Tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng năm 2011
________
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Nông nghiệp
Tính đến 15/11/2011, cả nước đã thu hoạch được 1415,4 nghìn ha lúa mùa, chiếm 77,4% diện tích gieo cấy và bằng 97,4% cùng kỳ năm trước, bao gồm: Các địa phương phía Bắc thu hoạch 1098,2 nghìn ha, bằng 96,5%; các địa phương phía Nam thu hoạch 317,2 nghìn ha, bằng 100,4%.
Tại các địa phương phía Bắc, tuy cuối vụ có mưa nhiều gây ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch trên một số diện tích gieo cấy muộn, nhưng trong vụ thời tiết tương đối thuận nên nhìn chung lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Năng suất lúa mùa của các địa phương phía Bắc ước tính đạt 48,9 tạ/ha, tăng 1,1 tạ/ha so với vụ mùa trước; sản lượng đạt 5,8 triệu tấn, tăng 130 nghìn tấn.
Tại các địa phương phía Nam, năng suất lúa mùa cũng đạt khá, ước tính 43,4 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha so với vụ mùa trước. Một số tỉnh có năng suất lúa mùa đạt cao là: Quảng Nam 47,5 tạ/ha, tăng 1,3 tạ/ha so với năm 2010; Bình Định 44,2 tạ/ha, tăng 1,2 tạ/ha.
Do mưa nhiều, nước lũ lên cao làm ảnh hưởng đến tiến độ gieo cấy lúa của các địa phương phía Nam. Tính đến trung tuần tháng Mười Một, các địa phương phía Nam gieo sạ được 241,6 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 63,7% cùng kỳ năm trước.
Cùng với việc thu hoạch lúa mùa, các địa phương phía Bắc đang tập trung gieo trồng và chăm sóc cây vụ đông. Tiến độ gieo trồng một số cây vụ đông chậm hơn so với cùng kỳ năm trước, một mặt do thu hoạch lúa mùa chậm hơn cùng kỳ, mặt khác do một phần diện tích trồng cây vụ đông được chuyển sang trồng rau ngắn ngày hoặc để chuẩn bị cho vụ xuân. Tính đến ngày 15 tháng 11, các địa phương phía Bắc gieo trồng được 109,1 nghìn ha ngô, bằng 70,1% cùng kỳ năm trước; 37,9 nghìn ha khoai lang, bằng 82,9%; 54,7 nghìn ha đậu tương, bằng 58,9%; 4,5 nghìn ha lạc, bằng 65,2%; 137,9 nghìn ha rau đậu, tăng 23,9%.
Theo kết quả điều tra chăn nuôi, tại thời điểm 01/10/2011, đàn trâu cả nước có 2,7 triệu con, bằng 93,5% cùng thời điểm năm 2010; đàn bò có 5,3 triệu con, bằng 90,1%; đàn lợn có 27,1 triệu con, bằng 99,3%; đàn gia cầm có 322 triệu con, tăng 7,4%. Tính đến ngày 22/11/2011, dịch lở mồm long móng ở trâu bò đã được khống chế trên phạm vi cả nước, dịch bệnh khác chưa qua 21 ngày còn ở các tỉnh là: Dịch cúm gia cầm ở Nghệ An; dịch tai xanh trên lợn ở Long An.
Sản xuất nông nghiệp đến ngày 15 tháng 11 năm 2011
Lâm nghiệp
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, các địa phương khẩn trương kết thúc kế hoạch năm 2011 về trồng và chăm sóc rừng, đồng thời triển khai công tác khoanh nuôi tái sinh và gieo ươm cây giống để chuẩn bị cho kế hoạch trồng rừng năm sau. Mưa lớn gây ngập lụt làm ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng chính vụ tại các địa phương ở khu vực miền Trung và Nam Bộ. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán tháng Mười Một cả nước ước tính đạt 5,8 triệu cây, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác đạt 438 nghìn m3, tăng 4,3%; sản lượng củi khai thác 2,6 triệu ste, tăng 2,6%. Trong mười một tháng năm nay, diện tích rừng trồng tập trung cả nước đạt 160,5 nghìn ha, bằng 73,4% cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 176,2 triệu cây, tăng 0,3%; sản lượng gỗ khai thác đạt 3968 nghìn m3, tăng 11,3%; sản lượng củi khai thác đạt 26,8 triệu ste, tăng 2,6%. Một số tỉnh có sản lượng gỗ khai thác tăng cao là: Yên Bái 265 nghìn m3, tăng 32,5%; Thừa Thiên -Huế 167 nghìn m3, tăng 182,6%; Quảng Ninh 210 nghìn m3, tăng 100%; Quảng Bình 103 nghìn m3, tăng 15%.
Diện tích rừng bị thiệt hại trong mười một tháng năm 2011 là 2038 ha, bao gồm: Diện tích rừng bị cháy là 994 ha; diện tích rừng bị chặt phá là 1044 ha.
Thuỷ sản
Sản lượng thủy sản tháng 11/2011 ước tính đạt 460 nghìn tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá 347 nghìn tấn, tăng 5,2%; tôm 57,5 nghìn tấn, tăng 1,8%.
Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng tháng Mười Một ước tính đạt 245,5 nghìn tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó cá 194 nghìn tấn, tăng 6%; tôm 40,5 nghìn tấn, bằng cùng kỳ năm trước. Nuôi tôm sú trên diện tích vụ 2 gặp một số khó khăn do thời tiết mưa nhiều, nguồn nước lại chưa được xử lý hết mầm bệnh dẫn đến tôm nuôi tại một số địa phương bị nhiễm bệnh. Một số tỉnh có sản lượng tôm thu hoạch trong tháng đạt thấp là: Cà Mau 9,2 nghìn tấn, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước; Bạc Liêu 6 nghìn tấn, giảm 10,3%.
Sản xuất cá tra tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất tập trung quy mô lớn, mở rộng diện tích nuôi theo tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn nhằm tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Một số địa phương có sản lượng cá tra thu hoạch trong tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: An Giang 20 nghìn tấn, tăng 11,1%; Cần Thơ 18,5 nghìn tấn, tăng 5%.
Sản lượng thủy sản khai thác tháng 11/2011 ước tính đạt 214,5 nghìn tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó khai thác biển 197,3 nghìn tấn, tăng 3,5%. Sản lượng thủy sản khai thác trong tháng tăng chủ yếu do khai thác thủy sản nội địa tăng. Khai thác biển tương đối ổn định, nhiều loại thủy sản xuất hiện với mật độ lớn trên ngư trường như: Cá nục, cá cơm tại khu vực biển miền Trung; mực ống và mực nang tại vùng biển Nam Bộ.
Tính chung mười một tháng, sản lượng thủy sản cả nước ước tính đạt 5009 nghìn tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 2658,7 nghìn tấn, tăng 5,5%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 2350,3 nghìn tấn, tăng 2,3% (khai thác biển đạt 2172,6 nghìn tấn, tăng 2,4%).
Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11/2011 tăng 5% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2010. Chỉ số sản xuất công nghiệp mười một tháng năm nay tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Công nghiệp khai thác mỏ giảm 0,2%; công nghiệp chế biến tăng 9,8%; sản xuất, phân phối điện, ga, nước tăng 9,6%.
Một số ngành công nghiệp chủ yếu có chỉ số sản xuất mười một tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: Sản xuất đồ gốm, sứ không chịu lửa (trừ gốm sứ dùng trong xây dựng) tăng 86%; sản xuất đường tăng 42,4%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 19,9%; xay xát, sản xuất bột thô tăng 19,5%; sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 15,4%; sản xuất trang phục (trừ quần áo da lông thú) tăng 15,1%; sản xuất sợi và dệt vải, sản xuất bia cùng tăng 14,8%; sản xuất sơn, véc ni và các chất sơn quét tương tự, sản xuất mực in và ma tít tăng 14,5%; sản xuất sản phẩm bơ, sữa tăng 14,1%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 13,9%. Một số ngành có chỉ số sản xuất tăng khá là: Sản xuất thức ăn gia súc tăng 10,6%; sản xuất các sản phẩm khác từ plastic, sản xuất giày dép cùng tăng 10,2%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,7%; chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản tăng 9,4%; sản xuất thuốc lá tăng 9,2%; sản xuất xi măng tăng 8,8%. Một số ngành có chỉ số sản xuất tăng thấp hoặc giảm là: Sản xuất giấy nhăn và bao bì tăng 6,6%; khai thác, lọc và phân phối nước tăng 6,5%; sản xuất sắt, thép tăng 5,2%; khai thác dầu thô và khí tự nhiên giảm 1,7%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 3,1%; sản xuất cáp điện và dây điện có bọc cách điện giảm 20,9%; đóng và sửa chữa tàu giảm 22%.
Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mười tháng năm 2011 tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao là: Sản xuất xe có động cơ tăng 105,2%, sản xuất đồ gốm sứ không chịu lửa (trừ gốm sứ xây dựng) tăng 91,4%; sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 47,2%; sản xuất đường tăng 36,8%; sản xuất gạch, ngói và gốm, sứ xây dựng không chịu lửa tăng 34,9%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 18,1%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng chậm hoặc giảm là: Sản xuất trang phục (trừ quần áo da lông thú) tăng 15,6%; sản xuất sản phẩm bơ, sữa tăng 14,4%; xay xát, sản xuất bột thô tăng 12,9%; chế biến bảo quản thuỷ sản và sản phẩm từ thuỷ sản tăng 8,3%; sản xuất giày dép tăng 6,6%; sản xuất xi măng tăng 4,6%; sản xuất giấy nhăn và bao bì tăng 4,5%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 1,1%; sản xuất bột giấy, giấy và bìa giảm 1,5%; chế biến và bảo quản rau quả giảm 9,7%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 10,5%; sản xuất cáp điện và dây điện có bọc cách điện giảm 12,3%.
Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/11/2011 của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 21,5% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó các ngành có chỉ số tồn kho tăng cao là: Sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 101%; sản xuất bột giấy, giấy và bìa tăng 72,6%; sản xuất xi măng, vôi, vữa tăng 64,2%; sản xuất đồ gốm sứ không chịu lửa (trừ gốm sứ dùng trong xây dựng) tăng 62,7%; sản xuất các sản phẩm khác từ plastic tăng 55,1%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 38,8%; sản xuất cáp điện và dây điện có bọc cách điện tăng 33,8%; sản xuất bia và mạch nha tăng 31,3%. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm mạnh là: Sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 15,5%; sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 17,4%; sản xuất xe có động cơ giảm 20%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Mười Một và mười một tháng năm 2011
Một số sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp tháng Mười Một và mười một tháng năm 2011
Đầu tư
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng Mười Một ước tính đạt 20,7 nghìn tỷ đồng, bao gồm: Vốn trung ương 4,1 nghìn tỷ đồng; vốn địa phương 16,6 nghìn tỷ đồng. Tính chung mười một tháng năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 170,6 nghìn tỷ đồng, bằng 84,5% kế hoạch năm và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2010, gồm có:
- Vốn trung ương quản lý đạt 38,7 nghìn tỷ đồng, bằng 92,3% kế hoạch năm và tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện của Bộ Công Thương là 3667 tỷ đồng, bằng 89,9% và tăng 9,6%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 3631 tỷ đồng, bằng 98,9% và tăng 8,6%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 870 tỷ đồng, bằng 96,8% và tăng 6,3%; Bộ Y tế 857 tỷ đồng, bằng 95,3% và tăng 5,7%; Bộ Xây dựng 755 tỷ đồng, bằng 77% và tăng 9,1%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 554 tỷ đồng, bằng 99,4% và tăng 4,4%.
- Vốn địa phương quản lý đạt 131,9 nghìn tỷ đồng, bằng 82,4% kế hoạch năm và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2010. Một số địa phương có khối lượng vốn đầu tư thực hiện lớn là: Hà Nội đạt 15231 tỷ đồng, bằng 72,8% kế hoạch năm và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2010; Thành phố Hồ Chí Minh 15106 tỷ đồng, bằng 82,1% và tăng 8,2%; Đà Nẵng 7595 tỷ đồng, bằng 132,5% và tăng 14,2%; Quảng Ninh 4453 tỷ đồng, bằng 87,2% và tăng 0,4%; Thanh Hóa 4092 tỷ đồng, bằng 115,1% và tăng 7,6%; Bình Dương 2760 tỷ đồng, bằng 92,8% và tăng 8,8%.
Thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến 20/11/2011 đạt 12697,4 triệu USD, bằng 83,8% cùng kỳ năm 2010, bao gồm: Vốn đăng ký 9914,5 triệu USD của 919 dự án được cấp phép mới (giảm 25,4% về vốn và giảm 21,3% về số dự án so với cùng kỳ năm trước); vốn đăng ký bổ sung 2782,9 triệu USD của 324 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện mười một tháng năm 2011 ước tính đạt 10,1 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong các ngành kinh tế thu hút vốn đầu tư nước ngoài mười một tháng năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có số vốn đăng ký lớn nhất với 6240,1 triệu USD, bao gồm 4560,3 triệu USD vốn đăng ký mới và 1679,8 triệu USD vốn tăng thêm; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 2526,8 triệu USD, bao gồm 2525,7 triệu USD vốn đăng ký mới và 1,1 triệu USD vốn tăng thêm; ngành xây dựng đạt 1194,5 triệu USD, bao gồm 1002 triệu USD vốn đăng ký mới và 192,5 triệu USD vốn tăng thêm.
Trong mười một tháng, cả nước có 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới, trong đó Hải Dương dẫn đầu về vốn đăng ký với 2497,7 triệu USD, chiếm 25,2% tổng vốn đăng ký; tiếp đến là thành phố Hồ Chí Minh 1918,7 triệu USD, chiếm 19,4%; Bà Rịa-Vũng Tàu 880,8 triệu USD, chiếm 8,9%; Hải Phòng 594,4 triệu USD, chiếm 6%; Hà Nội 513,1 triệu USD, chiếm 5,2%; Tây Ninh 481,4 triệu USD, chiếm 4,9%.
Trong số 52 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam mười một tháng năm 2011, Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) là nhà đầu tư lớn nhất với 2946,7 triệu USD, chiếm 29,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Nhật Bản 1604,8 triệu USD, chiếm 16,2%; Xin-ga-po 1435,3 triệu USD, chiếm 14,5%; CHND Trung Hoa 586,7 triệu USD, chiếm 5,9%; Hàn Quốc 571 triệu USD, chiếm 5,8%; Quần đảo Virgin thuộc Anh 372,8 triệu USD, chiếm 3,8%.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Mười Một và mười một tháng năm 2011
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cấp phép từ 01/01- 20/11/2011
Thu, chi ngân sách nhà nước
Tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến 15/11/2011 ước tính đạt 586,2 nghìn tỷ đồng, bằng 98,5% dự toán năm, trong đó thu nội địa 359,1 nghìn tỷ đồng, bằng 94%; thu từ dầu thô 90,3 nghìn tỷ đồng, bằng 130,3%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu 132,1 nghìn tỷ đồng, bằng 95,2%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước bằng 85,6% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) bằng 86,9%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài nhà nước bằng 93,2%; thuế thu nhập cá nhân bằng 113,5%; thu phí xăng dầu bằng 72,1%; thu phí, lệ phí bằng 80,5%.
Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến 15/11/2011 ước tính đạt 639,1 nghìn tỷ đồng, bằng 88,1% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển 133,2 nghìn tỷ đồng, bằng 87,6% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 127 nghìn tỷ đồng, bằng 87,4%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể 419,5 nghìn tỷ đồng, bằng 89,4%; chi trả nợ và viện trợ 86,4 nghìn tỷ đồng, bằng 100,4%.
Thương mại, giá cả và dịch vụ
Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng mười một tháng năm 2011 ước tính đạt 1814 nghìn tỷ đồng, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 4,1%. Trong tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng mười một tháng, kinh doanh thương nghiệp đạt 1430 nghìn tỷ đồng, chiếm 78,8% tổng mức và tăng 23,6%; khách sạn nhà hàng đạt 204,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,3% và tăng 26,3%; dịch vụ đạt 162,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 9% và tăng 20,6%; du lịch đạt 16,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% và tăng 11,7%.
Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Mười Một và mười một tháng năm 2011
Xuất, nhập khẩu hàng hóa
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Mười Một ước tính đạt 8,6 tỷ USD, tăng 2,5% so với tháng trước và tăng 22% so với cùng kỳ năm 2010. Tính chung mười một tháng năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 87,2 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2010, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 37,8 tỷ USD, tăng 27,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 49,4 tỷ USD, tăng 40,7%.
Kim ngạch hàng hoá xuất khẩu mười một tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước chủ yếu là do đơn giá bình quân hàng xuất khẩu tăng cao, trong đó giá cao su tăng 37,3%; giá hạt tiêu tăng 66,6%; giá cà phê tăng 49,3%; giá hạt điều tăng 45,2%; giá dầu thô tăng 43,6%; giá than đá tăng 17,3%.
Trong mười một tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng chủ lực tăng cao so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Hàng dệt may đạt 12,8 tỷ USD, tăng 28%; dầu thô đạt 6,7 tỷ USD, tăng 51%; giày dép đạt 5,7 tỷ USD, tăng 25,8%; thủy sản đạt 5,5 tỷ USD, tăng 23,1%; máy móc thiết bị phụ tùng đạt 3,6 tỷ USD, tăng 31,9%; gạo đạt 3,5 tỷ USD, tăng 15,9%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,5 tỷ USD, tăng 14,3%; cao su đạt 2,8 tỷ USD, tăng 39,2%; cà phê đạt 2,4 tỷ USD, tăng 52,8%.
Về thị trường xuất khẩu, trong mười tháng năm nay Hoa Kỳ vẫn là thị trường có kim ngạch lớn nhất với 13,9 tỷ USD chiếm 17,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2010. Thị trường EU đạt 13,2 tỷ USD, chiếm 16,8% và tăng 49,3%; thị trường ASEAN đạt 11 tỷ USD, chiếm 14% và tăng 31,6%. Một số thị trường khác cũng có kim ngạch xuất khẩu lớn như Trung Quốc đạt 8,6 tỷ USD; Nhật Bản đạt 8,5 tỷ USD.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Mười Một ước tính đạt 9,3 tỷ USD, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung mười một tháng, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 96,1 tỷ USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2010, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 52,6 tỷ USD, tăng 23%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 43,5 tỷ USD, tăng 30,8%.
Trong mười một tháng năm nay, kim ngạch nhập khẩu nhiều mặt hàng phục vụ sản xuất trong nước tăng cao so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 13,7 tỷ USD, tăng 12,2%; xăng dầu đạt 9,2 tỷ USD, tăng 67,6%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 6,5 tỷ USD, tăng 39,5%; vải đạt 6,1 tỷ USD, tăng 27%; chất dẻo đạt 4,3 tỷ USD, tăng 26,5%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 2,7 tỷ USD, tăng 13,5%; hóa chất đạt 2,4 tỷ USD, tăng 28,9%; sản phẩm hóa chất đạt 2,2 tỷ USD, tăng 18,7%; phân bón đạt 1,6 tỷ USD, tăng 53,9%.
Về thị trường nhập khẩu mười tháng năm 2011, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 19,6 tỷ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ. Tiếp đến là thị trường ASEAN đạt 17,6 tỷ USD, tăng 34,5%; Hàn Quốc đạt 10,4 tỷ USD, tăng 36,8%; Nhật Bản đạt 8,4 tỷ USD, tăng 16%; EU đạt 6,1 tỷ USD, tăng 20,2%; Hoa Kỳ đạt 3,6 tỷ USD, tăng 22 %.
Nhập siêu hàng hóa tháng Mười Một ước tính đạt 700 triệu USD, bằng 8,1% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Nhập siêu mười một tháng năm nay ước tính 8,9 tỷ USD, bằng 10,2% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Nếu loại trừ yếu tố vàng thì nhập siêu hàng hóa mười một tháng năm nay ước tính 9,2 tỷ USD, bằng 10,8% kim ngạch xuất khẩu.
Hàng hoá xuất khẩu tháng Mười Một và mười một tháng năm 2011
Hàng hoá nhập khẩu tháng Mười Một và mười một tháng năm 2011
Chỉ số giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2011 tăng 0,39% so với tháng trước, trong đó các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng cao hơn mức tăng chung là: Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,65%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,61%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,56% (lương thực tăng 3,25%; thực phẩm giảm 0,26%). Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm là: Đồ uống và thuốc lá tăng 0,25%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,2%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,12%; giáo dục tăng 0,08%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,02%; nhóm giao thông và nhóm bưu chính viễn thông cùng giảm 0,01%.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2011 tăng 17,5% so với tháng 12/2010 và tăng 19,83% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân mười một tháng năm nay tăng 18,62% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá vàng tháng 11/2011 tăng 0,27% so với tháng trước; tăng 25,31% so với tháng 12/2010 và tăng 32,11% so với cùng kỳ năm 2010. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 11/2011 tăng 0,69% so với tháng trước; tăng 2,22% so với tháng 12/2010 và tăng 5,14% so với cùng kỳ năm 2010.
Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ tháng Mười Một năm 2011
Vận tải hành khách và hàng hóa
Vận tải hành khách mười một tháng năm 2011 ước tính đạt 2586,6 triệu lượt khách, tăng 14,4% và 110 tỷ lượt khách.km, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2010, bao gồm: Vận tải trung ương đạt 38,0 triệu lượt khách, tăng 10,4% và 25,2 tỷ lượt khách.km, tăng 8,9%; vận tải địa phương đạt 2548,6 triệu lượt khách, tăng 14,5% và 84,7 tỷ lượt khách.km, tăng 12,2%. Vận tải hành khách đường bộ mười một tháng ước tính đạt 2381,6 triệu lượt khách, tăng 14,8% và 82,7 tỷ lượt khách.km, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước; đường sông đạt 175,7 triệu lượt khách, tăng 9,8% và 3,7 tỷ lượt khách.km, tăng 14,8%; đường hàng không đạt 12,4 triệu lượt khách, tăng 10,5% và 19,1 tỷ lượt khách.km, tăng 9,2%; đường biển đạt 6,1 triệu lượt khách, tăng 2,2% và 372,9 triệu lượt khách.km, tăng 3,4%; đường sắt đạt 10,8 triệu lượt khách, tăng 2,5% và 4 tỷ lượt khách.km, tăng 2,8%.
Vận tải hàng hóa mười một tháng ước tính đạt 734,9 triệu tấn, tăng 11,9% và 194 tỷ tấn.km, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vận tải trong nước đạt 693,3 triệu tấn, tăng 12,5% và 63,7 tỷ tấn.km, tăng 7,2%; vận tải ngoài nước đạt 41,7 triệu tấn, tăng 4,1% và 130,2 tỷ tấn.km, giảm 5%. Vận tải hàng hoá đường bộ đạt 564,5 triệu tấn, tăng 12,8% và 30,6 tỷ tấn.km, tăng 11,1%; đường sông đạt 114,2 triệu tấn, tăng 11,7% và 14 tỷ tấn.km, tăng 14,7%; đường biển đạt 49,5 triệu tấn, tăng 5% và 145,2 tỷ tấn.km, giảm 4,8%; đường sắt đạt 6,7 triệu tấn, giảm 6,5% và 3,8 tỷ tấn.km, tăng 6,1%.
Vận tải hành khách và hàng hoá mười một tháng năm 2011
Bưu chính, viễn thông
Số thuê bao điện thoại phát triển mới mười một tháng năm 2011 đạt 10,4 triệu thuê bao, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2010, bao gồm 45,5 nghìn thuê bao cố định, giảm 77,2% và 10,4 triệu thuê bao di động, giảm 9,5%. Số thuê bao điện thoại cả nước tính đến cuối tháng 11/2011 ước tính đạt 131,7 triệu thuê bao, tăng 4,4% so với cùng thời điểm năm trước, bao gồm 15,5 triệu thuê bao cố định, tăng 0,1% và 116,2 triệu thuê bao di động, tăng 4,9%.
Số thuê bao internet băng rộng trên cả nước tính đến cuối tháng 11/2011 ước tính đạt 4,2 triệu thuê bao, tăng 16,3% so với cùng thời điểm năm trước. Số người sử dụng internet tại thời điểm cuối tháng 11/2011 ước tính đạt 32,3 triệu người, tăng 20,1% so với cùng thời điểm năm trước. Tổng doanh thu thuần bưu chính, viễn thông mười một tháng ước tính đạt 147,6 nghìn tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2010.
Khách quốc tế đến Việt Nam
Khách quốc tế đến nước ta mười một tháng năm 2011 ước tính đạt 5330,6 nghìn lượt người, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng đạt 3221,9 nghìn lượt người, tăng 13%; đến vì công việc 887,3 nghìn lượt người, giảm 4,8%; thăm thân nhân đạt 889,6 nghìn lượt người, tăng 71%. Khách quốc tế đến nước ta bằng đường hàng không là 4465,4 nghìn lượt người, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2010; đến bằng đường biển 32,2 nghìn lượt người, giảm 30%; đến bằng đường bộ 833 nghìn lượt người, giảm 2,9%.
Trong mười một tháng năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam từ hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ đều tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Trung Quốc đạt 1241,4 nghìn lượt người, tăng 49%; Hàn Quốc 473,1 nghìn lượt người, tăng 5,1%; Nhật Bản 425,6 nghìn lượt người, tăng 6,8%; Hoa Kỳ 398,7 nghìn lượt người, tăng 0,8%; Cam-pu-chia 376,4 nghìn lượt người, tăng 61%; Đài Loan 326,4 nghìn lượt người, tăng 6,5%; Ôx-trây-li-a 260 nghìn lượt người, tăng 3,4%; Ma-lai-xi-a 206 nghìn lượt người, tăng 9,9%; Pháp 186,5 nghìn lượt người, tăng 2,3%.
Khách quốc tế đến Việt Nam tháng Mười Một và mười một tháng năm 2011
Một số vấn đề xã hội
Thiếu đói trong nông dân
Trong tháng 11/2011, cả nước có 14,6 nghìn hộ thiếu đói, giảm 59,3% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 64,3 nghìn nhân khẩu thiếu đói, giảm 57,6%. Tính chung mười một tháng, cả nước có 609,6 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 18,6% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 2563 nghìn lượt nhân khẩu bị thiếu đói, giảm 12%. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm các cấp, các ngành và địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 16,9 nghìn tấn lương thực và 9,2 tỷ đồng.
Tình hình dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm
Trong tháng Mười Một, trên địa bàn cả nước đã có 18,7 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó 23 trường hợp tử vong; 17,8 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, 8 trường hợp tử vong; 1,4 nghìn trường hợp mắc bệnh viêm gan virút; 65 trường hợp mắc bệnh viêm não virút, 3 trường hợp tử vong; 111 trường hợp mắc thương hàn và 25 trường hợp mắc cúm A (H1N1), 3 trường hợp tử vong. Tính chung mười một tháng năm nay, cả nước có 90,2 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó 153 trường hợp tử vong; gần 60 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, 52 trường hợp tử vong; 8,5 nghìn trường hợp mắc bệnh viêm gan virút, 2 trường hợp tử vong; 979 trường hợp mắc bệnh viêm não virút, 21 trường hợp tử vong; 649 trường hợp mắc thương hàn và 759 trường hợp mắc cúm A (H1N1), 17 trường hợp tử vong.
Cũng trong tháng 11/2011, trên địa bàn cả nước đã phát hiện thêm 1,5 nghìn trường hợp nhiễm HIV, nâng tổng số người nhiễm HIV cả nước tính đến giữa tháng 11/2011 lên 274,5 nghìn người, trong đó 100,2 nghìn trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 51,8 nghìn người tử vong do AIDS.
Tình trạng vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Trong tháng có 5 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn các tỉnh gồm: Bắc Ninh, Bắc Kạn, Đồng Nai, Tiền Giang và An Giang làm 170 người bị ngộ độc. Tính từ đầu năm, trên địa bàn cả nước xảy ra 98 vụ ngộ độc thực phẩm làm 4,6 nghìn người bị ngộ độc, trong đó 16 người tử vong.
Tai nạn giao thông
Trong tháng 10/2011 trên địa bàn cả nước đã xảy ra 1034 vụ tai nạn giao thông, làm chết 849 người và làm bị thương 764 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giảm 13,8%; số người chết giảm 15,3%; số người bị thương giảm 13,5%. Tính chung mười tháng, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 11 nghìn vụ tai nạn giao thông, làm chết 9,3 nghìn người và làm bị thương 8,4 nghìn người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 1,6%, số người chết giảm 1,3%, số người bị thương tăng 2,3%. Bình quân một ngày trong mười tháng năm nay, cả nước xảy ra 36 vụ tai nạn giao thông, làm chết 31 người và làm bị thương 28 người.
Thiệt hại do thiên tai gây ra
Theo báo cáo sơ bộ, thiên tai xảy ra trong tháng đã làm 47 người chết và mất tích; 235 ngôi nhà bị sập và cuốn trôi; hơn 157 nghìn ngôi nhà bị ngập, tốc mái; 17,2 nghìn ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hỏng. Các địa phương bị thiệt hại nặng là: Thừa Thiên - Huế, Long An, Quảng Nam và Kiên Giang với tổng số 33 người chết và mất tích; 143,9 nghìn ngôi nhà bị ngập; 16,1 nghìn ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong tháng 11/2011 ước tính hơn 1,6 nghìn tỷ đồng, trong đó Thừa Thiên - Huế thiệt hại 721,6 tỷ đồng, Long An 623,7 tỷ đồng.
Nguồn: TỔNG CỤC THỐNG KÊ