Báo cáo tình hình Kinh tế - Xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2003
TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 5 VÀ 5 THÁNG ĐẦU NĂM 2003
I. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI
1. Các hoạt động kinh tế:
1.1. Sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao so với nhiều năm trước đây, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng khá.
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 15,1% so với cùng kỳ; tính chung 5 tháng đầu năm tăng 15,6%, cao hơn mức kế hoạch cả năm là 14,5% và cao hơn so với cùng kỳ nhiều năm trước đây (5 tháng năm 2001 tăng 14%; năm 2002 tăng 14%); trong đó khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 11,9%; khu vực ngoài quốc doanh tăng 18,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,4%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2002 (cùng kỳ tăng 13,6%).
Sản xuất công nghiệp đã dần đi vào ổn định và phát triển có chất lượng, một số sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong nước. Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu đạt mức tăng cao so với cùng kỳ như thép cán tăng 22,7%, gạch lát tăng 15,5%, sứ vệ sinh tăng 37,3%, giấy bìa các loại tăng 18,1%, thủy sản chế biến tăng 21,7%, bột ngọt tăng 23,4%, đường mật các loại tăng 52%, phân hóa học tăng 18,1%, quần áo dệt kim tăng 37,4%, quần áo may sẵn tăng 61,3%, động cơ điện tăng 29,2%, động cơ điêzen gấp hơn 2 lần, tivi các loại 30,4%, quạt điện dân dụng 50,8%, ôtô các loại tăng 40,3, xe máy các loại tăng 17,1%, ắc quy tăng 20%. Đặc biệt là khai thác dầu thô sau một thời kỳ suy giảm, nay đã có mức tăng trưởng khá, 5 tháng tăng 7,4% (cùng kỳ giảm 1%).
Một số địa phương có tỷ trọng sản xuất công nghiệp lớn, đều có tốc độ tăng cao hơn mức tăng bình quân của cả nước như: Hà Nội tăng 29,3%, Bình Dương tăng 34,6%, Đồng Nai tăng 17,2%, Vĩnh Phúc tăng 21%, Thanh Hóa tăng 18,8%, Đà Nẵng tăng 17,9%, Khánh Hoà tăng 22%, Cần Thơ tăng 21,1%, đặc biệt là công nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh chiếm 27,5% tỷ trọng công nghiệp cả nước đạt mức tăng 14,9% (cùng kỳ năm 2002 chỉ tăng 9,4%).
Một số ít tỉnh và thành phố tăng trưởng thấp hơn mức tăng chung của cả nước như: Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 9,1%, Hải Dương tăng 12,1%, Quảng Ninh tăng 12,3%.
Tuy nhiên, trong sản xuất công nghiệp gặp khó khăn là giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, công nghiệp chế biến, chế tác đang phải chịu áp lực về giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh để đối phó với việc từ 1/7/2003 bắt đầu giảm thuế cho trên 700 dòng thuế của các loại sản phẩm nhập khẩu; hàng dệt may của nước ta xuất sang Hoa Kỳ cũng đã bắt đầu bị ràng buộc bởi hạn ngạch; tồn kho về giấy đã xuất hiện do giá giấy nhập khẩu rẻ hơn 5-7% so với giá giấy sản xuất trong nước, riêng Tổng Công ty Giấy tồn kho trên 40 nghìn tấn.
1.2. Sản xuất nông nghiệp được duy trì, đã tập trung khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra để tiếp tục chuyển dịch cơ cấu sản xuất.
Lúa Đông Xuân đã thu hoạch xong, ước sản lượng đạt 16,5 triệu tấn, giảm 194 nghìn tấn so với cùng kỳ; trong đó miền Bắc giảm 19 nghìn tấn, miền Nam giảm 175 nghìn tấn. Nguyên nhân giảm sản lượng là do giảm diện tích (chủ yếu ở các tỉnh phía Nam do chuyển đổi cơ cấu cây trồng) và giảm năng suất ở hầu hết các vùng lúa do gặp khô hạn (năng suất cả nước là 54,7 tạ/ha, giảm 0,4 tạ/ha so với năm 2002).
Hiện nay, các tỉnh phía Nam đang gieo cấy lúa hè thu, tính đến 15 tháng 5 đạt trên 1.213 ha, bằng 58,7% kế hoạch và tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2002.
Rau, màu các loại phát triển tốt, tính đến 15/5 đã gieo trồng được trên 85 vạn ha, tăng 6,2% so với cùng kỳ; trong đó ngô tăng 11,7%, sắn tăng 4,8%, khoai lang giảm 4,5%.
Ngành nông nghiệp tiếp tục khắc phục những tác động không thuận về thời tiết, khí hậu trên nhiều vùng; có bước chuyển dịch đáng kể trong cơ cấu sản xuất; nhờ vậy đã duy trì được khả năng phát triển khá trên một số ngành và lĩnh vực. Các địa phương đang tích cực rà soát, cập nhật, bổ sung quy hoạch, để bố trí lại sản xuất, cơ cấu mùa vụ cho phù hợp với từng vùng sinh thái, điều kiện tự nhiên, từng bước né tránh những tác động xấu của thiên tai, thời tiết.
Ngành thủy sản tiếp tục giữ được tốc độ tăng trưởng khá, sản lượng thủy sản 5 tháng ước đạt trên 990 nghìn tấn, tăng 7,7% so với cùng kỳ, trong đó, khai thác hải sản ước đạt 601 nghìn tấn, tăng 2,4%; nuôi trồng thủy sản và khai thác nội địa đạt 389 nghìn tấn, tăng 17,3%.
Trong nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm đang nổi nên như một mũi nhọn trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trong cả nước, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng miền Trung.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp, ngoài những tác động do giá đầu vào vật tư sản xuất nông nghiệp tăng, thì những chi phí cho việc khắc phục thiệt hại do hạn hán nghiêm trọng ở miền Nam Trung bộ, Tây Nguyên, các vụ cháy rừng, nạn tôm chết hàng loạt... đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp, làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của toàn ngành.
1.3. Các ngành dịch vụ phát triển khá.
Lưu thông hàng hóa trên thị trường nội địa trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm có bước phát triển. Nhiều mặt hàng tiêu dùng bán ra tăng hơn so với cùng kỳ. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ 5 tháng đầu năm đạt 126 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 12% so với cùng kỳ năm 2002; trong đó khu vực kinh tế Nhà nước tăng 8%, kinh tế tư nhân và cá thể tăng 12,5%.
Đối với hoạt động du lịch, từ cuối tháng 3 sau khi có dịch bệnh SARS đã làm ảnh hưởng tới du lịch. Cuối tháng 4, khi tổ chức Y tế thế giới công bố Việt Nam đã khống chế thành công dịch SARS, thì du lịch đã có dấu hiệu tăng trở lại, tuy nhiên vẫn chưa đạt được mức cùng kỳ năm ngoái. Số lượng khách quốc tế 5 tháng đạt khoảng 972 nghìn lượt người, chỉ giảm 10% so với cùng kỳ; khách nội địa đạt xấp xỉ 5 triệu lượt người, tăng khoảng 3%. Hiện nay, các doanh nghiệp du lịch đã xây dựng nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn, giảm mạnh giá dịch vụ, giá phòng, giá tour cho khách và có biện pháp đẩy mạnh nâng cao số khách du lịch trong nước.
Dịch vụ vận tải đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đi lại của dân cư; ước khối lượng vận tải hàng hóa 5 tháng đạt khoảng 70 triệu tấn và 30 tỷ tấn km, tăng 4,7% về tấn và 1,1% về tấn km so với cùng kỳ năm 2002. Khối lượng vận chuyển hành khách 5 tháng đạt 372 triệu lượt hành khách và 13,2 tỷ HK.km, tăng 4,6% về lượt hành khách và 2,6% về HK.km. Riêng vận tải hàng không trong thời gian qua bị ảnh hưởng nặng của bệnh SARS, gây thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay. Để khắc phục tình trạng này, Việt Nam Airlines đã có một chương trình khuyến mại giảm giá đặc biệt với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (trong 2 tháng 5 và tháng 6 giảm từ 40% đến 50% giá vé đối với các đường bay Nhật Bản, Ôxtrâylia, Hàn Quốc, Pháp); đối với các đường bay trong nước, giảm khoảng 20% giá vé từ 1 tháng 5 đến hết tháng 10 năm 2003.
Dịch vụ bưu chính viễn thông và thông tin liên lạc tiếp tục tăng trưởng nhanh, doanh thu từ dịch vụ viễn thông tăng 6%; đã tiến hành giảm cước điện thoại quốc tế và cước thuê kênh liên lạc.
Tuy nhiên, chất lượng các hoạt động dịch vụ còn thấp, chi phí dịch vụ còn cao. Thị trường trong nước, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, hệ thống chợ nông thôn, chợ đầu mối tiêu thụ hàng hóa nông sản cho nông dân phát triển chậm. Các ngành dịch vụ đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của bệnh SARS và cuộc chiến I-rắc, nhất là hoạt động du lịch, vận chuyển hành khách hàng không.
1.4. Xuất khẩu tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng cao:
Mặc dù kinh tế thế giới bị ảnh hưởng bởi chiến tranh I-rắc, hoạt động xuất khẩu vẫn duy trì được mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu tháng 5 ước đạt 1.620 triệu USD, tăng 13% so với tháng 5/2002. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 510 triệu USD, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng gần 26% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2003 kim ngạch xuất khẩu đạt 7.897 triệu USD, bằng 44,4% kế hoạch và tăng 31,3% so với cùng kỳ; trong đó kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 2.415 triệu USD, bằng 50,3% kế hoạch và tăng 45,5%.
Trong 5 tháng đầu năm, có nhiều mặt hàng trong số 20 mặt hàng xuất khẩu chủ yếu đều tăng cả về kim ngạch và khối lượng xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2002. Các mặt hàng tăng về kim ngạch xuất khẩu là: giày dép tăng 21,9%; hàng điện tử tăng 24,6%; dây điện và cáp điện tăng 61,7%; sản phẩm nhựa tăng 14,3%; sản phẩm gỗ tăng 66%; thủy sản tăng 7,8%; máy vi tính và linh kiện tăng 45,9%; hạt điều tăng 33,9%... Các sản phẩm xuất khẩu tăng về khối lượng là: gạo tăng 47,4% do đã nối lại được việc xuất khẩu sang I-rắc theo chương trình đổi dầu lấy lương thực; dầu thô tăng 4,7% về lượng và tăng trên 40% về kim ngạch...
Riêng hàng dệt may có mức tăng khá cao, 5 tháng đầu năm xuất khẩu được 1,38 tỷ USD, tăng 69,5% so với cùng kỳ. Có được mức tăng khá như vậy chủ yếu là do các doanh nghiệp tranh thủ đẩy mạnh được xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Mỹ trong những tháng đầu năm khi chưa bị áp đặt quota, chiếm trên 57% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may. Các doanh nghiệp bước đầu đã nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu và yêu cầu của thị trường này về mẫu mã, chủng loại, chất lượng, thời gian giao hàng...
Kim ngạch nhập khẩu tháng 5 ước đạt 2,2 tỷ USD, giảm 6,7% so với tháng trước; trong đó nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 730 triệu USD, giảm 6,8%. Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 10 tỷ USD, bằng 48,8% kế hoạch và tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2002; trong đó kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 3.384 triệu USD, bằng 48,3% kế hoạch và tăng khoảng 40%.
Các mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch hoặc khối lượng tăng cao so với cùng kỳ năm 2002 vẫn chủ yếu là nguyên, nhiên, vật liệu. Tăng về lượng là phân bón các loại tăng 15,1%; giấy các loại tăng 27,7%; chất dẻo nguyên liệu tăng 1,3%; xăng dầu các loại tăng 4,2%... Tăng về kim ngạch là: linh kiện và phụ tùng ô tô tăng 43,3%; linh kiện xe máy CKD, IKD tăng 19,6%; hóa chất tăng 27,6%; nguyên phụ liệu dệt, may, da tăng 31,5%; vải tăng 68%; máy vi tính và linh kiện gấp 2 lần...
1.5. Các nguồn vốn đầu tư toàn xã hội, nhất là nguồn vốn đầu tư của dân cư đã được huy động khá, các công trình xây dựng trọng điểm đã được bảo đảm tiến độ.
Ước thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội 5 tháng bằng 36% kế hoạch năm, trong đó:
Vốn ngân sách đạt khoảng 39,5% kế hoạch năm; trong đó vốn ngân sách tập trung đạt 40,5% kế hoạch.
Một số Bộ có mức thực hiện khá là: Bộ Giao thông Vận tải đạt 47,3% so với kế hoạch năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đạt 40%; một số Bộ có mức thực hiện thấp là: Bộ Xây dựng đạt 23%, Bộ Công nghiệp đạt 29,3%, Bộ Y tế đạt 30%, Bộ Văn hóa Thông tin đạt 31%. Có 28 tỉnh, thành phố đạt từ 40% kế hoạch trở lên và 19 tỉnh, thành phố đạt kế hoạch thấp dưới 40%.
Vốn tín dụng đầu tư phát triển đạt thấp, khoảng 22,3% kế hoạch, trong đó vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch nhà nước bằng 22% kế hoạch.
Vốn của các doanh nghiệp nhà nước ước đạt 36,5% kế hoạch.
Vốn của dân cư và khu vực tư nhân được huy động khá, chỉ tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2003 có thêm 7.657 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với số vốn đăng ký trên 16.000 tỷ đồng, tăng 7% về số doanh nghiệp và tăng 69,6% về số vốn đăng ký.
Về ODA: Từ đầu năm tới nay, nguồn ODA được hợp thức hóa bằng việc ký kết các Hiệp định với các nhà tài trợ đạt trị giá trên 1 tỷ USD, trong đó vốn vay đạt 906 triệu USD và vốn viện trợ không hoàn lại đạt 103 triệu USD. Trong đó, khoản vay có giá trị lớn đã ký kết là Chương trình phát triển nông nghiệp trị giá 90 triệu USD vốn vay của ADB và 2 khoản viện trợ không hoàn lại cho dự án Phòng lây nhiễm HIV tại Việt Nam trị giá 25,1 triệu USD do Anh tài trợ uỷ thác qua Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và dự án Khắc phục hậu quả lũ lụt 2 tỉnh An Giang, Đồng Tháp trị giá 8,2 triệu USD do Đức tài trợ.
Trong 5 tháng đầu năm 2003, ước giải ngân ODA đạt khoảng 509 triệu USD, đạt khoảng 30% kế hoạch năm; trong đó vốn vay khoảng 444 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại khoảng 65 triệu USD. Trong tổng mức giải ngân ODA 5 tháng, riêng vốn vay ODA của 3 nhà tài trợ lớn nhất (JBIC, WB, ADB) đạt khoảng 370 triệu USD, chiếm 73% tổng giá trị giải ngân.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài: trong tháng 5 có 24 dự án được cấp phép đầu tư với vốn đăng ký đạt trên 167 triệu USD. Tính chung 5 tháng đầu năm 2003 có 235 dự án được cấp giấy phép đầu tư với vốn đăng ký đạt khoảng 633 triệu USD, bằng 86% về số dự án nhưng đã tăng trên 30% về vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2002.
Thu hút đầu tư nước ngoài trong 5 tháng đầu năm tập trung hầu hết vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng (186 dự án, vốn đầu tư gần 404 triệu USD), chiếm 79% về số dự án và 63,8% về vốn đầu tư. Lĩnh vực dịch vụ (38 dự án, vốn đầu tư trên 210 triệu USD), chiếm 33,2% về vốn. Lĩnh vực nông, lâm và thủy sản (11 dự án, vốn đầu tư gần 19 triệu USD), chiếm gần 3% về vốn đầu tư.
Trong 5 tháng đầu năm, ước vốn thực hiện của khu vực đầu tư nước ngoài đạt 900 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó ngành công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 78%, dịch vụ chiếm 14%, nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 8%.
1.6. Thu ngân sách nhà nước tiếp tục tăng khá.
Tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện đến 15 tháng 5 đạt 37,4% dự toán năm. Chi ngân sách nhà nước đạt 32,7% dự toán năm.
1.7. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 giảm 0,1% so với tháng trước, trong đó giá nhóm hàng lương thực phẩm giảm 3,3%. Chỉ số giá vàng tăng 0,2%, chỉ số giá Đô la Mỹ không tăng.
Chỉ số giá tiêu dùng 5 tháng đầu năm 2003 tăng 2,4%, trong đó lương thực tăng 0,4%, thực phẩm tăng 3%; trong 9 nhóm mặt hàng phi lương thực, thực phẩm, có 8 nhóm hàng tăng giá, trong đó tăng cao nhất là nhóm hàng dược phẩm, y tế (13,7%), chủ yếu là do giá nhập khẩu tăng, cộng với tỷ giá tăng, đồng thời một số đơn vị đã lợi dụng tình hình để đẩy giá lên cao. Giá các nhóm hàng nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 2,9 %; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 2,1%, đồ uống và thuốc lá tăng 2,1%, phương tiện đi lại, bưu điện giảm 2%, thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1%; hàng hóa giáo dục tăng 0,5%. Có 1 nhóm hàng giảm giá là văn hóa thể thao giải trí giảm 0,2%. Chỉ số giá vàng tăng 6,1%, chỉ số giá Đô la Mỹ tăng 0,5%.
2. Về các hoạt động xã hội:
2.1. Giáo dục, đào tạo.
Đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ chính, tiếp tục triển khai thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới, bảo đảm tiến độ xuất bản sách giáo khoa mới lớp 2, lớp 7 phục vụ khai giảng năm học 2003 – 2004 vào tháng 9 năm 2003.
Công tác bồi dưỡng giáo viên trong hè về thay sách giáo khoa mới đang được tích cực triển khai. Đến nay, đã có 3.200 giáo viên cốt cán dạy lớp 2 và gần 900 giáo viên dạy lớp 7 cấp tỉnh đã được bồi dưỡng.
Đang tiếp tục triển khai thực hiện đề án đổi mới công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Đến nay, số thí sinh đăng ký dự thi vào đại học và cao đẳng là 1,48 triệu, giảm 7% so với năm 2002, bình quân mỗi thí sinh nộp 1,7 hồ sơ.
Về chương trình kiên cố hóa trường, lớp học: sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định phương án phân bổ 700 tỷ đồng cho 53 tỉnh còn phòng học ca ba và tranh tre nứa lá, Bộ Giáo dục Đào tạo đã khẩn trương thông báo kinh phí cho các địa phương, đồng thời phối hợp với Bộ Xây dựng ban hành mẫu thiết kế xây dựng trường.
2.2. Về giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động đi một số nước Châu Á:
Ước 5 tháng đầu năm 2003, giải quyết việc làm cho khoảng 50 vạn lao động, bằng 33,3% kế hoạch năm. Một số địa phương giải quyết việc làm khá là thành phố Hồ Chí Minh (7 vạn lao động), Hà Nội (4 vạn lao động), Đồng Nai (4 vạn lao động), Hải Phòng (1,2 vạn lao động).
Xuất khẩu lao động trong gần 3 tháng qua bị gián đoạn do ảnh hưởng của bệnh SARS, một số nước trong khu vực tạm ngừng tiếp nhận lao động. Tuy nhiên, do công tác phòng chống bệnh SARS của ta làm khá tốt, được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao, nên đến nay bước đầu được khai thông trở lại thị trường xuất khẩu lao động đi các nước. Xuất khẩu lao động 5 tháng ước đạt 35 nghìn người, trong đó đi Malaixia khoảng 20.000 lao động; Đài Loan 8.170 lao động; Hàn Quốc 1.900 lao động.
2.3 Về Y tế và chăm sóc sức khoẻ:
Nổi bật trong các tháng qua vẫn là các hoạt động phòng chống bệnh SARS. Ngành Y tế đã phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tiến hành các hoạt động phòng chống bệnh tích cực nên đã khống chế và kiểm soát được bệnh SARS. Tuy nhiên, diễn biến của bệnh SARS trên thế giới rất phức tạp, Trung Quốc vẫn chưa khống chế có hiệu quả được bệnh này nên nguy cơ lây truyền bệnh vẫn còn cao. Đã lắp đặt 7 chiếc cổng đo thân nhiệt phòng chống SARS hiện đại nhập từ Canađa tại các sân bay quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và 2 cửa khẩu quốc tế Lạng Sơn và Quảng Ninh. Vì vậy, cần phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh SARS và có các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời.
2.4. Các hoạt động văn hóa, thông tin, phát thanh, truyền hình, thể dục thể thao.
Trong tháng 5, các hoạt động văn hóa, thông tin, phát thanh, truyền hình được tập trung hướng vào phục vụ tốt các ngày kỷ niệm lớn như 30/4, 1/5 và 19/5 với nội dung phong phú, đa dạng. Đặc biệt, tại thành phố Vinh, Nghệ An đã tổ chức khánh thành tượng đài Bác Hồ và Quảng trường Hồ Chí Minh. Đây là tình nghĩa sâu nặng của nhân dân cả nước dâng lên Bác, một công trình kiến trúc có ý nghĩa chính trị, văn hóa lớn của Quốc gia.
Các hoạt động thể dục, thể thao cả nước đều hướng tới Seagames 22: các đội tuyển dự Seagames đang tích cực luyện tập, tổ chức thi đấu quốc gia và quốc tế nhiều môn để nâng cao trình độ chuyên môn của các vận động viên… Các công trình xây dựng phục vụ Seagames 22 đang triển khai theo đúng tiến độ.
2.5 Một số tệ nạn xã hội vẫn rất bức xúc.
Công tác phòng chống các tệ nạn xã hội tiếp tục được đẩy mạnh. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 4 tháng đầu năm 2003 đã đưa vào trại cai nghiện cho gần 10.500 người, đưa vào trường giáo dưỡng chữa trị tập trung cho 712 gái mãi dâm, tổ chức dạy nghề tạo việc làm cho 121 đối tượng gái mãi dâm. Một số địa phương đã đề ra các biện pháp mạnh trong công tác phòng chống ma tuý như thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh… Để tạo việc làm cho số người sau cai nghiện, thành phố Hồ Chí Minh cho phép các trường, trung tâm cai nghiện dạy nghề và lập dự án cho phép được vay vốn tạo việc làm. Ngân sách thành phố hỗ trợ lãi suất cho vay, Liên minh các HTX giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Đây là sáng kiến hay cần nhân rộng trong cả nước. Tuy nhiên, công tác phòng chống cai nghiện, tập trung cải tạo gái mãi dâm vẫn chưa đạt được hiệu quả cao. Tình trạng nghiện hút, mãi dâm có phần gia tăng, chuyển hướng nhiều về các vùng nông thôn.
Đến nay, 100% tỉnh, thành phố có người bị nhiễm HIV/AIDS, 90% số huyện và gần 50% số xã có người nhiễm HIV. Tính đến tháng 5/2003, cả nước đã phát hiện trên 65.000 ca nhiễm HIV, trong đó có gần 10.000 người chuyển sang AIDS, 5.535 người tử vong.
2.6. Tai nạn giao thông đã giảm cả về số vụ tai nạn, số người bị thương, nhưng số người chết lại tăng. Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, trong 4 tháng đầu năm, đã xảy ra 8.388 vụ tai nạn giao thông, giảm 17,6% so với 4 tháng đầu năm 2002, có 9.200 người bị thương, giảm 20% và 3.994 người chết, đều giảm 8,3% (riêng tháng 4 số người chết tăng 2,4%). Trong đó số người chết do tai nạn đường bộ 4 tháng đầu năm là 3.814 người, chiếm 95%.
Nhìn chung lại, tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá, nhiều chỉ tiêu kế hoạch đạt được mức cao; nổi bật là sản xuất công nghiệp tăng khá (15,6%), hoạt động dịch vụ có nhiều chuyển biến tích cực, khách quốc tế có xu hướng gia tăng, tổng mức bán lẻ tăng 12%, kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh (tăng 31,3%), nguồn lực phát triển đã được huy động nhiều hơn (bằng 34,5% GDP), nhất là nguồn vốn dân cư, thu ngân sách tăng khá (đạt 37,4% dự toán), các mặt xã hội có nhiều tiến bộ, nhất là việc khống chế và kiểm soát được bệnh SARS, bước đầu lập lại trật tự an toàn giao thông...
Bên cạnh những kết quả đạt được trên đây, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước hiện nay, thách thức để thực hiện nhiệm vụ năm 2003 còn rất lớn, đó là:
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) tuy đạt được mức cao (6,9-7,0%) so với cùng kỳ, tuy nhiên vẫn còn thấp hơn mức tăng trưởng quý IV năm 2002 là 7,4% và vẫn thấp hơn kế hoạch đề ra là 7-7,5%, đòi hỏi phải nỗ lực hơn trong các quý còn lại để đạt được mục tiêu đề ra.
Nổi cộm nhất là chi phí sản xuất vẫn còn cao, nhất là trong ngành công nghiệp, nhưng vẫn chưa được các ngành, các doanh nghiệp tập trung giải quyết làm cho giá trị tăng thêm không tăng tương ứng với tăng trưởng giá trị sản xuất.
Giá một số nguyên vật liệu để sản xuất, xây dựng như thép, phân bón, cước vận tải, thuốc chữa bệnh... đang ở mức cao sẽ có những tác động đến sản xuất, và đời sống của dân cư.
Đời sống dân cư ở một số nơi còn gặp nhiều khó khăn; tệ nạn xã hội vẫn chưa giảm; một số nơi an ninh, chính trị và trật tự xã hội chưa được tăng cường.
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN TỚI
1. Phấn đấu giảm chi phí sản xuất:
Trên cơ sở thực hiện chuyển đổi nhanh cơ cấu sản phẩm trong từng ngành hàng, tập trung đẩy mạnh sản xuất những ngành, những sản phẩm có lợi thế về cạnh tranh và đang có thị trường tiêu thụ để giảm chi phí sản xuất, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm; tiến hành tổ chức lại sản xuất, giảm chi phí quản lý; các doanh nghiệp tập trung thực hiện các biện pháp tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước có chất lượng tương đương nhưng giá rẻ hơn để sản xuất cho tiêu dùng và xuất khẩu, nâng cao giá trị gia công các mặt hàng xuất khẩu.
Thúc đẩy tăng trưởng một số ngành sản phẩm quan trọng như: than sạch, xe đạp, xà phòng… duy trì mức tăng trưởng của các nhóm ngành khác như: dệt may, thủy sản, vật liệu xây dựng, các sản phẩm cơ khí điện tử… bằng các giải pháp tìm thị trường xuất khẩu và mở rộng thị trường trong nước.
Đẩy mạnh các chính sách khuyến khích và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho tất cả các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp. Ngoài những chính sách đẩy mạnh xuất khẩu cần phải hướng dẫn và tạo điều kiện cho người dân có thói quen dùng hàng sản xuất trong nước.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất cây trồng và vật nuôi, phát huy tính chủ động trong phòng chống thiên tai nhằm hạn chế đến mức tối thiểu chi phí thiệt hại.
Thực hiện các giải pháp chuyển dịch mạnh cơ cấu các ngành dịch vụ, tập trung phát triển các ngành dịch vụ có khả năng đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước như mở rộng mạng lưới thương nghiệp; phát triển du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng, vận tải, bưu chính viễn thông; quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản… giảm mạnh chi phí dịch vụ hạ tầng như điện, nước, viễn thông, cảng biển, vận tải.
2. Thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu
Tập trung khai thác tốt nguồn hàng như thủy sản. gạo, cà phê; hàng dệt may, hàng da giày, dầu thô, than đá, hàng điện tử và linh kiện, các mặt hàng cơ khí, hàng rau quả, hàng thủ công mỹ nghệ... và khai thác tốt các thị trường đã có.
Đẩy nhanh việc phân bổ hạn ngạch dệt may vào thị Hoa Kỳ.
Xây dựng và áp dụng các công cụ quản lý nhập khẩu mới, như hạn ngạch thuế quan, thuế tuyệt đối để tạo cơ sở pháp lý điều hành nhập khẩu.
Xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu chuyên ngành.
Rà soát lại hệ thống thuế để xử lý ngay các vấn đề vướng mắc trong kinh doanh theo hướng khuyến khích xuất khẩu và sản xuất hàng xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu và khuyến khích sử dụng các vật tư, nguyên liệu, sản phẩm, công nghệ sản xuất trong nước cho nhu cầu sản xuất nói chung và sản xuất hàng xuất khẩu nói riêng.
3. Đẩy mạnh đầu tư phát triển, huy động thêm các nguồn vốn để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế
Thực hiện giải pháp huy động các nguồn vốn, thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, Trung ương 5 về phát huy tối đa các nguồn vốn, tiếp tục ban hành đủ các văn bản pháp quy, thi hành Luật Doanh nghiệp, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 09/2001/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài thời kỳ 2001 - 2005; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn.
Rà soát lại các dự án, trường hợp chưa có đủ thủ tục đầu tư và xây dựng, không có khả năng thực hiện được hết vốn đầu tư, cần có biện pháp xử lý, điều chuyển cho những công trình dự án có khả năng thực hiện và hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2003.
Tập trung chỉ đạo khâu giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thi công của các công trình, đặc biệt là các công trình trọng điểm nhà nước.
Hoàn tất các Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 07/CP của Chính phủ về quản lý đầu tư và xây dựng.
Tập trung huy động đủ nguồn vốn tín dụng trong nước để cho vay.
4. Tập trung mọi nỗ lực để phục vụ tốt Seagames 22.
Tập trung nâng cao trình độ lực lượng VĐV, nhằm đạt thành tích cao. Phấn đấu vươn lên đứng thứ 3 trong bảng thành tích.
Tổ chức tốt Đại hội Thể thao Người khuyết tật Paragames (cũng là lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam).
Tập trung chỉ đạo các công trình trực tiếp phục vụ Seagames 2003. Ngoài những công trình thể thao, cần đồng bộ hóa các công trình liên quan đến việc tuyên truyền, quảng bá trong quá trình chuẩn bị và tổ chức Seagames.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư