Báo cáo tình hình Kinh tế - Xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2002
TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 8 VÀ 8 THÁNG ĐẦU NĂM 2002
1. Về sản xuất kinh doanh
(1) Sản xuất nông nghiệp
Trong tháng 8 các địa phương đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm hạn chế thiên tai, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, các địa phương phía Bắc đã cơ bản kết thúc gieo cấy lúa mùa, đang tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa và rau màu. Đến ngày 15/8/2002, cả nước gieo cấy được hơn 1.227 ngàn ha, bằng 98,7% so với cùng kỳ. Các địa phương phía Nam đang tập trung thu hoạch lúa hè thu và gieo cấy lúa mùa. Đến ngày 15/8/2002, cả nước thu hoạch được hơn 1.070 nghìn ha, chiếm 55% diện tích gieo cấy. Theo sơ bộ đánh giá của các địa phương, năng suất bình quân của đồng bằng sông Cửu Long năm nay cao hơn vụ hè thu năm trước, do đó sản lượng cao hơn khoảng 200 ngàn tấn. Cùng với việc thu hoạch lúa hè thu, các địa phương đã gieo cấy được 232 ngàn ha lúa mùa, thấp hơn cùng kỳ năm trước 115 ha.
Ước đến hết tháng 8 năm 2002, các địa phương trong cả nước gieo trồng được 519,6 nghìn ha rau, đậu các loại, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2001. Nhiều loại hoa quả tiếp tục được mùa, đặc biệt là nhãn ở đồng bằng Sông Cửu Long. Cây công nghiệp dài ngày như cao su, chè, điều và mía tuy bị sâu bệnh và nắng hạn làm ảnh hưởng tới năng suất cây trồng, nhưng chỉ là những tháng đầu vụ nên không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng và từ tháng 5 đến nay nhịp độ sản xuất của các ngành đã trở lại bình thường. Nếu những tháng còn lại thời tiết thuận lợi thì vẫn có khả năng đạt kế hoạch năm 2002.
Sản lượng thuỷ sản ước thực hiện tháng 8 đạt 203 ngàn tấn, 8 tháng đạt khoảng gần 1,6 triệu tấn. Nhìn chung, 8 tháng đầu năm thời tiết tương đối thuận lợi, sản lượng khai thác tăng đáng kể, tuy nhiên, hiệu quả kinh tế trong khai thác còn thấp, chi phí khai thác tăng, giá bán sản phẩm giảm. Các tỉnh miền Bắc đang tích cực thu hoạch tôm trước mùa mưa bão, các tỉnh miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long đang xuống giống vụ II, tính đến thời điểm hiện nay sản lượng tôm giống đạt 110 ngàn tấn, chiếm 20% sản lượng nuôi và khai thác nội địa.
Trong ngành lâm nghiệp, 8 tháng đầu năm các địa phương cả nước đã trồng mới được 83.581 ha rừng, trong đó rừng phòng hộ đặc dụng là 46.000 ha, đạt 69% kế hoạch cả năm. Ngoài ra, cả nước đã trồng được 4.000 ha cây công nghiệp và cây lấy quả. 2,134 triệu ha rừng đã được khoán quản lý bảo vệ, bằng 134% kế hoạch năm; hơn 639 nghìn ha được khoanh nuôi tái sinh phục hồi, bằng 160% kế hoạch.
Tuy nhiên, nổi bật trong tháng 8 là tình hình thiên tai hạn hán khắc nghiệt và lũ lụt lớn ở một số địa phương.
Trong tháng 8, ảnh hưởng của 2 đợt áp thấp nhiệt đới và bão đã gây ra lũ và lũ quét tại một số tỉnh như Bắc Kạn, Hà Giang, Lai Châu, Hà Tây gây thiệt hại lớn về người và tài sản: làm mất trắng 1.900 ha và ngập 3.316 ha lúa và hoa màu. Ngược lại, ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, lượng mưa 7 tháng đầu năm thấp hơn lượng mưa trung bình hàng năm, gió tây nam khô nóng diễn ra nhiều ngày nên cuối tháng 7 đến đầu tháng 8, vùng này xảy ra tình trạng hạn hán nặng nề, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Ninh Thuận có khoảng 18 nghìn ha lúa và 50 nghìn ha các cây trồng khác bị mất trắng. Hạn hán cũng gây thiếu nước sinh hoạt cho khoảng 807 nghìn người và gia súc thuộc các tỉnh này. Từ ngày 12/8 đến nay, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã có mưa to, giúp giảm nhẹ tình hình hạn tại các địa phương này. Tuy nhiên, theo dự báo của Cục khí tượng thuỷ văn, khu vực này sẽ bị lũ lụt, có thể vượt đỉnh lũ năm 2001.
(2) Sản xuất công nghiệp
Trong tháng 8, các Bộ, ngành có sản xuất công nghiệp, các địa phương là trung tâm sản xuất công nghiệp lớn như thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương... đã tích cực tìm các giải pháp để tăng sản xuất, giảm chi phí sản xuất công nghiệp, nên duy trì được mức tăng trưởng cao như kế hoạch đề ra.
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 8 ước đạt 23.636 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng 7/2002 và tăng 14,2% so cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm ước đạt 172.855 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2001. Cụ thể là, khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 11,7% (trong đó trung ương tăng 12,6%, địa phương tăng 10,2%); khu vực ngoài quốc doanh tăng 19,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 13,1% (trong đó ngành dầu khí giảm 3,9%, các ngành khác tăng 21,6%).
8 tháng đầu năm một số sản phẩm tiếp tục tăng trưởng cao là điện sản xuất 16,8%, than sạch tăng 25,7%, thép cán 24,3%, xi măng 26,7%, gạch lát 27,5%, chất tẩy rửa các loại 24,2%, xút NaOH 41,3%, thuỷ sản chế biến 17,8%, quần áo may sẵn 24%. Các sản phẩm cơ khí chế tạo và lắp ráp tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao là máy biến thế 35,2%, máy công cụ 20,8%, quạt điện dân dụng 21%, tivi các loại 36,8%, ôtô các loại 51,1%, xe máy các loại 56,5%, xe đạp hoàn chỉnh 42,9%.
Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ gồm dầu thô khai thác bằng 92,9%, thuốc trừ sâu 88,2%, quần áo dệt kim 94%, đặc biệt thuốc viên các loại chỉ đạt 89,9% so với cùng kỳ năm 2001.
Các địa phương đạt tỷ lệ tăng trưởng cao trong 8 tháng năm 2002 gồm: Hà Nội tăng 24,7%, Hải Phòng tăng 40,3%, Bình Dương tăng 32,4%, Đồng Nai tăng 16,6%, Hà Tây tăng 19,3%, Hải Dương tăng 39,8%, Phú Thọ tăng 14,1%, Vĩnh Phúc tăng 25,5%, Thanh Hoá tăng 16,9%, Đà Nẵng tăng 19%, Khánh Hoà tăng 28,7%. Một số tỉnh tăng trưởng thấp hơn mức tăng trưởng chung của cả nước hoặc giảm so cùng kỳ, đặc biệt TP. Hồ Chí Minh chiếm tỷ trọng 26,9% tăng 12%, Cần Thơ tăng 9,7%, Quảng Ninh tăng 12,9%, Bà Rịa - Vũng Tàu bằng 96,5% so cùng kỳ.
Để tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao hiện nay, cần tiếp tục duy trì mức tăng trưởng của các ngành như thép, xi măng và vật liệu xây dựng, cơ khí, điện, điện tử, than; thúc đẩy tăng trưởng các ngành dệt may, da giày, chế biến thực phẩm thông qua đẩy mạnh xuất khẩu, duy trì mức khai thác dầu thô đạt kế hoạch đề ra cho cả năm là 16,8 triệu tấn.
(3) Các lĩnh vực dịch vụ
Khối lượng hàng hoá vận tải ra nước ngoài tháng 8 tăng cao so với cùng kỳ năm 2001. 8 tháng 2002, khối lượng vận tải hàng hoá đạt 117,6 triệu tấn, tăng 6,9% so 8 tháng 2001; khối lượng luân chuyển hàng hoá đạt 35,3 tỷ Tkm, tăng 9,4% so 8 tháng 2001; vận tải hành khách đạt 518,3 triệu lượt khách, tăng 4,9% và 19,8 tỷ người.km, tăng 5,6%.
Hàng thông qua cảng biển 8 tháng đạt 64,5 triệu tấn, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Một số cảng biển trung ương vẫn giữ được mức tăng trưởng cao do được đầu tư mở rộng, nâng cấp: cảng Hải Phòng đạt gần 6,8 triệu tấn, tăng 18,5%; cảng Đà Nẵng đạt 1,3 triệu tấn, tăng 15,6%; cảng Sài Gòn đạt 7,66 triệu tấn, tăng 16,3%. Các mặt hàng chủ yếu tăng nhiều như hàng công ten nơ tăng 20,3%, hàng khô tăng 9,5%, hàng lỏng tăng 3,9%...
Vận tải hành khách công cộng bằng tuyến xe buýt mẫu tại các thành phố lớn vẫn được duy trì và phát triển, từng bước tạo thói quen đi xe buýt trong cộng đồng và bước đầu đã phát huy hiệu quả, góp phần khắc phục ùn tắc giao thông.
Các hoạt động du lịch tiếp tục diễn ra sôi nổi. Trong 8 tháng thu hút được khoảng gần 1,8 triệu lượt khách du lịch quốc tế, đạt hơn 70% kế hoạch và tăng 10% so với cùng kỳ. Khách du lịch nội địa đạt hơn 8 triệu lượt người, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2001. Trên cơ sở sử dụng tốt vốn đầu tư hỗ trợ của Trung ương, các địa phương đã thu hút thêm nhiều nguồn vốn đầu tư khác để nâng cấp hạ tầng du lịch, thu hút thêm khách du lịch quốc tế và nội địa.
(4) Xuất nhập khẩu
Kim ngạch xuất khẩu tháng 8 và 8 tháng vẫn tiếp tục duy trì được mức tăng tích cực, các tháng sau tăng hơn các tháng trước.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 8 ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 12,8% so với tháng 8 năm 2001 (tháng 7 tăng 5,5% so với tháng 7/2001). Tính chung cả 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 10,3 tỷ USD, chỉ còn giảm 1,2% so với cùng kỳ, trong đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt khoảng 2,8 tỷ USD, tăng 13,4%.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 8 ước đạt 1,65 tỷ USD, tăng gần 30% so với tháng 8 năm 2001, nhập khẩu 8 tháng đạt 11,98 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Nhập siêu 8 tháng là 1,67 tỷ USD, bằng 16,2% so với tổng kim ngạch xuất khẩu.
2. Về đầu tư phát triển
Các nguồn vốn đầu tư toàn xã hội, trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước được huy động khá, các công trình trọng điểm bảo đảm thực hiện đúng tiến độ.
(1) Về nguồn vốn ngân sách tập trung:Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, khối lượng vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung thuộc ngân sách nhà nước tháng 8 năm 2002 ước đạt 2.166 tỷ đồng, trong đó trung ương 1.319 tỷ đồng, các địa phương 847 tỷ đồng. Tính chung vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung thuộc ngân sách nhà nước 8 tháng năm 2002 đạt khá, ước thực hiện được 14.830 tỷ đồng, bằng 67,5% kế hoạch cả năm (nếu tính cả nguồn vốn bổ sung 216 thì đạt khoảng 71% kế hoạch năm) trong đó các đơn vị thuộc trung ương quản lý đạt mức trên 68% kế hoạch là Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản, Bộ Xây dựng. Các Bộ thực hiện thấp so với mức bình quân chung là Bộ Y tế 59,4%, Bộ Văn hoá Thông tin 58%, Bộ Giáo dục và Đào tạo 55%.
Việc cấp phát vốn đầu tư từ ngân sách đạt thấp, ước đến cuối tháng 8 vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc ngân sách tập trung cấp phát khoảng 45% kế hoạch năm, bằng 75% khối lượng đã thực hiện.
(2) Tín dụng đầu tư đạt thấp, ước hết tháng 8 năm 2002sẽ ký kết các hợp đồng tín dụng đầu tư và giải ngân đạt khoảng 37% kế hoạch năm. Việc giải ngân chủ yếu là các dự án đã ký hợp đồng tín dụng từ năm 2001 chuyển sang, phần cho vay theo kế hoạch năm 2002 thực hiện còn rất ít. Việc cho vay vốn chủ yếu theo hình thức cho vay theo dự án. Hình thức cho vay có hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, bảo lãnh tín dụng đầu tư hầu như chưa được thực hiện.
(3) Trong tháng 8 năm 2002, ước giải ngân ODA đạt khoảng 836 triệu USD, đạt 46,6% so với kế hoạch, trong đó vốn vay khoảng 623 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại khoảng 213 triệu USD.
(4) Đầu tư trực tiếp nước ngoài: Trong tháng 8 có 25 dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy phép với tổng số vốn là 61,9 triệu USD. Trong 8 tháng năm 2002, cả nước có 413 dự án được cấp giấy phép đầu tư, vốn đăng ký là 771,36 triệu USD, tăng 27% về số dự án và bằng gần 60% về vốn đầu tư so với cùng kỳ 2001.
Nguồn: Tài liệu họp giao ban sản xuất và đầu tư,
Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 23 tháng 8 năm 2002