Báo cáo tình hình Kinh tế - Xã hôi tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2002
TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 10 VÀ 10 THÁNG NĂM 2002
Tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng có nhiều chuyển biến tích cực; công nghiệp tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, mức thiệt hại do thiên tai, lũ lụt giảm thấp, mặc dù năm nay thiên tai, lũ lụt nặng hơn các năm trước; dịch vụ tiếp tục phát triển; thực hiện khối lượng vốn đầu tư đạt khá, thu ngân sách nhà nước vượt cao so với dự kiến; hoạt động xuất khẩu trong tháng 10 có tiến bộ rõ rệt, đạt 1,5 tỷ USD/tháng... Các hoạt động trong lĩnh vực xã hội có những tiến bộ đáng kể, nhất là công tác xoá đói giảm nghèo, chăm sóc sức khoẻ cho trẻ em.
Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn nhiều, giải ngân vốn tín dụng đầu tư đạt thấp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài giảm nhiều so với cùng kỳ; một số lĩnh vực xã hội còn rất bức xúc như tệ nạn ma tuý, mãi dâm, đặc biệt là tai nạn giao thông vẫn rất nghiêm trọng.
1. Về các hoạt động sản xuất kinh doanh
(1) Sản xuất công nghiệp tiếp tục đạt được tốc độ tăng trưởng cao, nhất là khu vực ngoài quốc doanh
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 10 ước tăng 0,8% so với tháng 9/2002 và tăng 14,2% so cùng kỳ; tính chung, 10 tháng đầu năm ước tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2001, trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 11,6% (trung ương tăng 12,5%, địa phương tăng 9,8%); khu vực ngoài quốc doanh tăng 19%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 14,4%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tiếp tục tăng cao trong 10 tháng đầu năm là điện tăng 16,4%, than sạch 19,9%, thép cán 26,3%, xi măng 23,7%, gạch lát 29,6%, chất tẩy rửa các loại 24,5%, xút NaOH 44,4%, ắc quy 22,1%, thuỷ sản chế biến 21,9%, quần áo may sẵn 24,1%... Các sản phẩm cơ khí chế tạo và lắp ráp đạt tỷ lệ tăng trưởng cao là máy biến thế 23,1%, quạt điện dân dụng 18,8%, tivi các loại 37,1%, ôtô các loại 45,6%, xe máy các loại 43,3%, xe đạp hoàn chỉnh 29,9%, máy công cụ 13,9%, động cơ điện 11,2%...
Sản xuất công nghiệp trên một số địa bàn vẫn tiếp tục duy trì phát triển tốt trong 10 tháng qua như: Hà Nội tăng 25,6% so với cùng kỳ năm 2001, Hải Phòng tăng 25%, Bình Dương tăng 33,3%, Đồng Nai tăng 16,7%, Hà Tây tăng 22,3%, Hải Dương tăng 41,5%, Phú Thọ tăng 14,5%, Vĩnh Phúc tăng 17,4%, Thanh Hoá tăng 17,4%, Quảng Ninh tăng 16,2%, Đà Nẵng tăng 17,7%, Khánh Hoà tăng 26,5%. Riêng thành phố Hồ Chí Minh, do thực hiện tốt các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong các tháng cuối năm, nên giá trị sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 3,2% so với tháng 9 và tăng 18,6% so với tháng 10 năm ngoái; tính chung 10 tháng tăng 13,8%.
Sản lượng điện đạt 29,7 tỷ Kwh, tăng 16,4% so cùng kỳ.
Sản lượng thép đạt trên 1,9 triệu tấn, tăng 26,3%.
Sản lượng xi măng đạt 16 triệu tấn, tăng 23,7%.
Sản lượng dầu thô khai thác đạt 13,7 triệu tấn.
Sản lượng than sạch đạt 12,6 triệu tấn, tăng 19,9% so cùng kỳ, than tiêu thụ khá trên thị trường trong nước và xuất khẩu..
Các doanh nghiệp dệt may trong Tổng công ty dệt may đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức thực hiện các giải pháp khắc phục những khó khăn do biến động giá cả nguyên phụ liệu, giá gia công giảm, tranh thủ các quota xuất sang thị trường EU, nên tình hình sản xuất có nhiều tiến bộ hơn so với các tháng đầu năm. Vải lụa thành phẩm đạt trên 356 triệu m, tăng 11%, quần áo may sẵn đạt trên 346 triệu sản phẩm, tăng 24,1%.
Giấy bìa các loại đạt 387,4 nghìn tấn, tăng 7,7% so cùng kỳ.
(2) Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển
Cả nước thu hoạch gần 2,2 triệu ha lúa hè thu, trong đó các tỉnh phía Nam thu hoạch trên 2 triệu ha, tăng trên 2,2% so với cùng kỳ; các tỉnh phía Bắc thu hoạch gần 160 nghìn ha, tăng 1,4%; ngoài ra, các tỉnh phía Bắc cũng đã thu hoạch được trên 700 nghìn ha lúa mùa, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2001.
Cùng với việc thu hoạch lúa hè thu và lúa mùa, cả nước gieo cấy được trên 1.977 nghìn ha lúa mùa, bằng 96,2% so với cùng kỳ năm 2001, trong đó các tỉnh phía Bắc trên 1.250 nghìn ha, bằng 98%; các tỉnh phía Nam trên 726 nghìn ha, bằng 92,4%.
Các tỉnh miền Bắc đã gieo trồng được 302 nghìn ha cây vụ đông, trong đó ngô trên 129 nghìn ha, tăng 9,3%; rau đậu các loại 84 nghìn ha, tăng 8,6%; khoai lang 74 nghìn ha, giảm 10,7%...
Tổng sản lượng thuỷ sản đạt trên 2 triệu tấn, bằng 87% kế hoạch năm, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2001, trong đó sản lượng khai thác đạt trên 1,2 triệu tấn, đạt 90,2% kế hoạch, bằng cùng kỳ năm ngoái; sản lượng nuôi trồng thuỷ sản đạt 783 nghìn tấn, bằng 82,4% kế hoạch và tăng 18,2%. Các địa phương đang tiếp tục thả tôm vụ 2, tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất giống, thức ăn và thuốc dùng trong thuỷ sản. Nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt phát triển mạnh và ổn định, công tác khuyến ngư được tăng cường.
(3) Các lĩnh vực dịch vụ tiếp tục phát triển
Nhìn chung, thị trường trong nước tương đối ổn định, lưu thông hàng hoá tăng ở hầu hết các địa phương trong cả nước..
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 227 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3%.
Khối lượng hàng hoá vận chuyển đạt 144 triệu tấn, tăng 5,6%, khối lượng hàng hoá luân chuyển đạt 43 tỷ tấn-km, tăng 6,1%. Vận chuyển hành khách ước đạt 643,5 triệu lượt hành khách, tăng 5,6%; khối lượng hành khách luân chuyển đạt 30,9 tỷ lượt hành khách-km, tăng 5,6%. Ước tổng doanh thu dịch vụ ngành vận tải 10 tháng đạt 29.130 tỷ đồng.
Ngành du lịch đã triển tích cực khai thực hiện nhiều giải pháp tăng doanh thu và nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch cả ở trong và ngoài nước. Ước khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 2,1 triệu lượt người, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2001; số khách nội địa đạt trên 10 triệu lượt người, tăng 4,3%.
(4) Xuất, nhập khẩu đã có những chuyển biến tích cực
Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 13,4 tỷ USD, tăng gần 6% so cùng kỳ; trong đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 3.610 triệu USD, chiếm 26,9% kim ngạch xuất khẩu, tăng 17,8% so cùng kỳ. Với đà tiến bộ nêu trên, kim ngạch xuất khẩu cả năm có thể đạt trên 7%.
Các mặt hàng có khối lượng xuất khẩu tăng là: lạc nhân tăng 35,1%, cao su 46,4%, chè 39,6%, than đá 27,5%. Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so cùng kỳ năm 2001 là: hạt điều 32,3%, hạt tiêu 11,4%, thuỷ sản 10,7%, dệt may 30%, giày dép 18%, thủ công mỹ nghệ 44,8%.
Tuy nhiên, còn có một số mặt hàng giảm về khối lượng xuất khẩu là: gạo giảm 9,4%, cà phê 37,2%, dầu thô 1,8%. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu rau quả giảm 44,6%, máy vi tính và linh kiện giảm 35,4%.
Ước kim ngạch nhập khẩu đạt 15.367 triệu USD, bằng 87,8% kế hoạch và tăng 17,1% so với cùng kỳ; trong đó, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt 5.135 triệu USD, chiếm 33,4% tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng 24,4%.
2. Thực hiện vốn đầu tư đạt khá
Ước thực hiện kế hoạch vốn đầu tư xây dựng thuộc ngân sách nhà nước đạt trên 18.650 tỷ đồng, bằng 84,9% kế hoạch năm.
Việc triển khai thực hiện vốn đầu tư xây dựng thuộc ngân sách nhà nước có chuyển biến tích cực. Nhiều công trình chuyển tiếp của các Bộ, ngành, địa phương được tiếp tục triển khai ngay từ đầu năm như các công trình làm đường giao thông, thuỷ lợi, các công trình cơ sở hạ tầng ở đồng bằng sông Cửu Long...
Hiện nay, nhiều Bộ, ngành, địa phương đang tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt ở các tỉnh miền Trung; các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang tập trung gia cố đê khoanh vùng ở các cụm tuyến dân cư và tiếp tục thực hiện các biện pháp di dời dân ở vùng bị ngập...
Cấp phát vốn đầu tư đã cấp thanh toán bằng 64,2% kế hoạch năm và gần bằng 74% khối lượng đã thực hiện; trong đó, giải ngân vốn nước ngoài đạt thấp. Giải ngân nguồn vốn tín dụng đầu tư có khá lên trong các tháng gần đây, nhưng vẫn còn thấp. Hợp đồng tín dụng ước bằng 50% kế hoạch năm; trong đó vốn ODA bằng 34% kế hoạch.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài:
Trong 10 tháng có 543 dự án được cấp giấy phép với vốn đăng ký trên 1.085 triệu USD, tăng 30,5% về số dự án và bằng 52,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2001.
Vốn đưa vào thực hiện trong 10 tháng qua là 1,8 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ.
Đầu tư nước ngoài tuy có gia tăng về số dự án nhưng vốn đầu tư lại giảm, tập trung vào các dự án có quy mô vừa và nhỏ giảm, chưa có những dự án có quy mô lớn. Cơ cấu đầu tư không có sự thay đổi lớn so với các năm trước, vốn đầu tư vẫn tập trung vào các ngành công nghiệp, các ngành sản xuất vật chất và xuất khẩu; đặc biệt, có sự gia tăng mới của các ngành công nghiệp thực phẩm, các ngành dịch vụ, riêng ngành nông lâm nghiệp chưa thu hút được nhiều vốn.
3. Thu ngân sách nhà nước tăng khá
Thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 84% dự toán năm..
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 năm 2002 so với tháng trước tăng 0,3%. Tính chung 10 tháng (so với tháng 12 năm 2001), chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,4%, trong đó nhóm lương thực, thực phẩm tăng nhiều nhất 5,6% (riêng thực phẩm tăng 8,6%); nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,6%, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4,6%, phương tiện đi lại, bưu điện tăng 1,1%, các nhóm giáo dục, dược phẩm, y tế, thiết bị và đồ dùng gia đình, may mặc, mũ nón, giày dép tăng từ 0,2% đến 0,9%; riêng nhóm văn hoá, thể thao, giải trí giảm 1,1%. Chỉ số giá vàng tăng 18,2%, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 1,9%.
Nếu tính trong vòng 12 tháng (so với tháng 10 năm 2001), chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,5%.
4. Về các hoạt động trong lĩnh vực xã hội
(1) Về giải quyết việc làm
Giải quyết việc làm 10 tháng đạt 1,1 triệu người, bằng 78% so với kế hoạch năm; trong đó xuất khẩu lao động lao động xuất khẩu khoảng 4 vạn người; thu hút vào các ngành nông, lâm, ngư nghiệp 50 vạn người; công nghiệp, xây dựng, 28 vạn người; dịch vụ thương mại 25 vạn người.
Các địa phương làm tốt như Đà Nẵng trên 11 nghìn người; Nam Định trên 81nghìn người; Hà Nội trên 29 nghìn người; Vĩnh Long trên 12 nghìn người; Vĩnh Phúc 10 nghìn người; Phú Yên trên 10 nghìn người; Cần Thơ gần 17 nghìn người...
(2) Về công tác xoá giảm nghèo:
Cả nước đã triển khai tốt các giải pháp xoá đói giảm nghèo, nhất là việc huy động các nguồn vốn.
Ngân hàng phục vụ người nghèo đã huy động thêm nhiều nguồn vốn để tiếp tục cho các hộ nghèo vay vốn. Đến nay, toàn quốc có 45 tỉnh, thành phố tổ chức huy động tốt các nguồn vốn tại địa phương dưới nhiều hình thức, hỗ trợ cho các hộ nghèo vay trên 500 tỷ đồng.
Đã mua 24,8 nghìn thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, khám bệnh miễn phí cho trên 20.000 bệnh nhân nghèo với kinh phí trên 25 tỷ đồng; miễn giảm học phí và các khoản đóng góp khác cho trên 1 triệu học sinh nghèo với kinh phí trên 22 tỉ đồng; các địa phương đã huy động trên 22 tỷ đồng các nguồn vốn khác hỗ trợ cho khoảng 8.000 căn hộ cho người nghèo.
(3) Về y tế, chăm sóc trẻ em
Công tác phòng chống chữa bệnh tiếp tục được đẩy mạnh, tình hình các dịch bệnh 10 tháng đầu năm đều giảm so cùng kỳ năm trước như: thương hàn giảm 41,7% số ca mắc, sốt rét giảm 39,7%, sốt xuất huyết giảm 48,9%... Riêng dịch tả, trong 10 tháng có tăng 201 ca mắc (cùng kỳ năm 2001, không có mắc).
Tình hình ngộ độc thức ăn vẫn tiếp tục diễn ra ở một số địa phương, trong tháng 10 có 6 vụ ngộ độc thức ăn với 352 người mắc, 2 ca tử vong; tính chung 10 tháng đầu năm lên 3.724 ca mắc, 59 ca tử vong.
Công tác khám và chữa bệnh đã có bước chuyển biến, nhân đân đến các bệnh viện tuyến trung ương ngày càng đông, công suất sử dụng giường bệnh trên 100%, như bệnh viện E đạt 126%, Viện Mắt trung ương 116%.
Hầu hết các địa phương đã triển khai tốt Tháng hành động vì trẻ em và Ngày gia đình Việt Nam 28/6. Trong Tháng hành động vì trẻ em, ngành Y tế đã phối hợp với các Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em các địa phương đã tổ chức tốt việc tiêm phòng sởi cho trẻ em từ 0-6 tuổi (khoảng 153.000 cháu); khám và điều trị các bệnh về răng lợi cho trên 2.100 cháu (bậc học mầm non và tiểu học; đưa được 71 cháu hở khe môi, vòm họng đi phẫu thuật nụ cười tại bệnh viện Việt Nam - Cu Ba.
(4) Đến nay đã cấp phát 1.450 tỷ đồng trợ cấp thường xuyên và chính sách chế độ cho người có công. Riêng chế độ trợ cấp kháng chiến 1 lần, mới thực hiện được khoảng 500 tỷ đồng (kế hoạch là 2.000 tỷ), khả năng đến cuối năm 2002 mới thực hiện được khoảng 1.200 tỷ đồng.
(5) Công tác văn hoá thông tin
Các hoạt động văn hoá thông tin đã hướng về vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, tiếp tục tăng cường công tác phát thanh truyền hình cho đồng bào miền núi các dân tộc phía Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, vùng biên giới với Campuchia và Lào.
Tiếp tục hướng dẫn các địa phương xây dựng thiết chế văn hoá cơ sở, tổ chức sơ kết đánh giá phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá". Thực hiện tốt "Những ngày văn hoá Việt Nam tại Nga" để góp phần thắt chặt hơn mối quan hệ hữu nghị đã có từ lâu đời giữa 2 dân tộc.
(6) Công tác phòng chống các tệ nạn xã hội tiếp tục được triển khai thực hiện, nhưng vẫn còn nhiều bức xúc
Các địa phương tiếp tục thực hiện phong trào xây dựng xã phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội, đã có 47% số xã phường duy trì công tác ngăn chặn tệ nạn mại dâm, 2.282 xã phường đang triển khai xây dựng xã phường lành mạnh. Tuy nhiên hiện tượng ma tuý và mãi dâm vẫn không giảm, trái lại ngày càng diễn biến phức tạp hơn.
Nhìn chung, những tiến bộ trong tháng 10 đã tạo khả năng cải thiện hơn mức thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2002. Đó là những cố gắng rất lớn trong công tác điều hành của Chính phủ và trong việc triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn của các ngành, các địa phương và các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Cho đến thời điểm tháng 10, đánh giá chung việc thực hiện kế hoạch năm 2002 cho thấy, có 2 chỉ tiêu còn chưa đạt kế hoạch, đó là tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu (dự kiến đạt 7% so với kế hoạch đề ra là 10%) và tốc độ tăng giá trị các ngành dịch vụ (dự kiến đạt 6,7% so với kế hoạch là 6,8 - 7%).
Tình hình thực hiện 2 chỉ tiêu trên trong mấy tháng gần đây có nhiều tiến bộ, kim ngạch xuất khẩu tăng dần qua từng tháng, các mặt dịch vụ phát triển khá, thị trường sôi động, du lịch phát triển...
Do vậy, cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp đã được đề ra trong 2 tháng cuối năm, tăng kim ngạch xuất khẩu khoảng trên 1,5 tỷ USD/tháng; phát triển thị trường nội địa trong những tháng giáp tết, thu hút thêm khách du lịch, tăng cường dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông... để cải thiện việc thực hiện 2 chỉ tiêu này trong năm 2002.
Ngoài ra, trong chỉ đạo điều hành cần tập trung cao độ việc đẩy mạnh sản xuất và đầu tư, nhất là đối với các dự án quan trọng, tìm mọi biện pháp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, thực hiện ráo riết các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu; chủ động phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai.
Đồng thời, phải tập trung giải quyết một số vấn đề xã hội còn bức xúc trong những tháng cuối năm như: tình trạng ách tắc giao thông ở một số thành phố lớn, nhất là ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; tai nạn giao thông; tệ nạn cờ bạc, mãi dâm, ma tuý....
(Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư)