Báo cáo tình hình Kinh tế - Xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2002
TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 9 VÀ 9 THÁNG NĂM 2002
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2002 tiếp tục có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực trong nhiều ngành, lĩnh vực; tuy nhiên so với các mục tiêu, kết quả đạt được còn thấp. Các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn các giải pháp đã đề ra trong 3 tháng còn lại.
I. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI
1. Các hoạt động kinh tế
(1) Sản xuất nông nghiệp phát triển bình thường
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, hầu hết các tỉnh phía Bắc đang tập trung chăm sóc bảo vệ lúa và các cây trồng vụ mùa; một số địa phương đã triển khai sản xuất vụ đông; các tỉnh phía Nam tiếp tục thu hoạch lúa hè thu và gieo cấy lúa mùa. Do lúa năm nay được giá nên bà con nông dân rất phấn khởi tập trung cho vụ mùa và gieo trồng cây vụ đông sớm.
Đến 15/9, các tỉnh phía Nam đã gieo cấy được trên 477 nghìn ha lúa mùa, thấp hơn cùng kỳ 23% do các tỉnh có xu hướng chuyển vụ, nhất là đồng bằng sông Cửu Long. Cả nước đã gieo trồng được 735 nghìn ha ngô, tăng 10% so với cùng kỳ; 288 nghìn ha sắn, tăng 11,6%, gần 520 nghìn ha cây có củ, bằng cùng kỳ năm ngoái; 565,7 nghìn ha rau, đậu các loại, tăng 10,5% (chủ yếu là rau vụ đông).
Sản lượng khai thác thuỷ sản tháng 9 ước đạt 123 ngàn tấn; tính chung 9 tháng đạt trên 1,1 triệu tấn, bằng 82,7% kế hoạch (xấp xỉ cùng kỳ năm 2001).
Các địa phương tiếp tục thu hoạch tôm và thả nuôi vụ 2. Tình hình nuôi cá và các loại thuỷ sản khác phát triển tốt. Các địa phương đang tích cực thực hiện các biện pháp kiểm soát việc sử dụng kháng sinh, hoá chất trong sản xuất kinh doanh thuỷ sản. Sản lượng thủy sản nuôi trồng 9 tháng ước đạt 679 ngàn tấn, bằng 71,5% kế hoạch, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2001.
Cuối tháng 9, lũ lụt lớn đã xảy ra tại 2 tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An. Sơ bộ đánh giá, riêng 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh có 44 người chết; 58.893 ngôi nhà bị ngập; 673 nhà bị cuốn trôi; 192 nhà bị hư hỏng; 116 phòng học bị ngập và 100 phòng học bị cuốn trôi; 76 trạm xá bị hư hỏng; ảnh hưởng đến 5.225 ha lúa mùa, 6.515 ha rau màu, hơn 10.000 ha ngô; sạt lở nhiều đoạn đê bối, hư hỏng một số hồ đập nhỏ... Ước tính ban đầu tổng giá trị thiệt hại ở hai tỉnh lên đến trên 400 tỷ đồng (Hà Tĩnh: 300 tỷ, Nghệ An: 115 tỷ). Hiện nay, nhân dân Hà Tĩnh và Nghệ An đang cùng với các Bộ, ngành, và lực lượng vũ trang áp dụng mọi biện pháp để hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất, đồng thời chuẩn bị phương án khắc phục hậu quả lũ lụt trong thời gian tới. Chính phủ đã có biện pháp cứu trợ tạm thời và đang chuẩn bị phương án hỗ trợ khắc phục hậu quả.
(2) Sản xuất công nghiệp tiếp tục đạt được tốc độ tăng trưởng cao
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 9 tăng 1,9% so với tháng 8; tính chung cả 9 tháng tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2001, trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 11,8%, khu vực ngoài quốc doanh tăng 19,1%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 13,9%.
Một số sản phẩm chủ yếu, nhất là những sản phẩm có thị trường, tiếp tục tăng khá so với cùng kỳ năm 2001 như than sạch khai thác tăng 23,2%, xi măng tăng 25,1%, thép cán tăng 27,6%, gạch lát tăng 29,9%, xút tăng 38,6%, quạt điện dân dụng tăng 20,2%, tivi các loại tăng 37,6%, ôtô các loại (lắp ráp) tăng 37,6%, xe máy các loại (lắp ráp) tăng 59,3%, xe đạp hoàn chỉnh tăng 36,1%, điện phát tăng 16,5%, thuỷ sản chế biến tăng 21,7%, quần áo may sẵn tăng 23,6%...
Sản xuất công nghiệp trên địa bàn một số địa phương tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2001 như Hà Nội tăng 25,8%, Hải Phòng 26,1%, Hà Tây 20,7%, Hải Dương 44,5%, Vĩnh Phúc 29,8%, Thanh Hoá 18,6%, Đà Nẵng 18,2%, Khánh Hoà 27,9%, Bình Dương 32,5%, Đồng Nai 16,9%...
Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, do đã tích cực triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giảm chi phí đầu vào, nên giá trị sản lượng tháng 9 tăng 2,7% so với tháng 8.
(3) Lĩnh vực dịch vụ tiếp tục phát triển
Trong tháng 9 các hoạt động thương mại đa dạng, phong phú hơn, hàng hoá cung ứng ra thị trường dồi dào, sức mua dân cư có tăng, hàng hoá tiêu thụ tốt (riêng mặt hàng đường tồn kho cao, có khó khăn).
Hoạt động chống buôn lậu tiếp tục được đẩy mạnh, có thái độ kiên quyết hơn trong việc xử lý các vụ buôn lậu bị phát hiện. Sau vụ buôn lậu Hang Dơi và Vải tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội), hoạt động buôn lậu có phần trầm xuống.
Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và tiêu dùng xã hội tháng 9 ước đạt 23,4 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% so với tháng 8; tính chung 9 tháng đạt 204 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.
- Hoạt động du lịch trong tháng 9 diễn ra sôi nổi. Trong 9 tháng, số lượt khách du lịch quốc tế ước đạt khoảng 1,9 triệu lượt người, tăng 20 vạn lượt người (khoảng 11,7%) so với cùng kỳ; số lượng khách nội địa trên 9,2 triệu lượt người, tăng khoảng 4,2%
- Về vận tải: nhìn chung đã đáp ứng được nhu cầu vận chuyển của xã hội và nhu cầu đi lại của nhân dân, 9 tháng ước vận chuyển hàng hoá đạt 131 triệu tấn và gần 40 tỷ Tkm luân chuyển, tăng 6,4% về tấn vận chuyển, 9% về tấn-km so cùng kỳ 2001; vận chuyển được 577 triệu lượt hành khách, 22 tỷ hành khách-km luân chuyển, tăng 4,8% về hành khách vận chuyển và 6,1% về hành khách luân chuyển. Tuy nhiên, tình trạng tai nạn giao thông vẫn còn nghiêm trọng, chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục một cách cơ bản.
(4) Xuất khẩu đã vượt qua giai đoạn khó khăn, nhập khẩu đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và phục vụ xuất khẩu
Kim ngạch xuất khẩu tháng 9 ước đạt 1,47 tỷ USD, tăng 20,5% so với tháng 9 năm 2001 (tháng 8 tăng 12,8% so với tháng 8 năm 2001); trong đó khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) tiếp tục tăng trưởng khá, kim ngạch ước đạt 350 triệu USD, chiếm 23,8% kim ngạch xuất khẩu chung, tăng 23,2% so với tháng 9 năm 2001. Tính chung 9 tháng năm 2002, kim ngạch xuất khẩu đạt 11.858 triệu USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2001, trong đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) xuất khẩu 3.109 triệu USD, tăng 13%.
Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu 9 tháng tăng khá so với cùng kỳ năm 2001 là lạc nhân tăng 46,3%, cao su tăng 46,3%, chè tăng 78%, hạt điều tăng 25,7%, hàng dệt may tăng 23,3%, hàng giày dép tăng 19,6%, hàng thủ công mỹ nghệ tăng 42,2%, than đá tăng 37,1%, hạt tiêu tăng 6,5%, hàng thuỷ sản tăng 7,8%...
Tuy nhiên một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ là gạo giảm 14,1%, cà phê giảm 23,3%, hàng rau quả giảm 39%, máy tính và linh kiện điện tử giảm 24,8%, dầu thô giảm 3,9%...
Tháng 9/2002 là tháng đầu tiên trong năm 2002, kim ngạch xuất khẩu vượt quangưỡng tăng trưởng âm và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2001.
Mặt khác, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã có những biện pháp khắc phục và vượt qua các rào cản trong quan hệ thương mại quốc tế về các thị trường nhập khẩu hàng của ta; hàng thuỷ sản đã tiếp tục được xuất khẩu sang thị trường EU; hàng dệt may, giày dép thâm nhập mạnh vào thị trường Mỹ, Canada... Các tranh chấp thương mại quốc tế giữa Việt Nam và Mỹ xuất hiện nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng góp phần quảng bá cho hàng hoá nước ta trên thị trường thế giới. Các doanh nghiệp đã từng bước tạo được sự liên kết giữa quốc doanh và ngoài quốc doanh, giữa trung ương và địa phương để tạo khả năng đáp ứng các đơn đặt hàng.
Kim ngạch nhập khẩu 9 tháng qua ước đạt 13,5 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2001, trong đó nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 4,5 tỷ USD, chiếm 33,2% tổng kim ngạch nhập khẩu và tăng 22% so với cùng kỳ.
Nhập siêu 9 tháng bằng 12% kim ngạch xuất khẩu.
(5) Về khối lượng thực hiện đầu tư phát triển tăng khá
Ước thực hiện vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 9 tháng đạt 74,5% kế hoạch năm; trong đó vốn ngân sách bằng 82%, vốn tín dụng đầu tư đạt 49,6% (vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch của Nhà nước đạt 40%), vốn doanh nghiệp nhà nước đạt 77,4%, vốn đầu tư dân cư đạt 77,6% kế hoạch, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 76,6% kế hoạch.
Ước 9 tháng vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc ngân sách tập trung mới cấp được khoảng 40% kế hoạch năm; vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch Nhà nước mới giải ngân được trên 30% kế hoạch năm.
- Ước 9 tháng, giải ngân ODA đạt 52% so với kế hoạch.
- Đầu tư trực tiếp nước ngoài:
Ước thực hiện vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 9 tháng tăng 3% so với cùng kỳ năm 2001. Doanh thu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 9 tháng tăng 16%, xuất khẩu tăng 13%, nhập khẩu tăng 22%, nộp ngân sách tăng 14% so với cùng kỳ năm 2001.
Tháng 9 có 19 dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy phép với tổng vốn trên 30,2 triệu USD; tính chung 9 tháng có 468 dự án được cấp giấy phép với vốn đăng ký trên 874 triệu USD, tăng 26% về số dự án và bằng 44% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2001. Trong 9 tháng, có 181 lượt dự án được tăng vốn với số vốn tăng thêm là 610 triệu USD, tăng 12% về số lượt dự án và tăng 20% về số vốn tăng thêm so với cùng kỳ năm 2001.
(6) Thu ngân sách nhà nước có khả năng vượt dự toán năm, hoạt động tiền tệ có tiến bộ, giá cả thị trường ổn định
- Thu ngân sách nhà nước luỹ kế đến 15 tháng 9 đạt 73,6% so dự toán năm. Sơ bộ đánh giá, thu ngân sách nhà nước cả năm có khả năng vượt dự toán.
Chi ngân sách nhà nước 9 tháng đạt 69% dự toán năm, trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 69,4%.
- Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng 0,2% so với tháng 8; tính chung 9 tháng (so với tháng 12 năm 2001) tăng 3,1% trong đó thực phẩm tăng 9%, lương thực giảm 0,3%, giáo dục đào tạo giảm 0,2%, văn hoá thể thao giải trí giảm 0,9%, các mặt hàng khác tăng nhẹ từ 0,1 đến 2%. Chỉ số giá vàng 9 tháng tăng 16,1%, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 1,7%.
2. Các hoạt động xã hội
(1) Về giáo dục và đào tạo:Ngành giáo dục đào tạo đã tổ chức tốt việc khai giảng năm học mới 2002 - 2003, phát hành trên 150 triệu bản sách giáo khoa, đáp ứng đủ nhu cầu cho học sinh tất cả các vùng, kể cả các vùng khó khăn.
Đến nay, việc tuyển sinh đại học, cao đẳng theo nguyện vọng 1 đã xong. Có 110 nghìn thí sinh được tuyển, chiếm trên 65% tổng số chỉ tiêu tuyển mới năm 2002 - 2003, số còn lại đang được xét tuyển theo nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 và nguyện vọng bổ sung (nguyện vọng 4). Việc đánh giá, tổng kết toàn diện công tác tuyển sinh sẽ được tiến hành sau khi kết thúc đợt xét tuyển. Dư luận đồng tình với việc ra đề thi chung cho các khối, nhưng không đồng tình với việc xét tuyển thí sinh theo quá nhiều nguyện vọng, gây phiền hà cho thí sinh.
(2) Về lao động và việc làm: trong tháng 9 cả nước đã tạo thêm việc làm cho khoảng 15 vạn người, đưa tổng số lao động được giải quyết việc làm 9 tháng lên 95 vạn người, đạt 68% kế hoạch năm; trong đó, xuất khẩu lao động được 3,5 vạn người; thu hút vào các ngành nông, lâm, ngư nghiệp 45 vạn người; công nghiệp, xây dựng 25 vạn người; dịch vụ thương mại 25 vạn người. Nét mới về giải quyết việc làm 9 tháng qua là đã tổ chức các hội chợ việc làm và giới thiệu việc làm miễn phí, thông qua hình thức này, một số địa phương đã thu hút được nhiều lao động như Đà Nẵng trên 11 nghìn người; Nam Định trên 81 nghìn người; Hà Nội trên 29 nghìn người; Vĩnh Long trên 12 nghìn người; Vĩnh Phúc 10 nghìn người; Phú Yên trên 10 nghìn người; Cần Thơ gần 17 nghìn người...
(3) Công tác xoá đói giảm nghèo vẫn được tiếp tục triển khai: đến nay, phần lớn các địa phương đã triển khai thực hiện tốt các chương trình mục tiêu về xoá đói giảm nghèo. Trong tháng 9, đã huy động thêm được 200 tỷ đồng cho Quỹ Ngân hàng người nghèo; 9 tháng đã cho trên 2,7 triệu hộ nghèo vay vốn, bình quân mỗi hộ được vay gần 2,5 triệu đồng.
(4) Về y tế và chăm sóc sức khỏe: Công tác khám và chữa bệnh đang từng bước chuyển biến tích cực; tuy nhiên, bệnh nhân đến các bệnh viện tuyến trung ương ngày càng đông, công suất sử dụng giường bệnh đạt trên 100% gây sức ép lớn về nhu cầu khám và chữa bệnh ở tuyến trung ương. Các dịch bệnh tháng 9 và 9 tháng năm 2002 đều giảm so cùng kỳ năm trước, như bệnh thương hàn giảm 25% số ca mắc, sốt rét giảm 40%, sốt xuất huyết giảm 44%... Riêng dịch tả,trong 9 tháng tăng 201 ca mắc (cùng kỳ năm 2001, không có trường hợp nào bị mắc dịch tả).
Trong tháng 9, ngộ độc thức ăn đã xảy ra ở các tỉnh Kiên Giang, Bình Thuận, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi, Lâm Đồng với 52 người mắc, 2 ca tử vong. Tính chung 9 tháng có 3.359 ca mắc, 57 ca tử vong.
Trong tháng 9, hầu hết các địa phương đã triển khai tốt tháng hành động vì trẻ em, tổ chức tốt việc tiêm phòng sởi cho trẻ em từ 0-6 tuổi (khoảng 153.000 cháu), khám và điều trị các bệnh về răng lợi cho trên 2.100 cháu (bậc học mầm non và tiểu học), đưa được 71 cháu hở khe môi, vòm họng đi phẫu thuật nụ cười tại bệnh viện Việt Nam - Cu Ba.
(5) Công tác bảo trợ, cứu trợ và trợ cấp đối với người có công với cách mạng
Các địa phương đã thực hiện tốt công tác cứu trợ cho nhân dân thiếu đói giáp hạt và bị thiên tai lũ lụt ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long; đã cứu trợ hàng chục nghìn tấn lương thực và 10 tỷ đồng cho khoảng 200 nghìn hộ (trên 1 triệu nhân khẩu). Đặc biệt, tại đồng bằng sông Cửu Long đã tổ chức nhiều điểm trông trẻ tập trung tránh lũ lụt; riêng An Giang đã tổ chức được 676 điểm trông/14 nghìn cháu.
Đến nay, đã cấp phát khoảng 1.450 tỷ đồng trợ cấp thường xuyên và chính sách chế độ cho người có công. Riêng chế độ trợ cấp kháng chiến 1 lần mới thực hiện được khoảng 500 tỷ đồng (kế hoạch là 2.000 tỷ), dự kiến đến cuối năm 2002 thực hiện khoảng 1.200 tỷ đồng.
(6) Công tác phòng chống các tệ nạn xã hội được các địa phương quan tâm. Cả nước đã xây dựng được nhiều xã phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội, có 47% số xã phường duy trì việc ngăn chặn tệ nạn mại dâm; 2.282 xã phường đang triển khai xây dựng xã phường lành mạnh. Tuy nhiên hiện tượng ma tuý và mãi dâm vẫn không giảm, ngày càng diễn biến phức tạp hơn.
(7) Về thể dục thể thao: Tiếp tục các hoạt động tập huấn cho vận động viên chuẩn bị tham gia SEA Games 22. Ngành đã cử một số đoàn vận động viên tham gia ASIAD 14 tại Hàn Quốc. Đang tập trung đẩy mạnh tiến độ thi công các dự án thể thao phục vụ SEA Games 22 để hoàn thành đúng tiến độ.
Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2002 tiếp tục thuận lợi, hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch đều đạt và vượt kế hoạch như: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý sau cao hơn quý trước, quý IV năm 2001 GDP chỉ tăng 6,2%, sang quý I năm 2002 tăng 6,6% và quý II tăng 6,7%, quý III tăng 7,2%, tính chung cả 9 tháng năm 2002, GDP tăng 6,9%, xấp xỉ mức kế hoạch; sản xuất nông nghiệp tăng 4,5%, vượt kế hoạch đề ra (4,2%); công nghiệp tăng 14,2% vượt kế hoạch; thu ngân sách Nhà nước vượt dự toán đề ra, đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khá hơn so với cùng kỳ năm trước, các vấn đề xã hội có bước chuyển biến nhất định, nhất là công tác xoá đói giảm nghèo... Tình hình thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu của cả 9 tháng năm 2002 đạt được như sau:
|
9 tháng
2000
|
9 tháng
2001
|
9 tháng
2002
|
- Tốc độ tăng trưởng GDP (%)
|
6,4
|
7,06
|
6,9
|
Trong đó:
|
|
|
|
+ Nông, lâm, ngư nghiệp (%)
|
3,7
|
2,8
|
3,7
|
+ Công nghiệp và xây dựng (%)
|
9,5
|
10,7
|
10,0
|
+ Dịch vụ (%)
|
5,4
|
6,3
|
6,2
|
- Nhịp tăng giá trị sản xuất công nghiệp (%)
|
15,5
|
14,5
|
14,2
|
- Nhịp tăng giá trị sản xuất nông, lâm, nghiệp (%)
|
4,3
|
3,5
|
4,5
|
- GDP theo giá hiện hành (nghìn tỷ)
|
315,6
|
340,0
|
383,3
|
+ Tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong GDP (%)
|
23,8
|
23,0
|
23,6
|
+ Tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP (%)
|
36,9
|
38,3
|
38,3
|
+ Tỷ trọng dịch vụ trong GDP (%)
|
39,3
|
38,7
|
38,1
|
- Kim ngạch xuất khẩu (triệu USD)
|
10,36
|
11,48
|
11,86
|
- Nhịp tăng xuất khẩu (%)
|
29,2
|
10,8
|
2,8
|
- Kim ngạch nhập khẩu (triệuUSD)
|
10,98
|
11,64
|
13,53
|
- Nhịp tăng nhập khẩu (%)
|
33,4
|
6,0
|
16,4
|
- Đầu tư xã hội so với GDP (%)
|
-
|
29,6
|
33,9
|
- Thu ngân sách nhà nước (tỷ đồng)
|
61.455
|
69.180
|
77.380
|
- Thu NSNN/dự toán (%)
|
78,7
|
80,2
|
73,6
|
- Thu NSNN/GDP (%)
|
19,4
|
20,3
|
20,2
|
- Chi ngân sách nhà nước (tỷ đồng)
|
65669
|
78534
|
92410
|
- Chi NSNN/dự toán (%)
|
68
|
67,7
|
69
|
- Lạm phát (%)
|
-1,7
|
- 0,4
|
3,1
|
Tuy nhiên khó khăn trong quý IV còn nhiều, nhất là việc khắc phục hậu quả thiên tai rất lớn, giải ngân vốn tín dụng nhà nước đạt thấp gây ảnh hưởng đến quá trình đầu tư của doanh nghiệp, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp cần được cải thiện; kim ngạch xuất khẩu vẫn còn thấp so với kế hoạch đề ra, tai nạn giao thông chưa giảm...
Tình hình này, đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương trong những tháng cuối năm phải thực hiện quyết liệt các giải pháp trong Nghị quyết 05/CP của Chính phủ và các giải pháp đề ra trong các cuộc giao ban sản xuất kinh doanh và đầu tư hàng tháng.
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO TRONG 3 THÁNG CUỐI NĂM
Dự báo, từ nay đến cuối năm, nếu tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp trong quý IV, tháo gỡ kịp thời những khó khăn trong xuất khẩu, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trên 6%, đẩy mạnh tiến độ xây dựng cơ bản, nhất là tiến độ đầu tư bằng nguồn vốn tín dụng thì khả năng tăng trưởng GDP trong quý IV vào khoảng 7,3-7,4% và tính chung cả năm có thể cao hơn 7%.
Trong 3 tháng còn lại, các Bộ, ngành cần tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau đây:
Một là, tiếp tục tập trung phòng chống thiên tai, khắc phục hậu quả lũ lụt, trước hết ổn định đời sống dân cư vùng bị lũ lụt, kịp thời cứu trợ dân, không để ai bị đói, đứt bữa; có kế hoạch phòng chống dịch bệnh cho người và gia súc sau khi lũ rút, khôi phục lại các công trình bị lũ lụt tàn phá, nhất là các trường học, công trình giao thông, thuỷ lợi..., nhanh chóng khôi phục sản xuất, tập trung bồi đắp đê điều ở những nơi xung yếu, chống sạt lở.
Hai là, tập trung cao độ sự chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh sản xuất và đầu tư, đặc biệt là các dự án quan trọng.
Rà soát lại tình hình thực hiện các dự án đầu tư, tập trung vốn cho các dự án quan trọng, các dự án có thể hoàn thành trong năm 2002. Việc điều chỉnh các dự án đầu tư phải thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị 08/2002/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính thực hiện tạm ứng vốn, các chủ đầu tư có trách nhiệm cùng các nhà thầu tính toán nhu cầu tạm ứng vốn, phù hợp với tiến độ thi công, tránh tình trạng tiền chờ khối lượng; đặc biệt khẩn trương hoàn tất các thủ tục đầu tư, xây dựng theo quy định, để giải ngân nhanh khối lượng đã thực hiện, tránh tình trạng nợ đọng thanh toán dồn dập vào tháng cuối năm hoặc đầu quý I năm 2003.
Quỹ Hỗ trợ phát triển chủ động phối hợp với các đầu mối cho vay để huy động đủ nguồn vốn kế hoạch năm 2002, trước hết là từ nguồn bảo hiểm xã hội, tiết kiệm bưu điện, bảo đảm cho các dự án vay theo tiến độ.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư, phát hiện và xử lý nghiêm khắc những hành vi sai phạm các quy định về quản lý đầu tư và xây dựng, nhằm ngăn chặn kịp thời tiêu cực, thất thoát vốn, nâng cao chất lượng công trình.
Ba là, tiếp tục tìm mọi biện pháp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành của sản phẩm.
Các đơn vị sản xuất kinh doanh cần tổ chức lại sản xuất cho hợp lý, tiết kiệm đầu vào nhiều hơn. Đặc biệt, tránh tác động tiêu cực khi tăng giá điện, nhất là đối với các ngành tiêu thụ nhiều điện như: xi măng, thép, than, chế biến nông sản, thuỷ sản xuất khẩu... sẽ kéo giá thành nhiều sản phẩm sẽ tăng theo. Để bảo đảm nhịp độ sản xuất, trước mắt các doanh nghiệp cần tăng cường sản xuất ca ba ở những khâu, công đoạn dùng nhiều điện năng, nâng cao hiệu quả sử dụng điện. Nhà nước cần phải quản lý chặt chẽ hơn, không để các thành phần kinh tế tăng giá sản phẩm tràn lan, gây ảnh hưởng giá cả thị trường.
Bốn là, chỉ đạo ráo riết việc thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu đã đề ra, tăng cường chất lượng giao ban xuất khẩu hàng tháng, tìm ra những giải pháp hữu hiệu hơn để đẩy nhanh xuất khẩu một số mặt hàng có lợi thế và có thị trường. Có phương án để ứng xử kịp thời khi chiến tranh Irắc bùng nổ, đảm bảo việc tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu bị ứ đọng và đảm bảo hàng nhập cho nhu cầu thiết yếu.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư