Tệp đính kèm:
▪ Tình hình kinh tế 11_2009.doc
Tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng năm 2009
______________
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang dần ổn định sau giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu, một số nền kinh tế lớn có dấu hiệu phục hồi nhanh, cả nước đang nỗ lực vượt qua khó khăn do thiên tai trong nước liên tiếp xảy ra, tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội nhằm hoàn thành các mục tiêu kinh tế-xã hội năm 2009. Kết quả thực hiện tháng 11 và 11 tháng của các ngành và lĩnh vực như sau:
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Nông nghiệp
Tính đến ngày 15/11/2009, cả nước đã thu hoạch được 1473,3 nghìn ha lúa mùa, bằng 101,2% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc thu hoạch 1152,5 nghìn ha, chiếm 97% diện tích gieo cấy và bằng 100,6% cùng kỳ năm trước; các địa phương phía Nam thu hoạch 320,8 nghìn ha, bằng 103,4%.
Tại các địa phương phía Bắc, do ảnh hưởng của mưa bão vào cuối vụ và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá xảy ra tại một số địa phương nên năng suất lúa của một số tỉnh giảm (Quảng Bình giảm 11 tạ/ha; Quảng Trị giảm 7,2 tạ/ha; Nam Định giảm 6 tạ/ha; Nghệ An giảm 1,3 tạ/ha). Tuy nhiên, do thời tiết đầu vụ tương đối thuận lợi nên năng suất lúa mùa của các địa phương phía Bắc ước tính vẫn đạt 48,4 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha so với vụ mùa trước; sản lượng đạt 5,8 triệu tấn, tăng 37,7 nghìn tấn. Một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có năng suất lúa tăng khá là: Hải Phòng tăng 4,4 tạ/ha; Hải Dương tăng 2,3 tạ/ha; Ninh Bình tăng 2,2 tạ/ha; Vĩnh Phúc tăng 2 tạ/ha; Thái Bình tăng 1,2 tạ/ha. Năng suất lúa mùa của các địa phương phía Nam ước tính đạt 39,2 tạ/ha, giảm 1,1 tạ/ha so với vụ mùa trước, chủ yếu do một số địa phương vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung bị ảnh hưởng của mưa bão, trong đó năng suất lúa mùa một số tỉnh giảm mạnh như: Phú Yên giảm 15,6 tạ/ha; Quảng Ngãi giảm 7,7 tạ/ha; Bình Định giảm 7,1 tạ/ha; Quảng Nam giảm 6,6 tạ/ha. Tính chung năng suất lúa mùa của cả nước năm nay ước tính đạt 44,6 tạ/ha, xấp xỉ vụ mùa năm 2008; sản lượng đạt trên 9 triệu tấn, tăng 12 nghìn tấn.
Diện tích gieo cấy lúa hè thu cả nước năm nay ước tính đạt 2358,3 nghìn ha, bằng 99,6% vụ hè thu trước, năng suất ước tính đạt 47,3 tạ/ha, giảm 0,8 tạ/ha, sản lượng đạt 11,2 triệu tấn, bằng 97,9%. Sản xuất lúa hè thu năm nay giảm chủ yếu do một số địa phương thực hiện chuyển đổi giống lúa tuy cho năng suất cao nhưng chất lượng thấp sang giống lúa có chất lượng cao nhưng năng suất thấp hơn như: VND 9520, OM 3536, IR 50404, IR 64.
Cùng với việc thu hoạch lúa mùa, các địa phương phía Bắc đã gieo trồng được 79,7 nghìn ha đậu tương, bằng 102,1% cùng kỳ năm trước; 146,9 nghìn ha ngô, bằng 88,6%; 44,6 nghìn ha khoai lang, bằng 80,3%; 109 nghìn ha rau, đậu, bằng 108,6%.
Theo báo cáo sơ bộ kết quả điều tra chăn nuôi 01/10/2009, tại thời điểm này đàn trâu cả nước có 2,9 triệu con, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò có 6,1 triệu con, giảm 3,7%; đàn lợn 7,6 triệu con, tăng 3,5%; đàn gia cầm 280,2 triệu con, tăng 13,3%. Do thuận lợi về giá tiêu thụ sản phẩm nên các địa phương đang tập trung đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi lợn và gia cầm. Chăn nuôi trâu, bò, đặc biệt là trâu, bò cày kéo giảm do các địa phương đang từng bước thực hiện cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp; bên cạnh đó dịch lở mồm long móng cũng đã ảnh hưởng đến sự phát triển của quy mô đàn.
Công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tại các địa phương tiếp tục được tăng cường. Tính đến ngày 22/11/2009, cả nước không còn địa phương nào có dịch tai xanh trên lợn; một số dịch bệnh khác chưa qua 21 ngày còn xuất hiện ở một số địa phương, trong đó dịch cúm gia cầm ở Điện Biên; dịch lở mồm long móng trên trâu bò ở 15 tỉnh là: Yên Bái, Hà Giang, Hoà Bình, Lai Châu, Tuyên Quang, Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đắk Lắk, Gia Lai, Phú Yên.
Lâm nghiệp
Công tác trồng, chăm sóc rừng và khai thác lâm sản đang được triển khai tích cực tại các địa phương. Diện tích rừng trồng tập trung tháng 11/2009 ước tính đạt 20 nghìn ha, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác đạt 360 nghìn m3, tăng 6,5%. Tính chung 11 tháng, diện tích rừng trồng tập trung cả nước ước tính đạt 200 nghìn ha, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác đạt 3320 nghìn m3, tăng 6,3%; sản lượng củi khai thác đạt 25,8 triệu ste, tăng 4,6%.
Thời tiết vào mùa khô nên các địa phương đang đẩy mạnh công tác phòng, chống cháy rừng, đồng thời tiếp tục tổ chức tuyên truyền ý thức bảo vệ rừng, do đó đã hạn chế được tình trạng cháy rừng và mức độ thiệt hại rừng trong những tháng gần đây. Tính chung 11 tháng, diện tích rừng bị cháy và bị phá là 3188 ha, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2008, bao gồm diện tích rừng bị cháy là 1625 ha, tăng 43,9%; diện tích rừng bị chặt phá là 1563 ha, tăng 0,6%.
Thuỷ sản
Sản lượng thủy sản tháng 11/2009 ước tính đạt 397,9 nghìn tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 288 nghìn tấn, tăng 1,4%; tôm đạt 47,9 nghìn tấn, tăng 0,9%. Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng tháng 11 ước tính đạt 230 nghìn tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2008. Nuôi trồng cá tra theo hình thức quy mô lớn với đầu tư kỹ thuật cao, có sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở sản xuất và đơn vị thu mua đang phát triển mạnh tại một số địa phương, điển hình là Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh. Khai thác thuỷ sản tiếp tục tăng nhờ chính sách của Nhà nước hỗ trợ giá xăng dầu và khuyến khích ngư dân cải hoán nâng cấp tàu thuyền. Sản lượng thủy sản khai thác tháng 11/2009 ước tính đạt 167,9 nghìn tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khai thác biển đạt 147 nghìn tấn, tăng 1,2%.
Tính chung 11 tháng, sản lượng thủy sản ước tính đạt 4418,5 nghìn tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 2407,6 nghìn tấn, tăng 1,9%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 2010,9 nghìn tấn, tăng 5,5% (khai thác biển đạt 1835,9 nghìn tấn, tăng 5,8%).
Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 11/2009 theo giá so sánh 1994 ước tính tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2008, bao gồm khu vực kinh tế Nhà nước tăng 3,6% (Trung ương quản lý tăng 5,4%, địa phương quản lý giảm 2,8%); khu vực ngoài Nhà nước tăng 9,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 7,7% (dầu mỏ và khí đốt tăng 9,6%, các ngành khác tăng 7,5%).
Một số sản phẩm công nghiệp quan trọng đạt tốc độ tăng cao hơn mức tăng chung 11 tháng là: Điều hòa nhiệt độ tăng 46,1%; tủ lạnh, tủ đá tăng 31,4%; xà phòng tăng 19,6%; thép tròn tăng 18,9%; xi măng tăng 18,5%; giầy, dép, ủng bằng da giả tăng 17%; dầu thô khai thác tăng 13,5%; điện sản xuất tăng 13%; thuốc lá điếu tăng 12,1%; nước máy thương phẩm tăng 9,7%. Một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước như: Xe máy tăng 7,2%; than sạch tăng 5,6%; vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo tăng 2%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 0,6%; phân hóa học giảm 5,2%; giày thể thao giảm 5,6%; xe chở khách giảm 6,2%; tivi lắp ráp và gạch lát ceramic cùng giảm 6,3%; kính thủy tinh giảm 6,4%; xe tải giảm 7%; thủy hải sản chế biến giảm 7,2%; khí hóa lỏng giảm 11,8%; vải dệt từ sợi bông giảm 13,3%; giấy, bìa giảm 14,1%; quần áo người lớn giảm 16,8%.
Một số tỉnh, thành phố có quy mô sản xuất công nghiệp lớn vẫn duy trì được tốc độ tăng cao hơn mức tăng chung 11 tháng của cả nước như: Thanh Hóa tăng 13%; Quảng Ninh tăng 12,8%; Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 9,9%; Đồng Nai tăng 9,9%; Cần Thơ và Bình Dương cùng tăng 9,2%; Hà Nội tăng 8,6%; Khánh Hòa tăng 8%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,4%. Bên cạnh đó, một số tỉnh có tốc độ tăng giá trị sản xuất thấp hơn mức tăng chung của cả nước là: Đà Nẵng tăng 5%; Hải Dương tăng 4,8%; Phú Thọ tăng 3,4%; Vĩnh Phúc tăng 2,6%.
Đầu tư
Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện 11 tháng ước tính đạt 128 nghìn tỷ đồng, bằng 88,9% kế hoạch năm, gồm có:
- Vốn trung ương quản lý đạt 53,6 nghìn tỷ đồng, bằng 94,6% kế hoạch năm, trong đó vốn đầu tư thực hiện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đạt 3325,7 tỷ đồng, bằng 112,6%; Bộ Giao thông Vận tải đạt 9271,6 tỷ đồng, bằng 96,7%; Bộ Y tế đạt 965,3 tỷ đồng, bằng 95,5%; Bộ Giáo dục và Đào tạo đạt 732,7 tỷ đồng, bằng 95,4%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đạt 493,6 tỷ đồng, bằng 91,7%; Bộ Công Thương đạt 200,7 tỷ đồng, bằng 84,3%; Bộ Xây dựng đạt 605,5 tỷ đồng, bằng 67,1%.
- Vốn địa phương quản lý đạt 74,3 nghìn tỷ đồng, bằng 85,1% kế hoạch năm, trong đó một số địa phương có tiến độ thực hiện nhanh là: Thừa Thiên-Huế đạt 1353,2 tỷ đồng, bằng 126,7%; Thái Bình 962,5 tỷ đồng, bằng 123,6%; Đà Nẵng 3329,8 tỷ đồng, bằng 100,7%; Nghệ An 1376 tỷ đồng, bằng 99,8%; Bắc Ninh 1203 tỷ đồng, bằng 99,8%; Hải Phòng 1623,7 tỷ đồng, bằng 97,7%; Lâm Đồng 1386,8 tỷ đồng, bằng 97,2%; Ninh Thuận 680,8 tỷ đồng, bằng 94,6%; An Giang 749,7 tỷ đồng, bằng 93,7%.
Thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến 21/11/2009 đạt 19,7 tỷ USD, giảm 72% so với cùng kỳ năm 2008, bao gồm: Vốn đăng ký của 776 dự án được cấp phép mới đạt 14,6 tỷ USD (giảm 77,6% về vốn và giảm 47,5% về số dự án); vốn đăng ký bổ sung của 213 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước đạt 5,1 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 11 tháng năm 2009 ước tính đạt 9 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2008.
Trong số 40 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có các dự án được cấp phép mới 11 tháng qua, Quảng Nam dẫn đầu với 4150 triệu USD, chiếm 28,3% tổng vốn đăng ký của cả nước; tiếp đến là Bà Rịa-Vũng Tàu 2854,5 triệu USD, chiếm 19,5%; Đồng Nai 2284,3 triệu USD, chiếm 15,6%; Bình Dương 2145,3 triệu USD, chiếm 14,6%; thành phố Hồ Chí Minh 1176,5 triệu USD, chiếm 8%; Hà Nội 484,5 triệu USD, chiếm 3,3%.Trong tổng vốn đăng ký bổ sung cho các dự án của các địa phương, Bà Rịa-Vũng Tàu dẫn đầu với 3,9 tỷ USD, chiếm 76,2%.
Một số quốc gia và vùng lãnh thổ có lượng vốn đầu tư mới vào Việt Nam lớn trong 11 tháng là: Hoa Kỳ 4261,1 triệu USD, chiếm 29,1% tổng vốn đăng ký mới; đảo Cayman 2016,5 triệu USD, chiếm 13,8%; Sa-moa 1700,6 triệu USD, chiếm 11,6%; Hàn Quốc 1517,7 triệu USD, chiếm 10,4%; Đài Loan 1417,4 triệu USD, chiếm 9,7%; quần đảo Virgin thuộc Anh 1076,1 triệu USD, chiếm 7,3%.
Thu chi ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/11/2009 ước tính bằng 88,6% dự toán năm, trong đó các khoản thu nội địa bằng 90%; thu từ dầu thô bằng 77,6%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu bằng 92%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước bằng 97,8%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) bằng 77,3%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước bằng 85,5%; thuế thu nhập cá nhân bằng 72,9%; thu phí xăng dầu bằng 145,2%; thu phí, lệ phí bằng 78,5%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/11/2009 ước tính bằng 85,4% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển bằng 83,3% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản bằng 82,1%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể bằng 88,4%; chi trả nợ và viện trợ bằng 94%.
Thương mại, giá cả, dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2009 ước tính đạt 114 nghìn tỷ đồng, tăng 5,1% so với tháng trước. Tính chung 11 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1075,3 nghìn tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2008 (nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 10,8%), bao gồm kinh doanh thương nghiệp đạt 843,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 78,4% tổng số và tăng 18,5%; khách sạn nhà hàng 121,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,3% và tăng 18,6%; dịch vụ 100,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,4% và tăng 20,4%; du lịch 10,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% và tăng 1%.
Xuất, nhập khẩu hàng hóa
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 11/2009 ước tính đạt 4,7 tỷ USD, giảm 6,5% so với tháng trước (chủ yếu do lượng dầu thô xuất khẩu giảm 424 nghìn tấn, tương đương 218 triệu USD để tăng nguồn cung cho nhà máy lọc dầu Dung Quất) và tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2008. Tính chung 11 tháng, kim ngạch hàng hoá xuất khẩu ước tính đạt 51,3 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm khu vực kinh tế trong nước đạt 24,3 tỷ USD, giảm 6,7%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 27 tỷ USD, giảm 15,5%. Nếu không kể dầu thô thì kim ngạch xuất khẩu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chỉ giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2008.
Một số mặt hàng chủ lực có lượng xuất khẩu tăng trong 11 tháng nhưng do giá trên thị trường thế giới thấp nên kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó gạo tăng 33,5% về lượng nhưng giảm 5,8% về kim ngạch; cà phê tăng 15,5% về lượng, giảm 17,4% về kim ngạch; than đá tăng 19,8% về lượng, giảm 11,3% về kim ngạch; dầu thô tăng 3,1% về lượng, giảm 41,7% về kim ngạch; cao su tăng 8,6% về lượng, giảm 32,4% về kim ngạch.
Trong các thị trường xuất khẩu của nước ta 10 tháng năm 2009, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt 9,3 tỷ USD, tiếp theo là thị trường EU với 7,6 tỷ USD, thị trường ASEAN với 7,3 tỷ USD.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 11/2009 ước tính đạt 6,7 tỷ USD, tăng nhẹ so với tháng trước do nhập khẩu vàng theo chủ trương của Nhà nước và tăng 42,4% so với cùng kỳ năm 2008. Tính chung 11 tháng, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 61,7 tỷ USD, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm khu vực kinh tế trong nước đạt 39,3 tỷ USD, giảm 20,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 22,4 tỷ USD, giảm 13,2%.
Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu 11 tháng của hầu hết các mặt hàng phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước nhìn chung đều giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhiều mặt hàng mặc dù lượng nhập khẩu tăng nhưng do giá giảm nên kim ngạch giảm, trong đó xăng dầu giảm 45,3% (lượng tăng 0,6%); sắt thép giảm 24,4 (lượng tăng 16,3%); nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép giảm 20,8%; phân bón giảm 15% (lượng tăng 35,2%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng giảm 10,3%; chất dẻo giảm 7,4% (lượng tăng 27,6%); vải giảm 6,9%.
Thị trường nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam 10 tháng năm nay dẫn đầu là Trung Quốc với 1,13 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Nhật Bản với 665 triệu USD, giảm 7,2%; Đài Loan 247 triệu USD, tăng 3,9%; Hàn Quốc 228 triệu USD, tăng 11,6%.
Nhập siêu hàng hóa tháng 11/2009 ước tính 1,97 tỷ USD. Nhập siêu 11 tháng năm 2009 ước tính 10,4 tỷ USD, bằng 20,3% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu và bằng 61,1% mức nhập siêu cùng kỳ năm 2008.
Chỉ số giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2009 tăng 0,55% so với tháng trước, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng cao nhất với 0,87% (lương thực tăng 2,22%; thực phẩm tăng 0,62%); nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,75%; các nhóm hàng hoá và dịch vụ còn lại có chỉ số giá tăng thấp hơn mức tăng chung gồm: Đồ uống và thuốc lá tăng 0,44%; giao thông tăng 0,42%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,32%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,22%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,09%; giáo dục tăng 0,06%; văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,03%; riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,05%.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2009 so với tháng 12/2008 tăng 5,07%; so với cùng kỳ năm trước tăng 4,35%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng năm 2009 tăng 6,91% so với bình quân cùng kỳ năm 2008.
Chỉ số giá vàng tháng 11/2009 tăng 10,08% so với tháng trước; tăng 48,72% so với tháng 12/2008 và tăng 49,88% so với cùng kỳ năm 2008. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 11/2009 tăng 1,45% so với tháng trước; tăng 7,28% so với tháng 12/2008 và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2008.
Vận tải hành khách và hàng hoá
Vận tải hành khách 11 tháng ước tính đạt 1809,8 triệu lượt khách, tăng 8% và 78,8 tỷ lượt khách.km, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2008. Vận tải hành khách đường bộ 11 tháng ước tính đạt 1635,8 triệu lượt khách, tăng 8,4% và 56,9 tỷ lượt khách.km, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước; đường sông đạt 148,7 triệu lượt khách, tăng 5,1% và 3 tỷ lượt khách.km, tăng 4,8%; đường sắt đạt 10 triệu lượt khách, giảm 4,5% và 3,6 tỷ lượt khách.km, giảm 12,8%; vận tải đường không đạt 10 triệu lượt khách, tăng 3,1% và 15 tỷ lượt khách.km, giảm 2,2%.
Khối lượng hàng hoá vận chuyển 11 tháng ước tính đạt 583,4 triệu tấn, tăng 4,1% và 167,8 tỷ tấn.km, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: vận tải trong nước đạt 558,3 triệu tấn, tăng 5,8% và 58,6 tỷ tấn.km, tăng 5,2%; vận tải nước ngoài đạt 25,1 triệu tấn, giảm 5,5% và 109,3 tỷ tấn.km, tăng 9,8%. Vận tải hàng hoá đường bộ 11 tháng ước tính đạt 427 triệu tấn, tăng 5,3% và 21,4 tỷ tấn.km, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2008; đường sông đạt 107,8 triệu tấn, tăng 2,1% và 17,2 tỷ tấn.km, tăng 2,2%; đường biển đạt 41,2 triệu tấn, giảm 2% và 125,6 tỷ tấn.km, tăng 10%; đường sắt đạt 7,4 triệu tấn, giảm 5,2% và 3,4 tỷ tấn.km, giảm 10,1%.
Bưu chính, viễn thông
Số thuê bao điện thoại mới 11 tháng của cả nước ước tính đạt 41,8 triệu thuê bao, tăng 57,3% so với cùng kỳ năm 2008, bao gồm 4,2 triệu thuê bao cố định, tăng 79,1% và 37,6 triệu thuê bao di động, tăng 54,3%. Số thuê bao điện thoại cả nước tính đến cuối tháng 11/2009 ước tính đạt 123,1 triệu thuê bao, tăng 57% so với cùng thời điểm năm trước, bao gồm 18,3 triệu thuê bao cố định, tăng 32,8% và 104,8 triệu thuê bao di động, tăng 61,8%. Riêng số thuê bao của Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông đạt 73,3 triệu thuê bao, tăng 57,6% so với cùng thời điểm năm 2008, bao gồm 11,6 triệu thuê bao cố định, tăng 14,2% và 61,7 triệu thuê bao di động, tăng 69,7%.
Số thuê bao internet băng rộng trên cả nước tính đến cuối tháng 11/2009 ước tính đạt 2,9 triệu thuê bao, tăng 44,2% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông đạt 2,1 triệu thuê bao, tăng 66,2%. Tổng doanh thu thuần bưu chính, viễn thông 11 tháng ước tính đạt 81,2 nghìn tỷ đồng, tăng 32,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông đạt 60,9 nghìn tỷ đồng, tăng 37,8%.
Khách quốc tế đến Việt Nam
Khách quốc tế đến nước ta 11 tháng năm nay ước tính đạt 3,4 triệu lượt người, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng đạt 2002,9 nghìn lượt người, giảm 16,2%; đến vì công việc 698,2 nghìn lượt người, giảm 10,2%; thăm thân nhân 469,9 nghìn lượt người, tăng 1,8%.
Khách đến nước ta từ Trung Quốc ước tính đạt 476,5 nghìn lượt người, giảm 19,4%; Hoa Kỳ 368,1 nghìn lượt người, giảm 2,8%; Hàn Quốc 327,4 nghìn lượt người, giảm 21,4%; Nhật Bản 326,3 nghìn lượt người, giảm 8,9%; Đài Loan 246,6 nghìn lượt người, giảm 12,4%; Ôx-trây-li-a 193,3 nghìn lượt người, giảm 8,4%; Pháp 159,4 nghìn lượt người, giảm 3,7%; Ma-lai-xi-a 146,2 nghìn lượt người, giảm 5,2%.; Thái Lan 138,8 nghìn lượt người, giảm 17,9%.
Thiếu đói trong nông dân
Theo báo cáo của các địa phương, trong tháng 11 (tính đến 23/11) cả nước có 103,2 nghìn hộ với 459,7 nghìn nhân khẩu bị thiếu đói. So với tháng trước, số hộ thiếu đói gấp 4,2 lần; số nhân khẩu thiếu đói gấp 4,1 lần, chủ yếu do ảnh hưởng nặng của cơn bão số 9 và số 11. Tính chung 11 tháng, cả nước có 641,4 nghìn lượt hộ với 2823,6 nghìn lượt nhân khẩu bị thiếu đói. So với cùng kỳ năm 2008, số hộ thiếu đói giảm 31% và số nhân khẩu thiếu đói giảm 27,6%. Thiếu đói xảy ra tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, vùng Tây Nguyên. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, cá nhân đã hỗ trợ cho các hộ thiếu đói gần 40 nghìn tấn lương thực và trên 40 tỷ đồng.
Tình hình dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm
Trong thời gian từ 21/10 đến 20/11/2009 trên địa bàn cả nước đã có 11,4 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt rét; 9,2 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; 1015 trường hợp mắc bệnh viêm gan virút và 236 trường hợp bị ngộ độc thực phẩm. Tính chung 11 tháng, cả nước có 48,5 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt rét; 83,4 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (67 người tử vong); 6,8 nghìn trường hợp mắc bệnh viêm gan virút; 839 trường hợp mắc bệnh viêm não virút; 1,2 nghìn trường hợp mắc bệnh thương hàn và 80 vụ ngộ độc thực phẩm với 3,8 nghìn người bị ngộ độc, trong đó 16 người tử vong.
Trong tháng đã có thêm 618 trường hợp dương tính với cúm A (H1N1), nâng tổng số trường hợp nhiễm cúm A (H1N1) của cả nước đến ngày 24/11/2009 lên 10916 trường hợp, trong đó 43 người đã tử vong. Số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện thêm là 1,8 nghìn trường hợp, nâng tổng số người nhiễm HIV trong cả nước tính đến 20/11/2009 lên 201,5 nghìn người, trong đó 79,3 nghìn trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 44,2 nghìn người đã tử vong do AIDS.
Thiệt hại do thiên tai
Thiên tai xảy ra trong tháng 11/2009 đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống dân cư, đặc biệt cơn bão số 11 gây lũ lớn, sạt lở đất và ngập úng trên diện rộng tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên làm 126 người chết và mất tích (Phú Yên 80 người, Bình Định 20 người); trên 1 nghìn ha lúa và hoa màu bị mất trắng; hơn 2 nghìn ngôi nhà bị sập, cuốn trôi. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong tháng 11 ước tính 5,6 nghìn tỷ đồng, trong đó Phú Yên thiệt hại nặng với gần 3 nghìn tỷ đồng. Tính chung từ đầu năm, thiên tai đã làm 481 người chết và mất tích; 66 km đê, 21,2 km kè và gần 1,2 nghìn km đường giao thông cơ giới bị sạt lở, cuốn trôi; gần 7 nghìn cột điện các loại bị gãy đổ. Mưa lớn đã làm gần 42 nghìn ha lúa và hoa màu bị mất trắng; 11 nghìn ha mặt nước nuôi trồng thuỷ sản bị hư hại; hơn 25 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra ước tính 23,2 nghìn tỷ đồng, trong đó Quảng Ngãi bị thiệt hại nặng nhất với trên 4,9 nghìn tỷ đồng; Quảng Nam 3,6 nghìn tỷ đồng.
Các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương đã khẩn trương triển khai các hoạt động khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, đồng thời nhanh chóng tổ chức hỗ trợ kịp thời các gia đình bị nạn. Theo báo cáo sơ bộ, tổng số tiền cứu trợ cho các tỉnh bị thiệt hại do thiên tai là gần 890 tỷ đồng và hơn 25 nghìn tấn gạo. Ngoài ra các hộ dân còn nhận được sự hỗ trợ về lương thực, thực phẩm, nước uống và các nhu yếu phẩm cần thiết từ các tổ chức và cá nhân trong cả nước.
Tai nạn giao thông
Trong tháng 10 trên địa bàn cả nước xảy ra 926 vụ tai nạn giao thông, làm chết 869 người và làm bị thương 549 người. So với tháng trước, số vụ tai nạn giao thông tăng 3%, số người chết tăng 6,9%, số người bị thương giảm 8,4%; so với tháng 10/2008 số vụ tai nạn giao thông giảm 5%, số người bị thương giảm 10,2%, số người chết tăng 2,1%.
Tính chung 10 tháng năm 2009, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 10034 vụ tai nạn giao thông, làm chết 9371 người và làm bị thương 6292 người. So với cùng kỳ năm 2008, số vụ tai nạn giao thông giảm 4,1%; số người chết giảm 1% và số người bị thương giảm 7,1%. Bình quân một ngày trong 10 tháng qua trên địa bàn cả nước xảy ra 33 vụ tai nạn giao thông, làm chết 31 người và làm bị thương 21 người. Tai nạn giao thông đường bộ vẫn là chủ yếu, chiếm 93,7% số vụ; chiếm 96,3% số người chết và 95,8% số nguời bị thương.
Khái quát lại, mặc dù gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế thế giới, ở trong nước thiên tai xảy ra liên tiếp nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân nên kinh tế-xã hội nước ta 11 tháng năm 2009 đã từng bước ổn định và phát triển theo hướng tích cực trong từng ngành, từng lĩnh vực; kinh tế vĩ mô được đảm bảo; an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm và hỗ trợ kịp thời. Để hoàn thành tốt mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2009, những giải pháp của Chính phủ đã đề ra cần được thực hiện tốt, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm sau đây:
Một là, các ngành, các cấp và các địa phương tiến hành rà soát các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt thấp so với kế hoạch, phân tích nguyên nhân tác động, trên cơ sở đó đề ra giải pháp khắc phục, đồng thời tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện. Đối với những ngành, lĩnh vực có ưu thế cần tiếp tục cố gắng, phát huy kết quả đã đạt được nhằm hoàn thành tốt mục tiêu đã đề ra. Xây dựng phương án tốt nhất tháo gỡ khó khăn, giải quyết ách tắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư, nhất là vốn trái phiếu Chính phủ trong lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông. Khẩn trương hoàn thành những công trình, dự án quan trọng, cấp thiết của năm; tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo tiến độ, nâng cao hiệu quả đầu tư và chất lượng công trình xây dựng cơ bản.
Hai là, đẩy nhanh tiến độ sản xuất hàng hoá nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa. Tổ chức tốt công tác chuẩn bị nguồn hàng, thu mua và phân phối hàng vào dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán sao cho không để xảy ra tình trạng đầu cơ, tích trữ dẫn đến hiện tượng khan hiếm hàng giả tạo trên thị trường. Tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hoá sang các khu vực ít bị tác động của khủng hoảng và suy thoái kinh tế. Đảm bảo số lượng và chất lượng hàng xuất khẩu theo đúng hợp đồng thương mại đã được ký kết với các đối tác theo kế hoạch.
Ba là, có sự phối hợp thường xuyên giữa các ngành chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ thị trường giá cả nhằm ngăn ngừa những cơn sốt giá đối với một số mặt hàng quan trọng và thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng của dân cư. Chỉ số giá tiêu dùng tuy tăng thấp nhưng thị trường giá vàng và giá ngoại tệ có nhiều biến động bất thường, đặc biệt trong thời điểm cuối năm khi nhu cầu ngoại tệ có xu hướng tăng lên, làm ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực có liên quan. Do đó phải kịp thời có chính sách tiền tệ phù hợp và đủ mạnh nhằm bình ổn giá trên thị trường.
Bốn là, tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm đang có xu hướng tăng lên, do đó cần phảităng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất và phục vụ. Kiên quyết xử phạt những trường hợp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến các thực phẩm có mức tiêu thụ cao trong dịp Tết như: rau, quả, thịt gia súc, gia cầm, thuỷ sản và các hành vi vi phạm về nhập khẩu, vận chuyển, lưu thông thực phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giáo dục kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như biện pháp phòng chống dịch bệnh cho người dân. Công khai kịp thời các trường hợp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm ngăn ngừa các trường hợp cố tình vi phạm và cảnh báo cho người tiêu dùng.
Năm là, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông thường tăng đột biến vào dịp Tết Nguyên đán làm gia tăng tai nạn và ùn tắc giao thông. Để bảo đảm cho nhân dân đi lại an toàn, hạn chế tai nạn, các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm soát, kip thời phát hiện, xử lý kiên quyết và nghiêm các trường hợp vi phạm. Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền sâu rộng các quy định về an toàn giao thông để nâng cao ý thức của mỗi người dân trong việc chấp hành những quy định về an toàn toàn giao thông, đặc biệt là Luật giao thông khi tham gia giao thông. Tiếp tục thực hiện tốt Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo, Chương trình 135 giai đoạn 2. Có kế hoạch, chương trình cụ thể trong công tác an sinh xã hội. Quan tâm kịp thời và đầy đủ đến các đối tượng chính sách và gia đình nghèo, bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng nhằm giảm bớt khó khăn và động viên tinh thần cho người dân.
Nguồn TỔNG CỤC THỐNG KÊ
Tệp đính kèm: