Năm 2002 là năm thứ hai thực hiện kế hoạch 5 năm 2001-2005, các chương trình và đề tài độc lập cấp nhà nước, cấp bộ trong lĩnh vực KHXH&NV tiếp tục được triển khai thực hiện. Đây cũng là năm thứ hai triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX, đưa đất nước đi vào giai đoạn phát triển mới. Các chương trình và đề tài đã xây dựng được những kiến nghị có giá trị, góp phần hình thành nội dung văn kiện các Hội nghị Trung ương khoá VIII, văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX về một số vấn đề lý luận và thực tiễn của thời kỳ quá độ và con đường đi lên CNXH ở nước ta. Các công trình nghiên cứu đã góp phần làm rõ nội dung những quan điểm về CNH, HĐH rút ngắn trong giai đoạn 2001-2010 ở nước ta, đánh giá tổng quan, làm rõ đặc điểm quan hệ giữa các nước tư bản lớn và tác động của chúng đối với chiều hướng phát triển của thế giới hiện nay và tiến hành nghiên cứu sâu về một số vấn đề nóng bỏng, cấp bách của đời sống KT-XH, trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước.
Cũng trong năm này, Trung tâm KHXH&NV đã tổ chức nghiệm thu các đề tài còn lại thuộc 3 chương trình cấp nhà nước KX.02, KX.04, KX.05 chuyển tiếp từ năm 2001, đồng thời triển khai thực hiện 4 đề tài độc lập cấp nhà nước, 4 chương trình cấp bộ và 28 đề tài độc lập cấp bộ. Qua điều tra, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, các chương trình, đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu cấp nhà nước, cấp bộ trong lĩnh vực KHXH&NV đã góp phần vào việc giải quyết các yêu cầu cấp bách của đời sống xã hội, đồng thời đặt ra những vấn đề giúp Đảng và Nhà nước tiếp tục đầu tư, nghiên cứu hoàn thiện các chính sách, cơ chế quản lý nhằm phát triển KT-XH, văn hoá của đất nước. Dưới đây là một số thành tựu nổi bật:
Về những vấn đề KT-XH
Các chương trình KHXH&NV cấp nhà nước đã tập trung nghiên cứu làm sáng tỏ mục tiêu, tiến trình và giải pháp của quá trình CNH, HĐH đất nước, lý giải về con đường phát triển CNH rút ngắn của Việt Nam; làm rõ bản chất kinh tế thị trường định hướng XHCN, đổi mới và tạo lập đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam trong quá trình CNH, HĐH, hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực; kiến nghị về mô hình Nhà nước pháp quyền XHCN với sự phân cấp mạnh hơn cho các địa phương, tăng cường vai trò giám sát và điều chỉnh thẩm quyền của Quốc hội về NSNN; kiến nghị các giải pháp bảo vệ an ninh và ổn định chính trị xã hội tại các vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ phục vụ cho Hội nghị TW khoá VIII; kiến nghị nhận thức và quan điểm mới về việc đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân.
Các đề tài, nhiệm vụ đã đi sâu điều tra, nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc định hướng chính sách và các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Việc xây dựng luận cứ khoa học cho Chiến lược Phát triển tổng thể KT-XH và môi trường vùng ven biển nước ta trong giai đoạn 2001-2010 cũng đã được thực hiện dựa trên cơ sở các khảo sát, đánh giá thực trạng phát triển KT-XH các vùng kinh tế trọng điểm, đặc biệt là vùng ven biển nước ta. Cụ thể, các đề tài nghiên cứu đã kiến nghị việc CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn cần tập trung vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế thông qua việc xây dựng các cụm công nghiệp nông thôn đồng thời với phát triển làng nghề, phát triển các hoạt động dịch vụ ở nông thôn.
Sau khi điều tra, khảo sát, nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trong khu vực, nghiên cứu kết quả di dân tái định cư của các công trình thuỷ điện Hoà Bình, Yaly, tính toán hiệu quả của vốn đầu tư và sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế của vùng Tây Bắc trong tương lai, Dự án Điều tra cơ bản môi trường xã hội nhân văn và xây dựng luận cứ khoa học hoàn thiện các chính sách tái định cư, phục vụ cho việc xây dựng công trình thuỷ điện Sơn La đã góp phần đề xuất và lựa chọn phương án xây dựng công trình thuỷ điện này ở độ cao hợp lý trình Quốc hội và Chính phủ xem xét.
Trong lĩnh vực thương mại, 7 đề tài độc lập cấp nhà nước và 34 đề tài cấp bộ đã được triển khai theo hướng nghiên cứu luận cứ khoa học xây dựng chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang thị trường châu Âu trong giai đoạn 2001-2010, đã tiến hành khảo sát thị trường châu Âu và một số thị trường khác, đề ra các giải pháp tăng cường xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam vào các thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường EU. Các hội thảo về mô hình quản lý kinh tế đã kiến nghị xây dựng mô hình tập đoàn kinh tế thay cho các tổng công ty, giải pháp tăng cường cổ phần hoá DNNN, điều chỉnh mô hình tổ chức hoạt động của các HTX cho đúng với tính chất và nguyên tắc của kinh tế tập thể...
Một số đề tài, nhiệm vụ cấp bộ đã tập trung nghiên cứu vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân, trong đó đã làm rõ nội dung yêu cầu đổi mới và nâng cao hiệu lực của hệ thống chính trị trong giai đoạn CNH, HĐH của nước ta. Đặc biệt, để phục vụ cho Hội nghị TW5 (Khóa IX), các đề tài, nhiệm vụ đã tập trung nghiên cứu về những nhiệm vụ chủ yếu của công tác lý luận trong tình hình mới hiện nay để trình Ban Bí thư và Bộ Chính trị xem xét.
Về những vấn đề văn hoá, dân tộc, tôn giáo
Các đề tài, dự án đã đi sâu nghiên cứu về văn hoá, con người và nguồn nhân lực Việt Nam phục vụ cho việc xây dựng một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Một số công trình được đánh giá có giá trị văn hoá cao, như các dự án điều tra, sưu tầm, bảo tồn, khai thác và phát huy các di sản văn hoá quý báu của dân tộc, Dự án tổng thể về Hán Nôm, Dự án sử thi Tây Nguyên, Dự án tư liệu văn học Việt Nam 10 thế kỷ, Dự án sưu tầm di sản văn hoá vật thể và phi vật thể các dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên, Tây Nam Bộ phục vụ cho trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học... Riêng các dự án Hán Nôm đã sưu tầm được một khối lượng lớn tư liệu ở các tỉnh phía Bắc, góp phần quan trọng vào việc phát huy bản sắc của nền văn hoá dân tộc. Dự án sử thi Tây Nguyên đã sưu tầm được hơn 200 sử thi của 10 dân tộc trên địa bàn 7 tỉnh Tây Nguyên và các vùng lân cận.
Trong năm 2002, có 3 đề tài nghiên cứu một số vấn đề cấp bách về dân tộc và tôn giáo ở vùng các dân tộc miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ đã được triển khai để phục vụ cho Hội nghị TW6 (Khóa IX). Ngoài ra, còn có một số đề tài đang được tiếp tục tiến hành nghiên cứu về các vấn đề lịch sử, văn hoá, dân tộc, tôn giáo, KT-XH trên địa bàn Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, trong đó các đề tài nghiên cứu vấn đề “Nhà nước Đêga” ở các dân tộc thiểu số Tây Nguyên và vấn đề liên quan đến Phật giáo dòng Tiểu thừa của vùng Tây Nam Bộ đã góp phần phục vụ cho việc ra các nghị quyết về phát triển KT-XH của Bộ Chính trị, thực hiện Chỉ thị 12/CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng Tây Nam Bộ và tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 68/CT/TW của Ban Bí thư về công tác ở vùng đồng bào Khmer.
Tập 3 của bộ Từ điển bách khoa Việt Nam đã được hoàn thành và trình Hội đồng xét duyệt tổ chức thẩm định và nghiệm thu. Các dự án nghiên cứu, biên soạn một số công trình khoa học cơ bản về lịch sử, văn hoá, văn minh Việt Nam cũng đang được thúc đẩy. Đáng chú ý có Bộ Lịch sử văn học Việt Nam (11 tập), Bộ Thông sử Việt Nam (15 tập), Bộ Tổng tập văn học dân gian người Việt (19 tập), Bộ Lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam (3 tập), Từ điển tiếng Việt (cỡ lớn, quyển 1) và một số loại từ điển song ngữ, đa ngữ phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy và tra cứu rộng rãi.
Các dự án điều tra, khai quật các di chỉ khảo cổ học ở các vùng, nhất là ở Tây Nguyên, Cát Tiên (Tây Nam Bộ) thu được nhiều kết quả có giá trị. Hoạt động khảo cổ được tiến hành tại Lung Leng (Kon Tum) và tại các địa điểm xây dựng các công trình lớn của Nhà nước đã thu thập được nhiều hiện vật có giá trị, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề trong lịch sử cổ đại Việt Nam. Dự án “Khai quật, nghiên cứu khảo cổ học khu vực xây dựng nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới)” đã được xây dựng xong và trình Chính phủ phê duyệt.
Về những vấn đề quốc tế
Chương trình nghiên cứu cấp bộ “Bối cảnh quốc tế và những xu hướng điều chỉnh chính sách phát triển kinh tế ở một số nước lớn” đã đi sâu nghiên cứu về một số vấn đề mang tính chất toàn cầu, đặc biệt chú trọng đến xu thế toàn cầu hoá kinh tế và những tác động của chúng đối với các nước và Việt Nam. Kết quả nghiên cứu đã đưa ra được nhiều kiến nghị có giá trị, góp phần xây dựng chính sách đối ngoại, nhất là chính sách kinh tế, lộ trình gia nhập các tổ chức kinh tế, thương mại quốc tế trong quá trình hội nhập quốc tế và khu vực của Việt Nam.
Năm 2003 là năm thứ 3 triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đưa đất nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới. Cùng với những thành tựu phát triển KT-XH to lớn và toàn diện mà đất nước đã đạt được trong năm qua, các lĩnh vực nghiên cứu KHXH&NV đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Điều này được nhận thấy không chỉ ở sự tăng về số lượng các đề tài, mà còn ở sự thay đổi căn bản về chất lượng nghiên cứu, bao hàm sự thay đổi trong bản thân đối tượng nghiên cứu ngày càng mở rộng và được định hướng chính xác hơn.
Các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực KHXH&NV đã có tác động tích cực và đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp đổi mới của đất nước. KHXH&NV cung cấp các luận cứ khoa học cho quá trình hoạch định đường lối, chiến lược, chính sách phát triển và việc triển khai thực hiện chúng; từ đúc kết thực tiễn, mở rộng quan hệ giao lưu quốc tế, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại để phát triển các hệ thống lý luận đến việc nâng cao trình độ của xã hội về các tri thức KHXH&NV, bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá dân tộc... Thông qua sự gắn kết đó, KHXH&NV vừa phát triển lên một trình độ mới, vừa đóng góp tích cực và ngày càng hiệu quả hơn vào việc giải quyết các nhiệm vụ mà công cuộc phát triển đất nước đặt ra.
Các nhiệm vụ nghiên cứu trong lĩnh vực KHXH&NV đã đi sâu nghiên cứu các vấn đề bức xúc của thực tiễn đất nước trong công cuộc đổi mới, tìm ra các giải pháp phát triển cụ thể, góp phần định hình các nguyên tắc lý luận phát triển cho toàn bộ quá trình đổi mới, cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ quá trình hoạch định đường lối, chiến lược và chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước ta. Nhiều kết quả của các đề tài, công trình nghiên cứu trong lĩnh vực KHXH&NV có tính kế thừa của các năm trước, một số đề tài vẫn còn được tiếp tục thực hiện theo kế hoạch 5 năm 2001-2005, tuy nhiên có thể nêu một số thành tựu nổi bật đạt được trong năm 2003 như sau:
Trong xây dựng đường lối chiến lược, chính sách phát triển KT-XH của đất nước, nhiều ngành KHXH&NV đã triển khai nghiên cứu hàng loạt vấn đề lý luận then chốt và cấp bách như luận giải bản chất của nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN; logic chuyển biến từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung bao cấp sang nền KTTT định hướng XHCN; các vấn đề xã hội và xu hướng biến đổi xã hội trong tiến trình đổi mới và phát triển; điều tra, nghiên cứu đánh giá thực trạng phát triển KT-XH các vùng kinh tế trọng điểm, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Tây Nguyên, từ đó xây dựng cơ sở khoa học cho việc lựa chọn chiến lược phát triển KT-XH cho các vùng trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.
Một số đề tài, dự án đã tập trung nghiên cứu, xác định những điểm đột phá chiến lược, đồng thời làm rõ khung cơ bản của mô hình CNH, HĐH rút ngắn theo định hướng XHCN ở Việt Nam; nghiên cứu, đưa ra quan niệm mới về Nhà nước pháp quyền và mô hình tổng thể của Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, hướng tới tổ chức một nền chính trị XHCN và Nhà nước XHCN, với mục tiêu là duy trì bản chất giai cấp công nhân và tính nhân dân của Nhà nước, phát huy cao độ dân chủ XHCN và nâng cao hiệu lực quản lý và điều hành; nhận thức về nguyên tắc phân công và phối hợp quyền lực trong tổ chức quyền lực Nhà nước ở nước ta, đó là quyền lực thống nhất; làm rõ vai trò, các hình thức có thể kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền lực Nhà nước trong Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta; đi sâu nghiên cứu về cải cách tư pháp, hoàn thiện hệ thống tư pháp, nâng cao hiệu quả và hiệu lực xét xử của tòa án các cấp trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, xây dựng đội ngũ công chức đáp ứng yêu cầu của Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân.
Các đề tài thuộc lĩnh vực văn hóa đã đi sâu nghiên cứu, khai thác các vấn đề thuộc di sản văn hóa Việt Nam; khảo sát thực tiễn và tiến hành nghiên cứu lý thuyết chung về phát triển văn hóa, con người và nguồn nhân lực trong thời kỳ CNH, HĐH ở Việt Nam; tổ chức biên soạn một số công trình khoa học về văn hóa và con người Việt Nam qua các mốc lịch sử lớn của dân tộc, như chuyên khảo "Cẩm nang di truyền con người qua giải mã trình tự gen", chuyên khảo "Trở lại với con người, nghiên cứu con người qua các tài liệu nước ngoài", "Con người Việt Nam công nghiệp", hoàn thiện bộ thuật ngữ về chỉ số phát triển con người (HDI), sách về nghiên cứu nhân cách, v.v...
Một số đề tài, nhiệm vụ khoa học đã tiến hành nghiên cứu những vấn đề về tình hình, bối cảnh quốc tế và khu vực, những vấn đề có tính toàn cầu, chiến lược phát triển của các nước lớn, dự báo xu hướng phát triển và biến đổi tình hình kinh tế và chính trị thế giới, làm rõ các thách thức, thời cơ phát triển, cơ chế tác động của các xu hướng quốc tế đến sự phát triển của Việt Nam. Từ đó đề xuất kiến nghị chính sách đối ngoại của Việt Nam, khả năng và triển vọng tham gia của Việt Nam vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.
Các dự án điều tra cơ bản đã tiến hành nhiều cuộc điều tra, khảo sát, xử lý thông tin, hoàn thành các nhiệm vụ nghiên cứu theo đúng tiến độ. Tiến hành điều tra cơ bản và khai quật di chỉ khảo cổ học Cát Tiên; điều tra tổng thể ngôn ngữ ở Việt Nam; nghiên cứu yếu tố tâm lý dân tộc tác động đến sự ổn định và phát triển ở Tây Nguyên, v.v... Dự án "Điều tra tổng thể về di sản Hán Nôm” đã tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện, đánh giá những kết quả đạt được và đề ra những giải pháp thực hiện cho các nhiệm vụ còn lại. Công trình Ngôi nhà Rông của người Banar Tây Nguyên thuộc dự án "Điều tra cơ bản và sưu tầm di sản văn hóa vật thể và phi vật thể các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên - Nam Bộ" đã được hoàn thành để trưng bày các hiện vật về đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của các dân tộc anh em trong đại gia đình dân tộc Việt Nam.
Theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm KHXH&NVQG đã tổ chức Hội đồng thẩm định quốc gia, xin ý kiến của các Bộ có liên quan và đã phê duyệt Dự án "Khai quật khảo cổ tổng thể khu vực xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình" trên cơ sở kết quả thực hiện các dự án khai quật thăm dò và mở rộng ở khu vực này. Đây là dự án khai quật khảo cổ lớn nhất hiện nay ở nước ta, được tiến hành trên diện tích 19.000m2. Dự án "Khai quật di chỉ khảo cổ học Lung Leng (Kon Tum)" đang tiếp tục thực hiện giai đoạn hai và đã bước đầu khai thác kết quả các di vật khảo cổ đã khai quật được.
Năm 2004 là năm có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2001-2005 và cũng là năm thứ tư triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng, đưa đất nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới. Các đề tài, dự án nghiên cứu trong lĩnh vực KHXH&NV tiếp tục được triển khai theo đúng tiến độ và đã đạt được một số kết quả nổi bật thể hiện trên 3 mảng lớn như sau:
Phục vụ hoạch định và thực hiện đường lối chính sách
Đóng góp quan trọng nhất của KHXH&NV trong giai đoạn vừa qua là cung cấp luận cứ khoa học để lựa chọn mô hình và bước đi của quá trình CNH, HĐH, đặc biệt là đã góp phần làm sáng tỏ thực chất và nội dung đổi mới tư duy và hình thành tư duy phát triển mới, từ tư duy công nghiệp hóa gắn với cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang tư duy CNH, HĐH theo định hướng XHCN trong cơ chế thị trường, mở cửa.
Nhận diện thực trạng, xu hướng và dự báo triển vọng phát triển của thế giới, đánh giá tác động của các yếu tố đó đến sự phát triển của Việt Nam.
Cung cấp luận cứ khoa học cho việc lựa chọn mô hình và bước đi của quá trình chuyển đổi cơ chế và phát triển kinh tế, từ kết quả nghiên cứu giúp hình thành hướng nghiên cứu lý thuyết cơ bản về quá trình chuyển đổi kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa ở Việt Nam, giải quyết các vấn đề liên ngành KHXH&NV nhằm cung cấp các luận cứ khoa học để xây dựng các chủ trương, chính sách trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, tạo lập môi trường pháp lý và hành chính phục vụ CNH, HĐH đất nước.
Phục vụ xây dựng, đổi mới và hoàn chỉnh các chính sách và cơ chế quản lý của các ngành, các cấp
Kết quả của các đề tài nghiên cứu về con người và nguồn nhân lực trong thời kỳ CNH, HĐH đã được nhiều ngành, địa phương vận dụng trong xây dựng chiến lược đào tạo, chính sách liên quan đến nhân lực và chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm và chính sách cán bộ, phục vụ phát triển nguồn lao động kỹ thuật cung cấp cho các khu kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp.
Cung cấp luận cứ cho việc xây dựng các bộ luật mới, sửa và hoàn chỉnh nhiều bộ luật về lao động, về doanh nghiệp, về đất đai, về thuế, về giáo dục và đào tạo, về cải cách hành chính... và kết quả được vận dụng để điều chỉnh chính sách ở các ngành, địa phương.
Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp hoàn thiện hệ thống tư pháp, nâng cao hiệu quả và hiệu lực xét xử của tòa án các cấp nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân trong điều kiện của Việt Nam.
Cung cấp các tư liệu và phân tích, dự báo xu thế phát triển của KH&CN và những khả năng phát huy lợi thế so sánh của Việt Nam, giúp xây dựng tư tưởng và nội dung của chiến lược phát triển KH&CN và chiến lược phát triển của các ngành, các địa phương trong giai đoạn đến năm 2010.
Cung cấp những luận giải khoa học cho việc nâng cao nhận thức chính trị và tư tưởng
Kết quả nghiên cứu KHXH&NV giúp luận giải nhiều vấn đề có tính lý luận trong điều kiện mới như: vấn đề đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân, phát triển kinh tế trang trại, vấn đề sở hữu ruộng đất trong thực hiện kinh tế thị trường, vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh, vai trò của kinh tế tư nhân, các giải pháp khắc phục phân hóa xã hội, vấn đề chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, vấn đề xây dựng và phát huy nhân tố con người trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường hội nhập quốc tế, vấn đề đảm bảo an ninh quốc gia, bảo vệ độc lập, chủ quyền của nước ta.
Trong lĩnh vực văn hóa, các đề tài nghiên cứu đã đem lại nhiều kết quả có giá trị khoa học và thực tiễn cao, góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Một số đề tài đã làm rõ được những vấn đề cơ bản về lý luận và thực tiễn của nền văn hóa Việt Nam trong giai đoạn CNH, HĐH; đã nghiên cứu những cơ sở và điều kiện tạo nên các vùng văn hóa ở Việt Nam, đưa ra được hệ thống các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đặc trưng của từng vùng, khẳng định được vai trò của Nhà nước trong công tác quản lý khai thác các giá trị văn hóa của từng vùng.
Đáng chú ý có một số công trình nghiên cứu về văn hóa nổi bật như: Đề tài độc lập “Lịch sử Việt Nam” đã tiến hành nghiên cứu, tổng kết và biên soạn 4 tập về lịch sử Việt Nam từ khởi nguồn cho đến nay. Đây sẽ là một bộ sử quốc gia lớn nhất, tổng hợp thành tựu nghiên cứu về lịch sử Việt Nam của các học giả trong và ngoài nước. Kết quả của đề tài còn được sử dụng như bộ giáo trình chất lượng cao cho các bậc đào tạo cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ, đồng thời là tài liệu tham khảo quí cho các nhà lãnh đạo, ngoại giao, các độc giả trong và ngoài nước; Công trình nghiên cứu “Tổ chức bảo vệ và khai thác văn hóa Hán Nôm Huế” đã tiến hành sưu tầm, chỉnh lý, nghiên cứu và đánh giá các giá trị tiêu biểu của di sản văn hóa Hán Nôm ở Huế và khu vực miền Trung, để qua đó kiến nghị các giải pháp bảo tồn và khai thác nguồn di sản quý giá này. Đây là lần đầu tiên di sản văn hóa Hán Nôm Huế được sưu tầm công phu, ở quy mô lớn và được đánh giá một cách có khoa học. Đề tài có ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn quan trọng, là cơ sở cho việc thực hiện chủ trương của Đảng về “xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản s??c dân tộc” ở Cố đô Huế và khu vực miền Trung; Công trình “Nghiên cứu xác lập cơ sở khoa học cho qui trình phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài phục vụ CNH, HĐH đất nước” đã bước đầu tiến hành nghiên cứu kinh nghiệm, các qui trình, tiêu chí, các phương thức phát hiện, tuyển dụng, đào tạo và sử dụng nhân tài. Công trình có ý nghĩa thiết thực đối với việc phát triển giáo dục đào tạo, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
Một số kết quả nghiên cứu khác thuộc lĩnh vực KHXH&NV như: Lịch sử Tây Nam Bộ, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Lịch sử Nam Kỳ khởi nghĩa, Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, Công trình Lịch sử Chính phủ, Tổng tập văn học Việt Nam... cũng đều là những công trình khoa học có ý nghĩa thực tế, không chỉ nhằm nâng cao nhận thức xã hội của cộng đồng mà còn đóng góp thiết thực vào mặt trận đấu tranh bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia.
Nguồn: Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia