Báo cáo tình hình Kinh tế - Xã hôi tháng 12 và sơ bộ đánh giá cả năm 2002
TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 12 NĂM 2002 VÀ SƠ BỘ ĐÁNH GIÁ CẢ NĂM 2002
1. Sản xuất kinh doanh
Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển.
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 12 tăng 6,4% so với tháng trước và tăng 15,9% so với cùng kỳ; tính chung 12 tháng tăng 14,5% so với năm 2001, vượt kế hoạch đề ra (báo cáo trình Quốc hội tháng 10 là 14,4%), trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 11,7%, khu vực ngoài quốc doanh tăng 19,2%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 14,5%.
Giá trị sản xuất công nghiệp khu vực kinh tế ngoài quốc doanh có tốc độ tăng trưởng cao nhất (19,2%) so với các khu vực khác chủ yếu là do sự tác động tích cực của các cơ chế chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, nhất là tác động của Luật Doanh nghiệp làm cho nhân dân yên tâm sản xuất, bỏ vốn đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp.
Sản phẩm của nhiều sản phẩm chủ yếu tăng cao do có thị trường và tiêu thụ tốt như: điện tăng 16%, than sạch trên 15%, thép cán gần 28%, xi măng gần 26%, gạch lát gần 37%, quần áo may sẵn 26%, máy biến thế trên 19%, máy công cụ 32%, động cơ điện 26%, quạt dân dụng tăng 22%, ti vi các loại tăng 39%, ô tô các loại tăng 36%, xe máy các loại tăng trên 24%, xe đạp hoàn chỉnh tăng 27%.
Sản xuất công nghiệp trên địa bàn có mức tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung cả nước là: Hà Nội tăng 23,8%, thành phố Hồ Chí Minh tăng 14,7%, Hải Phòng tăng 26,7%, Bình Dương tăng gần 37%, Đồng Nai tăng 17%, Hải Dương tăng trên 28%, Vĩnh Phúc tăng gần 26%, Hà Tây tăng 16,4%, Thanh Hoá tăng 16,7%, Quảng Ninh tăng trên 17%, Đà Nẵng tăng 19,3%, Khánh Hoà tăng trên 25%.
Tuy nhiên, chi phí sản xuất còn cao, chất lượng sản phẩm chưa có nhiều cải thiện nên khó khăn trong việc tiêu thụ như đường các loại, thuốc trừ sâu, phân hoá học, thuốc viên các loại, động cơ điêzen...
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục đạt được nhiều tiến bộ.
Đến 15 tháng 12, các tỉnh phía Bắc đã thu hoạch xong lúa mùa, các tỉnh phía Nam thu hoạch được 464 nghìn ha, bằng gần 53% diện tích gieo cấy và bằng 90% so với cùng kỳ.
Nhìn chung, các cây vụ đông sinh trưởng và phát triển tốt, đến nay, ngô gieo trồng được 153 nghìn ha, tăng trên 13% so với vụ đông năm trước; diện tích khoai lang bằng 95,3%, diện tích cây đậu tương bằng 90% so cùng kỳ năm 2001.
Diện tích trồng lúa cả năm đạt gần 7,5 triệu ha, giảm 3 vạn ha do chuyển đổi cơ cấu cây trồng; ngô 776 nghìn ha, tăng 47 nghìn ha. Sản lượng lương thực cả năm ước đạt 35,9 triệu tấn (kế hoạch là 34,5 triệu tấn), tăng gần 1,6 triệu tấn so với năm 2001.
Ngành thuỷ sản tiếp tục phát triển, nuôi trồng thuỷ sản tăng mạnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các khu vực bãi bồi ven biển miền Trung và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Sản lượng thuỷ sản tháng 12 ước đạt 175 nghìn tấn, trong đó khai thác hải sản 90 nghìn tấn, nuôi trồng thuỷ sản 85 nghìn tấn; tính chung cả năm, sản lượng thuỷ sản đạt trên 2,4 triệu tấn, trong đó khai thác hải sản trên 1,4 triệu tấn, tăng 6,3%, nuôi trồng thuỷ sản trên 976 nghìn tấn, tăng gần 3%.
Ngành lâm nghiệp đã có chuyển hướng tích cực trong việc trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Ước tính cả năm, cả nước trồng được 200 nghìn ha, bằng 104% kế hoạch; khoán quản lý bảo vệ rừng trên 2,4 triệu ha, bằng 153% kế hoạch; khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng 650 nghìn ha, bằng163% kế hoạch.
Tuy nhiên, việc thực hiện các Quyết định của Chính phủ về xây dựng một nghề rừng phát triển ổn định lâu dài, tạo công ăn việc làm, góp phần xoá đói giảm nghèo cho người làm nghề rừng chưa thực hiện tốt; tiến trình giao đất rừng còn chậm, đến nay mới đạt khoảng 30%; việc đổi mới các lâm trường quốc doanh còn chậm, đến nay, mới thực hiện khoảng 40/368 lâm trường chuyển đổi theo quyết định 187.
Tính chung, giá trị sản xuất ngành nông, lâm, ngư nghiệp năm 2002 tăng khoảng 5,4% so với năm 2001 (báo cáo trình Quốc hội tháng 10 là 5%).
Các lĩnh vực dịch vụ phát triển, đáp ứng được các hoạt động kinh tế và đời sống xã hội.
Tốc độ tăng giá trị dịch vụ năm 2002 ước khoảng 7% (báo cáo trình Quốc hội tháng 10 là 6,7%).
Thi trường hàng hoá trong nước tương đối ổn định và sôi động hơn, sức mua tăng, giá cả hàng hoá tương đối ổn định, hàng hoá lưu thông đáp ứng nhu cầu cuộc sống của xã hội. Tổng mức hàng hoá bán lẻ và tiêu dùng xã hội tháng 12 ước đạt 23 ngìn tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước; ước cả năm đạt 269 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2001.
Du lịch tiếp tục phát triển, nhất là trong những tháng cuối năm; số khách du lịch quốc tế và trong nước năm 2002 đều tăng so với năm 2001, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 2,6 triệu lượt người, tăng 10,6%, khách nội địa đạt 12,2 triệu lượt người, tăng 4,3.
Ngành vận tải đã cải tiến phương thức và nâng cao chất lượng phục vụ như tổ chức bán vé tự động, bán vé sớm vào dịp tết, chủ động nối thêm toa, tăng chuyến vào các thời kỳ cao điểm như dịp hè, lễ hội, tết,... nhờ vậy giữ được nhịp tăng trưởng ổn định, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh và đi lại của dân cư. Khối lượng vận tải hàng hoá năm 2002 ước thực hiện 162 triệu tấn và trên 50 tỷ tấn km, tăng 5,5% về tấn và 6,2% về tấn. km so với năm trước. Vận tải hành khách được trên 850 triệu lượt hành khách và 31,4 tỷ hành khách km, tăng 3,7% về hành khách và 7,3% về hành khách km.
Hoạt động xuất khẩu có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là trong các tháng cuối năm, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt mức kế hoạch.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 12 ước đạt 1.539 triệu USD, tăng 1,7% so với tháng trước, trong đó các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 460 triệu USD; tính chung cả năm đạt 16.530 triệu USD, tăng 10% so với năm 2001 (báo cáo trình Quốc hội tháng 10 là 16,1 tỷ USD, tăng 7%), đạt mức kế hoạch đề ra, trong đó các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 4.542 triệu USD (chiếm 27,5% kim ngạch xuất khẩu), tăng 23,7% so với năm 2001.
Các mặt hàng có khối lượng xuất khẩu tăng so cùng kỳ năm 2001 là: lạc nhân tăng 36,6%, cao su 44%, chè 9,2%, than đá 37%. Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so cùng kỳ năm 2001 là: hạt điều trên 39%, hạt tiêu 18,4%, thuỷ sản gần 14%, dệt may trên 37%, giày dép 17%, thủ công mỹ nghệ trên 39%.
Nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu tăng trong những tháng cuối năm là do các ngành, các cấp, các địa phương tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu đã đề ra; tập trung khai thác tốt hơn nguồn hàng trong những tháng cuối năm như hàng thuỷ sản, gạo, cà phê, hàng dệt may, hàng da giày, dầu thô, than đá, hàng điện tử và linh kiện, các mặt hàng cơ khí, hàng rau quả, hàng thủ công mỹ nghệ và khai thác tốt các thị trường đã có...
Kim ngạch nhập khẩu tháng 12 ước đạt 1.828 triệu USD, tăng 19,4% so với tháng 11, trong đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 650 triệu USD; tính chung cả năm đạt 19.300 triệu USD, tăng 19,4% so với năm 2001, trong đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 6.584 triệu USD, tăng 32,1%.
Hàng hoá nhập khẩu chủ yếu là nguyên, nhiên vật liệu, trang thiết bị phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu, đáp ứng được nhu cầu của các ngành kinh tế trong nước.
Các mặt hàng nhập khẩu tăng so với 2001 là: linh kiện ô tô tăng trên 36%, xăng dầu trên 11%, phân bón trên 11%, thép các loại 24%, giấy các loại trên 21%, máy móc thiết bị phụ tùng tăng khá cao 35%, sợi 26%, chất dẻo nguyên liệu 22%. Các mặt hàng giảm là ô tô nguyên chiếc 4%, linh kiện xe máy 50%, linh kiện điện tử 14%...
Những kết quả tích cực trong tháng 12 và các tháng cuối năm 2002 đã góp phần tăng mức độ thực hiện các chỉ tiêu của kế hoạch năm 2002 so với số báo cáo Quốc hội tháng 10. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng với Tổng cục Thống kê chuẩn xác hoá lại và báo cáo Chính phủ trong phiên họp tới.
2. Thực hiện chương trình đổi mới doanh nghiệp nhà nước
Chính phủ đã đề ra chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
Tập trung hoàn thành một số văn bản pháp quy trình các cấp có thẩm quyền ban hành như: Nghị định số 63/CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp của tổ chức chính trị, chính trị - xã hội thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, do Chính phủ ban hành ngày 19/9/2001; Thông tư số 01/2002/TT-BKH hướng dẫn quy trình chuyển doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp của tổ chức chính trị, chính trị - xã hội thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (hướng dẫn Nghị định 63/2001/NĐ-CP) đã được ban hành ngày 28/1/2002; Nghị định số 49/2002/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 103/1999/NĐ-CP ngày 10/9/1999 về giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê doanh nghiệp nhà nước đã được Chính phủ ban hành ngày 24/4/2002.
Đã trình Thủ tướng Chính phủ Dự án Luật Doanh nghiệp nhà nước (sửa đổi); Dự thảo Nghị định về chuyển công ty nhà nước sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.
- Về việc chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
Thực hiện Chỉ thị số 27/TTg ngày 22/11/2002 của Thủ tướng Chính phủ, một số Bộ, tổng công ty, địa phương đã phối hợp với Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển, chọn 14 doanh nghiệp để chỉ đạo thí điểm chuyển sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
Trong dự kiến kế hoạch năm 2002 sẽ chỉ đạo hoàn thành việc chuyển đổi từ 4-5 doanh nghiệp sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và đến quý I năm 2003 hoàn thành chuyển đổi cả 14 doanh nghiệp.
- Về việc giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.
Đến hết tháng 11 năm 2002, có 128 doanh nghiệp nhà nước được chuyển đổi theo Nghị định 103/1999/NĐ-CP, trong đó có 25 doanh nghiệp được thực hiện các hình thức giao, bán, khoán kinh doanh trong năm 2002. Tuy nhiên, có một số Bộ, tỉnh, tổng công ty đăng ký chuyển đổi doanh nghiệp nhưng vẫn chưa tiến hành thực hiện giao, bán, khoán doanh nghiệp.
Về cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, tính đến cuối tháng 11 năm 2002, cả nước đã cổ phần hoá được 907 doanh nghiệp. Tuy nhiên, tiến độ cổ phần hoá trong năm 2002 còn chậm, tính từ đầu năm đến hết tháng 11 năm 2002 mới cổ phần hoá được 120 doanh nghiệp, trong khi đó kế hoạch đề ra là tiến hành chuyển đổi sở hữu 502 doanh nghiệp.
Nguyên nhân diễn ra chậm là do các doanh nghiệp có ý chờ ban hành nghị định sửa đổi và các văn bản hướng dẫn nghị định mới thực hiện chuyển đổi. Mặt khác, các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hoá còn có những vấn đề cần tháo gỡ mà các thông tư, văn bản hướng dẫn còn chưa cụ thể như: chế độ nâng bậc lương; cơ chế quản lý, sử dụng cán bộ được cử quản lý phần vốn nhà nước ở doanh nghiệp cổ phần hoá; thu gom cổ phần; sử dụng đất, sử dụng tài nguyên,...
- Việc thí điểm chuyển tổng công ty nhà nước sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.
Hiện nay, tuy Nghị định về công ty mẹ - công ty con chưa được ban hành nhưng Chính phủ đang triển khai thí điểm chuyển công ty nhà nước sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Thủ tướng đã cho phép 21 đơn vị xây dựng đề án chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, trong đó đã quyết định phê duyệt đề án cho 6 tổng công ty và doanh nghiệp.
- Việc thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế:
Bộ Bưu chính Viễn thông và Tổng công ty Bưu chính Viễn thông đang hoàn chỉnh Đề án thành lập tập đoàn Bưu chính - Viễn thông. Đề án đã có sự đóng góp ý kiến của các cơ quan có liên quan. Các tổng công ty Dầu khí, Điện lực và Bộ Xây dựng đang triển khai xây dựng đề án hình thành tập đoàn kinh tế.
3. Đầu tư phát triển
Thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội năm 2002 ước đạt 105% kế hoạch năm, tăng 12,4% so với năm 2001.
Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước đạt 103,8% kế hoạch.
Các Bộ có vốn đầu tư lớn đều thực hiện đạt hoặc vượt kế hoạch năm như: Bộ Giao thông Vận tải vượt 9,5%, Bộ Thuỷ sản vượt 9,4%, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vượt 4,4%, Bộ Y tế vượt 2,5%, Bộ Công nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hoá Thông tin đạt 100% kế hoạch, Bộ Xây dựng đạt xấp xỉ kế hoạch (99,7%)... Có 45 tỉnh, thành phố đạt hoặc vượt kế hoạch năm, số tỉnh còn lại đạt dưới 100% kế hoạch.
Vốn tín dụng năm 2002 ước thực hiện khoảng 24 nghìn tỷ đồng, trong đó tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước đạt 70% kế hoạch (riêng vốn trong nước đạt 53% kế hoạch).
Vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước ước thực hiện đạt 105,8% kế hoạch; chủ yếu tập trung cho đầu tư chiều sâu đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Vốn đầu tư của dân cư và tư nhân ước thực hiện 102,1% kế hoạch năm.
Về ODA: Trong tháng 12 đã tổ chức thành công Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ. Thông qua Hội nghị này, các nhà tài trợ đánh giá cao những thành tựu của ta trong công cuộc đổi mới và đã cam kết tài trợ cho Việt Nam 2,5 tỷ USD trong năm 2003, cao hơn năm trước khoảng 4%.
Ước cả năm nguồn ODA được hợp thức hoá bằng việc ký kết các hiệp định với các nhà tài trợ đạt trị giá trên 1.574 triệu USD, trong đó vốn vay là 1.335 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại 239 triệu USD. Mức giải ngân của năm 2002 đạt khoảng 85% kế hoạch.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài: Ước tháng 12 có 16 dự án được cấp giấy phép với tổng vốn đầu tư 30,5 triệu USD; tính chung cả năm 2002 có 662 dự án được cấp giấy phép với vốn đăng ký 1.333 triệu USD, tăng 32,4% về số dự án nhưng chỉ bằng 59% về vốn đầu tư so với năm 2001 do các dự án có quy mô vừa và nhỏ, không có các dự án có quy mô lớn. Cơ cấu vốn đầu tư chưa có sự thay đổi lớn, vẫn tập trung vào các ngành công nghiệp và xây dựng (80,7%), tiếp đến là ngành dịch vụ (15,9%), ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản (3%).
Năm 2002 là năm có số dự án tăng vốn nhiều nhất từ trước đến nay, có trên 300 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm đạt 919 triệu USD, tăng 51% so với cùng kỳ 2001 và bằng 71% số vốn đăng ký được cấp phép trong năm.
Vốn thực hiện cả năm đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng 2% so với năm 2001. Năm 2002, đã có thêm gần 100 doanh nghiệp đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng tổng doanh thu từ khu vực đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) lên 9 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2001.
4. Thu ngân sách vượt dự toán năm, tiền tệ và giá cả thị trường có chuyển biến tích cực
Thu ngân sách nhà nước đạt 102,3% dự toán năm. Trong đó, thu từ doanh nghiệp nhà nước bằng 96,3% dự toán, thu doanh nghiệp đầu tư nước ngoài bằng 104,7%, thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh bằng 98,4%, thu từ dầu thô bằng 108%, thu từ xuất, nhập khẩu bằng 102,1%... Với tiến độ thu như hiện nay, thu ngân sách nhà nước năm 2002 sẽ vượt dự toán năm khoảng 6,5% như đã trình Quốc hội.
Chi ngân sách nhà nước đến 15 tháng 12 năm 2002 đạt 96% dự toán năm; trong đó chi đầu tư phát triển bằng 96%, riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản đạt gần 96%.
Nguồn vốn huy động tăng 22,5%. Dư nợ cho vay toàn nền kinh tế ước tăng 27,6% so với cuối 2001, vượt kế hoạch đề ra.
Lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam trong tháng 12 tiếp tục được giữ ở mức 0,62%/tháng, tức là không thay đổi kể từ tháng 8 năm nay. Việc giữ nguyên lãi suất cơ bản trong bối cảnh lãi suất thế giới và trong nước có nhiều biến động có tác dụng hạn chế sự nóng lên của thị trường vốn nội địa vào dịp cuối năm như đã từng xảy ra trong một số năm gần đây.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 năm 2002 so với tháng trước tăng 0,3%; tính chung cả năm (so với tháng 12 năm 2001), tăng 4%, trong đó nhóm lương thực, thực phẩm tăng nhiều nhất, 5,7% (lương thực tăng 2,6%, thực phẩm tăng 7,9%); nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 3,6%, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 7,1%, phương tiện đi lại, bưu điện tăng 1,7%, các nhóm giáo dục, dược phẩm y tế, thiết bị và đồ dùng gia đình, may mặc, mũ nón, giày dép tăng từ 0,5% đến 1,7%; riêng nhóm văn hoá, thể thao, giải trí giảm 1%. Chỉ số giá vàng tăng 19,4%, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 2,1%.
5. Về các hoạt động trong lĩnh vực xã hội
(1) Về giáo dục:
Năm 2002, ngành giáo dục đã từng bước đổi mới công tác quản lý và chương trình giáo dục, đổi mới công tác tuyển sinh, thi cử, cải cách sách giáo khoa lớp 1 và lớp 6; từng bước chấn chỉnh công tác quản lý đối với các trường ngoài công lập, xử lý kịp thời những vi phạm trong ngành giáo dục, nhất là sai phạm trong công tác tuyển sinh.
Tuy nhiên, chất lượng giáo dục vẫn đang là vấn đề bức xúc, công tác quản lý giáo dục còn có một số mặt yếu kém; việc tuyển sinh vào các trường đại học và cao đẳng mặc dù đã có được cải tiến nhưng vẫn còn nhiều khiếm khuyết, dư luận xã hội không đồng tình, cần được tổng kết toàn diện, rút kinh nghiệm để khắc phục cho các kỳ tuyển sinh tới, trước mắt là cho năm 2003. Chương trình cải cách giáo dục, đặc biệt là ở lớp 1 và lớp 6, bao gồm cả việc thay sách giáo khoa vẫn còn nhiều thiếu sót, cần được tiếp tục nghiên cứu khắc phục.
(2) Về khoa học công nghệ và môi trường:
Trong năm 2002, hoạt động khoa học công nghệ được đẩy mạnh, hàng nghìn đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, tỉnh, thành phố đã được triển khai thực hiện theo đúng tiến độ đề ra, trong đó có 243 đề tài nghiên cứu và 24 dự án sản xuất thử nghiệm thuộc 18 chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp nhà nước, 78 đề tài nghiên cứu khoa học độc lập và 48 dự án sản xuất thử - thử nghiệm cấp Nhà nước, 105 dự án thuộc chương trình đưa tiến bộ kỹ thuật về nông thôn và miền núi...
Công tác bảo vệ môi trường cũng được đẩy mạnh, một số dự án bảo vệ môi trường, xử lý chất thải đô thị, chất thải bệnh viện... đã được thực hiện, đặc biệt đã tập trung xử lý và khắc phục kịp thời vấn đề ô nhiễm môi trường ở các vùng bị thiên tai lũ lụt.
(3) Về giải quyết việc làm:
Trong năm 2002, ước giải quyết việc làm mới và tăng thêm việc làm cho trên 1,4 triệu lao động, đạt 101,4% kế hoạch năm và tăng 1,4% so với thực hiện năm 2001; trong đó thu hút vào các ngành nông, lâm, ngư nghiệp 87 vạn người, công nghiệp và xây dựng 30 vạn người, dịch vụ thương mại 25 vạn người. Ngoài ra, trong năm đã xuất khẩu được khoảng 4,5 vạn lao động. Riêng Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm đã giải quyết việc làm cho khoảng 32 vạn lao động, đạt 106,6% kế hoạch; nhiều địa phương đã sớm cho vay hết nguồn vốn của Quỹ và đã được bổ sung vốn cho vay tiếp từ nguồn Quỹ dự phòng rủi ro chưa sử dụng.
Số lao động mới được giải quyết việc làm trong năm 2002 tập trung chủ yếu trong các hoạt động phát triển trang trại và kinh tế vườn (10 vạn người), phát triển làng nghề và sản xuất hàng xuất khẩu (27 vạn người), khai hoang và bố trí lại dân cư (15 vạn người, các khu công nghiệp, khu chế xuất (4,5 vạn người)... Riêng các doanh nghiệp tư nhân đã thu hút được thêm 18 vạn lao động.
(4) Về công tác xoá đói giảm nghèo:
Trong năm 2002, cả nước đã có thêm 30 vạn hộ nghèo vươn lên thoát khỏi đói nghèo, đưa tỷ lệ số hộ nghèo giảm xuống còn 14,3%. Các địa phương đã và đang tích cực xây dựng mô hình xoá đói giảm nghèo phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương mình.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn cho vay (kế hoạch tăng nguồn vốn là 1.035 tỷ đồng, nhưng đến ngày 4/12/2002 mới huy động được 480 tỷ đồng, thiếu 555 tỷ đồng so với kế hoạch), Ngân hàng phục vụ người nghèo đã cho trên 840 nghìn lượt hộ vay vốn với doanh số cho vay đến đầu tháng 12 đạt 2.573 tỷ đồng. Dư nợ đến 1/12 đạt 6.877 tỷ đồng, bằng 99,2% kế hoạch năm và tăng 680 tỷ đồng so với năm 2001. Đến nay, cả nước đã có khoảng 230 nghìn tổ vay vốn của Ngân hàng với số hộ tham gia vay là 2,72 triệu hộ.
(5) Về công tác kế hoạch hoá gia đình và chăm sóc trẻ em:
Trong năm 2002, các Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tốt việc lồng ghép các nội dung tuyên truyền vận động về dân số, gia đình và trẻ em vào các hoạt động thường xuyên của mình. Các cuộc mít tinh, tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề, chiếu phim, vẽ tranh cổ động về dân số - kế hoạch hoá gia đình và các cuộc thi gia đình trẻ với sức khoẻ sinh sản đã được tổ chức thường xuyên và đều khắp tại nhiều vùng, địa phương trên cả nước. "Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ" và ngày "Vì chất dinh dưỡng" cũng đã được phát động trên toàn quốc. Ngoài ra, các ngành hữu quan cũng đã tích cực cung cấp các phương tiện tránh thai, tổ chức tập huấn về quản lý chương trình chăm sóc sức khoẻ sinh sản / kế hoạch hoá gia đình...
Nhờ những hoạt động trên, công tác kế hoạch hoá gia đình, chăm sóc sức khoẻ sinh sản và trẻ em đã đạt được nhiều tiến bộ tích cực. Tỷ suất sinh năm 2002 ước đạt 18,2, mức giảm sinh đạt 0,42%0, thấp hơn so với mục tiêu kế hoạch (0,5%0).
(6) Về y tế và chăm sóc sức khoẻ:
Công tác y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong năm 2002 có nhiều tiến bộ. Nhiều chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước đã được tổ chức thực hiện tốt, nhất là các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về khám chữa bệnh cho người nghèo, củng cố mạng lưới y tế cơ sở, về an toàn truyền máu... Cơ sở vật chất của ngành y tế cũng được củng cố, tăng cường một bước.
Trong năm 2002, các bệnh viện thuộc tuyến trung ương đều có công suất sử dụng giường bệnh cao, trong đó có nhiều bệnh viện đã sử dụng trên 100% công suất giường bệnh.
Trong năm 2002, hầu hết các bệnh dễ gây thành dịch đều giảm so với năm 2001, như số người mắc bệnh thương hàn giảm 30,3, số chết giảm 1 người; số người mắc bệnh tiêu chảy giảm 0,5%, số chết giảm 3 người; số người mắc bệnh viêm não vi rút giảm 13,3%, số chết giảm 18 người; số người mắc bệnh viêm não do mô cầu giảm 18,5%, số chết giảm 3 người; số người mắc bệnh dịch hạch giảm 53,4%; số người mắc bệnh sốt xuất huyết giảm 40,4%, số chết giảm 41 người; số người mắc và chết vì bệnh sốt rét đều giảm và không có dịch sốt rét xảy ra.
Từ ngày 1/12 đến ngày 17/12/2002 đã xảy ra 8 vụ ngộ độc thức ăn với 495 người mắc và 6 người tử vong. Tính từ đầu năm đến ngày 17/12 cả nước đã có 4.694 trường hợp ngộ độc thức ăn, trong đó 69 người bị tử vong.
Trong tháng 12/2002 đã phát hiện thêm 1.390 trường hợp nhiễm HIV, đưa số tích luỹ cả nước đến hết năm 2002 lên 58.490 trường hợp. Số bệnh nhân AIDS mới phát hiện trong tháng là 167 người, đưa tổng số bệnh nhân AIDS cả nước đến cuối năm 2002 lên 8.718 người. Đã có 120 trường hợp chết do AIDS trong tháng 12/2002, đưa số tử vong do AIDS cả năm 2002 lên 4.834 người. Số người bị lây nhiễm HIV/AIDS vẫn tập trung tại các nhóm có nguy cơ cao như tiêm chích ma tuý (chiếm trên 65% số lây nhiễm), gái mại dâm và bệnh nhân lao.
(7) Công tác chính sách đối với người có công và cứu trợ thiên tai:
Trong năm 2002, Nhà nước đã trợ cấp cho người có công được trên 3.625 tỷ đồng; trong đó trợ cấp thường xuyên đạt 2.890 tỷ đồng, trợ cấp 1 lần cho người hoạt động kháng chiến trên 708 tỷ đồng và trợ cấp thanh niên xung phong trên 26 tỷ đồng. Công tác đền ơn đáp nghĩa đối với gia đình chính sách, người có công được duy trì thường xuyên; trong năm đã huy động sự đóng góp của nhân dân cho Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được trên 100 tỷ đồng, xây mới được 8.000 căn nhà tình nghĩa và nâng cấp, sửa chữa được 5.000 căn nhà. Đã di dời được trên 3.000 mộ liệt sĩ từ Lào và Campuchia về nước.
Trong năm, Chính phủ và các Bộ, ngành đã cử nhiều đoàn công tác đi nắm tình hình đói giáp hạt và triển khai các phương án cứu trợ nhân dân vùng bị thiên tai. Nhà nước đã hỗ trợ đột xuất các vùng bị thiên tai trên 222 tỷ đồng và 11.250 tấn gạo.
(8) Công tác Văn hoá thông tin:
Các hoạt động văn hoá thông tin, phát thanh, truyền hình đã hướng về vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, đặc biệt tăng cường công tác phát thanh truyền hình cho đồng bào miền núi các dân tộc phía Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, vùng biên giới với Campuchia và Lào.
Trong năm 2002, các Bộ, ngành hữu quan tiếp tục hướng dẫn các địa phương xây dựng thiết chế văn hoá cơ sở, tổ chức sơ kết đánh giá phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá". Đã thực hiện tốt "Những ngày văn hoá Việt Nam tại Nga" để góp phần thắt chặt hơn mối quan hệ hữu nghị đã có từ lâu đời giữa 2 dân tộc.
(9) Công tác phòng chống các tệ nạn xã hội tiếp tục được đẩy mạnh
Các địa phương tiếp tục thực hiện phong trào xây dựng xã phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội. Nhiều địa phương đã có những giải pháp tốt trong phòng chống buôn bán, vận chuyển, lưu hành và cai nghiện ma tuý như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Thái Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hoà Bình, Đà Nẵng, Yên Bái, Cao Bằng... Các hình thức cai nghiện, quản lý đối tượng sau khi cai ngày càng phong phú, đa dạng; đặc biệt các địa phương đã tích cực phát huy sức mạnh của cộng đồng thông qua việc xã hội hoá các hoạt động cai nghiện ở địa phương. Số đối tượng được cai nghiện tăng khá, góp phần kìm hãm tốc độ gia tăng người bị nghiện ở nhiều địa phương và trong toàn quốc. Trong 2 năm 2001-2002 đã cai nghiện được hơn 9 vạn lượt người, trong đó riêng thành phố Hồ Chí Minh cai nghiện được khoảng 5 vạn và Hà Nội trên 4 nghìn lượt người. Tuy vậy, hiện tượng ma tuý vẫn không giảm, diễn biến có chiều hướng phức tạp hơn.
(10) Tình trạng tai nạn và ùn tắc giao thông vẫn nghiêm trọng:
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, 11 tháng đầu năm 2002 đã xảy ra trên 26 nghìn vụ tai nạn giao thông, làm gần 12 nghìn người chết, trên 29 nghìn người bị thương, gây nhiều thiệt hại.
Tình hình ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn đến nay vẫn chưa được khắc phục. Hiện nay, thành phố Hà Nội có 40 điểm hay ùn tắc, thành phố Hồ Chí Minh có 80 điểm ùn tắc vào các giờ cao điểm, gây thiệt hại hàng tỷ đồng mỗi ngày, chưa kể thiệt hại khác về môi trường như tiếng ồn, khí thải độc hại, văn minh đô thị.
Về cơ bản nhiều chỉ tiêu chủ yếu của việc thực hiện kế hoạch năm 2002 có nhiều cải thiện hơn so với số liệu đã báo cáo trình kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XI, tháng 11 năm 2002, như tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, giá trị các ngành dịch vụ, giá trị kim ngạch xuất khẩu... Dự báo tốc độ tăng GDP năm 2002 đạt khoảng 7,2%. Các mặt văn hoá xã hội cũng thu được nhiều kết quả tích cực.
Điều này đã nói lên sự cố gắng trong công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ và sự quyết tâm của các ngành, các cấp trong những tháng cuối năm.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư