Tệp đính kèm:
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2009
--------------------
Kinh tế-xã hội nước ta tháng 01/2009 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang suy giảm; trong nước thiên tai xảy ra bất thường với những đợt mưa lũ lớn kéo dài tại nhiều tỉnh vùng Trung bộ, mưa trái mùa và triều cường tại vùng đồng bằng sông Cửu Long; các đơn vị sản xuất kinh doanh nghỉ Tết Nguyên đán nên số ngày sản xuất ít hơn cùng kỳ năm 2008. Trước tình hình đó, Đảng, Chính phủ đã ban hành một số văn bản quan trọng, trong đó có Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 09/01/2009 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2009. Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ tư, Quốc hội Khoá XII, trọng tâm là ngăn chặn suy giảm kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội. Do đó, mặc dù còn gặp khó khăn nhưng kết quả đạt được của một số ngành, lĩnh vực tháng 01/2009 vẫn tiếp tục giữ được mức tăng khá so với cùng kỳ năm 2008, cụ thể như sau:
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Nông nghiệp
Trọng tâm của sản xuất nông nghiệp tháng Một là gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch lúa đông xuân, cây màu vụ đông trên cả nước và thu hoạch lúa mùa tại các địa phương phía Nam.
Tính đến 15/01/2009, cả nước đã gieo cấy được 1799,8 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 95% cùng kỳ năm trước, bao gồm các địa phương phía Bắc gieo cấy 107,3 nghìn ha, bằng 98,8%; các địa phương phía Nam gieo sạ 1692,5 nghìn ha, bằng 94,8%.
Diện tích gieo sạ vùng đồng bằng sông Cửu Long ước tính đạt 1421,2 nghìn ha, bằng 95,7% cùng kỳ năm 2008. Do ảnh hưởng của mưa trái mùa, triều cường và thời tiết lạnh bất thường vào đầu tháng Một nên một số diện tích lúa đông xuân mới xuống giống của các địa phương trong vùng phải gieo sạ lại (Cần Thơ 1,3 nghìn ha, An Giang 4,9 nghìn ha, Đồng Tháp 5,6 nghìn ha) và cấy dặm lại trên 50 nghìn ha. Cơ cấu lúa đông xuân năm nay có sự chuyển dịch tích cực, một số giống lúa có chất lượng cao phục vụ xuất khẩu được đưa vào sử dụng như: Jasmine 85; OM2517; OM1490; OM5930; OMCS2000.
Cùng với gieo cấy lúa đông xuân, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng đã thu hoạch được 72,5 nghìn ha lúa đông xuân sớm, bằng 66,7% cùng kỳ năm trước và 329,9 nghìn ha lúa mùa, chiếm 74% diện tích xuống giống.
Tiến độ gieo trồng các loại cây màu vụ đông năm nay chậm hơn so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của thời tiết rét đậm trong những ngày cuối năm 2008. Tính đến ngày 15/01/2009, diện tích gieo trồng ngô cả nước đạt 179,7 nghìn ha, bằng 81% cùng kỳ năm trước; khoai lang 61,1 nghìn ha, bằng 82,2%; lạc 32,9 nghìn ha, bằng 99,6%; đỗ tương 57,6 nghìn ha, bằng 86,2%; rau, đậu 235,2 nghìn ha, bằng 102,3%.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm tháng Một năm nay nhìn chung ổn định, không có dịch bệnh bùng phát; dịch lở mồm, long móng và dịch bệnh tai xanh đã được khống chế. Các địa phương đang tập trung và tăng cường công tác kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh và kiểm dịch nhằm đảm bảo nguồn thực phẩm cung cấp cho tiêu dùng trong dịp Tết. Hiện nay, cả nước chỉ còn 2 tỉnh có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày là Thái Nguyên và Thanh Hoá.
Lâm nghiệp
Sản xuất lâm nghiệp tháng Một tập trung chủ yếu vào bảo vệ và chăm sóc diện tích rừng hiện có; nghiệm thu diện tích rừng đã trồng trong năm 2008 và chuẩn bị đất, giống cây trồng cho việc trồng rừng năm 2009. Sản lượng gỗ khai thác tháng 01/2009 ước tính đạt 193,8 nghìn m3, bằng 99,8% cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác đạt 2152,3 nghìn ste, tăng 0,3%.
Thuỷ sản
Sản lượng thuỷ sản tháng 01/2009 ước tính đạt 335,6 nghìn tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó sản lượng cá đạt 255 nghìn tấn, tăng 1,3%; sản lượng tôm đạt 28 nghìn tấn, giảm 1,1%.
Nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển theo hướng kết hợp đa dạng loài trên nhiều loại mặt nước như: Ao, ruộng trũng, hồ chứa, lồng bè trên sông và trên biển v.v. Sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng 01/2009 ước tính đạt 144,5 nghìn tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2008, trong đó cá đạt 108 nghìn tấn, tăng 4%; tôm đạt 19 nghìn tấn, giảm 1,6% do phần lớn ao đầm tại các vùng nuôi tôm công nghiệp đang được nạo vét, cải tạo để chuẩn bị cho xuống giống vụ 1. Diện tích nuôi cá tra và tôm sú cũng bị ảnh hưởng do giá tiêu thụ đứng ở mức thấp, chi phí đầu vào tăng cao và thị trường xuất khẩu có xu hướng bị thu hẹp.
Sản lượng thuỷ sản khai thác tháng 01/2009 ước tính đạt 191,1 nghìn tấn, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó cá đạt 147 nghìn tấn, giảm 0,7%; tôm đạt 9 nghìn tấn, bằng cùng kỳ năm 2008. Sản lượng thủy sản khai thác biển đạt 178,4 nghìn tấn, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân một mặt do ảnh hưởng của thời tiết lạnh tại các ngư trường phía Bắc và Trung bộ nên cá xuất hiện ít; mặt khác do phần lớn ngư dân nghỉ ra khơi để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.
Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp tháng 01/2009 một mặt tiếp tục bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, mặt khác do các cơ sở ngừng sản xuất trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán nên giá trị sản xuất công nghiệp tháng 01/2009 theo giá so sánh 1994 ước tính giảm 4,4% so với cùng kỳ năm trước (tháng 1/2008 chỉ là tháng áp Tết, sản xuất không bị ảnh hưởng), bao gồm khu vực kinh tế nhà nước giảm 8,5%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước giảm 2,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 3,2% (dầu mỏ và khí đốt tăng 14,6%, các sản phẩm khác giảm 4,8%).
Một số địa phương có quy mô sản xuất công nghiệp lớn vẫn duy trì được tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 13,9%; Khánh Hòa tăng 12,1%; Hải Phòng tăng 11,4%; Thanh Hóa tăng 11%. Một số địa phương khác đạt tốc độ tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm 2008 là: Đồng Nai tăng 1,9%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 0,3%; Cần Thơ tăng 0,2%; Vĩnh Phúc giảm 24,7%; Phú Thọ giảm 19,5%; Quảng Ninh giảm 7,4%; Hải Dương giảm 7,1%; Hà Nội giảm 6,4%; Đà Nẵng giảm 4,9%; Bình Dương giảm 4,3%.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nhưng sản lượng nhiều sản phẩm vẫn tiếp tục duy trì được nhịp độ sản xuất và tăng so với cùng kỳ năm trước như: Dầu thô khai thác tăng 20,6%; biến thế điện tăng 15,2%; điện sản xuất tăng 13,8%; nước máy thương phẩm tăng 12,2%; xà phòng giặt tăng 11,6%; xi măng tăng 6,3%; thép tròn tăng 5%; thủy hải sản chế biến tăng 3,4%; gạch lát ceramic tăng 3,3%; điều hòa nhiệt độ tăng 2,6%. Tuy nhiên, một số sản phẩm phục vụ sản xuất, xây dựng và tiêu dùng của dân cư trong tháng giáp Tết tăng không đáng kể, thậm chí giảm như: Dầu thực vật tinh luyện tăng 1,1%; sữa bột tăng 0,5%; xe máy tăng 0,4%; than sạch giảm 25%; xe chở khách giảm 21%; xe tải giảm 12.9%; giấy bìa giảm 10,4%; bia giảm 6,7%; quần áo người lớn giảm 5,9%;
Đầu tư
Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện tháng 01/2009 ước tính đạt 6,4 nghìn tỷ đồng, bằng 5,7% kế hoạch năm, bao gồm vốn Trung ương đạt 2 nghìn tỷ đồng, bằng 5,6%; vốn địa phương đạt 4,4 nghìn tỷ đồng, bằng 5,7%. Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện tháng 01/2009 của một số Bộ, ngành như sau: Bộ Công thương ước tính đạt 17,9 tỷ đồng, bằng 7,5% kế hoạch năm; Bộ Xây dựng đạt 28 tỷ đồng, bằng 6,6%; Bộ Giáo dục và Đào tạo đạt 45,6 tỷ đồng, bằng 5,9%; Bộ Giao thông vận tải đạt 360 tỷ đồng, bằng 5,9%; Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch đạt 28,9 tỷ đồng, bằng 5,4%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đạt 158,5 tỷ đồng, bằng 5,4% kế hoạch năm; Bộ Y tế đạt 48,7 tỷ đồng, bằng 4,8%. Một số địa phương có tiến độ thực hiện nhanh là: Quảng Trị đạt 90 tỷ đồng, bằng 12,5% kế hoạch năm; Bắc Ninh đạt 99,2 tỷ đồng, bằng 12,4%; Hòa Bình đạt 96 tỷ đồng, bằng 9,9%; Nghệ An đạt 135,5 tỷ đồng, bằng 9,8%; Hà Nội đạt 949,1 tỷ đồng, bằng 8,2%; Bà Rịa-Vũng Tàu đạt 190,5 tỷ đồng, bằng 7,3%; Thái Nguyên đạt 68,7 tỷ đồng, bằng 6,9%.
Thương mại, dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Mặc dù nhiều loại hàng hoá và dịch vụ có chất lượng tốt được các đơn vị kinh doanh chuẩn bị chu đáo với mức giá hợp lý để đáp ứng tiêu dùng của dân cư trong dịp Tết Nguyên đán, nhưng do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn nên sức mua trong dân giảm sút. Hoạt động bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng trong tháng Một của năm 2009 nhìn chung không sôi động hơn so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2009 theo giá thực tế ước tính đạt 98,5 nghìn tỷ đồng, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2008, nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01 năm nay tăng 8,2%, thấp hơn mức tăng 11,7% của cùng kỳ năm trước, trong đó kinh doanh thương nghiệp đạt 81,1 nghìn tỷ đồng, tăng 26,6%; khách sạn, nhà hàng đạt 11,2 nghìn tỷ đồng, tăng 28,5%; dịch vụ đạt 5,2 nghìn tỷ đồng, tăng 36,9%. Riêng hai thành phố lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đạt 37,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 31,4% tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước và tăng 22% so với tháng 01/2008.
Chỉ số giá
Giá tiêu dùng tháng 01/2009 tăng 0,32% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng của dân cư tăng lên trong dịp Tết Nguyên đán. Hầu hết giá các nhóm hàng hoá, dịch vụ đều tăng ở mức trên dưới 1%, trong đó nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,89%; văn hoá, thể thao, giải trí tăng 1,66%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,46%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,77%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,61%; dược phẩm, y tế tăng 0,47%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,39% (lương thực giảm 0,04%; thực phẩm tăng 0,55%). Riêng nhóm phương tiện đi lại, bưu điện giảm 3,51% do giá xăng dầu giảm mạnh. Giá tiêu dùng tháng 01/2009 so với tháng 01/2008 tăng 17,48%. Giá vàng tháng 01/2009 so với tháng 12/2008 tăng 3,64%, so với tháng 01/2008 tăng 5,38%. Giá đô la Mỹ tháng 01/2009 so với tháng 12/2008 tăng 1,48%, so với tháng 01/2008 tăng 8,16%.
Xuất, nhập khẩu hàng hoá
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 01/2009 ước tính đạt 3,8 tỷ USD, giảm 18,6% so với tháng 12/2008 và giảm 24,2% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do sự giảm giá xuất khẩu của nhiều mặt hàng cũng như nhu cầu nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam của một số thị trường quan trọng giảm sút như: Mỹ, EU, Nhật Bản. Kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 1,7 tỷ USD, giảm 21,9% so với tháng 01/2008; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài không kể dầu thô đạt 1,7 tỷ USD, giảm 13,7%.
Kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng trong tháng Một của năm 2009 đều giảm so với cùng kỳ năm 2008, trong đó hàng dệt, may đạt 550 triệu USD, giảm 33,2%; dầu thô đạt 424 triệu USD, tương đương 1,4 triệu tấn, tuy tăng 12,4% về lượng nhưng giảm 52,4% về kim ngạch do giá xuất khẩu dầu thô giảm 57,7%; giày dép đạt 350 triệu USD, giảm 26%; thủy sản đạt 250 triệu USD, giảm 18,6%; cà phê đạt 217 triệu USD, giảm 30,2%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 200 triệu USD, giảm 31,8%. Bên cạnh những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 130 triệu USD, gấp 2,5 lần tháng 01/2008 (lượng gấp 2,3 lần).
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 01/2009 ước tính đạt 4,1 tỷ USD, giảm 27,6% so với tháng trước và giảm 44,8% so với cùng kỳ năm 2008, bao gồm khu vực kinh tế trong nước đạt 2,8 tỷ USD, giảm 46,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1,3 tỷ USD, giảm 41,1%. Kim ngạch nhập khẩu của hầu hết các mặt hàng phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước của tháng Một năm 2009 nhìn chung đều giảm so với cùng kỳ năm 2008, trong đó máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 1 tỷ USD, giảm 19,5%; xăng dầu đạt 244 triệu USD, giảm 75,2%; vải đạt 230 triệu USD, giảm 20,6%; hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt 200 triệu USD, giảm 45,1%; sắt thép đạt 155 triệu USD, giảm 82,3%; chất dẻo đạt 130 triệu USD, giảm 53%; nguyên phụ liệu dệt, may, da đạt 110 triệu USD, giảm 35,9%. Nguyên nhân chủ yếu tác động đến kim ngạch hàng hoá nhập khẩu tháng Một năm nay giảm là do giá nhiều mặt hàng trên thị trường thế giới giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2008, trong đó giá xăng dầu giảm 56,2%; giá chất dẻo giảm 33,7%; sợi dệt giảm 29,2%; sắt thép giảm 9,4%.
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu dẫn đến kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng mạnh đến kim ngạch hàng hoá xuất khẩu và nhập khẩu tháng Một của năm 2009. Do tốc độ giảm của kim ngạch hàng hoá nhập khẩu nhanh hơn tốc độ giảm của kim ngạch hàng hoá xuất khẩu nên mức nhập siêu tháng 01/2009 đã giảm nhiều, ước tính 300 triệu USD, bằng 7,9% tổng kim ngạch hàng hoá xuất khẩu, thấp hơn nhiều so với mức nhập siêu 2,4 tỷ USD của cùng kỳ năm trước (bằng 48,3% tổng kim ngạch hàng hoá xuất khẩu).
Khách quốc tế đến Việt Nam
Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 01/2009 ước tính đạt 370 nghìn lượt người, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến với mục đích du lịch đạt 231,5 nghìn lượt người, giảm 10,5%; đến vì công việc đạt 65 nghìn lượt người, giảm 17,6%; thăm thân nhân đạt 55 nghìn lượt người, giảm 1,2%.
Một số quốc gia mặc dù có số lượng lớn khách đến Việt Nam nhưng giảm so với cùng kỳ năm 2008 là: Trung Quốc đạt 60,7 nghìn lượt người, giảm 12,1%; Nhật Bản đạt 34,7 nghìn lượt người, giảm 1,5%; Hoa Kỳ đạt 33,4 nghìn lượt người, giảm 18,1%; Hàn Quốc đạt 33 nghìn lượt người, giảm 30,1%. Một số nước khác tuy lượng khách đến nước ta không lớn nhưng vẫn duy trì được mức tăng cao là: Pháp đạt 19,3 nghìn lượt người, tăng 51,1% so với tháng 01/2008; Ma-lai-xi-a đạt 19 nghìn lượt người, tăng 23,2%; Xin-ga-po đạt 18,3 nghìn lượt người, tăng 26,6%.
Vận tải
Vận chuyển hành khách tháng 01/2009 ước tính đạt 173,4 triệu lượt khách, tăng 7,8% và 7,3 tỷ lượt khách.km, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vận chuyển đường bộ đạt 157,4 triệu lượt khách, tăng 8,3% và 5,2 tỷ lượt khách.km, tăng 8,9%; đường sông đạt 13,7 triệu lượt khách, tăng 2,5% và 0,3 tỷ lượt khách.km, tăng 1,9%; đường hàng không đạt 0,9 triệu lượt khách, tăng 8,8% và 1,5 tỷ lượt khách.km, tăng 9,1%.
Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 01/2009 ước tính đạt 51,4 triệu tấn, tăng 1,9% và 13,4 tỷ tấn.km, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2008, trong đó vận tải đường bộ đạt 37,9 triệu tấn, tăng 4,7% và 2 tỷ tấn.km, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước; đường sông đạt 9,3 triệu tấn, tăng 2,3% và 0,5 tỷ tấn.km, tăng 2,7%; đường biển đạt 3,5 triệu tấn, giảm 17,7% và 10,6 tỷ tấn.km, giảm 10,5% do lượng xuất khẩu của một số mặt hàng tăng chậm hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước.
Bưu chính viễn thông
Số thuê bao điện thoại phát triển mới trong tháng 01/2009 ước tính đạt 3,2 triệu thuê bao, tăng 160,4% so với cùng kỳ năm 2008, nâng tổng số thuê bao điện thoại trên cả nước tính đến hết tháng 01/2009 lên 82,6 triệu thuê bao, trong đó Tập đoàn Bưu chính Viễn thông đạt 48,7 triệu thuê bao. Số thuê bao internet băng rộng trên cả nước tính đến hết tháng 01/2009 ước tính đạt 2,1 triệu thuê bao. Tổng doanh thu thuần bưu chính viễn thông tháng 01/2009 ước tính đạt 7,7 nghìn tỷ đồng, tăng 46,6% so với tháng 01/2008, trong đó doanh thu của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông đạt 5,8 nghìn tỷ đồng, tăng 52,7%.
Thu chi ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước 15 ngày đầu tháng 01/2009 ước tính bằng 2,4% dự toán năm, trong đó các khoản thu nội địa bằng 2,9% (thu từ kinh tế Nhà nước bằng 2,9%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, không kể dầu thô bằng 2,5%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước bằng 2,6%; thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao bằng 3,4%; thu phí xăng dầu bằng 3%; thu phí, lệ phí bằng 2,5%); thu từ dầu thô bằng 1,6%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu bằng 1,9%.
Cũng trong 15 ngày đầu tháng 01/2009, tổng chi ngân sách Nhà nước ước tính bằng 3,3% dự toán năm, trong đó chi đầu tư xây dựng cơ bản bằng 2,7%; chi sự nghiệp kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể (gồm cả chi cải cách tiền lương) bằng 3,5%; chi trả nợ và viện trợ bằng 4,3%.
Một số vấn đề xã hội
Thiếu đói trong nông dân
Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, tính đến 20/01/2009, cả nước có 45,9 nghìn hộ thiếu đói với 200,3 nghìn nhân khẩu bị thiếu đói, chiếm 0,4% tổng số hộ nông nghiệp và 0,4% tổng số nhân khẩu nông nghiệp. So với cùng kỳ năm 2008, số hộ thiếu đói giảm 26,8%, số nhân khẩu thiếu đói giảm 24,1%. Hộ thiếu đói tập trung chủ yếu tại các tỉnh thuộc vùng Trung du, miền núi phía Bắc; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm các cấp, các ngành và tổ chức đoàn thể từ trung ương đến địa phương đã hỗ trợ cho các hộ thiếu đói lương thực và tiền nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân.
Thiệt hại thiên tai
Mưa lũ lớn kéo dài tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên đã ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống dân cư. Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, có trên 100 nghìn ha lúa đông xuân mới gieo sạ bị ngập nặng, trong đó hơn 40 nghìn ha phải gieo sạ lại; gần 17 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; 16 tàu, thuyền đánh cá bị chìm; trên 10 nghìn con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi. Để khắc phục hậu quả thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng các địa phương khẩn trương hỗ trợ giống lúa cho nông dân gieo cấy, đảm bảo đúng tiến độ thời vụ.
Tình hình dịch bệnh
Từ 21/12/2008 đến 20/01/2009 trên địa bàn cả nước có 1,6 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt rét; 5,4 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; hơn 300 trường hợp mắc bệnh viêm gan virút và 01 trường hợp nhiễm và tử vong do vi rút cúm A H5N1. Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm mặc dù đã được các cấp, các ngành chú ý quan tâm, nhưng tình hình chưa được cải thiện rõ rệt. Trong tháng, cả nước đã xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm với 627 trường hợp bị ngộ độc tại các tỉnh: Nghệ An, Quảng Bình, Hải Dương, Cà Mau và thành phố Hồ Chí Minh. Để đảm bảo an toàn cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán, nhiều biện pháp đề ra đang được các ngành chức năng thực hiện quyết liệt, đặc biệt tăng cường kiểm tra, giám sát và tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao ý thức cho người dân trong sản xuất và tiêu dùng các loại thực phẩm.
Cũng trong tháng Một của năm 2009, cả nước đã có 1,2 nghìn trường hợp nhiễm HIV được phát hiện, nâng tổng số người nhiễm HIV tính đến 20/01/2009 lên 179,5 nghìn người, trong đó 71,5 nghìn trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 41,8 nghìn người đã tử vong do AIDS.
Tai nạn giao thông
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong tháng 12/2008 trên địa bàn cả nước đã xảy ra 1113 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1019 người và làm bị thương 684 người. So với tháng 11/2008, số vụ tai nạn giao thông tăng 4,7%, số người chết tăng 8,3% và số người bị thương tăng 7,7%. So với cùng kỳ năm 2007, số vụ tai nạn giao thông giảm 8,2%, số người chết giảm 6,8% và số người bị thương giảm 14,4%.
Tính chung năm 2008, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 12,8 nghìn vụ tai nạn giao thông, làm chết 11,6 nghìn người và làm bị thương 8,1 nghìn người. So với năm 2007, số vụ tai nạn giao thông giảm 12,5%, số người chết giảm 11,9% và số người bị thương giảm 23,6%. Bình quân một ngày trong năm 2008, trên địa bàn cả nước xảy ra 35 vụ tai nạn giao thông, làm chết 32 người và làm bị thương 22 người. So với năm 2007, số vụ tai nạn giao thông bình quân một ngày giảm 5 vụ, số người chết giảm 4 người và số người bị thương giảm 7 người. Để đảm bảo an toàn giao thông trong những ngày giáp Tết Nguyên đán, các lực lượng chức năng trên cả nước đã và đang phối hợp chặt chẽ, nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế tối đa những bất cập trên các tuyến giao thông.
Khái quát lại, kinh tế-xã hội nước ta tháng 01/2009 mặc dù tiếp tục gặp khó khăn nhưng một số ngành, lĩnh vực vẫn giữ được nhịp độ phát triển, do đó kết quả đạt được tăng so với cùng kỳ năm trước cũng như so với thời điểm kinh tế-xã hội trong nước bị ảnh hưởng của lạm phát và suy thoái kinh tế. Sản lượng dầu thô khai thác và sản lượng điện sản xuất tăng; hoạt động bưu chính viễn thông tiếp tục phát triển; tình trạng thiếu đói trong nông dân giảm. Tuy nhiên, để từng bước vượt qua khó khăn, thách thức; ngăn chặn suy giảm kinh tế; thúc đẩy sản xuất phát triển; ổn định kinh tế vĩ mô và ngăn ngừa lạm phát, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề sau đây:
Một là, nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh sau Tết Nguyên đán để bù phần giảm sút của tháng Một. Muốn vậy phải tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển.
Hai là, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, đặc biệt của sản phẩm sản xuất ra nhằm kích thích đầu tư, mở rộng quy mô, phát triển sản xuất.
Ba là, có sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, linh hoạt giữa các Bộ, ngành liên quan trong thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ. Tổ chức triển khai nhanh chóng những nhiệm vụ đã được Thủ tướng giao, chỉ đạo và được nêu trong các Nghị quyết của Chính phủ.
Bốn là, khẩn trương hoàn thiện đề án sử dụng gói kích cầu đầu tư 1 tỷ USD, đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng để nâng cao hiệu quả đầu tư.
Năm là, làm tốt công tác phân tích, đánh giá tình hình và dự báo, từ đó chủ động đề ra những giải pháp, biện pháp khắc phục, phòng ngừa nhằm giảm tối đa thiệt hại và hạn chế tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống dân cư.
Sáu là, triển khai thực hiện khẩn trương, kịp thời, công bằng, đúng đối tượng các chủ trương, quyết định liên quan đến an sinh xã hội, đảm mỗi người dân đều được hưởng quyền lợi như đã quy định và nhận được sự trợ giúp khi gặp khó khăn do thiên tai, hoạn nạn.
TỔNG CỤC THỐNG KÊ
Tệp đính kèm: