Báo cáo tình hình Kinh tế - Xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2003
TÌNH HÌNH KINH TẾ-XÃ HỘI THÁNG 8 VÀ 8 THÁNG ĐẦU NĂM 2003
(Tóm tắt báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ
tại cuộc họp thường kỳ tháng 8-2003)
Trong tháng 7 và tháng 8, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với một số bộ, ngành và địa phương nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đề xuất những giải pháp cần tập trung chỉ đạo thực hiện trong những tháng cuối năm. Nhờ sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, sự nỗ lực phấn đấu của các bộ, ngành, các địa phương, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 nhìn chung tiếp tục phát triển tốt. Dưới đây là một số nét chủ yếu về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2003:
1. Các hoạt động kinh tế
1.1. Sản xuất công nghiệp tiếp tục đạt được tốc độ tăng trưởng cao, nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 8 ước tăng 16,3% so với tháng 8 năm 2002, tính chung 8 tháng đầu năm tăng khoảng 15,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 14%), trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 12,3% (Trung ương tăng 12%, địa phương tăng 12,8%); khu vực ngoài quốc doanh tăng 18,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,8%.
Do có thị trường tiêu thụ, nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu trong 8 tháng đầu năm 2003 đã đạt tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ như: than sạch tăng 18,6%; thủy sản chế biến 17,7%; sứ vệ sinh 32,3%; quạt điện dân dụng 45%; bột ngọt 19,2%; đường mật các loại 31,7%; quần áo dệt kim 35,2%; quần áo may sẵn 51,2%; động cơ điện 19,3%; động cơ điezen 167%; tivi các loại 32,5%; ô tô các loại 41,1%; bia 16,2%. Các sản phẩm dệt may tăng cao nhờ phát triển được thị trường Mỹ, sản xuất ôtô tăng mạnh do nhu cầu thị trường trong nước tăng đột biến trước việc Chính phủ dự kiến sẽ tăng thuế ôtô vào cuối năm nay.
Một số sản phẩm có tốc độ tăng trưởng khá mặc dù vẫn thấp hơn tốc độ bình quân chung của toàn ngành công nghiệp như điện tăng 14,4%; thép cán tăng 15,6%; thuốc lá bao 15,1%; giấy bìa các loại 15%; xi măng 14,9%; ắc quy 11,1%; phân hóa học 10,7%; gạch xây 13%.
Tuy nhiên, vẫn còn có một số sản phẩm có tốc độ tăng trưởng chậm hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước do thay đổi điều kiện sản xuất hoặc bị cạnh tranh gay gắt bởi hàng nhập khẩu sau khi được giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình AFTA từ 1/7/2003, như dầu thô khai thác tăng 7%; vải lụa thành phẩm tăng 8%; xà phòng các loại tăng 7,2%; gạch lát tăng 5,3%; Xút NaOH tăng 1,7%; thuốc viên các loại tăng 2,6%; xe máy lắp ráp tăng 1,9%; thuốc trừ sâu giảm 0,3%; thuốc ống các loại giảm 1,2%; máy công cụ giảm 12,8%; máy biến thế giảm 3,9%; xe đạp hoàn chỉnh giảm 31,2%...
Theo địa bàn sản xuất, công nghiệp 8 tháng đầu năm tại nhiều địa phương vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, nhất là các địa phương có qui mô và tỷ trọng sản xuất công nghiệp lớn như Hà Nội tăng 28,4%; Bình Dương 36,1%; Đồng Nai 17,8%; Vĩnh Phúc 16,4%; Thanh Hóa 19,1%; Đà Nẵng 22,7%; Khánh Hoà 20,5%; Cần Thơ 18,2%; Hà Tây 30,5%; Hải Dương 17,5%; Hải Phòng 16,6%; Quảng Ninh 16,1% và Thành phố Hồ Chí Minh tăng 15,1%.
Trong 8 tháng đầu năm, khu vực công nghiệp ngoài quốc doanh liên tục dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp. Một số tỉnh, thành phố do biết khai thác tốt thế mạnh của địa phương và tạo được môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi nên công nghiệp ngoài quốc doanh phát triển khá cao so với các thành phần kinh tế khác, như Cần Thơ 50,3%; Hà Tây 38,4%; Hải Phòng 23%; Vĩnh Phúc 27,2%; Quảng Ninh 21,5%; Khánh Hoà 26,4%; Hải Dương 25,2%; Thành phố Hồ Chí Minh 18,3%...
1.2. Sản xuất nông nghiệp vượt qua nhiều khó khăn về thời tiết, duy trì được sản xuất ổn định.
Trong tháng 8, cơn bão số 4 và 5 đã đổ bộ vào vùng Đông Bắc nước ta gây mưa to và ngập úng ở một số tỉnh phía Bắc; trong khi đó các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên, nắng hạn tiếp tục làm cạn kiệt nguồn nước ở nhiều ao, hồ, sông, suối, ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai hạn hán, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp tục phát triển. Các địa phương phía Bắc đang tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa và các cây trồng vụ mùa, một số địa phương đang khẩn trương cấy diện tích lúa mùa muộn. Đến ngày 15/8/2003, cả nước đã gieo cấy được 1.496,7 nghìn ha lúa mùa, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó các địa phương phía Bắc đã gieo cấy được 1.224 ngàn ha lúa mùa, đạt 94,2% kế hoạch và tương đương với cùng kỳ năm trước. Do nắng hạn kéo dài, các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị không hoàn thành được kế hoạch gieo cấy lúa mùa năm nay; diện tích gieo cấy toàn vùng chỉ đạt 96% so với cùng kỳ năm trước.
Các địa phương phía Nam tiếp tục thu hoạch lúa hè thu và gieo cấy lúa mùa. Đến ngày 15/8/2003, đã thu hoạch được 1.147,6 ngàn ha lúa hè thu, bằng 53,5% diện tích gieo cấy và tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch được 1.043 ngàn ha, bằng 56,5% diện tích gieo cấy và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Các tỉnh có tốc độ thu hoạch lúa hè thu nhanh là Vĩnh Long đạt 100% diện tích gieo cấy: An Giang đạt 81,4%; Đồng Tháp đạt 81,1%; Long An đạt 66%; Cần Thơ đạt 61%. Đến ngày 15/8/2003, đã gieo cấy được 271,8 ngàn ha lúa mùa; hiện lúa đang sinh trưởng và phát triển khá.
Đến 15/8/2003, các địa phương trong cả nước đã gieo trồng được 525 nghìn ha rau, đậu các loại, tăng 1,2% so với cùng kỳ; 741 nghìn ha ngô, tăng 12,7%; 295 nghìn ha sắn, tăng 18,6%. Nhiều loại hoa quả tiếp tục được mùa, đặc biệt là nhãn ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngành thủy sản vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, nhất là nuôi trồng thủy sản. Tổng sản lượng thủy sản tháng 8/2003 ước đạt 220 nghìn tấn, tính chung 8 tháng đạt 1,7 triệu tấn, bằng 68,3% kế hoạch năm và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2002. Nuôi trồng thủy sản phát triển nhanh, sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 8/2003 ước đạt 100 nghìn tấn, tính chung 8 tháng đạt 697 nghìn tấn, bằng 63,9% kế hoạch năm và tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2002. Mô hình nuôi cá trong ao đang được phổ biến rộng rãi. Việc nuôi tôm hùm, tôm sú và tôm chân trắng đang phát triển mạnh do được giá. Công tác kiểm dịch giống và tập huấn kỹ thuật cho bà con ngư dân trong nuôi trồng thủy sản tiếp tục được tăng cường.
Khai thác hải sản phát triển ổn định; sản lượng tháng 8/2003 ước đạt 120 nghìn tấn, tính chung 8 tháng đạt trên 1 triệu tấn, bằng 71,7% kế hoạch năm và tăng hơn 1% so với cùng kỳ năm 2002. C
1.3. Các lĩnh vực dịch vụ tiếp tục phát triển tuy tốc độ tăng trưởng chưa cao, một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có mức tiêu thụ khá
Trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và hoạt động xã hội đều phát triển khá nên đã tạo điều kiện để thị trường trong nước tiếp tục phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 8 ước đạt 25,8 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với tháng 7; tính chung 8 tháng đầu năm đạt khoảng 200 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế nhà nước đạt 33 nghìn tỷ đồng, chiếm 16,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa; kinh tế tập thể đạt 1,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9%; kinh tế cá thể đạt 130,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 65,2%; kinh tế tư nhân đạt 31,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 15,6%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 3,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,8%.
Công tác quản lý thị trường đã có nhiều cố gắng, song trình trạng sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn chưa bị đẩy lùi. Trong 8 tháng, cả nước đã phát hiện và xử lý 3.164 vụ vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng với tổng số tiền phạt thu được trên 300 tỷ đồng. Tình trạng dùng hóa chất, phẩm màu không được phép sử dụng trong khâu chế biến thực phẩm vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nhiều thực phẩm tươi sống lưu thông trên thị trường không được kiểm dịch. Việc kiểm tra, xử lý hàng giả còn gặp nhiều khó khăn do thiếu các thiết bị kỹ thuật cần thiết và do chi phí kiểm định mẫu hàng hóa cao.
Ngành du lịch đã bước đầu phục hồi sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch bệnh SARS. Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 8 đã cao hơn các tháng trước đó, ước đạt khoảng 120 nghìn lượt người; tính chung 8 tháng đầu năm, số khách quốc tế ước hơn 1,3 triệu lượt người, bằng 75% so với cùng kỳ. Số khách nội địa ước đạt hơn 9 triệu lượt người, tăng 2% so với cùng kỳ. Tuy vậy chất lượng hoạt động các ngành dịch vụ nhìn chung còn thấp và chậm được đổi mới.
Trong 8 tháng đầu năm, vận tải hàng hóa tăng 6,3% về tấn và 3% về tấn.km so với cùng kỳ năm trước, vận tải hành khách tăng 4,5% về lượt hành khách và 3% về hành khách.km. Nguyên nhân của việc tăng trưởng chậm là do ảnh hưởng của chiến tranh Irắc và dịch bệnh SARS trong những tháng đầu năm nên vận tải hàng hóa ngoài nước tăng không đáng kể, đặc biệt vận tải hành khách ngoài nước giảm 18,7% về lượt hành khách và giảm 14,3% về hành khách.km.
Tuy nhiên, vận tải hành khách bằng phương tiện công cộng tại các thành phố lớn đang có xu hướng tăng lên trong những tháng gần đây. Để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của dân cư, các trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng tại các thành phố lớn đã kịp thời điều chỉnh lộ trình, mở thêm tuyến, tăng chuyến, tăng giờ phục vụ hành khách. Ngoài ra, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã thay thế một số loại xe buýt cũ, khả năng vận chuyển thấp bằng các loại xe buýt mới có khả năng vận chuyển cao hơn.
1.4. Xuất khẩu tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao; nhập siêu có xu hướng giảm.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 8 ước đạt 1,72 tỷ USD, trong đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất khẩu (kể cả dầu thô) đạt 830 triệu USD.
Tính chung, kim ngạch xuất khẩu 8 tháng ước đạt 13,3 tỷ USD, bằng 74,8% kế hoạch năm và tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 6.645 triệu USD, bằng 82% kế hoạch năm và tăng 38,1% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm trung bình đạt 1.664 triệu USD/tháng, đây là mức tăng bình quân cao nhất từ trước đến nay.
Các mặt hàng có mức tăng trưởng về kim ngạch cao so với cùng kỳ là: dệt may tăng 57,9%; giầy dép 29%; dây điện và cáp điện 58,6%; sản phẩm gỗ 41,6%; hàng điện tử 38,8%; máy vi tính và linh kiện 28,7%; xe đạp và phụ tùng xe đạp 26,7%; hạt điều 32,8; sản phẩm nhựa 18,6%. Các mặt hàng có mức tăng trưởng về lượng cao so với cùng kỳ là: than đá tăng 23,6%; gạo 23,5%.
Xuất khẩu mặt hàng dệt may tăng trưởng nhanh là nhờ sự tăng lên đột biến của thị trường Mỹ; tuy nhiên, do nhiều doanh nghiệp quá chú trọng xuất hàng vào thị trường này nên kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường EU, Trung Quốc, Hồng Kông đều bị giảm sút. Xuất khẩu giày dép vẫn phụ thuộc chủ yếu vào thị trường EU (62% tổng kim ngạch) và Mỹ (13%), nhưng giá trị và hiệu quả thấp vì vẫn xuất khẩu hàng gia công là chính. Vấn đề lớn nhất của ngành da giày hiện nay là sự lệ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và chưa có mạng lưới tiêu thụ trực tiếp tại các thị trường lớn.
Các mặt hàng có khối lượng hoặc kim ngạch xuất khẩu tăng chậm là: thủy sản tăng 12,7% (về kim ngạch), hàng thủ công mỹ nghệ tăng 8% (về kim ngạch), dầu thô tăng 4% (về lượng). Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng chậm là do hàng thủy sản vào thị trường Mỹ bị đánh thuế cao và xuất khẩu sang các thị trường châu á bị giảm. Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ tăng chậm do mẫu mã, chất lượng hàng nước ta còn thấp, chưa đủ sức cạnh tranh tại các nước công nghiệp phát triển.
Các mặt hàng có khối lượng hoặc kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ chủ yếu là nông sản, như về lượng, lạc nhân giảm 19,8%; chè giảm 23,9%; cà phê giảm 5,9%; cao su giảm 5,7%; về kim ngạch, hàng rau quả giảm 28,5%. Riêng xuất khẩu hạt tiêu 8 tháng đầu năm đạt 82 triệu USD, bằng mức cùng kỳ năm trước.
Về cơ cấu, đến nay Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta, chiếm trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu; tiếp đến là các thị trường EU (19%), Nhật Bản (trên 13%), Trung Quốc (khoảng 7,5%), Singapo (5%), Inđônêxia (4%), Hàn Quốc (2,3%) và Malaixia (2,3%).
Kim ngạch nhập khẩu tháng 8 ước đạt 1,95 tỷ USD, trong đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 720 triệu USD. Tính chung trong 8 tháng đầu năm, nhập khẩu ước đạt 16,2 tỷ USD, bằng 79,1% kế hoạch năm và tăng 33,3% so với cùng kỳ năm 2002; trong đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu gần 5,7 tỷ USD, bằng 81,3% kế hoạch năm và tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2002.
Các mặt hàng chủ yếu có kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh trong 8 tháng đầu năm là linh kiện và phụ tùng ô tô tăng 43,3%; máy vi tính và linh kiện 104,5%; vải các loại 50,2%; tân dược 22,9%; máy móc thiết bị 41,5%; nguyên liệu dệt may da 27,5%; hóa chất 27,4%, giấy các loại 34,4%, linh kiện điện tử 13,6%. Riêng nhập khẩu phân bón, xăng dầu và chất dẻo nguyên liệu tăng chậm, dưới 8%.
Những mặt hàng nhập khẩu giảm so với cùng kỳ là bông các loại giảm 13%; sợi các loại giảm 18,2%; ô-tô nguyên chiếc giảm 14,6%, linh kiện xe máy giảm 10,2%, phôi thép giảm 11,6%.
Nhập siêu 8 tháng khoảng 2,9 tỷ USD, bằng 21,9% kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, nhập siêu trong tháng 8 chỉ khoảng 230 triệu USD, giảm mạnh so với trung bình của 7 tháng đầu năm (381 triệu USD).
1.5. Đầu tư phát triển
Vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước tập trung ước thực hiện trong tháng 8 đạt gần 2500 tỷ đồng, lũy kế 8 tháng đạt trên 17 nghìn tỷ đồng, bằng 75,5% kế hoạch năm; trong đó các bộ, ngành trung ương 8 tháng đạt gần 10 nghìn tỷ đồng, bằng 84,1% kế hoạch năm; các địa phương đạt khoảng 7,1 nghìn tỷ đồng, bằng 65,9% kế hoạch năm.
Một số bộ, ngành trung ương thực hiện vốn đầu tư cao hơn 60% kế hoạch năm là Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn (95,3%), Bộ Giao thông Vận tải (87,8%), Bộ Thủy sản (61,7%), Bộ Giáo dục và Đào tạo (62%), Bộ Văn hóa và Thông tin (60,2%), Bộ Y tế (63,4%). Riêng Bộ Xây dựng và Bộ Công nghiệp thực hiện kế hoạch thấp (45,6% và 52,8%).
Ước đến hết tháng 8/2003, có 17 tỉnh, thành phố thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách tập trung đạt trên 80% kế hoạch năm, gồm Lạng Sơn, Yên Bái, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hoà, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Bình Thuận, Tiền Giang, Bến Tre và An Giang. Ngoài ra, có 8 tỉnh, thành phố có thể thực hiện từ 70 đến 80% kế hoạch năm là Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Phước, Long An.
Tuy nhiên, đến nay vẫn có một số tỉnh, thành phố thực hiện vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước rất thấp, dưới 50% kế hoạch năm, điển hình là Tuyên Quang, Lào Cai, Thái Nguyên, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và ngay cả thành phố Hồ Chí Minh.
Giải ngân ODA trong 8 tháng ước đạt khoảng 898 triệu USD, bằng 52% kế hoạch năm; trong đó vốn vay đạt khoảng 782 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại khoảng 116 triệu USD.
Trong tháng 8, có 23 dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy phép với tổng số vốn đăng ký là 119 triệu USD; có 6 dự án tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm là 11 triệu USD. Tính chung 8 tháng đầu năm, cả nước có 389 dự án được cấp giấy phép đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 1039 triệu USD, tăng 7% về vốn đầu tư nhưng giảm 23% về số dự án so với cùng kỳ 2002; có 243 dự án tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm là 554 triệu USD, tăng 56% về số dự án và 8% về vốn so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 8, vốn thực hiện dự án đạt 260 triệu USD; cả 8 tháng đầu năm vốn thực hiện dự án đạt 1760 triệu USD (tương đương 27,3 nghìn tỷ đồng), tăng 4% so với cùng kỳ năm 2002.
1.6. Tài chính, tiền tệ, giá cả
Thu ngân sách nhà nước lũy kế đến 15 tháng 8 bằng 66,4% dự toán năm; trong đó, thu nội địa (không kể dầu thô) bằng 63,6% dự toán năm (giá xuất khẩu dầu thô bình quân 29USD/thùng); thu từ dầu thô bằng 82,6% dự toán năm; thu từ xuất nhập khẩu bằng 60,8% dự toán năm.
Trong tổng thu nội địa từ đầu năm đến 15 tháng 8, thu từ doanh nghiệp nhà nước đạt 57,6% dự toán năm; thu doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt 65,4% dự toán năm; thu thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh đạt 67% dự toán năm.
Chi Ngân sách Nhà nước đến 15 tháng 8 đạt 60,4% dự toán năm; trong đó chi đầu tư phát triển đạt 58,5% dự toán năm; chi phát triển sự nghiệp kinh tế xã hội đạt 62,4% dự toán năm; chi trả nợ và viện trợ đạt 65% dự toán năm. Bội chi ngân sách đến 15 tháng 8 bằng 43,6% dự toán năm.
Tổng phương tiện thanh toán tháng 8/2003 tăng 1,15% so với tháng 7, tính chung 8 tháng đầu năm tăng 12,1%, tương đương với tốc độ tăng trưởng của cùng kỳ năm 2002 (11,9%).
Nguồn vốn huy động đến cuối tháng 8 ước tăng 13,2% so với 31/12/2002, tương đương với tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm trước (13,6%); trong đó tiền gửi bằng VNĐ tăng 20,1%, bằng ngoại tệ tăng 0,2%. Riêng trong tháng 8, nguồn vốn huy động ước tăng 1%; trong đó tiền gửi bằng VNĐ tăng 1,6%, bằng ngoại tệ giảm 0,25%.
Dư nợ cho vay toàn nền kinh tế ước đến cuối tháng 8 ước tăng 17,6% so với 31/12/2002, tăng nhẹ so với tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm trước (17,1%); trong đó cho vay bằng VNĐ tăng 14,2%, cho vay bằng ngoại tệ tăng 30,2%. Riêng trong tháng 8/2003, dư nợ cho vay tăng 1,4%, trong đó cho vay bằng VNĐ tăng 1,4%, bằng ngoại tệ tăng 1,5%.
Giá cả thị trường 8 tháng đầu năm nhìn chung tương đối ổn định và vận động theo quy luật chung của các năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 ước giảm 0,1% so với tháng 7, trong đó giá tất cả các nhóm hàng đều ổn định hoặc chỉ tăng, giảm từ 0,1-0,3% so với tháng 7. Như vậy, chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục xu hướng giảm, theo đúng diễn biến đã xảy ra trong những năm gần đây.
Tính chung trong 8 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,7% so với tháng 12/2003 (cùng kỳ tăng 2,8%), chỉ số giá vàng tăng 10%, chỉ số giá đô la tăng 0,9%.
2. Các hoạt động trong lĩnh vực xã hội
2.1. Giáo dục, đào tạo
Việc tuyển sinh vào các trường đại học và cao đẳng được thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch. Nhìn chung các trường đã thực hiện đúng quy chế chấm thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đến nay, tất cả các trường đại học đã công bố điểm chuẩn và phát giấy gọi học sinh trúng tuyển. Trong tháng 8, ngành giáo dục đã đẩy nhanh tiến độ phát hành sách giáo khoa, nhất là sách lớp 2 và lớp 7, để đảm bảo cung cấp đủ sách giáo khoa cho học sinh đúng dịp khai giảng năm học mới. Công tác bồi dưỡng giáo viên dạy lớp 2 và lớp 7 được tiến hành theo đúng tiến độ. Ngành cũng đã bồi dưỡng cho 1200 giáo viên dạy lớp 10 thí điểm theo sách giáo khoa thí điểm lớp 10 mới.
2.2. Khoa học công nghệ
Các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo đúng tiến độ. Việc nghiệm thu và lựa chọn để ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào một số ngành kinh tế đã được quan tâm hơn, nhất là kết quả nghiên cứu thuộc các đề tài về giống nông nghiệp, đưa công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn...
Việc xây dựng các khu công nghệ cao đang tiến triển tốt; việc giải phóng mặt bằng và kêu gọi đầu tư cho Khu Công nghệ cao Hoà Lạc và Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đang được khẩn trương triển khai thực hiện. Các bộ, ngành, địa phương đang tập trung thực hiện Đề án 95 về ứng dụng và phát triển Công nghệ Thông tin theo Chỉ thị 58/CT-TW của Bộ Chính trị, thực hiện Đề án 47 về Tin học hóa các hoạt động của các cơ quan Đảng từ Trung ương đến địa phương, Đề án 112 về Tin học hóa quản lý hành chính nhà nước. Đến nay, đã bước đầu hình thành được các mạng thông tin diện rộng và các trung tâm tích hợp dữ liệu tại nhiều bộ, ngành và địa phương.
Đã tổ chức tuyển chọn 2 dự án xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm khu vực phía Nam, gồm Phòng thí nghiệm về công nghệ tế bào thực vật và Phòng thí nghiệm về công nghệ vật liệu. Tiến độ đầu tư đang được thực hiện đúng kế hoạch; các cơ quan khoa học đã dành 30% tổng mức vốn đầu tư để đầu tư cho các phòng thí nghiệm trọng điểm.
2.3. Giải quyết việc làm
Các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo thêm việc làm mới cho người lao động; đặc biệt, một số địa phương như Hải Phòng, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Bình Định đã phát triển hình thức hội chợ việc làm. Trong 8 tháng đầu năm, thông qua hình thức hội chợ việc làm, thành phố HCM đã thu hút 48 nghìn lao động của thành phố và các tỉnh lân cận đến đăng ký việc làm, trong đó đã tuyển dụng được 9000 lao động; thành phố Đà Nẵng đã thu hút hơn 21 nghìn lượt người tham gia, trong đó đã tuyển dụng được khoảng 2000 lao động; Thái Nguyên cũng đã tuyển được 1200 lao động. Nhìn chung, năm nay số lao động sơ cấp và phổ thông được tuyển dụng nhiều hơn so với lao động có tay nghề cao.
Xuất khẩu lao động: Trong tháng 8, đã đưa được khoảng 5600 người đi làm việc ở nước ngoài, chủ yếu sang các thị trường Đài Loan (1245 người), Malaixia (3230 người), Nhật Bản (347 người), Hàn Quốc (583 người). Ước 8 tháng đã đưa đi lao động ở nước ngoài được 5,2 vạn người.
Tuy nhiên, một số hiện tượng tiêu cực xảy ra như người lao động ở Đài Loan bỏ trốn, người lao động Việt Nam tại Malaixia đình công không chịu làm việc... làm ảnh hưởng nhất định tới công tác xuất khẩu lao động. Trong thời gian tới, cần có biện pháp xử lý kịp thời các hiện tượng tiêu cực trên.
2.4. Y tế và phát triển cộng đồng
Các thành phố lớn đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm và xử lý vi phạm hành chính về an toàn vệ sinh thực phẩm tại hàng chục nghìn cơ sở; tổ chức các buổi nói chuyện, các lớp tập huấn kiến thức về VSATTP.
Các chương trình mục tiêu về xóa đói, giảm nghèo đã được triển khai thực hiện tốt trên hầu hết các địa phương. Chất lượng xây dựng nhiều công trình liên quan đến xóa đói giảm nghèo; hiệu quả sử dụng vốn trong các công trình xóa đói giảm nghèo đã được tăng khá.
Bảo trợ xã hội: Trong tháng 8, Chính phủ đã xuất 3400 tấn gạo và 4 tỷ đồng hỗ trợ cứu đói cho nhân dân các vùng bị hạn hán và thiên tai 6 tháng đầu năm.
2.5. Phát thanh truyền hình
Công tác phát thanh truyền hình tháng 8 và 8 tháng qua đã tập trung vào việc tuyên truyền, phổ biến các tấm gương người tốt, việc tốt, các địa phương, các cá nhân làm kinh tế giỏi và vận động các tầng lớp nhân dân noi theo. Bên cạnh đó, đã tăng thời lượng phát thanh, truyền hình quảng bá văn hóa các dân tộc để phát triển giao lưu văn hóa giữa các địa phương, tăng cường sự đồng thuận giữa các dân tộc. Đã tổ chức tốt Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc, giải Sao Mai - 2003, góp phần động viên phong trào văn nghệ quần chúng phát triển.
Trong 8 tháng, đã thực hiện hơn 37 nghìn giờ chương trình phát thanh, trên 204 nghìn giờ phát sóng phát thanh, 24,4 nghìn giờ chương trình truyền hình và gần 267 nghìn giờ phát sóng truyền hình.
2.6. Thể dục thể thao
Công tác chuẩn bị Seagames 22 về cơ bản đã diễn ra theo đúng tiến độ. Tất cả các công trình phục vụ Seagames về cơ bản sẽ hoàn thành trước ngày 30/9, trong đó hai công trình trọng điểm là Sân vận động quốc gia và Cung thể thao dưới nước đã được hoàn thành. Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành sớm Nhà thi đấu Phú Thọ và Cao ốc Phan Văn Đạt. Hà Nội đang khẩn trương chuẩn bị lễ khai trương Sân vận động quốc gia.
Ban tổ chức đã chuẩn bị xong nơi ăn ở cho các đoàn thể thao, hiện đang đào tạo nhân viên để nâng cao chất lượng dịch vụ. Các thành phố, địa phương đăng cai tổ chức các môn thi đấu Seagames đang tăng kinh phí nhằm chỉnh trang đường phố, lập lại văn minh đô thị. Đặc biệt, một số địa phương sẽ phát động phong trào vận động nhân dân xung quanh các điểm thi đấu tự chỉnh trang nhà cửa, khu phố sạch, đẹp.
Kế hoạch tập luyện nhằm duy trì và nâng cao trình độ chuyên môn, tổ chức các đợt thi đấu quốc gia và quốc tế đang được tích cực triển khai. Ngành thể thao đang và sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều giải thi đấu tiền Seagames giúp các tuyển thủ có cơ hội cọ xát, nâng cao chuyên môn và tự tin trong thi đấu...
2.7. Tình hình trật tự an toàn giao thông
Sau 8 tháng thực hiện Nghị quyết 13/2002/NQ-CP và Nghị định 15/2002/NĐ-CP của Chính phủ, tình hình trật tự an toàn giao thông trên toàn quốc nhìn chung đã có nhiều chuyển biến rất tích cực. Người dân tham gia giao thông đã có ý thức chấp hành luật lệ giao thông cao hơn; nhất là tại các vùng đô thị, ý thức này đã bắt đầu ăn sâu vào nhận thức của người dân. Tình hình tai nạn giao thông trong tháng 7 giảm hơn cùng kỳ năm 2002, giảm 27,3% về số vụ, giảm gần 30% số người bị thương. Tuy nhiên, số người chết tăng 4,9% so với cùng kỳ.
Tóm lại, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm về cơ bản đã phát triển tốt. Sản xuất công nghiệp tiếp tục đạt được tốc độ tăng trưởng cao (15,9%); nông nghiệp và các lĩnh vực dịch vụ duy trì được sản xuất ổn định; xuất khẩu tăng trưởng mạnh (25,7%), nhập siêu có xu hướng giảm; huy động và thực hiện vốn đầu tư phát triển tăng khá, nhiều công trình trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ; thu ngân sách nhà nước đã đạt 2/3 dự toán năm, bảo đảm được các khoản chi; bước đầu chặn được xu hướng tăng lãi suất trên các thị trường vốn; giá cả thị trường ổn định; các hoạt động xã hội tiếp tục phát triển theo chiều hướng tích cực.
Tuy nhiên, khó khăn trong 4 tháng cuối năm còn rất lớn, nhất là việc giải ngân vốn tín dụng đạt thấp, sức cạnh tranh ngày càng quyết liệt, một số vấn đề xã hội còn bức xúc... Để thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2003, trong 4 tháng cuối năm, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 02 của Chính phủ và các Nghị quyết tại các phiên họp thường kỳ hàng tháng của Chính phủ, đặc biệt là một số vấn đề sau:
Một là, tiếp tục thực hiện các giải pháp huy động vốn đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển. Chính phủ sớm phát hành trái phiếu chính phủ để huy động vốn cho các dự án quan trọng. Thực hiện tốt Luật Doanh nghiệp, thu hút vốn nhàn rỗi của các thành phần kinh tế vào đầu tư phát triển. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài, cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các dự án sản xuất điện, xi măng, thép... Tăng cường khâu kiểm tra, thanh tra các dự án đầu tư; thực hiện nghiêm túc công tác giám định đầu tư; kịp thời phát hiện và xử lý các vấn đề tồn tại, phát sinh trong đầu tư xây dựng cơ bản.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, tập trung vào những nhóm hàng, mặt hàng đang có thị trường tiêu thụ và có khả năng tăng thêm. Tiếp tục tìm các biện pháp giảm chi phí sản xuất, đồng thời tìm thêm các đầu ra cho sản phẩm. Chủ động chuẩn bị các giải pháp đối phó trong trường hợp bị nước ngoài kiện bán phá giá các mặt hàng xuất khẩu.
Ba là, tăng cường các biện pháp phòng chống thiên tai, rà soát ngay các phương án bảo vệ đê điều và các công trình ven sông; củng cố đê điều ở những nơi xung yếu. Tăng cường công tác dự báo thời tiết có biện pháp chủ động đối phó.
Bốn là, tập trung mọi nỗ lực để tổ chức tốt Seagames 22 và Đại hội Thể thao Người khuyết tật Paragames.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư