TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 12 VÀ CẢ NĂM 2003
(Tóm tắt báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 12 - 2003)
I. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI
1. Các hoạt động kinh tế
1.1. Sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì tỷ lệ tăng trưởng ở mức cao và ổn định
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 12 ước tăng 15,5% so với cùng kỳ, trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 13%, khu vực ngoài quốc doanh tăng 17,9% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,4%.
Trong tháng 12, sản lượng các sản phẩm tiêu dùng tiếp tục tăng khá mạnh do thị trường xuất khẩu tiếp tục được cải thiện và nhu cầu trong nước vào dịp cuối năm bắt đầu tăng lên. Tháng 12 là tháng cao điểm của mùa xây dựng nên nhu cầu vật liệu xây dựng tăng mạnh, kéo theo sản xuất các loại vật liệu xây dựng cũng tăng nhanh. Ngoài ra, một số sản phẩm công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp phục vụ khách du lịch trong dịp SEA Games 22 cũng tăng trưởng khá.
Tính chung cả năm 2003, giá trị sản xuất công nghiệp tăng khoảng 16% so với năm 2002 (năm 2002 tăng 14,5%) và vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 14,5-15%), trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 12,4% (Trung ương tăng 12,6%, địa phương tăng 12%); khu vực ngoài quốc doanh tăng 18,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,3%.
Nhìn chung, sản xuất công nghiệp năm 2003 tăng trưởng với nhịp độ cao và ổn định qua các tháng trong năm. Giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp và xây dựng năm 2003 tăng 10,3% so với năm 2002; trong đó công nghiệp khai thác tăng khoảng 5,8%, công nghiệp chế biến tăng 11,45%, điện nước tăng 11,6% và xây dựng cơ bản tăng 10%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2003 so với cùng kỳ là than sạch khai thác tăng 16%, thủy sản chế biến tăng 17,2%, sứ vệ sinh 49,3%, gạch lát 16,6%, quạt điện dân dụng gần 36,1%, bột ngọt 20,9%, bia 16,8%, đường mật các loại 27,4%, quần áo dệt kim 38,6%, quần áo may sẵn 37,3%, động cơ điêzen 75,7%, tivi các loại 30,8%, ô tô các loại 38,4%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có tốc độ tăng trưởng khá mặc dù vẫn thấp hơn tốc độ bình quân chung của toàn ngành công nghiệp là điện tăng 14,9%, thép cán tăng 9,7%, động cơ điện 15,9%, thuốc lá bao gần 10,5%, giấy bìa các loại 10,9%, xi măng 14,1%, gạch xây 12,6%, phân hoá học 9,8%, sữa hộp gần 13,4%.
Tuy nhiên, vẫn có một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có tốc độ tăng trưởng chậm so với cùng kỳ năm trước như dầu thô khai thác chỉ tăng 4,9%, vải lụa thành phẩm tăng 4,7%, ắc quy 3,4%, xà phòng các loại 6,4%, máy biến thế tăng 4,7%, xút NaOH 4,2%
Ngoài ra, còn có một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng giảm so với cùng kỳ như thuốc trừ sâu giảm 2,6%, thuốc viên các loại giảm 4,4%, thuốc ống các loại giảm 14,7%, máy công cụ giảm 14,8%, xe máy các loại giảm 6,7%, xe đạp hoàn chỉnh giảm 30,3%.
Giá trị sản xuất công nghiệp tại các địa phương trong năm 2003 đều tăng khá như Hà Nội tăng 24%, Đà Nẵng 22,1%, Bình Dương 36,3%, Đồng Nai 18,9%, Vĩnh Phúc 26,6%, Hải Phòng 17,7%, Hà Tây 20%, Hải Dương 19,3%, Quảng Ninh 19,1%, Thanh Hóa 18,3%, Khánh Hòa 20,3% thành phố Hồ Chí Minh 15,5%, Cần Thơ 18%...
1.2. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục duy trì ổn định
Đến nay, các địa phương đã thu hoạch xong lúa hè thu; năng suất bình quân 40,6 tạ/ha, sản lượng ước đạt 8,5 triệu tấn, giảm khoảng 4 vạn tấn so với năm trước. Đến đầu tháng 12/2003, các địa phương đã thu hoạch được hơn 1 triệu ha lúa mùa, năng suất khoảng 46,2 tạ/ha. Sản lượng lúa mùa năm nay ước đạt khoảng 8,6 triệu tấn, tăng khoảng 22 vạn tấn so với vụ mùa năm 2002.
Tính chung, diện tích lúa cả năm 2003 đạt 7,4 triệu ha, giảm 4 vạn ha so với năm 2002. Năng suất lúa cả năm ước đạt 46 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha, sản lượng đạt khoảng 34 triệu tấn, tương đương với năm 2002. Nếu tính cả 2,5 triệu tấn ngô thì tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2003 ước đạt 36,5 triệu tấn, tăng 1,3 vạn tấn so với năm 2002.
Đến ngày 5/12/2003, các địa phương miền Bắc đã cơ bản kết thúc gieo trồng một số cây vụ đông; tổng diện tích ước đạt 474 nghìn ha, tăng 7,9% so với cùng kỳ, trong đó diện tích tăng thêm chủ yếu là ngô và đậu tương. Vụ đông năm nay, thời tiết khô hanh và ít mưa, nhưng nhờ cung cấp đủ nước tưới, nên cây vụ đông đang sinh trưởng và phát triển tốt. Cùng với việc chăm sóc cây vụ đông, các địa phương đang tập trung làm đất, chuẩn bị giống, phân bón để gieo cấy lúa đông xuân.
Tại các địa phương miền Nam, đến ngày 5/12/2003, cả nước đã gieo sạ được 1,1 triệu ha lúa đông xuân, nhanh hơn so với cùng kỳ tới 42,9%; thời tiết thuận lợi, lúa đông xuân tại đây đang sinh trưởng tốt.
Sản lượng thủy sản tháng 12 ước đạt 210 nghìn tấn; cả năm 2003 đạt khoảng 2.564 nghìn tấn, bằng 103,1% kế hoạch năm. Trong đó nuôi trồng thủy sản tiếp tục tăng trưởng nhanh, sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 12/2003 ước đạt 110 nghìn tấn; cả năm ước đạt hơn 1.087 nghìn tấn. Sản lượng khai thác hải sản tháng 12 ước đạt 100 nghìn tấn; cả năm đạt khoảng 1.477 nghìn tấn, bằng 105,5% kế hoạch năm.
Tính chung, giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm và ngư nghiệp năm 2003 ước tăng 4,9% so với năm 2002, trong đó nông nghiệp tăng 4,1%, lâm nghiệp 1,1% và thủy sản 9,5%. Giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp năm 2003 ước tăng 3,2%; trong đó nông nghiệp tăng 2,8%, lâm nghiệp 0,7% và thủy sản 7,1%.
1.3. Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ tiếp tục tăng lên, nhất là trong tháng 12 hoạt động du lịch đang diễn ra sôi động
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tháng 12 ước đạt trên 27,8 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng 11 và tăng 12% so với cùng kỳ.Tính chung cả năm 2003 đạt khoảng 309,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13,4% so với năm 2002 (năm 2002 tăng 11,2%)đây là tốc độ tăng cao nhất kể từ năm 1997 đến nay. Đáng chú ý là tỷ lệ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đã liên tục tăng lên trong các tháng gần đây, nhất là trong tháng 12 hoạt động du lịch đã trở nên sôi động hơn và sức mua của toàn xã hội đang tăng nhanh.
Tuy nhiên, các hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại tiếp tục tăng lên và có phần phức tạp với những hình thức gian lận tinh vi hơn. Để bảo đảm bình ổn thị trường vào dịp cuối năm, các cơ quan quản lý thị trường đã chủ động phối hợp với các ngành, địa phương có liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động thương mại tại các địa bàn nóng, do đó đã kịp thời ngăn chặn một số vụ nhập khẩu hàng lậu với quy mô lớn. Trong tháng 11 và nửa đầu tháng 12, cả nước đã xử lý khoảng 8.500 vụ vi phạm quy định thương mại, thu nộp ngân sách hơn 22 tỷ đồng. Tính từ đầu năm đến giữa tháng 12, cả nước đã xử lý gần 71.200 vụ vi phạm với tổng số tiền thu được khoảng 325 tỷ đồng. Những địa phương có số vụ vi phạm nhiều nhất là các thành phố lớn và địa phương có biên giới (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn...).
Hoạt động du lịch trong tháng 12 sôi động hơn, chủ yếu nhờ lượng khách du lịch quốc tế đến nước ta tăng mạnh, ước tính ngành du lịch đón trên 250 nghìn khách quốc tế, tăng 7,3% so với cùng kỳ. Tính chung cả năm 2003, số khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 2,4 triệu lượt người (bằng 89,4% so với năm 2002). Số khách nội địa tháng 12 ước đạt 1,1 triệu lượt người; cả năm ước đạt khoảng 12,2 triệu lượt người, tăng 1,7% so năm 2002. Doanh thu du lịch toàn xã hội cả năm 2003 ước đạt 21,5 nghìn tỷ đồng, giảm 8,5% so với năm 2002.
Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch đã được đẩy mạnh. Thực hiện miễn thị thực nhập cảnh cho khách du lịch Nhật Bản, cho phép đón khách du lịch Trung Quốc bằng giấy thông hành, mở thêm nhiều tuyến bay quốc tế từ Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ đến thẳng Việt Nam và ngược lại... Công tác đầu tư, hỗ trợ phát triển hạ tầng du lịch đã được thực hiện khẩn trương theo đúng quy hoạch và kế hoạch.
Hoạt động vận tải hàng hoá và hành khách trong tháng 12 tiếp tục xu thế phục hồi nhờ các hoạt động kinh tế và xã hội cuối năm đang tăng lên và nhờ các hoạt động trong khuôn khổ SEA Games 22. Tính chung cả năm 2003, vận tải hàng hoá tăng 7,1% về tấn và 4,8% về tấn-km so với cùng kỳ năm trước; vận tải hành khách tương ứng tăng 4,7% về lượt hành khách và 4,2% về lượt hành khách-km.
Tính chung, giá trị toàn ngành dịch vụ năm 2003 ước tăng 7,2% so với năm 2002. Giá trị gia tăng toàn ngành dịch vụ năm 2003 ước tăng 6,7%; trong đó thương nghiệp tăng 6,9%, vận tải bưu điện và du lịch tăng 5,5%, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8%, kinh doanh bất động sản tăng 5,7%.
1.4. Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng cao; tuy nhiên nhập khẩu cũng tăng mạnh làm cho nhập siêu cả năm 2003 tăng tới mức kỷ lục kể từ nhiều năm qua
Kim ngạch xuất khẩu tháng 12 ước đạt khoảng 1,66 tỷ USD, tăng 7,8% so với tháng 11; tính chung cả năm 2003, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 19,8 tỷ USD, tăng 18,8% so với năm 2002 (kế hoạch là 8-8,5%); trong đó kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 10 tỷ USD, tăng 27% (nếu không kể dầu thô), kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 6,2 tỷ USD, tăng 35,3%.
Các mặt hàng chủ yếu có tỷ lệ tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu cao trong năm 2003 là dệt may tăng 30,9%, giày dép 18,1%, dây điện và cáp điện 55,9%, sản phẩm gỗ 29,7%, hàng điện tử 51,5%, máy vi tính và linh kiện 30,6%, xe đạp và phụ tùng xe đạp 25,8%, hạt điều 35,9%.
Các mặt hàng có mức tăng trưởng về lượng cao so với cùng kỳ là than đá tăng 16,6%, gạo 19,2%.
Các mặt hàng chủ yếu có kim ngạch xuất khẩu tăng chậm là sản phẩm nhựa tăng 13,1%, thủy sản 10,6%, hàng thủ công mỹ nghệ 11,6%. Riêng đối với mặt hàng dầu thô, khối lượng xuất khẩu chỉ tăng 1,7% so với năm 2002.
Các mặt hàng có khối lượng hoặc kim ngạch xuất khẩu giảm so với năm 2002 chủ yếu là nông sản, như về lượng, lạc nhân giảm 20,3%, chè giảm 22,1%, cà phê giảm 6%, cao su giảm 2,2%; về kim ngạch, hàng rau quả giảm 24,4%, hạt tiêu giảm 1,6%.
Kim ngạch xuất khẩu trong năm 2003 đã tăng trưởng vào loại kỷ lục trong 5 năm qua và Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất nước ta với trên 20% kim ngạch xuất khẩu; tiếp đến là EU 19%; Nhật Bản trên 13%; Trung Quốc 7,5%; Xingapo 5%; Inđônêxia 4%; Hàn Quốc 2,3% và Malaixia 2,2%... Trong năm 2003, hiệu quả xuất khẩu và năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu nước ta đã tăng lên, nhưng chưa thực sự mạnh mẽ và mang tính đột biến.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 12 ước đạt 2,2 tỷ USD, tăng 1% so với tháng 11; tính chung cả năm 2003, kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 25 tỷ USD, tăng 26,7% so với năm 2002; trong đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu 8,7 tỷ USD, tăng 30%.
Các mặt hàng chủ yếu có kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh trong năm 2003 là máy vi tính và linh kiện tăng 82%; vải các loại 35,3%; máy móc thiết bị và phụ tùng 42,2%; nguyên liệu dệt may da 18,6%; hoá chất 25,6%, linh kiện điện tử 18,5%. Các mặt hàng chủ yếu có khối lượng nhập khẩu tăng mạnh là linh kiện và phụ tùng ô tô tăng 43,9%; giấy các loại 26,3%.
Một số mặt hàng có khối lượng nhập khẩu tăng chậm hoặc giảm là phân bón (tăng 8%), chất dẻo nguyên liệu (tăng 7,7%), tân dược (tăng 13,1%),ô tô nguyên chiếc (giảm 30,9%), xăng dầu (giảm 1,3%), thép các loại (giảm 7,4%) (riêng phôi thép giảm 16,8%), bông các loại (giảm 8,3%), sợi các loại (giảm 18,3%), linh kiện xe máy (giảm 37,4%).
Nhập siêu cả năm 2003 khoảng 5,15 tỷ USD, xấp xỉ bằng 26% kim ngạch xuất khẩu. Đây là mức nhập siêu kỷ lục kể từ trước đến nay, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 1,29 tỷ USD; khu vực kinh tế trong nước nhập siêu tới 6,44 tỷ USD. Đây là những vấn đề cần đặc biệt quan tâm và phân tích kỹ để có các giải pháp thích hợp ngay từ những tháng đầu năm 2004.
Nguyên nhân của tình hình nhập siêu gia tăng đột biến trong năm 2003 chủ yếu là sự lệ thuộc quá lớn của nền kinh tế đối với nguồn nguyên nhiên vật liệu và vật tư thiết bị nhập khẩu từ bên ngoài trong khi các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ còn kém phát triển. Tình trạng sử dụng lãng phí và thất thoát các nguồn lực công và nguồn lực xã hội, tình trạng sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều nguyên nhiên vật liệu... chưa có xu hướng giảm, thậm chí trên một số mặt còn tăng lên, cũng làm cho nhu cầu nhập khẩu đầu vào tiếp tục tăng nhanh. Công tác nắm bắt thông tin thị trường quốc tế, dự báo biến động giá cả, tình hình chính trị quân sự thế giới nhiều lúc chưa chính xác, dẫn tới nhập khẩu nhiều xăng dầu, sắt thép... vào lúc giá thế giới đang bị đẩy lên rất cao. Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới hiện tượng nhập siêu tăng lên quá nhanh trong năm 2003.
1.5. Thực hiện vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng khá
Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện năm 2003 ước đạt 217 nghìn tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch năm và tăng 18,3% so với thực hiện năm 2002, đạt 35,2% GDP (GDP theo giá hiện hành là 616 nghìn tỷ đồng).
Đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước ước thực hiện 47 nghìn tỷ đồng, bằng 106,8% kế hoạch năm và tăng 16,3% so với thực hiện năm 2002; đầu tư từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước ước đạt 28,5 nghìn tỷ đồng, bằng 93,4% kế hoạch năm và giảm 9,3% so với năm 2002; đầu tư từ nguồn vốn của các doanh nghiệp nhà nước ước thực hiện khoảng 39,5 nghìn tỷ đồng, bằng kế hoạch năm và tăng 27,4%; đầu tư từ nguồn vốn của khu vực dân cư và tư nhân ước thực hiện 58 nghìn tỷ đồng, bằng kế hoạch năm và tăng 24,7%; đầu tư từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khoảng 36 nghìn tỷ đồng, bằng kế hoạch năm và tăng 5,8% so với năm 2002. Như vậy, sự tăng lên của vốn đầu tư toàn xã hội chủ yếu do đóng góp từ nguồn vốn đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước và vốn đầu tư của khu vực dân cư và tư nhân.
Đáng chú ý là hiệu quả sử dụng vốn đầu tư đã có dấu hiệu tăng lên trong năm 2003. Có được kết quả trên là nhờ 3 nguyên nhân chính:
Một là, nguồn vốn huy động đã được tập trung đầu tư cho các công trình trọng điểm để đưa vào sử dụng và phát huy tác dụng ngay trong năm. Đối với nguồn vốn đầu tư từ Ngân sách nhà nước, số dự án hoàn thành trong năm 2003 đã tăng khá so với những năm trước. Trong năm, cả nước đã hoàn thành 23 dự án nhóm A và 248 dự án nhóm B, trong đó có nhiều công trình quan trọng được hoàn thành đúng tiến độ như các công trình thể thao phục vụ SEA Games 22, một số đoạn đường và cầu quan trọng trên các quốc lộ 1, quốc lộ 6, quốc lộ 10, quốc lộ 18, đường cao tốc Pháp Vân - Văn Điển, hệ thống đường giao thông khu vực miền núi, biên giới phía Bắc và khu vực Tây Nguyên, các tuyến đường giao thông nông thôn, 38 cầu giao thông thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long... Ngoài ra, còn có thêm hàng nghìn dự án nhóm C đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2003.
Vốn đầu tư từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi nhà nước đã được tập trung đầu tư cho các dự án quan trọng thuộc các ngành công nghiệp trọng điểm như nhà máy thủy điện Tuyên Quang, nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn (Thái Nguyên), nhà máy xi măng Hạ Long (Quảng Ninh), nhà máy sản xuất phân DAP (Hải Phòng), cụm công nghiệp sợi - dệt - nhuộm (Đà Nẵng), nhà máy sản xuất giấy và bột giấy (Thanh Hoá), hệ thống cấp nước sông Sài Gòn...
Có sự chuyển dịch đáng kể về cơ cấu kinh tế đối với nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp đã có xu hướng tập trung nguồn vốn vào việc đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ và tăng năng lực cạnh tranh để thích ứng ngày càng tốt hơn với quá trình hội nhập quốc tế.
Giải ngân ODA cả năm ước đạt 1.550 triệu USD, bằng 90% kế hoạch năm; trong đó vốn vay đạt khoảng 1.390 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại khoảng 160 triệu USD. Trong tổng giá trị giải ngân vốn vay ODA, riêng vốn vay của ba nhà tài trợ lớn nhất (JBIC, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á) đã lên tới 1.126 triệu USD, chiếm khoảng 81%.
Ngoài các khoản đã giải ngân trên, dự kiến cuối tháng 12 sẽ thực hiện một số khoản giải ngân nhanh với tổng giá trị khoảng 183,7 triệu USD; bao gồm 50 triệu USD của Ngân hàng Phát triển châu Á (khoản vay trong khuôn khổ chương trình tài chính ngân hàng), 100 triệu USD của Ngân hàng Thế giới và 33,7 triệu USD đồng tài trợ của các chính phủ Anh, Hà Lan và Thụy Điển (khoản vay hỗ trợ tín dụng giảm nghèo II).
Từ đầu năm đến ngày 15/12/2003, nguồn vốn ODA được hợp thức hoá bằng việc ký kết các Hiệp định với các nhà tài trợ đạt tổng giá trị 1.750 triệu USD, trong đó vốn vay đạt 1.352 triệu USD và vốn viện trợ không hoàn lại đạt 398 triệu USD.
Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) được tổ chức trong 2 ngày 2-3/12/2003 tại Hà Nội đã cam kết tài trợ cho Việt Nam 2,83 tỷ USD; đây là mức cao nhất kể từ khi bắt đầu tổ chức các hội nghị CG năm 1993 đến nay (qua 11 lần hội nghị tư vấn), thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng tài trợ quốc tế đối với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ ta.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong tháng 12 có thêm 36 dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy phép với tổng số vốn đăng ký là 111 triệu USD; tính chung cả năm 2003 có 620 dự án được cấp giấy phép đầu tư mới với tổng số vốn đăng ký đạt 1.550 triệu USD, giảm 18,4% về số dự án và tăng 7,7% về vốn đăng ký so với năm 2002.
Trong tháng 12, có 24 lượt dự án tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm là 216 triệu USD; tính chung cả năm 2003, có 345 lượt dự án tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm là 1.150 triệu USD, tăng 9,2% về số dự án và 1,2% về vốn so với năm 2002. Như vậy, trong năm 2003, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm đạt khoảng 2,7 tỷ USD, tăng 4,9% so với năm 2002.
Tháng 12 đã thực hiện được 200 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; tính chung cả năm 2003 thực hiện được khoảng 2.650 triệu USD, tăng 2,3% so với năm 2002.
Hoạt động kinh doanh của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (không kể ngành dầu khí) năm 2003 phát triển khá. So với năm 2002, doanh thu của các doanh nghiệp thuộc khu vực này tăng 36,8%; kim ngạch xuất khẩu tăng 35,3%; nộp ngân sách đạt 465 triệu USD, tăng 1,3%. Đến nay, khu vực này đang tạo ra việc làm cho khoảng 665 nghìn lao động, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đà chuyển biến tích cực của nền kinh tế, số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tiếp tục tăng nhanh trong những tháng cuối năm. Từ đầu năm đến hết tháng 11/2003, có thêm 23,6 nghìn doanh nghiệp mới đăng ký kinh doanh với tổng số vốn đăng ký đạt 48,7 nghìn tỷ đồng, tăng 30,5% về số doanh nghiệp và 56,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2002. Trong 11 tháng đầu năm, đã có hơn 10,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký bổ sung vốn với tổng số vốn bổ sung hơn 15,2 nghìn tỷ đồng, tăng 209% về số doanh nghiệp và 49,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ.
Ước cả năm 2003 có thêm khoảng 24,8 nghìn doanh nghiệp mới đăng ký kinh doanh với tổng số vốn đăng ký đạt 53,1 nghìn tỷ đồng, tăng 15,2% về số doanh nghiệp và 37,8% về vốn đăng ký so với năm 2002.
Hai là, cơ cấu sử dụng vốn đầu tư tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực, sản phẩm có hiệu quả kinh tế cao và mang tính bền vững, như thủy sản (chiếm 1,3% tổng vốn đầu tư xã hội), công nghiệp chế biến (22,9%), sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước (14,3%), vận tải và thông tin liên lạc (18,4%); những ngành tạo cơ sở phát triển dài hạn hoặc phục vụ công cuộc xoá đói giảm nghèo như khoa học và công nghệ (1,2%), giáo dục và đào tạo (3,2%), y tế và cứu trợ xã hội (1,3%) và phục vụ cá nhân và cộng đồng (16,5%).
Nhờ đầu tư tăng khá và được sử dụng hợp lý, năng lực của nhiều ngành kinh tế đã được tăng thêm đáng kể như công suất ngành điện 640 MW, đường dây tải điện 1.500 km, xi măng 0,6 triệu tấn, thép cán 550 nghìn tấn; năng lực tưới thủy lợi 35 nghìn ha, năng lực tiêu 18 nghìn ha, năng lực ngăn mặn 8 nghìn ha, diện tích rừng trồng mới 190 nghìn ha, số phòng khách sạn 6.095 phòng, năng lực thông qua của các cảng đường sông 300 nghìn tấn, năng lực thông qua của các cảng đường biển 3,5 triệu tấn, năng lực thông qua của cảng hàng không 0,72 triệu hành khách; nâng cấp được 40 km đường sắt, 1.080 km đường quốc lộ; làm mới, nâng cấp và cải tạo trên 10 nghìn km đường địa phương.
Ba là, môi trường sản xuất, đầu tư được cải thiện trong khi hệ thống an ninh, chính trị tiếp tục ổn định; tỷ lệ lạm phát thấp, cân đối tài chính tiền tệ ngày càng vững chắc, thu ngân sách liên tục vượt dự toán đề ra. Chính sách kích cầu đầu tư của Nhà nước đã có tác dụng lôi cuốn được thành phần kinh tế ngoài quốc doanh tham gia đầu tư mạnh mẽ hơn và đây cũng là khu vực sử dụng vốn đầu tư có hiệu quả nhất.
1.6. Thu ngân sách nhà nước tăng khá; hoạt động tiền tệ từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh
Thu ngân sách nhà nước: tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 111,6% dự toán năm và tăng 16% so với năm 2002; trong đó thu nội địa đạt 109,7% dự toán năm và tăng 20,7%; thu từ dầu thô đạt 126,1% dự toán năm và tăng 13,3%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 106,1% dự toán năm và tăng 10,4%.
Trong tổng thu nội địa, thu từ khu vực kinh tế nhà nước đạt 98,9% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt 109,3% dự toán năm; thu thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh đạt 111,1% dự toán năm; thu từ nhà đất cao gấp 2 lần dự toán năm.
Chi ngân sách nhà nước bằng 106,7% dự toán năm và tăng 14,7% so với mức thực hiện năm 2002. Chi ngân sách năm 2003 không những đảm bảo được những khoản chi theo dự toán được giao mà còn tăng bổ sung nguồn ngân sách khoảng 10 nghìn tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng; tăng trên 3 nghìn tỷ đồng để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thực hiện xoá đói giảm nghèo và phát triển những địa bàn khó khăn ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, vùng ngập lũ, vùng sâu, vùng xa...; tăng 3,8 nghìn tỷ đồng đầu tư phát triển sự nghiệp y tế, giáo dục đào tạo, văn hoá thể thao; dành thêm 3 nghìn tỷ đồng chuyển sang năm 2004 để thực hiện cải cách tiền lương...
Với mục đích tạo ra cơ cấu tiền tệ hợp lý hơn và giúp cho việc giao dịch, thanh toán thuận lợi hơn, ngày 17/12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đưa vào lưu thông 5 loại tiền mới gồm 2 loại tiền in trên chất liệu polyme mệnh giá 500.000 đồng và 50.000 đồng, và 3 loại tiền kim loại mệnh giá 5.000 đồng, 1.000 đồng và 200 đồng. Việc đưa vào lưu thông các loại tiền mới này đã không gây ra biến động lớn về giá cả.
Giá cả thị trường trong tháng 12 tăng nhẹ so với tháng 11 do sản xuất nông nghiệp đang là thời điểm giáp hạt cuối năm, nhu cầu gạo hàng hoá cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu đều tăng, đồng thời mùa xây dựng đang lên tới cao điểm trước Tết Nguyên đán. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 ước tăng 0,8% so với tháng 11, tập trung vào một số nhóm hàng chủ yếu là lương thực thực phẩm và dịch vụ ăn uống (1,1%), nhà ở và vật liệu xây dựng (0,6%), may mặc, giày dép và mũ nón (0,5%) và nhóm hàng hóa và dịch vụ khác (1,7%). Chỉ số giá vàng và đô la trong tháng 12 có thời điểm tăng lên rất mạnh nhưng nhờ có sự can thiệp kịp thời của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên đã sớm bình ổn trở lại. Chỉ số giá vàng tăng 5,1%; chỉ số giá đô la tăng 0,5%.
Tính chung cả năm 2003, giá tiêu dùng tăng 3%, thấp hơn tốc độ tăng năm 2002 (năm 2002 tăng 4%), trong đó các nhóm hàng có chỉ số giá tăng cao hơn mức trung bình là đồ uống và thuốc lá (3,5%), may mặc, mũ nón và giày dép (3,4%), nhà ở và vật liệu xây dựng (4,1%), giáo dục (4,9%) và đặc biệt là dược phẩm và y tế (20,9%). Các nhóm hàng có chỉ số giá tiêu dùng cơ bản ổn định hoặc giảm nhẹ là lương thực và thực phẩm (2,8%), thiết bị và đồ dùng gia đình (1,9%), phương tiện đi lại, bưu điện (giảm 2%), văn hoá, thể thao và giải trí (giảm 1,3%). Chỉ số giá vàng tăng khoảng 26,6%; chỉ số giá đô la tăng khoảng 2,2%.
2. Các hoạt động trong lĩnh vực xã hội
2.1. Giáo dục, đào tạo
Trong tháng 12, ngành giáo dục tập trung thực hiện nhiệm vụ đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông, bước đầu đã tổ chức biên tập, thẩm định các bộ sách lớp 3 và lớp 8, hoàn thiện bản thảo sách giáo khoa thí điểm lớp 11 và tiếp tục biên soạn sách giáo khoa thí điểm lớp 12. Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai thực hiện thí điểm công tác đánh giá giáo viên tiểu học theo chuẩn tại 10 tỉnh, thành; dự kiến đợt thí điểm sẽ kết thúc vào cuối tháng 12/2003, sau đó Bộ sẽ mở rộng phạm vi đánh giá theo chuẩn cho khoảng 25 nghìn giáo viên của 10 địa phương trên.
Nhìn chung, công tác giáo dục tại các địa phương trong năm 2003 có nhiều tiến bộ; việc giảng dạy theo chương trình và sách giáo khoa mới được tiến hành thuận lợi, bước đầu đã đảm bảo các yêu cầu về chất lượng.
Trong tháng 12, ngành giáo dục đã hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ đề án Phát triển giáo dục từ xa, đề án Kết hợp đào tạo với nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học và các viện nghiên cứu; tiếp tục hoàn thiện các văn bản sửa đổi, bổ sung quy chế công tác học sinh, sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp; tổ chức nghiên cứu xử lý một số vấn đề bất hợp lý và bức xúc trong quá trình triển khai thực hiện Luật Giáo dục, nhất là những vấn đề bất hợp lý và bức xúc trong thi tốt nghiệp tiểu học, thu học phí giáo dục, dạy và học thêm, phân cấp quản lý giáo dục... Ngành giáo dục cũng đã tổ chức hội thảo về chương trình khung giáo dục đại học và sau đại học thuộc hai khối ngành kỹ thuật và công nghệ, thu hút trên 100 nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành tham gia thảo luận, góp ý cho chương trình.
Các địa phương đang tiếp tục triển khai thực hiện chương trình kiên cố hoá trường học đợt 1 với tiến độ được đẩy nhanh hơn. Ngay sau khi nhận được thông báo kinh phí đợt 2, các địa phương đang tích cực phân bổ vốn cho các đơn vị cơ sở để sớm triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2004.
2.2. Khoa học và công nghệ
Trong tháng 12, ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) tập trung thẩm định nội dung các đề tài, dự án sẽ được triển khai thực hiện trong năm 2004, gồm các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm cấp nhà nước đã trúng tuyển và đề tài hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ theo Nghị định 119/CP của Chính phủ. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để tổ chức các Hội nghị Khoa học và Công nghệ tại một số vùng, trước hết là tại vùng miền núi phía Bắc, vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, và vùng miền Đông Nam Bộ.
Bên cạnh đó, ngành khoa học và công nghệ đang tiếp tục hoàn thiện một số văn bản quản lý nhà nước về KH&CN như dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KH&CN, dự thảo Nghị định về thông tin KH&CN, dự thảo Nghị định về chính sách ưu đãi đầu tư vào khu công nghệ cao, dự thảo Quy chế tổ chức và quản lý hoạt động khoa học xã hội và nhân văn, dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Chất lượng hàng hoá, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức quản lý và thúc đẩy các hoạt động công nhận, chứng nhận và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế...
Đến nay, các Bộ, ngành và địa phương đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ điều tra cơ bản đề ra trong năm, trong đó một số nhiệm vụ, dự án đã được hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Một số kết quả nổi bật của công tác điều tra cơ bản năm nay là khai quật khảo cổ học khu vực dự kiến xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới) và phát hiện được nhiều cổ vật có giá trị lịch sử; đã tiến hành điều tra cơ bản về nguồn nước cho các vùng dân tộc khó khăn ở miền núi phía Bắc; đo và vẽ các loại bản đồ cho 4 tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn và khu vực Tây Nguyên; điều tra và xử lý các số liệu về khí tượng, thủy văn để tăng chất lượng dự báo khí tượng, thủy văn phục vụ hoạt động kinh tế và đời sống dân cư; xây dựng mô hình tính toán dự báo bão lũ và tăng cường trang thiết bị mạng lưới quan trắc và thông tin khí tượng thủy văn phục vụ công tác chỉ đạo phòng chống bão lũ; xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính quản lý đất khu vực đô thị và nông thôn; thăm dò trữ lượng một số khoáng sản quý như chì, kẽm, barít và đá ốp lát; điều tra địa chất khoáng sản vùng bờ biển; điều tra, xử lý và lưu trữ các thông tin về chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt và các loại chất cơ bản có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới môi trường đất, nước, không khí, sông, biển để đánh giá được hiện trạng môi trường và xu thế biến động của nó, trên cơ sở đó chuẩn bị các phương án xử lý thích hợp...
2.3. Công tác dân số, gia đình và trẻ em
Trong năm 2003, số trẻ sinh ra ước tăng 4,2% so với năm 2002, trong đó các địa phương có số trẻ sơ sinh tăng nhanh hơn dự kiến là Sơn La, Lạng Sơn, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Bình, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Vĩnh Long và Trà Vinh. Tính chung, chỉ tiêu giảm mức sinh cả nước năm 2003 chỉ đạt 0,37‰, không đạt kế hoạch đề ra là 0,4‰. Quy mô dân số nước ta hiện nay là 80,75 triệu người.
Trong tháng 12, các Bộ, ngành trung ương tiếp tục phối hợp với các địa phương tập trung giải quyết vấn đề trẻ em lang thang tại các thành phố lớn. 26 địa phương đã tiến hành rà soát số trẻ em rời địa phương đi lang thang đồng thời đối chiếu với số trẻ em lang thang đã lên danh sách ở 2 thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội để lên kế hoạch tiếp nhận. Nhiều địa phương đã kết hợp tuyên truyền với giúp đỡ các gia đình có trẻ em lang thang để tạo thuận lợi cho các gia đình khi tiếp nhận lại các em và không để các em bỏ nhà đi lang thang trở lại. Tỉnh Đồng Tháp đã hỗ trợ mỗi gia đình có con em lang thang 200 nghìn đồng để lên thành phố Hồ Chí Minh đón con em về. Một số tỉnh như Hà Nam, Hưng Yên, Thanh Hóa đã phối hợp với các doanh nghiệp, các trung tâm dạy nghề trên địa bàn tổ chức dạy nghề và nhận trẻ em lang thang vào làm việc tại doanh nghiệp. Nhiều xã tại các địa phương trên đã đưa vấn đề trẻ em lang thang của xã mình ra bàn bạc, tìm cách giải quyết tận gốc. Nhờ những cố gắng trên, đến nay, Hà Nội đã giảm được 70% số trẻ em lang thang; thành phố Hồ Chí Minh giảm trên 50%. Riêng trong tháng 12, thành phố Hồ Chí Minh đã đưa được 427 em về với gia đình.
2.4. Giải quyết việc làm
Bên cạnh hình thức hội chợ việc làm, trong tháng 12, các địa phương đã triển khai mạnh một số hình thức khác giúp người lao động tìm được việc làm như tư vấn việc làm, cung cấp rộng rãi thông tin về thị trường lao động, đẩy mạnh cho vay từ Quỹ Hỗ trợ việc làm... Đặc biệt, một số đơn vị quân đội khi thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc đã tạo ra nhiều việc làm cho người dân địa phương, như Binh đoàn 15 đã giải quyết việc làm cho gần 1 vạn đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên; Binh đoàn 16 đã hướng dẫn kỹ thuật trồng cà phê, tạo việc làm cho trên 5.000 hộ dân ở Bình Phước... Nhờ đó, trong tháng 12, cả nước đã giải quyết được việc làm cho khoảng 15,2 vạn người, trong đó riêng Quỹ Hỗ trợ việc làm đã tạo ra việc làm cho trên 4.000 người.
Tính chung cả năm 2003, trên toàn quốc, đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,52 triệu người, đạt 101,5% kế hoạch đề ra; trong đó Quỹ Hỗ trợ việc làm đã cho vay 900 tỷ đồng và giải quyết được việc làm cho 33 vạn người.
Công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tiếp tục được đẩy mạnh; các hoạt động quảng bá lao động và chuyên gia Việt Nam tiếp tục được tăng cường. Trong 15 ngày đầu tháng 12, đã đưa được gần 2.000 người đi xuất khẩu lao động; tính chung cả năm 2003 có thể đưa được 7,6 vạn người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đạt 152% kế hoạch năm. Các nước tiếp nhận nhiều lao động của nước ta là Malaixia (4 vạn người), Đài Loan (gần 2,7 vạn người), Nhật Bản (2.260 người) và Hàn Quốc (4.180 người).
2.5. Y tế và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng
Do triển khai tốt công tác phòng chống dịch tại các địa bàn trọng điểm, trong năm 2003, cả nước đã không xảy ra dịch bệnh lớn. Dịch hạch đã không xảy ra. Dịch tả được ngăn chặn ngay khi mới phát sinh, do đó, cả năm chỉ có 317 ca mắc và không có trường hợp tử vong. Bệnh thương hàn chỉ xảy ra rải rác ở một vài địa phương với 3.939 người mắc (giảm 33% so với năm 2002), trong đó có 2 trường hợp tử vong. Bệnh tiêu chảy có gần 76 vạn người mắc nhưng chỉ có 9 trường hợp tử vong, giảm 7% số người mắc và 30,8% số người tử vong. Trong năm có 479 người mắc bệnh viêm não do mô cầu, trong đó 13 người tử vong, so với năm 2002 giảm 10,7% về số mắc và tăng 8 trường hợp tử vong.
Tuy nhiên, trong năm 2003 vẫn có một số loại bệnh đã phát triển mạnh so với năm trước. Trong năm đã có 1.798 trường hợp mắc viêm não vi rút, trong đó 111 trường hợp tử vong, tăng 15,2% về số mắc và tăng 2,8 lần về số chết so với năm 2002. Số trường hợp mắc sốt xuất huyết lên tới gần 32 nghìn người, trong đó có 57 người tử vong, tăng 46% về số mắc và 58% về số tử vong. So với năm 2002, số trường hợp mắc và tử vong năm 2003 tuy đã giảm, nhưng nguy cơ gia tăng tại một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên còn khá cao.
Trong những tháng cuối năm 2003, đặc biệt là tháng 12, công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng và vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ SEA Games 22 đã chuẩn bị khá tốt; nhờ đó đã không xảy ra trường hợp đáng tiếc nào trong suốt thời gian diễn ra SEA Games 22. Các y, bác sĩ được cử tham gia phục vụ SEA Games 22 đã rất tận tình cấp cứu, điều trị các vận động viên bị chấn thương trong khi thi đấu, cũng như bị bệnh từ trước khi đến Việt Nam hoặc bị ốm do thay đổi thời tiết. Tinh thần và thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ nhân viên y tế Việt Nam được các nước bạn đánh giá cao.
Đến cuối tháng 11, cả nước đã phát hiện thêm 1.310 trường hợp nhiễm HIV, đưa tổng số người nhiễm HIV cả nước lên 74.130 người; trong đó có 11.339 bệnh nhân AIDS và 6.370 người đã chết vì AIDS. So với cùng kỳ năm 2002, số nhiễm HIV tăng 1,5%; số bệnh nhân AIDS tăng 22,9%.
2.6. Công tác xoá đói giảm nghèo
Trong những tháng cuối năm 2003, các hoạt động xoá đói giảm nghèo đã được tập trung thực hiện theo vùng và căn cứ vào tính đặc thù của từng vùng, từng địa phương. Bên cạnh đó, đã tăng cường liên kết giữa các tổng công ty, doanh nghiệp với các hộ nghèo, xã nghèo để nhân rộng mô hình kết hợp hỗ trợ xoá đói giảm nghèo với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ngoài ra, phong trào xây dựng và sử dụng có hiệu quả Quỹ Vì người nghèo tuy mới được phát động nhưng đã thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Nhờ các giải pháp trên, hiệu quả hoạt động xoá đói giảm nghèo đã tăng lên rõ rệt. Đến cuối năm 2003, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 11%, vượt mức 1,5% so với kế hoạch (12,5%). Như vậy, riêng trong năm 2003, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm tới 3%; đây là tốc độ giảm nhanh nhất kể từ năm 1998 đến nay.
Trong năm 2003, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã tích cực tham gia vào công tác xoá đói giảm nghèo thông qua nhiều chính sách cụ thể, đẩy mạnh công tác cho hộ nghèo vay vốn dưới nhiều hình thức khác nhau, nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo từ 5 triệu đồng lên 7 triệu đồng/hộ (riêng đối với các dự án chăn nuôi đại gia súc sinh sản, chăn nuôi lấy thịt, lấy sữa, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản..., áp dụng mức cho vay tối đa 10 triệu đồng/hộ nếu xét thấy dự án có hiệu quả, đảm bảo khả năng thu hồi gốc và lãi đúng hạn), cho vay tới 10 triệu đồng/người đối với các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài...
Đến 31/12/2003, tổng nguồn vốn của NHCSXH đạt khoảng 10.666 tỷ đồng. Ngân hàng đã thực hiện cho vay khoảng 10.110 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay hộ nghèo đạt 8.000 tỷ đồng (bình quân gần 3 triệu đồng/hộ); dư nợ cho vay học sinh, sinh viên 100 tỷ đồng; dư nợ cho vay giải quyết việc làm 1.950 tỷ đồng; dư nợ cho vay các đối tượng chính sách để đi lao động nước ngoài 10 tỷ đồng và dư nợ cho vay nhà trả chậm các hộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long 50 tỷ đồng.
2.7. Phát thanh truyền hình
Công tác phát thanh truyền hình năm 2003 tập trung phản ánh các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, các thông tin liên quan đến hoạt động kinh tế -xã hội của đất nước, tường thuật trực tiếp các sự kiện thời sự, chính trị và các lễ hội lớn; riêng trong tháng 12, công tác phát thanh truyền hình đã tập trung đưa tin về các hoạt động của SEA Games 22 và phong trào ủng hộ người nghèo. Nhìn chung, hoạt động phát thanh truyền hình năm 2003 đã bám sát được diễn biến tình hình thời sự, kịp thời cung cấp thông tin cho đông đảo tầng lớp nhân dân và được dư luận đánh giá cao.
Đến nay, Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam đã hoàn thành kế hoạch năm về số giờ chương trình phát thanh (48 nghìn giờ/năm) và số giờ phát sóng phát thanh (325 nghìn giờ/năm). Đài Truyền hình Việt Nam cũng đã hoàn thành kế hoạch năm 2003 về số giờ chương trình và vượt 1% kế hoạch năm về số giờ phát sóng phát truyền hình. Ngành phát thanh truyền hình đã đạt chỉ tiêu 93% số hộ nghe được Đài Tiếng nói Việt Nam và 86% số hộ xem được truyền hình Việt Nam.
2.8. Thể dục thể thao
Trong năm 2003, ngành thể dục thể thao đã đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chỉ thị 17-CT/TƯ về phát triển thể dục thể thao đến năm 2010, coi đây là hành động thiết thực thực hiện cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại". Nhờ đó, cả nước đã có 15% dân số với 9% số hộ gia đình thường xuyên tham gia luyện tập thể thao; 70% số trường học đảm bảo được nội dung chương trình giáo dục thể chất.
Trong năm 2003, ngành thể dục thể thao đã tổ chức thành công Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ IV; tổ chức tốt Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số miền núi toàn quốc lần thứ III; phối hợp với ngành văn hóa thông tin, tổ chức ngày hội văn hóa thể thao tại các vùng căn cứ cách mạng, ngày văn hoá thể thao trong dịp lễ hội du lịch ở Quảng Ninh... Đặc biệt, ngành đã chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, cán bộ và lực lượng vận động viên để tổ chức thành công Đại hội thể thao các nước Đông Nam á lần thứ 22 lần đầu tiên được tổ chức ở nước ta. Tại kỳ SEA Games 22, chúng ta đã đoạt 158 huy chương vàng, 97 huy chương bạc và 91 huy chương đồng, vươn lên đứng thứ nhất trong bảng tổng sắp huy chương. Hiện nay, ngành đang tập trung tổ chức tốt các hoạt động của ParaGames lần thứ 2. Việc tổ chức thành công SEA Games 22 không những đánh dấu một bước tiến lớn của nền thể thao Việt Nam mà còn góp phần tăng cường sự hiểu biết, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trong khu vực ASEAN vì hoà bình và phát triển.
2.9. Tình hình trật tự an toàn giao thông
Để đảm bảo tổ chức thành công Đại hội thể thao Đông Nam á lần thứ 22 và chuẩn bị đón năm mới Giáp Thân, công tác trật tự an toàn giao thông đã tiếp tục được đẩy mạnh trong những tháng gần đây. Các Bộ, ngành và địa phương đã kết hợp tuyên truyền giáo dục ý thức giữ gìn trật tự an toàn giao thông với tăng cường lực lượng kiểm tra, giám sát trên những địa bàn, tuyến đường trọng điểm. Bộ Công an cũng đã kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm luật lệ giao thông.
Tuy nhiên, do lưu lượng giao thông trong những tháng cuối năm đang tăng nhanh, kết hợp với các hoạt động SEA Games 22 đã diễn ra rất sôi động từ cuối tháng 11 nên số vụ tai nạn giao thông trong tháng 11 đã tăng mạnh so với tháng 10. Tại một số địa phương, tình trạng đua xe đã xuất hiện trở lại gây bức xúc trong dư luận. Trong tháng 11, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 1.632 vụ tai nạn giao thông, làm 1.029 người chết và 1.544 người bị thương; so với tháng 10 đã tăng 8,9% về số vụ tai nạn giao thông, 13,5% về số người chết và 8,7% về số người bị thương.
Tính chung 11 tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 19.047 vụ tai nạn giao thông, làm 10.727 người chết và 19.159 người bị thương; so với cùng kỳ năm 2002 đã giảm được 28% về số vụ tai nạn giao thông, 8% về số người chết và 34,6% về số người bị thương.
Tóm lại, tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và cả năm 2003 về cơ bản đã phát triển theo hướng tích cực, duy trì được mức tăng trưởng khá, nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn so với báo cáo trình ra Quốc hội (tháng 10/2003). Sản xuất công nghiệp liên tục giữ được tỷ lệ tăng trưởng ở mức cao và ổn định; sản xuất nông nghiệp tiếp tục ổn định, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản. Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ liên tục tăng lên qua các tháng cuối năm; thị trường nội địa phát triển mạnh, hoạt động du lịch những tháng cuối năm diễn ra sôi động; kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, nhưng nhập khẩu cũng tăng mạnh làm cho nhập siêu cả năm 2003 tăng nhanh; thực hiện vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng khá, nhất là nguồn vốn của khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực dân cư và tư nhân; hiệu quả sử dụng vốn đầu tư bước đầu được cải thiện, góp phần đáng kể vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao sức cạnh tranh của một số loại sản phẩm. Thu ngân sách nhà nước tăng khá so với dự toán năm; chi ngân sách đảm bảo được nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra; hoạt động tiền tệ tiến triển phù hợp với sự gia tăng của hoạt động kinh tế; giá cả thị trường cơ bản ổn định. Các hoạt động xã hội tiếp tục phát triển theo chiều hướng tích cực.
II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU TRONG NĂM 2003
Nhìn chung lại trong 3 năm vừa qua chúng ta đã có những bước tiến cơ bản trong việc thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm (2001-2005). Tuy nhiên, những gì đạt được vẫn còn thấp so với nhu cầu và khả năng có thể huy động được cho phát triển kinh tế- xã hội. Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội 3 năm qua vẫn chưa đạt được mức bình quân chung của kế hoạch 5 năm 2001-2005, do đó nhiệm vụ còn lại trong 2 năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2001-2005 mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã thông qua là rất nặng nề.
Đây là thách thức rất lớn không những đối với năm 2004 mà cả cho năm 2005. Chính vì vậy, năm 2004 đang đặt ra những yêu cầu rất cao cả về nhịp độ và chất lượng tăng trưởng, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước nói chung và đối với ngành Kế hoạch nói riêng phải nỗ lực phấn đấu, tập trung sức tạo môi trường, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội góp phần vào việc hoàn thành thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã được Quốc hội đề ra, tạo đà thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm 2001-2005.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư