Tổng quan về một số kết quả chủ yếu trong nghiên cứu và ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương
Tổng quan về một số kết quả chủ yếu trong nghiên cứu và ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương
Kết quả nghiên cứu KH&CN
Hoạt động nghiên cứu KH&CN đã gắn liền với các mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm phát triển KT-XH của mỗi địa phương. Các kết quả nghiên cứu KH&CN đã cung cấp các luận cứ khoa học, hệ thống số liệu cho việc hoạch định chiến lược, chính sách phát triển KT-XH, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng dần tỷ trọng các ngành, các lĩnh vực có lợi thế so sánh. Hoạt động KH&CN tại các địa phương đã nâng cao năng lực quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển KT-XH, sức khỏe của cộng đồng, là những căn cứ để tổng kết thực tiễn quá trình đổi mới, bổ sung làm rõ các buớc đi, giải pháp nhằm tham mưu cho lãnh đạo cấp tỉnh, thành phố trong việc chỉ đạo thực hiện công cuộc CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn.
Các đề tài thuộc lĩnh vực công nghiệp tập trung ứng dụng CNTT trong công tác thẩm định, thiết kế công trình xây dựng, trong quản lý các ngành nhằm tăng năng suất và chất lượng hiệu quả quản lý nhà nước. Đã nghiên cứu triển khai thiết kế, chế tạo thiết bị và các sản phẩm mới có trình độ công nghệ cao, tạo sản phẩm mới có đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Chế tạo lò đứng gió nóng để đúc chi tiết máy và ống gang cầu, chế tạo van chống sét 35 kV. Đã thiết kế và chế tạo thiết bị máy hàn TIG, máy hàn MAG tự động, máy cắt giao tuyến, máy uốn, hệ thống van, ống dẫn khí nén và máy nén khí trong sản xuất ống cấp nước bằng gang. Đã xây dựng nhiều quy trình công nghệ như phun phủ kẽm, hàn tự động, chế tạo khuôn, công nghệ nhiệt luyện, công nghệ tạo mẫu nhanh. Đã xây dựng các chương trình phần mềm điều khiển trong các hệ thống đo lường và điều khiển, ứng dụng các chíp chuyên dụng cho thiết bị đo lường điều khiển tự động trong công nghiệp. Tập trung nghiên cứu các đô thị mới, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông nội thành Hà Nội. Đã xây dựng được 6 chương trình phần mềm tin học, 2 tiêu chuẩn thiết kế, 6 văn bản quy định và kỹ thuật hướng dẫn thi công, thử nghiệm 2 sản phẩm vật liệu mới gốm xốp và bê tông bọt (Hà Nội). Trong nghiên cứu công nghệ thi công và xây dựng, đã nghiên cứu lập phương án khả thi, lựa chọn giải pháp tối ưu áp dụng các phương pháp xác định kết cấu, sức chịu tải vật liệu trong xây dựng nhà cao tầng ở Hà Nội. Tính toán thiết kế kết cấu về khung và khung-vách cho nhà cao tầng có tính đến tải trọng động đất. Lập trình, tự động hoá tính toán sức chịu tải của các loại cọc theo các phương pháp khác nhau. Trong quy hoạch kiến trúc, đã đề xuất các giải pháp về định hướng phát triển kiến trúc, quy hoạch kiến trúc vùng nông thôn ngoại thành, đề xuất giải pháp thiết kế đô thị không gian mở cho khu ở mới và khu đô thị mới trên địa bàn TP. Hà Nội. Nghiên cứu vật liệu, công nghệ chế tạo các sản phẩm trên cơ sở tổng hợp nhựa-cao su có tính năng đặc biệt để chống xói lở kênh rạch, bờ biển cho các công trình thủy lợi và giao thông (TP. Hồ Chí Minh). Nghiên cứu, chế tạo và áp dụng thành công quạt đặc chủng và vật liệu làm mát không khí bằng nước, phục vụ thông gió chống nóng trong các xưởng may và một số khâu trong ngành dệt may và da giày, giá thành bằng 50% so với nhập ngoại. Nghiên cứu thiết kế chế tạo thiết bị đo biến dạng bằng biến cảm điện trở dây strain gauge. Sử dụng cảm biến ngoại nhập strain gauge, thiết kế chế tạo thiết bị đo 20 kênh, kết nối truyền dữ liệu và hiển thị xử lý trên máy tính dùng để đo biến dạng cầu, các công trình chịu lực; máy có tính năng tương đương P3500 của Đức và UPM 60 của Mỹ (TP. Hồ Chí Minh). Nghiên cứu khả năng điều khiển, giám sát thu nhận dữ liệu trên thời gian thực, trên hệ thống sản xuất tự động dạng CIM trong ngành cơ khí chế tạo máy. Đã nghiên cứu thiết kế hệ thống băng tải và gấp phôi, làm cards DAS, trang bị các biến cảm nhận dạng và chấp hành. Cải tạo Robot Puma PM-01, chế tạo drivers điều khiển độc lập. Thiết kế các phần mềm mô phỏng hoạt động của máy phay CNC, băng tải, phần mềm truyền thông của hệ thống và phần mềm điều khiển giám sát và thu nhận dữ liệu trên thời gian thực. Hệ thống đã được đánh giá tốt, thể hiện khả năng thiết lập điều khiển tự động hoá mang tính hệ thống đơn giản bằng khả năng trong nước và đã được triển khai tại Công ty SAMCO (TP. Hồ Chí Minh). Đã nghiên cứu thiết kế chế tạo thành công máy tiện điều khiển bằng kỹ thuật số CNC. Kết quả nghiên cứu đã nắm bắt được công nghệ chế tạo thiết bị cơ khí chính xác, giúp nâng cấp các máy tiện cũ đang phổ biến ở Việt Nam sang CNC có độ chính xác và tự động cao. Giảm chi phí nhập khẩu và chi phí gia công chi tiết ở nước ngoài, nâng cao tay nghề cho đội ngũ kỹ thuật trong nước. Tập trung nghiên cứu cải tiến quy trình đúc, tái tạo thép không rỉ, thiết kế chế tạo khuôn đúc, kỹ thuật làm khuôn mới để tiết kiệm vật liệu, giảm giá thành và tăng chất lượng sản phẩm về độ bền, độ bóng. Hoàn thiện quy trình phủ đồng lên nhôm-đồng, đạt các tiêu chuẩn về độ gắn bám, khả năng chịu hàn, độ kín dùng cho trụ bù trung thế, lưỡng kim dùng cho trục kéo cáp đạt khả năng dẫn điện và chịu nhiệt cao. Nghiên cứu và triển khai kiểm toán năng lượng và các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong các nhà máy, khách sạn... (TP. Hồ Chí Minh).
Các đề tài nghiên cứu khoa học hướng vào việc nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm như nghiên cứu cải tạo hệ thống điều khiển gió tự động lò nung Clanhke, hệ thống lọc bụi trong dây chuyền sản xuất xi măng tại Công ty Xi măng (Bắc Giang). Đổi mới công nghệ trong sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí chế tạo, chế biến nông sản thực phẩm, ứng dụng CNTT trong sản xuất kinh doanh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO9000. Một số Trung tâm công nghệ phần mềm đã sản xuất một số phần mềm ứng dụng, phục vụ quản lý hành chính và điều hành doanh nghiệp, bước đầu đã sử dụng ở một số cơ quan, doanh nghiệp. Hướng dẫn các doanh nghiệp đánh giá công nghệ, đổi mới công nghệ tập trung chủ yếu vào các sản phẩm xuất khẩu chủ lực (Hà Tây). Đã nghiên cứu sử dụng thành công đá bazan vào sản xuất phụ gia xi măng, dùng sỏi silicat tự nhiên thay bi nhập ngoại trong sản xuất gạch ceramic, sử dụng imenhit và silicat trong nước để sản xuất que hàn điện, nghiên cứu áp dụng thành công công nghệ sấy kén tằm, sấy hạt giống lúa lai F1 băng bức xạ hồng ngoại, sấy cói bằng công nghệ tuynel, sản xuất gốm mỹ nghệ tráng men bằng công nghệ đốt gas kết hợp với đốt than, nghiên cứu thành công công nghệ sản xuất muối phơi cát (Thanh Hóa). Triển khai các đề tài nghiên cứu trong việc cải tiến, đổi mới công nghệ, tạo sản phẩm mới trong các ngành dệt may, giày, chế biến thủy sản, vật liệu xây dựng, cơ khí chế tạo… nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm (Nghệ An, Thừa Thiên-Huế). Một số đề tài đã giải quyết được những vấn đề thực tế sản xuất, góp phần nâng cao năng lực KH&CN cho các ngành nhằm ổn định các vùng nguyên liệu chế biến, tạo ra được các dây chuyền công nghệ bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch phù hợp với quy mô từng địa phương. Các đề tài nghiên cứu, điều tra, đo đạc về khí tượng, thủy văn, động lực học biển trên toàn tuyến đã cho phép nhận biết được mực nước cực đại ứng với tần suất và các quy luật, cơ chế dịch chuyển phù sa và xói lở vùng bờ theo mùa (Bình Châu, Vũng Tàu) bảo đảm an toàn và tiết kiệm. Các kết quả nghiên cứu này cũng đã dự báo và đề xuất với chính quyền bố trí lại khu dân cư ven biển và cửa sông để tránh hiểm họa do sóng, gió cũng như di dời dân khỏi khu vực nguy hiểm trước khi bị sạt lở. Những vấn đề nghiên cứu về xói lở, xa bồi và các diễn biến phức tạp của vùng cửa sông (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã đạt được kết quả tốt. Đề tài nghiên cứu, điều tra, khảo sát hiện trạng rạn san hô, thảm cỏ biển và ghi nhận một số loài động vật biển quý hiếm (cá Heo, Rùa biển, Dugong) ở vùng biển Kiên Giang, đề xuất giải pháp quản lý và bảo tồn. Đề tài nghiên cứu, điều tra chất lượng và trữ lượng, dự báo khả năng sử dụng nước ngầm nhằm phục vụ công tác quản lý, khai thác hợp lý nguồn nước ngầm ở Bạc Liêu. Đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất mùn dừa bằng phương pháp ủ nhanh và xây dựng mô hình sản xuất thực nghiệm tại Trà Vinh”, đã sản xuất được trên 430 tấn mùn dừa thành phẩm, sản phẩm đã được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận. Hiện đang tiến hành chuyển giao quy trình sản xuất mùn dừa bằng phương pháp ủ nhanh cho các cơ sở.
Các đề tài thuộc lĩnh vực nông nghiệp tập trung nghiên cứu cây trồng, con giống phù hợp với điều kiện địa phương: đề tài “Điều tra tuyển chọn và phục tráng một số chủng loại cây ăn quả ôn đới có giá trị tại 2 huyện Sa Pa và Bắc Hà" (Lào Cai) đã tuyển chọn được 6 giống đào, mận Sa Pa và Bắc Hà, chọn những cây đầu dòng nhân giống xây dựng 2 ha vườn cây mẹ tại huyện Sa Pa và 3 mô hình tại 2 huyện khác. Đề tài đi sâu nghiên cứu, thử nghiệm sản xuất những giống cây, con có hiệu quả kinh tế cao, nghiên cứu vệ sinh an toàn thực phẩm, nghiên cứu tuyển chọn, thử nghiệm một số giống mới năng suất, chất lượng cao nhập nội đưa vào sản xuất (Lào Cai), nghiên cứu các chỉ tiêu chất lượng của các giống bò sữa nhằm đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò sữa (Vĩnh Phúc). Trong nông nghiệp, từ các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực CNSH, cây trồng, chế biến nông sản đã xây dựng được 11 quy trình công nghệ ứng dụng vào thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh, 2 mô hình quản lý, 6 mô hình thực nghiệm. Về chăn nuôi, đã hình thành vùng giống lợn sinh sản ngoại lai (tại Đông Anh-Hà Nội), hoàn thiện kỹ thuật sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm cá chim trắng nước ngọt. Đã nghiên cứu, đề xuất các giải pháp kiểm soát, kỹ thuật đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong giết mổ gia cầm. Nghiên cứu xây dựng kỹ thuật sản xuất lúa F1 hai dòng và mở rộng sản xuất lúa lai bồi tạp Sơn Thanh, ổn định quy trình kỹ thuật sản xuất hạt lai F1 phù hợp với điều kiện Hà Nội.
Các đề tài nghiên cứu phục hồi một số cây, con đặc sản nổi tiếng như cam Xã Đoài, hồng Nam Đàn, vịt bầu Quỳ; các đề tài nghiên cứu khảo nghiệm nhiều giống lúa, ngô, lạc, sắn, chè, dứa... có năng suất cao và chất lượng khá, phù hợp với điều kiện sinh thái đã được ứng dụng trên diện rộng, góp phần đạt trên 1 triệu tấn lương thực trong năm 2004, đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy chế biến hoạt động hết công suất; tổ chức nghiên cứu đón đầu để tiếp thu các thành tựu CNSH nhằm giải quyết nhu cầu về giống cây, con, các giải pháp thâm canh, phòng trừ dịch bệnh cho các cây trồng, vật nuôi đạt năng suất cao, chất lượng tốt, sạch bệnh để phát triển vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến (Nghệ An). Đề tài “Xây dựng mô hình khuyến nông góp phần xóa đói giảm nghèo” (Bình Long, Bình Phước) đã xây dựng được mô hình bò lai Sind, mô hình cây tiêu, mô hình lúa nước năng suất cao, đã tổ chức tập huấn tại chỗ cho bà con nông dân, kết quả của đề tài đã được cán bộ, nhân dân địa phương nhiệt tình ủng hộ. Đề tài nghiên cứu “Xây dựng mô hình trồng rau an toàn”tại thị xã Trà Vinh đã tổ chức hướng dẫn kỹ thuật trồng rau an toàn, tiến hành phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kết quả của đề tài có triển vọng áp dụng. Tiếp tục nghiên cứu tình hình dịch bệnh tôm trong những năm qua và hiện nay, các biện pháp phòng ngừa, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất thử nghiệm, ương nuôi một số đối tượng nuôi mới như tôm càng xanh, nuôi cá mú, cá chẽm, cá điêu hồng, cá sặc rằn… để phổ biến và nhân rộng cho bà con ngư dân nuôi trồng thủy sản nhằm đa dạng hóa nghề nuôi (Cà Mau).
Trong lĩnh vực y-dược, trình độ KH&CN trong lĩnh vực y học, khám chữa bệnh ở một số thành phố đang từng bước theo kịp với hai trung tâm lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đã nghiên cứu thành công công tác điều trị nhồi máu cơ tim bằng Heparin trọng lượng phân tử thấp. Đã tiếp nhận, làm chủ, chuyển giao công nghệ khám chữa bệnh hiện đại, các kỹ thuật mổ phức tạp, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao như mổ tim hở, mổ gan khô, mổ nội soi, bắn phá sỏi thận, vi phẫu thuật, ghép tụy. Các kết quả của các đề tài nghiên cứu đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng công tác điều trị, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân như các đề tài "Đề xuất các giải pháp thực hiện chuẩn quốc gia về y tế xã trên địa bàn tỉnh Bắc Giang". Các đề tài bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng như ứng dụng công nghệ mới trong điều trị ngoại khoa, ứng dụng các bài thuốc y học cổ truyền như phương pháp chữa trị cắt cơn nghiện ma túy. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu đề tài cấp Nhà nước về nghiên cứu, bảo tồn và phát triển cây dược liệu Sâm Trà Linh (Sâm K5), tỉnh Quảng Nam và Bộ Y tế đã thống nhất xây dựng đề án phát triển vùng Sâm K5 tại các xã vùng cao của Quảng Nam. Đã hoàn tất giai đoạn nghiên cứu cây Sâm Ngọc Linh, đã tạo ra được vườn Sâm giống và chuyển giao 13.500 cây Sâm giống cho các hộ gia đình trồng thử nghiệm tại Kon Tum.
Kết quả ứng dụng KH&CN
Việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu KH&CN đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm trở lên. Thông qua các hoạt động ứng dụng KH&CN, chuyển giao các tiến bộ KH&CN vào thực tiễn nông nghiệp, nông thôn đã nâng cao được nhận thức cho nông dân về vị trí, vai trò của KH&CN. Chính vì vậy, các địa phương đã chủ động triển khai việc áp dụng các kết quả nghiên cứu KH&CN và các tiến bộ KH&CN phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, trình độ và nhu cầu phát triển KT-XH của mỗi tỉnh, thành trong cả nước.
Đối với công nghiệp, Chương trình tự động hoá (TP. Hồ Chí Minh) đã có những đóng góp đáng kể trong lĩnh vực đo lường, kiểm định, đánh giá chất lượng: chế tạo thành công thiết bị đo, xây dựng công nghệ kiểm định công trình, thiết bị đã được sử dụng trong ngành dầu khí, điện lực và xây dựng. Nghiên cứu chế tạo máy đo và chuẩn đoán tình trạng của các chi tiết máy như ổ bi, bánh răng, trục đỡ. Thiết kế và lắp đặt hệ thống điều khiển cho các trạm trộn bê tông, bê tông nhựa không phải nhập ngoại. Xây dựng phần mềm và công nghệ kiểm định máy móc thiết bị dựa trên phương pháp đo rung động; nghiên cứu thiết kế chế tạo thiết bị đo biến dạng bằng cảm biến điện trở Strain gauge. Sử dụng cảm biến ngoại nhập Strain gauge thiết kế chế tạo thiết bị đo 20 kênh, kết nối truyền dữ liệu và hiển thị xử lý trên máy tính dùng để đo biến dạng cầu, các công trình chịu lực; máy có tính năng tương đương P 3500 của Đức và UPM 60 của Mỹ.
Tự động hoá trong lĩnh vực cơ khí chế tạo máy, chế tạo thiết bị: chuyển đổi và nâng cấp các loại máy công cụ vạn năng đã qua sử dụng thành máy điều khiển tự động dạng CNC; chuyển giao công nghệ khai thác các phần mềm CAD/CAE/CAM phục vụ các yêu cầu thiết kế các sản phẩm, thiết kế khuôn cho các doanh nghiệp ngành nhựa, cơ khí chế tạo khuôn. Ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN triển khai mở rộng mô hình lò sản xuất gạch liên tục kiểu đứng hiệu suất cao (Hưng Yên). Đã áp dụng thành công một số công nghệ mới vào sản xuất, đạt hiệu quả kinh tế cao như công nghệ lò nung tuynel, công nghệ sản xuất gạch ốp lát Italia, công nghệ sử dụng dầu Diezen để đốt bổ sung cho máy sấy phun khí khi lưu lượng và áp suất khí mỏ Tiền Hải (Thái Bình) thấp trong sản xuất gạch Ceramic ốp tường, lát nền, công nghệ lò nung đốt liên tục kiểu đứng trong sản xuất gạch, góp phần xử lý ô nhiễm môi trường.
Ứng dụng kết quả nghiên cứu cải tiến dây chuyền sản xuất, dùng than địa phương trong sản xuất gạch tuynel đã góp phần hạ giá thành sản xuất (Sơn La) và việc áp dụng công nghệ sản xuất cát nhân tạo đã góp phần đáp ứng được phần lớn nhu cầu vật liệu xây dựng. Nghiên cứu áp dụng công nghệ sản xuất vật liệu bao bì, sản xuất sứ cao cấp, thủy tinh, công nghệ lắp ráp các sản phẩm điện tử (Quảng Bình). Các doanh nghiệp đã có điều kiện đổi mới công nghệ và nhờ đổi mới công nghệ nên các sản phẩm chủ lực như xi măng, hàng dệt may, bia, dược phẩm... đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, một số sản phẩm mới như sợi nguyên liệu, gạch granit, nước khoáng... tiếp tục mở rộng thị trường trong nước và vươn ra thị trường khu vực (Thừa Thiên-Huế). Áp dụng các phần mềm tin học để phục vụ quản lý, khai thác hợp lý tài nguyên, trước mắt là tài nguyên đất để phục vụ có hiệu quả cho yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi (Gia Lai). Nghiên cứu và xây dựng hệ thống rừng giống, các đề án bảo vệ rừng đặc dụng, phòng hộ, bảo vệ các loài động vật quý hiếm, vườn rừng trên đất dốc, phổ biến mô hình VACR trong chương trình lâm nghiệp và định canh, định cư đã góp phần nâng cao đời sống của người dân và tích cực bảo vệ, phát triển rừng (Lâm Đồng). Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng quốc tế, đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, ứng dụng các giải pháp công nghệ trong tiết kiệm năng lượng, hỗ trợ doanh nghiệp hiện đại hóa với chi phí thấp, tạo ưu thế cạnh tranh và đẩy mạnh xuất khẩu (TP. Hồ Chí Minh). Đã ứng dụng thành công công nghệ mạng LAN không dây và áp dụng công nghệ INTERNET không dây trong công tác điều hành tại Sở KH&CN Đồng Nai.
Đối với nông nghiệp, các địa phương đã chú trọng hướng vào xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN để dịch chuyển cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp và phát triển ngành nghề, dịch vụ nông nghiệp theo tinh thần liên kết giữa 4 nhà: nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông và nhà quản lý.
Đã tạo ra được giống ngô lai F1 LVN10 đủ cung ứng giống tại chỗ với giá thành hạ cho các hộ nông dân, mô hình sản xuất đang được nhân rộng. Việc ứng dụng quy trình sản xuất hạt giống ngô lai P11, với 40 tấn hạt giống, đảm bảo cung ứng cho nông dân trồng ngô thương phẩm năng suất 3 tấn/ha, giúp nông dân tăng thu nhập và chủ động về giống ngô lai. Đã đưa giống lúa lai F1 sản xuất theo phương pháp lai 3 dòng Trung Quốc, đảm bảo cung cấp cho 3.000 ha sản xuất đại trà. Các dự án ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN đã chuyển giao một số giống lúa cao sản MT508-1, MT163, DT122, lạc L14, L18, rút ngắn thời gian chăm sóc. Mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất hạt giống lúa lai F1 Bắc ưu 903 và Nhị ưu 838 đạt 1,8-2 tấn/ha, mô hình nhân rộng đạt 1,5-2 tấn/ha, đa dạng hoá được nguồn giống và phù hợp với nhiều vùng. Việc xây dựng mô hình canh tác sắn bền vững đã trồng 1075 ha sắn cao sản KM60, KM94, cho năng suất cao, thu nhập khá, tạo vùng nguyên liệu ổn định cho nhà máy chế biến tinh bột sắn. Mô hình ứng dụng KH&CN phục vụ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, với giống đậu tương DT96 (năng suất 22,6 tạ/ha), dưa hấu An Tiêm F1 (18-20 tấn/ha), cà chua chịu nhiệt T42 E1 (40-45 tấn/ha), giúp tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích từ 2 đến 15 lần. Việc xây dựng thành công các mô hình vườn ươm chè Shan và quy trình sản xuất giống bằng phương pháp vô tính, quy mô 2,5 triệu bầu/năm, đã cung cấp đủ giống mới, sản xuất tại chỗ bảo đảm chất lượng, khuyến khích nông dân phát triển trồng chè, góp phần thực hiện chương trình 8.000 ha chè. Nhân giống 50-60 cây mầm bạch đàn lai, keo lai bằng nuôi cấy mô, phục vụ cho công tác trồng rừng và nguyên liệu giấy. Dự án tuyển chọn và cải tạo giống nhãn có năng suất cao đã xây dựng được vườn giống gốc đầu dòng, ghép các giống nhãn góp phần tăng năng suất tại các vườn cải tạo từ 17-100% (Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Thái Nguyên, Bắc Giang, Yên Bái…).
Mô hình cá+lúa đã được triển khai cho năng suất cá từ 283 đến 387 kg/ha/vụ đem lại giá trị thu nhập cao hơn trồng lúa từ 15 đến 20% (Điện Biên). Ứng dụng thành tựu của CNSH, Lạng Sơn đã tiến hành sản xuất giống khoai tây sạch bệnh, giống bạch đàn lai, keo lai bằng nuôi cấy mô tế bào, sản xuất các giống cây ăn quả, cây hồi bằng phương pháp ghép mắt, các giống này được nông dân hưởng ứng và tích cực áp dụng vào sản xuất. Nhiều tiến bộ KH&CN trong chăn nuôi được ứng dụng có hiệu quả như thụ tinh nhân tạo để tạo ra con lai phục vụ cải tạo đàn gia súc, gia cầm (Sơn La), chủ động gây động dục cho bò để rút ngắn thời gian giữa 2 lứa đẻ, tăng tỷ lệ sữa. Các địa phương đã chú trọng đưa vào thực tiễn một số giống cây trồng mới chất lượng cao vào sản xuất như chè Shan tuyết, khảo nghiệm một số giống lúa chất lượng cao, cây lạc MD7, cây đậu tương DT99.2 (Hòa Bình). Tuyển chọn cây đầu dòng, xây dựng vườn cây mẹ ở Lạng Sơn, với mục tiêu là lưu giữ những giống cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Từ vườn tập đoàn này, sẽ cung cấp mắt ghép đầu dòng cho các vườm ươm khác những loại cây ăn quả quý, cho năng suất và chất lượng cao như nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Thanh Hà, quýt Bắc Sơn, hồng Bảo Lâm không hạt, na Chi Lăng. “Xây dựng mô hình ứng dụng KH&CN phát triển nghề dâu tằm ở tỉnh Hà Nam”, đã sản xuất được giống tằm 3 cấp tại Trại giống dâu tằm của tỉnh và mô hình đã được áp dụng tại 3 xã: Tiền Phong (Duy Tiên), Ngọc Lũ (Bình Lục), Châu Lý (Lý Nhân) với tổng diện tích là 54 ha.
Du nhập, khảo nghiệm một số giống lúa lai mới của Trung Quốc và thế giới phù hợp với điều kiện của Thái Bình, như: Phi ưu đa hệ số 1, Bắc ưu 213, D ưu 123, đã nhân rộng các giống LT3, AYT01 và CL9. Đã ứng dụng công nghệ sản xuất hạt giống lúa lai bố mẹ ở Hải Dương, năng suất hạt F1 lúa lai hai dòng đạt 1,5 tấn/ha, hại lai F1 lúa lai ba dòng đạt 1,8 tấn/ha, đã sản xuất 50 ha lúa lai hai dòng, ba dòng thương phẩm, đạt 90-97% so với giống của Trung Quốc, giá hạt giống giảm 70% so với nhập ngoại. Áp dụng công nghệ mới sản xuất các cây rau màu có hiệu quả kinh tế cao.
Di thực một số giống chè nhập nội vào trồng tại Nông trường chè Tam Điệp, nhân giống thành công một số giống chè Bạch Trà, Long Tỉnh, Bát Tiên, Kim Tuyên, Ngọc Thúy và áp dụng chế phẩm vi sinh EM giúp thay thế giống chè cũ và nâng cao hiệu quả sản xuất. Xây dựng mô hình cây, con đặc sản có giá trị kinh tế cao ở vùng phụ cận Vườn Quốc gia Cúc Phương, phục vụ xuất khẩu và bảo tồn Vườn Quốc gia. Chuyển đổi ruộng trũng hiệu quả kinh tế thấp sang nuôi tôm cá kết hợp với lúa ở Yên Mô, đạt giá trị thu nhập 25-26 triệu đồng/ha. Xây dựng vườn ươm 0,3 ha ở Tam Điệp để sản xuất giống cây xanh đô thị, giảm giá thành cây giống từ 30-40%. Mô hình phát triển cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao ở huyện Gia Viễn, Ninh Bình, trồng tre lấy măng bằng giống Lục Trúc và Bát Độ, góp phần cải thiện đời sống cho nông dân vùng núi, bảo vệ môi trường sinh thái. Mô hình trồng dứa Cayen công nghệ cao và lạc tiên trên gò đồi ở hai huyện Nho Quan và Gia Viễn nhằm khai thác đất gò đồi và cung cấp nguyên liệu dứa cho sản xuất. Sản xuất hạt lúa lai F1 (HYT 83) và hạt giống siêu nguyên chủng, chủ động và đáp ứng nhu cầu về chủng loại và chất lượng giống lúa. Nhân rộng mô hình áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng ba mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Sản xuất thử nghiệm cây popu Đài Loan tạo sản phẩm xuất khẩu, tiến tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế giúp tăng thu nhập cho nông dân. Đã xây dựng bản đồ nông hóa, thổ nhưỡng theo phương pháp FAO-UNESCO để cung cấp các thông tin đầy đủ cho trồng trọt trên các loại đất, tạo năng suất cao hơn đối ứng từ 15-20%. Ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp sạch, như IPM, trong phát triển nông nghiệp ở 10.000 hộ dân đã giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật 70%, tăng năng suất cây trồng 20-30%.
Áp dụng các biện pháp kỹ thuật điều trị bệnh chậm sinh sản, viêm vú của 500 con bò sữa, với tỷ lệ khỏi bệnh 90%. Ứng dụng hoạt chất sinh học SHOI đối với rau và cây ăn quả diệt sâu hại tới 95%. Đã xây dựng mô hình vùng chăn nuôi lợn nái sạch bệnh, lợn sữa hàng hóa phục vụ xuất khẩu. Việc ứng dụng phần mềm tin học để quản lý giống trong chăn nuôi bò sữa giúp tăng chất lượng sữa của đàn bò. Đã ứng dụng công nghệ cấy truyền phôi sản xuất giống bò sữa. Việc hoàn chỉnh quy trình lai 3/4 máu ngoại tạo đàn lợn có tỷ lệ nạc cao hơn 50% đã giúp sản xuất 100 ngàn liều tinh phối giống lợn giá rẻ và kỹ thuật này đã bắt đầu được nhân rộng. Đã sử dụng kháng huyết thanh leptospira để chữa bệnh cho lợn, trâu và bò.
Đã khảo nghiệm, xây dựng quy trình nuôi tôm he chân trắng Nam Mỹ tại vùng nước lợ tỉnh Ninh Bình đạt tiêu chuẩn thương phẩm. Hoàn thiện mô hình hộ gia đình nuôi trồng thủy sản tại xã Phù Long đảo Cát Bà, đạt năng suất trung bình 1.570kg/ha/vụ, mô hình đang được nhân rộng. Đã cung cấp và hướng dẫn cho nông dân kỹ thuật nuôi giữ cá rô phi đơn tính xuất khẩu, nâng cao năng suất cá từ 1,5-2 tấn/ha/năm lên 10-12 tấn/ha/năm.
Mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN để trồng hoa hồng xuất khẩu và mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN để trồng khoai tây Hà Lan xuất khẩu (Thái Bình). Hàng trăm mô hình áp dụng tiến bộ KH&CN để phát triển chăn nuôi lợn ngoại theo phương pháp công nghiệp gắn với môi trường bằng công nghệ Biogas góp phần xử lý ô nhiễm môi trường và cung cấp khí đốt sạch cho các hộ nông dân. Nhiều mô hình sản xuất tiên tiến có hiệu quả kinh tế cao được áp dụng thành công như mô hình trồng lạc che phủ ni lông, mô hình kết hợp trồng lúa, nuôi tôm, cá, mô hình trồng lúa mùa sớm và cực sớm để tránh lụt và tạo quỹ đất cho vụ Đông.
Đã ứng dụng tiến bộ KH&CN chuyển dịch cơ cấu vụ mùa, cơ cấu giống nhằm sản xuất lương thực an toàn vững chắc và hiệu quả tại Thanh Hoá. Tại Nghệ An, đề tài khảo nghiệm giống lúa đã tuyển chọn được một số giống lúa có triển vọng như giống lúa lai số 4, giống KB1 có năng suất cao đạt từ 6-7 tấn/ha/vụ, giống lúa chất lượng cao Bắc thơm số 7, giống lúa đặc sản hương thơm số 1. Sản xuất hạt lai số F1 giống nhị ưu 838 trên diện tích 10 ha với năng suất bình quân 2,93 tấn/ha, đã cung cấp giống cho sản xuất trong vụ mùa. Tại Hà Tĩnh, mô hình sản xuất giống lạc cao sản L14. L17, L18 với diện tích 100 ha năng suất đạt 4,5 tấn/ha, lãi suất tăng bình quân 5 triệu đồng/ha so với sản xuất lạc thương phẩm bình thường, tạo nguồn giống đảm bảo chất lượng phục vụ sản xuất. Đã phát triển mô hình sản xuất mới cho vùng đất đồi ở Quảng Bình như mô hình trồng sắn xen lạc, mô hình nuôi lợn và mô hình sử dụng máy móc trong thu hoạch lúa của trường Đại học Nông lâm Huế, làm tăng hiệu quả đầu tư.
Các giống sắn KM94, lạc MD7, L14, đậu xanh HL75, ĐX27, ngô lai Bioseed, các giống lúa mới ĐT37, ĐT4, QNT4 được khảo nghiệm và đưa vào sản xuất thành công (Thừa Thiên-Huế).
Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình thâm canh lúa và sử dụng có hiệu quả đất dốc, đã xác định được 3 giống lúa mới, tạo bước đột phá về năng suất. Đã xây dựng mô hình thâm canh giống lúa mới cho đồng bào dân tộc vùng cao, năng suất vụ thu: 55,7 tạ/ha (so với 30-35 tạ/ha trước đây), vụ đông xuân: 58,4 tạ/ha (so với 35 tạ/ha trước đây). Đã lai tạo giống cà phê, cao su cao sản, ca cao mới, sầu riêng, góp phần cải thiện cơ cấu cây trồng và phá dần thế độc canh. Đã phát triển phong trào nuôi trồng các giống nấm, bào ngư, mộc nhĩ, linh chi... trong các hộ gia đình, thu hút nhiều lao động. Đã lập quy trình trồng điều ghép cao sản, mía cao sản, quy trình thâm canh lúa giống cạn LN 93-1. Dùng ong mắt đỏ phòng trừ được 70% sâu hại bắp và 50% sâu hại mía Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa).
Khu vực Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắc Nông và Lâm Đồng) đã đưa vào sản xuất diện rộng các giống lúa nước có nhiều ưu thế về năng suất và chất lượng cũng như khả năng thích nghi với điều kiện đất đai, khí hậu và tập quán canh tác ở Kon Tum, như: CH3, IR 64, 13/2, CR203, IR35366, C70, VND95-20, DR1, DR2... Đặc biệt đã chọn được giống lúa DR2 chịu lạnh, cho năng suất cao và ổn định. Phổ biến nhân rộng các giống ngô lai LVN10, DK888, DK999, Bioseed năng suất đạt trên 5,5 tấn/ha. Bước đầu khảo nghiệm các giống cây ăn quả, rau, hoa xứ lạnh có khả năng phát triển tốt tại các xã Đông Trường Sơn, như: hồng, vải, khoai tây, hoa hồng, salem... làm cơ sở cho chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tạo sản phẩm hàng hóa. Đề tài sản xuất meo nấm giống và xây dựng mô hình nuôi trồng nấm ăn và nấm dược liệu đã tiếp nhận công nghệ sản xuất các giống nấm linh chi, mộc nhĩ, nấm rơm, nấm bào ngư, hiện đang cung ứng phục vụ sản xuất trên địa bàn Thị xã Kon Tum và các huyện khác trong tỉnh. Phát triển các đàn gia súc, gia cầm mới (bò lai Zêbu, gà Tam hoàng, dê Bách thảo, vịt siêu trứng...). Triển khai nuôi cá nước ngọt tại hồ thủy điện Yaly và trong các hồ chứa công trình thủy lợi nhằm khai thác có hiệu quả nguồn nước mặt. Mô hình nuôi dê bách thảo sinh trưởng, phát triển tốt, bước đầu đã được các cấp chính quyền địa phương đánh giá cao và đang quan tâm chỉ đạo nhân rộng mô hình (Đắk Lắk). Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN tại Kon Tum, đã tổ chức tập huấn cho người dân theo phương châm “cầm tay chỉ việc” mang lại hiệu quả thiết thực như mô hình thâm canh lúa nước, ngôlai năng năng suất đạt bình quân 54 tạ/ha, mô hình cải tạo đàn bò địa phương bằng giống đực lai Sind mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nghiên cứu ứng dụng “Mô hình nông - lâm kết hợp” (Gia Lai): phát triển kỹ thuật canh tác đất dốc, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển sản xuất với bảo vệ môi trường và lồng ghép với các chương trình lâm nghiệp đã được đúc kết và đánh giá đạt hiệu quả kinh tế cao. Hoạt động nuôi cấy mô đã nắm được quy trình nuôi cấy, nghiên cứu thử nghiệm môi trường nuôi cấy như các giống Địa Lan: tím hột,vàng ba râu, trắng bệch, xanh thơm và các giống Địa Lan Nhật Bản (Lâm Đồng).
Đã triển khai và đưa vào sử dụng có hiệu quả 3 cụm thiết bị sản xuất thức ăn nuôi tôm sú quy mô nông hộ và cụm gia đình tại Cần Giờ và Nhà Bè, giá thành thức ăn tạo ra chỉ bằng 50 - 70% giá thức ăn công nghiệp có chất lượng tương đương trong nước. Đã phân lập được chủng virus gây bệnh hội chứng đốm trắng (WSSV), đầu vàng (YHV), đỏ đuôi (TSV) và hoại tử ở tôm sú nuôi công nghiệp đầu tiên ở Việt Nam, ngăn chặn được bệnh gây thiệt hại cho ngành nuôi tôm sú.
Xây dựng hệ thống đánh giá di truyền ở lợn, giúp các trại nuôi lợn đánh giá được đàn giống để có hướng phát triển phù hợp. Kết quả nghiên cứu là tiền đề để chuyển hệ thống đánh giá kiểu hình sang hệ đánh giá kiểu gen chính xác hơn.
Nghiên cứu thiết bị, phương pháp kiểm tra nhanh vi sinh vật bằng ATP và đã ứng dụng thành công trong giám sát vệ sinh thực phẩm, dòng hóa biểu hiện và tinh chế luciferase tái tổ hợp (tạo cơ sở cho sản xuất luciferase tái tổ hợp ở quy mô công nghiệp) (TP. Hồ Chí Minh).
Khu vực Đông Nam Bộ (Ninh Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu) đã đạt được một số kết quả KH&CN và ứng dụng vào thực tế các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, thích nghi trên vùng đất Tây Ninh, như: Một bụi 65, VND21-34, tám xoan đột biến, OM1351 cũng đã được công nhận và được nhân rộng vào thực tiễn sản xuất. Nghiên cứu ứng dụng giống sắn mới và phương hướng diệt cỏ, bón phân cho sắn đạt hiệu quả kinh tế cao trên vùng đất xám tỉnh Tây Ninh đã được triển khai ứng dụng, nhân rộng vào thực tiễn sản xuất. Các giống sắn mới năng suất và hàm lượng tinh bột cao như KM98-5, KM140-2 được đề nghị bổ sung vào cơ cấu cây trồng của tỉnh.
Việc xây dựng phòng nuôi cấy mô và ứng dụng công nghệ sinh học thực vật trong phát triển nông lâm nghiệp của tỉnh Đồng Nai đã tạo cơ sở nhân nhanh các giống cây được tuyển chọn và khu vực hoá phục vụ sản xuất giống cây giá trị kinh tế cao. Nhân giống và trồng thử nghiệm một số cây lâm nghiệp (cây paulownia) phục vụ công tác trồng rừng và chế biến, xuất khẩu gỗ. Tuyển chọn và đưa tập đoàn giống cây công nghiệp lâu năm (điều, cà phê, ca cao) nhằm cải tạo và thay thế giống cây cũ đã thoái hoá. Áp dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất thử nghiệm nước mắm cao đạm bằng phương pháp cô chân không nhằm nâng cao chất lượng, đa dạng hoá và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm nước mắm Phan Thiết. Kết quả của đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật và ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho một số cây công nghiệp và ăn quả trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu” đang được áp dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời giúp bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Tỉnh Bình Dương đã xây dựng được phần mềm quản lý bò sữa, điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu về gần 1.000 bò sữa.
Các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đều quan tâm đến việc ứng dụng rộng rãi các kết quả nghiên cứu về giống, lựa chọn kỹ thuật canh tác, kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch, cơ cấu giống lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Tỉnh An Giang đã ứng dụng CNSH trong chọn giống lúa chất lượng cao, xuống giống thí nghiệm vụ hè thu với các giống OM2517, OM2492, OM4498, OM4408, IR64... Dự án “Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thâm canh 350 ha lúa xuất khẩu chất lượng cao tại 4 huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, Giồng Tôm và bao tiêu sản phẩm” của tỉnh Bến Tre đã hình thành những điểm sản xuất lúa chất lượng cao có giá trị xuất khẩu với 2 loại giống lúa mới KDM105 (năng suất 3,3 tấn/ha) và ST3 (năng suất 4 tấn/ha). Tỉnh Bạc Liêu đã nghiên cứu và cải tiến được một số giống lúa có năng suất cao, ổn định trên diện tích rộng, thích nghi trên vùng đất phèn nhiễm mặn như AS996, CM42-94, OM3536, CM16-27... ứng dụng đột biến lý học và nuôi cấy mô để chọn giống sắn có thời gian sinh trưởng và hàm lượng tinh bột cao, phù hợp với việc tránh lũ ở An Giang, đã chuyển giao 12.000 cây giống triển vọng để khảo nghiệm. Xây dựng được nhiều mô hình sản xuất giống nấm và nấm hàng hoá có năng suất và chất lượng cao, trong đó có 20 mô hình trồng nấm rơm, 3 mô hình trồng nấm bào ngư. Nhiều mô hình trồng nấm đã được thu hoạch cho kết quả khả quan.
Xây dựng mô hình nuôi trồng rau an toàn ở một số tỉnh như Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre... bước đầu được nông dân đồng tình hưởng ứng, các biện pháp tiêu thụ thích hợp, an toàn đang tiếp tục được thực hiện.
Trong chăn nuôi,các chương trình cải tiến giống gia súc, gia cầm theo hướng cho năng suất và chất lượng cao, xây dựng các xã điểm về an toàn dịch bệnh, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến như gieo tinh nhân tạo, chăn nuôi gà thả vườn, mô hình chuồng lợn kiểu mới, kỹ thuật gieo tinh nhân tạo cho lợn, bò đã được áp dụng đạt tỷ lệ thụ tinh cao tại Sóc Trăng, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang. Tỉnh Vĩnh Long đã chuyển giao 25 heo giống Yorkshire cho 25 hộ nông dân, 30 bò giống lai Sind cho 30 hộ nông dân xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phát triển chăn nuôi. Phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tỉnh Trà Vinh đã xây dựng mô hình nuôi giun quế làm thức ăn bổ sung cho chăn nuôi gia súc, gia cầm và sử dụng phân giun trồng sau sạch. Đến nay các mô hình đã cung cấp trên 50 kg giun giống và nhân rộng hàng trăm mô hình nuôi giun trong dân, góp phần tăng thu nhập cho nông hộ.
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất các loại phân sinh học, chất kích thích sinh trưởng, chế phẩm vi sinh bảo vệ cây rừng (Bình Dương). Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng xưởng sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh và phân bón lá vi lượng từ nguồn nguyên liệu hữu cơ tại chổ ở Đồng Tháp Mười. Thử nghiệm trồng cây Chà là châu Phi trên vùng đất nhiễm mặn (Bạc Liêu), bước đầu đã xây dựng được từng khu vực trồng cây Chà là, tiến hành đánh giá năng suất, sản lượng của cây và trái, đánh giá quá trình sinh trưởng để xác định tỷ lệ đực, cái phục vụ cho công tác nhân, chọn tạo giống, xác định hiệu quả kinh tế, khả năng bảo vệ môi trường như khả năng điều chỉnh tiểu vùng khí hậu, chống xói mòn, rửa trôi đất. “Ứng dụng tiến bộ KH&CN nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây đậu phộng ở Trà Vinh”, đã tiến hành đánh giá hiện trạng kỹ thuật canh tác đậu phộng tại địa phương, đã hướng dẫn cho bà con nông dân cải tạo đồng ruộng, đã chọn các loại giống phục vụ sản xuất như HL25, VN3, VN7… Nhìn chung các bộ giống này đã triển khai cho năng suất và chất lượng cao. Áp dụng mô hình chuyển đổi cây trồng ngắn ngày (lúa thơm-giống OM6) cho năng suất cao, phù hợp với canh tác của vùng (Tiền Giang), đồng thời giảm được chi phí sản xuất, hiệu quả kinh tế tăng so với các giống chất lượng cao hiện có từ 15 đến 30%. Ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN mới, đặc biệt là CNSH, công nghệ chế biến nông - lâm sản, công nghệ sản xuất sạch để nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, chuyển giao công nghệ mới cho các cơ sở sản xuất (Sóc Trăng). Thử nghiệm xây dựng mô hình phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng thương hiệu sản phẩm truyền thống như xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản, bò thịt, bò sữa, phục tráng và thử nghiệm quy trình trồng dứa Queen, quy trình kỹ thuật canh tác lúa Nàng thơm Chợ Đào (Long An). Tiếp tục khảo nghiệm và tuyển chọn các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, tuyển chọn các giống lúa thích nghi phèn mặn phục vụ cho vùng chuyển dịch lúa + tôm ở Cà Mau.
Thủy-hải sản, KH&CN đã tập trung nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ KH&CN mới trong các khâu: sản xuất con giống, nuôi trồng, phòng trừ bệnh tật, đánh bắt và chế biến. Ở Thái Bình, đã kết hợp với Viện Nghiên cứu Hải sản bước đầu đã cho sinh sản nhân tạo thành công cá bớp - một giống cá có hiệu quả kinh tế cao, nằm trong danh mục các loài cá có nguy cơ tuyệt chủng, công nghệ này đang tiếp tục hoàn thiện để ứng dụng vào sản xuất. Đến nay một số địa p/hương đã tự sản xuất được một số giống thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm sú, cá trê lai, cá rô phi đơn tính, cá chim trắng, cá mú, tôm càng xanh, trai ngọc… (Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình). Các địa phương đã chủ động ứng dụng các công nghệ tiên tiến như máy định vị, máy dò cá cho các tàu thuyền đánh cá, đặc biệt là đánh bắt xa bờ đã góp phần nâng cao sản lượng khai thác, hiệu quả đầu tư. Đã tiếp nhận, làm chủ công nghệ sinh sản nhân tạo tôm sú, tôm rảo, ốc hương, cá rô phi đơn tính, tiếp tục nghiên cứu ứng dụng quy trình tôm rằn đẻ nhân tạo nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi (Thừa Thiên-Huế). Đã xây dựng được một số mô hình áp dụng kết quả nghiên cứu KH&CN hiệu quả làm điểm trình diễn cho đông đảo bà con nông dân tham quan học tập, áp dụng như rau an toàn, nuôi cá rô phi đơn tính tập trung quy mô lớn, nuôi cá tra, cá rô đồng, tôm càng xanh (Hải Dương). Đã triển khai dây chuyền chế biến vỏ sò làm thức ăn gia súc-thức ăn nuôi tôm tại Trà Vinh, bước đầu thử nghiệm đã cho sản phẩm thức ăn bột sò khá tốt phục vụ cho nuôi trồng thủy sản, bổ sung thức ăn cho gia súc và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Áp dụng các tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình nông-lâm-ngư kết hợp (Cà Mau): rừng + tôm, lúa + tôm, rừng + cá, lúa + cá để góp phần tăng nhanh giá trị sản xuất nông-lâm-ngư, tiếp tục nhân rộng mô hình kinh tế kết hợp sinh thái, cải tạo vườn tạp và phát triển kinh tế theo mô hình VACRB. Thực tế sản xuất vùng ven biển Đồng bằng Sông Cửu Long cho thấy phần lớn diện tích nuôi trồng thủy sản trong vùng đều là nuôi quảng canh cải tiến với các mô hình chuyên canh như tôm + lúa, tôm + rừng, tôm + vườn. Mô hình nuôi thâm canh và bán thâm canh thường nằm ở vị trí thuận lợi về nguồn nước, được đầu tư lớn nên những mô hình đó đạt năng suất khá cao. Mô hình nuôi tôm trên cát ở vùng ven biển miền Trung khoảng 1.100 ha, sản lượng đạt khoảng 4.800 tấn, việc nuôi tôm trên cát đã nhanh chóng tạo ra dáng vẻ trù phú, sôi động cho những vùng đất cát hoang hóa, khô cằn đang thực sự tạo ra bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, góp phần thiết thực xóa đói giảm nghèo ở các vùng cát ven biển (chủ yếu Thanh Hóa, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Ngãi). Việc ứng dụng thành công công nghệ mới trong sản xuất giống tôm càng xanh và giống tôm sú tại chỗ, cũng như việc phổ biến, áp dụng các mô hình nuôi thâm canh đã góp phần quan trọng vào việc tăng năng suất, sản lượng tôm nuôi đã được bà con quan tâm và tích cực hưởng ứng.
Trong nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản, các tỉnh có lợi thế bờ biển như Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh..., đã tích cực áp dụng và làm chủ các công nghệ tiên tiến trong sản xuất giống tôm sú có chất lượng tốt, sạch bệnh. Nuôi tôm sú theo mô hình quảng canh cải tiến và nuôi tôm sú công nghiệp đang được phát triển ra diện rộng theo các mô hình bán công nghiệp. Tại Cà Mau đã triển khai sản xuất có hiệu quả 4 đợt, ước đạt 1 triệu post 15 tôm sú giống sạch bệnh, kết quả đang được phổ biến và tập huấn cho các trại sản xuất tôm giống trong tỉnh. Việc cho sinh sản nhân tạo thành công tôm thẻ chân trắng đã làm đa dạng hoá nghề nuôi thuỷ sản, sản xuất thành công 2 đợt tôm thẻ chân trắng. Mô hình sản xuất tôm càng xanh ngày càng phát triển, đang từng bước giúp nông dân chủ động về con giống trong sản xuất ở các tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre, mở ra triển vọng cho người dân có hướng phát triển kinh tế. Kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của 2 chế phẩm sinh học SH99 và EM lên quá trình sinh trưởng và phát triển của tôm cũng như khả năng chống chịu của tôm đối với bệnh đốm trắng và một số bệnh nhiễm khuẩn khác trong nuôi tôm sú bán công nghiệp ở Bạc Liêu đã giúp giảm thiểu rủi ro trong khi nuôi, giảm các yếu tố gây ô nhiễm môi trường, tăng sức đề kháng cho tôm và phòng ngừa được dịch bệnh. Tỉnh Trà Vinh đã xây dựng mô hình nuôi cá tra trong ao đất quy mô hộ gia đình đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, góp phần cung cấp nguồn nguyên liệu thuỷ sản phục vụ chế biến xuất khẩu, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân.
Những kết quả nghiên cứu KH&CN trong lĩnh vực thủy sản được áp dụng vào thực tiễn tại các địa phương đã góp phần thúc đẩy ngành thủy sản phát triển mạnh về đánh bắt, nuôi trồng, chế biến và trở thành một trong những ngành kinh tế có mức tăng trưởng cao.
Y- dược, việc ứng dụng các công nghệ hiện đại đã góp phần thiết thực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Các kỹ thuật hiện đại về chẩn đoán hình ảnh đã được áp dụng tại các trung tâm y tế chuyên sâu như tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế… đã giúp cho việc phát hiện chính xác một số căn bệnh mà trước kia chưa chẩn đoán được. Áp dụng thành công công nghệ mới trong phẫu thuật nội soi u nang buồng trứng, u phì đại tuyến tiền liệt. Dùng kỹ thuật chụp cắt lớp nên đã xác định chính xác các ca chấn thương sọ não. Các kỹ thuật điều trị hiện đại đã được áp dụng trong phẫu thuật nội soi, tán sỏi, ghép thận… hồi sức cấp cứu. Các địa phương đã phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm không đảm bảo vệ sinh trong sản xuất, không có hồ sơ công bố chất lượng hàng hóa, ghi nhãn hàng hóa sai quy định, bán hàng không rõ nguồn gốc, bán hàng quá hạn sử dụng, không đăng ký kinh doanh. Đánh giá phương pháp tán sỏi thuỷ điện lực qua nội soi mềm trong và sau phẫu thuật mở ống mật chủ để giải quyết sỏi đường mật trong gan. Kỹ thuật an toàn khi làm vỡ sỏi mật trong gan, những biến chứng do thuỷ điện lực gây nên cho đường mật trong gan không đáng kể. Giảm tỷ lệ sót sỏi trong trường hợp bệnh nhân có ít sỏi đường mật trong gan khó lấy bằng dụng cụ và không có biến chứng viêm hẹp đường mật dưới sỏi. Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nội soi để điều trị các bệnh lý lao cột sống thắt lưng: thời gian phẫu thuật 130-230 phút, mất máu trung bình 555 ml, thời gian theo dõi sau phẫu thuật 10 tháng. Nghiên cứu sử dụng san hô vùng biển Việt Nam làm vật liệu thay xương trong y học, đã lựa chọn được 4 loài san hô thuộc họ Potitidae để chế tạo vật liệu sinh học thay xương. Các chế phẩm san hô đã được đánh giá về các đặc tính an toàn sinh học, khả năng thoái biến sinh học và tính dẫn tạo xương. Ứng dụng thành công trên 187 bệnh nhân ở các chuyên khoa răng hàm mặt, mắt, cột sống với thời gian theo dõi trung bình trên 2 năm, giúp nâng cao chất lượng điều trị và giảm chi phí cho các bệnh nhân tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật trong phẫu thuật ít xâm hại điều trị bệnh sỏi mật. Đã áp dụng và hoàn thiện kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị sỏi đường mật chính và sỏi túi mật cho người Việt Nam với hơn 300 trường hợp nghiên cứu, giúp bệnh nhân hồi phục nhanh, giảm các chi phí điều trị, giảm đáng kể đau đớn hậu phẫu, giúp cho bệnh nhân an tâm chấp nhận điều trị sớm, giảm tỷ lệ biến chứng do sỏi túi mật gây ra.
Hoạt động dịch vụ KH&CN:
Các địa phương đã chú trọng duy trì và phát huy hiệu quả mạng máy tính nội bộ (mạng LAN), xây dựng các Trung tâm truy cập Internet kết nối với đường truyền tốc độ cao (ADSL) phục vụ hoạt động khai thác, truy cập thông tin cho cán bộ cấp tỉnh và cấp sở. Đã chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về vai trò của KH&CN trong sự nghiệp CNH, HĐH và phát triển KT-XH nông thôn bền vững. Các Trung tâm Tin học và Thông tin KH&CN đã mở các lớp tập huấn về tin học và khai thác thông tin cho mọi đối tượng cán bộ cấp sở, ban, ngành, huyện thị xã, đồng thời đã chủ động phối hợp với các Đài Phát thanh - Truyền hình địa phương mở các chuyên mục tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, các kết quả nghiên cứu KH&CN, các tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển KT-XH trên địa bàn các tỉnh.
“Mô hình cung cấp thông tin KH&CN phục vụ phát triển KT-XH” do Trung tâm Thông tin KH&CN Quốc gia xây dựng đã được nhân rộng nhiều địa phương và ngày càng phát huy có hiệu quả. Các địa phương đã tiến hành xây dựng mạng Intranet thông tin KH&CN, Website về KH&CN để giới thiệu các hoạt động nghiên cứu khoa học, các hoạt động thông tin KH&CN, các chuyên mục trao đổi-giao lưu, thực hiện các hợp đồng dịch vụ xây dựng các trang Web cho một số doanh nghiệp, cung cấp các dữ liệu điện tử cho các trang thông tin điện tử của các tỉnh. Nhiều địa phương đã kết hợp với ngành bưu điện - Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh để biến các điểm bưu điện-văn hóa xã thành các đầu mối cung cấp thông tin KH&CN phục vụ việc đưa tiến bộ KH&CN áp dụng vào sản xuất (Hải Phòng). Các Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng trực thuộc các Sở KH&CN đã tiến hành các hoạt động kiểm định các phương tiện, kiểm nghiệm các mẫu hàng hóa các loại nhằm phục vụ sản xuất kinh doanh. Xây dựng các chuyên mục hướng dẫn người tiêu dùng phương pháp phân biệt hàng giả, hàng thật (Bắc Giang). Tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia các Hội chợ Techmart khu vực và Techmart quốc gia. Điều tra thu thập thông tin liên quan đến sở hữu công nghiệp ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ để thực hiện đề án hỗ trợ các doanh nghiệp đó về sở hữu công nghiệp (Hải Dương). Chương trình KH&CN hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như ISO 9000, ISO 14000, TQM, GMP, HACCP (Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương). Một hệ thống quản lý phù hợp giúp cho tổ chức, doanh nghiệp quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có kế hoạch, hệ thống, khoa học, góp phần giảm các chi phí như chi phí phòng ngừa, chi phí kiểm soát và đánh giá…, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp cải tiến hệ thống quản lý, cải tiến chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nhằm nâng cao năng suất, giảm giá thành sản phẩm, cung ứng cho xã hội các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng tốt, mở rộng được thị trường. Hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp… Một số Sở KH&CN đã đầu tư cơ sở vật chất để xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin sở hữu công nghiệp phục vụ công tác quản lý sở hữu công nghiệp và thông tin patent đã phục vụ tốt việc thẩm định tính hợp pháp về nhãn hiệu được sử dụng trên hàng hóa, phục vụ công tác xử lý tranh chấp, khiếu nại. Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nắm được các quy định pháp luật về nhãn hiệu hàng hóa trong và ngoài nước để xác lập và bảo vệ tài sản của mình trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Phần lớn các địa phương đã ứng dụng rộng rãi hệ thống thông tin địa lý (GIS), công nghệ xử lý ảnh viễn thám, các mô hình toán học vào xây dựng các bản đồ quy hoạch, vào công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, đất đai, quản lý khai thác thủy sản. Đã tổng hợp được các kết quả điều tra cơ bản theo chuyên ngành, triển khai tổ chức điều tra cơ bản bổ sung về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên một số địa phương, bước đầu đã hình thành được các cơ sở dữ liệu (CSDL) phục vụ công tác quản lý, lập báo cáo các dự án đầu tư. Triển khai xây dựng chương trình đăng ký điện tử và xây dựng CSDL đối với hoạt động tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, góp phần giúp doanh nghiêp quản lý tốt chất lượng hàng hóa và hạn chế gian lận trong thương mại, vận hành công văn đi - đến trên mạng diện rộng Chính phủ, khối lượng và chất lượng công việc được xử lý qua mạng ngày càng cao, thông tin được cập nhật kịp thời trên mạng (Đồng Nai). Nhiều địa phương đã tiến hành kiểm định hàng ngàn dụng cụ đo các loại (cân thông dụng, cân kỹ thuật, cân ô tô, đồng hồ áp suất, đồng hồ nước, nhiệt kế, đồng hồ điện). Vận hành chương trình đăng ký qua mạng đối với quản lý cột đo nhiên liệu và công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa. Hướng dẫn và đôn đốc các doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, cũng như theo dõi các doanh nghiệp thực hiện công bố. Triển khai thực hiện chương trình và kế hoạch về mã số, mã vạch. Mở rộng hoạt động tư vấn KH&CN và dịch vụ kỹ thuật bằng cách liên kết, trao đổi thông tin giữa các địa phương, vùng miền, trên quy mô cả nước nhằm nâng cao chất lượng và ngày càng chuyên môn hóa. Các địa phương đã chú trọng công tác hướng dẫn nghiệp vụ thẩm định và chuyển giao công nghệ, tập huấn về sở hữu công nghiệp và an toàn bức xạ, tổ chức kiểm tra an toàn bức xạ cơ sở. Tổ chức kiểm tra đo lường, chất lượng để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh của cơ sở, từ đó hạn chế được hiện tượng gian lận trong thương mại và bảo vệ được quyền lợi hợp pháp cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính (Đồng Tháp). Đồng thời vận động doanh nghiệp tham gia Giải thưởng Chất lượng Việt Nam năm 2004. Tư vấn và hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, tư vấn về các thủ tục xin chứng nhận tên gọi xuất xứ hàng hóa (Long An). Tư vấn cho các cơ sở kê khai hoạt động sản xuất kinh doanh. Dịch vụ cung cấp chế phẩm E.M để xử lý những ao nuôi tôm sú và xử lý môi trường (Sóc Trăng). Thực hiện các hợp đồng dịch vụ kỹ thuật như kiểm nghiệm các mẫu vật liệu xây dựng, phân bón, nước ngầm, nước mặt, đo độ bụi, ánh sáng, tiếng ồn, giám sát các công trình CNTT, hiệu chỉnh các loại cân như cân đồng hồ, cân ô tô, công tơ điện…, tổ chức đào tạo tin học, nghiệp vụ về tiêu chuẩn đo lường, sở hữu công nghiệp, thông tin KH&CN… (Tây Ninh, Trà Vinh).
Nguồn: Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia