Tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại tháng 10 và 10 tháng năm 2009
Tệp đính kèm:
▪ cnghiep_tmai_10_2009_PL.xls
TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG NGÀNH CÔNG NGHIỆP
VÀ THƯƠNG MẠI THÁNG 10 VÀ 10 THÁNG NĂM 2009
_____________
I. HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP
1. Giá trị sản xuất công nghiệp
Giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành tháng 10 ước đạt 63,77 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với tháng 9 và tăng 11,9% so với tháng 10/2008 (riêng các doanh nghiệp thuộc Bộ tăng 13,4% so với tháng 10/2008); tính chung 10 tháng ước đạt 568,96 nghìn tỷ đồng, tăng 7,0% so với cùng kỳ, trong đó: khu vực kinh tế trung ương tăng 5,7% (các doanh nghiệp thuộc Bộ tăng 6,8%); khu vực kinh tế địa phương giảm 4,0%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước có tốc độ tăng cao nhất 8,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 7,4%, trong đó ngành dầu khí tăng 10,7%. Nhìn chung, các khu vực đều có tốc độ tăng trưởng cao hơn tháng trước. Tốc độ tăng sản xuất công nghiệp tháng 10 cao hơn tốc độ tăng bình quân 10 tháng đầu năm là 4,9 điểm % cho thấy ngành công nghiệp đang tiếp tục phục hồi kể từ đầu quí II/2009. Hiện nay, giá các loại nguyên liệu chính nhập khẩu để phục vụ sản xuất đang có xu hướng tăng do chịu ảnh hưởng của giá dầu thô, giá xăng dầu tăng và tỷ giá đồng đô la biến động.
Trong tháng 10, nhiều doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, một số doanh nghiệp đạt cao hơn tăng trưởng bình quân của toàn ngành (11,9%) như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (tăng 16,8%); Tổng công ty Thép Việt Nam (tăng 2,4 lần); Tổng công ty Máy và thiết bị công nghiệp (tăng 66,0%); Tổng công ty Thiết bị điện (tăng 33,4%); Tổng công ty cổ phần Điện tử - Tin học Việt Nam (tăng 85,5%); Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (tăng 12,4%); Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (tăng 16,3%); Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (tăng 25,9%); Công ty Cổ phần Nhựa Việt Nam (tăng 56,9%)... Tính chung 10 tháng, một số đơn vị đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với tăng trưởng bình quân của toàn ngành (7,0%) như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (tăng 11,5%); Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp (tăng 16,2%); Tổng công ty Máy và thiết bị công nghiệp (tăng 22,0%); Tổng công ty cổ phần Điện tử - Tin học Việt Nam (tăng 18,4%); Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (tăng 22,0%); Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (tăng 16,4%); Công ty cổ phần Nhựa Việt Nam (tăng 22,8%)...
Nhiều địa phương có giá trị sản xuất công nghiệp lớn, tháng 10 tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng so với tháng 9 và so với cùng kỳ năm trước, như: Hà Nội (tháng 10 tăng 11,2% so với tháng 9 và tăng 10,2% so cùng kỳ); Vĩnh Phúc (12,2% và 28,8%); Hải Phòng (8,7% và 7,3%); Hải Dương (6,6% và 28,4%); Phú Thọ (1,3% và 15,2%); Quảng Ninh (3,7% và 10,9%); Thanh Hoá (2,4% và 20,4%); Thành phố Hồ Chí Minh (3,6% và 13,6%), Bình Dương (4,6% và 14,3%), Đồng Nai (1,4% và 15,3%)... Tính chung 10 tháng, các tỉnh thành phố trên đều có tăng trưởng so với cùng kỳ, một số tăng cao hơn mức tăng bình quân công nghiệp cả nước (7,0%) như: Hà Nội (tăng 8,1%), Quảng Ninh (13,5%), Thanh Hoá (12,1%), Khánh Hoà (8,0%), Thành phố Hồ Chí Minh (7,2%), Bình Dương (8,5%) Đồng Nai (8,9%), Bà Rịa - Vũng Tàu (9,9%), Cần Thơ (9,1%)... Riêng tỉnh Vĩnh Phúc, mặc dù giá trị sản xuất tháng 10 tăng khá so với tháng 9 và so với cùng kỳ nhưng tính chung 10 tháng vẫn giảm 1,8% so với cùng kỳ năm nước, chủ yếu do khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng cao (trên 85%) giảm 2,1%.
2. Sản phẩm chủ yếu
Theo đà phục hồi của nền kinh tế, 10 tháng đầu năm nhiều sản phẩm phục vụ sản xuất tăng trưởng khá như: điện sản xuất tăng 12,3%, dầu thô tăng 14,1%, than sạch tăng 4,2%, khí đốt tăng 5,5%; một số sản phẩm phục vụ tiêu dùng có tốc độ tăng trưởng cao như điều hoà nhiệt độ tăng 48,5%, tủ lạnh, tủ đá tăng 30,4%, xà phòng giặt các loại tăng 19,5%, thuốc lá bao tăng 12,1%; các sản phẩm vật liệu xây dựng có mức tăng trưởng cao và ổn định gồm: xi măng tăng 19,3%, thép tròn các loại tăng 18,7%. Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu dùng ở một số nước vẫn chưa được cải thiện, nền kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi rõ rệt sau khủng khoảng, trong khi nhu cầu tiêu dùng cá nhân trong nước đặc biệt là khu vực nông thôn chưa cao nên một số sản phẩm xuất khẩu và tiêu dùng 10 tháng giảm so với cùng kỳ như: quần áo người lớn giảm 17,0%; sữa bột giảm 12,0%; vải dệt từ sợi bông giảm 15,0%; xe chở khách giảm 8,0%; một số sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp giảm chủ yếu do tính thời vụ như: phân urê, phân lân và phân NPK giảm lần lượt 2,0%, 8,9% và 6,6% so với cùng kỳ năm trước.
3. Một số tình hình nổi bật của các ngành
3.1. Ngành Năng lượng
- Sản xuất và cung ứng điện: Trong tháng 10 thuỷ điện đã được huy động cao ở miền Trung và miền Nam do nước về nhiều, còn ở miền Bắc khai thác phục vụ tích nước, ước sản lượng thuỷ điện đạt 3.040 triệu kWh; các nguồn nhiệt điện than, dầu, tuabin khí khai thác theo sản lượng thuỷ điện và tình hình phụ tải. Tháng 10 đã khắc phục được tình trạng quá tải điện với tổng sản lượng điện ước đạt 7,49 tỷ kWh, tăng 2,2% so với tháng 9. Tính chung 10 tháng ước đạt 69,75 tỷ kWh, tăng 12,3% so với cùng kỳ, tương ứng với lượng điện thương phẩm 61,41 tỷ kWh, tăng 11,5% so với cùng kỳ, trong đó: điện dùng cho công nghiệp và xây dựng tăng 9,2% và chiếm tỷ trọng 49,2%; điện dùng cho quản lý và tiêu dùng dân cư tăng 13,4% và chiếm tỷ trọng 41,0%; điện dùng cho khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 10,67% so với cùng kỳ.
- Khai thác dầu khí: Về công tác tìm kiếm thăm dò, trong 10 tháng, ngành dầu khí đã hoàn thành phương án nổ địa chấn 2D khu vực Phú Quốc và ký hợp đồng với nhà thầu Fairfield tiến hành xử lý tài liệu; thu nổ địa chấn 2D đạt 19.408 km tuyến; thu nổ địa chấn 3D đạt 2.297 km2. Khoan thăm dò thẩm lượng 35 giếng, khoan khai thác 32 giếng; gia tăng trữ lượng dầu khí 10 tháng đạt 67 triệu tấn quy dầu, bằng 200% kế hoạch năm. Có 08 phát hiện dầu khí mới (05 ở trong nước và 03 ở nước ngoài). Việc hợp tác với các nước trong lĩnh vực tìm kiếm và khai thác dầu khí được triển khai tích cực, đặc biệt là các nước Nam Mỹ. Tính đến hết tháng 10 đã ký 12 hợp đồng dầu khí mới (gồm 11 ở trong nước và 01 ở nước ngoài); ký 04 thoả thuận hợp tác chung trong lĩnh vực dầu khí với các Công ty dầu khí quốc gia của các nước: Nicaragua, Bolivia, Argentina, Kazacxtan.
Trong tháng 10 và 10 tháng, công tác khai thác dầu khí tại các mỏ trong và ngoài nước tiếp tục ổn định và hiệu quả, đảm bảo theo kế hoạch đề ra. Từ 11 mỏ dầu trong nước và 02 mỏ ở nước ngoài, tháng 10 khai thác dầu ước đạt 1,32 triệu tấn, tăng 1,5% so với thực hiện tháng 9 và tăng 7,0% so với tháng 10/2008; tính chung 10 tháng ước đạt 14,01 triệu tấn, tăng 14,1% so với cùng kỳ. Khai thác khí tháng 10 ước đạt 0,6 tỷ m3, tăng 6,6% so với tháng 9, tính chung 10 tháng ước đạt 6,3 tỷ m3, tăng 5,5% so với cùng kỳ. Trong thời gian còn lại của năm, ngành dầu khí cần phấn đấu đưa 02 mỏ mới vào khai thác là mỏ Nam Rồng - Đồi Mồi và mỏ D30 (Malaysia) để tăng thêm số mỏ khai thác và đảm bảo sản lượng dầu khí, góp phần tích cực đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
3.2. Ngành Công nghiệp nặng
- Khai thác Than - Khoáng sản:Hoạt động phát triển mỏ ổn định. Trong 10 tháng, khối lượng bóc đất đá đạt trên 165,7 nghìn m3, vượt 2,0% kế hoạch năm nhưng chỉ bằng 95,5% so với cùng kỳ; đào lò mới 254,7 nghìn mét, bằng 82% kế hoạch năm và tăng 15,5% so với cùng kỳ.
Hoạt động khai thác than sạch tháng 10 ước đạt 3,35 triệu tấn, tăng 2,9% so với tháng 9; tính chung 10 tháng ước đạt 34,9 triệu tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ. Đến nay, ngành than đã cung cấp cho các hộ trong nước ước đạt 16,3 triệu tấn, tăng 7,1% so với cùng kỳ, chủ yếu do cung cấp cho hộ xi măng đạt 3,22 triệu tấn, tăng 10,5%; hộ đạm đạt 0,5 triệu tấn, tăng 8,6%; tuy nhiên, cung cấp cho hộ điện đạt 5,1 triệu tấn, giảm 2,6,% giảm so với cùng kỳ. Xuất khẩu than ước đạt 19,22 triệu tấn, tăng 17,3% so với cùng kỳ. Lượng tồn kho khoảng 3,95 triệu tấn, trong đó: than cục 0,5 triệu tấn; than cám 3,45 triệu tấn.
Hoạt động khai thác và tiêu thụ các loại khoáng sản vẫn còn mất cân đối. Tính đến 10 tháng, khai thác và sản xuất bột kẽm (60-90%) ước đạt 4,19 nghìn tấn, vượt 20,0% kế hoạch và tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ; khai thác và sản xuất tinh quặng đồng (25%) ước đạt 41,1 nghìn tấn, vượt 9,0% kế hoạch và tăng 25% so với cùng kỳ; khai thác một số loại khoáng sản có khả năng không hoàn thành kế hoạch nhưng tăng mạnh so với cùng kỳ như: đồng tấm (bằng 52,0% kế hoạch nhưng tăng 83,0% so với cùng kỳ); vàng (bằng 72,0% kế hoạch nhưng tăng 82,0% so với cùng kỳ); … Tình hình tiêu thụ sản phẩm khoáng sản giảm mạnh so với cùng kỳ do ảnh hưởng của giá khoáng sản trên thị trường thế giới tiếp tục giảm.
- Sản xuất thép: Do thời tiết mưa bão liên tục ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở miền Trung nên các công trình xây dựng bị giãn tiến độ, nhu cầu vật liệu xây dựng trong tháng 10 bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, để đón đầu mùa xây dựng cuối năm, các doanh nghiệp vẫn đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường, sản xuất thép tròn tháng 10 ước đạt 390,2 nghìn tấn, tăng 1,5% so với thực hiện tháng 9 và tăng 20,0% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 10 tháng ước đạt 3.784 nghìn tấn, tăng 18,7% so với cùng kỳ. Trong tháng 10, thị trường thép biến động mạnh về giá, đầu tháng giá thép trong nước sản xuất ở mức khá cao từ 12 - 13,2 triệu đồng/tấn, thép ngoại nhập từ các nước ASEAN như: Malaysia, Thái Lan, Indonesia,... mức giá rẻ hơn từ 300 - 700 nghìn đồng/tấn. Để đẩy nhanh mức tiêu thụ thép và cạnh tranh với thép nhập khẩu từ các nước ASEAN, từ ngày 19/10, Tổng công ty thép Việt Nam đã giảm giá hầu hết các mặt hàng thép, trong đó thép cuộn giảm 200 nghìn đồng/tấn, hiện còn 11,27 -11,42 triệu đồng/tấn; thép trơn Ф 12 - 25 giảm 100 nghìn đồng/tấn còn 11,79 triệu đồng/tấn. Một số doanh nghiệp thép khác cũng có mức giảm tương ứng. Đây là đợt giảm giá đầu tiên kể từ tháng 5, thể hiện động thái tích cực của các doanh nghiệp ngành thép trong việc tham gia cùng với Chính phủ và cả nước thực hiện giải pháp kích cầu tiêu dùng, đặc biệt là trong thời gian cao điểm của mùa xây dựng.
Trong tháng 10, dự án nhà máy thép cán nguội Posco Vietnam tại tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đã đi vào hoạt động với công suất 1,2 triệu tấn/năm, trong đó, dự kiến 700 nghìn tấn thép cán nguội sử dụng cho sản xuất ô tô, xe máy và 500 nghìn tấn thép lá cán nguội dạng cứng phục vụ cho ngành công nghiệp xây dựng.
Trước sự cạnh tranh của thép ngoại về giá và chất lượng, các doanh nghiệp sản xuất thép cần rà soát, cắt giảm chi phí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm nâng cao sức cạnh tranh, cải tiến công nghệ như sản xuất các loại thép hình và ống đúc, chịu áp lực lớn phục vụ cho các công trình xây dựng.
- Sản xuất phân bón: Nhu cầu phân bón hiện nay đang ở mức thấp do thời điểm ngoài vụ canh tác chính. Tuy nhiên, để có sản phẩm gối đầu đáp ứng đủ nhu cầu xuống giống vụ Đông Xuân sau hơn 1 tháng nữa, các nhà máy sản xuất phân bón đã bố trí thời gian sửa chữa, bảo dưỡng nhà máy hợp lý trong tháng 9 để tháng 10 huy động tối đa công suất các nhà máy. Sản xuất phân bón tháng 10 ước đạt 191,2 nghìn tấn, tăng 35,0% so với thực hiện tháng 9, trong đó: sản xuất phân đạm urê tháng 10 ước đạt 85 nghìn tấn, tăng 78,9% so với tháng 9 (vì tháng 9 Nhà máy Đạm Phú Mỹ ngừng hoạt động 2 tuần để sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ); sản xuất phân lân của Tổng công ty Hoá chất Việt Nam ước đạt 106 nghìn tấn, tăng 12,8% so với tháng 9; sản xuất phân NPK tháng 10 ước đạt 112 ngàn tấn tăng 6,0% so với tháng 9. Hiện nay, giá phân bón vẫn đang ở mức thấp và dự kiến sẽ ổn định trong các tháng tới do nguồn cung khá dồi dào. Giá bán đạm urê Phú Mỹ khoảng 5.700 - 5.800đồng/kg, phân NPK khoảng 10.400 -11.000đồng/kg, DAP hạt xanh Trung Quốc khoảng 8.200-8.400đồng/kg. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước tiếp tục phải cạnh tranh với phân bón ngoại nhập giá rẻ. Để ổn định và phát triển, các doanh nghiệp sản xuất phân bón cần thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết kiệm chi phí hạ giá thành sản phẩm, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để tìm thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường khu vực ASEAN như: Lào, Campuchia...
3.3. Ngành công nghiệp nhẹ
- Ngành Dệt may: Tháng 10 ngành dệt may tiếp tục gặp khó khăn nên 10 tháng sản xuất vải từ sợi bông giảm 15,5%, quần áo người lớn giảm 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Do vậy, các doanh nghiệp trong ngành đã tích cực triển khai hàng loạt các hoạt động quảng cáo sản phẩm trong nước cũng như xúc tiến thương mại nước ngoài. Đối với thị trường trong nước, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, một số tập đoàn, tổng công ty (Vinashin, Điện lực Việt Nam, Cao su, Đường sắt…) đã ký thỏa thuận sử dụng đồng phục làm việc do Tập đoàn Dệt may Việt Nam sản xuất. Mặt khác, ngành dệt may đang thí điểm bán hàng giá thấp tại một số trung tâm cải tạo, cai nghiện, bệnh viện… phục vụ khách hàng thu nhập thấp nhằm cạnh tranh với hàng dệt may giá rẻ của Trung Quốc.
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 10 tháng ước đạt 7,47 tỷ USD, bằng 81,9% kế hoạch năm và giảm 1,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do các đơn hàng những tháng cuối năm đối với các thương hiệu tên tuổi như Việt Tiến, Phong Phú... tăng nên kim ngạch xuất khẩu của ngành sẽ có mức tăng đáng kể. Hiện đã có nhiều công ty nước ngoài tìm kiếm đối tác Việt Nam có khả năng cung cấp, sản xuất nguyên liệu vải và hàng may mặc; đồng thời với sự chủ động hơn trong việc xúc tiến các hoạt động thương mại cho sản phẩm bông, sợi Việt Nam nên đây sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng dệt may sang các thị trường mới.
- Ngành Da giầy: Sản xuất giầy dép các loại tháng 10 ước đạt 32,5 triệu đôi, tăng 5,5% so với tháng 9 nhưng cũng chỉ bằng 82,4% so với tháng 10/2008. Tính chung 10 tháng ước đạt 269,1 triệu đôi, giảm 1,9% so với cùng kỳ. Hiện nay, các doanh nghiệp lớn trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã có đơn hàng sản xuất đến hết quý IV. Tại thị trường nội địa, nhìn chung sức mua sản phẩm giầy dép, túi cặp của người tiêu dùng ổn định. Vì vậy, các công ty hàng đầu như Biti’s, Giầy Thuợng Đình, Công ty cổ phần Giày Việt Nam… và các làng nghề sản xuất giầy vẫn duy trì sản xuất ổn định. Tuy nhiên, do thiếu công nhân nên các doanh nghiệp lớn thường phải ký hợp đồng gia công cho các công ty vệ tinh để đảm bảo thời hạn giao hàng.
Tại thị trường nước ngoài, ngày 7 tháng 10, Ủy ban Châu Âu tiếp tục đề xuất kéo dài thời hạn áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng giày nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam vào EU thêm ít nhất 15 tháng nữa thay vì 5 năm như thông lệ, bất chấp sự phản đối của các nước thành viên Liên minh Châu Âu cũng như các hãng sản xuất giày lớn trên thế giới và người tiêu dùng. Nếu điều đó được thực hiện sẽ là một thách thức lớn đối với ngành da giầy Việt Nam. Vì vậy, để đạt được mục tiêu xuất khẩu 4,77 tỷ USD thì các doanh nghiệp ngành da giày cần phải nỗ lực rất nhiều, nhất là khi kết quả 10 tháng đầu năm chưa đạt được như kỳ vọng (Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng giầy dép 10 tháng ước đạt 3,21 tỷ USD, giảm 16,1% so với cùng kỳ).
- Ngành Giấy: Sản xuất đã tăng so với tháng trước nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của xã hội. Khó khăn trước mắt vẫn còn rất lớn: giá giấy và bột giấy thế giới tiếp tục giảm nhẹ, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đã điều chỉnh tăng 25% giá bán than cho sản xuất giấy... đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh đối với ngành giấy. Sản xuất giấy tháng 10 ước đạt 147,9 nghìn tấn, tăng 5,7% so với tháng 9 nhưng giảm 6,2% so với tháng 10/2008; tính chung 10 tháng ước đạt 1.368 nghìn tấn, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Tiêu thụ sản phẩm đã tăng đáng kể nhất là đối với sản phẩm giấy bao bì phục vụ xuất khẩu và giấy vệ sinh các loại. Lượng tồn kho giấy các loại đã giảm. Hiện nay, mất cân đối giữa sản xuất bột giấy và giấy ngày một tăng và phải nhập một lượng bột khá lớn cho sản xuất giấy. Đây là nguyên nhân làm tăng giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, việc trồng nguyên liệu giấy cung cấp cho sản xuất trong nước cũng gặp không ít khó khăn như hạn hán, bão lụt, sâu bệnh... đã khiến cho ngành giấy bị thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng.
- Ngành Thuốc lá: Sản xuất ổn định và tiếp tục tăng trưởng cao hơn một số ngành khác. Sản phẩm thuốc lá bao các loại tháng 10 ước đạt 391,2 triệu bao, tăng 10,3% so với tháng 10/2008; tính chung 10 tháng ước đạt 4.082 triệu bao, tăng 12,1% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp trong ngành hiện đang cân đối nhu cầu thu mua và sử dụng nguyên liệu làm cơ sở cho kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá vụ mùa 2009 - 2010.
Hiện nay, để hỗ trợ cho sản xuất, ngành Thuốc lá đang triển khai chuẩn bị phương án đàm phán đối với các dòng thuế thuốc lá trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), đẩy mạnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và địa phương tăng cường công tác chống buôn lậu theo các cam kết phối hợp đã ký, thực hiện đồng bộ các biện pháp ngăn chặn kịp thời thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả tại một số địa bàn trọng điểm phía Bắc.
- Ngành bia, rượu, nước giải khát: Tháng 10 thời tiết mát mẻ nên sản lượng bia ước đạt 121,7 triệu lít, giảm 7,9% so với tháng 9 nhưng vẫn tăng 5,0% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng ước đạt 1.533,6 triệu lít, giảm 1,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, sản lượng bia của Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội ước đạt 377,6 triệu lít, tăng trưởng cao 21,4% so với cùng kỳ; Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn ước đạt 769,0 triệu lít, tăng 13,4% so với cùng kỳ.
Các nhà máy rượu đẩy mạnh sản xuất chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội sắp tới. Sản phẩm nước giải khát các loại đang có sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường trong nước.
- Ngành sữa: Trong tháng 10, giá nguyên liệu sữa bột nhập khẩu trên thế giới giảm khá mạnh nhưng giá sữa trên thị trường Việt Nam không giảm mà còn có xu hướng tăng thêm. Hiện nay, giá sữa bột tại Việt Nam vẫn đang ở mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới (cao hơn Thái Lan, Malaysia, Indonesia… đến 20 - 50%). Hiện tại, sữa nguyên liệu nhập khẩu chiếm tới 80%, trong khi nguyên liệu sữa tươi mua từ nông dân và các trang trại bò sữa trong nước chỉ cung cấp được khoảng 20%. Điều đó dẫn đến việc độc quyền trong việc nhập khẩu và phân phối của một số hãng sữa nước ngoài.
Sản xuất sữa bột tháng 10 ước đạt 4,4 nghìn tấn, tăng 7,3% so với tháng 9 và tăng 25,7% so với tháng 10/2008, tính chung 10 tháng ước đạt 34,4 nghìn tấn, giảm 12,2% so với cùng kỳ.
- Các ngành khác sản xuất tháng 10 có chuyển biến tích cực hơn so với tháng 9 nhưng tính chung 10 tháng vẫn đạt thấp so với cùng kỳ năm trước.
II. HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI
1. Xuất khẩu.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tháng 10 ước đạt 4,75 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng 9, trong đó xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 2,15 tỷ USD, tăng 2,5% so với tháng 9, chiếm 45,3% kim ngạch xuất khẩu của cả nước; xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 6,2% so với tháng 9. Tính chung 10 tháng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 46,3 tỷ USD, bằng 78,5% kế hoạch năm và giảm 13,8% so với cùng kỳ (tương đương giảm 7,43 tỷ USD)
Kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông, lâm, thủy sản tháng 10 tăng 3,2% so với tháng 9 chủ yếu do đơn giá xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng tăng trừ chè, sắn và các sản phẩm của sắn. Cụ thể: đơn giá nhân điều tăng 1,8%, cà phê tăng 2,7%, hạt tiêu tăng 5,5%, gạo tăng 2,7%, cao su tăng 0,8%; đơn giá của chè giảm 2,0%, sắn và các sản phẩm của sắn giảm 12,0%; Xét về lượng, hầu hết các sản phẩm thuộc nhóm có lượng xuất khẩu giảm, trừ cà phê và chè. Cụ thể: lượng xuất khẩu của nhân điều giảm 3,0%, hạt tiêu giảm 12,1%, sắn và các sản phẩm của sắn giảm 31,9%, cao su giảm 12,7%; Cà phê có lượng xuất khẩu tăng 23,8%, chè tăng 8,4%.
Tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu của nhóm giảm 11,2% so với cùng kỳ dù lượng xuất khẩu nhiều mặt hàng tăng nhưng không bù đắp được do yếu tố giảm giá. Cụ thể: xét về giá, các mặt hàng có đơn giá giảm so với cùng kỳ là: nhân điều giảm 17,2%, cà phê giảm 29,2%, chè giảm 7,1%, hạt tiêu giảm 28,6%, gạo giảm 30,6%, sắn và các sản phẩm của sắn giảm 41,5%, cao su giảm 42,6%; Xét về lượng, các mặt hàng có lượng xuất khẩu tăng so với cùng kỳ như: nhân điều tăng 4,5%, cà phê tăng 16,8%, chè tăng 23,1%, hạt tiêu tăng 48,9%, gạo tăng 33,8%, sắn và các sản phẩm của sắn tăng 72,6%, cao su tăng 2,5%.
Kim ngạch xuất khẩu của nhóm nhiên liệu và khoáng sản tháng 10 tăng 1,9% về lượng và tăng 11,8% về trị giá so với tháng 9 chủ yếu do lượng của một số mặt hàng trong nhóm tăng và giá dầu thô tăng. Cụ thể: xét về giá, hầu hết các mặt hàng thuộc nhóm có đơn giá giảm (than đá giảm 0,2%, xăng dầu giảm 0,6%, quặng và khoáng sản khác giảm 19,5%), ngoại trừ dầu thô tăng giá 3,9%. Xét về lượng, các mặt hàng có lượng xuất khẩu tăng như: dầu thô tăng 11,9%, xăng dầu tăng 7,2%; có lượng xuất khẩu giảm như: than đá giảm 1,1%; quặng và các khoáng sản khác giảm 15,6%.
Tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu của nhóm tăng 6,9% về lượng, giảm 38,9% về trị giá so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu của nhóm giảm so với cùng kỳ do đơn giá xuất khẩu của các mặt hàng giảm. Cụ thể: giá bình quân của dầu thô giảm 47,3%, xăng dầu giảm 45,2%, quặng và các khoáng sản khác giảm 36,6%, than đá giảm 24,8%; Lượng xuất khẩu của các mặt hàng đều tăng so với cùng kỳ, tăng cao nhất là xăng dầu tăng 44,5%, quặng và khoáng sản khác tăng 21,1%, dầu thô tăng 8,0%, than đá tăng 7,1%.
Kim ngạch xuất khẩu của nhóm công nghiệp chế biến tháng 10 tăng nhẹ 0,1% so với tháng 9. Trong đó, một số mặt hàng tăng như: sản phẩm từ cao su tăng 35,1%, giầy dép tăng 18,1%, dây điện và cáp điện tăng 11,5%, gốm sứ tăng 7,6%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 7,3%, sản phẩm từ sắt thép tăng 5,5%... Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng giảm như: sắt thép các loại giảm gần 30,0%, hoá chất giảm gần 5,0%, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 6,6%, thuỷ tinh và các sản phẩm từ thuỷ tinh giảm 1,2%, hàng dệt và may mặc giảm 1,2%....
Tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu của nhóm giảm 6% so với cùng kỳ, chủ yếu do kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng thuộc nhóm giảm: sắt thép các loại giảm 83,8%, chất dẻo nguyên liệu giảm 39,8%, gốm sứ giảm 26%, dây điện và cáp điện giảm 24,8%, mây, tre, cói và thảm giảm 22,7%, giấy và sản phẩm từ giấy giảm 21,7%, sản phẩm từ sắt thép giảm 20,2%, giày dép giảm 16,1%, sản phẩm từ cao su giảm 14,5%, gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 14%, sản phẩm chất dẻo giảm 12,6%, túi sách, vali, mũ, ô dù giảm 12,3%....
Thị trường xuất khẩu tháng 10 vào hầu hết các châu lục đều tăng so với tháng 9: Châu Á tăng 4,5%, Châu Âu tăng 5,2% (trong đó EU tăng 4,7%), Châu Đại dương tăng 4,6%... Tuy nhiên, nếu tính từ đầu năm đến nay, một số thị trường chính vẫn tiếp tục giảm: Châu Á giảm 16,1%, EU giảm 15,7%, Hoa Kỳ giảm 7,4%, Trung Quốc giảm 4,4%.
Thị phần kim ngạch xuất khẩu 10 tháng của các khu vực như sau: Châu Á chiếm 45,0%, Châu Âu chiếm 23,0%, Châu Mỹ chiếm 23,4%, Châu Phi chiếm 2,1%, Châu Đại dương chiếm 4,4%, thị trường khác chiếm 2,1%.
2. Nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá tháng 10 ước đạt 6,65 tỷ USD, tăng 4,3% so với tháng 9 (tương đương tăng 274 triệu USD), trong đó: doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng 9; doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt 4,15 tỷ USD, tăng 3,7% so với tháng 9. Một số mặt hàng có mức tăng kim ngạch nhập khẩu cao như: clanhke tăng 84,3%, sản phẩm từ sắt thép tăng 59,4%, khí đốt hóa lỏng tăng 36,4%, sản phẩm từ giấy tăng 34,1%, bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc tăng 30,8%, sản phẩm từ cao su tăng 16,1%, nguyên phụ liệu dệt may, da giầy tăng 14,7%, dây điện và cáp điện tăng 13,8%, nguyên phụ liệu thuốc lá tăng 13,1%, sản phẩm từ kim loại thường tăng 11,9%, chất dẻo nguyên liệu tăng 11,1 %, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 10,7%, vải tăng 9,2%, ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ tăng 126,5%.
Tính chung 10 tháng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 55,119 tỷ USD, bằng 78,74% kế hoạch năm và giảm 21,7% so với cùng kỳ (tương đương giảm 15,247 tỷ USD). Trong đó: đá quý, kim loại quý và sản phẩm giảm 95,3%, xăng dầu giảm 47,9%, cao su giảm 33%, khí đốt hóa lỏng giảm 32,5%, thép các loại giảm 30,7% (trong đó phôi thép giảm 44,5%), dầu mỡ động, thực vật giảm 29,4%, dây điện và dây cáp điện giảm 27%, nguyên phụ liệu dệt may, da giầy giảm 23,2%, phân bón giảm 18,1%, hóa chất giảm 15,2%, sản phẩm chất dẻo giảm 11,6%,… Kim ngạch nhập khẩu giảm do giá bình quân của một số mặt hàng có lượng nhập khẩu lớn giảm mạnh: phân bón giảm 59,4%, cao su giảm 54,1%, xăng dầu giảm 48,2%, khí đốt hóa lỏng giảm 41,3%, thép giảm 35,9%, kim loại thường giảm 29,5%, chất dẻo nguyên liệu giảm 29,3%.…
Về thị trường, tháng 10 kim ngạch nhập khẩu của các mặt hàng có xuất xứ từ Châu Á tăng 4,0%, Châu Âu tăng 8,1% (trong đó EU tăng 9,4%), Châu Đại Dương tăng 5,0%... Tính chung 10 tháng kim ngạch nhập khẩu từ Châu Á giảm 28,4%, Châu Đại Dương giảm 26,1%, Châu Âu giảm 18,1% so với cùng kỳ.
3. Cán cân thương mại.
Tháng 10, Việt Nam nhập siêu 1,9 tỷ USD, bằng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tính chung 10 tháng, nhập siêu 8,78 tỷ USD, bằng 18,95% tổng kim ngạch xuất khẩu.
* Đánh giá chung: Nhìn chung, xuất khẩu và nhập khẩu tháng 10 đều tăng so với tháng 9 nhưng vẫn tiếp tục giảm so với cùng kỳ. Trong những tháng qua, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt thấp (tốc độ tăng trung bình khoảng 3%/tháng). Hiện nay, giá hàng hóa xuất khẩu có xu hướng tăng nhưng lượng xuất khẩu trong các đơn hàng không còn nhiều (nhóm hàng nông sản, dầu thô). Vì vậy, kim ngạch xuất khẩu thời gian tới sẽ khó tăng. Nhóm hàng công nghiệp chế biến dự kiến cũng tăng thấp. Trước tình hình đó, nếu huy động mọi nguồn lực cho xuất khẩu thì kim ngạch xuất khẩu bình quân cho 2 tháng cuối năm chỉ đạt khoảng trên 5 tỷ USD/tháng và dự kiến cả năm đạt khoảng 56,5 tỷ USD, giảm khoảng 9,9% so với năm 2008. Bên cạnh đó, nhập khẩu có tốc độ tăng bình quân khá cao (tốc độ tăng trung bình khoảng 9%/tháng). Dự kiến kim ngạch nhập khẩu vẫn tiếp tục tăng, cả năm kim ngạch nhập khẩu khoảng 68 - 69 tỷ USD. Và như vậy, nhập siêu khoảng từ 11,5 tỷ USD đến 12,5 tỷ USD (bằng 20 - 22% kim ngạch xuất khẩu).
Trong những tháng cuối năm, tình hình kinh tế thế giới đã có chuyển biến theo chiều hướng tăng. Một số nền kinh tế lớn đã tuyên bố thoát khỏi suy thoái. Tuy nhiên, nhiều nước vẫn trong trình trạng suy giảm. Trước tình hình đó, nếu không có sự phối hợp tích cực giữa các cấp, các ngành, sự hợp tác từ các doanh nghiệp và thực thi các biện pháp kiềm chế và kiểm soát nhập khẩu thì khó đạt được mục tiêu đề ra trong năm.
4. Thị trường trong nước
Thị trường trong nước tháng 10 đã sôi động hơn do thời tiết đang chuyển mùa. Hàng hóa phong phú, đa dạng, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của xã hội. Các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước và cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được phát động thông qua việc tổ chức các đợt khuyến mại, tuyên truyền quảng bá cho hàng Việt Nam. Vì vậy, tổng mức lưu chuyển hàng hoá và dịch vụ tháng 10 ước đạt 105,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5% so với tháng 9; tính chung 10 tháng ước đạt 958,3 nghìn tỷ đồng, tăng 18,0% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khu vực thương nghiệp đạt 751,5 nghìn tỷ đồng, tăng 18,0%; khu vực khách sạn, nhà hàng đạt 84,2 nghìn tỷ đồng, tăng 18,2%; khu vực du lịch do ảnh hưởng mùa mưa bão nên ước đạt 9,06 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6%; khu vực dịch vụ ước đạt 89,4 nghìn tỷ đồng, tăng 19,6%. Hai thị trường lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đạt tốc độ tăng trưởng lần lượt là 16,9% và 18,6% .
Giá cả hàng hóa tiêu dùng khá ổn định trong những tháng gần đây. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng 0,37% so với tháng 9 và tăng 2,99% so với tháng 10/2008. So với tháng 12/ 2008 tăng 4,49%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng tăng 7,17% so với cùng kỳ. Giá cả hàng hoá trên thị trường nhìn chung chỉ tăng nhẹ và tập trung vào một số nhóm hàng như phương tiện đi lại, bưu điện 0,77%, giáo dục 0,73%, nhà ở, vật liệu xây dựng 0,55%, thực phẩm 0,49%... các nhóm hàng khác giá ổn định.
Về quản lý và kiểm soát giá, trong tháng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, qua đó các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có thể chủ động hơn trong việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu nhưng cũng chính vì thế cần phải có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; Giá than thực hiện lộ trình giá thị trường đã được điều chỉnh tăng cho các hộ tiêu thụ lớn nhưng hiện các mặt hàng xi măng, phân bón, giấy vẫn chưa tăng giá.
(Nguồn: Báo cáo 86/BC-BCT)
Tệp đính kèm: