng tàu thủy cỡ lớn”, “Nghiên cứu lựa chọn công nghệ đóng mới tàu chở dầu thô trọng tải 100.000 tấn tại Việt Nam”, “Nghiên cứu xây dựng trường thử tàu ở Việt Nam”, “Hoàn thiện thiết kế, thi công đà bán ụ 25.000 tấn”, “Hoàn thiện công nghệ tự động trong chế tạo, lắp ráp, hàn vỏ tàu thủy nhằm nâng cao chất lượng đóng tàu thủy cỡ lớn”, “Hoàn thiện công nghệ sản xuất vật liệu hàn chất lượng cao dùng cho đóng tàu”…Các đề tài, dự án đó đã tập trung vào những vấn đề KH&CN mấu chốt của ngành và góp phần tạo ra các công nghệ và sản phẩm tiêu biểu mang tính chất đột phá như công nghệ tự động hóa thiết kế tàu thủy, công nghệ cắt tôn tự động, các công nghệ cơ bản phục vụ đóng tàu cỡ lớn, các quy trình kiểm tra chất lượng đóng tàu, thiết kế tàu chở dầu thô, tàu chở xi măng, tàu chở container, tàu chở hoa quả, tàu hút bùn, chế tạo bộ tời kéo, công nghệ sản xuất dây hàn chất lượng cao, đà bán ụ để đóng tàu 25.000 tấn, cần cẩu 120 tấn, máy lái điện-thủy lực…từ đó đã đóng thành công tàu hàng 6.500 tấn, tàu hàng 12.500 tấn, tàu chở container 1016 TEU, tàu hút bùn 1.500m3/h, tàu chở khí hóa lỏng LPG dung tích đến 1.500m3, tàu tuần tra cao tốc vỏ thép cường độ cao, tàu vỏ hợp kim nhôm cao cấp, tàu nghiên cứu biển, tàu khách du lịch cao tốc, ụ nổi 8.500 tấn… Phần mềm Shipconstructor đã được nghiên cứu và triển ứng dụng thành công đối với các tàu: 6.500 tấn, 12.500 tấn trong các công đoạn phóng dạng, lấy dấu, hạ liệu, triển khai tôn vỏ tàu thủy. Công nghệ tự động hóa cũng được chú trọng từ bước thiết kế đến gia công, sản xuất, làm thay đổi đáng kể chất lượng và năng suất lao động. Trong thời gian tới, việc nghiên cứu phối hợp ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa trong phóng dạng, triển khai kết cấu, hạ liệu, gia công (cắt, hàn), thi công đóng mới các tàu chở hàng rời 53.000 tấn phục vụ xuất khẩu và tàu chở dầu thô 100.000 tấn sẽ tạo ra một bước phát triển quan trọng trong công nghệ đóng tàu thủy ở Việt Nam. Có thể khẳng định rằng: các kết quả nghiên cứu, các tiến bộ KH&CN nói trên đã giúp ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thời gian thi công, hạ giá thành sản xuất để có thể hội nhập, cạnh tranh quốc tế. Các chủ tàu quốc tế đã chứng kiến tận mắt và đánh giá cao sự phát triển KH&CN của ngành đóng tàu thủy của ta nên họ đã tin tưởng ký hợp đồng mới với nhiều loại tàu hàng cỡ lớn như 53.000 tấn, 70.000 tấn và Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam đang thực hiện đóng mới series tàu chở dầu thô 100.000 DWT phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam phấn đấu đáp ứng cơ bản nhu cầu đóng mới của thị trường trong nước: đến năm 2010 sẽ là 2.257.000 DWT đạt 1 tỷ USD tàu đóng mới phục vụ xuất khẩu và đến năm 2020 sẽ là 5.052.000 DWT. Rõ ràng kết quả đó vượt xa dự tưởng của chúng ta 5 năm trước đây và một điều tất yếu là nếu KH&CN không được phát triển tương xứng thì ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam không thể có bước phát triển như hiện nay, không thể đạt được các mục tiêu to lớn đó.
Kết quả của các đề tài nghiên cứu đã giúp chúng ta làm chủ được các công nghệ chống sụt trượt, thi công cảng nước sâu, công trình trên nền đất yếu, xây dựng hầm, xây dựng cầu dây văng, thiết kế thi công cầu bê tông cốt thép khẩu độ lớn, móng sâu. Chế tạo thành công các vật liệu mới và các phụ gia trong xây dựng cơ bản.
Các đề tài, dự án thuộc chương trình nghiên cứu KH&CN trọng điểm cấp Bộ đã mang lại những hiệu quả thiết thực, giúp cho các đơn vị thi công nắm vững và làm chủ các công nghệ mới trong thi công đường bộ, đường sân bay, đường sông và hầm giao thông. Kết quả đề tài "Nghiên cứu công nghệ mới trong xây dựng mặt đường bộ và đường sân bay bằng bê tông cốt thép và cốt thép ứng suất trước" đã được ứng dụng để triển khai xây dựng thí điểm mặt đường bê tông cốt thép liên tục tại quốc lộ 12A, Quảng Bình. Quy trình đánh giá cường độ kết cấu mặt đường mềm theo phương pháp không phá hủy bằng thiết bị FWD đã được hoàn thành, tạo điều kiện tăng độ chính xác, chất lượng và tăng năng suất làm việc của công tác kiểm tra, phù hợp với các tiêu chuẩn đang được sử dụng ở các nước tiên tiến trên thế giới.
Đã nghiên cứu thiết kế chế tạo thành công thiết bị phun xói tia nước áp suất cao, một thiết bị quan trọng, không thể thiếu trong công nghiệp mở rộng đáy cọc nhằm nâng cao sức chịu tải của cọc khoan nhồi mà trong nước chưa chế tạo được. Thành công này mở ra triển vọng chế tạo thiết bị trong nước với giá thành rẻ hơn giá nhập ngoại, đáp ứng yêu cầu không chỉ cho phát triển công nghệ cọc khoan nhồi trong xây dựng mà còn có thể mở rộng áp dụng cho một số lĩnh vực công nghiệp khác.
Thông qua việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu của các đề tài, ngành giao thông vận tải đã giải quyết được các yêu cầu kỹ thuật mà sản xuất đòi hỏi như: thiết kế thi công đê chắn sóng, giải quyết chống thấm và thoát nước cho các hầm giao thông, lựa chọn các kết cấu điển hình cho cầu giao thông nông thôn, đưa ra các phương pháp thi công hợp lý và giá thành rẻ.
Một số đề tài đã đóng góp cho công tác quản lý và quy hoạch của ngành, như: đề ra các giải pháp cụ thể để hội nhập AFTA, WTO cho lĩnh vực công nghiệp và vận tải trong ngành giao thông vận tải, xây dựng Hiệp định vận tải đa phương thức với các nước ASEAN; xây dựng cơ chế, chính sách khai thác các cảng biển, mô hình tổ chức khai thác vận tải trong cả nước, đặc biệt là giao thông đô thị.
Đã chế tạo được hàng loạt xe khách loại 32, 50, 60 và 80 chỗ, đạt tiêu chuẩn, được đưa vào vận hành khai thác có kết quả tốt, tỷ lệ nội địa hoá đạt 50-60%. Đáp ứng một phần nhu cầu vận tải hành khách trong nước, giảm ngoại tệ nhập xe nguyên chiếc. Tạo thêm công ăn việc làm, mở ra triển vọng cho việc phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam.
Trên cơ sở các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm ngành giao thông vận tải đã tự đóng mới hàng trăm toa xe, trong đó có loại toa xe cao cấp, lắp 2 đầu máy Diezen cho đoàn tàu kéo đẩy với tỷ lệ nội địa hoá là 89-90%. Kết quả này đóng góp rất lớn vào việc phát triển ngành công nghiệp đóng mới toa xe và công nghiệp lắp ráp đầu máy.
Đã xây dựng thành công dây chuyền sản xuất dây hàn lõi thuốc từ nguyên liệu trong nước (từ trước đến nay dây hàn lõi thuốc dùng trong ngành đóng tàu thường phải nhập ngoại). Dây chuyền đã được đưa vào sản xuất từ cuối năm 2003. Ngoài việc đáp ứng các nhu cầu trong nước, hệ thống thiết bị đã hỗ trợ cho việc nhận đơn đặt hàng trị giá 10 triệu USD để xuất khẩu mặt hàng này.
Trong lĩnh vực xây dựng, cầu và hầm có bước tiến vượt bậc, đã ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới vào Việt Nam. Cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền - cầu dây văng lớn nhất và hiện đại nhất Đông Nam Á đã đưa vào sử dụng, chúng ta triển khai cầu Bãi Cháy - cầu treo dây văng một mặt phẳng có khẩu độ nhịp lớn nhất thế giới hiện nay (435m), nằm trên quốc lộ 6, bắc qua eo Cửa Lục - Vịnh Hạ Long dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2006. Cầu Cần Thơ sẽ là cầu dây văng có chiều dài nhịp giữa lớn nhất ở nước ta (550m), nằm trên quốc lộ 1A, bắc qua sông Hậu khởi công ngày 25/9/2004, dự kiến hoàn thành năm 2008. Cầu Thanh Trì (trên vành đai 3 Hà Nội) - cầu bê công cốt thép dự ứng lực lớn nhất nước ta cho tới nay, với chiều dài 3.084m, rộng 31,1m, công nghệ thi công tiên tiến nhất, đặc biệt là sử dụng công nghệ dàn giáo di động tiên tiến (MSS). Cầu Thanh Trì đã khởi công ngày 28/11/2002, dự kiến hoàn thành cuối năm 2006. Về hầm giao thông - loại công trình mở ra khả năng cải tạo hướng tuyến, khắc phục được đường cong, đèo dốc thường gây sụt lở và tai nạn, rút ngắn đường đi, hạ giá thành vận tải. Công trình giao thông ngầm cũng là loại hình tất yếu đối với yêu cầu phát triển của các thành phố lớn. Hầm đường bộ Hải Vân là một trong 30 hầm đường bộ lớn nhất và hiện đại nhất thế giới với hầm chính dài 6274m, nằm trên quốc lộ 1A đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2005. Hầm đường bộ Hải Vân được thi công theo công nghệ tiên tiến NATM của Cộng hòa Áo với lực lượng tư vấn 3 nước Nhật Bản, Mỹ, Việt Nam và các đơn vị thi công liên doanh Nhật Bản - Việt Nam. Tiếp theo công trình này là hầm đường bộ Đèo Ngang cũng nằm trên quốc lộ 1A, tuy chiều dài chỉ 495m song có ý nghĩa là công trình do tư vấn và nhà thầu Việt Nam tự thiết kế và thi công, cùng với công nghệ tiên tiến NATM, hầm này khởi công tháng 5/2003 và đã hoàn thành tháng 8/2004. Năm 2005 có vị trí và ý nghĩa hết sức quan trọng đối với ngành giao thông vận tải. Là năm đẩy mạnh xây dựng các công trình trọng điểm đảm bảo chất lượng, tiến độ, triển khai các dự án đường ô tô cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Trung Lương - Mỹ Thuận, dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2. Là năm phát huy những thành quả đã đạt được trên các lĩnh vực vận tải, sản xuất, công nghiệp đóng tàu và công nghiệp ô tô. Là năm cố gắng tạo ra các nguồn lực để đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đẩy mạnh hội nhập quốc tế về giao thông vận tải.
Tại “Hội nghị KH&CN ngành giao thông vận tải 5 năm 1999-2004”, đã tổng kết toàn diện hoạt động KH&CN của ngành, định hướng phát triển KH&CN giai đoạn 2005-2010, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đánh giá hoạt động KH&CN của ngành giao thông vận tải những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, đã ứng dụng thành công nhiều công nghệ mới, tiên tiến trong quá trình sản xuất cũng như thi công, nhiều công trình có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển KT-XH của đất nước được đưa vào khai thác có hiệu quả.
Chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ngành xây dựng trong những năm gần đây đã đạt được một số kết quả quan trọng : nghiên cứu, chế tạo một số thiết bị nội địa thay thế hàng nhập khẩu như lò nung thanh lăn phục vụ sản xuất gạch ốp lát, cầu thang máy, thiết bị nâng…Các nghiên cứu phát triển công nghệ nhà cao tầng, công trình ngầm, công nghệ xử lý nước, tái chế các phế thải sinh hoạt thành chế phẩm xây dựng… Một số nghiên cứu đã phục vụ kịp thời việc nâng cao năng lực công tác quản lý nhà nước của ngành xây dựng, đào tạo nhân lực, xây dựng các luận cứ khoa học để hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách về quản lý đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng xây dựng, quản lý kiết trúc quy hoạch và hệ thống hạ tầng đô thị. Kết quả nghiên cứu quy hoạch tổng thể hệ thống Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam đảm bảo tính kế thừa, tính đồng bộ, tính tiên tiến, tính hội nhập. Các doanh nghiệp ngành xây dựng đã nhận thức được đổi mới công nghệ là yêu cầu tất yếu của sự tồn tại và phát triển trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập. Tuy nhiên, thị trường công nghệ chưa thực sự được tạo lập, do vậy chưa có sự gắn kết thật sự giữa các viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong ngành. Sau đây là kết quả nghiên cứu KH&CN đã đạt được trong 2 năm gần đây :
Năm 2003, ngành xây dựng đã triển khai thực hiện 2 đề tài nghiên cứu thuộc Chương trình KH&CN cấp Nhà nước, 4 đề tài độc lập cấp nhà nước, 4 dự án sản xuất thử nghiệm cấp nhà nước, 6 đề tài thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp bộ, 22 đề tài và 2 dự án sản xuất thử, thử nghiệm cấp Bộ. Dưới đây là một số kết quả nổi bật:
Đã chế tạo được các thiết bị, phụ tùng thay thế sử dụng trong công nghiệp sản xuất xi măng lò quay. Đã nghiên cứu thiết kế máy phay trộn đất, chế tạo thiết bị sản xuất nhũ tương Bitum.
Đã thành lập mô hình và tìm ra hướng giải pháp cho quy hoạch kiến trúc các vùng sinh thái đặc trưng của Việt Nam. Đã tiến hành nghiên cứu lựa chọn công nghệ thích hợp để phục vụ cho công nghiệp xây dựng nhà ở và đưa ra định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam theo quan điểm giữ gìn bản sắc dân tộc. Đã xây dựng xong Báo cáo quy hoạch đồng bộ tổng thể hệ thống Quy chuẩn, Tiêu chuẩn Xây dựng Việt Nam.
Hoàn thành sản xuất thử và đưa vào áp dụng men cho gạch ốp lát và đang mở rộng triển khai áp dụng tại các cơ sở sản xuất. Quy trình công nghệ sản xuất phụ gia nở và vữa trộn sẵn đã được hoàn thiện và cung cấp vữa trộn sẵn các loại cho các công trình xây dựng, thay thế một phần sản phẩm vữa nhập ngoại. Đã triển khai nghiên cứu chế tạo và đưa vào áp dụng bê tông chịu lửa cho các lò công nghiệp xi măng, lò luyện kim.
Nghiên cứu thành công phương pháp kích đẩy trong thi công đường hầm, để áp dụng rộng rãi cho xây dựng ở các nút giao thông, có tác dụng không gây ảnh hưởng đến hoạt động phía trên mặt đường bộ, đặc biệt qua dưới đường tàu hỏa. Hoàn thành quy trình công nghệ bê tông đầm lăn cho thi công mặt đường nông thôn, với giá thành rẻ hơn so với bê tông nặng thông thường, tiết kiệm khoảng 40% lượng xi măng/m3 bê tông, phục vụ tốt cho thi công ở các vùng nông thôn, miền núi. Đã áp dụng công nghệ trượt trong thi công xây dựng nhà chung cư cao tầng tại nhiều khu chung cư cao tầng thuộc Hà Nội và một số công trình trong nước, chất lượng công trình cao, thiết kế mặt bằng hợp lý, tạo cảnh quan hấp dẫn. Công nghệ xây dựng nhà ở cho đồng bào miền núi sử dụng vật liệu địa phương cũng được áp dụng để xây dựng nhà ở cho đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc, nhất là cho việc xây dựng các khu di dời dân để xây dựng công trình thủy điện Sơn La. Đã áp dụng công nghệ GPS trong trắc địa công trình và nhà cao tầng để thành lập lưới khống chế mặt bằng phục vụ xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Toàn ngành xây dựng đã có gần 50 các kết quả nghiên cứu và các tiến bộ kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, với các công nghệ điển hình như: công nghệ thi công các công trình ngầm theo phương pháp NATM phát huy tốt cho các công trình đường hầm giao thông, thủy điện; công nghệ thi công trượt dân dụng kết hợp công nghệ bê tông ứng suất trước đã được áp dụng mạnh mẽ trong xây dựng nhiều chung cư cao tầng ở các đô thị trong cả nước; công nghệ hàn, các cấu kiện kim loại LILAMA, COMA chế tạo đã được áp dụng rộng rãi cho các công trình. Hầu hết các công nghệ mới và các thành tựu kỹ thuật tiến bộ được các doanh nghiệp trong ngành xây dựng tiếp nhận, đưa vào khai thác và triển khai ứng dụng đem lại hiệu quả đáng kể, góp phần chung cho việc duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành. Các công nghệ mới nhập, được đưa vào vận hành trong năm 2003 đã góp phần tạo ra các sản phẩm vật liệu xây dựng mới, nâng cấp chất lượng kỹ thuật và thẩm mỹ cho các công trình xây dựng, đáng chú ý có các công nghệ kính dán an toàn; công nghệ gạch Cotto-Italia; công nghệ kính cán in hoa; công nghệ chế tạo ống nhựa HDPE dùng trong xây dựng, v.v...
Năm 2004, đã chế tạo thành công dây chuyền đồng bộ công suất 0,5 triệu m2/năm (gồm 15 thiết bị) và công nghệ sản xuất tấm lợp lượn sóng không chứa amiăng với các đặc tính kỹ thuật sau : kích thước 1.500x920x5mm; trọng lượng 300kg/tấm; không tạo giọt sau 24 giờ ngâm nước. Kết quả này đã tạo ra khả năng chuyển đổi các dây chuyền sản xuất tấm lợp amiăng hiện có với giá chỉ bằng 30% so với giá ngoại nhập, góp phần chuyển hướng đầu tư dây chuyền công nghệ mới bằng năng lực trong nước. Giá thành sản xuất ra tấm lợp từ dây chuyền công nghệ này chỉ cao hơn 10-15% so với giá thành cũ. Đã làm chủ được công nghệ sản xuất xi măng giếng khoan chủng loại G (Xi măng GK) với nguồn nguyên liệu và dây chuyền sản xuất trong nước, thay thế sản phẩm nhập ngoại và với giá bán chỉ tương đương 60% giá trước đây (giá thành sản xuất chỉ vào khoảng 65% giá bán). Riêng năm 2004 sản xuất và tiêu thụ được 5.000 tấn xi măng GK. Giá bán của sản phẩm nhập ngoại 150-200 USD/tấn, giá sản xuất trong nước 65USD/tấn và giá bán là 100USD/tấn.
Y dược
Việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn trong ngành y tế đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề thiết thực, cấp bách và then chốt về y tế và y học, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và dự phòng, từng bước tiếp cận với kỹ thuật và công nghệ hiện đại.
Các kết quả nghiên cứu công nghệ sản xuất vắc-xin đã góp phần khống chế, đẩy lùi và tiến tới thanh toán một số bệnh dịch nguy hiểm ở Việt Nam, như: nghiên cứu và sản xuất thành công vắc-xin phòng bệnh viêm gan B từ Plasma với quy mô 4.000.000 liều/năm; nghiên cứu, ứng dụng thành công và làm chủ được công nghệ sản xuất vắc-xin viêm gan B tái tổ hợp và viêm gan A với quy mô 100.000 liều/năm, đạt tiêu chuẩn quốc tế; đã làm chủ được công nghệ sản xuất vắc-xin viêm não Nhật Bản với quy mô 3.000.000 liều/năm, hiện đang nghiên cứu thay chủng SX Bejing-1 có năng suất gấp 1,5 lần chủng cũ Nakayama.
Đã ứng dụng thành công một số kỹ thuật sinh học phân tử trong chẩn đoán và điều trị bệnh (như Sequencing, Realtime, RT-PCR, PCR), đặc biệt đối với các bệnh do virus gây ra, như: viêm gan, viêm não, sốt xuất huyết Dengue, viêm đường ruột do virus, viêm đường hô hấp cấp (SARS),v.v...
Đối với các công nghệ mới và hiện đại, ngành y tế cũng đã nghiên cứu và áp dụng đạt hiệu quả cao trong chẩn đoán chính xác, chẩn đoán sớm và điều trị thành công một số bệnh trước kia chưa thực hiện được ở trong nước. Đặc biệt trong lĩnh vực chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch, các đề tài nghiên cứu đã đạt được một số kết quả khả quan ban đầu, như tiến hành nghiên cứu phác đồ điều trị suy tim trong một số trường hợp; bước đầu hoàn thiện các quy trình công nghệ điều trị can thiệp động mạch vành trong bệnh nhồi máu cơ tim cấp, quy trình chẩn đoán bệnh lý ở hệ tĩnh mạch và động mạch, quy trình công nghệ nong van hai lá bằng bóng và bằng dụng cụ trong điều trị bệnh hẹp van hai lá và hẹp van động mạch phổi, quy trình công nghệ điều trị rối loạn nhịp tim bằng năng lượng tần số rađio (RF)... Trong lĩnh vực truyền máu, đã nghiên cứu thành công công nghệ truyền tách biệt các thành phần máu đem lại hiệu quả cao trong điều trị, bảo đảm an toàn và tiết kiệm.
Đối với lĩnh vực dược, đã nghiên cứu và ứng dụng thành công một số công nghệ và kỹ thuật cao trong sản xuất thuốc, nâng cao chất lượng thuốc phục vụ cho công tác điều trị, đạt được một số kết quả nổi bật như sau:
- Đã tiến hành nghiên cứu quy trình công nghệ cố định enzym trong sản xuất kháng sinh mới và bước đầu điều chế được một số sản phẩm trung gian đạt tiêu chuẩn quốc tế.
- Sản xuất thành công thuốc chữa bệnh sốt rét artesunat có chất lượng cao, cạnh tranh được với hàng nhập ngoại, phục vụ cho chương trình phòng chống bệnh sốt rét ở Việt Nam.
- Tập trung nghiên cứu một số thuốc chữa các bệnh nan y từ dược liệu trong nước, như thuốc hỗ trợ trong điều trị bệnh ung thư và HIV/AIDS, Hoàng cung trinh nữ điều trị u xơ tiền liệt tuyến, v.v... .
- Đang tập trung nghiên cứu thuốc tổng hợp điều trị bệnh ung thư từ cysplatin, 5Fu, cyclophosphamit.
- Sử dụng nguồn tài nguyên dược liệu trong nước để sản xuất nguồn nguyên liệu làm thuốc như: bạc hà, tràm, lá xoài, chè xanh, chè dây, v.v....
- Đã hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất mangiferin, ampelop ở quy mô công nghiệp.
Trong thời gian qua, với sự hợp tác chặt chẽ giữa Bộ KH&CN và Bộ Y tế trong việc chỉ đạo và tổ chức hoạt động KH&CN, nhiều đơn vị đã thành công trong nghiên cứu và ứng dụng những công nghệ tiên tiến và công nghệ mới với hiệu quả trong chẩn đoán, điều trị, dự phòng, nâng cao chất lượng thuốc sản xuất trong nước. Việc áp dụng kết quả của một số đề tài và dự án sản xuất thử nghiệm đã mang lại những hiệu quả KT-XH rõ rệt trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Y tế và sức khỏe
Việt Nam đã làm chủ được nhiều quy trình công nghệ, sản xuất được nhiều chế phẩm chẩn đoán (bộ sinh phẩm chẩn đoán HBsAg Micro Elisa, chẩn đoán sốt xuất huyết, các kháng thể đơn dòng, các chế phẩm máu) và một số vắc-xin, kể cả vắc-xin thế thệ mới giá thành rẻ hơn nhập ngoại phục vụ cho chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt đối với đồng bào nghèo. Về vắc-xin viêm gan, Việt Nam đã sản xuất với giá thành: 33.000 đồng/liều, trong khi giá nhập: 200.000 đồng/liều; vắc-xin viêm gan B tái tổ hợp: Việt Nam sản xuất:17.000 đồng/liều, nhập: 70.000đồng/liều; vắc-xin thương hàn: Việt Nam sản xuất: 4.800 đồng/liều, nhập : 120.000 đồng/liều... Chỉ riêng đối với việc sản xuất 4 loạt sinh phẩm mẫu chuẩn quốc gia cho 4 loại vắc-xin trên với giá 12.500 đồng/ống mẫu (giá mỗi ống chuẩn mua của nước ngoài là 80 Bảng Anh), các công nghệ được làm chủ đã tiết kiệm cho Nhà nước 12 tỷ đồng.
Đã áp dụng thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, kỹ thuật lưu giữ tinh trùng, bảo quản phôi, tỷ lệ thành công đạt 33,3% tại Bệnh viện Từ Dũ, TP. Hồ Chí Minh và 32% đối với Bệnh viện Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ sơ sinh.
Bệnh phình đại tràng bẩm sinh ở trẻ nhỏ là bệnh phổ biến, từ 2 đề tài cấp Bộ, Việt Nam đã ứng dụng và nghiên cứu kỹ thuật mổ mới với kết quả thành công được nâng từ 40% lên 98%, tỷ lệ tử vong giảm từ 20% xuống 1%, số lần mổ giảm từ 3 lần xuống 1 lần, tuổi được phép mổ từ 3 tuổi nay có thể mổ từ 15 ngày tuổi, vết mổ đẹp và giảm chấn thương cho trẻ.
Để phục vụ việc kiểm tra nhanh nhiệt độ hành khách tại các sân bay và các cửa khẩu Việt Nam trong việc phát hiện nhanh người có nguy cơ nhiễm bệnh SARS (Bệnh viêm đường hô hấp cấp), các nhà khoa học đã chế tạo thành công máy nhiệt ký gọn, nhẹ (1,8 kg - không kể máy tính) có tính năng kỹ thuật cao hơn các thiết bị đang dùng và độ chính xác đến 0,1oC. Máy có khả năng phân loại nhanh, chính xác những người bị sốt với giá thành rẻ, bằng 2/3 giá nhập ngoại (giá sản xuất trong nước: 300 triệu đồng; nhập ngoại: 30.000 USD). Các loại máy này đang có kế hoạch sản xuất để cung cấp cho các cửa khẩu (hàng không và đất liền).
Dược liệu
Đã nghiên cứu đánh giá thực trạng, quy hoạch, phát triển và sử dụng nguồn dược liệu trong nước để sản xuất thuốc có tác dụng điều trị với giá thành rẻ, phục vụ đặc biệt cho đồng bào vùng sâu vùng xa và ứng dụng công nghệ bào chế mới để nâng cao chất lượng thuốc.
Sản xuất thành công Interferon tái tổ hợp, biệt dược giúp chữa bệnh gan nhiễm virus và một số bệnh ung thư, có thể cung cấp đủ sản phẩm để phục vụ cho nhu cầu chữa bệnh 3-4 tỷ đơn vị/năm; đã nghiên cứu thành công Prôtêin Tribakhin tái tổ hợp có nguồn gốc từ cây thuốc họ bầu bí của Việt Nam với tác dụng ức chế quá trình tổng hợp ribosome tế bào, có triển vọng ứng dụng trong điều trị một số bệnh do virus gây ra.
Tổng hợp được những dẫn chất ưu việt của Artemisinin: 20 dẫn chất mới của Artemisinin có chứa nitơ, có độ bền hóa học cao, dễ tan trong nước, trong dầu và có hoạt tính chống sốt rét. Phát hiện 10 dẫn chất mới có 11-Azaartemisinin có hoạt tính cao hơn Artemisinin.
Đã nghiên cứu xây dựng được quy trình tổng hợp taxol và taxoltere làm thuốc điều trị bệnh ung thư từ chất 10-DAB III chiết tách từ cây thông đỏ của Việt Nam. Phát hiện và sử dụng một số hợp chất thiên nhiên từ thảo mộc có hoạt tính sinh học chống HIV.
Đã tiến hành sàng lọc và điều tra thành phần, hàm lượng axit béo trong hơn 60 loài thực vật phổ dụng và đã xác định được các nguồn nguyên liệu có tiềm năng là dầu đậu tương, dầu lạc, dầu cá. Phối chế tỷ lệ axit béo w3 và w6, định hình tạo chế phẩm OF27 có hoạt tính sinh học cao, sử dụng trong phòng chống ung thư.
Công nghệ sản xuất viên nang AMPELOP từ cây chè dây, điều trị loét hành tá tràng đã tạo ra sản phẩm ít tác dụng phụ so với thuốc tân dược, với giá thành hạ (144.000 đồng/liều) so với giá nhập của Ấn Độ (240.000 đồng/liều).
Từ dự án SXTN artesunat, quy trình với quy mô 3kg/mẻ từ cây thanh hao hoa vàng, đã cung cấp đủ thuốc cho Chương trình sốt rét, hoàn toàn cạnh tranh được với thuốc của Trung Quốc, chất lượng tốt và giá thành rẻ, chỉ bằng 50% so với nhập của Trung Quốc.
Nguồn: Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia