Tệp đính kèm:
BÁO CÁO TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI
THÁNG 12 VÀ CẢ NĂM 2009
________
1. Tăng trưởng kinh tế và phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế
a) Về tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP)
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước năm 2009 ước đạt 5,32%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đã được điều chỉnh tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII là 5% và cao hơn số liệu ước tính đã báo cáo Quốc hội vào tháng 10/2009 là 5,2%, trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,83%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,52%, dịch vụ tăng 6,63%.
b) Sản xuất công nghiệp và xây dựng
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 12 ước tăng 4,6% so với tháng 11/2009 và tăng 13,4% so với tháng 12/2008, trong đó: khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 17% và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 9,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 8,1%.
Về các sản phẩm công nghiệp, một số sản phẩm đạt mức tăng trưởng cả năm cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành là: điều hòa nhiệt độ tăng 41,8%; khí hóa lỏng (LPG) tăng 39,3%; tủ lạnh, tủ đá tăng 29,5%; xà phòng giặt tăng 20,2%; xi măng tăng 19,2%; thép tròn các loại tăng 19,1%; điện sản xuất tăng 11,9%; than đá tăng 9,9%; dầu thô khai thác tăng 9,8%; nước máy thương phẩm tăng 9,7%; giầy, dép tăng 9,6%,…
c) Về sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2009 ước tăng 3% so với năm 2008; trong đó, nông nghiệp tăng 2,2%, lâm nghiệp tăng 3,8%, thủy sản tăng 5,4%.
Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 43,33 triệu tấn, tăng 24 nghìn tấn (0,1%) so với năm 2008; trong đó sản lượng lúa đạt 38,9 triệu tấn, vượt mức kỷ lục của năm 2008 là 0,4%; chủ yếu do tăng diện tích gần 40 nghìn ha. Diện tích rừng trồng mới tập trung năm 2009 ước đạt 212 nghìn ha, tăng 12 nghìn ha (5,9%) so với năm 2008.
Tổng sản lượng thủy sản năm 2009 tăng 5,3% so với năm 2008; trong đó đánh bắt tăng 6,6% và nuôi trồng tăng 4,2%. Sản lượng thủy sản đánh bắt tăng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của các năm trước do thời tiết thuận lợi và thị trường tiêu thụ khá ổn định.
d) Khu vực dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 12 ước tăng khoảng 4,2% so với tháng trước. Cả năm 2009 ước tăng 18,6% so với năm 2008. Nếu loại trừ yếu tố giá (6,88%), thì cả năm vẫn tăng gần 12%. Đây là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung của nền kinh tế trong bối cảnh xuất khẩu bị giảm sút.
Khối lượng vận chuyển hàng hóa cả năm 2009 ước tăng 4,1% so với năm 2008, khối lượng luân chuyển ước tăng 8,6%; số lượng vận chuyển hành khách ước tăng 8,2%; khối lượng luân chuyển hành khách ước tăng 6,2% so với năm 2008.
Tổng số thuê bao điện thoại phát triển mới trong năm 2009 ước đạt 41,7 triệu thuê bao, thăng 40,8% so với năm 2008 (trong đó thuê bao điện thoại di động chiếm khoảng 90,41%). Từng bước ứng dụng và phát triển công nghệ truyền thông thế hệ thứ 3 (3G). Số thuê bao Internet băng rộng năm 2009 ước đạt 2,98 triệu thuê bao, tăng 45,5% so với năm 2008.
đ) Về phát triển doanh nghiệp
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 12 ước đạt hơn 6 nghìn doanh nghiệp, tăng 11% so với tháng 12 năm 2008; tổng số vốn đăng ký mới đạt 33.420 tỷ đồng, tăng 61% so với tháng 12 năm 2008. Tính chung cả năm, số doanh nghiệp thành lập và đăng ký kinh doanh ước đạt 83 nghìn doanh nghiệp; tổng số vốn ước đạt 440 nghìn tỷ đồng, bằng 77,2% so với năm ngoái.
2. Về các cân đối vĩ mô
a) Thu chi ngân sách nhà nước
Thu cân đối ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 15/12/2009 ước đạt 99,9% dự toán năm, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2008, trong đó: một số khoản thu vượt khá cao so với dự toán như thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước vượt 6,2%, thu phí xăng dầu vượt 57,5%, các khoản thu về nhà, đất vượt 31,3%.
Chi cân đối ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 15/12/2009 ước đạt 96,2% dự toán năm, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2008; trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 95,2% dự toán; chi thường xuyên đạt 99,6% dự toán.
b) Đầu tư phát triển
Vốn đầu tư từ toàn xã hội năm 2009 ước đạt 704,2 nghìn tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm 2008, bằng 42,8% GDP. Vốn đầu tư từ NSNN thực hiện năm 2009 ước đạt 153,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 21,8% tổng vốn đầu tư cả nước, bằng 106,8% kế hoạch năm; trong đó: Trung ương đạt 112,8% kế hoạch năm và địa phương đạt 102,9% kế hoạch năm.
Về tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước, đến hết tháng 12/2009, giải ngân vốn trong nước cho vay đầu tư ước đạt 20,3 nghìn tỷ đồng, bằng 70,3% kế hoạch năm; giải ngân vốn ODA cho vay lại đạt 3,35 nghìn tỷ đồng, bằng 35,3% kế hoạch năm; dư nợ bình quân tín dụng xuất khẩu đạt 13,8 nghìn tỷ đồng, bằng 138% kế hoạch năm.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, ước cả năm 2009, thực hiện vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khoảng 10 tỷ USD. Đã đăng ký mới và tăng vốn cho 1.054 dự án với tổng vốn là 21,48 tỷ USD, bằng 30% so với năm 2008, trong đó: vốn đăng ký mới là 16,345 tỷ USD, bằng 24,6% vốn tăng thêm là 5,137 tỷ USD, bằng 98,3% so với năm 2008.
Về thu hút vốn ODA, tại hội nghị CG tháng 12/2009, các nhà tài trợ đã cam kết tài trợ trên 8 tỷ USD, đạt mức kỷ lục từ trước tới nay. Tổng giá trị vốn ODA được ký kết thông qua các Hiệp định với các nhà tài trợ năm 2009 ước đạt 6.144,4 triệu USD, trong đó: vốn vay: 5.929,4 triệu USD, viện trợ không hoàn lại: 215,0 triệu USD. Tổng số vốn ODA giải ngân năm 2009 ước đạt trên 3.600 triệu USD, bao gồm vốn vay khoảng 3.255 triệu USD; vốn viện trợ không hoàn lại khoảng 345 triệu USD.
c) Xuất nhập khẩu
Kim ngạch xuất khẩu tháng 12 ước đạt 5,25 tỷ USD, tăng 12% so với tháng 11/2009. Kim ngạch xuất khẩu cả năm 2009 ước đạt 56,6 tỷ USD, giảm 9,7% so với năm 2008 (số đã báo cáo Quốc hội là giảm 9,9%), chủ yếu do yếu tố giảm giá. Tuy nhiên, mức sụt giảm xuất khẩu của nước ta còn thấp so với các nước trong khu vực (kim ngạch xuất khẩu của Indonexia giảm 22%; Malaysia giảm 20%, Thái Lan giảm gần 20%,…)
Nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu tháng 12 năm 2009 ước đạt 6,55 tỷ USD, giảm 3,21% so với tháng trước. Tổng kim ngạch nhập khẩu cả năm 2009 ước đạt 68,83 tỷ USD, giảm 14,7% so với năm 2008, trong đó kim ngạch nhập khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 24,87 tỷ USD, giảm 10,8%.
Nhập siêu năm 2009 ước khoảng 12,25 tỷ USD, bằng 21,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (năm trước nhập siêu 28,8%).
đ) Thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán cuối tháng 12 có các phiên tăng điểm và phục hồi so với hồi đầu tháng nhờ những tín hiệu tích cực từ tình hình kinh tế vĩ mô và kết quả kinh doanh khả quan của nhiều doanh nghiêp. Những diễn biến tích cực đó đã góp phần lấy lại niềm tin cho các nhà đầu tư. Chỉ số VN-Index hiện đang dao động ở mức gần 500 điểm, xấp xỉ bằng mức điểm vào cuối tháng trước mà vẫn gấp hơn 2 lần so với thời điểm thấp nhất vào Quý I.
e) Chỉ số giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 năm 2009 tăng 1,38% so với tháng trước (tháng 11 năm 0,55%, tháng 10 tăng 0,37%, tháng 9 tăng 0,62%, tháng 8 tăng 0,24%,…), trong đó: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,06%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,97%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,81%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,4%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,25%; dược phẩm, y tế tăng 0,44%; giao thông tăng 2,47%; bưu chính viễn thông giảm 0,11%; giáo dục tăng 0,08%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,07%; đồ dùng và dịch vụ khác tăng 1% so với tháng 11/2009. So với tháng 12/2008, chỉ số giá tiêu dùng tăng 6,52%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2009 so với năm 2008 tăng 6,88%, đều thấp hơn mức tăng giá Quốc hội cho phép là dưới 10%. Tuy nhiên, trong các tháng gần đây, giá cả đang có xu hướng tăng cao hơn các tháng đầu năm. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp để tăng cường quản lý, ngăn ngừa lạm phát cao trở lại.
Về giá vàng và giá ngoại tệ, so với tháng 12/2008, chỉ số giá vàng tăng 64,32%; chỉ số giá đô la Mỹ tăng 10,7%. Chỉ số giá vàng bình quân năm 2009 so với năm 2008 tăng 19,16% và chỉ số giá đô la Mỹ tăng 9,17%.
3. Về giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, an sinh xã hội, y tế, văn hóa và các lĩnh vực xã hội khác
a) Giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ
Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp hệ trung học phổ thông đạt 83,8%; hệ bổ túc trung học phổ thông đạt 39,9%. Tính đến tháng 12/2009, cả nước đã có 48/63 địa phương đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và 56/63 địa phương đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Năm học 2009 – 2010, cả nước có khoảng 1,3 triệu sinh viên đại học, tăng 2,2% so với năm học trước; các cơ sở dạy nghề đã tuyển được 1.645 nghìn lượt người, vượt kế hoạch đề ra.
Thị trường công nghệ và hoạt động chuyển giao công nghệ có bước phát triển mới; số lượng giao dịch mua bán công nghệ ước tăng 37% so với năm 2008 với tổng giá trị đạt trên 2.000 tỷ đồng, Tỷ lệ hài hòa tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn nước ngoài tiên tiến đạt gần 40%. Số lượng các đối tượng sở hữu công nghiệp được đăng ký bảo hộ ước tăng khoảng 14% so với năm 2008.
b) Về lao động – việc làm
Tháng 12 ước tạo việc làm khoảng 137.213 người, đưa tổng số người được giải quyết việc làm từ đầu năm đến nay lên 1.510.000 người (bằng 89% kế hoạch đề ra). Trong đó, xuất khẩu lao động cả năm khoảng 73.000 người.
c) Về chăm sóc sức khỏe nhân dân
Về y tế dự phòng: Ngành y tế đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình bệnh dịch, chỉ đạo phòng chống các loại bệnh dịch, nhất là một số bệnh dịch vẫn có xu hướng gia tăng: dịch cúm A (H1N1), sốt xuất huyết,… Tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác y tế dự phòng tại hai miền Nam, Bắc. Triển khai chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi đợt 3 tại khu vực miền Nam.
Về vệ sinh an toàn thực phẩm: Trong tháng xảy ra 4 vụ ngộ độc thực phẩm làm 111 người mắc, số người phải nhập viện là 88 người, có 01 trường hợp tử vong. Tính từ ngày 18/12/2008 đến hết ngày 21/12/2009, toàn quốc đã xảy ra 84 vụ ngộ độc thực phẩm với 3.946 người mắc, trong đó có 17 người tử vong.
d) Văn hóa – thể thao
Ngành văn hóa thông tin tập trung chuẩn bị và tổ chức các hoạt động văn hóa thông tin, tuyên truyền các sự kiện chính trị xã hội trên toàn quốc như: Triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2010, kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và ngày Quốc phòng toàn dân (22/12).
Phối hợp, giúp đỡ nước bạn Lào tổ chức thành công SEAGAMES 25 về công tác truyền hình, thông tấn, báo chí. Tập trung chuẩn bị tổ chức Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 29 tại Hà Nội. Đoàn thể thao Việt Nam tham gia Đại hội Seagames lần thứ 25 tại Lào đã thu được kết quả vượt dự kiến. Toàn đoàn đã xuất sắc đạt giải Nhì, với tổng số 215 huy chương, trong đó có 83 huy chương Vàng.
4. Về trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tham nhũng và an ninh, quốc phòng
Tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, từng bước khắc phục tình trạng tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn. Số vụ tai nạn giao thông 11 tháng năm 2009 giảm 3,7%, số người chết giảm 0,1%, số người bị thương giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2008.
Công tác phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh và đạt được những kết quả thiết thực. Giải quyết được khoảng 84% các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân, trong đó có những vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài. Tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Trong công tác an ninh, quốc phòng, đã thực hiện tốt chế độ sẵn sàng chiến đấu, nắm chắc tình hình và xử lý kịp thời các tình huống; bảo vệ vững chắc chủ quyền và quyền chủ quyền quốc gia, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường đấu tranh phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em.
Đánh giá chung, năm 2009 nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới. Tuy nhiên, với sự điều hành chặt chẽ, quyết liệt, có hiệu quả của Chính phủ, đặc biệt là việc sử dụng linh hoạt các biện pháp kích thích kinh tế, nhiều khó khăn đã được tháo gỡ, hoạt động sản xuất, thương mại đã từng bước vượt qua giai đoạn đáy suy thoái và đang có xu hướng phục hồi. Các hoạt động văn hóa, xã hội tiếp tục có bước phát triển khá. Chính trị xã hội ổn định, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, công tác bảo đảm an ninh xã hội được chú trọng và thu được nhiều kết quả tích cực.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Tệp đính kèm: