Báo cáo tình hình Kinh tế - Xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2003
TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 9 VÀ 9 THÁNG ĐẦU NĂM 2003
(Tóm tắt báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 9 - 2003)
Trong tháng 9, các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp tiếp tục có nhiều cố gắng nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong kế hoạch năm; đồng thời, Chính phủ cũng đã khẩn trương xử lý nhiều khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, xây dựng cơ bản và hoạt động xã hội. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 tiếp tục chuyển biến tích cực, quý sau tăng cao hơn quý trước, tốc độ tăng trưởng GDP quý 1 đạt 6,88%; quý 2 đạt 6,92%; quý 3 đạt 7,48%. Tính chung GDP 9 tháng năm 2003 tăng 7,1%, cao hơn 0,24% điểm so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,86%); trong đó khu vực nông nghiệp tăng 2,97%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,19% và khu vực dịch vụ tăng 6,48%.
1. Các hoạt động kinh tế
Bảng 1. Tình hình thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu trong 9 tháng
|
9 tháng đầu năm 2002
|
9 tháng đầu năm 2003
|
- Tốc độ tăng trưởng GDP (%)
|
6,86
|
7,1
|
Trong đó: Khu vực nông, lâm, ngư nghiệp
|
4,03
|
2,97
|
Khu vực công nghiệp và xây dựng
|
8,93
|
10,19
|
Khu vực dịch vụ
|
6,54
|
6,48
|
- Nhịp tăng giá trị sản xuất công nghiệp (%)
|
14,2
|
15,9
|
- Kim ngạch xuất khẩu (tr.USD)
|
11.948
|
14.930
|
- Nhịp tăng xuất khẩu (%)
|
2,8
|
25
|
- Kim ngạch nhập khẩu (tr.USD)
|
13.840
|
17.982
|
- Nhịp tăng nhập khẩu (%)
|
16,4
|
29,9
|
- Tổng vốn đầu tư xã hội (tỷ đồng)
|
139.500
|
157.200
|
- Đầu tư xã hội so với GDP (%)
|
36,7
|
36,18
|
- Thu Ngân sách Nhà nước (tỷ đồng)
|
77.380
|
91.955
|
- Thu NSNN/dự toán (%)
|
73,6
|
74,3
|
- Chi Ngân sách Nhà nước (tỷ đồng)
|
92.410
|
109.200
|
- Chi NSNN/dự toán (%)
|
69,0
|
69,1
|
- Tỷ lệ lạm phát (%)
|
3,1
|
1,8
|
Tình hình kinh tế - xã hội trong tháng 9 và 9 tháng nổi lên những nét chủ yếu sau:
1.1. Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng lên, nhất là khu vực doanh nghiệp nhà nước và dân doanh
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 9 ước tăng 1,6% so với tháng 8 (tháng 8 tăng 1% so với tháng 7), trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngoài quốc doanh đều tăng 2,8% (tháng 8 so với tháng 7, khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 0,6%; khu vực ngoài quốc doanh tăng 1,6%). Riêng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 0,4% so với tháng 8.
Một số nét nổi bật của sản xuất công nghiệp trong tháng 9 là sản lượng than khai thác tăng mạnh (tăng 8,3% so với tháng 8) do mở rộng được thị trường Nhật Bản và Trung Quốc. Các sản phẩm tiêu dùng như sữa hộp, đường mật các loại, thuốc ống, thuốc viên, bột ngọt, tivi, xe đạp... đều tăng khá (khoảng 6-14%) do nhu cầu tiêu thụ tăng lên. Xe máy các loại tăng mạnh (12,6%) do chính sách đối với xe máy đã rõ nên các doanh nghiệp chấp nhận giảm giá, đẩy mạnh lắp ráp và tiêu thụ để giải tỏa nhanh hàng tồn kho.
Tính chung 9 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp tăng khoảng 15,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 14,2%), trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 12,6% (trung ương tăng 12,4%, địa phương tăng 12,9%); khu vực ngoài quốc doanh tăng 18,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,6%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có tốc độ tăng trưởng cao trong 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ là than sạch khai thác tăng 19,6%, thủy sản chế biến 20,1%, sứ vệ sinh 33,4%, quạt điện dân dụng 47,4%, bột ngọt 21,4%, đường mật các loại 31,5%, quần áo dệt kim 38%, quần áo may sẵn 51,8%, động cơ điện 18,7%, động cơ diezen 170%, tivi các loại 33,6%, ô tô các loại 22,8%.
Một số sản phẩm có tốc độ tăng trưởng khá mặc dù vẫn thấp hơn tốc độ bình quân chung của toàn ngành công nghiệp là điện tăng 14,7%, thép cán tăng 15,8%, thuốc lá bao 14,9%, giấy bìa các loại 12,5%, xi măng 15,5%, ắc quy 7,9%, phân hoá học 10,8%, gạch xây 11,8%, gạch lát 12,4%, bia 15,6%, sữa hộp 14%.
Giá trị sản xuất công nghiệp các địa phương có qui mô và tỷ trọng sản xuất công nghiệp lớn đều tăng khá trong 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ như Hà Nội tăng 28,5%, thành phố Hồ Chí Minh 15,1%, Bình Dương 35,1%, Đồng Nai 18%, Vĩnh Phúc 26,3%, Thanh Hóa 17,8%, Đà Nẵng 22,7%, Khánh Hòa 20,6%, Cần Thơ 19,9%, Hà Tây 19,5%, Hải Dương 16,9%, Hải Phòng 17,2%, Quảng Ninh 16,2%. Riêng công nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ tăng 7,3% do khai thác dầu thô tăng chậm.
1.2. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển mặc dù một số địa phương gặp khó khăn do thiên tai cục bộ
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai hạn hán, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp tục phát triển. Các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng đang khẩn trương thu hoạch lúa mùa sớm và triển khai sản xuất cây vụ đông. Các tỉnh vùng Đông và Tây Bắc tiếp tục gieo trồng cây vụ mùa, chăm sóc lúa mùa và thu hoạch ngô, đậu tương xuân hè. Các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ tiếp tục thu hoạch lúa hè thu, đến nay đã thu hoạch được trên 90% diện tích gieo cấy. Các tỉnh phía Nam vừa thu hoạch nốt diện tích lúa hè thu, vừa gieo cấy lúa mùa.
Đến ngày 15/9/2003, cả nước đã thu hoạch được 1.743 nghìn ha lúa hè thu, bằng 79% diện tích gieo cấy; trong đó các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch xong 1.495 nghìn ha. Một số tỉnh đã cơ bản thu hoạch xong là Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ và Bạc Liêu. Theo đánh giá sơ bộ, lúa hè thu năm nay cho năng suất khá; hầu hết các địa phương đều có năng suất cao hơn hoặc bằng năm trước.
Về phát triển một số cây công nghiệp dài ngày chủ yếu, đến nay, vụ thu hoạch điều đã kết thúc; sản lượng điều năm nay ước đạt 220 nghìn tấn hạt khô, là mức cao nhất từ trước đến nay. Việc đưa vào giống điều cao sản mới là nguyên nhân chủ yếu tạo ra năng suất và sản lượng cao trong các năm qua.
Sản xuất cao su phát triển mạnh; sản lượng mủ khai thác trong 9 tháng đầu năm ước đạt 214 nghìn tấn, tăng khoảng 16,6% so với cùng kỳ năm 2002.
Trong 9 tháng, giá cả một số nông sản như lúa, cà phê, cao su đã tăng giá có lợi cho sản xuất nông nghiệp. Hợp đồng tiêu thụ sản phẩm theo tinh thần của Quyết định 80 đã có tác dụng tốt, nhất là đối với lúa, thuốc lá, bông, mía... Tuy nhiên, cần có một văn bản pháp lý để xử lý các trường hợp vi phạm hợp đồng.
Nuôi trồng thủy sản trong 9 tháng đầu năm phát triển nhanh; tổng sản lượng 9 tháng đầu năm đạt 799 nghìn tấn, bằng 73,3% kế hoạch năm và tăng 13% so với cùng kỳ năm 2002. Các mô hình nuôi tôm công nghiệp năng suất cao đang phát triển tốt. Mô hình sản xuất cua giống nhân tạo đang được phổ biến đại trà. Các địa phương vùng lũ đồng bằng sông Cửu Long đang phát triển mạnh phong trào nuôi cá đồng. Công tác kiểm dịch giống và tập huấn kỹ thuật cho bà con ngư dân trong nuôi trồng thủy sản tiếp tục được tăng cường. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của các cơn bão số 5, số 6 và áp thấp gần bờ gây mưa lớn kéo dài và làm ngập úng nhiều vùng nuôi trồng thủy sản, sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 9 giảm 10 nghìn tấn so với tháng 8.
Tổng sản lượng thủy sản 9 tháng đầu năm ước đạt 1.923 nghìn tấn, bằng 77,2% kế hoạch năm và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2002; trong đó khai thác hải sản đạt khoảng 1.124 nghìn tấn, bằng 80,3% kế hoạch năm và tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2002.
1.3. Khu vực dịch vụ duy trì được tốc độ tăng trưởng khá; công tác quản lý thị trường và kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm được đẩy mạnh
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 9 ước đạt 26,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng 8; tính chung 9 tháng đầu năm đạt khoảng 227 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ (8 tháng chỉ tăng 10,5% so với cùng kỳ), trong đó khu vực kinh tế nhà nước đạt 38,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7%; kinh tế tập thể 2,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 0,9%), tăng 23,8%; kinh tế cá thể đạt 146,8 nghìn tỷ đồng (chiếm 64,6%), tăng 9,8%; kinh tế tư nhân đạt 36,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 15,9%), tăng 23% và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 4,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 1,8%), tăng 5,4%.
Trong tháng 9, lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra các mặt hàng lưu thông trên thị trường, phát hiện và xử lý trên 5.500 vụ vi phạm và gian lận thương mại, trong đó chủ yếu là kinh doanh hàng trái phép (2.517 vụ) và buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu (1.472 vụ) với tổng số tiền phạt thu được khoảng 20 tỷ đồng. Tuy vậy, hoạt động buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và các gian lận thương mại vẫn diễn biến khá phức tạp; hàng nhập lậu, nhất là thuốc lá và vải ngoại vẫn tiếp tục được vận chuyển với khối lượng lớn vào nước ta bằng nhiều con đường khác nhau.
Trong tháng 9 và 9 tháng đầu năm, ngành du lịch đã có nhiều cố gắng đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, tập trung vào các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Anh, Hoa Kỳ và các nước Đông Nam á. Nhờ đó, sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch bệnh SARS và chiến tranh Irắc, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng trở lại trong những tháng gần đây; tháng 9 ước đạt khoảng 200 nghìn lượt người; tính chung 9 tháng đầu năm đạt 1,62 triệu lượt người, bằng 87,9% so với cùng kỳ. Số ngày lưu lại Việt Nam của khách quốc tế đang có xu hướng tăng dần, trung bình tháng 9 đạt 6,1 ngày. Số khách nội địa ước đạt gần 11 triệu lượt người, tăng 2% so với cùng kỳ. Công suất buồng phòng khách sạn ở một số thành phố lớn đã đạt 65%; có khách sạn đạt đến 90%. Doanh thu du lịch toàn xã hội 9 tháng ước đạt 16.500 tỷ đồng, bằng 94,4% so với cùng kỳ.
Khối lượng vận tải hàng hóa và hành khách trong những tháng đầu năm tăng thấp so với cùng kỳ năm 2002 do ảnh hưởng của chiến tranh Irắc và dịch bệnh SARS. Tuy nhiên, tốc độ tăng vận tải hàng hóa đang phục hồi mạnh trong những tháng gần đây; riêng trong tháng 9 so với tháng 8, vận tải hàng hóa tăng 1,3% về tấn và 20,3% về tấn-km.
Tính chung trong 9 tháng đầu năm, vận tải hàng hóa tăng 6,6% về tấn và 4,1% về tấn-km so với cùng kỳ năm trước; vận tải hành khách tương ứng tăng 4,4% về lượt hành khách và 3,2% về lượt hành khách-km.
1.4. Kim ngạch xuất khẩu tháng 9 vẫn tiếp tục duy trì tốc độ xuất khẩu cao, nhập siêu có xu hướng giảm
Mặc dù trong tháng 9, xuất khẩu nước ta gặp nhiều khó khăn vì phải đối mặt với thuế chống bán phá giá cá tra, cá ba sa vào Mỹ và một số lô hàng dệt may xuất khẩu vào Mỹ theo hạn ngạch có sai phạm dẫn đến phải đình hoãn xuất khẩu một số cat nóng nên kim ngạch xuất khẩu tháng 9 giảm so với tháng 8. Tuy vậy, kim ngạch xuất khẩu tháng 9 ước vẫn đạt khoảng 1,65 tỷ USD, bằng trung bình của 8 tháng đầu năm, trong đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất khẩu (kể cả dầu thô) 840 triệu USD.
Tính chung, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước đạt 14,93 tỷ USD, bằng 83,9% kế hoạch năm và tăng 25% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ chỉ tăng 2,8%); trong đó kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 7.505 triệu USD, bằng 92,7% kế hoạch năm và tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước.
Các mặt hàng có mức tăng trưởng về kim ngạch cao trong 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ là dệt may tăng 54,1%, giày dép 24,5%, dây điện và cáp điện 58,1%, sản phẩm gỗ 38,4%, hàng điện tử 37,9%, máy vi tính và linh kiện 37,6%, xe đạp và phụ tùng xe đạp 28%, hạt điều 32%, sản phẩm nhựa 20,9%. Các mặt hàng có mức tăng về lượng cao so với cùng kỳ là than đá tăng 19%, gạo 15,4%.
Các mặt hàng có khối lượng hoặc kim ngạch xuất khẩu tăng chậm là thủy sản tăng 11,6% (về kim ngạch), hàng thủ công mỹ nghệ tăng 9,2% (về kim ngạch), dầu thô tăng 2,4% (về lượng).
Các mặt hàng có khối lượng hoặc kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ chủ yếu là nông sản, như về lượng, lạc nhân giảm 20,6%, chè giảm 31,7%, cà phê giảm 7,6%; cao su giảm 2,9%; về kim ngạch, hàng rau quả giảm 24,1%, hạt tiêu giảm 1,1%.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 9 ước đạt 1,87 tỷ USD, tăng 2% so với tháng 8, trong đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu 660 triệu USD.
Tính chung trong 9 tháng đầu năm, nhập khẩu ước đạt gần 18 tỷ USD, bằng 87,9% kế hoạch năm và tăng 29,9% so với cùng kỳ năm 2002; trong đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu gần 6,27 tỷ USD, bằng 89,5% kế hoạch năm và tăng 34% so với cùng kỳ năm 2002.
Các mặt hàng chủ yếu có kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm là linh kiện và phụ tùng ô tô tăng 61,5%; máy vi tính và linh kiện 101,3%; vải các loại 42,6%; tân dược 19,6%; máy móc thiết bị 40,9%; nguyên liệu dệt may da 22,5%; hóa chất 27%, giấy các loại 26,5%, linh kiện điện tử 19,9%.
Các mặt hàng có khối lượng nhập khẩu giảm so với cùng kỳ là ô tô nguyên chiếc giảm 6,1%, xăng dầu giảm 1,3%, thép các loại giảm 5,9% (riêng phôi thép giảm 13,5%), bông các loại giảm 7,9%, sợi các loại giảm 21,7%. Kim ngạch nhập khẩu linh kiện xe máy giảm 10,7%.
Nhập siêu 9 tháng đầu năm khoảng 3 tỷ USD, bằng 20,4% kim ngạch xuất khẩu. Đáng chú ý là mức nhập siêu vẫn còn cao, nhưng tốc độ nhập siêu có xu hướng giảm dần, trong quý 3 nhập siêu 674 triệu USD, bằng 13,1% kim ngạch xuất khẩu, giảm nhiều so với mức nhập siêu 2,3 tỷ USD với tỷ lệ 24,4% của 6 tháng đầu năm. Nhập siêu cao chủ yếu do nhập khẩu tư liệu sản xuất (chiếm 93,7%), tăng 31,6% so với cùng kỳ năm trước và do giá nhập khẩu cũng tăng cao.
1.5. Huy động và thực hiện vốn đầu tư phát triển tăng khá, nhất là vốn ngoài quốc doanh và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
Tổng số vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng đầu năm ước thực hiện đạt 36,1% GDP, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2002, trong đó:
Đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước ước thực hiện đạt 76,1% kế hoạch năm và tăng 5,7% so với cùng kỳ; trong đó vốn ngân sách nhà nước tập trung ước thực hiện bằng 84% kế hoạch năm (các Bộ, ngành, trung ương đạt 92,7% kế hoạch năm; các địa phương đạt 74,2% kế hoạch năm).
Một số Bộ, ngành trung ương thực hiện vốn đầu tư trong 9 tháng đầu năm đạt cao hơn 70% kế hoạch năm là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (95,9%), Bộ Giao thông Vận tải (98,5%), Bộ Thủy sản (73,7%), Bộ Giáo dục và Đào tạo (80%), Bộ Y tế (75,4%). Bộ Văn hoá và Thông tin, Bộ Công nghiệp thực hiện được 67% và 63,8% kế hoạch năm; riêng Bộ Xây dựng thực hiện kế hoạch năm rất thấp, chỉ đạt 52,5%.
Ước tính đến hết tháng 9, có khoảng 36 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách tập trung đạt trên 75% kế hoạch năm; điển hình là Lạng Sơn, Yên Bái, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Bình Thuận, Tiền Giang, Bến Tre và An Giang... Trong số khoảng 25 tỉnh, thành phố chưa đạt mức 75% có Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Thanh Hóa là những địa phương có khối lượng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước tập trung tương đối lớn.
Đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước đạt 73,4% kế hoạch năm và tăng 21,8% so với cùng kỳ. Như vậy, dù tỷ lệ đạt kế hoạch chưa cao nhưng đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, phản ánh những tiến bộ trong hoạt động kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt, các doanh nghiệp đã tập trung nguồn vốn vào việc đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ và tăng năng lực cạnh tranh để thích ứng ngày càng tốt hơn với quá trình hội nhập quốc tế.
Đầu tư của khu vực dân cư ước đạt 74,1% kế hoạch năm và tăng 13,8% so với cùng kỳ. Đầu tư của khu vực dân cư tăng khá là nhờ môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện.
Từ đầu năm đến ngày 19/9/2003, nguồn vốn ODA được hợp thức hóa bằng việc ký kết các hiệp định với các nhà tài trợ đạt 1.626 triệu USD, trong đó vốn vay đạt 1.255 triệu USD và vốn viện trợ không hoàn lại đạt 371 triệu USD. Khoản vay ODA có giá trị lớn được ký kết trong tháng 8 là Dự án Tín dụng hỗ trợ giảm nghèo 2 (PRSC2) trị giá 133,7 triệu USD (100 triệu do Ngân hàng Thế giới tài trợ và 33,7 triệu USD là viện trợ không hoàn lại của một số nhà tài trợ khác).
Đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong tháng 9 có 36 dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy phép với tổng số vốn đăng ký là 66,3 triệu USD; tính chung 9 tháng đầu năm cả nước có 476 dự án được cấp giấy phép đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 1.194 triệu USD, tăng 5% về vốn đầu tư nhưng giảm 19% về số dự án so với cùng kỳ 2002. Trong tháng 9, chỉ có 6 dự án tăng vốn, với tổng số vốn tăng thêm là 114,2 triệu USD; tính chung 9 tháng, có 266 dự án tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm là 623 triệu USD, tăng 9% về số dự án nhưng giảm 16% về vốn so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 9 đã đưa vào thực hiện được 290 triệu USD; tính chung 9 tháng đưa vào thực hiện được khoảng 1850 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2002.
1.6. Thu chi ngân sách nhà nước
Thu ngân sách nhà nước đạt xấp xỉ 3/4 dự toán năm, bảo đảm được các khoản chi; lãi suất huy động và cho vay bằng đồng Việt Nam đã bắt đầu giảm; giá cả thị trường về cơ bản ổn định.
Thu ngân sách nhà nước bằng 74,3% dự toán năm; trong đó, thu nội địa (không kể dầu thô) đạt 71,9% dự toán năm; thu từ dầu thô bằng 89% dự toán năm; thu từ xuất nhập khẩu bằng 68,8% dự toán năm.
Chi ngân sách nhà nước đạt 69,1% dự toán năm; trong đó chi đầu tư phát triển bằng 67,5% dự toán năm (riêng chi cho đầu tư xây dựng cơ bản bằng 68,1% dự toán năm); chi phát triển sự nghiệp kinh tế xã hội bằng 71,3% dự toán năm; chi trả nợ và viện trợ bằng 73,6% dự toán năm.
Giá cả thị trường trong tháng 9 tiếp tục ổn định; chỉ số giá tiêu dùng ước tăng 0,1% so với tháng 8, trong đó giá cả phần lớn các nhóm hàng đều ổn định. Riêng giá nhóm hàng dược phẩm, y tế tăng 2,7% và giá nhóm hàng giáo dục tăng 2%. Chỉ số giá vàng trong tháng 9 tăng 2,9% do giá vàng thế giới tiếp tục tăng mạnh.
Tính chung trong 9 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,8% so với tháng 12/2003 (cùng kỳ tăng 3,1%), trong đó các nhóm hàng có chỉ số giá tăng cao hơn mức trung bình là thực phẩm (2%), đồ uống và thuốc lá (2,3%), may mặc, mũ nón và giày dép (2,3%), nhà ở và vật liệu xây dựng (3%), giáo dục (3,3%) và đặc biệt là dược phẩm, y tế (17,4%). Có 2 nhóm hàng có chỉ số giá tiêu dùng giảm là lương thực (giảm 2,3%) và văn hóa, thể thao, giải trí (giảm 1,1%). Chỉ số giá vàng tăng 13,2%; chỉ số giá đô la tăng 1%.
2. Các hoạt động trong lĩnh vực xã hội
2.1. Giáo dục, đào tạo
Trong tháng 9, ngành giáo dục đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức tốt lễ khai giảng năm học mới cho học sinh toàn quốc. Các địa phương về cơ bản đã cung cấp đủ sách giáo khoa, sách giáo viên và thiết bị phục vụ chương trình thay sách giáo khoa lớp 2 và 7 cho các trường trước ngày khai giảng. Thiết bị giảng dạy cho lớp 1 và lớp 6 được tăng cường. Nhìn chung, công tác chuẩn bị cho năm học mới năm nay tốt hơn năm trước do các cấp ủy, chính quyền và các ngành hữu quan quan tâm tới công tác giáo dục hơn.
Công tác tuyển sinh đại học, trung học chuyên nghiệp và cao đẳng tiếp tục được thực hiện đúng kế hoạch và mục tiêu đề ra. Các trường đã hoàn thành việc gửi giấy triệu tập cho thí sinh trúng tuyển; một số trường có nhu cầu xét tuyển bổ sung đã công bố công khai số lượng và điều kiện xét tuyển để thí sinh lựa chọn đăng ký.
Các địa phương tiếp tục triển khai đề án xóa phòng học tạm, xóa ca ba; tuy nhiên tiến độ còn chậm. Nhiều địa phương mới dừng ở mức lên kế hoạch và phân bổ vốn đầu tư; việc triển khai xây dựng công trình còn ít; đặc biệt, các thành phố đều gặp khó khăn về quỹ đất dành cho xây dựng trường.
2.2. Khoa học công nghệ
Trong tháng 9, ngành khoa học và công nghệ tập trung hoàn thiện 2 đề án lớn làm cơ sở phát triển ngành là đề án về "Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam đến 2010" và đề án về "Quy chế tổ chức và quản lý hoạt động khoa học xã hội và nhân văn", đồng thời tiếp tục hoàn thiện các đề án về “Cơ chế quản lý khoa học và công nghệ”, “Thị trường khoa học và công nghệ”, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, chính sách ưu đãi đầu tư Khu Công nghệ cao. Tốc độ triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương 6 khóa IX về khoa học và công nghệ cũng được đẩy nhanh. Đến nay, hầu hết các đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp nhà nước đã được thực hiện theo nội dung và tiến độ đề ra.
Ngành đã tổ chức tốt Chợ công nghệ và thiết bị Tây Nguyên năm 2003 tại Buôn Ma Thuột, đang tích cực chuẩn bị Hội chợ công nghệ và thiết bị Việt Nam 2003 (Techmart 2003).
Việc giải phóng mặt bằng và kêu gọi đầu tư cho hai khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh và Hòa Lạc đang được khẩn trương thực hiện. Thành phố Hồ Chí Minh hiện đã xây dựng xong phương án đền bù, di dân và giải phóng mặt bằng cho Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh; và đang tích cực huy động vốn để thực hiện. Vốn đã được tạm ứng để đền bù giải phóng mặt bằng cho Khu công nghệ cao Hoà Lạc; việc đền bù đang được triển khai có kết quả.
Tuy nhiên, vẫn còn có một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ được triển khai thực hiện chậm, như việc thực hiện Đề án 112 (về “Tin học hóa thông tin quản lý hành chính nhà nước”), Đề án 47 (về “Tin học hóa các hoạt động của các cơ quan Đảng từ Trung ương đến địa phương”) và Đề án 95 (về “Kế hoạch tổng thể ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin”). Kế hoạch xây dựng cơ bản của nhiều cơ quan khoa học cũng được triển khai chậm; khối lượng thực hiện đến hết tháng 9 thấp, nhất là các dự án đầu tư theo chiều sâu cho các phòng thí nghiệm.
2.3. Giải quyết việc làm
Các địa phương tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tạo thêm việc làm mới cho người lao động, nhất là hình thức hội chợ việc làm. Đến nay, đã tổ chức được hội chợ việc làm tại 12 địa phương; mỗi hội chợ thu hút bình quân 72 đơn vị tham gia với trên 38 nghìn lượt người đến dự, 15 nghìn lượt người đăng ký tìm việc làm, gần 3 nghìn người đăng ký học nghề và khoảng 2 nghìn lao động được tuyển dụng. Tính chung, trong 9 tháng đầu năm, trên 1,05 triệu lượt người đã được giải quyết việc làm, trong đó riêng Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm đã cho 12 nghìn dự án nhỏ vay 640 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 21 vạn lao động.
Xuất khẩu lao động: Trong tháng 9, trên 1 nghìn người đã được đưa đi làm việc ở nước ngoài. Tích lũy từ đầu năm đến hết tháng 9, khoảng 53 nghìn người đã được đưa đi làm việc ở nước ngoài, chủ yếu sang các thị trường Đài Loan (15,9 nghìn người), Malaixia (29,8 nghìn người), Nhật Bản (1,9 nghìn người), Hàn Quốc (4,2 nghìn người). Các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá lao động và chuyên gia Việt Nam được tăng cường, góp phần ổn định và mở rộng thị trường cũ và phát triển thêm một số thị trường mới, nhất là thị trường các nước khu vực châu á và vùng Vịnh.
2.4. Y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng
Trong tháng 9, ngành y tế đã triển khai rộng rãi các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết tại các tỉnh miền Trung và Nam Bộ, đồng thời phát động chiến dịch chống sốt rét đợt 2 năm 2003 tại các tỉnh trọng điểm. Trong tháng, đã tổ chức thành công Hội nghị giao ban về chuyên đề Làng Văn hóa - Sức khỏe tại Thanh Hóa và Lễ cam kết giữa Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân 5 tỉnh được chọn triển khai mô hình điểm thực hiện chương trình phối hợp hoạt động, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe nhân dân tại Cần Thơ.
Các bệnh dễ gây dịch như tả, hạch, thương hàn đều được dập tắt nhanh; số ca mắc/chết đều giảm so cùng kỳ năm 2002. Tính từ đầu năm đến 20/8, cả nước có 1018 ca mắc viêm não virus, giảm 32,7% so cùng kỳ năm 2002, trong đó có 75 ca tử vong. Số trường hợp mắc bệnh viêm màng não do mô cầu là 292 người, trong đó chết 7 người. Số trường hợp mắc bệnh sốt rét nhìn chung ổn định, nhưng tại một số địa phương như Lai Châu, Quảng Nam, Quảng Trị, Đắc Lắc, Khánh Hòa, Gia Lai, Cà Mau, số người mắc bệnh còn cao; tính chung trong 8 tháng đầu năm có hơn 82 nghìn ca mắc, trong đó có 25 ca tử vong.
Riêng đối với bệnh sốt xuất huyết, số ca mắc và chết đều tăng so với cùng kỳ năm 2002, trong đó số ca mắc 8 tháng đầu năm lên tới hơn 17 nghìn người, tăng 65,5% và số ca tử vong lên tới 39 người, tăng 21 người. Một số địa phương có số ca mắc cao là Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang.
Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới, dịch SARS có khả năng quay trở lại và lan truyền vào nước ta; hiện tại, đã xuất hiện bệnh nhân SARS mới trong khu vực. Một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác cũng có thể bùng phát trong những tháng tới. Vì vậy, ngành y tế và UBND các tỉnh, thành phố, các Bộ, ban, ngành trung ương đang tích cực chuẩn bị các phương án phòng chống. Bộ Y tế đã tăng cường thiết bị phòng chống từ xa đối với căn bệnh này; nhất là lắp đặt thêm các thiết bị đo thân nhiệt tại các cửa khẩu quốc tế. Nhân viên, người phục vụ tại các cửa khẩu cũng được tập huấn về các triệu chứng của SARS và một số biện pháp xử lý... Ngành y tế đang khẩn trương chuẩn bị để tổ chức tốt Hội nghị quốc tế về SARS tại nước ta vào cuối năm nay.
2.5. Công tác phòng chống tệ nạn xã hội
Công tác phòng chống tệ nạn xã hội tiếp tục được đẩy mạnh. Trong 9 tháng đầu năm, tại các cơ sở chữa trị, phục hồi nhân phẩm gái mại dâm thuộc ngành thương binh xã hội, đã chữa trị được 3.500 người, dạy nghề cho 2.000 người và tạo được việc làm cho 400 người. Đến cuối tháng 9, đã lên được hồ sơ quản lý 122,5 nghìn đối tượng liên quan đến nghiện ma túy, trong đó 20,8 nghìn người đã được cai nghiện.
Về HIV/AIDS, tính đến 20/8 có 70.080 ca mắc; số ca mới chuyển sang AIDS là 10.722, trong đó 6.008 người đã tử vong.
2.6. Bảo trợ xã hội
Trong 9 tháng đầu năm, thiên tai đã xảy ra và gây thiệt hại tại 25 địa phương là Đồng Tháp, Huế, Đắc Lắc, Đà Nẵng, An Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, Bắc Cạn, Bắc Ninh, Cà Mau, Hà Tây, Hải Phòng, Hà Bắc, Lào Cai, Lạng Sơn, Lai Châu, Sơn La, Thái Nguyên, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, làm 68 người chết, 2 người mất tích, 161 người bị thương, trên 137 nghìn ngôi nhà bị ngập, 1.326 nhà bị đổ trôi, 13.531 nhà bị hư hỏng, gần 141 nghìn ha lúa hoa màu bị ngập, trong đó mất trắng trên 36,5 nghìn ha. Tổng thiệt hại ước trên 1.000 tỷ đồng.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác cứu trợ đột xuất cho các địa phương bị thiệt hại nói trên. Chính phủ cũng đã quyết định xuất gạo và tiền hỗ trợ cứu đói cho nhân dân các vùng bị thiên tai.
2.7. Phát thanh truyền hình
Công tác phát thanh truyền hình tháng 9 tập trung vào việc tuyên truyền truyền thống cách mạng của dân tộc nhân dịp kỷ niệm 19/8 và 2/9; đồng thời đã tăng thời lượng phát thanh, truyền hình phổ biến luật lệ giao thông nhân Tháng an toàn giao thông tại các thành phố lớn và tăng cường tuyên truyền, quảng bá cho SEA Games 22.
Trong 9 tháng đã thực hiện hơn 41 nghìn giờ chương trình phát thanh, khoảng 231 nghìn giờ phát sóng phát thanh, gần 27,5 nghìn giờ chương trình truyền hình và hơn 300 nghìn giờ phát sóng truyền hình. Chất lượng các chương trình phát thanh truyền hình không ngừng được nâng cao.
2.8. Thể dục thể thao
Công tác chuẩn bị cho SEA Games 22 đang diễn ra một cách khẩn trương. Thành phố Hà Nội đang tập trung giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong việc hoàn thiện hệ thống giao thông quốc gia và giao thông của Hà Nội đi vào Khu liên hợp thể thao quốc gia và các điểm thi đấu tại Hà Nội, đảm bảo tiến độ thi công các công trình thi đấu và các công trình phụ trợ đúng kế hoạch.
Đầu tháng 9, ngành thể dục thể thao đã tổ chức tốt lễ khai trương sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Nhiều công trình thể thao khác phục vụ cho SEA Games cũng đã được khánh thành tại một số địa phương.
Kế hoạch tập luyện nhằm duy trì và nâng cao trình độ chuyên môn cho vận động viên tiếp tục được đẩy mạnh; trong tháng 9 đã tổ chức thêm một số giải đấu quốc gia và quốc tế, và tăng cường đưa vận động viên đi tập huấn và thi đấu ở nước ngoài, giúp các tuyển thủ có cơ hội cọ xát, nâng cao chuyên môn và tự tin trong thi đấu... Qua một số giải được tổ chức trong tháng 9, có thể thấy thành tích thi đấu của nhiều môn thể thao nước ta đã có nhiều tiến bộ; đặc biệt, tại Giải vô địch điền kinh châu á lần thứ 15 tổ chức tại Manila (Philippin) vừa qua, vận động viên Bùi Thị Nhung đã thi đấu xuất sắc, giành huy chương vàng nội dung nhảy cao với thành tích 1,88 m; đây là tấm huy chương vàng đầu tiên của điền kinh Việt Nam từ trước đến nay, thể hiện những bước tiến đáng kể của thể thao nước ta trong việc chuẩn bị cho SEA Games 22.
2.9. Tình hình trật tự an toàn giao thông
Tình hình trật tự an toàn giao thông trên toàn quốc tiếp tục có nhiều chuyển biến rất tích cực. Tại phần lớn các địa phương, tai nạn giao thông đã được kiềm chế. Trên toàn quốc, tình trạng tai nạn giao thông trong tháng 8 đã giảm toàn diện so với tháng 7; trong đó số vụ tai nạn giao thông giảm 1%, số người chết giảm 3,4% và số người bị thương giảm 5,7%.
Tính đến cuối tháng 8/2003, trên cả nước đã xảy ra 14.261 vụ tai nạn giao thông, giảm được 24,9% so với cùng kỳ năm 2002; có 7.912 người chết, giảm 8,1% và 14.526 người bị thương, giảm 31,8%.
Tóm lại, tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm tiếp tục xu hướng phát triển tích cực. Sản xuất công nghiệp tăng cao (tăng 15,9%); tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ tiếp tục tăng lên, vận tải đang từng bước lấy lại đà tăng trưởng; kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh (25%); huy động và thực hiện vốn đầu tư phát triển tăng khá, nhất là vốn ngoài quốc doanh (đạt 36% GDP); thu ngân sách nhà nước đã đạt khá (69% dự toán); giá cả thị trường cơ bản ổn định. Các hoạt động xã hội tiếp tục phát triển theo chiều hướng tích cực.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong thời gian tới: các cơn bão số 5 và 6 gây mưa to, ngập úng tại các tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định. Tổng diện tích lúa mùa bị ngập lên tới trên 101 nghìn ha, trong đó mất trắng khoảng 15,5 nghìn ha; diện tích rau màu bị ngập trên 15 nghìn ha, trong đó mất trắng trên 5 nghìn ha. Hạn hán tiếp tục xảy ra tại Quảng Bình, Quảng Ngãi, các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên gây nhiều thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và cuộc sống của người dân. Sản xuất cà phê vụ 2003 -2004 gặp nhiều khó khăn do hạn hán gay gắt và kéo dài tại các tỉnh Tây Nguyên, sản lượng cà phê nhân vụ 2003 -2004 dự kiến đạt 650 nghìn tấn, giảm 5,6% so với vụ 2002-2003. Thủy sản chế biến trong tháng 9 chỉ tăng 0,1% so với tháng 8 do tăng thuế nhập khẩu cá tra, cá basa của nước ta vào thị trường Mỹ. Giá trị sản xuất của nông, lâm, ngư nghiệp tăng 4,8%, chưa đạt kế hoạch đề ra.
Tốc độ tăng trưởng một số sản phẩm công nghiệp bắt đầu có dấu hiệu chậm lại như dệt may, vải lụa thành phẩm, xà phòng các loại, xút NaOH, thuốc viên các loại, thuốc trừ sâu, thuốc ống các loại (giảm 15,2%), máy công cụ (giảm 8%), máy biến thế (giảm 6,4%), xe đạp hoàn chỉnh (giảm 33,2%).
Mặc dù dịch vụ đang từng bước lấy lại đà tăng trưởng, nhưng tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng toàn khu vực trong 9 tháng đầu năm chưa cao, chỉ đạt 6,48%, thấp hơn cùng kỳ năm trước (6,54%). Tốc độ tăng trưởng của hầu hết các ngành có tỷ trọng cao trong khu vực như thương nghiệp, khách sạn nhà hàng, vận tải, bưu điện, du lịch, kinh doanh bất động sản đều giảm so với cùng kỳ năm trước.
Giải ngân ODA đạt thấp, trong 9 tháng đầu năm ước đạt khoảng 1.035 triệu USD, bằng 60% kế hoạch năm; đầu tư từ nguồn vốn tín dụng nhà nước đạt 18 nghìn tỷ đồng, bằng 59% kế hoạch năm và giảm 3,9% so với cùng kỳ. Vấn đề nổi cộm hiện nay đối với nguồn vốn ngân sách là nợ xây dựng cơ bản còn rất lớn...
Để thực hiện tốt nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2003 trong 3 tháng còn lại, cần tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các giải pháp đề ra trong các Nghị quyết của Chính phủ tại các phiên họp của Chính phủ hàng tháng, cụ thể:
Một là, tập trung tổ chức tốt việc phát hành trái phiếu Chính phủ để đầu tư một số công trình giao thông, thủy lợi quan trọng của đất nước, đồng thời ứng trước vốn cho các công trình trên để triển khai thực hiện trong quý 3.
Hai là, tiếp tục tìm mọi biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, tiếp tục kích cầu tiêu dùng để tiêu thụ các mặt hàng đang gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu như cá basa, cá tra, hàng may mặc...
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư