Tổng quan về một số kết quả chủ yếu của KH&CN trong lĩnh vực khoa học tự nhiên
Nhìn chung, các đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên (KHTN) đã tạo ra được một số cơ sở khoa học thực sự hoặc những sản phẩm có giá trị góp phần trực tiếp phục vụ sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước. Dưới đây là một số kết quả nổi bật đã đạt được trong những năm gần đây:
Năm 2002:
Trong năm 2002 có 709 nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản (gồm 171 nhiệm vụ mới xét chọn và các nhiệm vụ chuyển tiếp từ năm 2001) đã được triển khai trong 7 lĩnh vực khoa học tự nhiên, gồm: Toán học, Tin học, Cơ học, Vật lý, Hoá học, Sinh học và Khoa học Trái đất. Đáng chú ý là 67 đề tài trọng điểm đã tập hợp được nhiều nhà khoa học tập trung nghiên cứu các vấn đề cơ bản định hướng cho phát triển công nghệ mới trong các lĩnh vực sinh học, vật liệu, CNTT ... Bước đầu tạo lập được nhóm các nhà khoa học theo những hướng nghiên cứu trọng điểm. Các đề tài đã hoàn thành tốt các nội dung nghiên cứu theo kế hoạch được giao, trong đó có 15 nhiệm vụ kết thúc, đã công bố hơn 500 bài báo trên các tạp chí trong và ngoài nước.
Các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản đã tích cực đi sâu nghiên cứu, tăng cường bổ sung những kiến thức cơ bản, tạo cơ sở vững chắc cho những nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ phát triển KT-XH. Nghiên cứu cơ bản trong năm đã đạt được một số kết quả quan trọng, như đã đưa ra được một số phương pháp luận và thuật toán giải các bài toán tối ưu toàn cục, điều khiển tối ưu các hệ lực, ứng dụng các mô hình điều khiển, quản lý, dự báo trong công nghệ, cũng như trong các bài toán kinh tế-kỹ thuật; nghiên cứu thành công mô hình toán về chuyển tải phù sa và bồi lắng hai chiều, ứng dụng để tính toán phù sa cho vùng Tứ giác Long Xuyên, làm cơ sở cho việc cải tạo các hệ thống cống, đê, v.v.. Trong lĩnh vực tin học, đã cung cấp một số phương pháp phát hiện tri thức từ dữ liệu; phương pháp luận hỗ trợ phát triển công nghệ phần mềm, phương pháp nhận dạng văn bản, các cơ sở toán học của tin học, v.v.. Về vật lý, đã phát triển một số phương pháp thực nghiệm mới để nghiên cứu vật liệu bán dẫn nanô, phương pháp tán xạ micro-raman, phương pháp phân tích nhiệt vi trọng, phương pháp mô hình hoá vật liệu tổ hợp, phương pháp đo phổ phân giải thời gian.
Các đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực hoá học đã xác định được tính chất và hoạt tính của một số xúc tác ứng dụng trong công nghệ lọc dầu, xác định quy luật chiết và hiệu ứng tăng cường chiết của các nguyên tố đất hiếm.
Về khoa học sự sống, kết quả nghiên cứu về sinh học phân tử, di truyền học và CNSH đã bước đầu được ứng dụng trong y học, trồng trọt và chăn nuôi, như: ứng dụng kỹ thuật di truyền phân tử nghiên cứu tính đa dạng sinh học, nghiên cứu biến đổi cấu trúc gen gây ung thư, xây dựng và hoàn thiện kỹ thuật phát hiện và ứng dụng nguồn gen quý ở cây lúa, v.v... Nghiên cứu ứng dụng công nghệ phân tử để thay đổi gen ở người và động vật tại các vùng sinh thái bị ảnh hưởng trực tiếp của chất độc màu da cam, bước đầu lập được ngân hàng ADN của các phả hệ nạn nhân chất độc da cam và đã phát hiện được một số vị trí đa hình (hoặc đột biến gen) ở một số phả hệ của gia đình nạn nhân. Nghiên cứu phát triển công nghệ phân huỷ sinh học và kỹ thuật nhả chậm làm sạch đất nhiễm chất độc hoá học, đã thử nghiệm tẩy độc chất độc hoá học ở các mô hình khác nhau để đưa ra kết luận về công nghệ. Đã có một số kết quả nghiên cứu cơ bản về tập đoàn vi sinh vật và các chủng vi sinh vật chiếm ưu thế tham gia gián tiếp hay trực tiếp vào việc tẩy độc đioxin và tạo được chế phẩm Slow-D có độ nhả chậm đạt 18 tháng.
Trong lĩnh vực khoa học Trái đất, kết quả nghiên cứu về đới đứt gãy sông Hồng đã làm rõ và lý giải đặc điểm địa động học, sinh khoáng và ảnh hưởng đối với môi trường. Đề tài nghiên cứu về dự báo động đất và dao động nền ở Việt Nam đã xây dựng được bản đồ đứt gãy sinh chấn lãnh thổ Việt Nam, thành lập tập bản đồ nguy hiểm động đất Việt Nam, bản đồ các vùng phát sinh động đất, bản đồ cường độ chấn động và gia tốc nền cực đại, bản đồ cường độ chấn động và gia tốc nền với chu kỳ lặp lại. Đã thành lập danh mục động đất đầy đủ cho Việt Nam và xây dựng một dự án thiết lập hệ thống dự báo động đất cho thành phố Hà Nội. Các số liệu về hiện trạng 6 loại tai biến (nứt sụt đất kiến tạo, xói mòn đất, lũ quét, lũ bùn đá, trượt lở đất môi trường địa hoá) ở các khu vực KT-XH quan trọng và các cụm dân cư đã được nghiên cứu chi tiết, để trên cơ sở đó thực hiện đánh giá hiện trạng, làm rõ nguyên nhân, xác định cơ chế hình thành các tai biến địa chất và đề xuất các giải pháp phòng tránh. Đã xây dựng các sơ đồ dự báo phòng tránh đối với từng loại tai biến và sơ đồ dự báo tai biến tổng hợp ở khu vực Tây Bắc; đề xuất một số giải pháp khoa học phòng tránh tai biến ở các khu vực trọng điểm kinh tế và dự kiến di dân vùng lòng hồ Sơn La.
Để phục vụ cho việc cảnh báo, phòng tránh và hạn chế lũ lụt, các công trình nghiên cứu đã tiến hành khảo sát và thu thập nhiều số liệu về khí hậu, thực vật, đất, địa hình, địa mạo, xây dựng bản đồ nền và bản đồ chuyên đề phục vụ cảnh báo lũ lụt bằng công nghệ GIS, xây dựng mô hình thuỷ văn, thuỷ lực tính toán dự báo mức và diện ngập theo các cấp độ mưa, bước đầu đề xuất các giải pháp công trình và giải pháp kết hợp công trình và phi công trình, giải pháp chính sách, giải pháp tổng hợp nhằm hạn chế thiên tai lũ lụt.
Năm 2003:
Hoạt động nghiên cứu cơ bản trong KHTN đã đạt được những bước tiến rõ rệt, với 778 đề tài nghiên cứu được tiến hành trong 7 lĩnh vực: toán học, tin học, vật lý, hóa học, cơ học, khoa học sự sống và khoa học Trái đất. Các đề tài đã được triển khai đúng tiến độ và phần lớn đã được nghiệm thu trong năm 2003. Nhìn chung, các đề tài đạt được yêu cầu, mục tiêu trong định hướng nghiên cứu. Từ năm 2001 đến 2003 nghiên cứu cơ bản trong KHTN đã có 5.072 công trình khoa học được công bố trên các tạp chí, 204 sách chuyên khảo được xuất bản, đồng thời góp phần đào tạo 359 tiến sỹ và 860 thạc sỹ. Một số kết quả nghiên cứu cơ bản định hướng có ý nghĩa thực tiễn được làm cơ sở cho các nghiên cứu ứng dụng.
Nghiên cứu, điều tra cơ bản về KHTN
Các đề tài độc lập cấp Nhà nước
Đã tiến hành nghiên cứu, xây dựng luận cứ khoa học cho các giải pháp phòng tránh, hạn chế lũ lụt, đánh giá các tác nhân gây lũ lụt, xây dựng được bản đồ nền và 6 bản đồ chuyên đề phục vụ cảnh báo lũ lụt. Xây dựng mô hình thủy văn-thủy lực tính toán dự báo mức và diện ngập theo cấp độ mưa khác nhau.
Các đề tài nghiên cứu đã xác định được nguyên nhân và cơ chế hình thành các tai biến địa chất ở các tỉnh miền núi phía Bắc và đề xuất các giải pháp phòng tránh. Lần đầu tiên, các số liệu về hiện trạng 6 loại tai biến (nứt sụt đất kiến tạo, xói mòn đất, lũ quét, lũ bùn đá, trượt lở đất môi trường địa hóa) đã được nghiên cứu chi tiết, đặc biệt là ở các khu vực KT-XH quan trọng và các cụm dân cư. Các đề tài nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp khoa học công nghệ phòng tránh tai biến ở các khu vực trọng điểm kinh tế và đưa ra dự kiến di dân vùng lòng hồ Sơn La.
Tập trung nghiên cứu điều kiện hình thành và quy luật phân bố khoáng sản quý hiếm liên quan tới hoạt động magma khu vực Miền Trung và Tây Nguyên. Đã khẳng định được những phát hiện saphia-ruby trong pegmatit, trong một số sa khoáng và có thể cả trong bazan kiềm, phát hiện mới sự có mặt vàng sa khoáng đi cùng ruby vùng Đắc Long, một số biểu hiện khoáng hóa cũng như một số biến loại đá magma và biến chất cho phép làm sáng tỏ thêm đặc điểm địa chất và khoáng sản của vùng nghiên cứu.
Đã nghiên cứu thành công quy trình tổng hợp các azometin từ anilin thế và benzandehit thế, từ amin dị vòng, chất ức chế BHX-49, chất ức chế benzylidenxilidin. Tiến hành xác định hiệu suất ức chế ăn mòn bằng phương pháp tổn hao khối lượng và phương pháp điện hóa. Thử nghiệm thành công việc sử dụng azometin tổng hợp trong việc chế tạo chất tẩy rửa cặn nồi hơi, chất tẩy rửa các bể chứa nhiên liệu, v.v...
Nghiên cứu ảnh hưởng của các điều kiện khác nhau về nhiệt độ, thời gian nuôi cấy, nồng độ IPTG đến quá trình biểu hiện gen đích trong vi khuẩn E.coli tái tổ hợp. Đã chế tạo thành công prôtêin tái tổ hợp ở dạng sơ chế, tiến hành thăm dò điều kiện tinh sạch hai prôtêin tái tổ hợp có các ảnh điện di gen, điện di prôtêin trên gel poliacrilamit để minh họa.
Hoàn thiện quy trình tổng hợp alkin metacrylat quy mô phòng thí nghiệm và quy trình gradien co-polyme alkin metacrylat và acrylamit. Chế tạo thành công phụ gia BM19 và BM20 và tiến hành thử hoạt tính của chúng trên mẫu dầu thô mỏ Bạch Hổ trên quy mô phòng thí nghiệm.
Các nhiệm vụ KH&CN về bảo vệ môi trường
Đã tiến hành điều tra, khảo sát, bổ sung số liệu về tình trạng ô nhiễm amôni và asen tại khu vực Hà Nội và Đồng bằng Bắc Bộ. Nghiên cứu công nghệ xử lý asen và amôni trong phòng thí nghiệm và đưa vào vận hành các thiết bị nuôi cấy vi sinh vật cho quá trình xử lý amôni và thiết bị nghiên cứu động học các quá trình nitrat hóa và khử nitrat hóa để xử lý nước nhiễm amôni. Nghiên cứu động học quá trình xử lý đồng thời sắt và asen trong nước ngầm. Nghiên cứu động học quá trình nitrat hóa và khử nitrat hóa trong nước ngầm nhiễm amôni.
Điều tra, phát hiện tảo độc tại các thủy vực trọng điểm của Hà Nội và các tỉnh phía Bắc làm cơ sở cho việc xây dựng chỉ tiêu quan trắc sinh học trong giám sát chất lượng nguồn nước. Đã giám định thành phần loài thực vật phù du và các loài tảo độc có trong các thủy vực nghiên cứu, phân lập được một số loài tảo độc điển hình để nuôi trong phòng thí nghiệm.
Đánh giá và phân khu chức năng tổng thể tự nhiên đối với quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trục Đường Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Thành lập bản đồ nền số hóa tỷ lệ 1:500.000 với 5 lớp thông tin phục vụ cho công tác nghiên cứu chuyên môn. Đã bước đầu đánh giá chung hiện trạng phát triển KT-XH các tỉnh, thành phố có Đường Hồ Chí Minh đi qua, phân tích các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế -xã hội và công tác quản lý, bảo vệ môi trường các tỉnh, thành phố có Đường Hồ Chí Minh đi qua và phụ cận.
Điều tra thực trạng ô nhiễm, nghiên cứu khả năng sử dụng một số nguyên liệu khoáng để xử lý và làm sạch môi trường nước ở một số vùng ô nhiễm, như các bãi chôn lấp rác ở khu vực miền Bắc và các mỏ than bùn ở Hà Nam, Hà Tây. Nghiên cứu các biện pháp quản lý và xử lý nước thải công nghiệp trong các mỏ than vùng Quảng Ninh.
Nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc xây dựng đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ và sông Đáy. Đã phân tích các yếu tố môi trường nước, môi trường trầm tích, sinh thái, xây dựng bản đồ và báo cáo hiện trạng môi trường lưu vực sông Nhuệ và sông Đáy.
Đã tiến hành nghiên cứu, phân tích, đánh giá, nhận dạng, dự báo xung đột giữa bảo vệ môi trường và phát triển KT-XH Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH và đề xuất các biện pháp phòng ngừa, giảm nhẹ. Bước đầu xây dựng CSDL về hiện trạng xung đột môi trường Việt Nam, điều kiện và khả năng phát sinh xung đột, các dạng xung đột, môi trường trên lãnh thổ Việt Nam. Dự thảo và tiến hành xây dựng 5 bản đồ tỷ lệ 1:1.000.000 về các xung đột môi trường trên phạm vi toàn lãnh thổ Việt Nam.
Các nhiệm vụ thuộc Chương trình Biển Đông - Hải đảo
Xây dựng luận cứ khoa học cho việc quy hoạch, khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường phục vụ phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đánh giá các điều kiện tự nhiên và một số dạng tài nguyên quan trọng của các đảo lựa chọn. Khảo sát tổng hợp địa chất, địa vật lý và khí tượng hải văn khu vực Tây Nam quần đảo Trường Sa và thềm lục địa kế cận. Hoàn thành 12 tuyến đo địa vật lý với tổng độ dài trên 1000 km tại khu vực bãi ngầm Ba Kè-Vũng Mây.
Triển khai các chuyên mục nghiên cứu về địa vật lý, địa chất, khí tượng và trường sóng âm. Nghiên cứu tổng hợp và ứng dụng các chế phẩm thế hệ mới để bảo quản vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật trong môi trường biển. Kết quả cho thấy các chế phẩm đều có khả năng bảo vệ tốt trong môi trường biển.
Các dự án điều tra cơ bản
Điều tra cơ bản hiện trạng môi trường, đề xuất các giải pháp khắc phục, góp phần phát triển bền vững KT-XH vùng Trung Trung Bộ. Đã phân tích các mẫu nước, đánh giá các tác nhân gây ô nhiễm môi trường, xây dựng hai bản đồ hiện trạng ô nhiễm môi trường theo hai mùa đặc trưng.
Điều tra, đánh giá mức độ suy thoái và đề xuất các biện pháp bảo vệ môi trường ở một số khu khai thác, chế biến đá xây dựng, tập trung ở các tỉnh vùng núi phía Bắc Việt Nam. Xây dựng báo cáo hiện trạng khai thác, chế biến đá và hiện trạng môi trường các khu vực này.
Điều tra tổng thể một số nguồn hoạt chất thiên nhiên có triển vọng phục vụ đời sống bằng mô hình nghiên cứu tiên tiến. Đề xuất phương hướng khai thác và sử dụng chúng có hiệu quả. Hoàn thiện việc giám định tên phân loại ở khu vực nghiên cứu điểm. Đã khử hoạt tính kháng MAO của 40 mẫu có hoạt tính antioxidant mạnh, thử hoạt tính ức chế NF-KB và PPAR của 100 mẫu. Xác định thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của các cây diếp cá, huỳnh đường, vọng cách và thành ngạch trên động vật thực nghiệm.
Năm 2004:
Công tác nghiên cứu cơ bản tiếp tục đẩy mạnh, tập hợp đông đảo đội ngũ cán bộ nghiên cứu thuộc hầu hết các trường đại học, viện nghiên cứu tham gia. Thông qua việc triển khai nghiên cứu cơ bản, trình độ cán bộ nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các giảng viên đại học không những được nâng cao, mà công tác đào tạo sau đại học và chất lượng đào tạo của các trường đại học cũng được thúc đẩy mạnh mẽ. Đã hình thành được một số tập thể nghiên cứu mạnh, tiến hành những vấn đề nghiên cứu có ý nghĩa khoa học và thực tiễn quan trọng đối với sự phát triển khoa học, công nghệ của đất nước, như Viện CNSH - Viện KH&CN Việt Nam, Khoa sinh - trường Đại học KHTN, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, ITIM - Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trường Đại học Y khoa Hà Nội...
Đã có nhiều công trình khoa học có giá trị được đăng trên các tạp chí quốc tế. Một số kết quả nghiên cứu cơ bản có ý nghĩa và giá trị ứng dụng trong thực tiễn, làm cơ sở cho các nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ. Ví dụ như trong các lĩnh vực Cơ học, Khoa học sự sống, Các khoa học về Trái đất ... Dưới đây là một số kết quả cụ thể đạt được theo lĩnh vực:
Khoa học về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, môi trường và phòng tránh thiên tai
Các nhiệm vụ nghiên cứu lĩnh vực tài nguyên, môi trường và phòng tránh thiên tai đã cung cấp cơ sở khoa học và công nghệ đánh giá tiềm năng về chất lượng và trữ lượng, quy luật phân bố, tàng trữ, khả năng khai thác sử dụng của các dạng tài nguyên, điều kiện tự nhiên và diễn biến môi trường sinh thái cụ thể ở nước ta đáp ứng đòi hỏi đi trước một bước để tạo lập cơ sở thông tin, nhận thức làm cơ sở cho công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH nói chung, công tác khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai nói riêng.
Một số kết quả cụ thể như sau:
- Soạn thảo và chuẩn bị công bố 16 tập Bộ Động vật chí, Thực vật chí Việt Nam phục vụ phát triển KT-XH nói chung và công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học nói riêng.
- Làm rõ các vấn đề môi trường bức xúc ở nông thôn, môi trường làng nghề, đưa ra các giải pháp cụ thể, khả thi nhằm xử lý, khắc phục. Hai cuốn sắch về “Môi trường nông thôn Việt Nam” và “Kỹ thuật xử lý môi trường nông thôn Việt Nam” đã được công bố, xuất bản cùng nhiều tài liệu hướng dẫn, tập huấn ở nhiều địa phương.
- Đã đưa ra một số mô hình sinh thái hợp lý phát triển kinh tế, phòng chống hoang mạc hóa, các hiện tượng cát bay, cát chảy ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị cho đến Ninh Thuận, Bình Thuận, các giải pháp trồng rừng ở vùng núi đá vôi bằng các loài cây bản địa tạo ra một hệ sinh thái và môi trường ổn định tại vùng núi đá vôi, góp phần xóa đói giảm nghèo.
- Cung cấp luận cứ khoa học làm cơ sở pháp lý xác định biên giới, ranh giới biển của Việt Nam trên vùng biển chồng lấn phía Tây Nam, đã được Bộ Ngoại giao sử dụng trình cơ quan tài phán quốc tế.
- Hoàn thành và chuẩn bị công bố tập atlas bản đồ 10 dạng thiên tai tỷ lệ 1:3.000.000 kèm Bản đồ phân vùng tổng hợp tai biến môi trường tự nhiên phục vụ công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
- Đã triển khai có kết quả các phương pháp dự báo thiên tai mô hình số ở Việt Nam, trong đó đặc biệt là phương pháp áp dụng nhóm mô hình khu vực phân giải cao HRM vào dự báo thời tiết, dự báo bão, mưa lớn... đã được cơ quan dự báo quốc gia áp dụng.
- Thành lập bản đồ về độ nguy hiểm động đất Việt Nam, trong đó có phân vùng chi tiết động đất phục vụ thiết kế và xây dựng các công trình thủy điện, đặc biệt là công trình thủy điện Sơn La, và một số công trình thủy điện khác như Hàm Thuận, Đại Ninh (Bình Thuận), Sông Ba Hạ (Phú Yên) và A Vương (Quảng Nam).
- Cung cấp các luận cứ khoa học về quy luật, diễn biến và các khả năng ảnh hưởng của lũ, lụt ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng bằng các số liệu mới phục vụ trực tiếp công tác điều hành của Ủy ban phòng chống lụt bão Trung ương cũng như ở các tỉnh, thành phố.
- Đã cung cấp và được Cục Kiểm lâm đưa vào ứng dụng quy trình công nghệ dự báo mức độ nguy hiểm của thiên tai cháy rừng. Riêng rừng U minh Thượng đã áp dụng giải pháp giữ nước nhiều bậc đang phát huy hiệu quả.
- Thiên tai giông sét: Đã xây dựng được bản đồ về thiên tai giông sét trên toàn lãnh thổ Việt Nam, trong đó làm rõ quy luật hoạt động của phân bố giông sét trên các vùng lãnh thổ khác nhau và đề xuất các giải pháp phòng tránh.
Khoa học công nghệ Biển
- Về cơ sở dữ liệu biển Quốc gia: Lần đầu tiên đã thực hiện được việc kiểm kê và truy cập lưu giữ dữ liệu biển hiện có ở các ngành trong cả nước, xây dựng được cơ sở dữ liệu ban đầu cùng với các công cụ kỹ thuật, chuẩn bị cho việc thành lập Trung tâm Dữ liệu biển Quốc gia.
- Xây dựng được trên 60 bản đồ thuộc 4 chuyên ngành: địa chất, địa vật lý; khí tượng khí hậu; thủy nhiệt động lực; sinh thái môi trường làm cơ sở cho việc xuất bản Atlas bộ bản đồ biển Quốc gia phục vụ phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng của các ngành và các địa phương.
- Đã xây dựng 15 loại bản đồ cho 5 tầng cấu trúc địa chất, phục vụ cho công tác thăm dò, dự báo và khai thác dầu khí vùng biển Đông.
- Xây dựng Luận chứng khoa học và xác định các hợp phần của Hệ thống thông tin dự báo phục vụ đánh bắt xa bờ; Biên soạn sổ tay hướng dẫn khai thác nghề cá và dự báo phục vụ trực tiếp cho từng nghề cá biển khơi.
- Đã triển khai mô hình RAMS và ITA và dùng 2 mô hình này để dự báo thời tiết, với kết quả có độ chính xác cao.
- Có được các đặc điểm phân bố san hô tại khu vực quần đảo Trường Sa cũng như các đặc tính cơ lý và đặc điểm địa chất của các đảo san hô theo chiều sâu, phục vụ cho tính toán thiết kế, xây dựng các công trình trên biển, đảo.
- Đã xác định rõ cơ sở pháp lý xác định biên giới và ranh giới biển của Việt Nam ở vùng biển Tây Nam. Đề tài đã nêu lên được thực trạng các vùng biển chồng lấn và các giải pháp phân định vùng biển Tây Nam và lập được hồ sơ pháp lý để trình cơ quan tài phán Quốc tế về biên giới Việt Nam - Campuchia.
- Đã xây dựng được 3 loại thang bậc đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường biển ở một số vùng trọng điểm. Xây dựng được mô hình nuôi tôm hùm và vẹm xanh. Thí điểm 3 loài san hô phổ biến của Việt Nam. Đã triển khai công nghệ phục hồi, di dời rạn san hô với quy mô 20 ha ở vùng đảo Hòn Ngang, Bình Định, 1 ha ở Hòn Mun, Khánh Hòa. Trồng, phục hồi thí điểm 50 ha cỏ biển tại vịnh Văn Phong, Khánh Hòa.
- Xây dựng được quy trình công nghệ chiết xuất, phán lập hoạt chất từ một số dược liệu biển. Đã tách chiết được trên 20 chất sạch, trong đó đã có 3 chất mới lần đầu tiên được phân lập từ thiên nhiên. Một số chất sạch có hoạt tính chống ung thư và có kháng sinh rất cao. Đã xây dựng quy trình công nghệ chế tạo ở quy mô Pilot (thí điểm) cho 3 chế phẩm: Chế phẩm thuốc hỗ trợ điều trị ung thư SALAMIN; Chế phẩm thuốc hạ Cholesterol trong máu TMC; Chế phẩm thuốc OMEGA 3L - Thuốc chống ôxy hóa, bổ dưỡng tăng cường trí nhớ.
- Triển khai mô hình phát triển kinh tế xã Phú Đa, Thừa Thiên Huế; Xây dựng luận chứng quy hoạch định hướng phát triển kinh tế - sinh thái - du lịch xã đảo Cù Lao Chàm, xây dựng vườn thực nghiệm kinh tế - sinh thái Đồng Chùa, Cù Lao Chàm với diện tích 2000 m2.
Nguồn: Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia