Báo cáo tình hình sản xuất và đầu tư tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2002
TÌNH HÌNH SẢN XUẤT VÀ ĐẦU TƯ THÁNG 7 VÀ 7 THÁNG NĂM 2002
Nhìn chung, tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm tiếp tục có chuyển biến tích cực, sản xuất ổn định, thu ngân sách đạt khá, kim ngạch xuất khẩu tăng dần qua các tháng, giá cả ổn định, các hoạt động xã hội có nhiều tiến bộ... Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn nhiều, tốc độ xuất khẩu tăng chậm.
1. Sản xuất nông nghiệp đạt khá, hoàn thành kế hoạch tu bổ đê điều trước mùa mưa lũ
Các địa phương miền Bắc đã thu hoạch xong vụ lúa đông xuân, đang làm đất gieo cấy lúa mùa sớm. Đến 10/7/2002, cả nước đã gieo cấy được 352 nghìn ha lúa mùa sớm, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2001. Các địa phương miền Nam đã bắt đầu thu hoạch lúa hè thu. Đến 10/7, 301 nghìn ha đã được thu hoạch, trong đó riêng đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch 298 nghìn ha, bằng 18,1% diện tích gieo cấy (1.648 triệu ha ) và 96,1% so với cùng kỳ năm 2001. Trong tháng 7, các doanh nghiệp đã ký được hợp đồng xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn gạo, vì vậy mặc dù đã bước vào vụ thu hoạch rộ, giá lúa hè thu mới vẫn tăng 50-100 đồng/kg, lên mức 1.550 – 1.620 đồng/kg.
Sản lượng khai thác hải sản 7 tháng đầu năm ước đạt 878 nghìn tấn, bằng 65% kế hoạch năm. Nhìn chung, thời tiết những tháng đầu năm thuận lợi cho hoạt động bám biển, nguồn lợi xuất hiện sớm với mật độ cao. Tuy nhiên, theo báo cáo của một số địa phương, do giá đầu vào (xăng dầu) tăng, giá bán sản phẩm không tăng nên ngành khai thác hải sản vẫn gặp nhiều khó khăn.
Trong 7 tháng, các địa phương đã trồng rừng tập trung 80 nghìn ha, bằng 40% kế hoạch năm, trong đó trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng 33 nghìn ha, bằng 50% kế hoạch, rừng sản xuất 42 nghìn ha. Ngoài ra, cả nước đã khoán quản lý bảo vệ rừng hơn 2 triệu ha, bằng 129,7% kế hoạch năm, khoanh nuôi kết hợp trồng dặm cây tái sinh 416 nghìn ha, bằng 104,2% kế hoạch năm.
Công tác tu bổ đê điều, phòng chống lũ lụt đạt kết quả khá: Từ đầu năm đến nay, do diễn biến thời tiết, dòng chảy phức tạp đã gây nhiều sự cố hư hỏng cho hệ thống đê điều, nhất là hiện tượng sạt lở bờ sông vào sát đê và hiện tượng nứt đê ở nhiều nơi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các địa phương củng cố đê điều với mục tiêu bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều, sẵn sàng chịu đựng với lũ lớn có thể xảy ra. Đến 15 tháng 7, cả nước đã có 17/19 tỉnh, thành phố có đê triển khai xong công tác đắp đê. Khối lượng đắp đê thực hiện 1.785 triệu m3, đạt 101% kế hoạch năm; làm kè đạt 210 nghìn m3, đạt 101% kế hoạch; tu sửa xong 16 cống, đạt 100% kế hoạch; khoan phụt vữa thân đê 180 nghìn mét khoan sâu, đạt 97,6% kế hoạch.
Hiện nay, cả nước đã bắt đầu vào mùa mưa lũ và có nhiều dấu hiệu cho thấy thời tiết năm nay có thể diễn biến bất thường. Các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động có biện pháp phòng chống để giảm thấp nhất các thiệt hại do thiên tai gây ra theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt có biện pháp đối phó với lũ sớm và lũ lớn ở đồng bằng sông Cửu Long.
2. Sản xuất công nghiệp vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng khá
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng khá so với các tháng trước đó, ước đạt 23.316 tỷ đồng, tăng 14,1% so với tháng 7 năm 2001, trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 12,9%, khu vực ngoài quốc doanh tăng 19,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 11,7%. Một số sản phẩm có mức tăng trên 20% là than sạch, bột ngọt, vải lụa, quần áo may sẵn, chất tẩy rửa, xi măng, thép cán, động cơ điện, ti vi các loại...
Tính chung cả 7 tháng đầu năm 2002, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 149.216 tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2001, trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 11,9% (trung ương tăng 13,2%, địa phương tăng 9,5%); khu vực ngoài quốc doanh tăng 19,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 12,8% (trong đó ngành dầu khí giảm 2,8%, các ngành khác tăng 20,6).
Trong 7 tháng đầu năm, một số sản phẩm tiếp tục tăng trưởng cao là than sạch tăng 26,4%, chất tẩy rửa các loại 40%, điện sản xuất 16,8%, xi măng 29,3%, thép cán 25,4%, quần áo may sẵn 35%. Các sản phẩm cơ khí chế tạo và lắp ráp tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao là động cơ điêzen, máy biến thế, quạt điện dân dụng, tivi các loại, ô tô các loại...
Một số sản phẩm đạt mức tăng trưởng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ là dầu thô giảm 6,4%, thuốc trừ sâu giảm 9,5%, sữa hộp tăng 6%, bia tăng 4,5%, quần áo dệt kim giảm 2,1%, riêng thuốc viên các loại giảm tới hơn 11,5%.
Các địa phương đạt tỷ lệ tăng trưởng cao trong 7 tháng đầu năm là: Hà Nội tăng trên 25% so với cùng kỳ năm 2001, là mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây; Hải Phòng tăng gần 26%; Đà Nẵng trên 19%, Khánh Hoà gần 30%, Bình Dương trên 32%. Riêng thành phố Hồ Chí Minh có tăng hơn các tháng trước đó, nhưng mới đạt mức tăng 11% so với cùng kỳ thấp hơn mức bình quân chung cả nước (13,9%).
Nhìn chung lại, giá trị sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm bảo đảm mức tăng trưởng của kế hoạch cả năm là 14%. Để tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao này, cần cố gắng duy trì mức tăng trưởng của các ngành thép, xi măng và vật liệu xây dựng, cơ khí, điện, điện tử, than; thúc đẩy tăng trưởng các ngành dệt may, da giày, chế biến thực phẩm thông qua đẩy mạnh xuất khẩu; duy trì mức khai thác dầu thô đạt kế hoạch đề ra cho cả năm là 16,8 triệu tấn; tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp tại các địa phương có tỷ trọng công nghiệp lớn, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh (7 tháng đạt 11%, cao hơn mức tăng 6 tháng 10,4%), nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức đạt được của năm trước và thấp hơn cả mức bình quân chung. Đồng thời, hiệu quả của sản xuất và đầu tư cũng cần phải được đặc biệt quan tâm.
3. Các lĩnh vực dịch vụ
Nhìn chung mức tiêu dùng trong nước vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng trong 7 tháng qua, trong điều kiện xuất khẩu giảm so với năm trước, song nhờ mở rộng được thị trường trong nước nên hàng loạt sản phẩm và ngành sản xuất quan trọng có mức tăng trưởng cao. Tổng mức bán lẻ xã hội ước tính tháng 7 đạt 23,2 nghìn tỷ đồng, tính chung cả 7 tháng đạt 159 nghìn tỷ đồng, tăng trên 12% so với cùng kỳ. Đáng lưu ý là mức bán lẻ ở khu vực kinh tế trong nước tăng khá làm cho mức tăng trưởng chung của tổng mức bán lẻ của cả tháng 7 cao. Tại địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm thương mại lớn của cả nước, ước tính tổng mức bán buôn và bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ xã hội đều giữ được mức tăng khá.
Vận tải hàng hoá và hành khách tiếp tục có mức tăng tương đối khá, đáp ứng được nhu cầu đi lại của dân cư và vận tải hàng hoá phục vụ sản xuất. Trong 7 tháng 2002, vận tải hàng hoá tăng 5,5% về tấn và 5,7% về tấn-km, vận tải đường sắt, đường biển tăng cao hơn so với vận tải đường bộ.
Vận tải hành khách 7 tháng tăng 3,2% về lượng hành khách vận chuyển và 6% về lượng hành khách luân chuyển so với cùng kỳ. Trong tháng 7, ngành đã huy động tối đa năng lực vận tải hành khách, đáp ứng được nhu cầu đi lại của các thí sinh và gia đình trong đợt thi tuyển sinh vào các trường đại học và cao đẳng được tổ chức trong tháng 7. Đáng chú ý, vận tải hành khách của ngành hàng không tăng mạnh hơn so với dự báo đầu năm nhờ mua thêm 3 chiếc ATR 72. Thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung thực hiện thí điểm các tuyến xe buýt mẫu làm cơ sở phát triển giao thông công cộng ở các đô thị lớn.
Tình hình tai nạn giao thông vẫn rất nghiêm trọng. Cả nước đã xảy ra 14.386 vụ tai nạn giao thông, tăng đến 16,3% so với cùng kỳ; 6.621 người chết, tăng 31,8% và 16.397 người bị thương, tăng 16%.
Các hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi hơn. Trong 7 tháng, cả nước đã thu hút hơn 1,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, đạt 60% kế hoạch năm và tăng khoảng 10% so với cùng kỳ. Từ nay đến cuối năm, ngành du lịch sẽ tập trung đầu tư hạ tầng, nâng cấp các điểm du lịch, bảo vệ môi trường và tôn tạo tài nguyên du lịch tại một số khu du lịch lớn đồng thời tập trung tuyên truyền, quảng bá cho SEA Games 2003 tại một số thị trường Đông Bắc Á và Đông Nam Á để thu hút khách đến Việt Nam kết hợp xem thi đấu thể thao tại SEA Games.
4. Kim ngạch xuất khẩu có biểu hiện tăng dần, nhưng vẫn còn chậm và chưa bằng mức đạt được của năm trước
Kim ngạch xuất khẩu tháng 7 ước đạt 1,4 tỷ USD, tăng 4,2% so với tháng 6 và tăng 3,6% so với tháng 7 năm 2001, trong đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng cao hơn so với doanh nghiệp trong nước. Đây là mức tăng khá cao so với các tháng trước đây. Tính chung cả 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt 8,7% tỷ USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ (7 tháng năm 2001 kim ngạch xuất khẩu tăng 13%), trong đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 2,33 tỷ USD, tăng 8,1%.
Kim ngạch xuất khẩu có tăng, nhưng còn chậm là do sức mua trên thị trường quốc tế chậm, giá cả phục hồi chậm, mặt khác môi trường thương mại chưa thuận lợi, xuất hiện nhiều rào cản kỹ thuật cản trở Việt Nam xuất khẩu...
Kim ngạch nhập khẩu tháng 7 ước đạt 1,55 tỷ USD, tính chung cả 7 tháng đầu năm 2002 ước đạt 10,17 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ (7 tháng năm 2001 tăng 7,9%), trong đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu tăng mạnh, ước đạt 3,44 tỷ USD, tăng 19,9%, chủ yếu nhập khẩu thiết bị máy móc và nguyên liệu phục vụ cho hình thành doanh nghiệp và sản xuất hàng xuất khẩu.
Nhập siêu 7 tháng là 1.440 triệu USD, bằng 16,5% kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ chiếm 2,1%); trong đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập siêu 1.112 triệu USD, doanh nghiệp trong nước nhập siêu 328 triệu USD. Nếu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu và thúc đẩy mạnh xuất khẩu, mức nhập siêu lớn như hiện nay sẽ gây áp lực cho cán cân thương mại và thanh toán quốc tế, có thể ảnh hưởng đến tỷ giá trong thời gian tới.
Hiện tại, các Bộ, ngành đang nghiên cứu để áp dụng mức thuế VAT bằng 0 đối với nguyên, vật liệu sản xuất trong nước trực tiếp phục vụ làm hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là chưa tìm ra được các giải pháp hữu hiệu để hạn chế các doanh nghiệp lợi dụng khe hở để trốn thuế. Do vậy trước mắt, mức thuế này có thể sẽ áp dụng thí điểm trong một số ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn và tỷ trọng sử dụng nguyên liệu sản xuất trong nước cao như ngành dệt may.
Nguồn: Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư