Báo cáo tình hình Kinh tế - Xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2003
TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 6 VÀ 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2003
(Tóm tắt báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 6/2003)
I. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI
Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2003 tiếp tục có những chuyển biến tích cực, nhờ tiêu dùng và đầu tư trong nước tăng khá, nên đã duy trì mức tăng trưởng kinh tế.
Tuy phải đương đầu với những khó khăn, thách thức do hạn hán thiên tai gây ra trong quý I và bệnh dịch SARS trong quý II, nhưng nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng khá: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,9%, trong đó quý I tăng 6,88%, quý II tăng 6,92%, cao hơn cùng kỳ năm 2002 là 0,4% (6 tháng năm 2002, GDP tăng 6,5%, trong đó quý I tăng 6,53%, quý II tăng 6,46%). Nổi bật là:
Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng cao; giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm tăng 15,7% so với cùng kỳ. Chất lượng tăng trưởng toàn ngành đã có cải thiện, tốc độ tăng giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp (GDP công nghiệp) đạt 9,9% so với với cùng kỳ, do bước đầu đã thực hiện một số giải pháp giảm chi phí sản xuất của ngành (cùng kỳ chỉ đạt 7,7%), đã góp phần vào mức tăng chung của cả nền kinh tế.
Xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng 32,6% so với cùng kỳ, tỷ trọng xuất khẩu chiếm 48,7% GDP. Thị trường trong nước và sức mua có nhiều cải thiện của dân cư đã góp phần tiêu thụ tốt hàng hóa trên thị trường; tiếp tục là động lực để thúc đẩy sản xuất phát triển.
Nguồn vốn đầu tư phát triển tiếp tục được huy động khá, tăng trên 23% so với cùng kỳ và bằng 36,8% GDP, trong đó vốn trong nước chiếm trên 70%. Thu ngân sách nhà nước tăng 9,5% so với cùng kỳ và đạt 51,6% dự toán, nhiều tỉnh, thành phố thu ngân sách đạt trên 54% dự toán và tăng trên 15% so với cùng kỳ, thu nội địa có nhiều khởi sắc, tăng 13,5% và chiếm tới 50% tổng thu ngân sách nhà nước.
Một số vấn đề xã hội đã có những chuyển biến tích cực, nhất là việc khống chế và kiểm soát được bệnh dịch SARS, giải quyết có kết quả bước đầu tình trạng ùn tắc giao thông và kiềm chế tai nạn giao thông...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình kinh tế xã hội còn những yếu kém cần sớm được khắc phục:
Trước hết, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) tuy đạt được mức cao (6,9%) so với 6 tháng đầu năm 2002, nhưng vẫn thấp hơn 6 tháng cuối năm 2002 (6 tháng cuối năm 2002 là 7,5%) và chưa đạt mức kế hoạch đề ra là 7-7,5%, đòi hỏi phải nỗ lực hơn trong các quý còn lại để đạt được mục tiêu đề ra.
Sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn, chưa khắc phục được những yếu tố thời tiết, khí hậu; giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đạt thấp, chỉ tăng 3,5% so với cùng kỳ. Việc tiêu thụ một số sản phẩm như cá basa, chè... đang gặp khó khăn; hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với nhà máy chưa phát huy hiệu quả.
Các hoạt động dịch vụ như du lịch, vận tải tăng trưởng chậm, giá trị các ngành dịch vụ chỉ tăng 6,8% so với cùng kỳ, chưa đạt kế hoạch cả năm đề ra là 7-7,2%. Mức nhập siêu vẫn còn lớn, gần 2,4 tỷ USD, chiếm tới 24% kim ngạch xuất khẩu.
Nhiều vấn đề xã hội rất bức xúc: giá thuốc chữa bệnh tăng cao, gây bất lợi cho người bệnh; tình trạng nghiệm hút, cờ bạc, mại dâm chưa được đẩy lùi; ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân chưa được nâng lên rõ rệt.
1. Đánh giá và phân tích các hoạt động cụ thể về kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm:
Nền kinh tế 6 tháng qua vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Chất lượng tăng trưởng của một số ngành và lĩnh vực kinh tế đã có cải thiện hơn... Cơ cấu kinh tế trong từng ngành, từng lĩnh vực đã có sự dịch chuyển tích cực. Các ngành sản xuất, dịch vụ đã bám sát thị trường, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Đổi mới công nghệ, hiện đại hóa từng khâu sản xuất; phát huy thế mạnh trong từng ngành và từng sản phẩm; tạo ra sự chuyển biến đáng kể tỷ trọng của các ngành kinh tế trong GDP theo chiều hướng tích cực và hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
1.1. Trong nông nghiệp có sự khởi đầu dịch chuyển cơ cấu sản phẩm theo hướngtừ phát triển cây, con có giá trị thu nhập thấp sang cây, con có giá trị thu nhập cao; từ các sản phẩm cung đã vượt cầu sang các sản phẩm có thị trường tiêu thụ rộng hơn và ổn định hơn. Các địa phương đang tích cực cập nhật, rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch, bố trí lại sản xuất, chuyển một phần diện tích lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản, trồng cây công nghiệp. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, người sản xuất không chỉ chú trọng về số lượng, đã quan tâm hơn đến chất lượng và giá trị của sản phẩm, hiệu quả đầu tư và thu nhập trên một đơn vị diện tích đất.
Những chuyển dịch đó đã tạo ra khả năng phát triển mới cho sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Phong trào chăn nuôi bò sữa, nuôi tôm trên cát, chuyển đổi cây trồng, mùa vụ để tăng giá trị thu nhập lên 50 triệu đồng trên 1 ha diện tích đất nông nghiệp ở các vùng đồng bằng Bắc Bộ đang phát triển mạnh.
Diện tích lúa vụ Đông Xuân năm nay giảm so với năm 2002 trên 10 ngàn ha, chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long, do được chuyển sang nuôi trồng thủy sản và các cây trồng khác; diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 1.050 ngàn ha, tăng khoảng 100 ngàn ha. Tỷ trọng diện tích và sản lượng lúa gạo chất lượng cao trong vụ lúa Đông xuân năm 2003 đã tăng nhiều so với năm 2002. Các vùng cây công nghiệp tập trung ở Tây Nguyên, Đông Nam bộ, ở vùng núi phía Bắc đang có sự cơ cấu lại diện tích và cây trồng.
Ngành thủy sản tiếp tục phát triển mạnh mẽ, giá trị sản xuất ước tăng 9% so với cùng kỳ năm 2002 (cùng kỳ 6,2%), trong đó giá trị nuôi trồng thủy sản tăng 16,8%. Sản lượng cá biển khai thác tăng 2% so với cùng kỳ; cá nuôi tăng 4,1%; tôm nuôi 16,7%... Tỷ trọng ngành thủy sản chiếm 21,3% trong giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp.
Ngành trồng trọt đã có bước khởi đầu trong việc chuyển sang sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Hầu hết các sản phẩm chủ yếu của ngành trồng trọt có nhu cầu đều tăng so với cùng kỳ: ngô tăng 31,7%; cao su 35%; hạt điều thô 9,5%; hạt tiêu 31,1%; thuốc lá 12,5%. Riêng về sản lượng lương thực, tỷ trọng diện tích và sản lượng lúa gạo chất lượng cao trong vụ lúa Đông Xuân năm 2003 đã tăng nhiều so với năm 2002.
Chăn nuôi phát triển khá, nhiều mô hình chăn nuôi tập trung kiểu trang trại đã được hình thành ở một số địa phương. Quy mô chăn nuôi hộ gia đình đang phát triển và được nhân rộng. Sản phẩm chăn nuôi tiêu thụ tốt. Sản lượng thịt lợn hơi tăng 9,7%; thịt bò hơi tăng 7,4%; sữa tươi tăng 12,1%. Giá trị sản lượng ngành chăn nuôi chiếm khoảng 20,2% trong giá trị sản xuất nông nghiệp thuần.
Kinh tế nông thôn đã bắt đầu phát triển đa dạng. Nhiều làng nghề được khôi phục. Chương trình hỗ trợ hạ tầng làng nghề, xây dựng chợ nông thôn, phát triển hạ tầng khu công nghiệp nhỏ và vừa đã thu hút được nhiều nguồn vốn trong dân cư. Thu nhập của nông dân nhiều vùng đã tăng lên.
Tuy nhiên, sản xuất nông lâm ngư nghiệp vẫn còn nhiều yếu tố chưa vững chắc, việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp và sản xuất nông thôn mới chỉ là bước đầu và còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch cụ thể. Đặc biệt là ngành nuôi trồng thủy sản ở một số vùng phát triển không theo quy hoạch đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, tôm nhiễm bệnh chết hàng loạt, tình trạng phải thả đi thả lại nhiều lần vẫn thường xảy ra ở một số nơi. Chi phí sản xuất còn cao, nạn cháy rừng, phá rừng còn nghiêm trọng.
Mặt khác, sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu; và những diễn biến của thị trường giá cả ở trong nước và ngoài nước.
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,5%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2002 là 5,6%), trong đó ngành nông nghiệp tăng 2,4% (cùng kỳ năm 2002 là 6%).
Đời sống nông dân nhiều vùng còn khó khăn, chưa được cải thiện.
Nguyên nhân chủ yếu là do việc thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và nông thôn vẫn còn chậm và tỏ ra lúng túng; sản xuất nông nghiệp vẫn còn trong tình trạng thủ công lạc hậu, làm cho chi phí tăng cao.
Ngoài những tác động do giá đầu vào vật tư sản xuất nông nghiệp tăng, do rét đậm ở phía Bắc trong tháng đầu năm và hạn hán đang xảy ra nghiêm trọng ở miền Trung, Tây Nguyên và một số nơi trong cả nước... còn có những tác động chủ quan, làm tăng các chi phí phát sinh như chi phí cho việc khắc phục cháy rừng, khắc phục tôm chết hàng loạt... đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp, làm giảm tốc độ tăng trưởng của ngành.
Bên cạnh đó, việc đầu tư thiếu đồng bộ, chắp vá, chưa tạo được điều kiện thuận lợi để thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, phát huy tính chủ động chuyển đổi mùa vụ để né tránh thiên tai.
Quy hoạch các vùng nguyên liệu chưa gắn với các cơ sở chế biến. Việc thực hiện các hợp đồng giữa cơ sở chế biến, người trồng nguyên liệu và khâu lưu thông chưa được vận hành thông suốt...
Công tác khuyến nông, khuyến ngư, việc đưa khoa học công nghệ vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp còn chậm, chưa có những kết quả tích cực.
1.2. Sản xuất công nghiệp đã có bước tiến trong việc cơ cấu lại sản xuất, đổi mới công nghệ, phát huy lợi thế của từng ngành, từng sản phẩm, gắn sản xuất với thị trường. Nét nổi bật chủ yếu trong sản xuất công nghiệp 6 tháng qua là:
Một là, sản xuất công nghiệp đạt được nhịp độ tăng trưởng cao, sản phẩm tiêu thụ khá trên thị trường.
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 6 tăng 0,4% so với tháng trước và 6 tháng đầu năm tăng 15,7%, cao hơn so với cùng kỳ nhiều năm trước đây (cùng kỳ 2001 và 2002 đều tăng 13,9%); trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 11,8%; khu vực ngoài quốc doanh tăng 18,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,1%.
Khối lượng sản xuất nhiều sản phẩm chủ yếu tăng cao và tiêu thụ tốt trên thị trường trong nước và ngoài nước như: điện sản xuất tăng 15,3%; than sạch tăng 16,1% do tăng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Trung Quốc; thép cán tăng 18,9%, xi măng tăng 14,9%, sứ vệ sinh tăng 32,4%, gạch xây tăng 15,6%, giấy bìa các loại tăng 17,8%.
Đặc biệt là các sản phẩm dệt may như quần áo dệt kim tăng 37,1%, quần áo may sẵn tăng 62,8%, thủy sản chế biến tăng 19,5%... do thị trường xuất khẩu sang Mỹ được khai thác mạnh.
Một số mặt hàng công nghiệp chế biến khác cũng tăng mạnh như bột ngọt tăng 20,5%, đường mật các loại tăng 59%, bia tăng 16,6%, thuốc lá bao tăng 15,2%, sữa hộp tăng 15,5%, xà phòng các loại tăng 16%,
Các sản phẩm cơ khí tiêu dùng như động cơ động cơ điện tăng trên 28%, động cơ điezen tăng 89%, ti vi các loại tăng gần 28%, quạt điện dân dụng tăng 46,8%, lắp ráp ô tô các loại tăng gần 41%, xe máy các loại tăng 15%... do chất lượng đã được nâng lên, được thị trường chấp nhận, mức tiêu thụ đạt khá.
Riêng dầu thô sau thời kỳ khai thác sụt giảm nay đã tăng trưởng do phát huy được công suất các mỏ hiện có và tìm thêm được một số mỏ dầu mới.
Hai là, sản xuất công nghiệp đã dần dần đi vào thế ổn định và phát triển có chất lượng, cơ cấu sản phẩm đã có sự chuyển dịch đáng kể.
Trong quá trình sắp xếp lại sản xuất, nhất là ở khu vực kinh tế quốc doanh, các doanh nghiệp đã triển khai thực hiện một số giải pháp giảm chi phí sản xuất như đầu tư trang bị lại một số dây chuyền công nghệ, thay thế những thiết bị máy móc cũ kỹ, tiết kiệm tiêu hao năng lượng, tiêu hao vật tư trong chu trình sản xuất, đổi mới công tác quản lý doanh nghiệp, tiếp cận thị trường, tìm kiếm đầu ra của sản phẩm... nên chi phí sản xuất trong công nghiệp bước đầu đã được khống chế, làm cho giá trị tăng thêm toàn ngành đã đạt gần 10%, cao hơn 2,2% so với cùng kỳ.
Cơ cấu ngành công nghiệp đã có sự dịch chuyển theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến, dựa vào khả năng phát triển nguồn nguyên liệu trong nước (công nghiệp chế biến ước chiếm khoảng 82,5%) hướng vào các sản phẩm có thị trường tiêu thụ khá như thép, xi măng, hóa chất, cao su, nhựa, sản phẩm bằng kim loại, thiết bị văn phòng, máy tính, thiết bị điện, điện tử và truyền thông.
Mặt khác, sự tham gia các khu vực kinh tế trong sản xuất công nghiệp đã có chuyển biến tích cực: khu vực nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng 38-39% giá trị sản xuất toàn ngành và có mức tăng trưởng ổn định trên 11-12%; tỷ trọng khu vực ngoài quốc doanh có xu hướng tăng dần, hiện chiếm 25-26% và có mức tăng trưởng cao đạt 18,2%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 35-36% và có mức tăng trưởng 18,1%.
Sự tham gia của các thành phần kinh tế trong sản xuất công nghiệp đã làm cho sản xuất công nghiệp mang tính đa dạng cả về quy mô sản xuất, trình độ công nghệ, chủng loại và chất lượng sản phẩm, đáp ứng những nhu cầu khác nhau của các tầng lớp dân cư có mức thu nhập khác nhau.
Ba là, hầu hết các trung tâm công nghiệp lớn của đất nước bước đầu phát huy những lợi thế về công nghệ, phát triển khá, đóng góp tích cực cho phát triển chung toàn ngành.
Các địa phương có tỷ trọng công nghiệp lớn đều tăng khá so với cùng kỳ, nhất là khu vực ngoài quốc doanh và đầu tư nước ngoài như: Hà Nội tăng 31%, Thành phố Hồ Chí Minh tăng 15,9%, Bình Dương tăng 35,2%.
Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp đang đứng trước một số khó khăn:
Trước hết, chi phí sản xuất tuy có giảm hơn trước, nhưng so với yêu cầu vẫn còn cao, hạn chế khả năng nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp trên thị trường trong quá trình hội nhập, nhất là đối với các sản phẩm phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu như chế biến thực phẩm và đồ uống, dệt, may, da giày, sản phẩm thép và kim loại màu, máy móc thiết bị cơ khí, sản phẩm thiết bị điện, hóa chất cơ bản, phân bón, lốp ôtô, ôtô, xe máy, giấy, hàng điện tử, sản phẩm nhựa... Một số sản phẩm tiêu thụ còn khó khăn.
Cơ cấu công nghệ và trình độ công nghệ trong sản xuất công nghiệp nhìn chung chậm đổi mới. ở những vùng công nghiệp tập trung như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hà Nội..., thì trình độ công nghệ trong sản xuất công nghiệp cũng đã bị xuống cấp, trong khi đó tỷ lệ đổi mới hàng năm là rất ít.
Bộ máy quản lý doanh nghiệp còn cồng kềnh, kém hiệu quả, thường chiếm từ 6-10% tổng số lao động của doanh nghiệp. Năng lực quản trị doanh nghiệp hiện đại còn yếu, thiếu sự chuẩn bị để đối phó với các thách thức trong quá trình hội nhập.
1.3. Các ngành dịch vụ có bước chuyển dịch tích cực, theo hướng đáp ứng tốt hơn các nhu cầu về sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống dân cư
Lưu thông hàng hóa trong nước 6 tháng đầu năm vẫn duy trì được mức ổn định, sức mua của dân cư tăng và có nhiều cải thiện. Nhu cầu tiêu dùng, mua sắm, xây cất nhà ở... của nhân dân trong 6 tháng qua tăng mạnh, làm cho thị trường khá sôi động.
Tổng mức hàng hóa bán lẻ và tiêu dùng xã hội 6 tháng đầu năm tăng khoảng 10,7% so với cùng kỳ; khu vực kinh tế trong nước chiếm 98,2%.
Đối với một số mặt hàng như: xăng dầu, phân bón, sắt thép, gas,... trong các tháng đầu năm giá cả biến động thất thường, song đã thực hiện các giải pháp xử lý kịp thời, nên không xảy ra sốt giá, hay biến động cung cầu lớn.
Bên cạnh những mặt đạt được, còn một số mặt chưa được cần phải khắc phục sớm, tiêu thụ sản phẩm và điều tiết cung cầu một số hàng hóa trên một số vùng cũng còn gặp khó khăn.
Hoạt động du lịch có nhiều cố gắng, nhưng do bị ảnh hưởng của chiến tranh I-rắc và bệnh dịch SARS nên đã làm hạn chế khả năng phát triển. Hai tháng đầu năm, ngành du lịch vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Từ cuối tháng 3, dịch bệnh SARS đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của ngành. Các thị trường du lịch lớn của nước ta như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan đều nằm trong vùng dịch bệnh SARS làm lượng khách du lịch quốc tế giảm mạnh. Tháng 3, lượng khách quốc tế giảm 50 nghìn lượt người và chỉ tăng 1,2% so với tháng 3 năm 2002. Tháng 4 và tháng 5, lượng khách quốc tế đến Việt Nam liên tục giảm (tháng 4 giảm 30,2%, tháng 5 giảm 54% so với cùng kỳ năm 2002). Nhiều khách sạn chỉ đạt công suất sử dụng buồng 20-30%.
Do khống chế thành công dịch bệnh SARS, đồng thời cùng với việc đẩy mạnh các biện pháp quảng cáo, khuyến mại... nên trong tháng 6 ngành du lịch đã có bước phục hồi. Nhiều công ty lữ hành đã đón những chuyến tàu có hàng trăm du khách, trong đó chủ yếu là người Nhật, tạo được tâm lý yên tâm cho khách du lịch quốc tế khi đến Việt Nam.
Ước 6 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam khoảng trên 1,1 triệu lượt người, bằng khoảng 86% cùng kỳ; khách nội địa ước đạt hơn 6,5 triệu lượt người, tăng khoảng 2% so với cùng kỳ.
Dịch vụ vận tải đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đi lại của dân cư; ước khối lượng vận tải hàng hóa 6 tháng tăng 5,4 % về tấn vận chuyển và 2,1% về tấn Km luân chuyển so với cùng kỳ. Vận tải hành khách 6 tháng đầu năm tăng 4,6% về hành khách vận chuyển và 1,8 % về hành khách luân chuyển.
Dịch vụ bưu chính viễn thông tiếp tục phát triển. Từ đầu năm đến nay đã thực hiện 3 lần giảm giá cước. Do giảm giá cước, thuê bao viễn thông được phát triển, ước 6 tháng đầu năm thuê bao mới đạt trên 856 nghìn thuê bao mới, đạt 61,2% kế hoạch; thuê bao gián tiếp Internet đạt trên 97 nghìn thuê bao.
Tuy nhiên, giá cước viễn thông của ta vẫn còn cao nhiều so với các nước trong khu vực, cần tiếp tục nghiên cứu giảm một cách toàn diện mới đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh.
1.4. Nguồn lực phát triển trong nền kinh tế có nhiều cải thiện:
Thu ngân sách Nhà nước đạt khá, 6 tháng đầu năm đạt 51,6% dự toán năm, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chủ yếu là nguồn thu nội địa (không kể dầu thô) tăng khá. Trong 6 tháng đầu năm, mức thu nội địa (không kể dầu thô) đạt 50,3% kế hoạch năm, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về thu Ngân sách nhà nước tại các địa phương, trong 6 tháng đầu năm, có 53/61 tỉnh, thành phố đạt trên 50% dự toán năm, 32/61 tỉnh, thành phố đạt trên 54% dự toán năm. So với cùng kỳ năm 2002, hầu hết các địa phương đều thu cao hơn. Có 37 tỉnh, thành phố tăng thu trên 15%, 12 tỉnh thành phố tăng thu từ 10-12%. Các địa phương có thu ngân sách lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương... đều đạt mức tăng thu trên 12% so với cùng kỳ năm 2002.
Tổng chi Ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm đạt 45,2% dự toán năm, và tăng 14% so với cùng kỳ 2002.
Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 43,5% dự toán năm, tăng 6,8% so với cùng kỳ 2002, chi thường xuyên đạt 49,7% dự toán năm, các khoản chi nghiên cứu khoa học, các chương trình xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, chương trình 135... tiến độ chi chậm, và còn lúng túng trong việc thực hiện các dự án được giao.
Một số diễn biến về giá cả:
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2003 giảm 0,3% so với tháng 5; tính chung 6 tháng (so với tháng 12/2002) tăng 2,1%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng đầu năm, giá chỉ tăng trong tháng 1 và tháng 2 là thời gian trước và sau Tết Nguyên đán. Tháng 3, giá giảm 0,6%; tháng 4, chỉ số giá không tăng, tháng 5 giá giảm 0,1% và tháng 6 tiếp tục giảm 0,3%.
Giá vàng tăng 10,1% do giá vàng nhập khẩu tiếp tục tăng.
Nguồn lực của đất nước đã được huy động cho đầu tư phát triển khá, cơ cấu đầu tư đã có những đổi mới hướng vào thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội.
Chính sách kích cầu đầu tư tiếp tục phát huy tác dụng, nguồn lực phát triển kinh tế được huy động khá, vượt kế hoạch đề ra.
Ước thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đạt 47,9% kế hoạch và tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2002.
Các công trình trọng điểm được tập trung bảo đảm tiến độ như: đường Hồ Chí Minh đạt 89% kế hoạch, Quốc lộ 1 đoạn Đông Hà - Quảng Ngãi; đường xuyên á, Quốc lộ 10, cầu Đá Bạc, Quốc lộ 18, Quốc lộ 1 đoạn thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, các cầu đường sắt Mỹ Chánh, Phú Bài, Nong, Phong Lệ, Kỳ Lam, 4 cầu trên đường Hồ Chí Minh (Cẩm Thủy, Làng Ngàn, Tri Lễ, Long Đại Đông), quốc lộ 1B thuộc đoạn Hà Nội - Lạng Sơn, cầu tàu 2 vạn tấn cảng Nha Trang, sân bay Tuy Hoà. Các công trình phục vụ SEAGAMES, nhà ga hàng không mới tại Điện Biên Phủ, 45 cầu giao thông nông thôn miền Trung - Tây Nguyên, cảng Long Bình.
6 tháng đầu năm đã trồng mới được 21.000 ha/ 73.400 ha rừng, đạt 28% kế hoạch cả năm.
Các công trình phục vụ cho SEAGAMES 22: đã tập trung thực hiện Sân vận động Quốc gia, Khu thể thao dưới nước và các hạng mục khác của Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia đảm bảo tiến độ thi công và đang bước vào giai đoạn hoàn thiện. Các công trình khác của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Phú Thọ, Hà Tây, Ninh Bình, Vĩnh Phúc,... cũng được Uỷ ban Nhân dân các tỉnh chỉ đạo triển khai theo kế hoạch. Dự kiến, đến 30/8/2003, hầu hết các công trình, dự án trực tiếp phục vụ SEAGAMES 22 và PARAGAMES 2 sẽ được hoàn thành và nghiệm thu để có thời gian vận hành thử trước lễ khai mạc.
Tuy nhiên, còn một số tồn tại trong kế hoạch đầu tư phát triển năm 2003:
Nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước giải ngân chậm.
Bố trí vốn đầu tư thuộc Ngân sách Nhà nước còn phân tán, dàn trải.
Nhiều Bộ, ngành, địa phương vẫn chưa đảm bảo tuân thủ đúng quy định, đặc biệt là đối với các dự án đầu tư thuộc nguồn vốn của các địa phương. Nhiều dự án nhóm C thuộc nguồn vốn ngân sách bố trí kế hoạch đã vượt quá 2 năm.
Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc do chưa xác định được cơ chế thống nhất trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng.
Về việc giải ngân, thanh toán khối lượng đầu tư hoàn thành chậm.
1.5. Hoạt động kinh tế đối ngoại tiếp tục được cải thiện góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế đất nước:
a. Xuất khẩu tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng cao, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2003 ước đạt gần 9,8 tỷ USD, bình quân khoảng trên 1,6 tỷ USD/tháng, là mức khá cao; bằng 54,9% kế hoạch và tăng 32,6% so với cùng kỳ, trong đó các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt khoảng 2,9 tỷ USD, bằng 59,8% kế hoạch và tăng 41,8% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2003 tăng cao so với cùng kỳ chủ yếu là do chính sách thúc đẩy xuất khẩu phát huy tác dụng, nhiều mặt hàng có lượng xuất khẩu tăng mạnh, thêm vào đó giá cả cũng gặp nhiều thuận lợi hơn cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, chỉ riêng đối với các mặt hàng tính được thì tăng kim ngạch do lượng xuất khẩu tăng là 1.662 triệu USD, tăng do giá là 572 triệu USD.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng so với cùng kỳ cả về lượng và kim ngạch như:
Dầu thô tăng gần 550 triệu USD, trong đó do tăng về lượng với trị giá khoảng 85 triệu USD, tăng về giá (bình quân khoảng 30%) được lợi khoảng 463 triệu USD; hàng dệt may tăng gần 700 triệu USD, chủ yếu xuất khẩu vào thị trường Mỹ; hàng giày dép tăng gần 230 triệu USD, trong đó 80% kim ngạch được xuất khẩu vào thị trường EU; hàng thủy sản tăng trên 130 triệu USD, do phát triển được thị trường Mỹ, tăng cường thêm thị trường Nhật Bản và EU, riêng thị trường Trung Quốc giảm khoảng 40%. Việc Mỹ vẫn áp đặt thuế chống bán phá giá từ 38% đến 63% đối với các tra, cá ba-sa xuất vào thị trường Mỹ gây không ít khó khăn cho xuất khẩu hàng thủy sản của ta. Gạo tăng gần 120 triệu USD (chủ yếu do tăng khối lượng là 841 nghìn tấn).
Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 12,2 tỷ USD, bằng 59,3% kế hoạch và tăng 38,5% so với cùng kỳ năm 2002; trong đó các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt 4.215 triệu USD (chiếm 34,7% kim ngạch nhập khẩu cả nước), bằng 60,2% kế hoạch và tăng 43% so với cùng kỳ.
b. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI):
Trong 6 tháng đầu năm 2003 có 281 dự án được cấp giấy phép đầu tư, với vốn đăng ký đạt 710,2 triệu USD, bằng 80,7% về số dự án và tăng 13,7% về vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2002.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài thực hiện (kể cả dầu khí) đạt 1.250 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ; trong đó đầu tư vào ngành công nghiệp và xây dựng (kể cả dầu khí) chiếm 78%, đầu tư vào khu vực nông nghiệp chỉ chiếm 8% và đầu tư vào dịch vụ chiếm 14%. Cùng thời gian, có 204 dự án được tăng vốn, với số vốn tăng thêm 462 triệu USD, tăng 31% về số dự án và bằng 90% về vốn so với cùng kỳ. Các dự án tăng vốn tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 76,5% tổng số dự án tăng vốn và 74% tổng số vốn tăng thêm. Đài Loan và Nhật Bản là các đối tác có nhiều dự án tăng vốn nhất (Đài Loan chiếm 28,1% về số dự án và 17% về vốn tăng thêm, tỷ lệ tương ứng của Nhật Bản là 15,3% và 15,5%). Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều dự án tăng vốn nhất, chiếm 34% về số dự án và 34% về số vốn tăng thêm.
c. Viện trợ phát triển (ODA):
Quan hệ hợp tác phát triển với các đối tác tiếp tục phát triển tích cực; nước ta được coi là đối tác ưu tiên nhận viện trợ của nhiều nhà tại trợ (Nhật Bản, Pháp, Đức, Bắc Âu...). Trong xu thế cắt giảm ODA chung, nhiều nước vẫn cam kết tăng viện trợ cho ta.
Từ đầu năm đến 17 tháng 6 năm 2003, tổng giá trị các hiệp định ODA được ký kết đạt 1.111 triệu USD, trong đó vốn vay là 986 triệu USD và viện trợ không hoàn lại là 124 triệu USD. Các khoản vay có giá trị lớn đã ký kết là 6 Hiệp định tín dụng ưu đãi thuộc tài khóa 2002 của JBIC với tổng trị giá 79,33 tỷ Yên (tương đương khoảng 600 triệu USD), Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn và lưới điện đồng bộ (tín dụng lần 3) trị giá 180,74 triệu USD, Hệ thống cáp quang biển trục Bắc - Nam trị giá 162,47 triệu USD, cải tạo hệ thống thóat nước Thành phố Hồ Chí Minh (tín dụng lần 2) trị giá 131,62 triệu USD, Tín dụng thực hiện các dự án hạ tầng nông thôn quy mô nhỏ trị giá 88 triệu USD, Xa lộ Đông - Tây Thành phố Hồ Chí Minh (tín dụng lần 3) trị giá 56,46 triệu USD và Khôi phục cầu trên Quốc lộ 1 (giai đoạn 3) trị giá 41,77 triệu USD.
Ước giải ngân ODA 5 tháng đạt khoảng 420 triệu USD (vốn vay khoảng 420 triệu USD, viện trợ không hoàn lại khoảng 65 triệu USD), mới bằng 25% kế hoạch giải ngân của năm 2003.
1.6. Về một số vấn đề xã hội:
a. Về giáo dục, đào tạo:
Trong 6 tháng đầu năm, ngành giáo dục đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ chính: Chuẩn bị các điều kiện thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa: triển khai đại trà chương trình, sách giáo khoa mới năm thứ 2 đối với lớp 1 và lớp 6; năm thứ nhất đối với lớp 2 và lớp 7 để phục vụ khai giảng năm học 2003-2004. Đến nay, gần 16 triệu bản sách lớp 2 (gồm 20 cuốn, kể cả sách bài tập và sách giáo viên), gần 12 triệu bản sách lớp 7 (gồm 39 cuốn kể cả sách bài tập và sách giáo viên) đã được in và phát hành, đạt 60% kế hoạch. Đến khai giảng (9/2003) sẽ đảm bảo đầy đủ kịp thời sách đến tay học sinh và giáo viên.
Công tác bồi dưỡng giáo viên trong hè được triển khai sớm hơn năm trước. Đến hết ngày 20/5, đã bồi dưỡng cho 3.600 giáo viên cốt cán cấp tỉnh dạy lớp 2 và 3.300 giáo viên dạy lớp 7. Từ 20/6 đến 20/8 các lớp bồi dưỡng giáo viên ở các địa phương sẽ được triển khai đồng loạt.
Tiếp tục triển khai thực hiện đề án đổi mới công tác tuyển sinh đại học cao đẳng, trung học và chuyên nghiệp. Đã tiến hành kiểm tra và hướng dẫn các địa phương chuẩn bị các điều kiện đảm bảo cho kỳ thi tuyển sinh năm nay. Tính đến 18/05/2003, tổng số lượt thí sinh đăng ký dự tuyển thi nguyện vọng 1 vào đại học, cao đẳng khoảng 1,48 triệu học sinh, bằng 92% so với năm trước. Số thí sinh đăng ký thi vào cao đẳng và trung học chuyên nghiệp tăng 20-30% so với năm trước.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông đã được thực hiện nghiêm túc, đề thi ra đúng chương trình, phù hợp với trình độ của học sinh. Còn một số sai sót nhỏ trong đề thi vật lý phần lý thuyết; đề thi môn lịch sử … Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn xử lý để đảm bảo quyền lợi của học sinh. Theo báo cáo sơ bộ, học sinh tốt nghiệp tiểu học năm học 2002-2003 đạt 99,4%, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 96,4%, học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đạt gần 91,7%.
Thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, cả nước đã tiến hành đợt phát hành công trái giáo dục đạt được 2.439 tỷ đồng; đợt 1 đã phân bổ 700 tỷ đồng cho 53 tỉnh, thành phố có lớp học ca 3. Ban chỉ đạo kiên cố hóa trường, lớp học ở các địa phương đang phân bổ kinh phí cho các huyện, xã. Một số tỉnh, thành phố đã khởi công dự án xây dựng trường, lớp trong những tháng nghỉ hè để kịp đưa vào sử dụng đầu năm học 2003-2004 như Bến Tre, Thái Nguyên, Nghệ An, Lào Cai,...
b. Về khoa học và công nghệ:
Công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ đang được triển khai tích cực; đã tập trung vào những định hướng nghiên cứu ứng dụng, phục vụ yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được nghiệm thu và đưa vào ứng dụng.
Các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước, Chương trình nghiên cứu Dầu khí Vịnh Bắc Bộ, Chương trình giống quốc gia, Đề án kế hoạch tổng thể về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, Đề án xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm tiếp tục được thực hiện theo đúng tiến độ đề ra.
Khu công nghệ cao Hoà Lạc và khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đang được tiến hành triển khai trong các khâu giải phóng mặt bằng, đền bù, xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, tiến độ triển khai quá chậm.
Đề án 112 về Tin học hóa quản lý hành chính nhà nước và các hoạt động của Đảng đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai cụ thể thông qua việc hình thành các mạng thông tin diện rộng và trung tâm tích hợp dữ liệu.
c. Về giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động:
Ước 6 tháng đầu năm đã giải quyết việc làm cho 68 vạn người. Trong đó, có 53 vạn chỗ làm việc mới (nông, lâm, ngư nghiệp 11 vạn người; công nghiệp và xây dựng 15,7 vạn người; thương mại dịch vụ 22,3 vạn người và xuất khẩu lao động 4 vạn người), lao động thay thế 15 vạn người.
Các doanh nghiệp mới thành lập đi vào hoạt động thu hút được khoảng 12 đến 15 vạn lao động. Các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài đi vào hoạt động đã tạo ra 1,5 vạn chỗ làm việc mới.
Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm đã cho vay trên 5.000 dự án nhỏ với doanh số 240 tỷ đồng, đạt 25,8% kế hoạch cả năm (gồm 160 tỷ đồng vốn thu hồi, 60 tỷ đồng vốn mới cấp bổ sung và 20 tỷ đồng vốn của các địa phương tự huy động), ước giải quyết việc làm cho từ 10-12 vạn người. Việc cho vay đối với các dự án nhỏ đạt thấp, do việc chuyển giao giữa Kho bạc Nhà nước sang Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện chậm.
Ước 6 tháng tuyển được 2 vạn người vào khu vực Nhà nước, chủ yếu là thay thế những người về hưu, thôi việc. Đưa được 4 vạn người đi làm việc ở nước ngoài, đạt 80% kế hoạch năm 2003; trong đó, đi Malaysia khoảng 2 vạn người; Đài Loan 8.170 người; Hàn Quốc 1.900 người.
Đã triển khai, nhân rộng mô hình tăng cường trách nhiệm của chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương trong tuyển chọn và đào tạo lao động xuất khẩu, nên 45/61 tỉnh, thành phố đưa được lao động đi làm việc nước ngoài. Hải Dương là tỉnh đã thực hiện tốt mô hình tăng cường trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong tuyển chọn, đào tạo và đưa đi lao động nước ngoài, nên không có trường hợp nào bị lừa đi xuất khẩu lao động. Thành phố Hồ Chí Minh có chính sách khuyến khích ưu đãi trợ vốn Quỹ xoá đói giảm nghèo và ưu tiên tuyển chọn số lao động thuộc diện hộ đói nghèo đi làm việc ở nước ngoài (đến nay đã đưa được 100 người). Huyện Củ Chi Thành phố Hồ Chí Minh đã làm tốt công tác này.
Các địa phương có nhiều giải pháp tốt trong giải quyết việc làm, như Thành phố Hồ Chí Minh 6 tháng giải quyết việc làm cho 9 vạn lao động, Hà Nội 5 vạn người, Đồng Nai 5 vạn người, Bình Dương 4 vạn người, Hải Phòng 2 vạn người, Hải Dương 1 vạn người, Hà Tây 1 vạn người, Ninh Thuận 1 vạn người, Bình Thuận 1 vạn người. Hầu hết các địa phương có kế hoạch đầu tư hệ thống các Trung tâm dạy nghề và dịch vụ việc làm tại quận, huyện hoặc cụm huyện; chú ý phát triển dạy nghề ngắn hạn nhằm giải quyết việc làm tại chỗ, đặc biệt là đối với lao động nông thôn và lao động trong vùng đô thị hóa nhanh; đào tạo nghề kết hợp với đảm bảo cung ứng việc làm. Hội Nông dân Việt Nam còn tổ chức cho nông dân đi học, trao đổi kinh nghiệm về sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi ở trong nước và các nước trong khu vực.
d. Về công tác xoá đói giảm nghèo:
Công tác xoá đói giảm nghèo đã được triển khai tích cực và rộng khắp ở hầu hết các địa phương. Nhiều tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp về xoá đói giảm nghèo, thu được kết quả tốt như Lào Cai, Lạng Sơn, Lai Châu, Hoà Bình, Bắc Cạn, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Quảng Nam, Tiền Giang, Long An, Cần Thơ, Bến Tre,... Nhiều nơi, đồng bào dân tộc thiểu số đã biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; được học tập kinh nghiệm sản xuất qua các đợt trình diễn nhiều mô hình sản xuất, cho vay vốn, khuyến khích phát triển trang trại và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
Nhiều địa phương đã chỉ đạo sát sao việc thực hiện các chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục và trợ giúp nhà ở cho đồng bào nghèo. Đa số địa phương đã thực hiện cơ chế cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo. Một số địa phương đang tập trung giải quyết vấn đề nhà ở cho các hộ nghèo như Bạc Liêu, Cần Thơ, Long An, Đồng Tháp, Trà Vinh, An Giang, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Hà Giang, Lào Cai, Sơn La...
Đến nay, có 23 tỉnh đã đưa được tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10% là Tuyên Quang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nội, Hà Tây, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Thành phố Hồ Chí Minh...
e. Về y tế và chăm sóc sức khoẻ:
Nổi bật nhất trong công tác y tế qua các tháng qua là chúng ta đã thành công trong việc kiểm soát, khống chế được dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS) và đã được Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá là quốc gia đầu tiên khống chế thành công dịch SARS. Nguyên nhân của sự thành công này là do ngành y tế đã phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan thực hiện các biện pháp kiểm soát, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh dịch suốt từ khi xảy ra dịch, điều trị tích cực để bệnh không thể lây lan ra diện rộng và nhanh chóng dập tắt bệnh dịch. Đặc biệt là cộng tác chặt chẽ và nhận sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới về chuyên môn, kỹ thuật, dụng cụ, thuốc men để điều trị bệnh nhân.
Về các bệnh dễ gây dịch khác, trong 6 tháng đầu năm, số ca mắc và tử vong của các bệnh truyền nhiễm gây dịch đều giảm; rải rác có một số vụ dịch tả xảy ra ở một vài nơi, nhưng số mắc thấp, không có tử vong. Riêng dịch hạch không xảy ra trường hợp nào trong 6 tháng đầu năm. Tuy vậy, số người mắc sốt xuất huyết và tỷ lệ tử vong còn cao.
Tình hình ngộ độc thức ăn chưa được ngăn chặn, trong tháng 6 đã xảy ra 7 vụ ngộ độc tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Tháp, Quảng Trị và Thành phố Hồ Chí Minh, với 271 người mắc, 2 người tử vong (do ăn cá nóc). Tính chung từ đầu năm đến nay, cả nước có trên 2 nghìn người bị ngộ độc thức ăn, trong đó có 17 người chết.
Việc quản lý giá cả mặt hàng thuốc tân dược đang là một trong những vấn đề nổi cộm, dư luận nhân dân không đồng tình. Trong 6 tháng qua, giá thuốc biến động theo chiều hướng tăng mạnh, gây nhiều bất lợi cho người tiêu dùng.
Nguyên nhân giá thuốc tăng là (1) thuốc ngoại tăng giá do tỷ giá giữa đồng EURO, đồng USD so với đồng Việt Nam tăng và có một số thuốc do nhà sản xuất nước ngoài tăng giá gốc. Một số thuốc nhập khẩu chưa có trong danh mục biểu thuế, nên việc áp thuế chưa hợp lý và chưa chính xác. Riêng công ty Liên doanh Sanofi-Sythelabo có 36 loại thuốc trên tổng số 58 thuốc đăng ký kinh doanh đã tăng giá; (2) thuốc sản xuất trong nước tăng giá do giá một số nguyên liệu tăng; chi phí đầu tư đổi mới công nghệ; giá xăng dầu, giá điện và chi phí vận chuyển tăng.
Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý giá cả mặt hàng thuốc chữa bệnh, đảm bảo người bệnh có đủ thuốc theo yêu cầu điều trị. Đồng thời, chỉ đạo chặt chẽ công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định về hành nghề dược, niêm yết giá thuốc và bán thuốc theo giá niêm yết. Nghiêm cấm việc đầu cơ, tích trữ thuốc... Tuy nhiên, tình trạng giá thuốc trên thị trường vẫn còn cao, cần tiếp tục triển khai mạnh các giải pháp nhằm bình ổn giá thuốc.
g. Về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em:
Công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em được đẩy mạnh. Nhiều địa phương bố trí ngân sách cho công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, trong đó có một số tỉnh bố trí trên 350 triệu đồng như Cao Bằng, Quảng Ninh, Quảng Trị, Quảng Nam, Đắc Lắc, Kon Tum, Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bến Tre,... Hội đồng Nhân dân một số địa phương đã ra quyết định ổn định tỷ lệ phần trăm chi cho công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em trong tổng chi ngân sách như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc. Các địa phương đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà trẻ em nghèo vượt khó, trẻ em khuyết tật, tổ chức liên hoan văn nghệ thiếu nhi, khám chữa bệnh miễn phí cho phụ nữ và trẻ em... Tỉnh An Giang đã có kế hoạch tổ chức điểm giữ trẻ trong mùa lũ và tổ chức tập huấn cộng tác viên giữ trẻ trong mùa lũ.
h. Về thể dục, thể thao:
Các hoạt động thể dục, thể thao cả nước đều hướng tới SEAGAMES 22, đảm bảo kế hoạch tập luyện nhằm duy trì và nâng cao trình độ chuyên môn cho các vận động viên. Liên tục tổ chức các đợt thi đấu quốc gia và quốc tế, gắn các hoạt động thể dục, thể thao với chào mừng các ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm lớn của đất nước, tổ chức tốt Hội thi Thể thao các Dân tộc thiểu số miền núi toàn quốc lần thứ III.
Về công tác chuẩn bị cho SEAGAMES, song song với việc kiện toàn bộ máy Ban tổ chức SEAGAMES, công tác xây dựng cơ sở vật chất được tiến hành khẩn trương. Các công trình: Sân Vận động Quốc gia, Khu thể thao dưới nước và các hạng mục khác của Khu Liên hợp thể thao quốc gia đảm bảo đúng tiến độ thi công, đang bước vào giai đoạn hoàn thiện. Các công trình thể thao khác của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Phú Thọ, Hà Tây, Ninh Bình, Vĩnh phúc, v.v... cũng được UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai theo đúng kế hoạch. Dự kiến, đến 30/8/2003, các công trình, dự án trực tiếp phục vụ SEAGAMES 22 và PARAGAMES 2 sẽ được hoàn thành và nghiệm thu để có thời gian vận hành thử trước lễ khai mạc.
i. Công tác phòng chống tệ nạn xã hội:
Chương trình hành động phòng chống mại dâm, ma tuý đã được đẩy mạnh. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các địa phương củng cố, nâng cấp, xây dựng mới cơ sở chữa bệnh đảm bảo trong những năm tới đưa được các đối tượng nghiện nặng vào các trung tâm cai nghiện. Phối hợp liên ngành trong xây dựng xã, phường lành mạnh, không có tệ nạn xã hội. Xây dựng mô hình cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể đưa công tác phòng chống tệ nạn xã hội vào Nghị quyết, chương trình, kế hoạch và phân công trách nhiệm cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể. Trong 6 tháng đầu năm, đã giáo dục, chữa trị cho 1.200 gái mại dâm; cai nghiện phục hồi cho hơn 20 nghìn người nghiện ma tuý; dạy nghề và tạo việc làm cho trên 3.000 đối tượng, trong đó 2.500 người nghiện và hơn 400 gái mại dâm. Xây dựng được 1.200 xã, phường lành mạnh, không có tệ nạn xã hội.
Tuy nhiên, tệ nạn xã hội vẫn là một trong những vấn đề bức xúc, nhức nhối. Tình trạng nghiện hút, mại dâm chưa được đẩy lùi, đang có chuyển hướng cả vào học đường và nông thôn. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm, cả nước phát hiện thêm 8.620 ca nhiễm HIV, số bệnh nhân AIDS là 1.511 người và 929 người chết vì AIDS (tăng 4,9% về số người phát hiện nhiễm HIV, tăng 67,2% về bệnh nhân AIDS và tăng 97% về số người tử vong so với cùng kỳ năm 2002).
k. Về khắc phục tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông:
Ngành giao thông vận tải đã phối hợp với các ngành liên quan triển khai thực hiện một cách tích cực và đồng bộ Nghị quyết 13/NQ-CP, Nghị quyết 15/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị 04 của Thủ tướng Chính phủ nên tình hình trật tự an toàn giao thông đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông vận tải, nhất là vận tải đường bộ được thực hiện ở nhiều địa phương. Các tuyến xe liên tỉnh, các tuyến xe chất lượng cao đã đi vào hoạt động ổn định. Với 29 tuyến xe buýt tiêu chuẩn đã được đưa vào vận hành, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Thủ đô Hà Nội đã phát huy có hiệu quả và ngày càng được nhân dân hưởng ứng tham gia. Thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục triển khai dự án 1.300 xe buýt để nâng cao năng lực vận tải công cộng, giảm tình trạng ùn tắc giao thông thành phố. Nghị định 92/NĐ-CP của Chính phủ vẫn đang tiếp tục được thực hiện có hiệu quả thiết thực, vận tải đáp ứng được nhu cầu đi lại của xã hội. Tuy nhiên, việc tổ chức và quản lý các tuyến xe liên tỉnh còn nhiều lúng túng, tình trạng xe không vào bến vẫn phổ biến ở các địa phương.
Nổi bật nhất là tai nạn giao thông đã giảm cả về số vụ tai nạn, số người bị thương và số người chết. Theo báo cáo của Uỷ ban An toàn Quốc gia giao thông, trong 5 tháng đầu năm 2003, có 9.950 vụ tai nạn giao thông, giảm 17,3%, 4.900 người chết, giảm 11,7% và 10.738 người bị thương, giảm 20,6% so với cùng kỳ năm 2002.
2. Những vấn đề rút ra từ công tác chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 6 tháng qua:
Nhìn lại trong 6 tháng điều hành thực hiện kế hoạch, từ những việc làm được và chưa được có thể rút ra những nội dung vừa như là nguyên nhân của tình hình, vừa là những kinh nghiệm bổ ích cần được phát huy và khắc phục trong 6 tháng còn lại:
Một là, trong 6 tháng qua chúng ta đã tập trung sức huy động nguồn nội lực để đẩy mạnh đầu tư và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Những việc làm được trong thời gian qua có sự đóng góp rất tích cực của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, bám sát thị trường, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, khắc phục từng bước những khó khăn. Nguồn lực của các doanh nghiệp đã được phát huy. Mặt khác, Chính phủ đã ban hành hàng loạt các giải pháp khuyến khích các nguồn vốn trong dân cư đưa vào đầu tư phát triển. Nhiều cơ chế chính sách cụ thể cho từng cây, từng con, từng sản phẩm công, nông nghiệp... đã được ban hành đã có những tác động tích cực bước đầu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong các ngành, các vùng, các nhóm sản phẩm, nhất trong nông nghiệp và kinh tế nông thôn.
Cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển biến tích cực, đã phát huy bước đầu làm cho nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, chất lượng tăng trưởng có cải thiện.
Hai là, đồng thời với việc tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu, tháo gỡ những hạn chế do thị trường quốc tế bị thu hẹp, chúng ta đã coi trọng và phát triển thị trường trong nước, để vừa thúc đẩy sản xuất phát triển vừa thực hiện mục tiêu nâng cao mức sống các tầng lớp dân cư. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình kích cầu đầu tư và tiêu dùng; ban hành các cơ chế chính sách giúp nông dân tiêu thụ hàng nông sản; cải thiện sức mua các tầng lớp dân cư. Do vậy đã làm cho thị trường trong nước sôi động hơn; thúc đẩy mạnh sản xuất.
Ba là, kết hợp tốt hơn giữa phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội và xoá đói giảm nghèo.
Sáu tháng qua, chúng ta đã tập trung giải quyết có trọng điểm các vấn đề xã hội, tạo lập bước đầu những kỷ cương, trật tự trong sinh hoạt và đời sống.
Những việc làm được trong các mặt hoạt động xã hội 6 tháng qua gắn chặt với công tác tổ chức triển khai thực hiện, vận động tuyên truyền kết hợp việc ban hành các quy chế, luật lệ đã là những tiền lệ tốt đẹp hướng tới một cuộc sống lành mạnh, có kỷ cương.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách, dành phần đáng kể nguồn vốn, nhất là nguồn vốn từ ngân sách để phát triển các mặt văn hóa, xã hội; giải quyết những vấn đề bức xúc, nhanh chóng ổn định đời sống dân cư những vùng bị thiên tai lũ lụt, tập trung thực hiện mục tiêu xoá đói, giảm nghèo; do vậy mặc dù một vài chỉ tiêu kinh tế không đạt kế hoạch, kinh tế còn có những khó khăn nhất định, nhưng những kết quả đạt được về mặt xã hội là tích cực; tuy nhiên vẫn còn nhiều lĩnh vực bức xúc, nổi cộm , cần được tiếp tục giải quyết.
Bốn là, những tiến bộ trong công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các Bộ ngành ở Trung ương và các cấp chính quyền ở địa phương đã góp phần tạo nên những kết quả trong 6 tháng qua.
Năm nay, kế hoạch được triển khai sớm hơn mọi năm, Chính phủ đã ban hành nghị quyết điều hành kế hoạch sớm với các nhóm giải pháp cụ thể; các Bộ các ngành, các địa phương đã có cơ sở triển khai cụ thể đến các đơn vị thực hiện; đã tạo được khí thế phấn đấu ngay từ những ngày đầu năm.
Đồng thời, với việc chỉ đạo sát sao, tổ chức giao ban từng nhóm vấn đề để tháo gỡ khó khăn, thực hiện các giải pháp quyết liệt, tập trung vào những sản phẩm, những vùng trọng điểm... nên đã đạt được nhiều kết quả trong việc thực hiện các mục tiêu của kế hoạch.
Những kinh nghiệm đã tích lũy được trong những năm đổi mới đã được phát huy. Các Bộ, ngành, các địa phương đều có những sáng tạo, năng động trong công tác điều hành. Thực tế cho thấy rằng, trên cùng một mặt bằng về cơ chế, chính sách, nguồn lực, nhưng ở địa phương nào có sự chỉ đạo, điều hành tốt của các cấp chính quyền thì sẽ mang lại kết quả phát triển kinh tế, xã hội tốt hơn so với các địa phương chưa có sự đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành.
II. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CẦN TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN TỚI
Để đạt được mục tiêu đề ra cho kế hoạch năm 2003, trong 2 quý còn lại phải phấn đấu để có tốc độ tăng trưởng kinh tế ít nhất là không thấp hơn 7,5%. Điều đó đặt ra nhiệm vụ hết sức nặng nề trong thời gian tới. Nếu khắc phục được những yếu tố chủ quan làm hạn chế khả năng tăng trưởng trong 6 tháng tới thì có thể cải thiện được việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2003.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ kế hoạch năm 2003, các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết 02/2003/NQ-CP của Chính phủ về một số chủ trương, giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2003, trong đó cần tập trung vào các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Tập trung đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, nông nghiệp.
Thực hiện các biện pháp phòng chống thiên tai. Xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp hợp lý, phòng chống thiên tai để đạt hiệu quả cao nhất. Rà soát, hiệu chỉnh quy hoạch. Đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa nông sản có chất lượng và hiệu quả nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất theo kế hoạch đề ra. Phấn đấu đạt giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp năm 2003 tăng khoảng 5% so với năm 2002, đạt mức kế hoạch đề ra; trong đó nông nghiệp tăng khoảng 3,1%, lâm nghiệp tăng 1,6%, thủy sản tăng 14,2%.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, trên cơ sở thực hiện chuyển đổi nhanh cơ cấu sản phẩm trong từng ngành hàng, tập trung đẩy mạnh sản xuất những ngành, những sản phẩm có lợi thế về cạnh tranh và đang có thị trường tiêu thụ, đồng thời tích cực tổ chức sản xuất hợp lý để giảm chi phí sản xuất, tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước có chất lượng tương đương nhưng giá rẻ hơn để sản xuất cho tiêu dùng và xuất khẩu, nâng cao giá trị gia công các mặt hàng xuất khẩu. Phấn đấu đạt giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp năm 2003 tăng 15% so với năm 2002, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch là 14-14,5%).
2. Tập trung phát triển các ngành dịch vụ, nhất là du lịch để bù lại sự giảm sút trong những tháng đầu năm do bị ảnh hưởng của chiến tranh I-rắc và dịch bệnh SARS:
Tập trung phát triển vận tải hàng không, tiếp tục áp dụng các biện pháp khuyến mãi như giảm giá vé cả trong nước và ngoài nước để thu hút khách. Đồng thời mở thêm một số tuyến bay quốc tế và trong nước để tăng doanh thu.
Phát triển và quản lý tốt thị trường bất động sản, nhất là việc mua bán, chuyển nhượng nhà cửa và đất đai. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu giảm giá cước viễn thông phù hợp với lộ trình hội nhập kinh tế thế giới và khu vực.
Để khôi phục và phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa - Thông tin, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam và các ngành liên quan tăng cường tuyên truyền quảng cáo và quảng bá, giới thiệu các chương trình khuyến mãi, thu hút du lịch tại các thị trường trọng điểm (Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Ôxtrâylia, Anh, Canada, Đức...). Vận động các nước tháo gỡ những hạn chế đối với du khách thăm viếng Việt Nam vì lý do y tế. Tuyên truyền, giới thiệu về kinh nghiệm và thành công của Việt Nam trong ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh SARS. Đặc biệt, chú trong tuyên truyền, quảng cáo chương trình du lịch phục vụ SEAGAMES 22…
Chuẩn bị tốt việc đón khách du lịch nhân dịp SEAGAMES 22.
Tổ chức tốt các sự kiện du lịch trong 6 tháng cuối năm 2003 để tạo ra những điểm sáng thu hút sự chú ý của khách du lịch như Liên hoan du lịch quốc tế tổ chức tại Cần Thơ tháng 10/2003, kỷ niệm 100 năm Sa Pa tháng 10/2003, Liên hoan du lịch quốc tế Hà Nội tháng 11/2003, kỷ niệm 110 năm Đà Lạt tháng 11/2003...
Nghiên cứu cho phép các doanh nghiệp du lịch được nộp chậm và không phải chịu phạt chậm nộp đối với tiền thuế phát sinh từ tháng 5/2003 đến tháng 12/2003. Khoanh nợ đối với các khoản nợ ngân hàng trong khoảng thời gian từ tháng 5/2003 đến hết tháng 12/2003 đối với các công ty lữ hành và khách sạn.
Hợp tác giữa các công ty lữ hành của các địa phương với nhau để khai thác khách du lịch nội địa. Kết hợp du lịch làng nghề với các di tích lịch sử, văn hóa.
Mở thêm các đường bay quốc tế từ Việt Nam đến Indonesia, ấn Độ, mở rộng đường bay đến Thái Lan, Ôxtrâylia, Nhật Bản, tạo điều kiện cho các hàng hàng không nước ngoài khai thác các chuyến bay quốc tế đến Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt.
Phấn đấu đạt giá trị của toàn ngành dịch vụ năm 2003 tăng trên 7% so với năm 2002.
3. Phấn đấu giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh của sản phẩm:
Trong sản xuất công, nông nghiệp, tập trung giảm chi phí của các sản phẩm phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu như chế biến thực phẩm và đồ uống, dệt, may, da giày, sản phẩm thép và kim loại mầu, máy móc thiết bị cơ khí, sản phẩm thiết bị điện, hóa chất cơ bản, phân bón, lốp ôtô, ôtô, xe máy, giấy, hàng điện tử, sản phẩm nhựa... bằng cách khuyến khích sử dụng những nguyên vật liệu sản xuất trong nước thay thế nguyên vật liệu nhập khẩu, đồng thời cải tiến tổ chức quản lý sản xuất, phân công hợp tác sản xuất và chuyên môn hóa một cách hợp lý nhằm tận dụng ưu thế chuyên sâu và năng lực sản xuất sản phẩm của các doanh nghiệp, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, sử dụng công nghệ tiên tiến... nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Các Tổng công ty cần tập trung đẩy mạnh sản xuất những sản phẩm có lợi thế về cạnh tranh và đang có thị trường tiêu thụ để giảm chi phí sản xuất, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện chương trình giảm chi phí sản xuất.
Tiếp tục triển khai thực hiện mạnh chủ trương đổi mới và sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước theo hướng tổ chức tốt công tác cổ phần hóa, giao, bán, khóan doanh nghiệp và đổi mô hình hoạt động của Tổng công ty.
Đẩy nhanh việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư phát triển vùng nguyên liệu (vùng nguyên liệu sản xuất bột giấy, phôi thép, nguyên liệu nhựa, vùng nguyên liệu bông, sản xuất tơ, sợi, vải, thuộc và chế biến da...).
Tập trung xây dựng lộ trình giảm chi phí dịch vụ viễn thông, cước phí cảng và vận tải, đồng thời phấn đấu giảm mạnh chi phí điện, nước... (hiện nay chi phí trong các lĩnh vực này của ta cao hơn mức trung bình của các nước trong khu vực).
4. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu và giảm nhập siêu:
Đẩy mạnh hỗ trợ xúc tiến thương mại, chú trọng phát triển các thị trường chính như EU, Nhật Bản, Mỹ. Đồng thời khai thác tốt hơn thị trường truyền thống Nga - SNG, Trung và Đông Âu. Mở rộng tìm kiếm, thâm nhập và khai thác thị trường mới (châu Phi, Trung Đông, Mỹ La tinh) để tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng thủy sản, gạo, hàng dệt may, giày dép...
Phát triển các mặt hàng có khả năng cạnh tranh, đầu tư phát triển các mặt hàng mới còn cơ hội tăng sản lượng và thị phần.
Sửa đổi Nghị định số 44/2001/NĐ-CP về phạm vi kinh doanh xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài về hàng hóa sản xuất tại Việt Nam; phạm vi nhập khẩu ngoài giấy phép đầu tư đối với vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu.
Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu và đăng ký thương hiệu hàng hóa.
Phân bổ hạn ngạch dệt may vào thị trường Hoa Kỳ một cách công khai, minh bạch. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm khắc đối với những doanh nghiệp mua bán, chuyển nhượng cho nhau hạn ngạch dệt may vào Hoa Kỳ được phân bổ.
Điều hành linh hoạt chính sách tỷ giá nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế, khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu.
Để giảm được nhập siêu trong thời gian tới, trước hết cần khẩn trương xây dựng và áp dụng ngay các công cụ quản lý nhập khẩu mới như hạn ngạch thuế quan, thuế tuyệt đối để tạo cơ sở pháp lý điều hành nhập khẩu. Đồng thời, xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật hàng nhập khẩu chuyên ngành để bảo hộ sản xuất trong nước phù hợp với các quy định và nguyên tắc của WTO. Rà soát hệ thống thuế, phí và lệ phí để xử lý, cắt giảm ngay những chi phí dịch vụ đầu vào đang ở mức cao (ví dụ như ngành may xuất khẩu hiện phải chịu 12 loại chi phí dịch vụ, có những chi phí mức rất cao, thu ở nhiều mức và không theo quy định của Nhà nước).
5. Đẩy mạnh đầu tư phát triển, huy động thêm các nguồn vốn để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế
Các Bộ ngành và địa phương rà soát lại các công trình dự án, nếu dự án nào chưa có thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán được phê duyệt, chưa có quyết định đầu tư thì đình hoãn khởi công, tập trung vốn cho các công trình dự án có điều kiện thực hiện và hoàn thành trong năm 2003.
Khẩn trương rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch trình duyệt lại theo đúng quy định, đúng thẩm quyền, làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch đầu tư hàng năm, trước hết là xây dựng kế hoạch năm 2004.
Tăng cường công tác giám sát và đánh giá đầu tư theo Nghị định 07/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 03/TT-BKH ngày 19/05/2003 về hướng dẫn công tác giám sát và đánh giá đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các báo cáo về giám sát và đánh giá đầu tư cần gửi cho các Bộ, ngành tổng hợp để tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ sớm cho ý kiến về phát hành trái phiếu Chính phủ để kịp triển khai ngay trong 6 tháng cuối năm 2003 và căn cứ vào đó để xây dựng tiếp kế hoạch đầu tư năm 2004.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm phân bổ tiếp nguồn vốn công trái giáo dục và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao cho các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện. Đồng thời chuẩn xác lại số liệu về các trường, lớp cần kiên cố hóa của các tỉnh, thành phố.
Việc tạm ứng vốn năm 2004 một cách phổ biến sẽ gây khó khăn cho cân đối vốn năm 2004, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ xem xét giải quyết cho tạm ứng vốn đối với những trường hợp thật cần thiết theo đúng Điểm 4, Điều 61 Nghị định 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước (mức tạm ứng của đơn vị không vượt quá 20% tổng mức vốn trong nước của kế hoạch hiện hành).
Để giải quyết dứt điểm tình hình nợ đọng trong xây dựng cơ bản, đề nghị các Bộ, ngành và địa phương không cho phép thực hiện vốn vượt quá kế hoạch được giao. Về nguyên tắc không bố trí vốn của kế hoạch năm sau để thanh toán nợ các năm trước. Trường hợp cần thiết phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Từ nay đến cuối năm, không xem xét việc tạm ứng vốn đối với những đơn vị có khối lượng nợ đọng vốn xây dựng cơ bản lớn và kéo dài.
Các Bộ quản lý chương trình kinh tế - kỹ thuật khẩn trương tổng hợp và phân bổ nguồn vốn đã cân đối đầu năm, chưa giao kế hoạch cụ thể cho các Bộ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định để triển khai ngay trong tháng 7/2003.
Quỹ Hỗ trợ Phát triển cần khẩn trương thực hiện giải ngân các dự án theo đúng tiến độ của dự án và theo hợp đồng ký kết. Phối hợp với các chủ đầu tư tìm các biện pháp để đẩy nhanh việc giải ngân các dự án ODA.
6. Tập trung tháo gỡ một số vấn đề xã hội bức xúc.
Nhanh chóng ổn định tổ chức và ban hành quy chế hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội, đặc biệt là tổ chức được hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện, nhằm nhanh chóng xét duyệt và giải ngân các dự án vay giải quyết việc làm (hiện mới đạt 25,8% kế hoạch).
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng chính sách, cơ chế tạo lập quỹ hỗ trợ dạy nghề từ nguồn kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng và ngân sách địa phương đáp ứng nhu cầu việc làm của người lao động do chuyển đất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp và xây dựng đô thị mới.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội cùng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện đúng lãi suất cho vay ưu đãi (hiện nay, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới thí điểm cho vay tín dụng xuất khẩu lao động).
Sớm xây dựng và ban hành chính sách, cơ chế, quản lý giá thuốc và dược phẩm phù hợp với điều kiện Việt Nam và hội nhập quốc tế nhằm ổn định thị trường thuốc tân dược.
Nghiên cứu hỗ trợ các địa phương khó khăn về vốn xây dựng, mở rộng các cơ sở cai nghiện hiện có, bảo đảm phần lớn những người nghiện nặng được chữa trị.
Uỷ ban Thể dục - Thể thao chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng gấp rút hoàn thành các công tác chuẩn bị và tổ chức SEAGAMES 22 và PARAGAMES 2. Đồng thời, kiểm tra, giám sát và hướng dẫn việc xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật cho SEAGAMES, đảm bảo đúng tiến độ.
Tiếp tục duy trì thực hiện các biện pháp nhằm giảm tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư