Tệp đính kèm:
Tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm 2009
_______________
Kinh tế-xã hội nước ta đến nay đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Cùng với những giải pháp, chính sách đúng đắn, kịp thời của Đảng và Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, tập đoàn và của toàn dân cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự ổn định kinh tế, chính trị và xã hội nước ta. Trong bối cảnh chung như vậy, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh 8 tháng năm 2009 của các ngành và lĩnh vực cụ thể như sau:
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Nông nghiệp
Sản xuất nông nghiệp tháng 8 tập trung chủ yếu vào gieo cấy lúa mùa và thu hoạch lúa hè thu. Tính đến ngày 15/8/2009, cả nước đã gieo cấy được 1464,3 nghìn ha lúa mùa, bằng 100,4% cùng kỳ năm trước; bao gồm các địa phương phía Bắc gieo cấy 1170,6 nghìn ha, bằng 99,3%, trong đó các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ đã cơ bản gieo cấy xong; các địa phương phía Nam gieo cấy 293,7 nghìn ha, bằng 105%. Nhìn chung, thời tiết vụ mùa năm nay khá thuận, sâu bệnh xuất hiện ít nên lúa đang trong thời kỳ phát triển tốt.
Cùng với việc gieo cấy lúa mùa, cả nước đã thu hoạch được 1223,8 nghìn ha lúa hè thu, bằng 100,4% cùng kỳ năm 2008. Riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch được 1117 nghìn ha, chiếm 63,6% diện tích gieo cấy và bằng 100,3% cùng kỳ năm trước, trong đó một số tỉnh đã thu hoạch trên 90% diện tích gieo cấy như: An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp. Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, năng suất lúa hè thu toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long năm nay đạt xấp xỉ vụ hè thu năm trước.
Cũng tính đến trung tuần tháng 8/2009, cả nước đã gieo trồng được 831,9 nghìn ha ngô, bằng 96,5% cùng kỳ năm 2008; 117,3 nghìn ha khoai lang, bằng 90,5%; 411,9 nghìn ha sắn, bằng 94,6%; 614,4 nghìn ha rau, đậu, bằng 99,8%.
Chăn nuôi tuy có thuận lợi do giá thức ăn tương đối ổn định nhưng giá bán sản phẩm đang ở mức thấp nên mặc dù xu hướng tăng lên nhưng tốc độ mở rộng quy mô đàn gia súc, đặc biệt là đàn lợn vẫn bị hạn chế. Tính đến ngày 22/8/2009, cả nước không còn ổ dịch cúm gia cầm; các dịch bệnh khác chưa qua 21 ngày còn xuất hiện ở một số địa phương như: Dịch lở mồm long móng trên trâu, bò ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Kon Tum; dịch tai xanh trên lợn ở Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bạc Liêu.
Lâm nghiệp
Diện tích rừng trồng mới tập trung 8 tháng năm 2009 ước tính đạt 142 nghìn ha, bằng 105,5% cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 137 triệu cây, bằng 99%; sản lượng gỗ khai thác đạt 2352 nghìn m3, bằng 107%. Tuy nhiên, tình trạng cháy rừng và chặt phá rừng vẫn là vấn đề nhức nhối đáng chú ý đối với ngành kiểm lâm. Diện tích rừng bị thiệt hại trong 8 tháng năm nay là 2826 ha, trong đó diện tích rừng bị cháy là 1512,2 ha.
Thủy sản
Sản lượng thuỷ sản tháng 8/2009 ước tính đạt 464,4 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó cá đạt 338,5 nghìn tấn, tăng 3,4%; tôm 64,8 nghìn tấn, tăng 2,7%. Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng tháng 8/2009 đạt 290,1 nghìn tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng cá đạt 208 nghìn tấn, tăng 2,5%. Sản lượng cá nuôi tăng chủ yếu do một phần diện tích trước đây nuôi cá tra nhưng do gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm nên đã được chuyển sang nuôi các loại cá khác; bên cạnh đó, mô hình kết hợp trồng lúa và nuôi cá lồng, bè trên ruộng phát triển tại một số địa phương cũng góp phần làm tăng sản lượng cá. Ngoài ra, một loại thuỷ sản nuôi trồng khác có giá trị kinh tế cao là tôm thẻ chân trắng cũng đang được nhiều địa phương thả nuôi thay cho tôm sú do loại tôm này cho năng suất cao (từ 7-13 tấn/ha) và khả năng thích nghi với môi trường nước tốt hơn tôm sú.
Sản lượng thuỷ sản khai thác tháng 8/2009 ước tính đạt 174,3 nghìn tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khai thác biển đạt 154 nghìn tấn, tăng 5%, chủ yếu do chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã khuyến khích nhiều tàu, thuyền ra khơi khai thác.
Tính chung 8 tháng năm 2009, sản lượng thuỷ sản ước tính đạt 3200,6 nghìn tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm sản lượng nuôi trồng đạt 1690,6 nghìn tấn, tăng 1,6%; sản lượng khai thác đạt 1510 nghìn tấn, tăng 7%, trong đó khai thác biển đạt 1387,5 nghìn tấn, tăng 7,4%.
Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp đang dần ổn định và có chiều hướng phát triển tích cực với mức tăng tháng sau cao hơn mức tăng của tháng trước. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 8/2009 theo giá so sánh 1994 ước tính tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,5% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2008, bao gồm khu vực kinh tế Nhà nước tăng 1,9% (Trung ương quản lý tăng 3,4%, địa phương quản lý giảm 3,5%); khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 7,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 6% (dầu mỏ và khí đốt tăng 12,8%, các sản phẩm khác tăng 5,1%).
Những sản phẩm chủ yếu có tốc độ tăng cao hơn mức tăng chung là: Điều hòa nhiệt độ tăng 41,3%; tủ lạnh, tủ đá tăng 21,7%; thép tròn tăng 18,3%; dầu thô khai thác và xi măng cùng tăng 17,3%; xà phòng tăng 16,5%; giầy, dép, ủng bằng da giả tăng 14,1%; thuốc lá điếu tăng 13,1%; điện sản xuất tăng 10,5%; nước máy thương phẩm tăng 9,5%. Tuy nhiên, một số sản phẩm quan trọng khác có mức tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước là: Bia tăng 4,4%; xe máy tăng 2,5%; vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo tăng 2,5%; khí đốt thiên nhiên dạng khí tăng 1,9%; khí hóa lỏng tăng 1,6%; giày thể thao giảm 2,3%; phân hóa học giảm 2,8%; xe tải giảm 5,3%; tivi lắp ráp giảm 5,6%; thủy hải sản chế biến giảm 7,1%; kính thủy tinh giảm 8,6%; gạch lát ceramic giảm 10,7%; quần áo người lớn giảm 14,9%; xe chở khách giảm 15,1%; vải dệt từ sợi bông giảm 18,2%; giấy, bìa giảm 19,9%.
Sản xuất công nghiệp 8 tháng năm nay của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục duy trì được tốc độ tăng cao hơn mức tăng chung của cả nước là: Quảng Ninh tăng 11,3%; Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 10,4%; Thanh Hóa tăng 9%; Cần Thơ tăng 8%; Đồng Nai tăng 7,8%; Hà Nội tăng 7,5%; Khánh Hòa và Bình Dương cùng tăng 7,1%; Hải Phòng tăng 6,8%. Một số tỉnh, thành phố khác đạt tốc độ tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm so với cùng kỳ năm 2008 là: Thành phố Hồ Chí Minh tăng 5,5%; Đà Nẵng tăng 1,7%; Hải Dương giảm 1,9%; Phú Thọ giảm 3,7%; Vĩnh Phúc giảm 8,5%.
Đầu tư
Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện 8 tháng năm 2009 ước tính đạt 82,9 nghìn tỷ đồng, bằng 57,5% kế hoạch năm, gồm có:
- Vốn trung ương quản lý đạt 35,3 nghìn tỷ đồng, bằng 62,3% kế hoạch năm, trong đó: Vốn đầu tư thực hiện của Bộ Giáo dục và Đào tạo đạt 562,1 tỷ đồng, bằng 73,2%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 2108,9 tỷ đồng, bằng 71,4%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 382,1 tỷ đồng, bằng 71%; Bộ Công Thương đạt 165,8 tỷ đồng, bằng 69,7%; Bộ Y tế 685,6 tỷ đồng, bằng 67,8%; Bộ Giao thông Vận tải 5776,6 tỷ đồng, bằng 60,2%; Bộ Xây dựng 307,3 tỷ đồng, bằng 34,6%.
- Vốn địa phương quản lý đạt 47,5 nghìn tỷ đồng, bằng 54,4% kế hoạch năm, trong đó một số địa phương có tiến độ thực hiện nhanh là: An Giang đạt 551,5 tỷ đồng, bằng 92,2% kế hoạch năm; Thừa Thiên-Huế 821,6 tỷ đồng, bằng 76,9%; Đà Nẵng 2369,4 tỷ đồng, bằng 71,7%; Ninh Thuận 426,1 tỷ đồng, bằng 71%; Nghệ An 952,7 tỷ đồng, bằng 69,1%; Thái Bình 530,3 tỷ đồng, bằng 68,1%; Bắc Ninh 793,1 tỷ đồng, bằng 65,8%.
Thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến 20/8/2009 đạt 10,4 tỷ USD, giảm 81,6% so với cùng kỳ năm 2008, bao gồm: Vốn đăng ký mới 5,6 tỷ USD của 504 dự án được cấp phép mới (giảm 89,2% về vốn và giảm 60% về số dự án so với cùng kỳ năm trước); vốn đăng ký bổ sung 4,8 tỷ USD của 149 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 8 tháng năm 2009 ước tính đạt 6,5 tỷ USD, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm 2008.
Trong số 43 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có các dự án được cấp phép mới trong 8 tháng năm 2009, Bà Rịa-Vũng Tàu dẫn đầu với 2673,1 triệu USD, chiếm 47,5% tổng vốn đăng ký của cả nước; tiếp đến là thành phố Hồ Chí Minh 877,9 triệu USD, chiếm 15,6%; Bình Dương 424,6 triệu USD, chiếm 7,5%; Đồng Nai 232,1 triệu USD, chiếm 4,1%; Đà Nẵng 149,6 triệu USD, chiếm 2,7%; Hà Nội 132,6 triệu USD, chiếm 2,4%; Bình Thuận 102,8 triệu USD, chiếm 1,8%.Trong tổng vốn đăng ký bổ sung cho các dự án của các địa phương, Bà Rịa Vũng Tàu dẫn đầu với 3,8 tỷ USD, chiếm 79%.
Một số quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam 8 tháng năm 2009 cao là: Đài Loan dẫn đầu với 1335,8 triệu USD, chiếm 23,7% tổng vốn đăng ký mới; tiếp đến là Hàn Quốc 1192,4 triệu USD, chiếm 21,2%; Quần đảo Virgin thuộc Anh 1022,4 triệu USD, chiếm 18,2%; Đặc khu HC Hồng Kông (TQ) 562,7 triệu USD, chiếm 10%; Liên bang Nga 345,7 triệu USD, chiếm 6,1%; Xin-ga-po 294,4 triệu USD, chiếm 5,2%; Ma-lai-xi-a 143,8 triệu USD, chiếm 2,6%.
Thu chi ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến ngày 15/8/2009 ước tính bằng 60,8% dự toán năm, trong đó các khoản thu nội địa bằng 62,6%; thu từ dầu thô bằng 52,1%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu bằng 62%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước bằng 71,6%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) bằng 50,4%; thu thuế công, thương nghiệp ngoài Nhà nước bằng 58,1%; thuế thu nhập cá nhân bằng 52,1%; thu phí xăng dầu bằng 101,3%; thu phí, lệ phí bằng 54,8%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/8/2009 ước tính bằng 57,9% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển bằng 58,9%; chi phát triển sự nghiệp kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể (gồm cả chi cải cách tiền lương) bằng 59,5%; chi trả nợ và viện trợ bằng 61,8%.
Thương mại, giá cả, dịch vụ
Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Thị trường bán lẻ và dịch vụ trong nước mặc dù bị ảnh hưởng của dịch cúm A/H1N1, đặc biệt đối với hoạt động khách sạn nhà hàng và du lịch nhưng do giá cả tương đối ổn định nên vẫn đạt mức tăng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng năm 2009 ước tính đạt 742,7 nghìn tỷ đồng, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá thì tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng năm 2009 tăng 9,3%. Xét theo ngành kinh doanh thì thương nghiệp đạt 581,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 78,3% tổng số và tăng 18,7%; khách sạn nhà hàng đạt 84,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,3% và tăng 16%; dịch vụ đạt 69,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,4% và tăng 19%; du lịch đạt 7,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 1% và tăng 16,6%.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng năm 2009 của hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh ước tính đạt 265,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,8% tổng số cả nước và tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm Hà Nội đạt 95,3 nghìn tỷ đồng, tăng 16,4%; thành phố Hồ Chí Minh đạt 170,4 nghìn tỷ đồng, tăng 18,5%.
Xuất, nhập khẩu hàng hoá
Kim ngạch hàng hoá xuất khẩu tháng 8/2009 ước tính đạt 4,7 tỷ USD, giảm 2,2% so với tháng trước, một số mặt hàng chủ yếu có kim ngạch giảm nhiều là: Dầu thô giảm 23,1% (lượng giảm 26,2%); hàng dệt may giảm 4%; giày dép giảm 3,2%. Tính chung 8 tháng năm 2009, kim ngạch hàng hoá xuất khẩu đạt 37,3 tỷ USD, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm 2008, bao gồm khu vực kinh tế trong nước đạt 18,7 tỷ USD, giảm 5,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,6 tỷ USD, giảm 21,1%. Kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng chủ yếu 8 tháng năm nay đều giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số mặt hàng do giá trên thị trường thế giới giảm mạnh nên kim ngạch giảm gồm: Cà phê giảm 17,7% (lượng tăng 16,8%); gạo giảm 1,4% (lượng tăng 43%); dầu thô giảm 48,1% (lượng tăng 8%); cao su giảm 41,4% (lượng tăng 8,2%). Một số mặt hàng chủ yếu khác có kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm trước là: Thuỷ sản giảm 7,9%; giày dép giảm 11%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 15,2%; than đá giảm 21,6%.
Thị trường xuất khẩu chủ yếu của một số mặt hàng chính trong 7 tháng năm 2009 như sau: Hàng thuỷ sản xuất sang thị trường EU đạt 593 triệu USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước; sang Nhật Bản đạt 388 triệu USD, giảm 15%; sang Mỹ đạt 376 triệu USD, tăng 10%. Hàng dệt may xuất sang Mỹ đạt 2,8 tỷ USD, giảm 4,5%; sang EU đạt 966 triệu USD, giảm 1%; sang Nhật Bản đạt 513 triệu USD, tăng 16%.
Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu tháng 8/2009 ước tính đạt 6,2 tỷ USD, giảm 1,9% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng năm 2009, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu đạt 42,4 tỷ USD, giảm 28,2% so với cùng kỳ năm 2008, bao gồm khu vực kinh tế trong nước đạt 27,2 tỷ USD, giảm 32,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 15,2 tỷ USD, giảm 19,8%. Do sản xuất trong nước gặp khó khăn và giá thế giới giảm nên kim ngạch hầu hết các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước đều giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó vải giảm 7,8%; chất dẻo giảm 15,9% (lượng tăng 23,1%); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 16,7%; hoá chất giảm 17,7%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép giảm 24,2%; phân bón giảm 27,8% (lượng tăng 7,3%); sắt thép giảm 42,4% (lượng giảm 10,9%); xăng dầu giảm 62,6% (lượng giảm 20,1%).
Trong 7 tháng năm 2009, kim ngạch nhập khẩu máy móc từ một số thị trường giảm so với cùng kỳ năm 2008, trong đó thị trường lớn nhất là Trung Quốc với 2,1 tỷ USD, giảm 6,2%; tiếp đến là Nhật Bản với 1,3 tỷ USD, giảm 21,9%; Hàn Quốc 439 triệu USD, giảm 22,7%. Thị trường nhập khẩu sắt thép 7 tháng năm nay lớn nhất là Nga với 933 nghìn tấn, tăng 68% so với cùng kỳ năm trước; Đài Loan 736 nghìn tấn, tăng 34,6%; Nhật Bản 719 nghìn tấn, giảm 18,8%; Hàn Quốc 522 nghìn tấn, tăng 21,5%.
Nhập siêu tháng 8/2009 ước tính 1,5 tỷ USD, bằng 31,9% kim ngạch hàng hoá xuất khẩu; nhập siêu 8 tháng năm 2009 đạt 5,1 tỷ USD, bằng 13,7% kim ngạch hàng hoá xuất khẩu.
Giá tiêu dùng
Giá tiêu dùng tháng 8/2009 tương đối ổn định mặc dù giá xăng dầu trong tháng được điều chỉnh tăng. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2009 tăng 0,24% so với tháng trước, trong đó nhóm phương tiện đi lại, bưu điện tăng cao nhất với 1,31%. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có chỉ số giá tăng nhẹ ở mức dưới 1% hoặc giảm gồm: Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,93%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,52%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,3%; dược phẩm, y tế tăng 0,16%; giáo dục tăng 0,15%; văn hoá, thể thao, giải trí tăng 0,12%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,11%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,08%( Lương thực giảm 0,42%; thực phẩm giảm 0,09%). Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2009 so với cùng kỳ năm 2008 tăng 1,97%; so với tháng 12/2008 tăng 3,47%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm 2009 tăng 8,31% so với 8 tháng năm 2008.
Chỉ số giá vàng tháng 8/2009 tăng 1,75% so với tháng trước; tăng 15,68% so với cùng kỳ năm 2008 và tăng 26,08% so với tháng 12 năm 2008. Chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,13% so với tháng trước; tăng 8,95% so với cùng kỳ năm 2008 và tăng 6,36% so với tháng 12 năm 2008.
Vận tải
Vận tải hành khách 8 tháng năm 2009 ước tính đạt 1295,3 triệu lượt khách, tăng 7,9% và 56,7 tỷ lượt khách.km, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2008, trong đó chủ yếu là vận tải hành khách trong nước với 1292,8 triệu lượt khách, tăng 8% và 50,3 tỷ lượt khách.km, tăng 6,1%. Vận tải hành khách đường bộ đạt 1167,5 triệu lượt khách, tăng 8,3% và 40,4 tỷ lượt khách.km, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước; đường sông đạt 108,8 triệu lượt khách, tăng 5,3% và 2,2 tỷ lượt khách.km, tăng 4,2%; đường biển đạt 3,9 triệu lượt khách, tăng 5,1% và 248,6 triệu lượt khách.km, tăng 9,8%. Riêng vận tải đường sắt giảm 2,4% về khối lượng vận chuyển và giảm 8,3% về khối lượng luân chuyển; vận tải đường không tăng 1,8% về vận chuyển nhưng giảm 2,6% về luân chuyển.
Vận tải hàng hóa 8 tháng năm 2009 ước tính đạt 422,3 triệu tấn, tăng 3,1% và 125,7 tỷ tấn.km, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Vận tải trung ương đạt 28,9 triệu tấn, giảm 5,1% và 85,9 tỷ tấn.km, tăng 10,4%; vận tải địa phương đạt 393,4 triệu tấn, tăng 3,8% và 39,8 tỷ tấn.km, tăng 4,3%. Vận tải hàng hoá đường bộ đạt 304,8 triệu tấn, tăng 4,2% và 15,5 tỷ tấn.km, tăng 4,3%; đường sông đạt 80,5 triệu tấn, tăng 0,8% và 12,8 tỷ tấn.km, tăng 1,1%; đường biển đạt 31,5 triệu tấn, giảm 8% và 94,6 tỷ tấn.km, tăng 10,9%; đường sắt đạt 5,4 triệu tấn, giảm 9,5% và 2,6 tỷ tấn.km, giảm 12,1%.
Bưu chính, viễn thông
Hoạt động bưu chính, viễn thông phát triển mạnh với 7 nhà cung cấp dịch vụ tiếp tục đưa ra nhiều hình thức thuê bao mới và khuyến mại nhằm thu hút khách hàng. Số thuê bao điện thoại mới 8 tháng năm 2009 cả nước ước tính đạt 32,4 triệu thuê bao, tăng 118,4% so với cùng kỳ năm 2008, bao gồm 3,1 triệu thuê bao cố định, tăng 91,1% và 29,3 triệu thuê bao di động, tăng 121,7%. Số thuê bao điện thoại cả nước tính đến cuối tháng 8/2009 ước tính đạt 113,7 triệu thuê bao, tăng 70,5% so với cùng thời điểm năm trước, bao gồm 17,2 triệu thuê bao cố định, tăng 31,7% và 96,5 triệu thuê bao di động, tăng 80%. Số thuê bao điện thoại tính đến tháng 8/2009 của Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông đạt 62,4 triệu thuê bao, tăng 66,4% so với cùng thời điểm năm 2008, bao gồm 11,8 triệu thuê bao cố định, tăng 18,7% và 50,6 triệu thuê bao di động, tăng 83,5%.
Số thuê bao internet băng rộng trên cả nước tính đến cuối tháng 8/2009 ước tính đạt 2,7 triệu thuê bao, tăng 47% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông đạt 1,8 triệu thuê bao, tăng 67,5%. Tổng doanh thu thuần bưu chính, viễn thông 8 tháng năm 2009 ước tính đạt 53,8 nghìn tỷ đồng, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông đạt 40,4 nghìn tỷ đồng, tăng 31%.
Khách quốc tế đến Việt Nam
Khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu cùng với sự bùng phát dịch cúm A/H1N1 đã tác động mạnh đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong nhiều tháng qua. Khách quốc tế đến nước ta 8 tháng năm 2009 ước tính đạt 2479,9 nghìn lượt người, giảm 17,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng đạt 1460,7 nghìn lượt người, giảm 20,7%; đến vì công việc 464,6 nghìn lượt người, giảm 20,7%; thăm thân nhân đạt 387,1 nghìn lượt người, tăng 1,2%. Khách quốc tế đến nước ta bằng đường hàng không ước tính 2031,8 nghìn lượt người, giảm 11,7%; đến bằng đường bộ 395,8 nghìn lượt người, giảm 33,9%; đến bằng đường biển 52,3 nghìn lượt người, giảm 54,9%.
Trong 8 tháng năm nay, hầu hết lượng khách từ các nước và vùng lãnh thổ đến nước ta đều giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Trung Quốc 301,4 nghìn lượt người, giảm 35%; Hoa Kỳ đạt 293,8 nghìn lượt người, giảm 3,9%; Hàn Quốc 257 nghìn lượt người, giảm 21,6%; Nhật Bản 228,9 nghìn lượt người, giảm 11,4%; Đài Loan 188,2 nghìn lượt người, giảm 15,4%; Ôx-trây-li-a 143,8 nghìn lượt người, giảm 11,8%; Pháp 121,7 nghìn lượt người, giảm 3,1%; Ma-lai-xi-a 108,8 nghìn lượt người, giảm 4,4%.
Một số vấn đề xã hội
Thiếu đói trong nông dân
Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, trong tháng 8/2009 (tính đến ngày 20), cả nước có 27,2 nghìn hộ với 123,1 nghìn nhân khẩu thiếu đói. So với cùng kỳ năm trước, số hộ thiếu đói tăng 21,6% và số nhân khẩu thiếu đói tăng 17,9%; so với tháng trước, số hộ thiếu đói giảm 10,7% và số nhân khẩu thiếu đói giảm 11,7%. Tình trạng thiếu đói xảy ra chủ yếu ở các tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc; vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; vùng Tây Nguyên.
Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm 2009 đến nay, các cấp, các ngành và đoàn thể từ trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 32,2 nghìn tấn lương thực và trên 41 tỷ đồng.
Tình hình dịch bệnh
Từ 21/7/2009 đến 20/8/2009 trên địa bàn cả nước có 11,6 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; 880 trường hợp mắc bệnh viêm gan virút; 60 trường hợp viêm màng não do mô cầu và 137 trường hợp bị ngộ độc thực phẩm. Tính chung 8 tháng năm 2009, cả nước có 44,6 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó 37 người tử vong; 4,2 nghìn trường hợp mắc bệnh viêm gan virút; 191 trường hợp viêm màng não do mô cầu và 3,2 nghìn trường hợp bị ngộ độc thực phẩm.
Tình hình dịch cúm A(H1N1) tiếp tục diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 25/8/2009, Việt Nam đã ghi nhận 2142 trường hợp dương tính với cúm A (H1N1), trong đó 02 trường hợp đã tử vong. Số bệnh nhân đã bình phục và ra viện là 1228 người, 912 trường hợp còn lại hiện đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện, cơ sở điều trị và được giám sát cộng đồng trong tình trạng sức khỏe ổn định.
Số trường hợp nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn cả nước tiếp tục tăng. Trong tháng 8/2009 đã phát hiện thêm 2,5 nghìn trường hợp nhiễm HIV, nâng tổng số người nhiễm HIV của cả nước tính đến 20/8/2009 lên 195 nghìn người, trong đó 76,5 nghìn trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 43,5 nghìn người đã tử vong do AIDS.
Tai nạn giao thông
Trong tháng 7 năm 2009 trên địa bàn cả nước đã xảy ra 961 vụ tai nạn giao thông, làm chết 902 người và làm bị thương 565 người, trong đó tai nạn giao thông đường bộ chiếm 92,7% về số vụ; 95,3% về số người chết và 95,4% về số người bị thương. So với tháng trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 8,3%; số người chết giảm 8,4% và số người bị thương giảm 13,6%. So với cùng kỳ năm 2008, số vụ tai nạn giao thông giảm 6,9%; số người chết giảm 2,3% và số người bị thương giảm 8,4%.
Tính chung 7 tháng năm 2009, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 7192 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6729 người và làm bị thương 4540 người, trong đó tai nạn giao thông đường bộ chiếm 94% về số vụ; 96% về số người chết và 96% về số người bị thương. So với cùng kỳ năm 2008, số vụ tai nạn giao thông giảm 4%; số người chết giảm 1,7% và số người bị thương giảm 7,3%. Bình quân một ngày trong 7 tháng năm 2009, trên địa bàn cả nước xảy ra 40 vụ tai nạn giao thông, làm chết 37 người và làm bị thương 25 người.
Thiên tai
Lốc xoáy và mưa đá xảy ra cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm 2009 tuy không gây thiệt hại lớn về người và tài sản nhưng làm 1856 ha lúa và hoa màu bị ngập và hư hỏng, trong đó 300 ha bị mất trắng. Các tỉnh bị ảnh hưởng nặng của thiên tai là: Đắk Lắk, Bình Thuận, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng và Cà Mau.
Khái quát lại, kinh tế-xã hội nước ta 8 tháng năm 2009 mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng những kết quả đạt được đã thể hiện sự quyết tâm và cố gắng lớn của cả hệ thống chính trị; đồng thời khẳng định tính đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tiễn nước ta của những giải pháp và chính sách mà Đảng, Chính phủ đã ban hành. Để tiếp tục đẩy mạnh sản xuất trong những tháng tiếp theo, các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề chủ yếu sau đây:
Một là, các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, sửa đổi và ban hành những chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp, tập đoàn chủ động phát huy tối đa năng lực sản xuất và nắm bắt nhu cầu thị trường để đáp ứng các sản phẩm thiết yếu cho sản xuất và tiêu dùng. Khai thác tối đa những thị trường nhập khẩu có lợi thế về mức thuế nhập khẩu những mặt hàng phục vụ cho sản xuất.
Hai là, đẩy mạnh sản xuất nguyên liệu, phụ tùng phục vụ cho sản xuất sản phẩm chủ yếu; đồng thời có chính sách hỗ trợ sản xuất hàng xuất khẩu, sản xuất hàng hoá thay thế nhập khẩu, góp phần giảm nhập khẩu. Tiếp tục kiểm soát có hiệu quả hàng nhập khẩu thông qua chính sách thuế và các biện pháp phi thuế; tăng cường sử dụng máy móc, vật tư, thiết bị sản xuất trong nước. Đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có kim ngạch lớn, lợi thế cạnh tranh cao tại các thị trường truyền thống, gắn liền với việc mở rộng, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng tại thị trường nội địa. Tăng cường hệ thống phân phối hàng hoá nội địa; tạo thuận lợi nhất để hàng sản xuất trong nước đến với người tiêu dùng trong nước. Tăng cường hoạt động theo dõi, kiểm tra kiểm soát, quản lý các diễn biến của thị trường hàng hoá để chủ động xử lý những phát sinh nhằm bảo đảm tốt nguồn cung ứng những mặt hàng trọng yếu với giá cả ổn định.
Bốn là, tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ sản xuất nông, lâm, thuỷ sản, trước hết là việc tiêu thụ nông sản của một số ngành hàng có lượng hàng hoá lớn và sản xuất tập trung như: Lúa, gạo, thủy sản và một số nông sản khác nhằm duy trì phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Tập trung khẩn trương xây dựng các kho chứa và mở các kho ngoại quan để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản. Nhà nước phải đóng vai trò tích cực trong thu mua và tiêu thụ nông sản, đảm bảo có lãi cho người nông dân.
TỔNG CỤC THỐNG KÊ
Tệp đính kèm: